VŨ KHẮC TĨNH
ĐONG ĐẦY
NHỮNG VẦN THƠ
“VIẾT GIỮA HƯ KHÔNG”
Phan Nam
|
Vũ Khắc Tĩnh |
Trong dịp tham dự đêm
thơ nguyên tiêu tại Khổng Miếu, Tam Kỳ vừa qua tôi may mắn được tặng những món
quà ý nghĩa, đó là tập truyện ngắn “Cô Gái Vẽ Linh Hồn” của tác giả Cẩm Giang,
tập truyện ngắn “Nhà Có Cây Vú Sữa” và tập thơ “Viết Giữa Hư Không” của tác giả
Vũ Khắc Tĩnh. Không hiểu sao khi cầm tập thơ “Viết Giữa Hư Không” tôi cảm nhận
được những chiêm nghiệm mơ hồ sâu sắc của tác giả trước truân chuyên cuộc đời
được khắc họa qua 61 bài thơ được nhà xuấy bản hội nhà văn ấn hành vào quý III,
2015.
Vũ Khắc Tĩnh sinh năm
1951 là một người con Tam Kỳ, Quảng Nam hiện đang sinh sống và làm việc xa quê.
Là thế hệ hậu bối sinh sau đẻ muộn, tôi rất diễm phúc khi được cầm trong tay hai
tác phẩm đầy tâm huyết của tác giả Vũ Khắc Tĩnh. Với tập thơ “Viết Giữa Hư Không”, tôi có cảm giác những câu thơ mang đầy không khí Phật pháp, với tâm sáng hướng
thiện được tác giả khắc họa như:
Thú vui tìm đến văn
chương
Để chuyên chở hết tai
ương con người
Dẫu em sánh bước cùng
tôi
Thân phận không thể chia
đôi nhau cầm
Thôi thì hướng thiện cái
tâm
Làm cây lá đứng bóng râm
che đời
(Bóng râm)
Nói như nhà thơ Lê Minh
Quốc trong lời tựa tập thơ thì “con người thơ này vốn mộ đạo, gần giống với
không khi nhà Phật”, đây là quan điểm hoàn toàn chính xác khi nói về tập thơ
này. Ngay từ đoản khúc mở đầu trong bài “Viết Giữa Hư Không” mà Vũ Khắc Tĩnh
chọn làm tiêu đề tập thơ, tác giả đã khẳng định:
Mộng ta tràn ngập chùa
chiền
Bái sư diện kiến cái
duyên đạo đời
Ngậm lá bồ đề dạo chơi
Quơ tay tung hứng sương
trời giọt tan
(Viết giữa hư không)
Có điều tôi không hiểu
vì sao tác giả tạo ra một không khí thanh tịnh, vô thường trong thơ nhưng luôn
có sự xuất hiện phảng phất của nhân vật “em”. Có lẽ nghiệp thơ nặng nợ “lấm lem
bụi đường” mà tác giả muốn trả ơn người, một kiếp người “tằng tịu vai trần”
giữa dòng đời. Lục bát trong thơ Vũ Khắc Tĩnh nhuần nhuyễn, trôi chảy, gợi một
không khí yên ả như lời ru vang vọng nơi đáy tâm hồn mỗi người, trong tập thơ
có rất nhiều bài chỉ có bốn câu lục bát nhưng luôn có đủ sức ám ảnh trong lòng
người đọc, những cặp thơ êm dịu đầy sắc sảo, đầy chiêm nghiệm:
Mẹ đâu biết được cõi
trần
Là nơi Phật, Chúa, Thánh
Thần rong chơi
Sống trơ trụi kiếp con
người
Chỉ hơn tiếng nói đười
ươi trên rừng
(Kiếp người)
Hoặc:
Ta đi về cuối con đường
Gió tung tẩy bụi vô
thường li ti
Trăm năm sau để lại gì
Cỏ trên mặt đất xanh rì
mộ bia
(Trăm năm)
Tôi cho rằng phải có một
sự trải đời mới có thể viết được những câu thơ như vậy, và dĩ nhiên máu nghệ sĩ
khi trót vương “nghiệp” văn chương khiến tâm hồn thi sĩ khi không khỏi đau đáu
thổ lộ:
Chưa thấm mùi đời đi
cướp vợ
Vợ giỏi giang con cái đỡ
lêu bêu
Không nghề nghiệp mơ
hoang làm thi sĩ
Nên nửa đời con lang bạt
rong rêu
(Rong rêu)
Hay:
Ta nghe em về qui hoàn
Nhắn ta, ta mở bàng hoàng
ra xem
Ngần ấy năm đã tròm trèm
Đời thơ ta cũng lấm lem
bụi đường
(Viết giữa hư không)
Trước khi tập thơ “Viết
Giữa Hư Không” tròn trĩnh, dày dặn được ra đời trên cánh đồng thi ca Việt,
trước đó Vũ Khắc Tĩnh cũng là một tác giả khá quen thuộc trên thi đàn với hai
tập “Bên Trời Sương Khói” (2007), “Một Chút Bâng Quơ Một Chút Đời” (2011) và
góp mặt tại nhiều tuyển thơ in chung. Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định: “Vũ Khắc Tĩnh không phải là người xa lạ trong trường
văn trận bút. Thơ anh viết đã nhiều, đã lâu và như đường gươm bén, có thể khắc
sâu trong tâm trí người đọc những vết hằn khó quên”.
Quả
đúng như vậy, thơ Vũ Khắc Tĩnh đôi khi thoang thoảng chút tình, đôi khi đầy suy
nghiệm về nhân thế, lời thơ phần nhiều được trau chuốt một cách cẩn thận và
mang đầy sắc bén: “Tụng ngàn câu kinh Phật/ Chưa hẳn đã thành tâm/ Lòng
hỉ, nộ, ái, ố/ Chỉ là cơn sóng ngầm” (Sóng ngầm). Có thể tôi chưa có
đủ vốn sống để hiểu hết thơ của Vũ Khắc Tĩnh nhưng qua những dòng thơ này tôi
thấy tình nhân văn phác nét khá rõ trong thơ của ông, những lời khuyên răn cho
người đọc, cho hậu thế một cách chân thành, đi thẳng vào lòng người. Cái tình
phiêu lãng trong thơ của Vũ Khắc Tĩnh cũng đầy đặn, nhiều vương vấn, đó là cái
tình dành tặng những người yêu thương, bạn hữu đã đồng hành cùng với bước đi
của nhà thơ. Có lẽ vì vậy những địa danh mà thi sĩ đi qua hiện hữu rất đậm
tình, mang đầy xúc cảm với từng con người góc cạnh đất nước:
Chào làng xóm, chào phố
phường
Chào luôn người đẹp Bình
Dương vô ngần
Cuối cùng ta chào thi
nhân
Thoáng qua giấc mộng phù
vân bên đời
(Bình Dương)
Hoặc:
Đà Lạt phố hoa thời mở
cửa
Em lụa là son phấn mê tê
Ngàn hoa lung linh sắc
màu Đà Lạt
Níu chân ta ở lại hay
quay về
(Một thoáng Đà Lạt)
Nhưng sâu sắc nhất, mang
nhiều sắc thái ưu tư có lẽ nhất có lẽ là tấm lòng của thi sĩ hướng về quê nhà
xứ Quảng. Với một nỗi nhớ đọng lại trên từng câu chữ và đôi khi là những lời
giới thiệu mộc mạc nhưng chân tình: “Đi đâu thì cứ đi/ Nhưng đừng quên
Tiên Phước/ Sông Tiên nước chảy ngược/ Có trước thời man di” (Tiên
Phước) và “Còn quê còn quán đi về/ Còn ngồi xúm xít cà phê Tam Kỳ/ Ngộ
cố tri. Ngộ cố tri/ Thâm tình chí cốt còn gì ngộ không?” (Gởi Phạm Hồ
Lưu).
61 bài thơ với đầy
đủ những cung bậc cảm xúc, ngôn từ trau chuốt đầy cảm xúc đã mang đến cho độc
giả nhiều suy nghiệm sâu sắc trong nhân thế. Nói tóm lại, tập thơ “Viết Giữa Hư Không” của Vũ Khắc Tĩnh đong đầy tính nhân văn, triết lý phần nhiều mang hơi
hướm thiện tâm được tạo ra tự đáy lòng của thi nhân. Trong xã hội đầy gấp gáp
ồn ã như ngày nay, việc dành cho mình một phút để sống trọn với “hư không”, để
nhìn nhận lại tâm tình là một điều rất cần thiết.
Và tôi trân trọng tập
thơ này bởi “tấm lòng thơ” của Vũ Khắc Tĩnh soi sáng trong nhân thế như ngọc
ngà phảng chiếu bức tranh tâm hồn mà ai cũng phải dừng lại để cảm nhận từng con
chữ nuốt trọn lòng mình. Cảm ơn tác giả Vũ Khắc Tĩnh, cảm ơn những vần thơ
“viết giữa hư không” rất đáng quý dành tặng độc giả, dành tặng những người yêu
thơ.
Bên
dòng Hàn giang,
một ngày đầu tháng 3/2016
PHAN NAM
Tác giả: Phan
Văn Nam. Bút danh: Phan Nam.
Quê quán: Tiên
Phước – Quảng Nam.
Email:
phanvannamsp@gmail.com.
Hiện đang học
tại lớp báo chí, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH sư phạm – ĐH Đà Nẵng.