Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 31, 2024

Chùm ảnh HOA HUỆ - Chu Vương Miện

 






READ MORE - Chùm ảnh HOA HUỆ - Chu Vương Miện

NẾU MÙA XUÂN VẮNG ANH - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Minh Thúy - Ca sĩ: Diệu Hiền

READ MORE - NẾU MÙA XUÂN VẮNG ANH - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Minh Thúy - Ca sĩ: Diệu Hiền

Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: 1. BÀ PHÙ THỦY NGÁI NGỦ - Ngọc Châu

 



1- BÀ PHÙ THỦY NGÁI NGỦ


Nhà chỉ có hai mẹ con. Bố thằng bé đi lính, chết trận từ lúc các bà Mụ còn đang nặn chân, nặn tay cho nó ở trong bào thai.

Không biết do mẹ nó bị sốc khi nghe tin chồng chết quá đột ngột hay bởi sơ suất của các bà Mụ, vì dẫu là Tiên,  Phật cũng không tránh được sai sót khi họ làm việc mà đầu óc không được tập trung cho lắm, nên thằng bé đã mang chịu thiệt thòi từ lúc mới lọt lòng.

Rất may là sau đó bà Mụ thứ mười hai đã phát hiện ra, bà ta vội vàng sửa lại những khuyết tật mà các Bà kia không lưu tâm đến, như hai chân không cao bằng nhau, mắt nhìn lệch sang hai bên...v...v..,  thế nên khi ra đời thằng bé trông cũng không có gì đặc biệt so với những đứa trẻ sơ sinh khác. Có điều do phải nặn đi nặn lại nên thể lực nó không được khỏe và tâm thần quá ư nhạy cảm.

Hai mẹ con lần hồi mà sống trong một khu vực tồi tàn, ven nghĩa địa sát chân dãy núi đá chôn những người lính chết trận, nhưng không có mộ bố nó ở trong ấy.

Người ta vẫn nói rằng ở nơi đó có nhiều hồn ma, trước kia có một mụ phù thủy nhưng mụ đã ngủ yên đến vài trăm năm nay, lũ quỷ cũng thường hay bén mảng, tuy nhiên hai mẹ con chẳng thể nào dọn đi nơi khác.

Ở đấy bà mẹ và đứa con có một căn nhà tạm, tôn cũ lợp ở trên mái, vỏ cây ghép bốn chung quanh. Biết dọn đi đâu, mà muốn chuyển ngôi nhà ấy đi thì phải mượn được cây đèn thần, nếu không thì nó sẽ nát vụn ra như  tấm bánh đa  nướng gặp lúc trời mưa!

Thế nên không lấy làm lạ khi từ lúc ba bốn tuổi thằng bé đã ao ước tìm được cây đèn thần hoặc chiếc nhẫn thần ở đâu đó. Nó cứ tha thẩn tìm nhặt cây cỏ và các vật lạ mắt, nhặt thứ nọ bỏ thứ kia, đầu tiên chỉ ở ven nghĩa địa lính nhưng dần dà dám đi sâu vào bên trong.

Một lần, sau hàng tuần mưa lớn, nước ngập rồi lại cạn, thằng bé nhìn thấy một mẩu gì sáng lấp lánh nhô lên trên lớp bùn mỏng. Nó tò mò kiếm chiếc que gảy gảy khều lên được một đoạn xích nhỏ, có hai cục to hơn ở hai đầu.

Đưa thứ ấy vào vũng nước ngoáy cho hết bùn thì một tia xanh lẹt chiếu vào mắt khiến nó phải lùi lại, hóa ra đó là đôi mắt của con quỷ ở một đầu của sợi xích. Con quỷ này màu đen, mắt nó cứ lấp lánh như dọa người ta, trông khá ghê dù lúc đó là ban ngày, chẳng hiểu sao người ta lại giằng nó vào một chiếc móng loài thú gì đó màu vàng vàng ở đầu kia của sợi xích.

Sợi xích này rõ ràng không phải là vòng đeo tay hay đeo cổ, để làm bùa như nó thấy một vài đứa bé khác có đeo. Chiếc móng thú màu vàng không thể móc treo vào đâu được vì nó doãng lắm, còn sợi xích thì màu trắng nhưng có nhiều mắt bị xỉn.

