Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 4, 2019

NGÔI NHÀ MA | Truyện ngắn | Nguyễn Khắc Phước




NGÔI NHÀ MA
Truyện ngắn  
Nguyễn Khắc Phước

   Thanh niên trong thời chiến thì  dù muốn hay không cũng phải đi lính không bên nầy thì bên kia. Thiệt cũng vậy. Anh ở miền Nam làm lính Việt Nam Cộng Hoà nói nôm na là lính chế độ cũ hay lính nguỵ như bây giờ người ta thường gọi.
  
    Không biết có phải vì vóc dáng thư sinh gầy yếu mắt kính cận hay là nhờ chạy chọt mà Thiệt được điều động về ngành quân nhu làm nhân viên hành chính tài chính  cho đơn vị . Và   cũng  không biết Thiệt đã làm lính được bao lâu nhưng khi chuyển đến đơn vị   đóng gần vành đai phi trường Đà Nẵng thì anh ta đeo lon trung sĩ một vợ hai con. Thời buổi chiến tranh mà được làm lính văn phòng thì số dách lại thêm được cô vợ  khoẻ mạnh to béo như võ sĩ su-mô thì khỏi lo tốn tiền thuốc thang hoặc bị mấy tay sĩ quan gạ gẫm.
  
    Đơn vị quân nhu mới thành lập lính tráng chưa quen thân nhau. Doanh trại cũng mới dựng ít nhà dành riêng cho bộ chỉ huy nhà kho và lính bảo vệ. Lính văn phòng chưa có nhà ở thoạt đầu còn phải thuê nhà dân sáng đi tối về như công chức.
 
     Thiệt ở nhà thuê hơn một tháng thì  khu gia binh dành cho sĩ quan và lính văn phòng được khởi công trên khu đất cách doanh trại chừng nửa cây số. Khi xe ủi đến san lấp bãi hoang  đầy  lau lách buị cây dại và ao hồ để tạo măt bằng thì người ta phát hiện được rất nhiều  mô đất nhỏ như cái rá mà người ta nghi là những nấm mồ hoang. Hỏi dân địa phương thì họ bảo đó là những mả hời có tiếng là linh thiêng. Người quanh vùng chẳng mấy ai lai vảng đến đó vì người ta đồn rằng  ban đêm có ma hời tụm lại xoã tóc khóc tỉ tê. Những người lính công binh dù sợ nhưng cũng phải làm. Họ mời thầy cúng thuê người bốc được dăm bảy bộ hài cốt bỏ vào tiểu đem chôn một nơi khác. Cũng  chỉ bốc được những mồ nào còn nấm chứ những cái tàn rồi bằng phẳng với mặt đất thì  chẳng biết còn bao nhiêu.
  
    Rốt cục thì khu gia binh cũng được dựng xong. Các sĩ quan ưu tiên chọn lựa. Chỉ có một mình Thiệt là hạ sĩ quan nên phải nhận lô sau cùng. Lính công binh nói lô đất ấy có nhiều mả hời nhưng Thiệt  đành phải chịu. Thiệt dắt vợ con vào ở dấu nhẹm chuyện mả mồ.
   
    Thế nhưng  chưa đầy một tuần thì có chuyện kỳ quặc xảy ra. Nửa đêm Thiệt đang ngủ với vợ thì giật mình thức giấc vì những tiếng động lạ. Thoạt đầu là tiếng ly chén chạm nhau sau đó là tiếng bàn ghế di chuyển như có ai đang dọn nhà tiếng chân chạy trên mái tôn tiếng rên rỉ tiếng thở hì hục. Thiệt thức dậy bật đèn tìm kiếm nhưng không tìm thấy  ai chỉ có mấy chú chuột chạy kêu chút chít. Mọi vật vẫn ở yên vị trí không hề di chuyển. Những đêm tiếp theo không đêm nào mà không xảy ra chuyện tương tự. Thiệt đã từng tham gia trận mạc từ lúc còn binh nhì nên chẳng mấy sợ nhưng cô vợ quá khiếp hãi nên dứt khoát đòi đi thuê nhà ở hoặc phải về quê. Quê Thiệt thuộc vùng giải phóng nên không thể về còn thuê nhà thì không có tiền vì số tiền dành dụm đã dùng sạch vào việc mua sắm đồ đạc trong nhà. Lại còn nợ đơn vị mấy tháng lương.  Ngược lại ở trong khu gia binh chẳng tốn một đồng xu  tiền điện nước lại được an toàn. Thiệt tạm thời xin cho vợ con vào ngủ trong văn phòng còn mình thì ngủ ở nhà. Lính tráng mà sợ quái gì ma mũi.
   
    Được một tuần thì Thiệt có vẻ kiệt sức mặt mày hốc hác vì mất ngủ. Đêm nào cũng phải thức dậy vì tiếng động lạ rồi nằm chong đèn đến sáng không thể chợp mắt. Có lúc anh phải xin nghỉ ốm đi viện nhưng sợ mất việc phải đổi ra tiền tuyến nên  cố gắng đi làm.
  
     Thiệt báo cáo chuyện nhà mình với đơn vị trưởng và được cấp trên điều động một binh nhì đến giúp việc văn phòng ban ngày ban đêm thì về nhà ngủ với Thiệt.
   
    Trong thời gian ấy đơn vị có hai sĩ quan người Mỹ đến làm cố vấn ỏ lại trong doanh trại. Một người biết tiếng Việt trọ trẹ ngỏ ý muốn dạy tiếng Anh cho vợ Thiệt để làm thông dịch. Vợ Thiệt đã học gần hết phổ thông nên cũng biết đôi chút tiếng Anh. Được học tiếng Anh với người Mỹ chính gốc là một cơ hội rất hiếm nên cả hai vợ chồng Thiệt đều ô-kê.
Ban ngày vợ Thiệt ở nhà ban đêm vào học tiếng Anh trong doanh trại nên chẳng mấy chốc vợ Thiệt nói tiếng Anh như gió và được cử làm thông dịch viên cho đơn vị. Hai người Mỹ đi đâu cũng có vợ Thiệt cặp kè. Đôi khi họ đi công tác vài ba ngày mời về. Người ta tiếng vào tiếng ra đồn đãi bậy bạ nhưng Thiệt không có ý kiến gì bởi đồng lương vợ Thiệt kiếm được khá lớn chẳng bao lâu có thể trả xong nợ và mua nhà riêng. Lúc ấy Thiệt sẽ không cho vợ làm thông dịch nữa. Hơn nữa lúc ấy chắc sẽ có sĩ quan thông dịch được cử đến có làm người ta cũng không cho.
 
    Lúc Thiệt được thăng chức thượng sĩ  cũng là lúc biết vợ mình có bầu. Mấy người vợ lính to nhỏ rằng không biết Thiệt ngủ với vợ lúc nào mà cô ta có bầu. Chuyện đó chỉ có hai vợ chồng họ biết làm sao người ngoài biết được. Không ban đêm thì ban ngày chủ nhật. Làm tình kiểu lính thì đánh nhanh thắng lẹ chớ có như dân thường đâu. Hồi Thiệt còn ở quân trường mỗi lần chủ nhật vợ đến thăm hai người kéo nhau ra bãi tập che tấm pông-xô là xong. Hơn nữa vợ chồng Thiệt vẫn vui vẻ hạnh phúc chẳng mấy khi to tiếng. Người khác lại bảo rằng vợ Thiệt to béo khoẻ mạnh thế kia thì  nếu có  chuyện gì Thiệt cũng không dám hó hé. Nó quật một cái thì rồi đời!
  
     Sắp đến ngày vợ sinh thì Thiệt cũng đặt cọc một ngôi nhà hai tầng giữa trung tâm thành phố. Người sĩ quan Mỹ tốt bụng đã nhường cho Thiệt chiếc xe Jeep lùn  của  anh ta trước khi  về nước. Chẳng mấy thượng sĩ  có được xe riêng. Thiệt  lấy làm hãnh diện khi chở vợ đi khám thai hàng tháng . Sau khi mua được nhà cho vợ con ở Thiệt sẽ đi về bằng chiếc xe nầy.
   
