Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 12, 2020

CẢM NHẬN NGẮN VỀ BÀI THƠ “ĐOM ĐÓM TUỔI THƠ” CỦA KIÊN DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

 


CẢM NHẬN NGẮN VỀ BÀI THƠ

“ĐOM ĐÓM TUỔI THƠ”

 

Đọc “Đom Đóm Tuổi Thơ” của Kiên Duyên, tôi thích 2 câu thơ:

 

"Mẹ chong đèn đan sợi cói bao giờ 

Vài đồng lẻ mua mắt mờ trước tuổi..."

 

Sự vất vả bởi cuộc sống khốn khó nơi thôn quê được Kiên Duyên tạc bằng tượng hình MẸ với những hình ảnh gần gũi, đậm chất quê, xưa như cảnh làng quê Việt Nam đã tồn tại bao đời.

 

Giọng thơ cũ, hình ảnh cũ nhưng Kiên Duyên đã làm mới cách thể hiện nên câu thơ mộc mạc mà lấp lánh, đằm sâu lòng biết ơn và sự kính trọng với đấng sinh thành.

 

Viết về mẹ đã có rất nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ làm day dứt lòng người, ví như những câu thơ tinh tế, nhiều sáng tạo của Nguyễn Xuân Môn: “Quá mười tư chẳng có rằm / Nhả bao tơ trả kiếp tằm… mẹ ơi! / “Cá chuối đắm đuối…” quên đời / Cho đầy con, mẹ chắt vơi cạn mình” (Mẹ Tôi), hoặc những câu thơ tài hoa của Văn Thuỳ "dị nhân": "Vinh hoa con ướm trên người / Phất phơ tóc mẹ dệt lời yêu thương / Đã đi nhẵn một con đường / Còn nghe tóc mẹ bốn phương rối bời / Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rối thời mái gianh" (Tóc Rối Của Mẹ Năm Xưa). Hay những câu thơ tuyệt hay viết về Mẹ của Trần Đăng Khoa: "Cánh màn khép lỏng cả ngày / Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa / Nắng mưa từ những ngày xưa / Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan" (Mẹ Ốm), hoặc những câu thơ như được chắt ra từ tấm lòng hiếu thảo với Cha của Nguyễn Quang Thiều: "Con từng ba dại bảy điên / Chén trà con rót tràn miền đắng cay / Phận con nhàu trọn lòng tay / Một câu thơ bạc một ngày vô ơn / Chén trà, con có gì hơn / Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha" (Dâng Trà).

 

Câu thơ "Vài đồng lẻ mua mắt mờ trước tuổi..." chưa là câu thơ tuyệt hay nhưng sự sáng tạo trong cách dùng câu chữ để thể hiện hình ảnh, tâm cảm đã làm câu thơ lấp lánh, sáng đẹp lên nhiều! Đây là thành quả của tinh thần lao động nghiêm túc và sự sáng tạo rất đáng trân trọng của Kiên Duyên!

 

Cách viết của "Đom Đóm Tuổi Thơ" tuy không mới, vẫn trung thành với lối viết của thơ truyền thống nhưng sự làm mới cách thể hiện câu chữ để diễn tả tâm cảm, hình ảnh ở một số câu thơ đã khiến những câu thơ đó tạo được điểm nhấn, vượt lên như những điểm sáng để bài thơ lung linh, nhanh lan tỏa.

 

Đọc xong bài thơ mà dư âm của những câu thơ:

 

- "Con cá đớp mảnh trăng rơi trầm mặc 

Một mình em gom cay đắng cuộc đời"

 

- "Mẹ chong đèn đan sợi cói bao giờ 

Vài đồng lẻ mua mắt mờ trước tuổi.."

 

cứ vấn vít mãi trong đầu.

 

--------------------------------

 

ĐOM ĐÓM TUỔI THƠ

 

Đêm lao xao nghe bờ tre thổn thức 

Mảnh trăng rơi miền ký ức theo về 

Chị theo chồng từ dạo ấy hai quê.. 

Để thu chớm nghe não nề xóm vắng.. 

