Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 9, 2019

NGƯỜI ĐI RỒI (2) | Thơ Trương Thị Thanh Tâm

Tác giả Trương Thị Thanh Tâm
NGƯỜI ĐI RỒI (2)
Trương Thị Thanh Tâm
         
Cà phê ngụm chia đôi hai nỗi nhớ
Người đi rồi ngày tháng quá đơn côi
Người đi rồi nỗi nhớ vẫn không nguôi
Người về đi, tình đừng xa lâu quá

Gío mùa nầy, vẫn lạnh chẳng ấm đâu
Hãy mau về, về nhanh nhanh người nhé
Chưa bao giờ ta xa lâu đến thế
Má phai hồng môi đã nhạt vị hôn

Đêm vẫn nhớ mùi hương người hòa quỵên
Khói thuốc quẩn quanh hơi thở nồng thơm
Cho thêm nhớ và mong ngày hạnh ngộ
Nỗi đợi chờ buồn ơi theo tháng năm

Tôi sợ lắm Bình Dương nhiều kỷ niệm
Trói chân người qua từng những con đường
Người sẽ quên tôi trái tim bé bỏng
Những đêm dài nghe tiếng nói thân thương

Thơ tình ảo người đừng ghen vô lối
Để giận hờn trôi hết những ngày vui
Yêu thì tin để tình còn nồng ấm
Lệ cạn rồi không thể khóc người ơi!

Cứ lâu lâu người kiếm cớ dỗi hờn
Làm phụ nữ năn nỉ hoài cũng chán
Tình tri kỷ người tìm đâu dễ có
Người hiểu gì với hai chữ tri âm!
           Trương Thị Thanh Tâm
                       Mỹ Tho


READ MORE - NGƯỜI ĐI RỒI (2) | Thơ Trương Thị Thanh Tâm

HƠI THỞ CỦA HUẾ TRONG “VỀ LẠI HUẾ” THƠ BỊCH LIÊN NGUYỄN - Châu Thạch

Bích Liên Nguyễn


HƠI THỞ CỦA HUẾ TRONG
“VỀ LẠI HUẾ” THƠ BÍCH LIÊN NGUYỄN
                                Châu Thạch


VỀ LẠI HUẾ
Bích Liên Nguyễn

Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở
Ngắm Hương giang chợt nhớ tóc ai bồng
Trong mỗi vườn chẳng còn lá mùa xưa
Trên đường cũ vắng bóng người quen biết
Đi lang thang suốt trưa không biết mệt
Cầu Trường Tiền dốc Bến Ngự chợ Đông Ba
Muốn hỏi thăm từng vườn cũ căn nhà
Họ bây giờ đang sống là ai đấy
Mimosa sân trường vàng tươi như trước
Lá vẫn xanh trên hàng đoác hàng me
Đồng Khánh trường xưa dù đã thay tên
Sao quên được thầy cô bè bạn cũ
Thừa Phủ bến đò những ngày đi học
Trôi về dĩ vãng như cổ tích xưa
Nhớ những ngày ai đón ai đưa
Tình vẫn cứ trinh nguyên trang giấy trắng
Nghĩ ngày mai mình như chim sãi cánh
Góp thêm tháng ngày xa xôi cách trở
Ngẫm lại mình có điều chi lầm lỡ
Răng bây chừ lạc lõng chốn thân thương?
           
           ( Huế một lần về thăm)

Tản Mạn của Châu Thạch:

Bích Liên Nguyễn không làm thơ, đây có lẽ là một trong vài bài thơ cảm tác bất ngờ trong đời chị. Chị là chị họ của vợ tôi và phu nhân của người bạn cùng học với tôi tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Anh Nguyễn Bá Trình chồng chị, là một thầy giáo tài hoa, tài hoa vì ngoài nhà mô phạm ra, anh còn là một văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ  đã xuất bản nhiều sách, vẽ nhiều tranh được mến mộ. Cặp vợ chồng nầy thì đồng môn Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn không mấy ai không biết vì là họ sinh hoạt thường xuyên với hội, phong cách hiền hòa, tao nhã, vui vẽ và hào hoa. Những bữa cơm của Liên Trình chiêu đãi đồng môn chỉ  đơn sơ ba hoặc bốn mốn thôi, nhưng ăn vào thì nhớ, mà nhớ thì muốn quay lại thưởng thức tài nấu nướng tinh hoa mang đậm  “bản sắc quê nhà” của chị. Bởi thế nhà Liên Trình luôn có khách. Học trò cũ, bạn đồng môn, văn thi hữu, ai đến nhà Liên Trình, khi ra về cũng thấy lòng vui và tâm hồn thư thái.

