Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 9, 2019

LỖI KỸ THUẬT TRONG HAI BẢN NHẠC CỦA ĐỨC HUY | Phạm Đức Nhì



LỖI KỸ THUẬT TRONG HAI BẢN NHẠC CỦA ĐỨC HUY

Phạm Đức Nhì

Ăn Sáng Và Nghe Nhạc

Đang ăn sáng ở một quán bình dân, trong khu rất đông người Việt thuộc giới thợ thuyền gần Houston thì băng nhạc của quán phát ra tiếng hát của Đức Huy. Anh hát bản Yêu Em Dài Lâu do chính anh sáng tác. Bản nhạc có điệp khúc cũng được dùng làm đoạn kết:

Anh muốn yêu em dài lâu
Anh muốn yêu em đậm sâu
Anh đã thương em từ lâu
Anh muốn yêu em dài lâu. (1)


Nghe xong bản nhạc, 2 bạn trẻ bàn bên cạnh có trao đổi ngắn như sau:

“Sao tao nghe câu ‘Anh muốn yêu em đậm sâu’ có cái gì đó kỳ kỳ; hình như 2 chữ ‘đậm sâu’ sượng quá.”

Ờ! Tao cũng thấy vậy. “Yêu đậm sâu” có vẻ không ổn về ngữ pháp. Nhưng bản nhạc hay thì chút “sượng” đó cũng chỉ như “cộng rác”, mày để ý làm gì cho mệt.

Tôi cũng nhận thấy ngay điều ấy, nhưng là “kẻ xa lạ” nên không tiện góp chuyện.

“Yêu Em Đậm Sâu” Đúng Hay Sai?

Về nhà, vào Google thì thấy tự điển Việt - Việt của rung.vn (2) cho biết “đậm sâu” (đồng nghĩa với “sâu đậm”) là tĩnh từ (adjective), có nghĩa là:

sâu sắc và đậm đà

Thí dụ:

ân tình sâu đậm
để lại dấu ấn sâu đậm

Cho nên câu hát “Anh muốn yêu em đậm sâu” đã sai văn phạm. “Đậm sâu” là tĩnh từ. Nhiệm vụ của nó là bổ nghĩa cho danh từ, không thể dùng để bổ nghĩa cho động từ “yêu” được. Có thể thay thế “đậm sâu” bằng “tha thiết”, “say đắm” hoặc một trạng từ khác. Không tìm được chó mà cứ đè mèo ra bắt nó làm chuyện sai quấy thì tội nó quá.


Yêu Em Chứa Chan?

Tôi chợt nhớ đến một ca khúc khác của Đức Huy cũng có cái “kỳ kỳ, sượng sượng” ở 2 chữ cuối của điệp khúc – cũng được dùng làm đoạn kết (kiêm CODA). Đó là 2 chữ “chứa chan” trong bài Và Tôi Cũng Yêu Em:

Và tôi cũng yêu em.
Và tôi cũng yêu em.  
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn 
Yêu em chứa chan.
(Và Tôi Cũng Yêu Em, Đức Huy, sáng tác năm 1984) (3)

Theo wiktionary.org thì “chứa chan” là tĩnh từ (adjective) có nghĩa là:

1/ Quá đầy do chứa nhiều đến mức tràn ra.

Chị Dậu lại chứa chan nước mắt (Tắt đèn) .
Mưa nhiều ao hồ chứa chan nước.

2/ (Tình cảm) Đậm đà, thắm thiết và sâu nặng.

Chứa chan tình thương.
Hi vọng chứa chan.
Những tháng ngày chứa chan hạnh phúc. (4)

 “Chứa chan” là tĩnh từ nên không thể bổ nghĩa cho động từ “yêu” được. Phải thay thế “chứa chan” bằng một trạng từ (adverb) mới đúng văn phạm.

Thử Tìm Lời Giải Thích

Tôi không nghĩ là tác giả - một người đã tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa (5) - lại không biết nguyên tắc văn phạm sơ đẳng này. Theo tôi, trong lúc cao hứng thả hồn theo dòng nhạc, cũng giống như trong bài Yêu Em Dài Lâu ở trên, để giữ vần và giúp âm điệu êm tai, truyền cảm,  anh đã quay hẳn về phía nhạc mà lơ là phần vóc dáng của ca từ. Và vì lơ là, anh đã phạm lỗi kỹ thuật khá nặng. Đặc biệt, trường hợp Và Tôi Cũng Yêu Em, “chứa chan” lại là 2 chữ cuối của bản nhạc, thường lưu lại ấn tượng khá lâu trong tâm hồn người nghe, nên lỗi kỹ thuật ấy đã làm người thưởng thức có trình độ cảm thấy chối tai, khó chịu.

Kết Luận

Theo Wikipedia Tiếng Việt (5) thì từ năm 2004 đến nay, Đức Huy đã nhiều lần về nước biểu diễn, xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc và đã tổ chức liveshow riêng. Anh rất được giới trẻ trong nước hâm mộ và yêu mến.

Đồng ý lỗi kỹ thuật trong 2 ca khúc trên chỉ như một cộng rác. Có điều đây là cộng rác rất độc hại. Việc đánh đồng tĩnh từ với trạng từ trong ngôn ngữ nghệ thuật sẽ làm héo úa cánh đồng Văn Chương rất nhanh chóng. Hơn nữa, nhạc (cả âm điệu và nhịp điệu) lại hay nên dễ dàng xuyên thủng “bức tường đề kháng” của người nghe để mang cộng rác độc hại đó đi thẳng vào tâm hồn họ.

Nếu không lên tiếng cảnh báo thì lâu ngày cộng rác sẽ thành bãi rác. Số người bị đầu độc không phải chỉ hàng trăm, hàng ngàn mà có khi lên đến hàng vạn hoặc nhiều hơn nữa.

Nguy hiểm là ở chỗ đó.

Phạm Đức Nhì


Chú Thích:





READ MORE - LỖI KỸ THUẬT TRONG HAI BẢN NHẠC CỦA ĐỨC HUY | Phạm Đức Nhì