    Đến ngày vợ sinh thì Thiệt  lấy xe chở vợ đi bệnh viện. Thiệt được nghỉ phép ba ngày để lo cho vợ con.
     Sau ba ngày thì Thiệt một mình lái xe về. Không nói không rằng anh ta rinh tất cả đồ đạc trong nhà ra đường và lấy xe cán bẹp. Lúc ấy vào sáng sớm sắp tới giờ làm việc. người lính gác doanh trại hớt hãi chạy đi báo sĩ quan đơn vị trưởng: Thưa đại uý em thấy thượng sĩ Thiệt hai tay cầm hai quả lựu đạn đi vào văn phòng dáng vẽ căng thẳng .
    Khi viên đại uý dẫn lính đến đến thì  phòng hành chánh tài chánh đã bị khoá chặt cửa bên trong. Tiếng Thiệt la to: Các người đi đi nếu không thì chết cả đám bây giờ.                               
    Ngay khi mọi người vừa kịp nằm xuống khì hai tiếng  lựu đạn nổ rầm rầm. Văn phòng bay tốc mái và người ta tìm thấy Thiệt chết ngay tại chỗ.
    Người ta đi kiếm vợ Thiệt nhưng chị ta đã bỏ đi khỏi bệnh viện chẳng biết về đâu.
                                   
NKP



READ MORE - NGÔI NHÀ MA | Truyện ngắn | Nguyễn Khắc Phước

MẦU TRẮNG EM YÊU - Thơ Quách Như Nguyệt



                  Nhà thơ Như Nguyệt




MẦU TRẮNG EM YÊU

Trắng như mầu mây, trắng như tờ giấy
Trắng như mầu áo anh yêu thuở ấ
Trắng như giấc mơ ảo mờ mầu trắn
Trắng như tình ta trong trắng nên th

Áo trắng thiên thần, nhìn em thánh thiện
Mỗi lần đối diện, ngây ngất ngất ngây
Em còn thơ ngây, thích mầu giản dị
Yêu mầu áo em, yêu quá tình nầy

Từ ngày yêu em, mặc hoài áo trắng
Mầu mà em thích, mầu áo thư sinh
Mầu trắng không phai, mong tình không phai
Nguyện cầu, mong sao cho tình đẹp mãi

Vẫn yêu em mà, tình vẫn đậm đà
Vẫn thương mầu trắng, vẫn yêu thiết tha
Tại trắng bạc tình nên phải lìa xa
Hai ta yêu chi mầu trắng mù lòa?

Trắng mầu đơn sơ, trắng mầu vô thườn
Trắng mầu tinh khiết, trắng mầu ngọt đường
Trắng mầu sương khói, trắng ánh đèn so
Nói anh nghe đi, sao tình nhức nhối
Anh muốn níu lại mà sao em thôi?

Trắng như tình đời bạc trắng như vôi
Trắng như mầu trăng, ảo ảnh mờ nhò
Trắng tay tôi trắng, số phần nghiệt ngã
Trắng như nỗi nhớ, em ngày một xa       

Lần chót gặp nhau, chia tay vội vã
Em mặc áo trắng, trắng mầu thiên ng
Trắng khăn choàng cổ, trắng đôi bông tai
Ôi trắng bi thương,  trắng mầu tê tái

Áo trắng không phai nhưng sẽ ố vàng,
nếu em bỏ xó như tình bẽ bàng
Bây giờ áo em không trắng như xư
Bây giờ áo em lộng lẫy tím, vàng

Trắng như tang trắng để tang cuộc tình
Mầu trắng dễ thương thành mầu phản bộ
Em hết yêu tôi, đành chấp nhận thôi!
Vết thương khó lành, tội nghiệp tình tôi!