Đọc “Về Lại Huế”, tôi vui thấy bà chị mình cũng biết làm thơ, vì vậy ai có nói “mèo khen mèo dài đuôi” thì chắc chị ấy và tôi cũng vui lòng mà công nhận. Thế nhưng thử để ý xem, cái đuôi nầy cũng lung linh đẹp và dễ thương lắm chứ!

Chỉ cần đọc hai câu thơ vào đề “Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở/Ngắm Hương Giang chợt nhớ tóc ai bồng” thì hình ảnh Huế từ trăm năm xưa cho đến ngày nay chợt như có hồn, hồn ấy hiện hữu ngay trong lòng ta. Lăng là công trình xây dựng để cất giữ thi hài của vua chúa tại Huế. Miếu là chốn để thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian ở đất thân kinh. Cái tứ thơ “còn nghe hơi ai thở” của Bích Liên Nguyễn khi đi ngang qua chốn lăng miếu gây cho ta một chút rờn rợn, một chút u hoài nhưng cũng làm cho ta cảm nhận được cái hồn Huế của một thời huy hoàng xa xưa còn sống đó. Cái tứ thơ “tóc ai bồng” như dòng Hương Giang phả vào lòng sự êm ái của những kỷ niệm gần đây còn rất rõ ở trong hồn. Chỉ với hai câu thơ, Bích Liên Nguyễn đã gợi lên trong lòng ta hình ảnh cố đô rêu mốc và ký ức thân thương của tháng ngày trên đất Huế, cho ta quay lại trong dòng sông ký ức của những ai từng ở Huế hay chỉ biết Huế qua sách vở đều có cảm nhận thân quen với chốn nầy.

Khi viết bài thơ “Trên Đường Về” một thị thành bị rời bỏ của giống dân Hời, nhà thơ chế lan Viên đã viết: “Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian”. Tiếng thơ nghe thật là bi thảm, linh hồn thị thành vẫn còn sống nên mới phải “gầy mòn vì mong đợi”. Cũng thể ấy. Bích Liên Nguyễn nói về một cố đô mà linh hồn năm xưa còn đó, cũng gầy mòn vì mong đợi, khác chăng là tiếng thơ của chị không khóc than sầu muộn như nhà thơ họ Chế mà thôi:

Qua lăng miếu còn nghe hơi ai thở
Ngắm Hương giang chợt nhớ tóc ai bồng
Trong mỗi vườn chẳng còn lá mùa xưa
Trên đường cũ vắng bóng người quen biết

Nhà thơ trở về Huế, không những chỉ  đối mặt với “lối xưa xe ngựa/ nền cũ lâu đài” tịch liêu mà còn đối mặt với con người xa lạ, chẳng khác chi ngày xưa Từ Thức từ non tiên quay về chốn cũ, thấy cây đa mình trồng còn đó, nhưng người thân quen thì chẳng có một ai:

Đi lang thang suốt trưa không biết mệt
Cầu Trường Tiền dốc Bến Ngự chợ Đông Ba
Muốn hỏi thăm từng vườn cũ căn nhà
Họ bây giờ đang sống là ai đấy

Cô nữ sinh Đồng Khánh năm xưa đi giữa Huế ban ngày, nhưng có lẽ tâm trạng cô lúc đó chẳng khác chi là “Đi lang thang khuya lắt khuya lơ/ Đèn nhà ai tắt sớm”. Mọi thứ đều xa lạ với cô nên cô quay về nơi mà cô tưởng “còn một chút gì để nhớ để thương”. Thế nhưng:

Mimosa sân trường vàng tươi như trước
Lá vẫn xanh trên hàng đoác hàng me
Đồng Khánh trường xưa dù đã thay tên
Sao quên được thầy cô bè bạn cũ

Thừa Phủ bến đò những ngày đi học
Trôi về dĩ vãng như cổ tích xưa
Nhớ những ngày ai đón ai đưa
Tình vẫn cứ trinh nguyên trang giấy trắng

Hoa mimosa là loài hoa đẹp, thân gỗ lớn, với những chùm hoa vàng rực rỡ kiêu sa đầy quyến rũ, nổi bật trên nền lá xanh lấp lánh ánh bạc. Hoa mimosa tượng trưng cho tình yêu thầm kín và sự cảm thông sâu sắc. Hoa nở liên tục kéo dài từ cuối tháng 10 tới hết mùa Xuân. Đúng như ý Bích Liên Nguyễn, cảnh cũ vẫn còn, hoa vẫn đẹp nhưng trường đã thay tên. Niềm đau nầy có lẽ ai là học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị sẽ đồng cảm nhiều với thơ vì đã mang nó trong tim mình suốt trên 40 năm nay .

Tác giả đã để tứ thơ hoa Mimosa vàng tươi và lá xanh trên hàng đoác hàng me như tưởng niệm lại hình ảnh cúa những năm tháng học trò tốt đẹp của đời mình năm xưa. Thế rồi “Đồng khánh trường xưa dầu đã thay tên” khiến cho sự hụt hẩng như rơi vào vực sâu thẳm trong lòng người. Nhà thơ vớt vát bằng câu “Sao quên được thầy cô bè bạn cũ”, thế nhưng nó là một câu thơ thay lời oán trách, như nhắn nhủ những ai đã thay tên đổi họ những mái trường, những con đường, rằng họ có thể thay cả thế gian nhưng không thay được tấm lòng bao giờ.

Tác giả nhắc lại bến đò Thừa Phủ, nơi các nữ sinh được người yêu mình đón đưa mỗi ngày qua lại trên sông Hương. Thứ tình đó nên thơ đầu đời và trong trắng  nên sẽ tồn tại mãi mãi như một trang giấy học trò chưa viết chữ lên. Toàn bộ hai khổ thơ êm ái như cung đàn đang dạo trong lòng cô liêu của Huế bây giờ, trên từng bước chân đi của người quay về, để tưởng nhớ một Huế xa xưa.

Suốt một ngày đi lang thang nhà thơ không khóc, chị khóc khi chiều đến với những dằn vặt rong lòng về những lỗi lầm không phải của mình. Đó cũng là ý thơ rất lạ và đẹp trong tâm hồn một cô nữ sinh Đồng Khánh đã từng hưởng một nền giao dục rất nhân văn:

Nghĩ ngày mai mình như chim sãi cánh
Góp thêm tháng ngày xa xôi cách trở
Ngẫm lại mình có điều chi lầm lỡ
Răng bây chừ lạc lõng chốn thân thương?

Tác giả không trách đời, không trách người, ngẫm lại mình, cho mình đã từng làm gì lẫm lỡ, để phải ngày nay lạc lõng giữa lòng Huế thân thương.Tác giả mang hoàn toàn tấm lòng của người phụ nữ Huế, một tấm lòng hy sinh, vị tha, yêu thương, nhận chịu hết cho mình, tha thứ và không oán trách bao giờ. Tấm lòng đó thật đáng kính phục nhưng không khuyến khích ở thời đại nầy vì nó đem hạnh phúc cho tha nhân nhưng nó nhận lảnh biết bao thiệt thòi về mình.
Huế có hàng ngàn bài thơ về Huế. “Về Lại Huế” của Bích Liên Nguyễn cũng giống như hạt muối giữa lòng biển khơi. Thế nhưng nếu ta vớt nó lên và ném thử nó, thì vị cúa biển cũng thấm vào đầu lưỡi ta, và bằng trí tưởng tượng  ta thấy được cả ngàn khơi với bao điều thú vị trong thơ ./.  
                                     Châu Thạch

 

READ MORE - HƠI THỞ CỦA HUẾ TRONG “VỀ LẠI HUẾ” THƠ BỊCH LIÊN NGUYỄN - Châu Thạch

ĐỌC “TÌNH MỘNG” THƠ PHAN QUỲ | Bình ngắn | Châu Thạch

 Phan Quỳ


ĐỌC “TÌNH MỘNG” THƠ PHAN QUỲ
Bình ngắn: Châu Thạch

Lạ thật, bài thơ nào viết về Quảng Trị thì tôi đều thấy yêu quý, vì nó đem tôi trở về thị xã mà tôi đã sống một thời thanh xuân ở đó, nhất là thơ của phái nữ. Cũng lạ thật, hôm nay tôi đọc một bài thơ không thấy nói về Quảng Trị, thế mà làm sao tôi lại, đọc đến đâu nhớ về Quảng Trị đến đó. Chắc có lẽ vì bài thơ đăng trên dòng thơi gian facebook của Đồng Môn một ngôi trường tại thị xã năm xưa tôi sống chăng? ngôi trường đó có tên là Nguyễn Hoàng, đã tan vào cõi mộng, chỉ còn trong ký ức biết bao người. Chắc có lẽ vì tác giả là một người đẹp nữ sinh trường Nguyễn Hoàng chăng? Vâng, chắc có lẽ vì hai điều đó, nhưng trên hết là vì, bài thơ gây cho tôi những cảm xúc thăng hoa về những trìu mến, êm đềm và quyến luyến của thơ. “Tình Mộng” của  tác giả Phan Quỳ đã đưa tôi vào một cõi mộng đã từng có thật trong đời:

Tôi muốn viết, viết đôi dòng nhỏ bé
Gió cuốn đi lên mấy cõi mây trời
Tôi muốn nói, nói mấy lời nhỏ nhẹ
Đến với đời, với người thương mến tôi.