 

Con cá đớp mảnh trăng rơi trầm mặc 

Một mình em gom cay đắng cuộc đời.. 

Tuổi thơ buồn ngày giáp hạt chị ơi.. 

Đêm vó tép một trời thơ ở lại.. 

 

Bờ ao quê đâu tiếng cười con gái.. 

Những quê mùa thuở ấy mãi ngây ngô.. 

Mẹ chong đèn đan sợi cói bao giờ 

Vài đồng lẻ mua mắt mờ trước tuổi.. 

 

Nghe thu chớm đêm ru tàu lá chuối 

Tuổi thơ ơi sao gọi chẳng trả lời.. 

Chị em mình giờ mỗi đứa một nơi.. 

Để áo mẹ lâu lắm rồi không vá..

 

Em níu lại ngày xa xưa nhớ quá.. 

Gọng vó gù bao vất vả lo toan.. 

Mảnh trăng thu sao vụn vỡ ao làng 

Rơi xuống đáy vỡ tan thành đom đóm..

 

KIÊN DUYÊN

 

*. 

Hà Nội, ngày 04 tháng 12-2020 

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CẢM NHẬN NGẮN VỀ BÀI THƠ “ĐOM ĐÓM TUỔI THƠ” CỦA KIÊN DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

MÓN LÌ XÌ VÔ GIÁ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân


MÓN LÌ XÌ VÔ GIÁ

Truyện ngắn

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


            Cậu đốt điếu thuốc hút rồi ngồi bất động, thi thoảng trong đêm chỉ còn tiếng rít khe khẽ của cậu và tiếng thút thít của mợ êm dần đều. Rồi như vì tức giận nỗi gì mợ quay sang to tiếng với cậu:                -Chứ ông để thế à? Rồi tiền đâu trả chủ vườn, tiền đâu trả lái? Tết nhất đến nơi.

       Mợ cứ đấm thùm thụp vào người cậu cứ như cậu là người gây ra nông nỗi. Cậu như muốn nói điều gì đó mà chợt im lặng, tiếng khóc của cậu như chôn trong lòng để đêm buông xuống một cách thật nặng nề. Mới ngày nào vườn bông của cậu còn tràn đầy những bông khoe đủ màu vàng chói đẹp đều theo từng luống vậy mà bây giờ tan hoang, cành gãy , chậu đổ, nứt toác, mấy trăm chậu đương không còn đến trăm chậu còn nguyên nhưng cây cũng xấu hẳn. Miền trung gánh trọn hai đợt bão vừa rồi, Phú Yên quê tôi có nơi còn nằm trong tâm bão, dù được rào chắn cẩn thận, mạng người còn lo chưa tới huống hồ những vườn bông.“ Thôi thì của đi thay người “, cậu chép miệng xoa đầu tôi nói nhưng tôi biết lòng cậu rất lo.

            Cậu tôi từ khi còn trẻ đã nối nghiệp nhà ngoại sống bằng nghề trồng cúc và tắc cho những ngày Tết. Trước Tết vài tháng là tôi đã theo cậu ra vườn gieo cúc. Tôi nhìn rõ sự nhiệt thành của cậu trong từng luống, từng chậu mà cậu trồng, cậu chỉ cho tôi từ việc lựa chọn cây con như thế nào là khỏe, là yếu, và khi đã lỡ mua phải lô có những cây yếu thì vẫn nên phân loại, tách ra, để những cây có sức sống, bộ rễ, hình dáng, kích thước khác nhau thì trồng chung một luống. Tôi thích nhìn cách chúng trưởng thành theo năm tháng, thích cùng cậu tưới nhẹ luống đất đã được chuẩn bị sau đó dùng dầm nhỏ trồng.Cậu dặn tôi khi trồng xong lấy tay ấn chặt gốc. Dùng rơm mềm hoặc mùn rác che phủ gốc và dùng vòi phun nhẹ tưới ướt đẫm luống.

        -Mùn rơm sẽ làm ướt đẫm cây và giữ nước.