Chẳng trách em đâu, không lỗi tại ai
Trắng nhẫn em mang, kim cương lấp lóa!
Ngón tay áp út… tim tôi lập lòa 
Em đi lấy chồng, trắng nhách tình ta…

                         Quách Như Nguyệt                     
                            May 9th, 2019

READ MORE - MẦU TRẮNG EM YÊU - Thơ Quách Như Nguyệt

THA THỨ VÌ TA LÀ GIA ĐÌNH | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân




THA THỨ VÌ TA LÀ GIA ĐÌNH
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Hòi còn nhỏ nó vẫn nghĩ mình không phải là cháu của nội, vì mỗi khi thấy nó nếu nội không mắng cũng sẽ đặt ra những điều cấm khắt khe. Nó còn nghe mấy cô nói sở dĩ ba mẹ nó không có tiền nhưng vẫn dọn ra ở riêng cũng vì sợ con mình sẽ bị chèn ép. Đến nỗi thế. Nó chỉ biết mỗi hè đến, nó sẽ được ba mẹ đưa về để thăm nội và ở đó có khi cả tháng nhưng rất hiếm hoi nội nhìn đến nó một lần trừ khi nó mắc lỗi sai.
Ngày còn bé, nhà nội ở trong khu tập thể, căn nhà nhỏ không có phòng riêng, chỉ có kê mấy cái giường và tất cả sinh hoạt chung, mỗi khi hè về đó cũng là nơi nó neo lại. Vì không có phòng riêng nên mỗi khi nó bày đồ chơi ra tung tóe thể nào cũng sẽ bị cằn nhằn vì nắm trong tầm mắt của nội, những lúc ấy nó lại nghe mẹ nó giàn giụa nước mắt “Xin lỗi ba” và kéo nó lên chiếc giường nhỏ nơi góc nhà để chơi. Cạnh nhà nội khi ấy có phòng trọ của cô sinh viên, mỗi khi rảnh nó hay lân la qua chơi. Cô sinh viên khoa Toán nên có cái máy tính dùng để tính cộng trừ nhân chia, không hiểu sao ngày đó lại thu hút nó nên nó hay qua chơi để nghịch. Lúc nội tình cờ đi ngang thấy được vội học nó về rồi mắng nó:
“Tại sao cứ qua bên đó rồi phá nghịch đồ người ta? Rồi hư có phải người ta học lại tôi rồi tôi đền hay không? Có nhà sao không ở mà cứ qua nhà người khác ở?”
Lúc cô có ý bênh nó, ông còn không để cô nói và mặc nó khóc lóc, nói nó không bao giờ làm hư đồ người khác thì lúc ấy ba nó chỉ nhẹ nhàng xoa đầu tôi:
“Xin lỗi ông đi con.”
Sau lần đó nó dần “ác cảm” với nội. Những ngày hè đến, thà bắt nó đi học hè nó còn chấp nhận hơn là về ở với nội, từ ở cả tháng giảm xuống chỉ gặp nhau ít ỏi của tuần. Và dù có ít ỏi cách mấy thì mỗi khi gặp lại nếu nó không bị “xét nét” về cách ăn uống như khi ăn không được nói chuyện hay không được phát ra tiếng, hoặc khi ăn cơm, đàn bà con gái ăn nhà dưới, nhà trên chỉ đàn ông ăn… Lớn dần lên, nó hiểu được như thế được gọi là “gia trưởng” và còn vì một lí do khác nữa: vì nó là con gái. Ba nó là con một trong gia đình, nhưng sau khi sinh ra nó, mẹ nó lại sinh khó không thể sinh thêm nữa vì sức khỏe yếu… Và kể từ lúc đó, vì không thể bảo được ba nó bỏ mẹ nó, nên mỗi khi thấy gia đình nó, nội luôn tìm cách trút giận, và phận làm con, dù không phải lỗi sai của mình, ba mẹ nó vẫn âm thầm chịu đựng tất cả.
Khi nó lên cấp hai, ba mẹ đi làm xa, nhà ngoại ở quá xa, không thể chăm nom, buộc phải gửi nó một tuần bên nội. Nghe lời ba mẹ dặn, nó cũng cố giữ ý và cũng giữ khoảng cách xa nhất có thể giống như khuất khỏi tầm mắt nội thì nội sẽ không mắng. Ngày đó, trường nó tổ chức cắm trại, mọi thứ đã lên khuôn chu tất, khi nó xin phép nội cho nó ở lại trường một ngày chỉ nhận được ánh nhìn sắc lạnh từ nội:
“Không được. Ở đâu ra cái chuyện con gái con đứa tí tuổi đầu mà ngủ lang.”
“Nhưng thưa nội, con xin phép ba mẹ rồi. Hơn nữa còn ngủ tại trường, cùng lớp, cùng thầy cô…”
“Ba mẹ cô đi rồi, tôi là người chăm cô, nhỡ cô có chuyện gì chẳng phải lại trách tôi sao? Chừ tôi nói không là không, cô muốn cãi tôi cứ đi, tôi không quản.”
Nó không đi, vì sâu trong thâm tâm, nó không muốn cãi nội nhưng ngày đó cả một trời uất ức rơi xuống đầu nó trong một đêm.
Lúc nó đậu đại học, cả gia đình quây quần ăn mừng, cũng là lúc với vẻ dè chừng, ba đưa ra quyết định với cả nhà đón nội về phụng dưỡng vì nội đã già rồi, ở một mình thì không được. Tất nhiên nó không phản đối và tất nhiên ba nó cũng hỏi ý nó trước vì với những gì đã qua, việc nó không thể chấp nhận nội là điều dễ hiểu. Nhất là khi càng lớn nó càng biết được thậm chí ngày đó ba nó bị nội từ mặt và buộc phải ra đi và gầy dựng tất cả từ hai bàn tay trắng, với một người vợ ốm và một đứa con mới sanh chưa đầy tháng. Khi nội về ở cùng, nó luôn lảng tránh hết sức có thể, chỉ khi ăn cơm nó mới có mặt còn không thì đi học, đi thư viện hoặc tìm mọi cách ra khỏi nhà. Cứ thế bốn năm đại học trôi qua nhanh chóng.
Thế nhưng mọi thứ dần cũng thay đổi, nhất là ruột thịt là mối rang buộc không lời. Nó còn nhớ như in, ngay trước khi tốt nghiệp, nó lại chia tay mối tình đầu, ngày tháng thi cử đến gần mà nỗi đau không buông, tình cảm là thứ rất khó dứt ra dù lí trí biết cuộc thi quan trọng cuộc đời đang ở phía trước. Nó còn nhớ như in đêm ấy nó khóc rồi ngủ quên trên ghế dài ở phòng khách, đã có một bàn tay rất nhẹ nhàng xoa đầu nó và sờ lên trán nó xem nó có sốt không, trong mơ màng nó chỉ thấy bóng dáng nhỏ thó của nội và mái tóc bạc phơ mà ngày nào nó cũng lảng tránh.
Sau lần đó, nó tìm cách nói chuyện với nội nhiều hơn, mà kì thực mối quan hệ ngày càng xa cách cũng chỉ vì cả hai người vì những điều trong quá khứ đã không chịu dành một chút thời gian để tìm hiểu nhau. Nó chợt nhận ra người ông khó tính ngày xưa có vẻ vì tuổi tác nên đã trầm hơn hẳn, đôi khi cơn đau lưng mỗi khi trở trời khiến ông đau nhức, những ngày đầu, mỗi khi nó cố gắng sờ vào đấm lưng, ông còn tỏ vẻ khó chịu sau dần lại để yên với đôi mắt lim dim. Nó cảm thấy cứ như một bước tiến.
Cứ thế, nó tìm hiểu những món ông thích ăn, lại tốt cho sức khỏe, những lúc rảnh nấu cho nội ăn, thi thoảng lại còn biết cả nói đùa:
“Món này tốt cho lưng lắm nội, con còn ninh nhừ vì biết giờ răng nội “bỏ đi trốn” hết rồi, không ăn được đồ dai nè.”
Lúc ấy, nó để ý nội cười khà khà rồi cũng ăn, còn tấm tắc khen ngon. Xét cho cùng khoảng cách giữa người và người là thứ được tạo ra chỉ vì không ai chịu mở lòng mà thôi. Những ngày nghỉ, nó còn siêng năng cùng nội đi “tập dưỡng sinh”, bàn tay nắm chặt bàn tay, nó mới nhận ra tình cảm ruột thịt ấm nồng hơn nó nghĩ. Nhờ nó, những bữa cơm gia đình dần có nhiều cuộc vui hơn và nội cũng bắt đầu biết đùa dù đôi khi nó hay trêu nội “Nội vẫn đùa nhạt nha, cần thêm muối”, và ông sẽ cười khề khà: “Còn học cháu”. Những lúc ấy ba nó thường nhìn nó cười tự hào mà đôi mắt cứ rung rung.
Dù có nhiều hiểu lầm hay định kiến khó phai thì thứ ràng buộc vẫn là máu mủ ruột thịt, một tình cảm không hạn mức, gắn kết những “người quen xa lạ” lại với nhau, và sự tha thứ sẽ luôn tồn tại vì yêu thương luôn hiện hữu.
Tôi nghe được rằng tình cảm hai ông cháu sau này còn tốt tới mức ngày nó lấy chồng, khi ba nó còn đang cố gắng kìm nước mắt thì nội nó đã khóc như mưa sa, còn nó, nó cũng nhờ ông là người nắm tay nó đưa vào lễ đường giao cho chú rể…
         
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định.

READ MORE - THA THỨ VÌ TA LÀ GIA ĐÌNH | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân

MƯA CHIỀU…! | Truyện ngắn | Lê Yên


MƯA CHIỀU…!
Truyện ngắn
LÊ YÊN

  Gió mang hơi nước cuốn mây tối trời, và thế là mưa… Gió vội đi đâu mà đẩy mưa mau, mưa chiều Sài Gòn thường bất chợt. Tôi vội tấp xe vào lề trú mưa. Tháng này ra đường phải mang áo mưa phòng hờ, đã tự nhắc rồi, đầu óc lãng đảng đi đâu…? Mưa tháng tám giống như cô thiếu nữ đỏng đảnh buồn vui bất chợt. Cơn mưa lớn kèm gió đổ xuống mặt đường trôi xuôi theo dòng chảy… nhìn trời cứ tối dần, tôi lo lắng “Không biết chừng nào mới tạnh.”
   Đang mông lung nhìn khoảng trời mờ mịt. Một chiếc xe hơi chạy ngang qua ổ gà đọng nước. Bắn hất lên người đẩy xe hàng rong đi bên mép đường. Chiếc xe vẫn vô tình chạy… Người bán hàng rong ướt sũng nước… Người ngồi trên chiếc xe ấm áp kia có biết người bán hàng rong phải chịu ướt lạnh từng cơn. Cho đến khi tàn buổi bán rong… Tôi chạnh lòng “Có ai đó khi bước qua, quay đầu nhìn lại xem mình có làm tổn thương hay không, vì một lời nói hay thái độ vô tình với người chung quanh…!
     Những ổ gà như từng miếng vá trên chiếc áo người mẹ tần tảo nuôi con. Hết miếng này đến miếng khác. Để cho người nhìn một sự mặc định nghèo nàn thân phận… Mưa mỗi lúc một lớn hơn. Con đường đã tràn ngập nước. Ôi! Sài Gòn… Cơn mưa chiều làm cho không gian như tối sầm.
    Trong dòng người ngược xuôi vật lộn với con nước nghẽn dòng ứ lại, họ vội vã mong được trở về. Người giàu có mong được trở về ngôi biệt thự, ấm êm chăn nệm… Kẻ nhập cư mong trở về căn phòng trọ chật chội để đêm về vẫn mơ thấy tiền nhà. Còn kẻ lang thang tìm xó chợ, gầm cầu trú qua đêm… Tất cả đều như con sóng vỗ bờ rồi trôi xuôi ra biển cả vô thường…
    Mưa đã nhẹ hạt. Tôi sốt ruột “Giờ này thằng nhóc ở nhà một mình chắc sợ đây.” Dắt xe ra. Đề không nổ. Đạp không nổ. Tôi nhìn quanh xem có ai nhờ giúp dùm… Hình như mọi người không ai quan tâm tới ai! Tôi ước gì có ai đó dừng xe lại và hỏi: “Cô cần tôi giúp gì không?” lại là điều ước… Có những việc giản đơn đôi khi lại là điều ước… Đẩy xe một đoạn lại gần ngã tư, may quá có anh xe ôm đang co ro, ngại ngùng tôi mở lời:
       - Anh làm ơn đạp giúp tôi cái xe chết máy. Một chút tần ngần anh xe ôm bước ra.
      - Để tôi coi sao. Nói rồi anh ta đạp liên tục mấy cái, xe mới chịu nổ máy. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vội vàng cám ơn để mau chóng về nhà. Một chiếc xe ngược chiều chạy nhanh, rẻ dòng nước bắn ướt cả người. Trong đầu lại thì thầm: “Đã đủ lạnh rồi, về mau không khéo lại cảm… Oh! chuyện nhỏ…” suy nghĩ đơn giản thôi… Ừ thì đơn giản!
   Tối ăn cơm với con. Tới giờ đi ngủ được nằm ôm cái lưng nhỏ của thằng nhóc, cảm nhận sự bình yên của con. Ngủ đi con, mơ một giấc mơ đẹp nhé! Bên ngoài  trời vẫn mưa, tiếng mưa rơi đều trên mái tôn làm tôi nhớ quê… Nhớ những cơn mưa qua ngày tháng cũ… Nhớ gió lùa nhánh bơ già trên mái tôn.Tiếng mưa vỡ ra, tất cả hòa vào đêm. Âm thanh rõ mồn một đánh thức giấc ngủ chưa say… Để rồi sớm mai khoảng sân trước nhà rụng đầy bơ…
   Mỗi con người có một cuộc đời với những mưa, nắng của riêng mình… Một đôi khi có ai đó vô tình làm cho bạn buồn. Thì đừng vội trách cứ! Vì biết đâu họ đang có lý do gì đó rất vội… Và biết đâu, ngay chính bạn đã vội vã vô tình làm buồn lòng ai đó… Khi ta biết yêu thương, ánh mắt nhìn thân thiên hơn. Lời nói nhẹ hơn và nụ cười cũng tươi hơn… Sáng mai thức dậy, ta có một ngày mới… Được nhìn thấy mặt trời. Nhìn những người chung quanh nói, cười… Ta có cơ hội để cám ơn thượng đế! Cám ơn cuộc đời! Cho dù chiều hôm qua mưa có lớn bao nhiêu… Đã là ngày hôm qua…!!!


LÊ YÊN
3/18. Sài Gòn.
READ MORE - MƯA CHIỀU…! | Truyện ngắn | Lê Yên

MẬU DẬU XÌN - Thơ Chu Vương Miện

Nhà thơ Chu Vương Miện

MẬU DẬU XÌN
chu vương miện
-
thôi thì toàn là chim đa đa
chả lấy chồng gần
mà chỉ có thể lầy chồng xa
không có tiền giống xa lộ không đèn
con cú biến thành con gà?
hột điều đắt giá thành phá xa
có tiền có đôi lứa
không tiền còn 1 mỗi mình ta
mậu dậu xìn là tiếng Tàu truyền qua
ký lý cô lô nghe chả hiểu gì?
lục tàu xá chí mà phù
nị ngộ tiếng Hoa
cà phê không sữa không đường
giống nước trà
hết tiền tình đồng minh cũng cạn
tình chiến hữu chả còn?
sữa rót ra hết trọi toàn lon
nào thệ hải minh sơn
nào hòa minh loan phượng
mậu dậu xìn trơ ra toàn khỉ vượn
con ngồi gãi háng con đánh đu
có tiền vô như nước toàn
anh tài hào kiệt
không tiền rồng biến ra dun
khôn hóa ra ngu?
chuột bạch đánh vòng chả khác chuột chù
xơi tạm bát cơm nguội
của bà Cả Đọi
lưng lưng bụng cho đỡ đói?

cvm

READ MORE - MẬU DẬU XÌN - Thơ Chu Vương Miện

THÁNG SÁU MƯA,TRÚ MƯA, THÁNG SÁU - Thơ Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân,Nguyễn Thị Liên Hưng





THÁNG SÁU MƯA

Chiều lạc bước liêu xiêu nhìn lá đổ
Lối xưa mờ vết bụi của tháng năm
Thôi còn đâu dấu chân in góc phố
Gió mây về cho bất chợt mưa giăng

Bi khúc miên man ký ức réo gọi
Tháng sáu mưa – Mưa tí tách vương thềm
Bên quán vắng, ly cafe nhỏ giọt
Chờ mong ai mà nghe đắng môi mềm

Mưa. Mưa theo tiếng nhạc sầu da diết
Mưa thấm lạnh hồn thê thiết một đời đau
Tháng sáu mưa. Gió lùa khóc lá biếc
Dòng thơ xưa đã lỡ một nhịp cầu

Ôi Tháng Sáu! Quờ tay ôm kỷ niệm
Lòng chênh vênh như cánh phượng lưng trời
Tháng Sáu mưa. Chuông thời gian chợt điểm
Bất chợt tạnh mưa rồi,
Hỏi nắng có chơi vơi?

                              Nguyễn Thị Vĩnh Phước


TRÚ MƯA

Em ngồi đó. Hát bài ca tháng sáu
Quán cốc chiều. Ta đếm giọt cà phê
Vội vàng chi! Thôi cứ rơi chầm chậm
Phố vắng ven đường, mưa ướt lê thê.

Ta lắng nghe. Tiếng đàn rơi... Lắng đọng
Và bên song. Em hát lạy trời mưa
Sấm sét điên cuồng gào thét giữa ban trưa
Thân du tử. Ta vương nỗi niềm chờ đợi

Đôi mắt em nhìn xa xăm, vời vợi
Có phải cầu mưa phong kín lối về
Suy cho cùng… Ta vướng tội tình chi?
Khi ngắm em hát bài ca tháng sáu

Để tiếng mưa mang nỗi sầu che dấu
Lời nguyện cầu…Ai thấu hỡi trời mưa
Tiếng hát nhỏ dần trong tiếng mưa trưa
Tháng sáu trời mưa. Trời mưa không dứt

Một thuở học trò chợt về ray rứt
Mỗi lần mưa ta từng chạy hụt hơi
Để giờ đây ngồi nhớ tiếc chơi vơi
Khi nghe lại bản tình ca xuyên thế kỷ

Bởi em lạy nên mưa chiều âm ỉ
Đường thành sông, khó lắm để đi qua
Mơ có con đò chèo giữa phố phong ba
Như một thuở kết bè trong xóm cũ

Nhà ta ở bên hàng dương liễu rủ
Đường thì xa, qua hết mấy rừng cây
Tháng sáu trời mưa. Mưa phủ kín nơi này
Vũ vô kiềm tỏa… Đành chờ mai trời sáng…

                                     Phan Thạch Nhân


THÁNG SÁU

Thì đời chẳng còn nhau
Nên mưa tuôn nỗi nhớ
Bài tình thơ dang dở
Buông tay cho nước cuốn qua cầu

Tháng Sáu
Mưa hai đầu
Trôi đi
Kỷ niệm sầu từng làm vướng đời nhau
Trôi luôn những cơn đau
Của mấy ngàn đêm lá rụng

Tháng sáu mưa mau
Nước thành sông chia đôi bờ ngăn trở
Người bên nớ
Ta bên ni
Thôi thì
Xin trả nợ kiếp sau

                      Nguyễn Thị Liên Hưng

READ MORE - THÁNG SÁU MƯA,TRÚ MƯA, THÁNG SÁU - Thơ Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân,Nguyễn Thị Liên Hưng