Không mấy ai không biết “Để gió cuôn đi” trong ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn :
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
                 (Để Gió Cuốn Đi)

Phan Quỳ cũng có một tấm lòng như thế, nhưng cô không chỉ để gió cuốn đi vu vơ như lời bản nhạc kia. Nhà thơ cũng giống như nhạc sĩ, cô viết tấm lòng mình lên giấy, để gió cuốn đi, gởi tấm lòng mình lên “mấy cõi mây trời”, nghĩa là cũng theo “mây qua dòng sông” khi “ngày lên hay đêm xuông mênh mông” như Trịnh Công Sơn. Thế nhưng khác hơn, Phan Quỳ còn “muốn nói” lên tấm lòng mình, để đem những điều tốt đẹp “Đến với đời, với người thương mến tôi”. Nhà thơ không những gởi tấm lòng mình vào cõi vô vi, hòa nhập với đất trời mà còn truyền thông trực tiếp nó đến tha nhân, phổ biến nó vào đời, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thế rồi viết và nói chưa đủ, nhà thơ hát lên những điều đó, để tiếng hát của mình ru vào lòng thế nhân, khiến lòng người trở nên êm ái như bước đi trên lối cỏ non mềm:

Tôi muốn hát, hát bài ca đẹp đẽ
Gởi nhân hoà, nhân ái lên đôi môi
Em hãy bước, bước cùng tôi thật khẽ
Cỏ non mềm, sương đẫm lá me rơi.

Lời thơ là những triết lý sống cao siêu nhưng tiếng thơ thì trẻ cô cùng. Đọc nó ta nghe có tiếng nhạc trong bước chân của học sinh, sinh viên trên những con đường cỏ non mềm, có sương đẩm và có lá me rơi.

Thế rồi Phan Quỳ quay về quá khứ với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của một thời son trẻ. Nhà thơ muốn ngắm tranh em vẽ, muốn nhìn dáng em ngồi, đọc được những điều  em ước muốn trong đầu:

Tôi muốn ngắm, ngắm bức tranh em vẽ,
Có yên bình, có hình dáng em, tôi
Có nắng mưa và bao nỗi buồn vui
Có khoảng lặng và ồn ào sóng vội.
Tôi muốn đứng, đứng nhìn em lặng lẽ
Dưới trời chiều, tóc rối , mắt chơi vơi
Em trông ngóng những điều tôi đã biết
Mấy nghẹn ngào, mấy hờn tủi xa xôi.

Bằng hai khổ thơ với lời lẽ ôn tồn, tác giả đã vẽ một khung cảnh êm đềm, một hình bóng thân thương, gợi hình và ảnh trong lòng ta, cho tâm tư người đọc lắng vào  một cõi hạnh phúc vô biên. Sự bình yên có hình dáng em, những nắng mưa, khoảng lặng và ồn ào sóng vội, cho đến mây nghẹn ngào và hờn tủi xa xôi đều như những bức tranh nghệ thuật, vẽ ước lệ mà nhà thơ đặt liên tiếp cạnh nhau, có tác dụng gợi lên cảm nhận và thấm thấu vào lòng tất cả không gian và thời gian rất đẹp trong đời.

 Phan Quỳ muốn hạnh phúc đến cả cuối cuộc đời. Nhà thơ chấp nhận hết mọi buồn vui trong cuộc sống, đón nhận sự chết với sự lạc quan như đón nhận thứ ánh sáng buổi chiều có đàn chim sẻ đem niềm vui đến trong tiếng hót lánh lót bên hiên nhà:
Tôi muốn sống, sống như lòng mong đợi
Cuối đường trần với sáng hết chiều thôi
Có nước mắt rơi và vang vọng tiếng cười
Đàn chim sẻ về bên nhà lảnh lót.