        Những chậu cây cứ lớn dần lên tạo thành một khu vườn đầy sắc hoa mang một màu vàng diễm lệ. Trước Tết non tháng khi tôi lại ra thăm vườn thì đã vô cùng ngỡ ngàng khi những luống cúc bé xíu ngày nào đã vươn mình lên cao ngồng non tới vai tôi, đã được cậu phân ra từng chậu, dùng cây nhỏ định hình và những đóa khoác lên mình một vàng mát mắt. Bao giờ gần Tết vườn cậu cũng đông đúc, các dì cậu sẽ cùng nhau ra tạo cành, chăm nước, tưới bông và bón phân để đảm bảo vụ mùa đẹp nhất. Không chỉ thế khách vãng lai đến xem bông để mua trước và các chủ vườn sẽ tạt ngang để đảm bảo những chậu họ đặt sẽ được trồng và thu hoạch đúng tiến độ. Các lái cũng kéo đến, họ thường cùng các chủ vườn là những người đặt trồng số lượng lớn cây để đi bán Tết và cũng là nguồn thu chính của cậu tôi. Thường họ sẽ cọc trước nửa số tiền để đảm bảo. Tôi còn nhớ khi ấy gương mặt ai cũng hớn hở và khi thấy tôi dạo vườn cậu còn trêu tôi :

         -“Chộp” liền vài pô đăng lên phây bút cho nóng. Cho người ta tới ủng hộ vườn cậu.

        Âý thế mà tự nhiên chẳng chừa một ai, hai cơn bão liên tục trong vòng một tuần cuốn trôi tất cả, trong khi tết tươi đã gần kề. Khu vườn tan hoang khiến cậu sững người mất cả ngày rồi lại bắt tay vực tinh thần cả nhà đi “cứu cây”. Nhà ngoại tôi khi ấy chia làm hai : một nửa đi xem xét các cây còn lại xem còn được bao nhiêu và dọn dẹp các chậu hỏng, nửa còn lại thì chăm các cây đã được phân loại, tỉa tót cho đẹp để bán. Gần như quá nửa đã bị hủy hoại nhưng cậu vẫn luôn động viên:

       -Còn nước còn tát. Cố gắng làm các cây còn cứu được cho đẹp để bán lấy chút ít tiền bù, cũng đừng qua loa để bán người ta thì phải tội.

       Dĩ nhiên dù cố gắng bao nhiêu thì số cây cung ứng cho chủ vườn và lái cũng không đủ khiến dù được người ta thong cảm nhưng cậu cũng hoàn toàn mất đi số tiền vốn, khi được hỏi đến cậu vẫn cười khì:

        -May là không mất cái tiếng với người ta, vì nẫu hiều là do thiên tai, năm sau lại đặt.

       Còn lại vài chục chậu không được lấy, cậu tôi quyết định bán rẻ, mấy ngày giáp tết, cậu mợ khuân ra chợ bán, vì không được đẹp như lúc ban đầu nên chỉ bán để kiếm vài đồng tiêu tết. Dân gặp nạn ấy mà thương nhau, tính xởi lởi của cậu tôi cũng đủ để kiếm được vài đồng đủ để mua được ít bánh kẹo, duy chỉ còn độc hai chậu cậu quyết định để lại chưng trong nhà. Tất nhiên tết  năm ấy của cậu không đủ đầy như mọi năm nhưng tôi vẫn luôn nhớ cậu vẫn gọi tôi vào đúng đêm giao thừa để lì xì cho tôi, khi tôi có ý không nhận vì muốn để lại cho cậu trang trải dù ít thì cậu đã bế thốc tôi vào lòng và nhẹ nhàng:

       -Trong cuộc sống không thiếu những lần chúng ta gặp khó khăn, quan trọng là khi ấy phải bình tĩnh mà giải quyết vấn đề. Lúc đó cháu có thể gục ngã, nhưng có buồn bã u sầu cũng không thể giải quyết được chi bằng cố lạc quan và tìm cách, có thể không giải quyết được hoàn toàn nhưng ít ra sẽ khiến chúng ta sau này không hối hận vì đã không thử. Chuyện xảy ra cậu có buồn, có lo, nhưng cũng từ đó cậu học ra được nhiều bài học, xem thử cậu đâu mất mát gì mà được lợi nhiều hơn ấy chứ.

        Đột nhiên tôi cảm thấy mùa Tết này trở nên ấm áp hơn hẳn, những thử thách đôi khỉ chỉ là bước đệm để mỗi người trưởng thành hơn. Lòng tôi thấy hây hây, tôi cảm thấy mình vừa nhận được từ cậu một món lì xì vô giá.

 

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

 


READ MORE - MÓN LÌ XÌ VÔ GIÁ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC "THĂM BẠN" CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC - Đặng Xuân Xuyến

 



VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC

"THĂM BẠN" CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC


*

Nhà thơ Đồng Thị Chúc gửi tặng tôi 2 tập thơ: "Lục Bát Dâng Tặng Mẹ Ta" và "Con Gái Thì Thứ Hai" vào những tháng cuối năm 2019. Thi thoảng tôi mang thơ bà ra đọc, thích khá nhiều bài, cũng định viết ít bài cảm nhận về thơ của bà nhưng cứ mãi lần lữa chưa viết.

Thơ bà không nói đến những chuyện to tát, những răn dạy giáo huấn về đạo làm người, cũng không sa vào dòng thơ thế sự chính trị để gây "ấn tượng" mà đa phần chỉ là những chuyện "vụn vặt" đời thường của cuộc sống: những lần về quê, những chuyến thăm bạn, những chia sẻ cảm thông với phận nghèo, với phận đời gái cơ nhỡ...

Bài thơ "Thăm Bạn" là một trong số những bài thơ như thế.

THĂM BẠN

Ghé nhà cửa đóng then cài

Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong

Dạo quanh trong khoảng thinh không

Mắt đưa tìm bóng, nào trông bóng người

 

Đành lòng quay gót trở lui

Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua.

*.

ĐỒNG THỊ CHÚC

Đó là một chuyến đến thăm nhà bạn nhưng bạn lại không có nhà. Và thời gian bạn vắng nhà cũng không phải chỉ mới ngày một ngày hai mà đã từ lâu, thậm chí còn từ rất lâu. Quãng thời gian lâu ngày ấy được nhà thơ gói gọn trong câu thơ: "Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong" - một quang cảnh hoang vắng đến cô tịch, lạnh lẽo.

Bà thật khéo khi chỉ dùng một câu thơ: "Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong" để "tố" chủ nhà đi vắng đã quá lâu, cũng đồng thời để "thú nhận" thi nhân cũng đã lâu rồi mới đến thăm bạn.

Bốn câu thơ:

"Ghé nhà cửa đóng then cài

Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong

Dao quanh trong khoảng thinh không

Mắt đưa tìm bóng, nào trông bóng người."

Như một bức tranh cô tịch, hoang lạnh song hành cùng một bản nhạc trầm buồn, khiến lòng người se buồn, thêm ảm đạm.

Lâu ngày mới đi thăm bạn mà bạn thì cũng vắng nhà đã từ lâu nên nhà thơ đành “bùi ngùi” "quay gót".

Tâm trạng buồn tẻ, chán chường xen lẫn chút hờn tủi, cộng thêm chút chợt hoang mang, lo lắng được diễn tả trong hai câu thơ gợi nhiều hình ảnh, gợi nhiều cảm xúc ở cuối bài "Thăm Bạn", thật có tài khiến người đọc cũng phải hụt hẫng thảng thốt theo tâm trạng chới với "bùi ngùi" của nữ thi sĩ họ Đồng:

"Đành lòng quay gót trở lui

Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua"

Tôi cá rằng, khi đọc bài thơ "Thăm Bạn", nhất là đọc tới câu cuối bài thơ: "Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua", sẽ không ít bạn đọc thấy gai gai người, nghẹn lòng, mắt chừng cũng ngân ngấn lệ.

Hay quá! Tài quá!

Chỉ chọn lựa những chữ mộc mạc chân chất trong ngôn ngữ đời thường làm phương tiện truyền tải chuyến "Thăm Bạn" tới bạn đọc, nhà thơ Đồng Thị Chúc chẳng cần làm mới cách thể hiện câu chữ, cũng chẳng cần "cách tân” hay “sáng tạo câu chữ" cho hiện đại mà "Thăm Bạn" của bà lại khơi gợi được nhiều điều, khiến bạn đọc phải cùng "bùi ngùi" theo tâm trạng của thi sĩ.

"Thăm Bạn", theo tôi là một bài thơ hay, giàu cảm xúc, rất đáng đọc.

*.

Hà Nội, 12 tháng 12-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC "THĂM BẠN" CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC - Đặng Xuân Xuyến

MÓN QUÀ ĐÊM GIÁNG SINH - Truyện ngắn MacDung

 


                        Món Quà Đêm Giáng Sinh

                                                                 Truyện ngắn

                                                                  MacDung 

 

Câu chuyện xảy ra vào khoảng thời gian xa xưa lắm. Lúc ấy có thể loài người còn chưa chen chúc trên quả đất chật hẹp này. Chim muông còn phỉ sức bay nhảy trong địa đàng mà con người và loài vật sống trong tình anh em, hòa thuận. Nước và tuyết trắng xóa lung linh trong ánh nắng nhàn nhạt, dịu hòa. Nắng ấm áp vừa đủ không làm tổn thương đến những bông tuyết, và cũng không khiến con người co ro trong cái lạnh đến độ phải mặc thêm áo choàng hoặc trùm mũ len đến tận cổ. Mọi thứ hài hòa đến độ: tuyết không bao giờ biết nóng và người già chẳng hề thở than vì cái rét hành hạ các khớp xương. Cây xanh thích nghi với thời tiết thật tuyệt hảo, thả sức nảy mầm đua chen trong thảm thực vật bao la. Vườn địa đàng là thế đó!

Dưới một thung lũng nhỏ, có một ngôi làng nằm xen mình vào những thân thông nhấp nhô khoe nhánh, với những hoa tuyết cực đẹp lấp lánh trong nắng mai. Những chuỗi hoa tuyết kết thành vòng mà nếu với tay lấy được có thể bán ra tiền bằng loại trang sức đơn giản nhưng không kém phần kiêu sa, lộng lẫy. Nhưng những nhánh thông vốn vừa nhỏ, lại vừa mềm nên không ai có thể lấy được. Chắc vì điều này mà bác thợ mộc sống trong ngôi làng vẫn miệt mài với cưa giũa, tạo ra những vòng trang sức đem bán cho mọi người. Nhà bác ta không giàu có, nhưng lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng cười đùa của bọn trẻ trong làng. Bọn trẻ thích đến nhà bác, bởi bác ta vốn yêu trẻ nhỏ vì ngôi nhà trống vắng lúc nào cũng thui thủi một thân già. Cạnh nhà, lại có một gia đình vừa mới dọn đến mà theo bác thấy, cũng nghèo như những người xung quanh. Hai vợ chồng người hàng xóm vốn thân tình với bác thợ, bởi họ hiểu bác yêu trẻ và họ thì nuôi một bé gái sắp được 6 tuổi. Bé gái hay tung tăng chạy sang nhà bác thợ mộc, với những bài hát véo von khiến bác vui ra và quên đi bao nhọc nhằn. Lúc nghỉ tay, bao giờ bác thợ cũng tìm ra một đề tài để trò chuyện cùng cô bé.

- Này cháu bé! Cháu tên là gì?

- Cháu không có tên đâu ạ!

Bác thợ mộc nở nụ cười hiền hậu.

- Thế bác gọi cháu là gì?

- Mèo Con! Cha mẹ cháu vẫn gọi thế đấy ạ.

- Thế ra cháu là Mèo Con. Vậy cho bác hỏi, ngày mai cha Mèo Con có đi chở hàng không?

- Dạ! Có đấy. Thế bác cần mua giúp gì?

Bác thợ mộc ra chiều suy nghĩ:

- Bác định nhờ cha Mèo Con mua giúp sữa.

Và cuộc trò chuyện giữa một già một trẻ cứ thế tiếp diễn, cho đến khi hai người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau như hai ông cháu.

Bác thợ mộc có bàn tay thật tinh xảo. Các miếng gỗ nhỏ, qua tay bác bao giờ cũng trở thành vật trang sức cực kỳ hấp dẫn, cuốn hút những ánh mắt tinh tường. Mèo Con được bác tặng nhiều thứ trang sức đẹp với những hoa văn xinh xắn khiến cô bé mê tơi.

Bác thợ có thói quen ngồi trước nhà uống sữa vào mỗi sáng. Cũng vì điều này mà Mèo Con dậy sớm. Cô bé thích ngồi bên bác để thách đố những thắc mắc bao giờ cũng vây lấy mình…

Rồi khi mùa giáng sinh đến, trong làng nhiều hang đá xinh xinh được làm ra với các màu sắc rực rỡ. Chúng đẹp và cuốn hút đến độ buổi tối Mèo Con từ bỏ thói quen đến với bác thợ mộc. Bác thợ cười, vì biết cô bé bị mê hoặc bởi điều gì.

- Thế thì nói cha làm cho Mèo Con một cái?

Cô bé lắc đầu khi nghe câu hỏi.

- Cha cháu nói: Con là người ngoại đạo, nên không cần phải có hang đá.

Bác thợ nhìn nó với vẻ thương xót…

Giáng sinh cận kề với bao điều bí mật. Người lớn xầm xì to nhỏ với nhau về những bí mật của mình. Trẻ em cũng nhỏ to với nhau mà không ai hiểu chuyện gì. Bởi đó là bí mật mà... Và Mèo Con cũng tò mò muốn biết bác thợ mộc nói điều gì với những người hàng xóm? Thế nhưng cô bé mau chóng quên đi điều kỳ lạ diễn ra xung quanh bởi bí mật của riêng mình. “Truyền thuyết nói rằng vào đêm giáng sinh có ông già Noel cưỡi một cỗ xe do bầy tuần lộc kéo, khởi hành từ Bắc Cực, thực hiện ước mơ cho mọi trẻ em, không phân biệt...” Như vậy... Như vậy... Người ngoại đạo như Mèo Con cũng có quyền mơ ước... Và ước mơ đó phải được giấu kín trong một mẩu giấy để dưới gối nằm trước ngày giáng sinh. Điều này cũng là bí mật nhé!...

- Ông ơi! Vậy ông già Noel sẽ để quà nơi đâu?

Bác thợ mộc cất tiếng thật nhẹ nhàng:

- Có rất nhiều chỗ để: có khi trong tất, có lúc trong hài, hoặc cạnh lò sưởi cháu ạ!

Mèo Con vẫn bồn chồn.

- Nhưng nhà cháu không có những thứ ấy thì để đâu?

    Bác thợ cười hiền hậu:

- Thì ông già Noel sẽ để trên thảm lót trước cửa nhà vậy!

- Nhưng bao nhiêu quà như thế, phải mấy con tuần lộc mới kéo nổi vậy ông?

Bác thợ bật cười vì ý nghĩ trẻ thơ của Mèo Con.

- Cỗ xe chở đầy quà mơ ước được 9 con tuần lộc kéo đi. Và chúng có tên đàng hoàng chứ không phải như cháu đâu! Con bố và mẹ là Donner, Blitzen, cùng sáu đứa con là: Dasher và Dancer, Comet và Cupid, Prancer và Vixen. Và cuối cùng là con đầu đàn nổi tiếng với cái mũi đỏ thật to bự, rực sáng như một ngọn đèn hiệu – tên nó là Rudolph.

Cô bé hứng thú ra mặt:

- Thế ông già Noel có phải tên là Noel không?

- Ông ta không tên là Noel, cũng như cháu không phải tên là Mèo Con. Theo từng vùng đất, từng nơi, có nhiều cách gọi: Người Hà Lan gọi ông là Santa Nikolaas; người Anh gọi là Kris Kringle, tên Christkind thì được gọi ở Đức; Benfana ở Italy, còn ở Nga là Bobouschka, và ở Mỹ người ta biết đến ông với tên gọi là Santa Claus... Cháu hãy viết thư cho ông già Noel và chắc chắn sẽ nhận được quà...

Thế nhưng Mèo Con không biết viết thì làm sao nói lên nguyện ước trên bức thư huyền diệu đó. Cô bé đem điều này nói với bác thợ. Sau một lúc nghĩ ngợi, ông khuyên Mèo Con hãy nói điều “bí mật” cho một thành viên trong gia đình viết hộ lên bức thư. Và nếu rạng ngày mẩu giấy biến mất, có nghĩa là ông già Noel đã nhận được thư nguyện...

Thế giới bỗng chốc rối tung trong cái đầu bé thơ với bao nhiêu là điều ước. Mèo Con chọn cái này lại hối tiếc cái kia... Loay hoay mãi cô bé vẫn chưa có được nguyện ước cho mình...

Bốn ngày trước giáng sinh, Mèo Con không còn thấy bác thợ ngồi uống sữa trước cửa nhà. Công việc của bác tất bật và vất vả hơn ngày thường, đến nỗi bao nhiêu đồng vốn đều trút vào việc mua vật liệu. Cửa nhà bác đóng kín như những bí mật trước đêm giáng sinh, và bọn trẻ thì không sao đoán được bác đang làm gì...

Cô bé tới đi lui trước nhà bác thợ với bao ý nghĩ trong đầu vẫn chưa có lời giải đáp. Tại sao bác thợ không ra nhỉ? Hay sức khỏe của bác không tốt. Hay là bác bận nhiều việc nên không thể trò chuyện cùng Mèo Con. Rồi cô bé lại quay về với món quà đêm giáng sinh của mình. Chọn điều gì bây giờ...!?

                                                                 ***

Rồi đêm giáng sinh cũng đến, với những hoa tuyết chấp chới bay lả tả trong rừng thông có ngôi làng cư trú. Tuyết phủ lên những cành thông, ẩn hiện vô số ngôi sao sáng lóng lánh trên bầu trời xanh trong. Ánh sáng khải thị lung linh huyền ảo bên những hang đá có tượng Chúa cứu thế mới chào đời nằm trong máng cỏ, có Joseph Công chính và Đức mẹ Mary thiêng liêng... Tất cả thật huyền diệu. Và sự diệu huyền đó đi cả vào trong giấc ngủ của những đứa trẻ, trong đó có Mèo Con... Bọn chúng ngủ trong hạnh phúc và chờ đợi rạng ngày...

                                                                  ***

Người cha đến lay con dậy và hơi ngạc nhiên vì Mèo Con vẫn ngủ vùi trong chăn. Lệ thường, ngày này trẻ nhỏ hay dậy sớm để nhận quà cơ mà!...

Cô bé vươn mình ngáp khi giấc ngủ bị phá bĩnh, rồi choàng lấy cổ cha. Người đàn ông bế con ra trước đứng nhìn. Nét mặt ông từ ngạc nhiên chuyển sang thất vọng khi mọi thứ thật trống vắng. Tấm thảm trống không khiến trái tim người đàn ông nhói đau trong nỗi buồn phảng phất... Và ông tự hỏi món quà đã đi đâu...?

Mèo Con như đoán được ý nghĩ của cha. Cô bé cười tươi rồi nói:

- Con sẽ không có quà đâu. Bởi vì con là người ngoại đạo.

Người đàn ông không nghe con nói, bởi còn bận quan sát khoảnh sân trước cửa. Có nhiều vết chân của người lớn và cả trẻ nhỏ còn ẩn hiện trên mặt tuyết phớt nhẹ. Dấu chân bé xíu in thành hai lối, đi và về trước cửa nhà bác thợ mộc. Ông bước hẳn ra sân và nhìn theo hướng dấu chân lớn hơn, ở nơi ấy lấp lánh thứ ánh sáng huyền ảo phát ra từ một hang đá cực đẹp... Người đàn ông thở phào nhẹ nhõm...

