Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 17, 2018

EM VÀ MÙA XUÂN ĐANG VỀ - Thơ Huy Uyên



                             Nhà thơ Huy Uyên



EM VÀ MÙA XUÂN ĐANG VỀ

1-
Còn chăng nỗi nhớ em quay lại
miền ký-ức xưa buổi tiễn đưa
thu có còn vàng rực cháy
chớm lạnh bên ai xuân về.

Mùa lá thay buồn đời cây
em thổi tóc bay hanh hao cùng gió
quán vắng ngủ ngày
bỏ lại cho ai dặm nghìn thương nhớ.

Mắt môi, nụ hôn mật đắng
hơi thở tràn lên thềm nhà
nụ cười xưa khuất lặng
chôn đời kỷ-niệm se xưa.

Cớ sao hai mắt em buồn
giọt lệ chạy dài không dứt
xa xôi dấu kín trong tim
những cây bàng đầu đường đứng khóc.

Mối tình và niềm u-uất
mùa đông cuối phố chậm rải về
sân bay chiều không có khách
lòng buồn tôi tiễn em đi.

Nghĩ về lần chia xa
quàng tay ôm trời giá lạnh
chia hai năm tháng lối về
tội người phút giây xa vắng.

Dịu dàng bước chân ai cầm giữ
ngoài trời mây và lá thật buồn
em bỏ lại đớn đau nhung nhớ
hỏi có về ngủ lại tháng giêng.

Đoạn cuối ngồi bên sông Hàn
lá kín vàng thêm đời gió
nước chảy dòng lặng thinh
nước cũng trôi bóng hình em từ đó.

Bài thơ chia tay thức dậy
mùa đông về vội vàng
mưa cầm lòng
tôi cô đơn cuối phố
người còn mở cửa đón xuân sang.

Hoài niệm chi xuân ngày xưa
lệ kín nhạt nhòa nước mắt
bao năm mong đợi thu về
mối tình đã mất.

2-
Đã vắng rồi những lời kinh
giáo đường lặng im cầu nguyện
người giờ chắc qua sông
có còn ai đưa tiễn.

Bỏ tình tháng năm cùng Huế
lấp chi mộ-khúc tình buồn
giữ chi em hai mắt đỏ
mùa xuân đã chết bên sông.

"Thoáng thấy em cười" tưởng mùa xuân về
trên sông gió cầm tim ở lại
tôi biết buồn từ độ em đi
bến mãi chờ sao thuyền không nhớ.

                                     Huy Uyên
                                   (tháng 1-16)

READ MORE - EM VÀ MÙA XUÂN ĐANG VỀ - Thơ Huy Uyên

KẺ VĨ CUỒNG - Chu Vương Miện





KẺ VĨ CUỒNG
Chu Vương Miện

Nhân đọc bài "Bệnh Vĩ Cuồng, Megalomania" của nhà biên khảo Nguyên Lạc, tôi cũng bốc hứng viết một bài nối điêu phụ họa cho nó vui (để có đầu và có đuôi) và xin khen ngợi một phát kiểu mèo khen mèo dài đuôi là văn  phong và bút lực của nhà biên khảo Nguyên Lạc có sức lôi cuốn và hấp dẫn mãnh liệt lạ thường y như câu ca dao:

hát cho chó cắn mèo kêu
hát cho ông lão trong lều chui ra?

hoặc:

em là một cánh chim bé nhỏ
ưa hát ca làm sống dậy một mùa xuân
                              (thơ Xuân Diệu)

Bệnh Vĩ Cuồng "Megalomania" bài viết của anh làm tôi nhớ tới một truyện dịch của nhà văn Nguyễn Minh Hoàng đăng trong Nguyệt San Bách Khoa Thời Đại, bài dịch văn nước ngoài này khoảng năm 1961-1962, bây giờ gần 60 năm, chúng tôi chỉ còn nhớ mang máng nội dung, còn ai là tác giả và tên các nhân vật hầu như là không còn nhớ nữa. Xin mạo muội ghi ra đây để minh họa cho bài viết "Bệnh Vĩ Cuồng" của nhà biên khảo Nguyên Lạc, nhằm độc giả hiểu rõ hơn thế nào là bệnh Vĩ Cuồng.