Thế rồi, những ước muốn lên cao sẽ đưa người đến mộng tưởng. Phan Qùy mộng tưởng những điều tốt đẹp mình sẽ làm cho em:

Tôi chợt muốn, muốn mình là ai khác
Dẫn em đi trên mọi nẽo đường đời
Có hoa vàng có nắng trải nơi nơi
Lau dòng lệ trên mắt em ngày tháng
Tôi chỉ muốn đời em thôi sầu đắng
Mỉm môi cười dẫu thương nhớ khôn nguôi.
Tôi chỉ muốn ngày mai trời lại sáng
Tóc em dài như tình mộng trong tôi...

Cái “chợt muốn” đến trong tâm hồn chính là sự mộng tưởng do sự mơ ước lâu ngày mà nó bất ngờ hiện hình trong tâm tưởng một phút giây nào đó. Tác giả đã muốn gởi những tấm lòng mình “lên cõi mây trời”, đã muôn nói tấm lòng mình “Với đời, với người thương mến’ chưa đủ, bây giờ tác giả muốn mọi cái ấy trở thành hiện thực. Hai khổ thơ cuối tác giả cũng dùng chữ “muốn”, nhưng chữ muốn ở đây đã biến thành nỗi khao khát. “Chợt muốn” tức là nó đến tức thì, nó hiện hửu ngay trong tâm khảm, nó là điều cần phải có mà ta mới nhận ra.Vậy thì hai khổ thơ cuối để nhấn mạnh những điều ước mơ đã thành bức xúc trong lòng.

Nhà thơ dùng chữ “em”, ngôi thứ ba số ít trong bài thơ nầy và lấy cái tựa đề là “Tình Mộng”. Vậy đây hiểu là một bài thơ tình, một thứ tình chị em hay một thứ tình trai gái tùy ở ý thích của mỗi người. Với tôi, tôi lại nghĩ đến một thứ tình bao la mà nhà thơ đã ước muốn cho tất cả em gái trên quê hương đã có một thời vàng son và một thời cay đắng, nơi đó tôi và tác giả bài thơ đã từng sống một thời đã qua, một thời biết mơ mộng và biết yêu đương.
Toàn bộ bài thơ là những điều ước muốn, ý thơ cũng bình dị như mơ ước đẹp của một tấm lòng, tứ thơ quen không lạ, nhưng tiếng thơ thì vỗ về như lời ru êm áí. Bài thơ không để tấm lòng cho gió cuốn đi vào vô định, mà tấm lòng đó tác giả đem làm đẹp khung trời quá khứ, tô thắm khung trời tương lai bằng ý muốn vô cùng nhân bản. Tôi đọc thơ, tôi nhớ đến những người em của trường Bồ Đề, Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng và cả những người em khác, nơi thị xã Cổ Thành tôi đã sống năm xưa. Tôi yêu tất cả họ và tôi nghĩ mình đồng cảm vơi nhà thơ vì cả hai cùng có thứ tình yêu ngọt ngào như thế./.
                                         Châu Thạch 


TÌNH MỘNG

Tôi muốn viết, viết đôi dòng nhỏ bé
Gió cuốn đi lên mấy cõi mây trời
Tôi muốn nói, nói mấy lời nhỏ nhẹ
Đến với đời, với người thương mến tôi.
Tôi muốn hát, hát bài ca đẹp đẽ
Gởi nhân hoà, nhân ái lên đôi môi
Em hãy bước, bước cùng tôi thật khẽ
Cỏ non mềm, sương đẫm lá me rơi.
Tôi muốn ngắm, ngắm bức tranh em vẽ,
Có yên bình, có hình dáng em, tôi
Có nắng mưa và bao nỗi buồn vui
Có khoảng lặng và ồn ào sóng vội.
Tôi muốn đứng, đứng nhìn em lặng lẽ
Dưới trời chiều, tóc rối , mắt chơi vơi
Em trông ngóng những điều tôi đã biết
Mấy nghẹn ngào, mấy hờn tủi xa xôi.
Tôi muốn sống, sống như lòng mong đợi
Cuối đường trần với sáng hết chiều thôi
Có nước mắt rơi và vang vọng tiếng cười
Đàn chim sẻ về bên nhà lảnh lót.
Tôi chợt muốn, muốn mình là ai khác
Dẫn em đi trên mọi nẽo đường đời
Có hoa vàng có nắng trải nơi nơi
Lau dòng lệ trên mắt em ngày tháng
Tôi chỉ muốn đời em thôi sầu đắng
Mỉm môi cười dẫu thương nhớ khôn nguôi.
Tôi chỉ muốn ngày mai trời lại sáng
Tóc em dài như tình mộng trong tôi...


