Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 22, 2011

TRƯƠNG QUANG HIỆP - BẢN KLU NỔI CỒNG CHIÊNG ĐÓN KHÁCH DU LỊCH

Một góc yên bình ở điểm du lịch cộng đồng bản Klu.
Tiếng cồng chiêng, tiếng hát, tiếng cười… rộn vang bản KLu dẫu các lễ hội lớn đã qua khá lâu. Cuộc sống người dân tộc Vân Kiều nơi đây sang trang, từ ngày bản làng trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Thiên - địa - nhân tụ hội
Thiên nhiên ưu ái ban cho bản KLu, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị món quà vô giá. Mảnh đất hội tụ nhiều cảnh đẹp của Khu di tích - danh thắng Đakrông: Dãy núi KLu sừng sững ẩn hiện giữa mây trời, dòng sông Đakrông đậm chất sử thi, chiếc cầu treo duyên dáng... Tất cả như “những nét vẽ xuất thần” điểm tô bức tranh bản làng người Vân Kiều. Ít ai biết tên bản KLu vốn được khoanh tròn trên bản đồ khảo cổ học thế giới. Suối nước nóng KLu mải miết chảy bao đời gắn với di tích khảo cổ quan trọng. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đến vùng đất này và phát hiện di chỉ thuộc thời đại đồ đá cũ. Trên nền đất tiên tổ ấy, các thế hệ dân bản KLu sống quần tụ. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, họ đồng cam, cộng khổ đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất quê hương.
Bề dày lịch sử góp phần tôn thêm nét đẹp văn hoá của người Vân Kiều. Các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, nấu rượu cần... gắn bó với người dân như cơm ăn, nước uống. Lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới... mang nét độc đáo hiếm thấy. Thế nên, dân bản KLu luôn ý thức gìn giữ “nét nhà”. Trẻ em lớn lên sớm được các thế hệ ông bà, cha mẹ truyền dạy bài học văn hóa: Từ điệu múa, lời hát... đến nghề truyền thống, cách chế tác nhạc cụ.
Cửa hội nhập mở, nguy cơ văn hoá dân tộc bị mai một là thách thức lớn. Đứng trước chướng ngại ấy, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị cùng nhân dân bắt tay vào cuộc. Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Ban quản lí các khu du lịch Quảng Trị đã triển khai nhiều dự án lớn nhỏ như: Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, dự án ADB đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực người dân... Phạm vi và tầm ảnh hưởng của những dự án này vươn đến nhiều bản làng của người Vân Kiều - Pakô, trong đó có bản KLu. Đây là lí do giải thích vì sao: Đời sống dân bản KLu được cải thiện, nhưng các bề dày văn hoá dân tộc vẫn không mai một.
Hàng năm, có khoảng 30.000 khách du lịch qua lại trên tuyến quốc lộ 9. Tuy nhiên, số du khách dừng chân tại huyện miền núi Đakrông lại khá khiêm tốn. Tại sao không chọn một bản làng trên tuyến quốc lộ 9 làm điểm dừng chân mới lạ? Tại sao không để du lịch và bảo tồn văn hoá truyền thống đi song song? Ý tưởng về Điểm du lịch cộng đồng nhanh chóng ra đời từ các câu hỏi ấy.
Những viên gạch đầu tiên
Được sự tài trợ của Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Đakrông, phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Đakrông chọn bản KLu làm điểm du lịch cộng đồng. Ông Hồ Dũng Sỹ, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đắc Rông cho biết: “Chúng tôi hy vọng dự án này giúp đồng bào dân tộc Vân Kiều cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, một khi điểm du lịch cộng đồng ra đời, nét đẹp văn hoá nơi đây sẽ được bảo tồn và phát triển”.
Những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng điểm du lịch cộng đồng bản KLu nhanh chóng được “cân đặt”. Dựa trên tiềm năng sẵn có, các dự án nhân rộng, phát huy nghề truyền thống, nâng cao ý thức người làm du lịch... nhanh chóng đi đến khâu triển khai. Một số nghệ nhân tên tuổi như: Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (dệt thổ cẩm), nghệ nhân Mai Hoa Sen (chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống), nghệ nhân Hồ Văn Hùng (nấu rượu cần)... được mời về, góp sức giúp bản KLu mau chóng trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Cuối năm 2008, Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại bản KLu. Lớp học thu hút nhiều phụ nữ vốn say mê với đường tơ, sợi chỉ. Chị Hồ Thị Đơn (46 tuổi) tâm sự: “Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với dân bản mình từ lâu lắm rồi. Nhưng, trước giờ, chị em chỉ biết dệt khăn, áo, váy thôi. Nhờ đi học thế này, mình mới biết cách làm túi thổ cẩm, ví, hộp... Mình vui lắm”. Tham gia lớp học, chị em không chỉ tiếp thu nhiều kinh nghiệm mới, mà còn được hỗ trợ khung cửi, con quay, chỉ dệt... Đến giờ, các sản phẩm thổ cẩm của dân bản KLu đã đến tay nhiều du khách thập phương.


Phụ nữ Vân Kiều bên tấm thổ cẩm.

Hoạt động nhân rộng các nghề truyền thống khác cũng phát triển rầm rộ chẳng kém. Bản KLu giờ có thêm 5 thanh niên trẻ tuổi biết chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống như: Tù và, khèn bè, sáo tirel... Thành công ấy phần nào nhờ tâm huyết của nghệ nhân Mai Hoa Sen (thôn Ke Hẹp, xã Đakrông, huyện Đakrông). Chất men của ché rượu cần cũng hứa hẹn quyến luyến nhiều du khách. Nghệ nhân Hồ Văn Hùng (thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) đã dốc lòng, truyền bí quyết nấu rượu cho 5 hộ gia đình... Đặc biệt, đội văn nghệ bản KLu hình thành, tập trung những thanh niên yêu điệu múa, lời hát của người Vân Kiều. Từ khi Đội thành lập, tiếng hát, tiếng đàn lại rộn rã khắp bản.
Để giải đáp bài toán kinh nghiệm làm du lịch, Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện để một số người dân trực tiếp tham quan điểm du lịch cộng đồng bản Lác (tỉnh Hoà Bình). Sau chuyến đi, ý thức “mỗi người là một hướng dẫn viên du lịch” trong suy nghĩ dân bản KLu càng thể hiện rõ.
Bản KLu chờ khách
Du khách ngược xuôi trên tuyến quốc lộ 9 từ nay có thể dừng chân ở Điểm du lịch cộng đồng bản KLu. Giữa chốn núi rừng hùng vĩ, bạn có thể ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, thăm các địa danh lịch sử, hoà mình vào dòng nước nóng suối KLu. Một không gian thuần dân tộc đã mở ra, đón chào khách thập phương. Du khách đến đây sẽ được ngủ nhà sàn, thưởng thức các điệu múa, lời hát của người Vân Kiều, đắm say với men rượu cần, nếm thử các món ăn truyền thống... Không những thế, nghệ nhân bản KLu sẽ nhiệt tình giới thiệu với khách du lịch về nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm nhạc cụ... Khi rời điểm du lịch cộng đồng bản KLu, những sản phẩm văn hoá truyền thống của người Vân Kiều có lẽ khó có thể thiếu trong hành lí của du khách. Đặc biệt, sự hồn hậu, gần gũi... của dân bản KLu hứa hẹn để lại dấu ấn khó quên. Với tư cách là “chủ nhà thân thiện”, người dân tộc Vân Kiều nơi đây luôn mở rộng cửa đón chào khách quý. Chị Hồ Thị Bút bộc bạch: “Mỗi người khách đến bản KLu sẽ là bạn của mình, gia đình mình và cả dân bản mình nữa”.

Trương Quang Hiệp
Nguồn: http://baobienphong2.jcapt.com
READ MORE - TRƯƠNG QUANG HIỆP - BẢN KLU NỔI CỒNG CHIÊNG ĐÓN KHÁCH DU LỊCH

OÁT-SA NỚT: LÀN ĐIỆU DÂN CA ĐỘC ĐÁO CỦA ĐỒNG BÀO VÂN KIỀU, QUẢNG TRỊ


(Không rõ tác giả)

Oát-sa nớt là một lối hát ví von, có giai điệu và cung bậc rõ ràng để bày tỏ tình cảm, tâm sự lỗi lầm, chia sẻ niềm vui, khát vọng chinh phục thiên nhiên giữa những người trong cộng đồng dân tộc với nhau. Oát-sa nớt có từ lâu đời, đến bây giờ các già làng, trưởng bản chỉ biết rằng, đồng bào dân tộc phía nam Ðường 9 gọi là Oát, còn phía bắc Ðường 9 gọi là sa nớt.

Nhiều bài hát oát-sa nớt được thể hiện không có lời mà tùy thuộc vào lễ hội, điều kiện hoàn cảnh đặt ra mà hai bên (chỉ những người hát qua hát lại) ứng khẩu thành lời đối đáp với nhau. Bởi vậy, không phải ai cũng hát hay được mà chỉ có những người am hiểu, có tài ứng xử, nhanh nhạy mới có thể hát oát-sa nớt hay, có ý nghĩa và có sức thuyết phục.

Oát-sa nớt thể hiện trong các ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Vân Kiều như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi... Hòa cùng với các làn điệu oát-sa nớt còn có âm thanh của các nhạc cụ như: sáo khui, cập a chung, kèn ca lui... biến đổi theo tâm trạng của người hát. Trước khi hát oát-sa nớt tại các lễ hội, người hát phải xin gia đình, trưởng tộc, trưởng bản, già làng nếu được những người đứng đầu cho phép mới hát. Lời "bạt" cũng phải thể hiện bằng lối hát có cung bậc, âm điệu rõ ràng. Còn hát oát-sa nớt trong các cuộc vui như gặp gỡ, thăm viếng là để bày tỏ tình cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi nhớ nhung... với bạn bè, người thân, láng giềng. Trong những hoàn cảnh như thế nhạc cụ đơn giản hơn, chỉ cần một người hát và một người biết thổi kèn ca lui (kèn ca lui dài khoảng 0,8 mét, làm bằng tre lồ ô, có 6 lỗ, âm điệu như tiếng sáo tre).

Trong các lễ hội, sau phần cúng bái trang nghiêm, con cháu các dòng họ, bản làng được sum họp vui vầy, ăn uống thỏa thích và được múa hát oát-sa nớt. Trước hết, già làng nói về ý nghĩa của ngày hội để tạo thêm sinh khí, sức mạnh, sự cuốn hút với mọi người. Ðược sự cho phép, người hát trước sẽ xướng một câu thổ lộ niềm vui trong ngày lễ hội. Những người hát tiếp theo vừa lắng nghe lời, âm điệu câu hát vừa chuẩn bị hát đối đáp biểu hiện sự đồng tình, niềm vui để tạo được không khí ngày hội cho nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Những ngày lễ hội trong năm là dịp để người Vân Kiều hát oát-sa nớt với nhau, vui vẻ, sum vầy sau những tháng ngày nhọc nhằn lên nương, xuống rẫy toan lo cái ăn, cái mặc và là dịp để tự hào về lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Oát-sa nớt là lối hát thể hiện sự thông minh, tài ứng xử nhanh nhạy của con người trong việc mượn cảnh vật, sự việc để nói lên tình cảm con người, khát vọng yêu thương, chinh phục thiên nhiên trong cuộc sống thường ngày của người dân tộc Vân Kiều. Nét đặc sắc có tính dân tộc của làn điệu oát-sa nớt là góp phần giải quyết những bất hòa giữa con người trong cộng đồng dân tộc, ca ngợi tình đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng giàu đẹp. Bởi thế, oát-sa nớt sống mãi trong lòng người dân tộc Vân Kiều.

Nguồn: website Nhân dân
Hình từ trang Sài Gòn Tiếp Thị Online
READ MORE - OÁT-SA NỚT: LÀN ĐIỆU DÂN CA ĐỘC ĐÁO CỦA ĐỒNG BÀO VÂN KIỀU, QUẢNG TRỊ

TÀ OÁI : LÀN ĐIỆU DÂN CA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU, QUẢNG TRỊ


(Không rõ tác giả)

Mỗi độ Xuân về, Tết đến, các chàng trai, cô gái Vân Kiều theo nhau vào rừng "đi sim" hay đến các nhà "xu" để tâm sự chuyện trò, thổ lộ tình cảm. Lối sinh hoạt ban đầu của "đi sim" mang tính tập thể (trò chuyện, vui chơi, ca hát tập thể), đến khi "phải lòng nhau", họ tự động tách thành từng đôi riêng lẻ và hát đối đáp với nhau.

Dưới trời khuya và trăng sao, những bài hát giao duyên về tình yêu dịu dàng cất lên. Lối hát này, đồng bào dân tộc Vân Kiều gọi là Tà Oái - một làn điệu dân ca độc đáo mà các chàng trai, cô gái thường dùng để thổ lộ tình cảm, tình yêu...

Tà Oái là một lối hát ví von, có giai điệu, cung bậc rõ ràng. Những ai có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật, có đầu óc liên tưởng thì có thể vừa hát hay, vừa sáng tác những bài hát có nội dung hay, có sức hấp dẫn, thể hiện được nỗi niềm, ước muốn của mình với bạn tình. Ðáp lại lời ca như một lời nhắn gửi, tìm kiếm đó, người con trai hoặc con gái sẽ thổ lộ tâm trạng, nỗi lòng của mình một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc.

Em ước mơ đến anh
Không biết rồi mơ ước có thành không?
Hoặc:
Em ở chòi bên này thao thức đợi anh
Muốn thổi kèn aman nhưng lại thiếu một người
Kèn aman không thổi một mình
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.

Tình yêu và những lời hẹn ước, thủy chung thông qua lời ca Tà Oái được không gian thanh vắng của núi rừng chắp cánh bay xa, dìu dắt hai tâm hồn "đồng điệu" tìm đến với nhau. Càng về khuya, đôi uyên ương càng xích lại gần nhau, giọng ca càng trở nên quấn quýt, gắn bó lạ thường, âm điệu càng thổn thức, sâu lắng hơn:

Thương em đến nỗi sầu
Nhớ em đến nỗi ốm
Ước gì gan mật trở về nhau mãi mãi

Câu hát Tà Oái chính là thông điệp của tình yêu mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều gửi gắm cho nhau, giúp họ vượt qua các trở lực ngăn cản, hoàn cảnh éo le để đến với nhau nên vợ, nên chồng. Những lúc đó, lời ca của họ cất lên có âm điệu buồn bã như một tiếng thở dài, than thở cho tình yêu trắc trở và số phận của đôi lứa. Không ít những đôi trai gái với khát vọng yêu đương nhờ lời ca Tà Oái đã làm xiêu lòng bố mẹ để rồi họ bỏ qua những mâu thuẫn, mối bất hòa giữa hai dòng họ, bản làng mà tạo điều kiện cho đôi trai gái đó đến với nhau. Nhiều lời hát Tà Oái có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian, không gian, đi vào kho tàng văn hóa dân gian, sống mãi đến tận hôm nay.

Các chàng trai và cô gái Vân Kiều khi hát trong các lần "đi sim" thường sử dụng nhiều nhạc cụ kèm theo. Có thể họ dùng sáo khui với âm điệu vi vu trầm bổng, réo rắt; dùng đàn ta lư thánh thót, dùng khèn bè với âm thanh rộn ràng, lôi cuốn và các nhạc khí khác như: aman, achung tính tông (đàn một dây), cập achung (đàn ba dây)... thích hợp cho lối nói bóng gió, giàu hình ảnh và được ưa chuộng trong các lần "đi sim". Các chàng trai và cô gái Vân Kiều nhận biết thông điệp về tình yêu qua các nhạc cụ này rất nhạy và giỏi.

Ngày nay, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, sau mùa thu hoạch nương rẫy là các chàng trai, cô gái Vân Kiều thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của mình để khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó hát Tà Oái được tổ chức thường xuyên và có nhiều tiết mục hay được chọn lựa tham dự tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng của địa phương và khu vực được mọi người hâm mộ đón chào nhiệt liệt. Với sự tinh tế, độc đáo, tin rằng làn điệu Tà Oái của người Vân Kiều sẽ được lưu truyền mãi mãi.

Nguồn: website báo Nhân dân
READ MORE - TÀ OÁI : LÀN ĐIỆU DÂN CA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU, QUẢNG TRỊ

TIẾNG QUẢNG TRỊ - VÕ ĐÌNH HƯƠNG sưu tầm




BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ


TIẾNG QUẢNG TRỊ

NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT

TỰ TÔN TIẾNG NÓI DÂN TỘC

CHUYỆN LÀNG CHUYỆN XÓM

Ngủ dậy bựa mai xuống chợ bến đò mua chín cấy tréc.
Đêm về bắc lên lò:
Cấy kho ceng ngò, cấy kho ceng cải, nấu nải chuối xeng,
Nấu ceng dưa giá, kho cá, kho gà, kho cà, kho thù đủ, nấu cổ khoai tây.
Tai em nghe eng thi hỏng trường này.
Bâng khuâng bụng dạ bỏ quên chín cái tréc này eng ơi!

V.Đ.H
READ MORE - TIẾNG QUẢNG TRỊ - VÕ ĐÌNH HƯƠNG sưu tầm