Tác giả Hoàng Đằng
TẾT! TẾT! TẾT!
Tùy bút của Hoàng Đằng
Hôm nay, 27 tháng Chạp Ất Mùi cũng có thể gọi là 28 vì tháng Chạp này thiếu. Chỉ còn 2 ngày nữa là Tết Bính Thân.
Người đời thường nói: “Ba ngày Tết”, nghĩa là ngày 30 tháng Chạp năm trước và 01, 02 tháng Giêng năm sau; nhưng tùy nơi, tùy phong tục, tùy điều kiện, Tết có thể kéo dài ngày hơn.
Ở quê lão, dạo này, trời rất lạnh; tuy so với miền Bắc nước ta và nhiều nơi khác trên thế giới, lạnh Đông Hà chưa thấm tháp vô mô. Nhưng có lẽ do tuổi cao, lão cảm thấy khó chịu lắm; thân thể đã bó phủ nhiều lớp áo quần, vậy mà lạnh vẫn luồn qua được, vào rúc rỉa mấy cái dây thần kinh, mấy cái xương. “Hội chứng đau vai gáy” đang hành hạ lão. Mấy đốt sống cổ thoái hóa ảnh hưởng thần kinh dẫn xuống cánh tay; cái cổ, cái vai ê ê, mỏi mỏi, còn cánh tay thỉnh thoảng bị buốt như thử có lưỡi dao đang rọc dọc trong ấy.
Hồi hôm, đọc trang BBC tiếng Việt, lão thấy có hộị luận : “Dịp Tết: Người yêu kẻ ghét?” phát ngày 03/02/2016.
Chiều nay, muốn tham gia ý kiến, lão rán ngồi dậy. Lẽ dĩ nhiên ý kiến lão không làm sao mà đưa vào buổi hội luận ấy được, chỉ có thể phổ biến trên những trang Web hay Blog của thân hữu.
Tết sắp tới đây là Tết Nguyên Đán. Việt Nam có nhiều Tết lắm: Tết Tây (01/01 Dương Lịch), Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng Âm Lịch), Tết Đoan Ngọ (05/05 Âm Lịch), Tết Trung Nguyên (rằm tháng 7 Âm Lịch), Tết Trung Thu (rằm tháng 8 Âm Lịch), Tết Độc Lập (02/9 Dương Lịch) …
Từ “Tết”, theo các nhà ngôn ngữ học, do từ “tiết” biến âm thành. “Tiết” đây không phải là thời tiết mà là dịp mừng mang tính cộng đồng có tổ chức lễ và hội; “nguyên” nghĩa là bắt đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Tết Nguyên Đán” là dịp lễ hội được tổ chức để mừng khởi đầu chu kỳ thời gian một năm.
Nhiều người cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ nước ta bị Bắc thuộc hơn 1,000 năm (179 Tr.CN – 938 Sau CN).
Tuy nhiên, Tết Nguyên Đán có từ lúc nào? Theo sử Trung Quốc, Tết Nguyên Đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (2852 – 2205 Tr.CN), nói vậy chứ đó là thời huyền sử, khó xác tín; qua thời chính sử, thời điểm Tết được tổ chức thay đổi qua từng triều đại: nhà Hạ chọn tháng Giêng (tháng Dần), nhà Thương chọn tháng Chạp (tháng Sửu), nhà Chu chọn tháng 11 (tháng Sửu); đến đời nhà Hán (206 Tr.CN – 220 Sau CN), Hán Vũ Đế (141 Tr.CN – 87 Tr.CN) quy định lại Tết vào tháng Giêng và quy định ấy duy trì cho đến bây giờ.
Tuy nhiên, theo sử Việt Nam, họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm 2879 Tr.CN nghĩa là Việt Nam có Nhà Nước trước Trung Quốc dù thời Hồng Bàng cũng chỉ là thời huyền sử. Rồi có người dựa vào câu chép trong Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên lễ hội lớn của người Man …” và câu trong Giao Chỉ chí: “Bọn người Giao quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa, ca hát, ăn uống nhiều ngày để mừng một vụ mùa cấy trồng mới …” Hai sách “Kinh Lễ” và “Giao Chỉ Chí” là những sách do người đời sau viết; Kinh Lễ tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến Quốc (từ khoảng thế kỷ V Tr.CN đến khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc (221 Tr.CN) ghi chép lại các lễ nghi thời trước, còn Giao Chỉ Chí chắc được viết vào thời nhà Hán (?).
Do tinh thần tự tôn dân tộc, người ta đi đến kết luận Tết có nguồn gốc từ Việt Nam.
Thật ra, Tết có từ lúc con người xuất hiện và sống thành cộng đồng. Để có cái ăn, con người phải lao động; lao động thì mệt nhọc; mệt nhọc thì nghỉ ngơi; nghỉ ngơi thì cần giải trí; để giải trí, con người nghĩ ra lễ hội với nhiều trò chơi. Qua thời gian, lễ hội từ hình thức đơn sơ tiến hóa thành hình thức văn vẻ và trong sự chung đụng giữa bộ tộc này với bộ tộc kia, giữa quốc gia này với quốc gia kia, sự ảnh hưởng qua về của lễ hội không làm sao tránh khỏi. Tùy theo hoàn cảnh, môi trường, điều kiện sống của từng dân tộc, lễ hội, ngoài những nét tương đồng, ắt phải mang những nét dị biệt; ấy là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc dân tộc.
Vậy thì đừng khẳng quyết Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Tết có nguồn gốc từ Việt Nam.
Hiện nay, chỉ còn 05 quốc gia trên thế giới mừng Tết Nguyên Đán; đó là Trung Quốc (kể cả Đài Loan và Hồng Kông), Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore và Mông Cổ; riêng Nhật Bản, tuy là một quốc gia Đông Á, đã bỏ phong tục mừng Tết Âm Lịch từ 1873 để theo phong tục mừng Tết Dương Lịch.
Mừng Tết Âm Lịch của các nước trên có một vài điểm chung, như là cúng Thần Linh, cúng Tổ Tiên, đi mừng tuổi người thân quen …
Nói đến cúng bái, lão rất sợ - tiết trời rét buốt mà phải cúng Giao Thừa.
Phụ nữ, sau mấy ngày cận Tết bề bộn công việc, đáng lẽ nghỉ ngơi thì phải nấu nướng mâm cỗ; đàn ông phải xếp vàng mã, chuyển mâm bàn ra ngoài trời, rồi ngồi đợi đến phút Đất Trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới để lên đèn, đốt hương, quỳ xuống khấn vái. Trong gia đình, chỉ bậc gia trưởng, phần đông đã cao tuổi lãnh trách nhiệm đứng trước bàn thờ cầu nguyện cho cả gia đình an khang., còn những người trẻ nằm ngủ say, không giúp ích được gì. Gặp trời tạnh, còn đỡ; nếu trời mưa, ngoài phải lo phần nghi lễ, người chủ tế phải lo dùng tấm bạt che chắn bàn thờ. Khổ lắm!
Ngày Tết, cúng nhiều vị, cúng nhiều lễ trong nhiều ngày, ít nhất là một lễ “lên nêu”, một lễ “giao thừa”, một lễ “cúng đưa” (hạ nêu). Nhiều gia đình, trong những ngày Tết, còn cúng cơm ngày 3 bữa, vì tin rằng linh hồn tổ tiên, ông bà và những người trong gia đình đã khuất về ngự trên bàn thờ để vui Tết cần ăn uống như người sống. Lại nấu nướng, đơm dọn, quỳ lạy, khấn nguyện nghĩa là loay hoay cả ngày, Tết không còn là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng thụ nữa.
Lễ vật cúng xong thì được dọn ra để cả nhà hưởng lễ trừ bữa. Chỉ có điều là đồ cúng – lẽ dĩ nhiên được mua sắm thịnh soạn hơn ngày thường – có nhiều thịt, nhiều mỡ, nhiều gia vị … khiến ăn nhiều vào tiêu hóa khó khăn; cả ngày lẫn đêm, cái bụng lạch ạch, khổ lắm!
Lại còn chuyện đi thăm bà con, bạn bè; chuyện đi thăm chúc Tết vốn mang ý nghĩa hay. Cả năm bận bịu việc mưu sinh, Tết đến, được rảnh rỗi, người ta đến thăm nhau củng cố tình thân, chúc nhau mọi điều tốt lành qua năm mới chứng tỏ sự quan tâm.
Khổ nỗi là trong nhiều trường hợp, việc thăm Tết biểu lộ quá hình thức; mới gặp nhau ngày 30 tháng Chạp năm trước mà qua mồng một tháng Giêng năm sau – chỉ mới xa nhau một ngày thậm chí vài giờ - cũng phải đến nhà nhau để gọi là có thăm Tết; lại có người này không có ý định thăm người kia; nhưng vì người kia có ghé nhà, thành thử phải qua ghé đáp lễ; hai lần gặp nhau quá gần, chẳng có chuyện gì để nói, không khí nhạt nhẽo lắm!
Gia đình được thăm nhiều khi không hớn hở trong việc tiếp; họ không muốn sự nghỉ ngơi của họ bị quấy rầy bởi cảnh người vô kẻ ra; có gia đình đóng cửa nhà, lấy cớ đi du xuân, có gia đình đóng cửa vì không muốn tiếp khách, có gia đình mở cửa, nhưng khách bước vào thì thấy mọi người đang nằm trong phòng kín hay thấy sòng bài, sòng cờ … đang rôm rả trên chiếu trải giữa nhà; khách chẳng ai tiếp mà dù có, người tiếp cũng hững hờ. Thăm Tết như thế nản quá!
Còn lắm chuyện chưa vừa ý trong Tết nữa, nhưng thôi! Đầu năm đầu tháng đừng nói nhiều chuyện dở, mất hay! Mà nên nói những chuyện tốt lành.
Tết là khởi đầu một chu kỳ khí hậu thời tiết; cùng với Đất Trời, con người cũng lợi dụng biến Tết thành dịp đổi mới. Sửa sang, sơn quét nhà cửa, dọn dẹp nương vườn, lau chùi tủ giường bàn ghế, tẩy rửa chén bát ly tách, tắm gội cơ thể, giặt giũ chăn màn, cạo hớt râu tóc, may sắm quần áo … Ai nghèo cực đến mấy cũng phải làm, dù nhiều dù ít, những công việc trên.
Tết không những là dịp khởi đầu mà còn là dịp kết thúc một chu kỳ thời gian; vì vậy, nhân danh Tết, người ta cố gắng để hoàn tất những công việc dang dở: xây nhà thì xây cho xong dù phải làm thâm qua đêm, hỏi vợ gả chồng thì lo cưới, thế nên tháng Chạp là tháng lễ cưới tổ chức nhiều nhất …; đặc biệt là về nợ nần, chủ nợ lấy cớ năm cùng tháng tận để buộc người bị nợ thanh toán khoản nợ. Có thế, đón chào Tết, chủ nợ và người bị nợ đều có tâm hồn thư thái.
Tết là dịp người ta nhìn lại mình, nhìn lại đời. Cơ quan, công sở có lễ tổng kết, từng gia đình có lễ tất niên. Dịp này, Nhà Nước nghĩ nhiều hơn đến người nghèo, những người khá giả, dư dật nghĩ đến những thân phận thua thiệt, do đó, có những cuộc quyên góp tiền của, những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa phân phát thực phẩm, áo quần, thuốc men …
Tết còn là dịp để những người thân yêu đoàn tụ sau cả năm phiêu tán mưu sinh nơi đất khách quê người. Điều này thấy rõ ở nơi những nhà ga, bến xe của các nước có phong tục mừng Tết Nguyên Đán. “Tết” ví như tiếng còi giục giã người ta trở về với cội nguồn. Không Tết, người ta cũng trở về nhưng có lẽ rày lần mai lữa không háo hức đến vậy. Có Tết, người ta mới thể hiện tình cảm “Chim có tổ, người có tông” rõ nét hơn.
Tết mang lại không khí đoàn viên gia đình không những giữa người sống mà còn giữa người đã khuất và người sống với người đã khuất. Linh hồn người đã khuất được rước về và người ta tin những linh hồn ấy có về thật (ai không tin thì tùy); trong làn khói trầm hương, trong ánh nến lung linh, sáo hay màn che chắn bàn thờ kéo lên, tất cả các thế hệ trong một gia đình, dù hữu hình hay vô hình, bên nhau; không khí linh thiêng, ấm cúng ấy là nét văn hóa riêng đáng tự hào!
Về phương diện quốc gia, Tết là động lực thúc đẩy nền kinh tế sôi động hơn. Người sản xuất phải làm nhiều hơn; người tiêu thụ phải mua sắm nhiều hơn; người buôn bán hối hả hơn; giao thông vận tải nhộn nhịp hơn. Ngoài ra, Tết còn giúp ngành du lịch tăng thu; khách nước ngoài không có Tết Nguyên Đán nhập cảnh nhiều hơn để xem dân ta hưởng Tết ra sao, tìm hiểu thêm về văn hóa của ta; người trong nước, đa số là giới trẻ, giao việc tiếp khách, cúng vái cho ông bà, cha mẹ rủ nhau du lịch nơi này nơi khác.
Thế thì theo lão, Tết đáng yêu.
Còn những gì phiền hà trong Tết, nếu khéo tổ chức công việc, có thể tránh được.
Nhất định Thần Linh, Tổ Tiên không dùng những thức cúng mà phải qua nấu nướng. Bày thức ăn, thức uống, người xưa chỉ nhằm mục đích, sau khi cúng xong, người sống hỉ lạc. Buổi nghèo đói, chỉ có dịp Lễ Tết, kỵ giỗ, người ta mới ăn được miếng thịt để bồi dưỡng cơ thể gầy gò thiếu chất; bây giờ, thức ăn thức uống đã thừa mứa. Vậy thì vẫn duy trì cúng, nhưng chỉ nên dùng hương đăng hoa quả.
Việc thăm viếng chúc Tết chỉ thực hiện vào những trường hợp cần thiết lắm: người lâu ngày không gặp, người già cả neo đơn, người bệnh tật … Còn trong cộng đồng, mỗi gia tộc có một từ đường, ngày Tết, mọi thành viên đến đó, trước thắp hương viếng Tổ Tiên, sau chào hỏi, chúc tụng nhau. Như thế đỡ mất thời gian và tránh được thói hình thức.
Viết miên man đôi dòng mừng xuân, người viết mong được thông cảm cho những ý kiến mà người đọc thấy “chướng tai gai mắt”.
Nhân dịp Tết Bính Thân, người viết xin chúc mọi người hưởng Tết vui vẻ và năm mới an khang thịnh vượng./.
Hoàng Đằng
05/02/2016 (27 tháng Chạp Ất Mùi)