                       Phan Quỳ
READ MORE - ĐỌC “TÌNH MỘNG” THƠ PHAN QUỲ | Bình ngắn | Châu Thạch

NHỚ SUÔNG | Thơ tình Lục bát 2019 | LÊ KIM THƯỢNG


Thơ Tình Lục Bát 2019

LÊ KIM THƯỢNG

Nhớ  Suông 

Đón đưa… Đưa đón chung tình
Chiều mưa khuất bóng Chợ Dinh nhạt nhòa
Em đi… đi tới Ngã Ba
Bước thêm bước nữa… hay là…chờ nhau?…      
                
                    ***

Em đi, ngày ấy Mưa Ngâu
“Ngưu Lang -  Chức Nữ…” qua cầu trong mơ
Em đi, nhẹ bước vào thơ
Gót hài phiêu lãng, mờ mờ, chơi vơi
Em đi, lá rụng đầy trời
Heo May thổi nhẹ, áo người gió lay
Em đi, để áo lại đây
Mùi hương mê muội, đắm say tình đầu…
                         ***

Em đi, ngả nón trông cầu
Lục Bình tím ngắt, một màu thê lương
Em đi, gió thổi muôn phương
Cho khô ráo hết, nhớ thương trong lòng
Em đi, biết mấy chờ mong
Tóc thề ngày cũ, theo chồng sang ngang
Em đi, tính chuyện đá vàng
Để tình “Gãy gánh giữa đàng…” mà đau
Em đi, không biết về đâu
Bóng chim, tăm cá... nỗi sầu xa khơi…

                      ***            

Em đi, góc biển chân trời
Thơ tình đã cũ… một thời đã qua
Em bây giờ… của người ta…
Nhớ nhau thì cũng chỉ là… nhớ suông!…

                        Nha Trang, tháng 05. 2019
                           LÊ KIM THƯỢNG
  
“...” Ca dao

READ MORE - NHỚ SUÔNG | Thơ tình Lục bát 2019 | LÊ KIM THƯỢNG

CHUYỆN THƠ, CHUYỆN ĐỜI... | Hoàng Yên Linh

CHUYỆN THƠ  
                                 CHUYỆN ĐỜI...
                                                        Hoàng Yên Linh

Hoàng Yên Linh. Huế 1971


                      Nhà thơ Lý Bạch trong nỗi niềm thương nhớ cố hương, đã viết:

                                    "Cừ đầu vọng minh nguyệt
                                      Đê đầu tư cố hương... "

                   Vầng trăng tự ngàn xưa đã gắn liền với tình cảm thương nhớ cố quê,con sông, bến nước, cây đa, mái đình hay hoài niệm về một quảng đời đã qua.Và vì vậy, vầng trăng đã ám ảnh không ít những người mang tâm sự u uất hoặc những ước mơ bất toại, những mối tình đã thành không thật..Với riêng tôi, vầng trăng dẫu không bao giờ viên mãn, cuộc sống lúc đầy lúc vơi nhưng vầng trăng trong hoàn cảnh nào vẫn theo suốt cuộc đời tôi từ tuổi thư sinh đầy ước mơ hi vọng cho đến những năm tháng cuối đời sống hiu hắt trong lãng quên của nhân tình thế thái. 

                   Vầng trăng mùa thu với tình yêu dẫu tuy hai mà  một. Chẳng phải vậy mà hai câu thơ của Bích Khê đã từng được nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam đã đánh giá là hai câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam.

                              Ô hay buồn vương cây ngô  đồng
                              Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.

                    Mùa thu, nắng vàng và ánh trăng. Cả một không gian như chìm đắm trong màu vàng của lá thu, màu vàng của ánh trăng huyền hoặc lan tỏa xuống đồi cao lũng thấp, trải dài trên những con sông một màu vàng như bất tận.Và không gian vàng úa đó như càng buồn hơn khi nhắc nhớ đến những chuyện tình khởi đi từ mùa thu và cũng tan biến trong mùa thu với ánh trăng như thực như mơ.
                  Nhà thơ Hàn Mặc Tử tuy có lúc muốn bán trăng đi mà chẳng bán tình duyên.

                              Ai mua trăng tôi bán trăng cho
                              Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò .

                 Nhưng rồi trăng và tình yêu vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim HMT để có lúc đau đớn thốt lên.

                              Một mai kia ở bên khe nước ngọc
                              Vớt sao rơi anh nằm chết như trăng
                              Không có một nàng tiên mô đến khóc
                              Đến hôn anh và rửa vết thương đau...

