Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
Không phải tôi sắp hát bài hát về
nàng dâu của ban nhạc AVT nổi tiếng năm xưa
mà kể chuyện về nàng dâu thực của vợ chồng tôi.
Nhưng trước hết tôi xin tự giới thiệu
về mình. Tôi tên là Mẹo, 67 tuổi, tổ trưởng dân phố kiêm chủ tịch hội đồng hoà
giải của khu phố. Có nghĩa là khi có gia đình nào cơm không lành canh không ngọt,
chén đủa chào xáo, thì hội đồng chúng tôi có việc làm chỉ với điều kiện là có đơn hoặc khiếu nại của ít nhất
là một người trong gia đình ấy. Khi chén dĩa đang bay vèo vèo thì chẳng ai dại
gì mà nhảy vô để lãnh đòn. Cứ ngồi nhà điện báo dân phòng hoặc công an là hết
nhiệm vụ. Mình có đến cũng đứng xa xa nghe ngóng hoặc vào một nhà gần đấy hỏi
thăm thì sẽ nắm rõ tình hình, sau này dễ phân xử. Làm cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”,
có cái tâm đã đành mà cũng phải biết cách để ứng phó với vạn biến mới tồn tại
được. Thấy người ta sống trở lại hoà thuận với nhau thì mình cũng hạnh phúc. Rồi
cuối quý cuối năm cũng có cái mà báo cáo điển hình, cũng được tuyên dương khen
thưởng. Oai chớ bộ?
Nói vậy thôi chớ chẳng tài cán chi.
Chuyện xã hội, chuyện gia đình người ta thì giải quyết được còn chuyện nhà mình
thì đành bó tay chấm com.
Khi thằng Thành con trai trưởng của
tôi lấy con Liên thì bà con lối xóm ai cũng mừng, bảo nó như chuột sa hủ nếp. Số
là gia đình Liên thuộc diện bị giải toả. Nhận đất xong thì cha mẹ nó bán đất,
chia đều cho con cái, còn vợ chồng ông bà ấy về quê mua đất làm nhà. Riêng Liên
được thừa hưởng cái sạp hàng tạp hoá trong chợ nhỏ tại phường vì đã có công
giúp mẹ buôn bán bấy lâu. Thành chuyên bỏ hàng nước tương Chinsu. Liên là bạn
hàng của nó. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau
là chuyện đáng mừng vì thằng Thành đương nhiên sẽ trở thành ông chủ sạp
hàng tạp hoá đó. Sau đám cưới, tôi liền mua đất dựng nhà cho vợ chồng nó. Liên
cũng bỏ tiền riêng của nó sắm sửa mọi thứ vật dụng cần thiết trong nhà. Thằng
Thành chịu tiền ăn uống, điện nước. Có nghĩa là Thành lo phần mềm, còn Liên lo
phần cứng. Khi tụi nó có con bé đầu, thằng thành lo sữa, con Liên lo bột. Vợ
chồng cùng chung lo như vậy là tốt .
Con bé mỗi ngày một lớn và tiền ăn
mỗi ngày một nhiều. Thằng Thành khỏi phải mua sữa nhưng con Liên vẫn chịu tiền
ăn cho con bé. Vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Rồi đến tiền học càng ngày càng phát
sinh. Nào tiền áo quần sách vở, tiền bán trú, tiền quỹ phụ huynh, tiền giúp bạn
nghèo, tiền cứu trợ, tiền quỷ đội, tiền quà thăm cô giáo ngày 20 tháng 11, tiền
phát thưởng cuối năm, tiền liên hoan, vân vân và vân vân. Không biết người
ta bày ra chi lắm khoản thu như thế. Có lẽ thầy cô thì hỉ hả còn hai vợ
chồng nó thì thiếu đường xỉ vả lẫn nhau. Thằng Thành chi nhiều khoản trong nhà
rồi, sao con Liên không chịu tiền học cho con bé nhỉ? Trong khi đó, Liên sắm
cho mình hai chiếc xe máy, một chiếc wave để đi chợ, còn một chiếc xe tay ga to
bự để lâu lâu đi đám cưới cho oai với bạn bè. Thành hỏi tiền đâu mà sắm nhiều
thế, Liên nói tiền của mẹ nó cho ngày xưa nó phụ giúp buôn bán, không liên quan
gì đến Thành. Nếu vậy về pháp luật thì đúng
nhưng về tình cảm gia đình thì nghe không ổn.
Mọi chuyện dù sao cũng qua được nếu
như không có vụ nước tương bị bể. Báo đài ngày nào cũng nói nước tương có cái
chất gì đó làm người ta ăn vào thì bị bệnh. Không biết có ai chết vì nước tương
hay chưa nhưng gia đình thằng con tôi thì tan nát.
Nước tương ngưng sản xuất, thằng
Thành không có hàng bỏ chợ. Không có hàng mới bỏ cho bạn hàng thì tiền cũ cũng
không được thanh toán. Liên cũng là bạn hàng của Thành, và cũng như mọi người,
Liên cũng không thanh toán tiền cũ. Đó là luật gối đầu xưa nay của chợ ta.
Không lấy tiền được thì thằng Thành không có tiền để thanh toán với hảng nước
tương. Không thanh toán được thì vi phạm hợp đồng, bị hảng nước tương kiện, bị
mời lên đồn chất vấn, làm cam đoan. Thằng Thành bán chiếc xe cà tàng lâu nay nó
dùng để chở hàng, vợ chồng tôi cũng giúp
chục triệu nhưng cũng còn nợ vài triệu, chưa trả đủ. Thành vi phạm hợp đồng, hảng nước tương kiện
là đúng nhưng nguyên nhân đâu phải do nó mà chính do nước tương không đảm bảo
chất lượng. Thành không thể đóng tiền ăn cho Liên nên bị cắt cơm, phải về nhà
tôi ăn. Liên làm đơn xin ly dị. Toà giải quyết bằng cách chia cho Thành cái nhà
và có quyền nuôi con. Liên được mang theo tất cả đồ dùng mà nó đã mua sắm. Cái
nhà thằng Thành trống trơn, chẳng có gì
bán được để ăn. Hai cha con chúng nó về nhà tôi ở. Còn Liên mua nhà mới và mang
tất cả đồ dùng sẵn có dọn đến. Liên có tiền để mua nhà mới gần cả trăm triệu
trong khi chồng nó chỉ thiếu hảng nước tương vài triệu nhưng nó vẫn không chi!
Li dị rồi nhưng thỉnh thoảng Liên
cũng sang thăm con bé. Hai vợ chồng có dịp gặp nhau sao đó mà con Liên lại có bầu
và sanh thêm một cháu gái nữa. Khi cháu
được ba tháng thì Liên bồng qua thăm ông bà nội, than van về chuyện bấy lâu phải
nghỉ bán, không có tiền mua sữa cho con. Liên gởi con cho bà nội nó bồng, nói
đi mua sữa, rồi đi luôn.
Một tuần sau Liên trở lại, đem theo
đủ hoá đơn thanh toán tiền bệnh viện, tiền tả lót và tiền sữa, đòi thằng Thành
phải thanh toán. Liên cho con bú rồi lại bỏ đi. Con bé sau một thời gian quên mẹ,
nay lại được cho bú, tối đến nó nhớ mẹ, khóc suốt đêm, có lẽ vì thèm bú. Bà nội
nó già rồi nay phần phải giữ cháu, phần phải lo tiền đâu để mua sữa nên sức
khoẻ giảm thấy rõ. Tôi cũng không rõ là cháu bé ba tháng mà mẹ nó nói phải tốn
tiền sữa bột chi nhiều vậy, trong khi đó, nó cũng có sửa để cho con bú? Mấy
người hàng xóm thêm dầu vô lửa bằng cách xúi bà nội nó cấm mẹ con nó gặp nhau!
Cũng may là mấy thằng bạn của Thành đứa nào cũng tốt. Lâu lâu có một thằng mang
sữa đến cho cháu.
Tiết kiệm, tính toán chi li cũng tốt.
Nhưng chi li đồng tiền quá đến nỗi vì sợ tốn tiền mà bỏ, chồng bỏ con như con
dâu của tôi thì chắc đàn bà chẳng có mấy tay.
Chuyện nàng dâu nhà tôi chưa có hồi
kết. Dự kiến kịch bản còn phát sinh nhiều tình huống do diễn viên tự biên tự diễn,
kể cả tình huống ông nội là tôi đây phải
giữ thêm một cháu thứ ba.
Nguyễn Khắc Phước
No comments:
Post a Comment