       Thằng bé nhặt lấy, đem rửa thật sạch rồi đưa ra khoe khi thấy bà mẹ vừa ở chợ về. 

Hàng ngày mẹ nó đẩy chiếc xe ba bánh bán các thứ tạp phẩm ở chợ và quanh mấy phố của thị trấn nhỏ, nên khi trông thấy chuỗi dây xích con mình nhặt được chị biết ngay là chúng có giá trị. Chiếc móng con thú trông như được đúc bằng vàng, dây xích bằng bạc còn con quỷ chắc là bằng đồng, chỉ nhỏ bằng hai đốt ngón tay nhưng khá nặng. Có điều lạ lùng là nếu để yên thì không sao, nhưng hễ động vào thì mắt con quỷ ánh lên xanh lẹt như đe dọa, vậy nên mẹ nó phải lấy vải che cả đi cho đỡ kinh.

Ban đầu mẹ thằng bé tưởng con quỷ bằng đồng nhưng về sau mới biết con quỷ ấy bằng đồng đen, đắt hơn cả chiếc móng thú vàng, nhưng lúc đó cả hai mẹ con đã kinh hãi nó, nên chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện bán chác.

Ba thứ đều nho nhỏ, chiếc móng thú chỉ nặng cỡ hai chỉ nếu đem cân bằng chiếc cân người ta dùng để cân vàng bạc.

- Mẹ ơi, đem bán cả đi có mua được cây đèn thần không hả mẹ? - Thằng bé luôn mơ ước về việc chuyển nhà đi nơi khác, nên lúc nào nó cũng mong mỏi có được cây đèn thần. Có cây đèn thần thì có thể chuyển ngôi nhà của hai mẹ con xa khỏi chỗ có quỷ, có ma, có mụ phù thủy đang ngủ, có khi thần đèn còn xây cho hai mẹ con nó một ngôi nhà đẹp nữa cơ.

- Không mua được đâu, đèn thần chắc là đắt lắm. Cũng lâu lắm rồi, chẳng  ai nói nhìn thấy cây đèn thần ở đâu, con ạ!

- Thế có mua được nhẫn thần không hở mẹ? - Trí tưởng tượng non nớt của đứa bé chuyển sang chiếc nhẫn thần. Nhẫn tuy không nổi tiếng như đèn nhưng cũng có nhiều người được nó giúp cho những việc tương tự, chiếc nhẫn nhỏ hơn cây đèn, vậy thì may ra mua được nó chăng? - Bé hỏi mẹ với niềm hy vọng ánh lên trong đôi mắt đen. Các bà Mụ luôn giữ cho đôi mắt trẻ con đen lánh, giá các bà cứ giữ mãi màu mắt ấy cho chúng thì hay biết mấy. Tiếc rằng với thời gian mắt người ta cứ bạc dần đi vì những lo toan vất vả, những băn khoăn suy tính chỉ để có cơm ăn và áo mặc.

- Không chắc đã mua được, mà từ lâu lắm rồi cũng không ai nói đến nhẫn thần - Mẹ nó bảo thế, nhưng thấy hy vọng chợt tắt trong mắt đứa con bé bỏng, chị vội vàng nói thêm:

- Nhưng mẹ sẽ mua được cái gì đó con ạ, nó sẽ giúp cho hai mẹ con mình khá hơn. Có điều con đừng nói chuyện nhặt được chuỗi xích này với ai cả nhé, biết đâu nó là của bà phù thủy già đang ngủ. Bà ấy mà thức dậy đi tìm thì mình phải giả lại đấy con ạ, mà con cũng đừng vào tìm trong nghĩa địa nữa nhé. Trong ấy có rắn độc, nguy hiểm lắm đấy!

Bà mẹ nói vậy để dọa thằng bé, để nó đừng vào dò bới trong nghĩa địa lính, trong ấy có thể còn sót lại bom mìn, với những thứ hiểm nguy khác mà người ta vội vàng vùi lấp trong chiến tranh, cũng đừng khoe khoang với người này người nọ về thứ nó vô tình nhặt được.

Thằng bé vẫn cứ mong mỏi tìm được chiếc nhẫn hoặc cây đèn, nên khi mẹ đẩy xe đi chợ nó lại lần mò quanh các ngôi mộ xây, hoặc các hố nước với những tấm ván thiên còn lại sau khi người ta di chuyển hoặc cải táng cho thân nhân của họ.

Bắt đầu vào hè nên trong nghĩa địa lính không chỉ có một mình thằng bé. Có một toán trẻ khác vào đấy bắt dế chọi, chúng đem theo hai chiếc hộp nhựa nhỏ để nhốt các chú dế bắt được, mang những chai nhựa to để múc nước đổ vào hang dế.

Đổ dế thì phải đổ nước liên tục, lúc nào cũng ngập cơ thì con dế cụ mới chịu chui lên, để con dế  thò râu ra ngoài một thoáng thôi là nó sẽ lấy thêm hơi, còn lâu mới chịu nhảy ra khỏi hang, đám trẻ bảo với nhau như thế.

Thế nhưng hố nước ở xa, thời gian dìm đợi nước vào đầy chiếc chai nhựa cổ nhỏ cũng lâu lâu, nhóm hai thằng bé luân phiên chạy đi chạy lại múc nước liên tục mà vẫn để cho con dế thò được hai sợi râu dài ngoẵng ra ngoài.

Cậu bé năm tuổi không dám lại gần toán trẻ con được đi học ấy, nó chỉ đứng xa xa chăm chú xem và thích thú, mỗi khi thấy đám nào đó bắt được một con dế to mà chúng gọi là "dế chiến".

Con dế cụ ở một góc khu mộ quây dây kẽm gai vẫn không chịu đầu hàng, thế nên cả hai thằng bé đổ dế cùng tức mình. Một đứa đâm xéo thanh sắt xiên vào lỗ, bảo thằng kia bê mảng bê tông của chiếc thánh giá vỡ lên gõ thật mạnh vào đầu cây sắt "Xiên cho nó chết đi!"- thằng ấy bảo bạn như vậy. Bé không thích nhìn thấy con dế bị đâm cho chết bẹp nên nó bỏ đi, được mấy bước thì một tiếng nổ khủng khiếp nổi lên, sau đấy nó không biết gì nữa...

Trái tim người mẹ  chết lặng bên đứa con trai. May là con bà không bị cắt chân, cụt tay như hai thằng bé chọc lỗ dế, nhưng suốt một tuần cứ nằm lặng như cái cây trong bệnh viện, sống nhờ đám rễ là các ống nhựa nối với những chiếc bình nhiều màu treo trên cây giá.

Bây giờ nó đã nuốt được chút cháo đổ vào trong họng, nhưng không biết bao giờ mới tỉnh lại và hồi phục như xưa? Bác sỹ bảo là nhờ đứng cách xa hai thằng bé kia nên quả mìn chỉ làm nó bị choáng, tuy vậy thể lực con chị  yếu ớt nên khả năng hồi phục sẽ không nhanh được đâu.

- Con ơi! Mẹ đã dặn là không được đi vào bên trong nghĩa địa lính ấy cơ mà - Bà mẹ nức nở rồi lại cúi xuống sát ngực đứa con lắng nghe nhịp tim của nó. Thằng bé thở đều đặn nhưng không có dấu hiệu gì là sắp hồi tỉnh, để hỏi mẹ nó những câu hỏi thường ngày về cây đèn hay chiếc nhẫn thần.

Thể xác đứa nhỏ nằm đấy mà phần hồn nó phiêu bạt đẩu đâu. Nó đang đi lang thang, nhặt nhạnh vớ vẩn rồi bỗng thấy một bà già cúi người dò dẫm tìm thứ gì đó ở sát đám cỏ may trong nghĩa địa.

Tự dưng thằng bé  nhận ra đấy là bà Phù thủy đã ngủ yên hai trăm năm nay. Có lẽ vì bà ta trông chẳng giống những bà già khác, có lẽ vì bà ta có chiếc mũi khoằm khoằm, có lẽ vì cái bị khác thường bà già kẹp ở một bên nách, hoàn toàn không giống với bị ni lông, bị đan bằng cói hoặc những thứ tương tự.

Chiếc bị của bà ta ánh lên những màu sắc khác nhau rất lạ mắt, loang loáng những tia cầu vồng sau cơn mưa.

- Bị này bà đan bằng vỏ cây gai mèo đấy bé ạ, bà dùng đã chín trăm năm nay mà chưa hề thủng một lỗ nào - Bà già ngửng đầu lên, thấy thằng bé đang nhìn cái bị của mình liền nói ngay như vậy. Giọng bà ta hiền lành khiến nó không thấy sợ.

- Cháu thấy cái bị của bà đẹp không? Mất một trăm năm bà mới nhuộm đủ được các màu cho những sợi gai mèo dùng để đan bị đấy. Màu đỏ tyrian này chắt lọc từ ruột những con sò ở đáy biển Đông, lũ sò này lẩn ở phía sau Thủy cung của Long vương Nam hải, phải nhờ lũ cá cóc chuyên dọn vườn rong biển ở đấy mới kiếm được cho bà một trăm con sò già nhất.

- Màu nâu và xanh lơ nhờ bà bạn ở Bắc Cực lọc từ những cây địa y, giống giống loại cây rêu ở đây cháu ạ - Bà phù thuỷ tiếp tục nói chuyện với thằng bé - Cầu kì lắm mới nhuộm được đủ các màu, rồi phải bỏ vài chục năm thử đi thử lại các kiểu xếp sợi, mới có được chiếc bị tỏa ra ánh sáng cầu vồng bảy sắc…

- Nhưng bị của bà bây giờ rỗng không cháu ạ, bà ngủ lâu quá nên không biết đứa nào đã moi hết các thứ trong bị của bà - giọng bà Phù thủy bỗng trở nên buồn rầu và có phần mỏi mệt...

Lúc mệt mỏi trông bà hơi giống một bà già nhặt rác với cây gậy nho nhỏ, có một đầu khoèo. Bà Phù thủy tiếp tục bới tìm ở mấy bụi cỏ may và sim mua mọc cạnh nhau, dùng đầu gậy hất văng đi mấy thứ rác rưởi to nhỏ, trong đó có một khúc xương chân bò hay chân người bị bỏ sót, nhưng hình như chưa tìm thấy thứ mà bà cụ cần tìm.

Một con dê đen khoang trắng bỗng chạy ra từ sau mấy bụi cây. Nó đứng nghiêng đầu nhìn thằng bé, cái sừng vênh dứ dứ như muốn húc nó hoặc húc vào thứ gì đó, rồi co chân sau lên đạp đạp khiến đất cát văng ra tung tóe.

Không biết  con dê có phải là của bà Phù thủy nuôi hay không, nhưng khi bà ta giơ chiếc gậy đầu khoèo chỉ vào một bụi sơn tra thấp thì nó lập tức lao đầu húc vào bụi, khiến một cụm cây đứt văng ra xa.  Rồi lập tức quay lại chúi sừng dũi đất làm bật tung cả rễ cây lẫn một tổ mối ở dưới gốc, sau đó con dê ngửng cổ lên nhìn bà Phù thủy, như muốn hỏi "còn gì nữa không?"

Bà Phù thủy moi thứ gì hơi giống viên kẹo tròn trong túi thảy cho con dê, nó quẹt mõm ngang mặt đất tóm gọn lấy, khéo như người làm xiếc rồi chạy đi chỗ khác.

- Phải hai trăm năm ta mới cho nó ăn một lần vào ngày tết Trùng Dương, tức là ngày mồng chín tháng chín  ấy - bà Phù thủy giải thích khi thấy thằng bé ngơ ngác - Nhưng con dê này tinh quái lắm, mỗi lần ta thức dậy vì một chuyện bất ngờ gì đó là nó có mặt ngay lập tức. Lần nào cũng đòi thêm một viên kẹo "địa y nha".

Bà già nói vậy rồi lại lúi húi bới tìm cái gì ở chỗ gốc cây có tổ mối mà con dê vừa húc tung lên.

- Các thứ khác mất không sao - sau một lúc kiếm tìm bà già ngửng lên nói với thằng bé - nhưng ta cần tìm lại con quỷ với chiếc móng rồng.

Khi Baba Yaga, con mẹ Phù thủy ở mãi tận Bắc Cực - dân cư ở cái xứ sở lạnh lẽo ấy gọi con mẹ  như vậy - cùng người ta bắt nó về rồi nhờ ta coi giữ, ta đã phải bỏ ra chín mươi chín ngày đêm ngồi phù chú, mới làm cho nó không còn lồng lộn khi đã bị nhét vào trong bị.- Bà ta giải thích thêm cho thằng bé - Truớc đó lão Long vương Bắc Hải phải trổ thần lực thu nhỏ hình hài nó lại, bắt thằng Rồng út nhổ một chiếc móng để làm neo, xích con quỷ đen vào đấy. Con quỷ này mà xổng ra thì phiền lắm cháu ạ.

Thằng bé chợt nhớ tới chiếc móng thú và con quỷ nó nhặt được, đã đưa cho mẹ, định đem đi mua hay đổi lấy cây đèn thần.

- Thôi, thế thì đúng các thứ ấy là của bà Phù thủy rồi, chính mẹ mình cũng nói thế mà. Vậy thì phải bảo mẹ đem trả lại cho người ta mất thôi - Nó thấy hẫng hụt vì chuyện ấy nhưng chợt nẩy ra một hy vọng mơ hồ.

- Bà ơi, nếu có ai nhặt được thì bà có đổi cho cái gì không hả bà? - Thằng bé  hỏi mà đỏ mặt xấu hổ vì thấy rằng không nên hỏi bà ta như vậy. Của bà Phù thủy thì phải trả lại cho bà ấy mới phải chứ.

      - Nếu ai nhặt được mà trả lại bà thì quý hóa quá. Nhưng bây giờ biết lấy thứ gì để trả ơn người ta đây?! - Bà ta dòm vào chiếc bị rỗng không kẹp ở nách - Truớc kia bị của bà có nhiều thứ lắm, những thứ mà cả người lớn lẫn trẻ con đều thích cơ, thế mà bây giờ nó rỗng tuếch rỗng toác thế này. À, cái gì đây nhỉ? - Bà Phù thủy chợt nhìn thấy thứ gì đó còn sót lại trong chiếc bị kỳ lạ mang màu của cầu vồng bảy sắc.

- Bà ơi, có phải là cây... à không, có phải là chiếc nhẫn thần không hở bà? - Nó định hỏi cây đèn nhưng chợt nghĩ nếu còn cây đèn trong đó thì chiếc bị không thể nào bẹp dí dị như vậy.

     - Nhẫn thần? - Bà già ngửng đầu lên nhìn thằng bé - A, ngày xưa con mẹ Phù thủy Bắc Cực có tặng cho ta một chiếc nhẫn. Không biết có phải là nhẫn thần hay không vì ta chưa bao giờ cần đến phép thuật của các loại nhẫn thần hay đèn thần cả. Chả là cái gì ta cũng tự làm lấy đuợc mà. Nhưng đấy là ngày xưa, khi ta còn trẻ, còn biết nhiều phép thuật...

     - Vậy bây giờ bà không biết phép thuật nữa à, bà ơi? - Thằng bé hỏi với vẻ rất thất vọng.

     - Giờ có lẽ chỉ còn nhớ lại được tí chút thôi. Bà ngủ khá lâu rồi còn gì, mà  truớc khi đi ngủ, vào thời đó bà thấy là người ta đã bắt đầu không chịu học và ít dùng đến pháp thuật lắm rồi.

Bà Phù thủy lại thò tay vào trong chiếc bị rỗng, sờ mò khua khoắng rồi lấy ra một ve thủy tinh bé con với một cuộn chỉ giống  màu của chiếc bị.

- Chỉ còn lại hai thứ này. Đây là ve địa y nha của Baba Yaga đem từ Bắc Cực về tặng bà. Chỉ chấm đầu chiếc kim tí teo vào thứ này, nhúng vào nước trộn bột là làm được bánh kẹo ngọt và thơm gấp mấy lần kẹo mạch nha, để rồi hôm nao...

- À, hình như cháu muốn nói là có biết người nhặt được chùm xích của bà phải không? Chết thật, người già hay lú lẫn chuyện nọ chuyện kia. Việc quan trọng vậy mà tí nữa lại quên không hỏi...- Bà già đưa tay lên gãi chiếc mũi khoằm khoèo, lúc này nó thấy bà đúng là bà Phù thủy như trong cuốn truyện tranh.

- Chính cháu nhặt được đấy bà ạ. Cháu đưa cho mẹ cháu. Nhưng...nhưng để cháu nói với mẹ trả lại cho bà, cháu không... không đòi bà phải cho cháu gì đâu...- Nói đến đó nỗi tiếc nuối quá lớn khiến nó chợt tỉnh, đột ngột nhớ lại mọi chuyện vừa xảy ra, rồi thoắt cái linh hồn thằng bé đã trở về với thân xác, đang được bà mẹ xoa vuốt nhẹ nhàng trên ngực.

- Ơ, con tôi tỉnh lại rồi - Mẹ nó thảng thốt khi thấy mi mắt của đứa con trai mình rung động rồi mở ra chớp chớp - Con tôi tỉnh lại rồi, con ơi!

- Có đau đớn ở đâu không con? - Mẹ nó âu lo hỏi vậy nhưng thằng bé chỉ mấp máy môi, bà phải ghé sát tai xuống mới nghe thấy những tiếng "chùm xích ...quỷ...móng thú.."

- Con hỏi chiếc móng thú với con quỷ đen phải không con? Lạy Trời lạy Phật! Con tôi thế là nhớ lại được rồi. Đây, các thứ ấy của con đây, mẹ cất trong chiếc tất tay hồi bé của con đây này, mẹ để vào tay cho con nhé!

Chị vội vàng lấy chiếc tất tay bằng len tí tẹo từ trong ruột gối ra, đặt nó vào lòng bàn tay con mình. Thằng bé nhắm mắt vào, nó lại như ngủ thiếp đi nhưng nỗi lo trong lòng người mẹ đã vợi đi nhiều lắm.

Đứa bé quay lại chỗ bà Phù thủy vẫn đang lúi húi quanh các bụi mẫu đơn núi. Một bày bướm đang lượn tròn trên các chùm hoa đỏ chót, có một con bướm nâu, to và xấu xí cứ tìm cách đậu vào mép để chui vào trong chiếc bị tỏa sắc cầu vồng, có thể nó ngửi thấy mùi thơm ngọt ngào của thứ gì trong đó.

Không chỉ con bướm, ngay thằng bé cũng rất tò mò với chiếc bị kì lạ này, tuy vậy con dê đã trở về đứng cạnh bà già, nó phất đuôi một cái khiến con bướm tí nữa thì nát bét. Vậy mà con bướm này không sợ, chỉ lát sau đã quay lại với một con nữa, nhỏ hơn nó một tí. Có thể hai con bướm đã bàn bạc với nhau gì đó nên một con cứ bay qua bay lại trước mũi dê như trêu chòng, làm lạc sự chú ý để con kia len lén đậu vào mép chiếc bị kẹp ở nách bà già.

Thằng bé đang định gọi bà cụ nói về chuyện hai con bướm, nhưng hóa ra bà ta còn tinh hơn nó. Cánh tay trái bà lập tức kẹp lại làm con bướm mắc kẹt một cánh cứ giãy phành phạch mà không bay ra được.

Con dê đen lập tức chạy tới, nó dùng đuôi như cây roi da quật vèo một phát khiến con bướm biến thành một mẩu thịt bẹp dí rơi xuống đất. Con kia vội vàng chập choạng bay chạy chối chết, cuốn theo sau chiếc cánh màu nâu của con bị quật, trông như chiếc lá khô bị gió thổi bay là là truớc khi rơi xuống đất.

Từ đấy trở đi thằng bé thấy không còn con sâu cái kiến nào dám "thám thính" chiếc bị bảy sắc cầu vồng của bà cụ nữa. Bà cụ lại tiếp tục săm soi dưới đất, nó phải gọi để bà cụ ngửng đầu lên:

- Bà ơi! Cháu trả lại chiếc xích cho bà đây này - Cậu bé moi chuỗi xích có chiếc móng thú và con quỷ ra đưa cho bà Phù thủy, mặc dù  trong lòng cu cậu thấy tiếc lắm.

- Ô, may quá! Đúng là thứ bà đang cần tìm lại. Ổn rồi cháu ạ! Cháu bà ngoan lắm. Thấy con quỷ vẫn còn bị xích vào chiếc móng rồng là bà yên tâm rồi.

- Này, từ giờ trở đi cháu giữ hộ bà nhá - bà cụ có vẻ đắn đo khi nói như thế - vì rằng bà phải đi ngủ tiếp đây, giấc ngủ hai trăm năm là còn quá ngắn với người già như bà cháu ạ. Bà sẽ phải ngủ thêm ít nhất là một trăm năm mươi năm nữa thì khi thức dậy mới có thể làm được chút việc gì đó nhẹ nhàng.

Bà Phù thủy đưa sợi xích cho thằng bé nhưng bà ta chợt cầm lấy chiếc tất len, xem một tẹo rồi bà bảo:

- Để bà giặm thêm ít sợi gai mèo vào cho nó chắc - vừa nói bà vừa moi chiếc kim đan từ lỗ tai ra, khéo léo xâu đầu chỉ của cuộn dây gai mèo rồi khâu chần rất nhanh vào chiếc tất tay tí tẹo.

Thằng bé thích thú khi thấy bà già khâu nhanh như vậy, nhanh hơn cả mẹ nó khi vá quần vá áo. Chỉ một nhoáng cuộn chỉ đã hết veo, bà cẩn thận thắt mấy vòng nút cuối cùng để sợi khỏi tuột, nhét sợi xích có con quỷ với chiếc móng rồng vào sâu bên trong, rồi đưa lại cái găng tay trẻ con cho thằng bé.

- Thôi cháu về đi. Rồi ta sẽ trả công bằng cách dạy cho mẹ cháu cách làm bánh ngọt và các loại quả dầm. Ta biết rồi, cháu đang muốn có chiếc nhẫn thần để có thể dọn nhà đi nơi khác chứ gì, có điều bà tìm từ nãy đến giờ chẳng thấy chiếc nhẫn đâu cả.

- Tuy vậy cũng không sao đâu - bà cụ nói thêm khi thấy thằng bé có vẻ thất vọng - nếu mẹ cháu biết cách làm bánh và quả dầm thật ngon thì rồi hai mẹ con có thể mua hoặc xây ngôi nhà ở nơi khác. Thôi về đi nào, giờ bà còn mấy việc cần làm truớc khi tiếp tục giấc ngủ của bà...

Từ đấy trở đi thằng bé không bao giờ đuợc gặp lại bà Phù thủy nhưng mẹ của bé thì còn được gặp bà lão mũi khoằm khoèo tới hai lần cơ, tất nhiên là chỉ gặp trong mơ.

Lần đầu mẹ nó được bà cụ mũi khoằm cho một ve thủy tinh nho nhỏ, dặn rằng chỉ cần chấm đầu kim vào ve rồi nhúng vào chậu nước, sẽ được thứ nuớc hòa bột làm bánh hoặc dầm trái cây cực kì thơm ngon, có mùi vị khác hẳn các thứ bánh với quả dầm khác. Cụ còn nói rằng bánh kẹo làm như thế có tính chất bổ dưỡng đặc biệt theo cách tinh chế linh đan của thần tiên.

- Có biết làm bánh sừng bò, bánh quy không? Nếu không thì cố học lấy cách làm bánh mì hay bánh bao cũng được - Bà cụ mũi khoằm bảo mẹ thằng bé như  vậy.

- Cháu biết làm bánh quy và bánh rán - Mẹ nó trả lời - mới năm kia cháu còn xay bột làm bánh rán giao cho người ta, nhưng bận và mệt lắm bà ạ. Từ năm ngoái cháu mới chuyển sang đẩy xe bán đồ tạp phẩm...

- Thế thì tốt - bà lão vui ra mặt, khi vui mắt bà cụ long lanh như mắt con gái, nhưng chỉ một thoáng thôi, bà lại trở về vẻ uể oải như đang buồn ngủ - Nhớ là chậu nước to hay nhỏ đều như thế cả, chỉ chấm một lần đầu kim vào ve thủy tinh này thôi nhá. Mai làm thử bánh gì đi, rồi lão chỉ tiếp cho...

Chưa bao giờ bà mẹ trẻ được thấy mùi thơm quyến rũ và vị ngon ngọt như mấy chiếc bánh rán đã hì hụi làm ra vào buổi trưa hôm sau. Sáng hôm đó giá như không thấy trong tay có một ve thủy tinh nho nhỏ, chắc mẹ thằng bé đã  quên ngay giấc mơ đêm truớc.

 "Thật lạ lùng!" Người đàn bà nghĩ bụng trong khi nâng niu ve thủy tinh. Ban ngày nó có màu xanh lục nhưng ánh lên sắc cầu vồng nếu đưa ra truớc ánh nắng mặt trời.

Kì lạ hơn nữa là khi người mẹ đặt một mẩu bánh vào môi đứa con - từ  hôm qua đến giờ nó chỉ nuốt ít nước cháo cá giếc mà không mở mắt - thế mà khi miếng bánh chạm vào lưỡi thì nó bắt đầu tóp tép nhai. Bà mừng rỡ thấy con ăn được nửa chiếc bánh, sau đó nó mở mắt nhìn mẹ rồi động đậy các ngón tay, như muốn kiểm tra những thứ trong chiếc tất tay nhỏ bé có còn đấy hay không.

Ai có thể  tả được nỗi mừng của người mẹ khi thấy đứa con đứt ruột đẻ ra đã thoát khỏi lưỡi hái Thần Chết, trở lại với vòng tay âu yếm của mình?

Đêm hôm đó mẹ nó lại mơ thấy bà già mũi khoằm lần nữa. Bà cụ vẻ đang buồn ngủ lắm nhưng cố dặn rằng hàng năm cứ đến ngày tết Trùng Thập, tức là ngày mồng mười tháng mười, khi ấy muôn loài cây cỏ đã tụ đủ khí âm dương, kết được hương sắc của tứ thời, hãy  đến vách đá phía đông của quả núi đằng sau nghĩa địa, đợi đúng ngọ để cạo lấy một nắm địa y giống thứ rêu trong túi mẫu này này

Bà lão đưa cho người mẹ trẻ một túi rêu khô khốc rồi dụi mắt, ngáp một cái ngáp khá to và dài, chừng như muốn gục xuống chiếc bàn sứt sẹo để ngủ ngay lập tức.

- Nga... áp... - Bà già cố dụi mắt nói tiếp - Không được tham làm nhiều, lấy nhiều. Không được để cạn hết keo trong ve thủy tinh. Địa y phơi khô, tán nhỏ rồi cho vào ve để nó tan ra, đầy lên đủ dùng cho cả năm sau. Nhắc thằng bé đừng để con quỷ chạm vào thứ nước trong ve...

Bà cụ còn định nói thêm gì nữa nhưng giấc ngủ đã ập đến, người mẹ trẻ thấy một cuộn thảm xanh lam bỗng tự dưng chui qua cửa sổ vào nhà, nó trải ra đỡ lấy lưng bà cụ mũi khoằm, êm ái đưa bà ta bay ra theo cửa trước, lên cao, cao mãi về phía dẫy núi xa xa rồi hòa vào với màu xanh của núi rừng.

(Còn tiếp)

NGỌC CHÂU
  

READ MORE - Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: 1. BÀ PHÙ THỦY NGÁI NGỦ - Ngọc Châu

Chùm ảnh VẴN CÒN NÉT XƯA Ở CHƠ PHƯƠNG LANG - Nguyễn Đặng Trí Tín

 

Bấm vào hình để phóng to.





Hàng nông sản tại chợ Phương Lang,
Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị.

READ MORE - Chùm ảnh VẴN CÒN NÉT XƯA Ở CHƠ PHƯƠNG LANG - Nguyễn Đặng Trí Tín

NỤ CƯỜI SAU ĐÁY MẮT | THÁP NOEL THIỆN LÀNH - Chùm thơ Thùy Vy

  

Nhà thơ Thùy Vy

NỤ CƯỜI SAU ĐÁY MẮT

 

Là khi

những rối ren trổi dậy

leng keng leng keng

đếm đo nhịp thở

mắt môi nhạt màu

nụ cười vô cảm

thưa rồi nhặt

hơi thở vội vàng

từng giọt

từng giọt.

 

Là khi

thế giới cuộn tròn

em trao nụ hôn trên bàn phím

dìu từng mũi kim qua.

 

Là khi

những bước chân bên ngoài song cửa

đợi chờ

thất thần

bất lực

van lơn.

 

Sự sống vo tròn

thảo thơm từng thìa cháo loãng

thế giới là nụ cười sau đáy mắt

dịu dàng hơn cả giấc mơ trưa.

 

THÁP NOEL THIỆN LÀNH

 

Giáng sinh nơi bệnh viện

thắp sáng hương tình yêu

nguyện thiện tâm cứu rỗi

tay bàn tay dịu hiền.

 

Đêm giáng sinh lạnh giá

tháp noel thiện lành

niềm tin yêu chiếu rọi

xoa tan màn sương đêm.

 

Thùy Vy

READ MORE - NỤ CƯỜI SAU ĐÁY MẮT | THÁP NOEL THIỆN LÀNH - Chùm thơ Thùy Vy