THA
THỨ VÌ TA LÀ GIA ĐÌNH
Truyện
ngắn
LÊ
HỨA HUYỀN TRÂN
Hòi
còn nhỏ nó vẫn nghĩ mình không phải là cháu của nội, vì mỗi khi thấy nó nếu nội
không mắng cũng sẽ đặt ra những điều cấm khắt khe. Nó còn nghe mấy cô nói sở dĩ
ba mẹ nó không có tiền nhưng vẫn dọn ra ở riêng cũng vì sợ con mình sẽ bị chèn
ép. Đến nỗi thế. Nó chỉ biết mỗi hè đến, nó sẽ được ba mẹ đưa về để thăm nội và
ở đó có khi cả tháng nhưng rất hiếm hoi nội nhìn đến nó một lần trừ khi nó mắc
lỗi sai.
Ngày
còn bé, nhà nội ở trong khu tập thể, căn nhà nhỏ không có phòng riêng, chỉ có
kê mấy cái giường và tất cả sinh hoạt chung, mