Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 27, 2024

DỊU DÀNG XUÂN - Thơ Nhật Quang

 



DỊU DÀNG XUÂN


Tiếng chim rơi

chạm ban mai

Đồng vàng trổ hạt 

Giêng Hai đợi mùa

Sắc trời xanh ấm 

mây thưa

Lao xao 

đàn én chao đùa nắng Xuân


Nhành mai 

 nụ hé thanh tân

Lả lơi cánh bướm trắng ngần 

môi hoa

Tóc thơm 

dài ngón tay ngà

Thướt tha Xuân nõn 

mượt mà dung nhan


Chạm Xuân 

áo tết nồng nàn

Chạm hương nắng ấm 

đã vàng cánh mai

Ấp e …tuổi mới trâm cài

Dịu dàng Xuân nhẹ gót hài thênh thang.

                                Nhật Quang






READ MORE - DỊU DÀNG XUÂN - Thơ Nhật Quang

MÙA XUÂN ĐẾN THĂM ANH - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc: Hùng Hit - Ca sĩ: Phương Oanh - (YouTube)


MÙA XUÂN ĐẾN THĂM ANH


Thơ Quách như Nguyệt
Nhạc: Hùng Hit - Ca sĩ: Phương Oanh


Mùa Xuân
Em đến thăm anh
Bầu trời trong xanh
Mùi hoa thanh thanh
Đôi mắt hiền lành 

Mùa Xuân
Em đến thăm anh
Mây trắng trôi nhanh
Líu lo đôi chim
Nhẩy nhót trên cành 

Mùa Xuân
Ta tìm đến nhau
Tình Xuân phơi phới
Hai má đỏ au
Hớn hở tươi cười
 

Mùa Xuân
Thảm cỏ xanh xanh
Nằm xuống đi anh
Bên em quên hết
Ngủ giấc mộng lành


Như Nguyệt

 

 

READ MORE - MÙA XUÂN ĐẾN THĂM ANH - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc: Hùng Hit - Ca sĩ: Phương Oanh - (YouTube)

LEN LỎI MƯA HỒNG HẠ CUỐI NĂM - Bút ký Nguyễn Văn Vinh

 

Homestay Hồng Hạ

LEN LỎI MƯA HỒNG HẠ CUỐI NĂM 

             Bút ký Nguyễn Văn Vinh


        Huế mưa dầm sũng nước, Tôi lại thắp một niềm vui trở về Hồng Hạ. Tôi ra ngoại ô Huế, qua cầu Tuần, lên tỉnh lộ 49 đi A Lưới, qua Suối Máu, qua đèo Kim Quy, lên đèo Tà Lương, tôi nhớ bà con nói đây đã từng hy sinh xương máu gìn giữ độc lập tự do cho đất nước chống giặc mà lòng mang mang cảm niệm biết ơn. Xe vào xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, (HH) theo con đường huyết mạch giữa HH qua đập Tràn lên thác Pârle, Khu du lịch sinh thái. Chúng tôi xuống xe và trú lại Homestay HH, đây là ngôi nhà Gươi nằm cạnh UBND xã HH.

    Tôi ở homestay HH. Homestay HH là nhà cộng đồng các dân tộc thiểu số “Nhà Gươi” xã được xây dựng trong khuôn khổ dự án hợp tác xã kỹ thuật cao cấp, cơ sở do cơ quan do hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại trường sau Đại học Nghiên cứu Môi trường Tòan cầu (GSGES)  Đại học Kyoto và trường Đại học Nông lâm  Huế phối hợp tực hiện vào ngày 19/9/2007 với sự tham gia của Giáo sư OIKe KAZUO, Giám đốc Đại học Kyoto và Giáo sư Kamon Masashi, Hiệu trưởng trường GSGES. Nhà Gươi xã HH  được thiết kế và công nhân xây dựng được và thực hiện với kinh nghiệm quý báu các người lớn tuổi. Các  nguyên vật liệu như gỗ, mây, tre, lá cọ cũng đều do người dân trong xã đóng  góp. Giáo viên của trường đại học nông lâm Huế và trường GSGES Đại học Kyoto thúc đẩy người dân địa phương tham gia vào tất cả tất cả các bước trong quá  trình xây dựng. Nhà Gươi HH là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong xã, góp phần trong việc trong bảo tồn quá trình văn hóa truyền thống của địa phương. Chương trình này được tu sửa lần 1 vào 2017; lần 2 năm 2023 với nguồn đóng góp của người dân địa phương và của các trường GSGES Đại bọc Kyoto.