                  Và với thi hào Nguyễn Du, vầng trăng cũng là chứng nhân cho tình yêu dẫu đoàn viên hay ly biệt. Một vầng trăng của Nguyễn Du là hình ảnh, là tâm trạng cho cả người đi kẻ ở.

                              Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                              Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường...

                   Vầng trăng mãi không già và tình yêu cũng thế.. .
Tình yêu mãi mãi chung bước với trái tim con người cho đến khi loài người không còn hiện diện trên trái đất này...Và trăng, thơ đã hòa quyện để cho đời những vần thơ tình say đắm.

                     Mùi vị của cuộc bể dâu đã cho tôi hiểu một điều dòng đời không hề êm ả như những gì tôi hằng suy nghĩ. "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay..." Tố Như hẳn cũng đã chiêm nghiệm nỗi đau, tình đời khi viết nên truyện Kiều... Bỏ quê xưa phố cũ, bỏ lại giảng đường với bao kỷ niệm của một thời  tràn đầy mơ mộng, nhọc nhằn nỗi trôi theo cuộc chiến. Cái giá phải trả cho cả một đời người sau năm tháng chiến chinh để rồi đối mặt với tình đời, tình người, những cảnh đời cay nghiệt, những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm, những thân bằng quyến thuộc một thời nay đã vội quay lưng...Và rồi những năm tháng lang thang kiếm sống, những đêm tựa mái hàng hiện nơi xứ lạ quê người ngủ vội qua đêm, tôi mới thấu hiểu hai chữ nhân tình, bể dâu, mới hiểu được thế nào là bên lở bên bồi, là phú quý giật lùi, công danh lộn ngược... Có những ký ức, có những điều chất chứa trong quá khứ đôi lúc dặn lòng hãy quên đi nhưng rồi nó vẫn trở về, vẫn sống lại trong những giây phút lắng đọng tâm tư. Những năm tháng xuôi ngược ở miền Đông nắng lửa, bữa đói bữa no với những cơn sốt rừng dai dẳng. Những năm tháng ở miền Tây sông nước mưu sinh bằng nghề chăn vịt thuê, vác nước đá ở bến cảng Gành Hào. Những cây nước đá buốt lạnh oằn nặng trên vai và có những lúc giọt nước mắt ngậm ngùi lăn theo từng giọt mồ hôi. Nhưng rồi tôi chợt hiểu có khổ đau mới cảm nghiệm được hạnh phúc.Tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn thực lòng những ai đã ngoảnh mặt quay lưng để từ đó tôi đã trưởng thành hơn, đi qua bao ân oán mà lòng không chút hận thù. Biết yêu thương và khoan thứ để lòng mình thanh thản hơn và niềm vui lại đến với tôi khi năm tháng cuối đời được gặp lại người xưa thân tình năm cũ, được sống trong ân tình bạn hữu.

                     Trở lại với đời sau những tháng năm" trả nợ ". Hành trang chỉ có tấm giấy ra trại.Tôi ngơ ngác giữa cảnh đời dâu bể với thân phận thầy không ra thầy thợ không ra thợ. Cũng đã hơn bốn mươi năm tôi làm bạn với núi rừng, sống bên những người chân chất, gác bỏ lại buồn vui thế sự. Tôi vui với những luống trà trải dài xanh ngút mắt, với hạnh phúc nhỏ nhoi đã tìm lại được sau tháng năm bươn chải.Những tháng năm ngược xuôi bên chiếc xích lô giữa Sài gòn kiếm miếng cơm manh áo với thân phận của kẻ không nhà không cửa. Những tháng năm với chiếc xe máy ngược xuôi trên đất cao nguyên kiếm sống. Những ngày làm phu đập đá ở mỏ đá đèo Bảo Lộc, đổi từng khối đá lấy từng ký gạo... Tôi nhớ về vùng đất sông nước nơi đã cưu mang đời tôi khi hai bàn tay trắng trở lại với đời. Bên cánh rừng tràm, bên những con kênh ngược xuôi những chiếc xuồng ba lá dịu dàng với chiếc áo bà ba vẳng đưa câu hò điệu lý. Những ngày buồn hiu hắt bên cánh rừng U Minh lắng nghe tiếng chim bìm bịp kêu chiều gọi bạn và những cô gái miền Tây sông nước ngọt ngào trong câu ca vọng cổ thật thà từ giọng nói, chân tình với tôi một kẻ sa cơ lỡ vận... Để rồi ngày ra đi tôi còn nợ biết bao ân tình và với lời ước hẹn quay về....