Nội dung ở đây là một quán rượu cỡ trung bình ngoài ngoại ô nước Pháp, nhân vật chính là một cô gái có sắc đẹp trung bình làm nhân viên thu dọn trong một quán rượu. Quán này mở cửa vào ban chiều đến ban đêm, từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm, nhân vật chinh là cô gái có tên tạm đặt là Emily, mới đầu thì cũng bình thường, có hai nhân vật nam làm cho cô nổi đình nổi đám, là có một nông gia nổi tiếng trong vùng mê cô ta như điếu đổ nên tình nguyện làm ngưởi gác cửa miễn phí cho quán rượu hàng đêm để chỉ có một mục đích duy nhất là mở cửa và đóng cửa để được ngả đầu chào cô và được cô cười và chào lại và bắt tay, chỉ có thế. Thế rồi trong một buổi tối có một người khách rượu  kêu cô tới và có ý tỏ tình với cô, cô không hài lòng với người khách này và trả lời: “Mày là đồ con heo! Tao sinh ra trong một gia đình qúy tộc, tao chỉ làm tình nhân hay phu nhân của thái tử và hoàng tử mà thôi! Tao phải là một công nương trong hoàng gia.” Thế là vị khách này nổi nóng, xô cô ta ngã từ lầu trên xuống nhà dưới gẫy lưng, vị nông gia mang cô ta về nhà nuôi dưỡng, Ba tháng sau, cô ta khỏe nhưng không đi đứng được,  vị nông gia bèn làm một cái xe 4 bánh để cô ta lên và đẩy đi, cô ta nói:

- Mày phải kiếm cho tao nhiều đồ trang sức quí giá và đắt tiền, ngày ngày mày phải đẩy tao ra ngoài bờ biển để thiên hạ chiêm ngưỡng nhan sắc của tao và tao sẽ có một vị hoàng tử đến cầu hôn, khi tao có gia đình, tao sẽ dành cho mày chức quản gia!

Từ đó có nhiều người qua lại ngoài bãi biển nhòm ngó cô ta, mà toàn là những ông cò "cảnh sát chìm" và các vị phu nhân bị mất nhẫn, vòng, dây chuyền... Vị Thanh Tra cảnh sát nói chung chung, cô ta bị bệnh vĩ cuồng và cũng sắp chết rồi. Khi nào cô ta chết, tất cả quí kim của qui vị sẽ hoàn trả từng người một, nhưng bây giờ thì cứ để cho cô ta tự sướng: "Không nên làm cụt hứng người sắp đi về bên kia thế giới" . Rồi một buổi chiều, cô ta kêu gã nông gia đến gần mà nói: "Mày quỳ xuống và hôn tao"; mọi chuyện xong xuôi thì cô ta chết và an táng trên một ngọn đồi toàn hoa hồng.

Mọi chuyện lại trở lại bình thường. Vị nông gia vẫn làm công việc gác cửa quán rượu như cũ. Thế rồi vào một buổi tối, ông khách đã đẩy cô gái ngã gẫy lưng rồi chết đang ngồi trên ghế bành nhâm nhi ly rượu cầm trên tay, thì đột nhiên gã gác cửa (nguyên là nông gia) từ ngoài cửa quán tiến vào, trong tay cầm khúc cây, cứ lưng vị khách mà đánh túi bụi, đến khi vị khách ngã gục xuống thì mới thôi?

Sau đó là chuyện của cảnh sát.

                                                          Chu Vương Miện

READ MORE - KẺ VĨ CUỒNG - Chu Vương Miện

UỐNG RƯỢU VỚI EM - Thơ Kha Tiệm Ly



                                    Nhà thơ Kha Tiệm Ly


UỐNG RƯỢU VỚI EM

Cần chi lời chúc tụng
Mới thương nhớ trọn đời
Miễn tình sâu, nghĩa trọng
Đâu cần rượu giao bôi!

Chén nào ta thù tạc
Chén nào nối tơ duyên
Giai nhân đầy thiên hạ
Tri kỷ chỉ mình em!

Biển đời em giông tố
Thuyền đời ta chông chênh
Chỉ còn tình yêu đó
Giữa sóng gào mông mênh!

Em chén nào dày dạn
Thách thức với phong trần
Ta chén nào khinh mạn
Nửa mắt nhìn thế nhân!

Rượu trong bình dốc cạn
Vẫn còn lắm hương nồng
Ta dù xa muôn dặm,
Tình bền như núi sông!

              Kha Tiệm Ly

READ MORE - UỐNG RƯỢU VỚI EM - Thơ Kha Tiệm Ly

ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


 
                Tác giả Hoàng Đằng
                          

ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI
Truyện ngắn của LÃO GÀN

Anh Đông đi làm đồng về, gần tới nhà, thấy nhà mụ Thòi bên cạnh đông người, hỏi ra mới biết mụ Thòi vừa qua đời.
Anh vô nhà, chưa vội rửa chân tay vấy đầy bùn ruộng, anh xao xác tìm mẹ anh là mụ Thiệt.
Mụ Thiệt đang rút rơm ở góc vườn, nhen lửa nấu bữa ăn trưa. Anh đến bên mẹ, nói nhỏ kẻo sợ người khác nghe:
- Mụ Thòi mất, nhà mình có đi đám không mạ hè?
Ngẩng cái đầu đang chúi khuất ra khỏi lỗ hẵm nơi cây rơm, mái tóc bạc trắng phủ đầy rác rơm, mụ Thiệt khoan thai trả lời:
- Đi … chớ răng … không, con hè?
*

*       *
Trước năm 1972, mụ Thòi là một goá phụ còn trẻ lắm, chồng mụ là lính cộng hoà chết trận, để lại cho mụ hai con nhỏ dại – đứa trai 3 tuổi, đứa gái mới mấy tháng.
Lãnh được tiền tử tuất, từ một làng quê sát biển, mụ đem con lên vùng ven đô tìm kế sinh sống.
Còn vợ chồng mụ Thiệt sinh ra và lớn lên tại một làng quê cách chợ chưa đầy cây số, được cha mẹ cho ra riêng, có mảnh vườn rộng. Nhà ở của vợ chồng chỉ chiếm một góc vườn. Thấy hoàn cảnh mụ Thòi tội nghiệp, vợ chồng cho mụ dựng cái lều nhỏ để tạm cư ở góc xa trong vườn.
Là goá phụ tử sĩ, mụ Thòi xin được viêc làm trong doanh trại quân đội Mỹ; cuộc sống mẹ con tương đối ổn định.
Mụ Thòi tỏ ra biết ơn vợ chồng mụ Thiệt; tối tối, mụ qua ngồi chuyện trò tâm tình với mụ Thiệt; hai mụ đối xử với nhau như người thân cật ruột; trong lời nói, họ xưng hô chị chị em em ngọt xớt.

Thế rồi …
Mùa hè 1972, chiến tranh ập đến; vợ chồng mụ Thiệt di tản vô Nam; mụ Thòi có bà con đi theo cách mạng, chần chờ ở lại. Quân giải phóng đánh chiếm cả tỉnh; thừa lúc “tranh tối tranh sáng”, chính quyền mới chưa có đủ thời gian ổn định tình hình. Các gia đình ở đô thị, khi hối hả di tản, “bỏ của chạy lấy người”, mụ Thòi ngày ngày đi “hôi của”; mụ vác tôn của nhà khác về, không những tráp và lợp lại căn lều của mụ cho kín đáo mà còn làm thêm ngôi nhà khá lớn; mụ lấy xe kéo vô chủ chở nào bàn, nào tủ, nào giường, nào nệm … về trang bị chỗ ở của mụ như nhà của một người giàu có.
Còn vợ chồng mụ Thiệt trên đường di tản gặp rủi ro; ông chồng trúng pháo kích, tử thương, vất xác. Mụ Thiệt cùng 2 đứa con dại - thằng Đông sáu tuổi và đứa con gái hai tuổi - sống nhờ trợ cấp trong các trại tỵ nạn. Đêm đêm mụ khóc sụt sùi tiếc thương người chồng xấu số, đoản mạng.
Và …
Việc gì có khởi đầu ắt có kết thúc. Chiến tranh cũng không ngoại lệ. Tháng Năm năm 1975, chiến tranh chấm dứt, mụ Thiệt đem con về quê cũ. Ngôi nhà của mụ còn cột, kèo, xuyên, trếnh nhưng mái ngói đã đổ, tường lỗ chỗ vết đạn; mụ nhìn sang bên nhà mụ Thòi, thấy hàng cửa nhà mình đã bị mụ Thòi tháo về lắp nhà mụ. Tuy nhiên, sợ - cái sợ tự nhiên mà người trốn chạy cảm thấy đối với người ở lại, mụ không dám hó hé nửa lời xin lại. Mụ đành mua bạt nylon nhờ bà con che chắn để ở. Trời đã sang Thu, mưa sa nước sỉa, gió tạt mưa bay mà nhà trống tứ phía.
Mụ Thòi lúc đó làm chủ tịch phụ nữ khu vực, mụ đội mũ tai bèo, mang quần áo bà ba đen, trông mụ cứ tưởng là cán bộ hoạt động lâu năm trong bưng mới về thành. Với tư cách cán bộ, mụ qua nhà mụ Thiệt giải thích đường lối, chính sách của cách mạng cho mụ Thiệt với cái giọng lạnh lùng. Mụ cố ý nhấn mạnh về chính sách đất đai, ý là để mụ Thiệt đừng đòi lại đất đã cho mụ ở:
- Đất chỗ mô chừ cũng là đất của cách mạng; mọi người được cách mạng sắp xếp chỗ ở bình đẳng. Ngày trước chị cho tôi ở vì đó là vườn của chị; chừ không còn vườn chị nữa mô, nơi tôi đang ở là đất cách mạng giao cho tôi. Chị nghe rõ chưa?

Mụ Thiệt không trả lời, chỉ nghe; bụng mụ nghĩ răng chỉ Trời mới hoạ may biết được!
Hai mụ không còn thân mật như hồi xưa; nhà ai nấy ở, không qua về chuyện trò.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, mụ Thòi ra vẻ “ta đây”, còn mụ Thiệt thì lủi thủi sống.
*

*        *
Giữa hai nhà, còn một khoảnh đất ngập nước, mụ Thòi có nuôi sáu con vịt hình như để giết thịt đãi đằng khách khứa. Về phần mụ Thiệt, đã gần đến giỗ của chồng, mụ mua hai con vịt để chuẩn bị làm mâm cỗ.
Mụ không nhốt, mụ thả ra cho bơi chung với vịt mụ Thòi.
Vịt mụ Thiệt ít con hơn và mới mua chưa quen nhà, tối lại, không tách bầy về mà theo vịt mụ Thòi.
Mụ Thiệt bảo thằng Đông - con mụ - qua xin bắt vịt về. Nào ngờ thằng Đông bị mụ Thòi mắng:
- Vịt mi mô đây mà qua bắt, bầy vịt này tau nuôi từ lúc còn vịt con. Mi coi cả bầy đang hì hục tranh nhau ăn, có con mô tỏ dáng lạ lẫm mô nờ!
Ngán ngẩm, thằng Đông bỏ về, trình bày câu chuyện với mẹ. Mụ Thiệt nhìn qua, thấy mụ Thòi, sợ …, không dám lên tiếng. Bí quá, mụ Thiệt liều, thử kêu vịt, xem sao ... Mụ rán hết hơi, hết sức:
- Ru … ru … ru … ru … ru …
Hai con vịt của mụ đang ăn cùng bầy giữa sân mụ Thòi, cất tiếng kêu cạp cạp, sè cánh bay ra giữa vũng nước rồi chạy nhanh lên sân nhà mụ. Hình như có Trời, Phật phù hộ, mụ chấp tay, miệng lẩm bẩm tạ ơn: “Lạy Chúa … Mô Phật ...” Mụ mừng quýnh, im lặng, bắt hai con vịt vô nhốt. Bên kia, mụ Thòi không phản ứng gì!
*

*         *
Mụ Thòi đã trên 80 tuổi; mụ bị tai biến mạch máu não đã mấy năm nay; hôm nay mụ chết.
Anh Đông đã lớn người nhưng tâm còn cạn, nên mới hỏi mẹ có đi đám không; mụ Thiệt trả lời với con phải đi, thế là đúng!
Khi còn sống, lúc khó khăn, mụ Thòi đã được mụ Thiệt cưu mang, ấy là tình người; thời thế thay đổi, mụ Thòi ăn ở không tốt với mụ Thiệt; mụ Thòi là người “phi nghĩa”; sách xưa đã dạy: “Nhân phi nghĩa bất giao”, mụ Thiệt, dù có được phép, không lui tới với mụ Thòi cũng phải thôi!
Còn bây giờ, mụ Thòi đã chết: Chết là hết, hết cậy quyền, hết cậy thế, hết tham lam, hết đối xử tai ngược. Vậy thì mụ Thiệt còn “bất giao” với mụ Thòi mà được chi!

                                                Hoàng Đằng
                                   17/12/2018 (11/11/Mậu Tuất)

READ MORE - ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

ĐÊM DÀI - Thơ Nhật Quang






ĐÊM DÀI

Đêm…
Tiếng thở dài
Rơi vào sâu thẳm
Dâng  niềm nhớ chơi vơi
Trở trăn…chờ ngày nắng mới

Vườn khuya
Hương quỳnh thoảng lơi
Cánh vạc đêm chao vội
Chạm vào thao thức trong tôi

Gió xạc xào
Lùa cánh lá rơi
Giật mình
Ngỡ bước chân ai về qua ngõ
Sao em ngần ngại…tình anh ngỏ?
Để đêm đông buốt lạnh
Đêm dài!

                             Nhật Quang
                         
READ MORE - ĐÊM DÀI - Thơ Nhật Quang

MÙA XUÂN CÒN MỘT KHÚC VỸ THANH - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng


Chùm thơ Lê Thanh Hùng
Ghen

Biển lạ tình phai nhạt
Hun hút chiều chạm đi
Don Juan kìa sóng bạc
Rủ rê em điều gì?
            *
Mà cười trong mắt biếc
Lẳng lơ nghịch sóng xa
Con nước ròng cạn kiệt
Mơn man bóng chiều tà
            *
Lòng anh như lữa cháy
Đắm đuối và hoang mang
Lượn lờ con sóng chạy
Em quay ngoắc điệu đàng
            *
Xốn xang anh đứng đợi
Chiều buông chậm hoàng hôn
Bâng quơ lời nhắn gởi
Đắn đo trãi ngập hồn ...
                         VIII/16
Mùa xuân còn một khúc vỹ thanh

Điều gì đọng lại lâu bền, đều trở nên sâu sắc
Nhưng, niềm thất vọng ở trong lòng ủ mãi mà chi
Sao cứ quẩn quanh, với bao điều vụn vặt
Mây sẽ tan đi và hoa sẽ nở đúng kỳ
                        *
Anh chấp nhận tất cả, để có thể giúp cho em hạnh phúc
Cầu cho người yêu của em, cũng yêu em đằm thắm như anh
Dẫu đã biết, có những chiều như hẫng hụt
Những nuối tiếc âm thầm, trắc trở lần quanh
                         *
Suy nghĩ xấu về người khác, chẳng làm cho ta tốt đẹp
Buồn vui gì, cũng là kỷ niệm mờ xa
Dù trong đó có đôi điều gượng ép
Đã chìm sâu trong ký ức mượt mà...
                         *
Anh không có được điều em cần trong cuộc sống
Chỉ mơ hồ những góc cạnh một tình yêu
Nghe chao đảo bên bến bờ hảo vọng
Của một mùa xuân lộng gió, trở chiều
                         *
Thôi em nhé! Chiều buông rồi, vương lại
Bên bến đời, mộng ảo cuốn ngày xanh
Sao trống vắng, những ân tình giao đãi
Treo ngang chiều, một khúc vĩ thanh ...
Chiều Phú Hài

Bên bờ con nước liu riu
Chảy, tràn nỗi nhớ quạnh hiu lối vế
Đâu, còn đắm đuối mãi mê
Thấy, chiều buông sóng vỗ về chân ai

Lê Thanh Hùng

   Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - MÙA XUÂN CÒN MỘT KHÚC VỸ THANH - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

NHỮNG CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG - Chùm thơ Tăng Tấn Tài


Chùm thơ Tăng Tấn Tài
NHỮNG CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG  

Cơn mưa mùa
nước không kịp chảy trên máng xối
Tôi vuốt mặt tuổi thơ
môi đầy vị ngọt và lòng đầy âm sắc tiếng mưa
Mùa xuân,
đã chớm vươn sức sống
trên những đọt non cuối đông
Ngọn gió cuối mùa
đầy hương quê lúa, cỏ…
mang cả tình đợi mong,
cho những đứa con xa
Mẹ ngửa mặt nhìn nắng
lòng dịu ấm mùa đông
Ngọn gió quen cuối năm
củng cố niềm tin yêu cùng mẹ
Chẳng cần sắc màu
nắng ấm dậy lên tiếng chim dồng dộc
lắt lẻo trên những cánh võng
cuối hàng tre,
đu đưa những chiếc lá
như nét bút tuổi học trò …
Tuổi thơ
thích vuốt mặt cơn mưa cuối đông
Lòng nôn nao,
chân cứ muốn quay về…

               
CHUYỂN MÙA

Bình minh vọng tiếng hoàng hôn
Giọt thu nghiêng đợi biết còn,
chưa rơi !            
Em xa, để nhớ mây trời
Cội mai ngậm mật cho đời hương xuân
Siết vòng tay
nhớ một lần
Hành trình xa lắc phân vân gió mùa
Khói thơm mùi rạ quê lùa
Hoa trăng trinh tiết
thẹn đưa bến tình…
Nhìn mưa bong bóng, giật mình
Đến mùa sâu nở, tiếng kinh vọng chiều
Được thua cũng một lần yêu
Son môi thấm lạnh, xót Kiều nỗi đau
Vàng tay, làn khói tìm nhau
Trăm năm thắt lại
ngày sau có còn! …


NỖI NHỚ CUỐI MÙA

Tiếng mùa gọi bên kia phía nắng
Cơn gió mặt trời thổi cuối bờ mây
Dòng lá đổ lạc về xa vắng
Cánh buồm căng ngược bến thuyền quen
Theo mùa đi
sóng dội phía không đèn
Em cứ lẫn tím - vàng trong ảo ảnh
Gửi nụ cười thăm
 nắng chiều phố biển…
Nỗi nhớ tháng, ngày chồng chất một dòng trôi
Con sóng mỏi
 một lần em không tới
Gió chuyển phương xa theo tiếng nói, cười…

Tăng Tấn Tài






READ MORE - NHỮNG CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG - Chùm thơ Tăng Tấn Tài

SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI? / Nguyễn Bàng


                          Tác giả Nguyễn Bàng


SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI?

Đã mấy năm sống ở Sài Gòn với hai mùa: Mùa mưa và mùa khô, quanh năm ngày tháng nắng vàng rực rỡ, trong tôi dường như đã quên mất mùa thu và cũng quên cả các câu thơ về mùa thu đã thuộc bấy lâu thì bất chợt nhận được 2 bài thơ: Sớm Thu của nhà thơ Nguyễn Khôi và Thu Sớm của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến  làm tôi bật nhớ ra mùa thu đang về trên miền Bắc.
Mà cũng lạ, hai nhà thơ tuổi chú cháu này như một cặp đôi thi nhân luôn phối hợp nhịp nhàng với nhau. Mới gần đây khi nhà thơ tuổi cháu Đặng Xuân Xuyến đưa lên bài thơ Về Đi Em thì nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi hưởng ứng ngay với bài Về Làm Chi Nữa, nói như nhà phê bình văn học Châu Thạch thì cả hai bài thơ “đều là tiếng gọi người về trong nỗi xót xa, đều là tâm trạng của những người có lòng khi thấy quê hương mỗi ngày mất đi bản sắc”. Hôm qua, ngày 15/08 nhà thơ tuổi chú đưa lên bài Sớm Thu (som-thu-tho-nguyen-khoi-ha-noi.html) thì hôm nay 16/08 nhà thơ tuổi cháu hòa giọng luôn với bài Thu Sớm, (thu-som-tho-ang-xuan-xuyen.html) một sáng tác được nâng niu cất giữ từ 15/09/2015. Cả hai bài thơ Thu này đều là những cảm xúc rất chân thật và rất đẹp của hai tâm hồn trước cảnh Thu về.
Mặc dù đang vào ngưỡng tuổi 80 nhưng trong Sớm Thu của nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, ta không thấy hình ảnh lá vàng khi mùa thu tới mà hầu hết các thi nhân Việt Nam từ cổ đến cận đại, từ cụ Tam nguyên Yên Đổ đến Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu đều ca ngợi:

                   Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
                   Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
                                   (Nguyễn Khuyến)

                   Trận gió thu-phong rụng lá vàng
                   Lá bay hàng xóm lá bay sang
                                                 (Tản Đà)

                   Con nai vàng ngơ-ngác
                   Đạp trên lá vàng khô
                             (LưuTrọng Lư)

                   Sắc trời trôi nhạt dưới khe
                   Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh-lùng
                                                           (Huy Cận)

                   Đây mùa thu tới mùa thu tới
                   Với áo mơ phai dệt lá vàng
                                          (Xuân Diệu)

Mà với Nguyễn Khôi là cảnh Sớm Thu rất hiện đại:

                   Sớm nay nghe hồn lành lạnh
                   Một trời sương trắng : ờ thu,
                   Cao Tầng ánh sao lấp lánh
                   Ban công vẳng tiếng chim Cu

Có lành lạnh, có sương trắng nhưng không phải là cái lạnh, cái sương buồn mờ ảo trong thơ Tản Đà:

                   Gió thu hiu hắt,
                   Sương thu lạnh
                   Trăng thu bạch,
                   Khói thu xây thành.

Đó là cái lạnh cái sương trên cao tầng giữa thủ đô Hà Nội, khi đêm chưa tan hẳn, ánh sao còn lấp lánh và không hề tĩnh lặng bởi “vẳng tiếng chim Cu”. Nhưng tiếc thay, không phải là tiếng chim Cu trên không trung được ví như tiếng nhạc của đất trời ngợi ca sớm thu cho mọi người thưởng thức mà là tiếng chim Cu trong lồng treo trên ban công nhà ai đó:

                   Chim Cu nhốt lồng gọi bạn
                   Mơ về một cánh rừng xa
                   Nhốt lồng khác chi bị "hoạn"
                   Không còn được sướng mây mưa...

Tiếng kêu trong bức bối khắc khoải, ao ước được tung cánh về rừng của một kẻ đang bị giam cầm tù hãm.

Hơn một trăm năm trước, đứng trên mặt đất làng Bùi, nhà thơ Nguyễn Khuyến phải ngửa mặt lên mới thấy được:

                   Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Nay nhà thơ Nguyễn Khôi ở lưng trời cao ốc, chỉ cần giơ tay ra là nắm được mây trời. Nhưng thật phũ phàng đó không phải là đám mây xanh ngắt mà là một đám mây độc đến chết người:

                   Đón thu lưng trời cao ốc
                   Quờ tay định tóm đám mây
                   Mây đen chừng đầy khí độc
                   Tạt qua tối xẩm mặt mày...

Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến là cảnh thu đến sớm trên một làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bước chân thu sớm thật khẽ khàng tinh tế, nếu không có cảm quan nhậy bén thì không dễ nhận ra. Vì vậy, anh có cảm nhận Thu đã về rồi nhưng vẫn phải hỏi em:

                   Em hỡi! Mùa thu đã đến chưa?                   
                   Có nghe se lạnh gió chuyển mùa?                                  
                   Có nghe thoang thoảng thơm cốm mới?                                        
                   Có thấy nhà bên rúc rích cười?

Và bây giờ mới chắc chắn mùa Thu đã đến thật:

                   Em nhỉ. Mùa thu đến thật rồi
                   Sương chiều bảng lảng rắc muôn nơi
                   Diều ai dìu dặt chòng chành nắng
                   Vắt vẻo em cười. Ơ ... đã thu.

Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em! Một Thu Sớm thật thanh bình, thật đáng yêu.

Từ tháng Tám năm 1945, mùa Thu đối với người Việt Nam không còn là mùa thu của lá vàng rơi, mùa thu của “Con nai vàng ngơ ngác” hay mùa thu của “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” mà là mùa Thu Cách mạng đẹp hơn cả thiên nhiên vốn có:

                   Trời bỗng xanh hơn nắng chói lòa

Nhà thơ Thâm Tâm từ những “Chán ngán tình gia sầu ngất ngất/ Già teo thân thế hận mang mang”, đã gắn bó với cuộc đời mới trong khung cảnh “Mùa Thu Mới”:

                   Trái hồng trĩu xuống cây rơm
                   Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng
                   Lúa vươn thân hút ánh vàng
                   Nguồn tươi vống nở thu sang mát lành.

Nguyễn Đình Thi thì rất vui khi nêu sự so sánh hai  trạng thái cảm xúc của mình về mùa thu trước và mùa thu nay:

                   Mùa thu nay khác rồi
                   Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
                   Gió thổi rừng tre phấp phới
                   Trời thu thay áo mới
                   Trong biếc nói cười thiết tha

Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm,  mặc dầu đang chiến tranh, mùa thu cũng không bớt đẹp đi chút nào:

                    Sáng mát trong như sáng năm xưa
                   Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Sau giải phóng Điện Biên Phủ, đất nước mới hòa bình, nhà thi sĩ làm cách mạng và nhà cách mạng làm thơ Tố Hữu phơi phới hát ca giữa trời thu:

                   Ngẩng đầu lên: Trong sáng tuyệt trần
                   Tháng Tám mùa thu xanh thẳm
                   Mây nhởn nhơ bay
                   Hôm nay ngày đẹp lắm!
                   Mây của ta, trời thẳm của ta
                   Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa!

Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng dẫn dắt dân ta đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập với khẩu hiệu: phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp thì hình ảnh Thu Sang của Hữu Thỉnh thật đẹp, đẹp tinh khôi, nhẹ nhàng và dịu êm duyên dáng, đẹp đến nỗi phải hàng năm phải cho học sinh lớp 9 học:

                   Sông được lúc dềnh dàng
                   Chim bắt đầu vội vã
                   Có đám mây mùa hạ
                   Vắt nửa mình sang thu

Dòng sông sang thu không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp mà êm ả lững lờ trôi như một con người đang trầm tư, suy ngẫm. Các loài chim chuẩn bị di cư về phương Nam tránh rét mới chỉ “bắt đầu vội vã”. Đám mây mùa hạ hãy còn, đẹp như một giải lụa “vắt nửa mình sang thu” như sẻ chia cùng bạn. Thu Sang đúng là đẹp hơn thơ!