    Chiều, một mình lang thang dưới mưa HH để cảm nhận mưa núi, những hạt mưa nho nhỏ mà se lạnh. Đứng trên cầu A Má và đường 49 nhìn dòng suối thượng nguồn Sông Bồ cuộn chảy rồi thành sông Ô Lâu huyền thoại. Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên ở độ cao gần 905m, có chiều dài dòng chính 66 km, diện tích lưu vực 900 km2, độ dốc trung bình lưu vực trên 13m/km (ở phạm vi đồi núi trên 19m/km). Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến Phò Trạch chuyển hướng Đông Nam - Tây Bắc cho tới Phước Tích (chỗ hội lưu với sông Thác Ma), sau đó chuyển hướng Tây Nam - Đông Bắc cho đến Vân Trình lại chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào phá Tam Giang ở cửa Lác. Sông Ô Lâu có hình giống như chữ S và được coi là biên giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hải Lăng là quê hương của nhạc sĩ Trần Hoàn. Còn Phong Điền là quê của nhà thơ Thanh Hải. Cả hai ông đều tham gia hoạt động cách mạng ở mặt trận Bình Trị Thiên. Nhà thơ Thanh Hải đã viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” nói về con sông quê hương Ô Lâu vào thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1980 nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc. Dòng sông Ô Lâu ít được nhắc đến như sông Hương nhưng nó là nơi gắn liền với nhiều sự tích, câu chuyện huyền thoại cũng như các câu ca lưu truyền. Ô Lâu, từ dãy Trường Sơn, trước khi ra biển, dòng sông đã bồi đắp và mang lại sự trù phú cho vùng đất, dân cư hai bên bờ. Sự bồi đắp đó không chỉ là sự ngọt ngào của cây trái mà còn là những tinh hoa văn hóa đầy bản sắc dân tộc.

    Tôi nhìn về phía Huế, bên tay trái tôi là dãy núi Ân Tang và suối sông Bồ, bên phải tôi là dãy núi KiKier tạo thành thung lũng HH. Mùa Đông ở đây rất lạnh và mùa nắng rất nóng. Vậy mà, đây là một địa điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn của Việt Nam. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi để thư giãn và tránh xa những ồn ào của thành phố, HH là một lựa chọn tuyệt vời. Tôi viết một bài thơ về HH, trong những ngày len lỏi cái rét phố núi và những ngày hé chút nắng cuối năm: 


TRỞ VỀ HỒNG HẠ

Nguyễn Văn Vinh

 

Anh trở về Hồng Hạ sáng nay

Núi mùa đông mây mù sương phủ

Em mùa đông rất chi vừa đủ

Ấm góc rừng và giấc chiêm bao


Những dòng nắng cuối năm lao xao

Trên homestay, farmstay, trong mắt em chim Phượng

Cả đại ngàn rung khúc tâm tưởng

Thắp trong anh nỗi nhớ không tan


Mưa nắng theo nhau gọi mùa sang

Anh theo em gọi tình chín tới

Tháng năm về Hồng Hạ đổi mới

Núi phố xôn xao một miền xanh


Suối Pârle chẳng bao giờ độc hành

Bởi trong mát róc rách khúc nhạc

Em một đời thanh tao tiếng hát

Gọi về ấm áp một miền đêm


Anh về Huế rồi lại trở lên

Như con thoi bao mùa dệt vải

Tấm vải Zèng nửa đời đã trải

Quyện tình em trở giấc men say

NVV 

     