                        Xin được tâm tình với bằng hữu cố quê, với cố nhân dẫu người còn kẻ mất với ngày xưa bên dòng sông Hiếu êm đềm, với bao tâm tình ước mơ hình ảnh nhặt lá trạng nguyên mơ mộng ngày vinh quy bái tổ... Những tháng năm vun đầy ước mơ bên giảng đường, những chiều ngẫn ngơ theo tà áo tím, tím cả một  trời xứ Huế... Dẫu cuối đời có là tháng năm cô đơn bên chân đồi góc núi, những hình ảnh đó, ký ức tuy xa mà gần vẫn là những giấc mơ tuyệt vời, là tâm tình cho những vần thơ gởi đến cố nhân để được tạ ơn đời cho tôi biết làm thơ và yêu thơ như là tình nhân không bao giờ xa cách.

                        Tôi cũng đã bước vào cái tuổi "Lục thập nhi nhĩ thuận". Cái tuổi để có thể bình tâm, thanh thản nhìn lại cuộc đời, nhìn lại những ân oán, những buồn vui, mới chợt nhận ra yêu thương luôn mang đến cho ta yên ổn trong tâm hồn bởi vì mỗi một con người vẫn còn đâu đó tình người dẫu chỉ là một thoáng mong manh... Khi nhìn lại năm tháng đã qua, tôi thầm cảm ơn cuộc đời này tôi cũng được những phút giây hạnh phúc.Tôi tự hỏi nếu nàng thơ không bên cạnh tôi những tháng năm lưu lạc, không biết tôi có vượt qua được những buồn đau tủi cực.Và với tôi chuyện thơ chuyện đời là một bản hợp xướng tuy có lúc cung đàn lỗi nhịp nhưng vẫn mãi là khúc tình ca nồng nàn say đắm bên cạnh đời tôi.

             Vâng, với tôi chuyện cuộc đời và chuyện của tình thơ...

                              Đời ta tiếc đã không thành

                        Mộng kia là khói hương quanh đất trời.

                                                                      Hoàng Yên Linh

READ MORE - CHUYỆN THƠ, CHUYỆN ĐỜI... | Hoàng Yên Linh

SÓNG TRÊN SÔNG XA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng


Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Sóng trên sông xa
Khói sóng trên sông, tụ tán theo chiều
Ngọn gió nam non quẩn bờ líu ríu
Khát khao gì? Trắc trở một tầm tay
Bóng nắng đưa ngày, theo chiều sáng tối
                     *
Vỡ vụn âm thầm, bong nát ngày xưa
Một giấc mơ hoa, hồn nhiên toan tính
Biết đâu đời còn giăng mắc nhặt thưa
Vội vàng chưa, trong nắng vàng bổi hổi
                     *
Bẳn hẳn chi, sao khắc khoải dặm bồi
Biết nơi đó, đâu còn chi để nhớ
Người đã đi và cảnh cũng đổi thay ...
Lời hẹn cũ, nhạt nhòa theo năm tháng
                    *
Bước thẩn thờ quanh lối mộng, ngày xưa
Chiều bỗng nở hoa nắng vàng chỉ dấu
Ngập ngừng rơi, trên cỏ biếc mùa đi
Chợt quay quắt, ngọn gió đùa cỏ rối
Ướt mi cong thấm đẩm vết xuân thì ...
LTH


Chiều muộn
Nắng quái chiều, tinh nghịch
Dặm xuyên treo hiên nhà
Ủ hương xưa trầm tích
Nhớ một người đi xa ...
              *
Bâng quơ lời nhắn gửi
Lướng vướng rơi bên thềm
Buông chiều xanh rười rượi
Nhịp nắng mờ trôi êm
             *
Chiều đi, người ở lại
Miên man, tiếng thở dài
Mùa theo ngày đi mãi
Rơi bên đường ... một mai
             *
Còn đây lời gió gọi
Biêng biếc màu cỏ hoa
Mờ trong chiều, sương khói
Giăng giăng dấu nhạt nhòa
             *
Ngẩn ngơ tà áo cuốn
Trôi ngang lời hẹn hò
Ngập ngừng trong chiều muộn
Trãi lòng đứng đắn đo...
LTH


Lời nào cho nhau
Lời này em đã đắn đo
Xô khung cửa lệch, quanh co lối về
Buông chiều nắng đổ đường quê
Quay ngang em bước, câu thề gió bay
Lê Thanh Hùng

   Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - SÓNG TRÊN SÔNG XA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng