Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, August 19, 2017

MÀU NẮNG QUÊ NHÀ - thơ Trúc Thanh Tâm

  

MÀU NẮNG QUÊ NHÀ

 Xa người, lá rụng mùa xưa
 Đêm ru điệu nhớ tình vừa chiêm bao
 Vá, sao lành được nỗi đau
 Khi còn ám ảnh... chiến hào, hầm chông.

 Phù sa hòa máu theo sông
 Nửa đêm pháo giặc, chất chồng nỗi lo
 Một lần để mất tự do
 Thì trăm năm sống cũng hờ hững thôi.

 Câu kinh cứ mãi dạy người
 Nhưng đời đâu phải như lời trong kinh
 Bon chen, ta lại giật mình
 Khi mà cái ác, cứ rình rập ta.

 Thương sao màu nắng quê nhà
 Đi đâu cũng thấy toàn là... không quen
 Cuối cùng ta nhận ra em
 Cuối cùng ta chỉ còn em, cuối đời.
  
 TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )
READ MORE - MÀU NẮNG QUÊ NHÀ - thơ Trúc Thanh Tâm

TUỔI TÔI... - Thơ Trần Mai Ngân



                            Tác giả Trần Mai Ngân


TUỔI TÔI...

Tôi đứng giữa tháng Tám gọi tôi ơi
Tôi đứng giữa cuộc đời...Thuỵ du ơi!
Mùa Thu về đây chưa hay Thu trôi
Ảo vọng nơi xa xôi vàng nến thổi...

Xoè tay đếm một...hai ...mấy mươi rồi
Quanh tôi, quanh ai...ai...còn chi nữa
Ngửa mặt nhìn trời xa, mặt đất nhoà
Trái tim mù loà lối...quơ tìm tay...
Bóng tối có ai không
Thấy mênh mông...

Một ngày Thu
Tình yêu quay vội lại
Tôi ngất ngây
Chìm hoài trong men say
Tôi loay hoay...

Xoè tay đếm bốn... năm ... những trăng rằm
Mộng dưới hoa tròn đầy người có hay
Tuổi tôi vừa qua đây vẫn mê say
Yêu người đến hôm nay - lá Thu bay!

                                      Trần Mai Ngân
                                          20-8-2017

READ MORE - TUỔI TÔI... - Thơ Trần Mai Ngân

VỀ YÊU HOA CÚC - thơ Trúc Thanh Tâm

  
VỀ YÊU HOA CÚC

 Bây giờ có phải mùa thu
 Mà sao lá rụng vàng từ chiêm bao
 Từ khi binh lửa lạc nhau
 Những yêu dấu cũ đổi màu thê lương

 Đò đời dẫu lỡ chuyến thương
 Chiều nay bến cũ mưa buồn buồn rơi
 Đêm nghe tiếng vạc ngang trời
 Mái đời hoang phế đầy vơi nỗi niềm

 Lên trời ngọn khói bay nghiêng
 Gió qua vườn cũ tóc huyền đưa hương
 Áo vàng hoa Cúc anh thương
 Hàng cây đợi nắng rập rờn tiếng chim

 Đêm nay một ánh trăng chìm
 Như ai nức nở bên thềm tiếng mưa
 Và em như dáng thu xưa
 Về trong nỗi nhớ lúc chưa lạc người !

 TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )
READ MORE - VỀ YÊU HOA CÚC - thơ Trúc Thanh Tâm

NÀNG DÂU NHÀ TÔI - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước




NÀNG DÂU NHÀ TÔI
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước                                                                                                                                                                                     
Không phải tôi sắp hát bài hát về nàng dâu của ban nhạc AVT nổi tiếng năm xưa  mà kể chuyện về nàng dâu thực của vợ chồng tôi.
             
Nhưng trước hết tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi tên là Mẹo, 67 tuổi, tổ trưởng dân phố kiêm chủ tịch hội đồng hoà giải của khu phố. Có nghĩa là khi có gia đình nào cơm không lành canh không ngọt, chén đủa chào xáo, thì hội đồng chúng tôi có việc làm chỉ với  điều kiện là có đơn hoặc khiếu nại của ít nhất là một người trong gia đình ấy. Khi chén dĩa đang bay vèo vèo thì chẳng ai dại gì mà nhảy vô để lãnh đòn. Cứ ngồi nhà điện báo dân phòng hoặc công an là hết nhiệm vụ. Mình có đến cũng đứng xa xa nghe ngóng hoặc vào một nhà gần đấy hỏi thăm thì sẽ nắm rõ tình hình, sau này dễ phân xử.  Làm cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có cái tâm đã đành mà cũng phải biết cách để ứng phó với vạn biến mới tồn tại được. Thấy người ta sống trở lại hoà thuận với nhau thì mình cũng hạnh phúc. Rồi cuối quý cuối năm cũng có cái mà báo cáo điển hình, cũng được tuyên dương khen thưởng. Oai chớ bộ?
                                                                                                       
Nói vậy thôi chớ chẳng tài cán chi. Chuyện xã hội, chuyện gia đình người ta thì giải quyết được còn chuyện nhà mình thì đành bó tay chấm com.
        
Khi thằng Thành con trai trưởng của tôi lấy con Liên thì bà con lối xóm ai cũng mừng, bảo nó như chuột sa hủ nếp. Số là gia đình Liên thuộc diện bị giải toả. Nhận đất xong thì cha mẹ nó bán đất, chia đều cho con cái, còn vợ chồng ông bà ấy về quê mua đất làm nhà. Riêng Liên được thừa hưởng cái sạp hàng tạp hoá trong chợ nhỏ tại phường vì đã có công giúp mẹ buôn bán bấy lâu. Thành chuyên bỏ hàng nước tương Chinsu. Liên là bạn hàng của nó. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau  là chuyện đáng mừng vì thằng Thành đương nhiên sẽ trở thành ông chủ sạp hàng tạp hoá đó. Sau đám cưới, tôi liền mua đất dựng nhà cho vợ chồng nó. Liên cũng bỏ tiền riêng của nó sắm sửa mọi thứ vật dụng cần thiết trong nhà. Thằng Thành chịu tiền ăn uống, điện nước. Có nghĩa là Thành lo phần mềm, còn Liên lo phần cứng. Khi tụi nó có con bé đầu, thằng thành lo sữa, con Liên lo bột. Vợ chồng cùng chung lo như vậy là tốt .                                                                                       
Con bé mỗi ngày một lớn và tiền ăn mỗi ngày một nhiều. Thằng Thành khỏi phải mua sữa nhưng con Liên vẫn chịu tiền ăn cho con bé. Vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Rồi đến tiền học càng ngày càng phát sinh. Nào tiền áo quần sách vở, tiền bán trú, tiền quỹ phụ huynh, tiền giúp bạn nghèo, tiền cứu trợ, tiền quỷ đội, tiền quà thăm cô giáo ngày 20 tháng 11, tiền phát thưởng cuối năm, tiền liên hoan, vân vân và vân vân. Không biết người ta  bày ra chi lắm khoản thu  như thế. Có lẽ thầy cô thì hỉ hả còn hai vợ chồng nó thì thiếu đường xỉ vả lẫn nhau. Thằng Thành chi nhiều khoản trong nhà rồi, sao con Liên không chịu tiền học cho con bé nhỉ? Trong khi đó, Liên sắm cho mình hai chiếc xe máy, một chiếc wave để đi chợ, còn một chiếc xe tay ga to bự để lâu lâu đi đám cưới cho oai với bạn bè. Thành hỏi tiền đâu mà sắm nhiều thế, Liên nói tiền của mẹ nó cho ngày xưa nó phụ giúp buôn bán, không liên quan gì đến Thành. Nếu vậy về pháp luật thì đúng  nhưng về tình cảm gia đình thì nghe không ổn. 

Mọi chuyện dù sao cũng qua được nếu như không có vụ nước tương bị bể. Báo đài ngày nào cũng nói nước tương có cái chất gì đó làm người ta ăn vào thì bị bệnh. Không biết có ai chết vì nước tương hay chưa nhưng gia đình thằng con tôi thì tan nát.  

Nước tương ngưng sản xuất, thằng Thành không có hàng bỏ chợ. Không có hàng mới bỏ cho bạn hàng thì tiền cũ cũng không được thanh toán. Liên cũng là bạn hàng của Thành, và cũng như mọi người, Liên cũng không thanh toán tiền cũ. Đó là luật gối đầu xưa nay của chợ ta. Không lấy tiền được thì thằng Thành không có tiền để thanh toán với hảng nước tương. Không thanh toán được thì vi phạm hợp đồng, bị hảng nước tương kiện, bị mời lên đồn chất vấn, làm cam đoan. Thằng Thành bán chiếc xe cà tàng lâu nay nó dùng để chở hàng, vợ chồng tôi cũng giúp  chục triệu nhưng cũng còn nợ vài triệu, chưa trả đủ.  Thành vi phạm hợp đồng, hảng nước tương kiện là đúng nhưng nguyên nhân đâu phải do nó mà chính do nước tương không đảm bảo chất lượng. Thành không thể đóng tiền ăn cho Liên nên bị cắt cơm, phải về nhà tôi ăn. Liên làm đơn xin ly dị. Toà giải quyết bằng cách chia cho Thành cái nhà và có quyền nuôi con. Liên được mang theo tất cả đồ dùng mà nó đã mua sắm. Cái nhà thằng Thành  trống trơn, chẳng có gì bán được để ăn. Hai cha con chúng nó về nhà tôi ở. Còn Liên mua nhà mới và mang tất cả đồ dùng sẵn có dọn đến. Liên có tiền để mua nhà mới gần cả trăm triệu trong khi chồng nó chỉ thiếu hảng nước tương vài triệu nhưng nó vẫn không chi!
                                                                        
Li dị rồi nhưng thỉnh thoảng Liên cũng sang thăm con bé. Hai vợ chồng có dịp gặp nhau sao đó mà con Liên lại có bầu và sanh thêm một cháu gái nữa.  Khi cháu được ba tháng thì Liên bồng qua thăm ông bà nội, than van về chuyện bấy lâu phải nghỉ bán, không có tiền mua sữa cho con. Liên gởi con cho bà nội nó bồng, nói đi mua sữa, rồi đi luôn.

Một tuần sau Liên trở lại, đem theo đủ hoá đơn thanh toán tiền bệnh viện, tiền tả lót và tiền sữa, đòi thằng Thành phải thanh toán. Liên cho con bú rồi lại bỏ đi. Con bé sau một thời gian quên mẹ, nay lại được cho bú, tối đến nó nhớ mẹ, khóc suốt đêm, có lẽ vì thèm bú. Bà nội nó già rồi nay phần phải giữ cháu, phần phải lo tiền đâu để mua sữa nên sức khoẻ giảm thấy rõ. Tôi cũng không rõ là cháu bé ba tháng mà mẹ nó nói phải tốn tiền sữa bột chi nhiều vậy, trong khi đó, nó cũng có sửa để cho con bú? Mấy người hàng xóm thêm dầu vô lửa bằng cách xúi bà nội nó cấm mẹ con nó gặp nhau! Cũng may là mấy thằng bạn của Thành đứa nào cũng tốt. Lâu lâu có một thằng mang sữa đến cho cháu.
                             
Tiết kiệm, tính toán chi li cũng tốt. Nhưng chi li đồng tiền quá đến nỗi vì sợ tốn tiền mà bỏ, chồng bỏ con như con dâu của tôi thì chắc đàn bà chẳng có mấy tay. 
                                                                             
Chuyện nàng dâu nhà tôi chưa có hồi kết. Dự kiến kịch bản còn phát sinh nhiều tình huống do diễn viên tự biên tự diễn, kể cả tình huống  ông nội là tôi đây phải giữ thêm một cháu thứ ba. 

Nguyễn Khắc Phước
READ MORE - NÀNG DÂU NHÀ TÔI - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước

ĐI QUA MƯA BÃO - Thơ Hoa Nguyên

Tác giả Hoa Nguyên


ĐI QUA MƯA BÃO

Quét qua cơn bão đầu mùa
quê nghèo chịu trận càn mưa
tác tan cối cây gãy đổ
di dân ngoài biển vô bờ

Sóng đập vách kè sạt lở
dẳng dai mưa giông diện rộng
gió giật nổi cơn lốc xoáy
kéo theo lũ quét lũ cuồng

Úng rau lúa khoai ẩm mốc
dập dồn bao thiệt hại hư!
lạnh run dầm mình cực nhọc
rách đùm túm xóm ngụ cư

Xót xa chòm nhà tốc mái
ngập như ốc đảo vạn chài
dẻo bền đước tràm tre trúc
quê nhà chung tay khắc phục

Hằng năm khốn mùa bão lũ
hốt lùa tứ cố vô thân
bồng bế gánh gồng tránh trú
còng lưng chưa thoát cơ hàn

                    

TRÁNH MƯA

Đang trưa trời bỗng tối sầm
Tảng mây đen ùn kéo tới
Gió ào xối lá rải mưa
Phương xa ầm ì sấm dội
Mẹ dỗ bé đang thiu ngủ
Giật mình khóc át tiếng ru
Em ra nhà sau gom đồ
Ba choàng dậy đi đóng cửa
Kẻo sét hòn lao vụt vào
Phá hư máy phải đem sửa
Hai con mắt nó rất ghê!
Xoáy tia rực lửa xanh lè
Đang chơi, ngoài trời đổ mưa
Em chạy vô nhà tránh náu

                        HOA NGUYÊN

NGUYỄN THỊ HOA,
49/83A NGÔ GIA TỰ,
PHAN RANG, NINH THUẬN
hoanguyenmt404@gmail.com



READ MORE - ĐI QUA MƯA BÃO - Thơ Hoa Nguyên

BÀI THƠ TÌNH MUÔN THUỞ - thơ Trúc Thanh Tâm

  
 BÀI THƠ TÌNH MUÔN THUỞ 

 - Quý mến tặng tất cả bạn bè.

 Anh rất vui, trái đất chưa tận thế
 Nên bao điều cần nói hôm nay
 Xin tạ lỗi với những người đang sống
 Cám ơn đời cho anh hạnh phúc, đắng cay.

 Ngày ly biệt, em hãy nên bình tĩnh
 Khóc nhiều rồi, đã mấy mươi năm
 Cả đời anh, thăm chưa giáp nước
 Nghĩ thêm buồn chuyện của thế nhân.

 Đem theo anh, em đừng quên giấy, viết
 Những tập thơ tình bè bạn in chung
 Anh ký tặng để làm quà qua cửa
 Ở cõi âm, văn hóa họ rất cần.

 Chỉ biết được những giây phút cuối
 Người yêu thầm và người lại yêu thơ
 Anh trả lại trần gian bao vinh, nhục
 Riêng tình em, anh mang hết xuống mồ.

 Bạn bè xa, bao người hay muộn
 Hãy nâng ly cạn hết rượu buồn
 Anh nhớ mãi nụ cười của những người thân thích
 Cõi sinh tồn nhiều lắm hoa thơm.

 Tiếng chuông ngân qua tầng mây gió
 Đưa hồn anh ra khỏi bến mê đời
 Sống thật làm người đâu phải dễ
 Đất nước mình còn điên đảo, em ơi.

 TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
READ MORE - BÀI THƠ TÌNH MUÔN THUỞ - thơ Trúc Thanh Tâm

CHÚT HƯƠNG LÒNG - Phan Quỳ

Tác giả Phan Quỳ

CHÚT HƯƠNG LÒNG
Phan Quỳ

"Ngày tháng hạ mênh mông buồn,
Lòng vắng vẻ như sân trường……"
Ôi, giọng hát buồn mênh mông xa vắng đưa tôi về một vùng ký ức thênh thang lồng lộng. Tuổi mười ba với vai nhỏ tóc dài, với áo tà nguyệt bạch. Tuổi mười lăm với nắng hồng trên môi và mưa buồn trong mắt. Ngày hai buổi đi về, một nụ hồng e ấp nở trong tim, dể ngại ngần cuống quýt một sớm mai thức dậy chợt thấy mình mười sáu.
Tuổi 16, một thời thiếu nữ tôi đi qua, khát khao ước vọng và ngâp tràn lo âu. Đất nước mãi chiến tranh, tôi mơ một ngày lặng yên tiếng súng, để cha mẹ tôi không còn thấp thỏm đêm đêm, để bao người quanh tôi không còn đau thương bi hận, để bạn bè cùng tôi chỉ lo chuyện vở bài, cùng hát vang những bài tình ca, ríu rít chuyền nhau những vần thơ viết vội, những dòng lưu bút đầy luyến nhớ vấn vương, ngày giã từ sân trường của tuổi đời tôi mười tám.
Tuổi 18, tôi thấy mình nhỏ bé, chơi vơi nơi giảng đường đại học. Mọi thứ thật ngỡ ngàng xa lạ với một cô bé nhà quê tỉnh lẻ là tôi. Có những bàn tay nâng đỡ dịu dàng, những nụ cười thân ái khích lệ và còn có những ánh mắt làm tôi chùng xuống ngại ngần xa cách. Cuộc sống thật khó khăn và đôi khi lòng người bỗng trở nên chật hẹp. Tôi mơ một ngày đất nước đi lên và khung trời rộng mở, cho tôi được vào đời, thanh thản tuổi hai mươi.
Tuổi 20, tôi đã là cô giáo, lại sân trường lớp học như quãng đời tôi qua, lại vở bài lo lắng như ngày xưa tôi đã trải. Tôi lại thấy tôi như những ngày xưa thơ dại, vẫn mê mãi đến trường quên cả bước thời gian trôi. Và rồi… có ai đó bỗng nhắc tôi dừng lại, níu giữ cuộc đời , níu giữ tuổi xuân phai.
Tuổi 30, không còn là thiếu nữ, bộn bề công việc, bộn bề tâm tư. Các con thơ như mầm non hé nụ. Tôi trôi giữa cuộc đời, mỏi gánh nặng hai vai. Có những lúc mệt nhoài dừng chân lại, ước như mình còn có ngắm mây bay???
Tuổi 40, lòng đã thôi ước vọng, tôi quay về tìm lại chút hương xưa. Hương thôi thắm, màu thời gian đã nhạt, gót nhỏ âm thầm vang động cõi thinh không. Mỗi mùa phượng nở, mỗi mùa thi, tôi cất bước giữa sân trường gió lộng, nhìn các em thơ, nhớ mình thưở mười sáu, hoa cỏ lối về bay bổng những hàng me.
Tuổi 50, thôi còn gì để nói, để còn ai lắng mãi khúc tiêu thiều, để một mai cát bụi lấp trời yêu, xin thôi hết một cõi đời vọng động. Xin thôi hết ngàn ngày xưa thơ mộng. Xin hãy qua mùa lá trút nghiêng ngàn, bước rưng rưng mòn nhịp gót thời gian, lòng cuống quýt buổi xuân tàn, đông mỏi.
Còn bao lâu tôi thầm thì tự hỏi. Tuổi năm mươi héo hắt buổi xế chiều. Tuổi đơn côi gặm nhấm nổi niềm yêu, dòng viết vội bỗng thơm mùi dĩ vãng.
Tôi về đâu một chiều vàng bảng lãng, chợt quắt quay ngày tháng cũ tìm về, chút yêu thương hờn giận nẻo đường quê, bỗng len lõi trong ồn ào phố thị.
Tuổi 60 thời gian trôi nhè nhẹ, chợt qua mau trên tóc trắng phai màu, bước chênh vênh nghiêng hết một đời đau, lòng quạnh vắng, chắt chiu từng kỷ niệm…
Tuổi 60 chỉ còn là hoài niệm,  chút hương lòng trôi dạt bến bờ xa. Mơ trăm năm chung lối ánh trăng tà  giấc mộng cũ trở trăn cùng gối chiếc. Ai còn đó, ai xa xôi biền biệt, con đường xưa vẫn mãi đến bây giờ. Tà áo mộng vờn bay trong gió rét, viết cho tôi … mộc mạc bỗng thành thơ…

Những ngày cuối thu 2014.
Phan Quỳ
READ MORE - CHÚT HƯƠNG LÒNG - Phan Quỳ

HOA MẪU ĐƠN, BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THUYẾT - Nguyên Lạc



                 
HOA MẪU ĐƠN          
BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THUYẾT

 Nguyên Lạc

                                  PHẦN I

Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây cao không thể không có dây leo, và người ta không thể không say mê yêu thích một thứ gì.
U MỘNG ẢNH (Trương Trào)

NHỮNG BÀI THƠ HAY

1. Hoa Mẫu Đơn
Mẫu đơn nở cạnh nhà th
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió dạo lời kinh toả vấn vương ...
(Hồ Dzếnh)

2. Ký Bạch tư mã
Tam điều cửu mạch hoa thì tiết,
Vạn hộ thiên xa khán mẫu đơn.
Tranh khiển Giang Châu Bạch tư mã,
Ngũ niên phong cảnh ức Trường An.
(Bạch Cư Dị)

Nơi kinh kỳ mỗi mùa hoa thắm,
Bao ngựa xe đi ngắm Mẫu Đơn,
Giang Châu Tư Mã chạnh buồn,
Năm năm cứ nhớ phố phường Tràng An.
(Nguyễn Minh dịch)

3. Truyện Kiều của Nguyễn Du

- Mẫu đơn
Dạy rằng cứ phép gia hình
Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn.
(Câu 1425 và 1426)

- Quốc sắc thiên hương
Ðã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa.
( câu 825 và 826 )

"Quốc sắc thiên hương" tức sắc nước hương trời:  Sắc nước là sắc đẹp nhất nước, hương trời là hương thơm chỉ có trên trời (thế gian không có); ý nói sắc đẹp hiếm có về thể chất lẫn tinh thần. "Quốc sắc thiên hương" trong văn chương cổ điển Trung Hoa chỉ về cái đẹp của hoa Mẫu đơn, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.
Như đã thấy, có sự xuất hiện hai chữ MẪU ĐƠN (Quốc sắc thiên hương) trong các bài thơ trên,  và chắc có lẽ nhiều bài thơ hay khác nữa. Để các bạn biết rõ về Hoa Mẫu Đơn, từ đó thấm thêm cái hay, cái đẹp của những bài thơ,  tôi xin được giải thích  về Hoa Mẫu Đơn qua biểu tượng, ý nghĩa và truyền thuyết của nó.

GIẢI THÍCH VỀ HOA MẪU ĐƠN

1. Chi Mẫu đơn

Tên tiếng Việt: Hoa Mẫu Đơn
Tên Trung Quốc: Sho-Yo (hay Shao-Yao).
Tên tiếng Anh: Peony
Tên tiếng Pháp: Pivoine officinale
Tên khoa học: Paeonia lactiflora
Họ: Paeoniaceae
Chi Mẫu đơn Trung Quốc, nhiều khi có tài liệu gọi là chi Thược dược (danh pháp khoa học: Paeonia) là chi duy nhất trong họ Mẫu đơn Trung Quốc (Paeoniaceae).
Các loài trong chi này có nguồn gốc ở châu Á (Trung Quốc và Tây Tạng, là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm, cách đây đã gần 4000 năm), miền nam châu Âu và miền tây Bắc Mỹ.
Phần lớn các loài là cây thân thảo thường xanh, cao khoảng 0,5–1,5 m, nhưng một số loài là cây bụi thân gỗ cao tới 1,5–3 m. Chúng có các lá phức, xẻ thùy sâu và hoa lớn, thường có mùi thơm, có màu từ đỏ tới trắng hay vàng, hoa nở vào cuối mùa xuân hay đầu mùa hè.
Tại Việt Nam có các loài mẫu đơn sau:
Paeonia lactiflora (đồng nghĩa: Paeonia albiflora) - mẫu đơn, bạch thược trắng, bạch thược.
Paeonia suffruticosa - bạch thược cao, mẫu đơn bụi. (Wikipedia)

2. Những Thông Tin Thú Vị Về Hoa Mẫu Đơn
Thành phố Lạc Dương (tiếng La Tinh là Luoyang, 1 trong 4 thành phố cổ kính nhất Trung Quốc), nổi tiếng về nhiều chủng loại Mẫu đơn phong phú, rực rỡ sắc màu nhờ thời tiết ôn hòa và đất đai thích hợp. Ngày 21/9/1982, người dân Luoyang chính thức chọn Mẫu đơn là biểu tượng hoa của thành phố mình. Tháng 4 là tháng của Hoa Mẫu Đơn, thật sự là mùa vui cho những người yêu hoa ở xứ sở này. Hoa Mẫu đơn nở đẹp lộng lẫy, hương thơm, sắc màu hoa hiện diện khắp nơi trong thành phố. Và lễ hội Mẫu đơn Louyang – Luoyang Peony Festival được tổ chức từ 15/4 – 25/4 hằng năm là một lễ hội văn hóa lớn, niềm tự hào của cư dân Luoyang. Suốt mùa lễ hội, tưng bừng những đèn lồng sặc sỡ, các hoạt động kinh tế cũng khá nhộn nhịp, không khí vui tươi và gây một ấn tượng sâu sắc cho tất cả các du khách trên khắp thế giới đến chơi. Ở Luoyang có những loài Mẫu đơn quý hiếm, màu sắc thay đổi lạ, hay cả những bông hoa lớn đến hàng trăm cánh, sống đã hàng trăm tuổi.
Mẫu đơn là loài hoa cảnh có lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều chủng loại. Trong “Hoa kính” có ghi lại 131 loài, trong “Quần phương phả” ghi có hơn 180 loài, còn trong cuốn “Bặc Châu mẫu đơn biểu” của Bạch Phụng Tường người đời Minh đã liệt kê ra 269 loại, chia thành 6 loại lớn là: thần phẩm, danh phẩm, linh phẩm, dật phẩm, năng phẩm, cụ phẩm. Người xưa cho rằng loài mẫu đơn có vị trí cao nhất là hai loài có màu vàng và tím, gọi là “diêu hàng ngụy tử”. Hoa mẫu đơn nở rất lâu khoảng 20 ngày mới tàn, từ đầu tháng 4 đến thượng tuần tháng 5.
Khi những nhà truyền giáo đạo Phật người Trung Hoa  đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa Mẫu đơn này. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. Mẫu đơn là bông hoa của Tháng Sáu ở Nhật Bản. Từ Trung Hoa và Nhật Bản, nó chu du sang tận đỉnh núi Olympus, tìm cho mình một cái tên.
Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp.Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sanh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa Mẫu đơn.
Điều đó cho thấy Mẫu đơn được người phương Tây đánh giá cao đến nỗi nó trở thành hiện thân của một vị thần.
Ở Đức, hoa Mẫu đơn được gọi là Pfingstrose, dù chúng đã nở trước dịp lễ Pfingsten (Lễ Ngũ Tuần là lễ 50 ngày sau ngày Phục Sinh).
Theo tích kể, Đức mẹ Maria khi nghe tin Chúa bị đóng đinh đã khóc nhỏ hàng nghìn giọt nước mắt lên một bụi hoa hồng. Kỳ diệu thay, vào khoảng lễ Ngũ tuần từ bụi hoa hồng này, nở những bông hoa to lớn, tuyệt đẹp và không có gai. Từ đó, hoa Mẫu đơn hiện diện trên cõi đời.

3. Biểu tượng của hoa Mẫu đơn
Ngày nay, Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung Quốc. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh “Chúa của muôn hoa”. Nhất là giai đoạn từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Mẫu đơn được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ lúc bấy giờ.
Giỏ Hoa Mẫu Đơn có bắp cải tài lộc và thỏ ngọc, một biểu tượng mang nhiều điều tốt lành và may mắn.
Hoa Mẫu Đơn biểu tượng của phú quý, dùng trong các dịp khai trương; người ta hay tặng nhau tượng hoặc tranh mẫu đơn để chúc nhau ngày càng phú quý, giàu sang.
Mẫu đơn là loài hoa vương giả sang trọng; Ở Trung Quốc nó biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng, và sắc đẹp. Ở Nhật Bản, Mẫu đơn tượng trưng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhiều con cháu. Hoa Mẫu đơn được các cô dâu ưa chuộng, có lẽ vì ý nghĩa tốt đẹp.
Hoa mẫu đơn đóa lớn rực rỡ lạ thường, hương thơm áp đảo mọi loài hoa khác. Vì vậy người ta còn gọi là “bách hoa vương”.
Một danh xưng khác của mẫu đơn là “hoa phú quý”, bắt nguồn từ câu “mẫu đơn, hoa phú quý” trong cuốn “Ái liên thuyết” của Chi Đôn Di đời Tống. “Lạc Dương mẫu đơn giáp thiên hạ” (hoa mẫu đơn ở Lạc Dương đứng đầu trong thiên hạ), dường như đó đã là câu nói mọi cửa miệng của mọi người. Vì vậy mẫu đơn còn được gọi là hoa Lạc Dương.
Người phương Tây xem hoa mẫu đơn như biểu tượng của sự e lệ.
Hoa mẫu đơn – Peony còn là biểu tượng hoa lần thứ tư của tiểu bang Indiana – Hoa Kỳ từ ngày 13/3/1957. Thật vậy, quốc hoa đầu tiên được chọn là Cẩm Chướng (15/3/1913), rồi đến Tulip – Uất kim hương (1/3/1923), Cúc Zinnia (chưa đầy 10 năm sau đó) và sự đổi ngôi cuối cùng mới dành cho Mẫu đơn – Peony.

4. Dược tính của cây hoa Mẫu đơn
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những khả năng kỳ diệu lạ thường của cây hoa mà người ta đã lưu truyền trong dân gian. Dược tính của Mẫu đơn chủ yếu ở rễ và hạt. Rễ cây có tính kháng sinh, giúp giảm đau, trị bỏng, làm giảm huyết áp, giúp trẻ mọc răng, chữa bệnh vàng da, dị ứng, thậnHạt hoa từng được xem như một loại gia vị thông dụng. Những tập tục mê tín còn tin rằng nếu đeo một vòng cổ kết bằng hạt Mẫu đơn, bạn sẽ tránh được các bệnh như hủi, động kinh, mất trí và nó còn xua tan những cơn ác mộng, như một lá bùa hộ mạng bảo vệ người ta chống lại ma quỷ hay những thế lực của bóng đêm !
Khoảng năm 77 sau Công Nguyên, trong cuốn sách Pliny’’s Natural History đã mô tả chi tiết về cây hoa và 20 bệnh chữa bằng những bộ phận của nó. Không lâu sau đó, Dioscoride cũng đã viết một luận án về những cây thảo dược, trong đó có Peony. Vì là một cây thuốc quan trọng, dược liệu Mẫu đơn được sản xuất với lượng lớn hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc và thể giới.

TRUYỀN THUYẾT VỀ HOA MẪU ĐƠN

Hoa Mẫu Đơn có nhiều truyền thuyết. Sau đây là một vài truyền thuyết thường được nhắc đến.
1. Chuyện Thứ Nhất
Ngày xưa, ở một làng miền núi có một bà m sinh được mười người con trai. Làng của mẹ bị giặc chiếm đóng. Người cha của mười anh con trai bị giặc giết ngay từ ngày đầu tiên khi chúng tiến vào làng. Mười người con trai của bà gia nhập vào đội quân chống giặc ở trong núi. Người con trai cả là chủ tướng của đội quân. Đội quân nay đã làm cho bọn giặc thất điên bát đảo. Đã nhiều lần giặc mở những trận càn quét mà không sao tiêu diệt được đội quân của cái làng bé nhỏ ấy.
Tên tướng giặc sai quân bắt bà mẹ đến, hắn bảo:
- Này mụ già, mụ hãy khuyên các con mụ trở về. Ta sẽ cho con mụ làm tướng. Bằng không, ta sẽ giết mụ.
Bà mẹ nhìn thẳng vào mắt tên tướng giặc nói lớn:
- Hỡi quân độc ác! Hẳn nhà ngươi cũng có một bà mẹ. Mẹ ngươi chắc không bao giờ dạy người phản bội lại quê hương. Là một người chân chính, ta cũng không thể dạy các con ta phản bội lại quê nhà.
Bọn giặc trói mẹ trên một ngọn đồi rồi cho quân mai phục hòng bắt được những người con của mẹ đến cứu. Chúng bảo bà mẹ hãy  gọi con  ra đầu hàng, chúng sẽ tha. Tiếng người mẹ:
- Hỡi các con của mẹ! Hỡi những người con của quê hương. Ta nhân danh người mẹ, ra lệnh cho các con không được vì ta mà phản bội quê hương.
Mệnh lệnh của người mẹ là mệnh lệnh trái tim, mệnh lệnh của tình yêu vĩ đại. Mệnh lệnh đó lan khắp núi rừng. Bọn giặc run sợ. Những người con của mẹ thì thêm sức mạnh chiến đấu. Giặc bịt miệng bà mẹ. Chúng đổ nhựa thông và nhựa trám lên đầu bà và châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy sáng cả một vùng…
Khi bọn giặc đi rồi, dân làng lên đồi tìm chỗ bà mẹ bị hành hình, người ta thấy trái tim của người mẹ vẫn nguyên vẹn và nóng bỏng. Dân làng chôn mẹ ngay trên đỉnh đồi.
Đêm đêm, từ ngôi mộ, trái tim mẹ vẫn phát sáng cả một vùng trời. Mùa xuân đến, từ ngôi mộ, trái tim ấy mọc lên một cái cây. Cây ra hoa. Bông hoa đỏ chót, hình ngọn lửa như bốc lên từ trái tim người mẹ. Và cũng từ ngày ấy có một loại hoa mang tên Mẫu Đơn. Cây hoa tượng trưng cho người mẹ đã chiến đấu bằng một trái tim.

2. Chuyện Thứ Hai
Chuyện kể rằng: Vào đời Đường, vua Đường Cao Tông  say đắm Võ Hậu. Lúc Vua băng hà, do con trai (Hoàng Thái Tử) còn nh lên ngôi, Võ Hậu nhiếp chánh, chuyên quyền hãm hại công thần. Bà ta tự xưng vương, đổi nhà Đường thành nhà Đại Châu, rồi  xưng hiệu Võ Tắc Thiên hoàng đế.
Một hôm, Võ Tắc Thiên khi ngự du vườn thượng uyển, nhìn thấy cỏ cây xác xơ, hoa lá điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt dán ngay trước cửa vườn. Bài thơ như sau:
Lai triều du thượng uyển
Hỏa tốc báo xuân tri
Bách hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuy
Dịch nghĩa:
Bãi triều du thượng uyển
Gấp gấp báo xuân ha
Hoa nở hết đêm nay
Đừng chờ cơn gió sớm.

Thế là trăm hoa không dám trái lệnh, chỉ trong một đêm mà bừng nở khắp vườn, ngào ngạt mùi hương.
Hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn, thấy muôn hồng ngàn tía rực rỡ như những vầng mây, sắc phủ cả vòm trời xanh nên lòng rất lấy làm vui.  Bất chợt bà cau mày, vì thấy hoa Mẫu đơn bướng bỉnh, không chịu phụng mệnh, nên cành khẳng khiu, không một lá non. Giận  cho loài hoa ngoan cố, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày Mẫu Đơn xuống tận Giang Nam (!).
Nhưng lạ thay, khi tới vùng đất nghèo nàn này, hoa lại nở rộ và vẻ đẹp rực rỡ hơn, làm đắm đuối lòng người.  Từ đó ngay cả sử sách Trung Hoa cũng ghi nhận vùng Giang Nam luôn xuất hiện nhiều tuyệt sắc giai nhân, những mỹ nữ có sắc đẹp nghiêng thành đổ nước. Cũng từ đó, vùng Giang Bắc thiếu vắng loài hoa vương giả, một biểu trưng cho quốc sắc thiên hương.
Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú "Ngọc Lâu Xuân T" nhằm thương hại và tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự do của cuộc đời, đem sắc đẹp hương thơm ban rải cho mọi người, chớ không chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, làm vương giả chốn kinh đô  gò bó.
Hoa Mẫu Đơn nở rộ tại thành Lạc Dương (Giang Nam), Người Lạc Dương khen hoa là "Mẫu Đơn xương tro", và họ dày công chăm bón, hoa càng mọc càng rực đỏ. Về sau, người dân Lạc Dương lại gọi hoa Mẫu Đơn là "Lạc Dương Hồng". (Ngày nay thành phố Lạc Dương nổi tiếng về nhiều chủng loại Mẫu đơn phong phú, rực rỡ sắc màu.)
Về sau người ta dùng từ “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời) để hình dung hoa mẫu đơn. Hoặc có cách phác họa khác là: “Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn” (chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ.)

Những người đẹp trong thi văn, lịch sử như nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Dương Quý Phi, Tây Thi , hay Vương Chiêu Quân... thường được ví như hoa Mẫu Đơn với cụm từ mô t"sắc nước hương trời" hay "quốc sắc thiên hương" này.

2@ 1. Bàn thêm về cụm từ "quốc sắc thiên hương" .
"Quốc sắc thiên hương" tức sắc nước hương trời.  Sắc nước là sắc đẹp nhất nước, hương trời là hương thơm chỉ có trên trời (thế gian không có); ý nói sắc đẹp hiếm có về thể chất lẫn tinh thần. "Quốc sắc thiên hương" trong văn chương cổ điển Trung Hoa chỉ về cái đẹp của hoa Mẫu đơn, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.
Sách "Tùng song tạp lục" chép:
Vua Ðường Minh Hoàng, một lần vào cuối mùa xuân, khi đang cùng Dương Phi đang thưởng hoa, vua Ðườn liền hỏi Tu Kỷ: “Hiện nay trong kinh thành bài thơ vịnh mẫu đơn nào là hay nhất, của ai?”. Trình Tu Kỷ tâu : - Thơ của Lý Chính Phong nổi tiếng nhất và có câu rằng:
Quốc sắc triều hàm tửu
Thiên hương dạ nhiễm y
 Nghĩa :
Người quốc sắc ban mai hay say rượu (ý nói hoa đỏ)
Mùi thiên hương đêm nhuốm áo khăn (nói về hương thơm)
Hai câu thơ này miêu tả một cách tinh tế và sinh động về tư chất của hoa. Dùng “thiên hương” để nói về hương thơm như hương khí từ trên tiên giới truyền xuống nhân gian của mẫu đơn. Dùng “quốc sắc” để ví sự mềm mại, hấp dẫn, đáng yêu của hoa cũng giống như gò má ửng hồng e lệ của người con gái khi uống rượu say. Quả thật tư chất hương thơm và hình dáng mềm mại của mẫu đơn đúng là toát lên những điều đó. Đây cũng là lý do sau này mẫu đơn được mệnh danh bằng danh xưng tao nhã “quốc sắc thiên hương”.
Bách tính triều đại nhà Đường rất yêu thích hoa mẫu đơn. Mẫu đơn không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm hội họa, người dân coi hoa là biểu tượng của sự hưng thịnh nên ai cũng yêu thích trồng và chăm sóc mẫu đơn trong vườn nhà. Trong bài thơ “Thưởng mẫu đơn”, Lưu Vũ Tích nhà thơ đời Đường có viết: “Duy hữu mẫu đan chân quốc sắc. Hoa khai thì tiết động kinh thành“, tạm dịch: Duy chỉ có hoa mẫu đơn thật sự là quốc sắc, thời gian khi hoa nở kinh động tới khắp cả kinh thành.

Trong bài thơ “Mẫu đan phương”, Bạch Cư Dị viết: “Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật. Nhất thành chi nhân giai nhược cuồng“. Tạm dịch: Thời gian mẫu đơn nở rồi tàn chỉ trong hai mươi ngày, dường như người dân trong thành thưởng hoa ngưỡng mộ tới mê hoặc.

Mẫu đơn là một thứ hoa thơm, đẹp quý nhất trong các loại hoa, được gọi là Vương hoa. Cho nên có thể cho rằng khi nói "Quốc sắc thiên hương" để chỉ một tuyệt sắc giai nhân với hoa Mẫu đơn.

2@ 2. Cách hiểu khác về truyền thuyết hoa Mẫu đơn với Võ Tắc Thiên.
Truyền thuyết đày hoa Mẫu Đơn chúng ta biết ngay là "xạo". Tuy nhiên suy ngẫm cho kỹ, ta sẽ thấy đó là lời khuyên mình triết của nhân gian dạy cho các "quốc sắc thiên hương" (hoa Mẫu đơn). Võ Tắc Thiên luôn ghen ghét  những giai nhân tuyệt sắc khác, thường kiếm cớ giết hại hoặc hủy hoại nhan sắc của họ để bảo vệ vị trí của mình trong lòng quân vương. Những giai nhân nên tránh xa bà, càng xa càng tốt, nếu muốn toàn mạng.

3. Truyền thuyết về dược tính: HOA ĐÀ VÀ CÂY HOA MẪU ĐƠN
Truyền thuyết kể rằng một đại phu nổi tiếng, Hoa Đà trong thời Tam Quốc, đã trồng nhiều loại hoa cỏ và thảo mộc khác nhau ở sân trước và sau nhà. Ông đã kiên quyết nếm một cách cẩn thận mỗi loại thảo mộc để tìm các thuộc tính trước khi kê đơn thuốc cho các bệnh nhân của mình. Vì thế, ông không hề kê bất kỳ loại độc dược nào 
Một ngày, có người đã đưa cho Hoa Đà một cây hoa mẫu đơn, ông đã trồng nó ở sân trước. Sau khi nếm lá, thân và hoa của cây mẫu đơn, ông đã quả quyết rằng nó chẳng có gì đặc biệt, và nó không có giá trị như một loại thảo dược. Vì thế ông đã không dùng hoa mẫu đơn để trị bệnh.
Một đêm khuya, Hoa Đà đang đọc sách thì đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của một phụ nữ. Ông ngẩng đầu lên và trông thấy một người đàn bà đẹp đau khổ đang dàn dụa nước mắt, trong ánh trăng mờ ảo, bên ngoài cửa sổ. Hoa Đà hơi bối rối và đi ra khoảnh sân trước, nhưng không có ai ở đó. Tại nơi mà ông đã trông thấy người đàn bà, ông tìm thấy một cây hoa mẫu đơn.
Một ý nghĩ xảy đến với Hoa Đà rằng người phụ nữ đó là cây Hoa Mẫu Đơn, nhưng ngay lập tức ông đã lắc đầu và cười cái ý nghĩ ngu ngốc của mình. Hoa Đà đã nói với cây hoa mẫu đơn, “Mày không có gì đặc biệt từ đầu đến chân. Làm sao tao có thể dùng mày làm thuốc đây?” Ông quay trở lại vào phòng và tiếp tục đọc sách.
Ngay khi Hoa Đà ngồi xuống, ông lại nghe thấy tiếng người đàn bà khóc. Khi ông đi ra ngoài để tìm kiếm người đàn bà lần thứ hai, lại không có ai cả, chỉ trừ cây hoa mẫu đơn. Sự việc này đã lặp lại vài lần trong đêm đó.
Lúng túng bởi những sự việc kỳ lạ, Hoa Đà đánh thức vợ ông dậy và kể cho bà nghe chi tiết và điều vừa xảy ra. Bà vông nhìn chăm chú những cây hoa cỏ và thảo dược trong khu vườn, rồi nói, “Mỗi một loại cỏ và cây trong khu vườn này đã từng có ích như là thuốc và đã cứu vô số mạng sống, trừ cây hoa mẫu đơn này. Tôi tin rằng cây hoa mẫu đơn nó đau khổ bởi vì ông coi nói là không có tác dụng như một loại thảo dược trước khi ông nhận ra đặc tính của nó.”
Hoa Đà đã cười và bảo, “Tôi đã nếm tất cả các loại thảo mộc và biết được dược tính của chúng một cách sâu sắc. Tôi luôn đý hết mức tới mỗi cây thảo mộc và không bao giờ bỏ qua một cây nào mà có thể có tác dụng làm thuốc. Còn như với cây hoa mẫu đơn này, tôi đã lấy mẫu lá của nó, thân và hoa nhiều lần trước khi tôi quyết định dứt khoát rằng nó không có ích lợi như một vị thuốc. Làm sao bà có thể bảo tôi nhầm lẫn với cô ta?”
Vông nói, “Ông đã thử những phần phía trên mặt đất của nó. Ông đã thử phần rễ của nó chưa?” Hoa Đà trở nên mệt mỏi về chủ đề này và đã đi ngủ. Vợ của ông cho rằng chồng bà không tiếp thu lời khuyên của người khác như trước kia, và bắt đầu lo lắng rằng ông có thể bắt đầu mắc những sai lầm.
Một vài ngày sau đó, bà đến kỳ kinh nguyệt. Máu chảy ra liên tục, tựa như một dòng suối. Hơn nữa, bà bị đau và co cơ dai dẳng ở phần bụng dưới. Lén không để chồng biết, bà đã đào rễ của cây hoa mẫu đơn, sắc nó lên và uống. Chỉ nửa ngày sau, cơn đau đã rút xuống từ từ và huyết dịch trở lại bình thường.
Khi bà kể lại với chồng, Hoa Đà cuối cùng đã nhận ra rằng ông quả thật đã đánh giá sai cây hoa mẫu đơn. Ông cảm kích bà vợ đã dạy ông qua thực tiễn rằng cây mẫu đơn có tác dụng như một vị thuốc vì nó có thể dứt cơn đau và cầm máu.
Những cây mẫu đơn có vẻ ngoài đẹp đặc biệt. Thân và hoa của chúng đẹp, và đó là tại sao nó được đặt tên như vậy.
[Chú thích: Hoa Mẫu Đơn được gọi là Bạch Thược trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là đẹp.]

Truyền thuyết Hoa Đà này chỉ tham khảo cho vui chứ làm gì có thật. Chủ ý chuyện này chỉ muốn làm nổi bậc dược tính của cây hoa Mẫu đơn mà thôi. (NL)

(Còn tiếp: HOA MẪU ĐƠN - PHẦN II)

Nguyên Lạc

***************************************
Nguồn:
Ðiển tích Truyện Kiều, Tâm Linh Huyền Bí.net, daohoavien.com, Tinhhoa.net,  Đại kỷ nguyên,
Tổng hợp về hoa Mẫu Đơn ( từ Internet ) Huỳnh Huệ,  (Tianyi - Secret China) ...
Hình ảnh:
Hoa Mẫu Đơn ( ROSE PARK VIỆT NAM)
Peony - Hoa Mẫu đơn
Peonies.avi (PPS)


READ MORE - HOA MẪU ĐƠN, BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THUYẾT - Nguyên Lạc