     Xã Hồng Hạ có diện tích 183,19 km², dân số năm 1999 là 1.153 người và mật độ dân số đạt 6 người/km².. Tính đến năm 2018 (theo Nghị quyết 22/NQ-HĐND tỉnh), xã Hồng Hạ có 4 thôn: Pa Ring-Cân Sâm, Cân Tôm, Pa Hy, A Rom. Địa chỉ cơ quan: thôn Pa Hy, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một xã nhỏ biên giới nhưng tấm lòng nhân dân rất rộng và HH có khung cảnh tuyệt đẹp với những đồi núi xanh ngắt,  con sông êm đềm và những thác nước đổ xuống từ trên cao. Bạn sẽ được thưởng thức tầm nhìn đẹp mắt từ đỉnh đồi. Là xã nằm trên đường trục quốc lộ 49, là con đường chính đi từ thành phố Huế lên trung tâm Thị trấn A Lưới nên rất thuận lợi cho người dân sống hai bên đường đầu tư, buôn bán kinh doanh dịch vụ. Tiềm năng, thế mạnh của xã là trồng rừng kinh tế (keo) và cây công nghiệp cao su. Ngoài ra du lịch cũng là một trong những thế mạnh của xã; xã đã khai thác điểm du lịch sinh thái Pârle, điểm du lịch tâm linh A Zoi kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Hương Điền; để làm phong phú hơn du lịch trên địa bàn, xã đã xây dựng điểm lưu trú Homestay cho du khách tại nhà Rông truyền thống.

    Đêm nằm ngủ Homestay HH, với cái rét miền núi Huế 12 độ C, chúng tôi được ấm áp an bình trong chăn ấm nệm êm và những bữa cơm thân mật của người địa phương HH. Mưa rả rích trên mái lá cọ gợi lòng tôi một về nỗi nhớ không tên: “Trời mưa, trời mưa, trời mưa…/Chung che chiếc áo mặc mưa của trời/ Aó nàng vương hạt mưa rơi/ Lòng tôi vương vấn bao lời lặng im/ Hạt mưa ngày cũ về tìm/ Người chung che ấy thanh chim bay rồi… 

     Homestay HH có 17 nhân viên và một nữ Chủ  nhiệm HTX Du lịch tên là Lịch. Nói là Chủ nhiệm trong tổ chức, đúng ra cô cũng là một nhân viên tích cực. Khi vào ca của mình, cô cũng lăn lộn, xăng xái như những cô khác, cùng vui sống hòa đồng  chị em. Lịch cho biết: “Ngủ ngày đêm ở Homestay 100.000 đồng, ăn một ngày tùy ý người đặt, có ba giá 120.000 đồng; 140.000 đồng, 150,000 đồng và những khách thường vãng lai, có thể điện từ xa đến khi muốn ăn chay, hay món hoa chuối rừng… các cô thực hiện đúng yêu cầu, giá phải chăng và đúng giờ. Lịch học Đại học Khoa học – Đại học Huế - Khoa Ngữ Văn. 

     HH không có chợ, đúng hơn không chợ tập trung. HH có chợ di động. Tôi gọi chợ di động là do tất cả nhu yếu phẩm, thịt, cá, rau, dưa,  muối, ớt đều nằm trên xe Honda với tay lái của phụ nữ, thi thoảng cũng có cánh đàn ông lo việc lái xe nhưng đa phần các chị, các anh chỉ lái xe ô tô loại chở hàng, chở nhu yếu phẩm ở thùng xe sau. Họ chay xe xuôi ngược đầu xã đến cuối xã, bán gần hết hàng mới về. Duy chỉ một mình chị Lan chở đến thôn Lahy dọn một cái quán cóc không mái, bán đến 11, 12 giờ chị lại chất lên xe đi thôn khác. Và, gần 10 quán tạp hóa. Quán không chỉ hàng tạp hóa mà có thêm rau, củ, quả… Chợ đi động, không đông vui, ồn ả như khu chợ tập trung nhưng cũng rộn ràng tiếng bán mua cười đùa trong bình yên thôn dã của một vùng cao biên giới. Có một đặc biệt HH có 5 đồng bào các dân tộc nhưng họ chung một tiếng nói. Anh nói tiếng Cơ Tu, chị người Tà Ôi, Vân Kiều… vẫn hiểu rõ và ngược lai.     

     Những ngày cuối năm 2023, tôi chia tay HH, có lẽ đây là chuyến đi nhiều kỷ niệm và ấm áp nhất tôi. Khách vẫn luôn nhớ tới và quay lại khi đến du lịch HH. HH luôn chào đón quý khách tham gia, trải nghiệm và thưởng thức các nét văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây với tấm lòng chăm chút, quý mến vui lòng khách vừa lòng khách đi của bà con HH.


Hồng Hạ, 30122023.

Nguyễn Văn Vinh (Nguyễn Nguyên An) 

<nguyenvinhnguyenhien@gmail.com>

Phường Thủy Xuân, thành phố Huế.




READ MORE - LEN LỎI MƯA HỒNG HẠ CUỐI NĂM - Bút ký Nguyễn Văn Vinh