Đến nay, người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa…” Thì hình ảnh Sớm Thu, Thu Sớm trong bức tranh nhị bình trên của Nguyễn Khôi và Đặng Xuân Xuyến là Thu buồn hay vui?

Với bài thơ rất chân thực của Nguyễn Khôi thì câu trả lời đã khá rõ. Làm sao có thể vui được khi “Chim Cu nhốt lồng gọi bạn / Mơ về một cánh rừng xa”. Làm sao vui được khi “Mây đen chừng đầy khí độc / Tạt qua tối xẩm mặt mày...”.  Và chính vì không vui được nên nhà thơ phải “Cúc vàng mua về cắm lọ” để ngắm và ngắm cúc vàng để mà:

                   Nhớ nhung lá đỏ cành Phong
                   Thu vàng nước Nga rực rỡ

Buồn thay, ngồi trong Sớm Thu ở nhà mình trên Thủ đô nước mình, ngắm  Cúc vàng Việt Nam mình mà lại nhớ lá đỏ cành Phong, Thu vàng ở tận nước Nga xa xôi. Đã thế mà lòng vẫn bất yên vì lại nghe thấy:

                   Lũ đang cuộn sóng sông Hồng...

Sớm Thu nay buồn nên nhà thơ mơ mùa Xuân tới, hy vọng ở ngày mai cho  tuổi 80 của mình::              

                   Xuân tới 80 rồi nhỉ ?
                   Sớm nay qua nẻo thu sang

Và niềm hy vọng ấy khiến nhà thơ:

                   Ngắm hoa thấy lòng tươi trẻ
                   Chỉ e hoa thẹn bẽ bàng...

Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến, như trên đã nói, đó là một cảnh Thu rất đẹp: Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em!

Nhưng hẳn bạn đọc còn nhớ, nhà thơ họ Đặng đã từng kêu lên: Quê tôi nghèo lắm, Nghèo cả giấc mơ, nghèo đến xót xa cõi cõi lòng thì sao cái làng Đá của anh có một cảnh Thu Sớm đẹp và vui như vậy. Phải chăng cũng chỉ là giấc mơ thôi?

Tôi nói chỉ là giấc mơ thôi bởi như ai cũng biết Sài Gòn không có mùa thu nhưng lại có rất nhiều nhà thơ ca ngợi Thu Sài Gòn mà điển hình là nhà thơ nữ Nguyễn Thị Lệ Thanh đã sáng tác bài thơ "Trưng Vương, khung cửa mùa thu", và nhạc sĩ  Nam Lộc đã soạn thành một ca khúc ghi dấu những mối tình nhẹ nhàng, nỗi bâng khuâng, những xao xuyến của tuổi học trò:

Tim em chưa chưa nghe rung qua một lần!
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh như lá me xanh Ngô ngác rơi nhanh
Thu giăng heo may che bóng cây lạnh này
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày…
Người mang cho em quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng…
Nắng vấn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh rồi
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân...

Và hàng trăm nhà thơ khác chưa thành danh với hàng trăm câu thơ như thế này:

                   Sài Gòn Thu đã chớm sang
                   Em đi qua phố dịu dàng như mơ
                   Mùa Thu đẹp tựa vần thơ
                   Tim anh xao xuyến đến giờ còn vương

Chả là giấc mơ mùa thu cho Sài Gòn đó sao?

Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến cũng chỉ là một giấc mơ như thế, cũng là hy vọng của anh về một Thu Sớm đẹp cho cái làng Đá quê hương của anh. Mà nói như Lỗ Tấn: "Đã là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư”.

Bởi thế, tôi trân trọng tất cả những giấc mơ đẹp, những hy vọng đẹp trong Sớm Thu của bác Nguyễn Khôi và Thu Sớm của nhà thơ Đặng Xuân  Xuyến.

Tôi thành thực cầu chúc cho hai nhà thơ:

Nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi sẽ  luôn có những Sớm Thu với những giây phút “ngắm hoa thấy lòng tươi trẻ” và sẽ được mãi như câu thơ của Thế Lữ:

                   Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
                   - Cho người vui cảnh quên già.

Nhà thơ tuổi cháu Đặng Xuân Xuyến cùng làng Đá quê  anh sẽ có được đích thực những Thu Sớm đẹp với “Diều ai dìu dặt chòng chành nắng” và vui tươi với tiếng “Vắt vẻo em cười” đầy trong thôn xóm.

Sài Gòn Rằm tháng Bảy 2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com

READ MORE - SỚM THU, THU SỚM - THU BUỒN HAY VUI? / Nguyễn Bàng