Mèo Con thốt lên vui mừng khi mọi thứ bày ra.

- Ồ! Đẹp quá...

Tiếng kêu cô bé phút chốc hòa vào niềm vui của những đứa trẻ xung quanh. Đứa nào cũng có quà. Thế này thích thật!

- Cha ơi, giờ này sao bác thợ chưa thức. Chúng ta sang nhà bác ấy đi!

Người đàn ông bế con đi với nghi vấn trong đầu. Ông gõ cửa nhà bác thợ nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Một tay bế con, một tay đẩy cửa. Ánh sáng ùa vào soi lên gương mặt còn ẩn hiện những bông tuyết. Bác thợ mộc nằm đấy với nụ cười tràn đầy hạnh phúc với những hoa tuyết còn vương vất trên mình. Hai tay ông đang ôm lấy một hộp sữa lớn mà Mèo Con đã quen thuộc... Người đàn ông chợt hiểu. Hai tay ông run run ôm lấy đứa con vào lòng với những giọt lệ sáng lóng lánh.

- Cha ơi! Sao ông không dậy?

- Ông đang ngủ con ạ!

- Thế lúc nào ông sẽ thức giấc?

Người đàn ông lặng lẽ nhìn lên gương mặt của bác thợ mộc.

- Ông sẽ thức dậy ở một nơi khác, có nhiều đứa trẻ mong đợi hơn...

Mèo Con hỏi một câu mà lâu nay ấp ủ trong lòng.

- Vậy ông tên gì hở cha?

- Tên ông là Noel.

- Noel không phải là tên. Cũng như con không phải là Mèo Con.

Người cha lẳng lặng thở dài và ôm chặt con vào lòng

- Mặc cho nơi khác người ta gọi là gì. Từ đây, tại ngôi làng này ông là già Noel. Và con... tên của con là Bác Ái...

Cô bé tuột khỏi tay cha, chạy lao về hướng nhà mình...

***

Gió nhè nhè thổi các bông tuyết rơi trên mảnh sân lặng vắng. Vòng trang sức trên những cành thông khoe ra trước ánh sáng đủ sắc màu. Và nơi ấy có một thiên thần nhỏ bé đang lẳng lặng ngắm nhìn Đức Chúa Hài Đồng...

 

                                                           Viết cho Giáng Sinh 2014

                                                                  Saigon 20.12.2014

 

Kính chúc quý hữu xa gần một mùa giáng sinh an lành hạnh phúc. Ai cũng viết khỏe, viết tốt để đón chào năm mới 2015.

                     

                                                             MacDung. Kính bút.

 18.12.2014   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                       

 

 

 

 

 

 

                                                          

          

READ MORE - MÓN QUÀ ĐÊM GIÁNG SINH - Truyện ngắn MacDung

RẰM TRĂNG KHUYẾT - Thơ Đoàn Vũ

 

Nhà thơ Đoàn Vũ

 ĐOÀN VŨ 

Rằm trăng khuyết

 

 Con ơi!
nín đi con
về đi con
vọng phu ư?
con đâu thể!

 

này con
phận đàn bà
ngóng trông chồng
sau cơn bão
mẹ hư ảo
đã một thời...


con ơi!
hãy ôm chặt vào lòng mẹ nhé con

để cùng nghe rõ từng nỗi
đau của những người đàn bà mất
chồng sau cơn bão…

 

Hỡi con!
đêm nay đầy đặn trăng rằm
thế mà nước mắt của mẹ
cứ giàn giụa đổ tràn lên biển…
nên mẹ đã lỗi nhầm rằm trăng khuyết
ơi con!

 

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Email: vudoan0102@gmail.com.

READ MORE - RẰM TRĂNG KHUYẾT - Thơ Đoàn Vũ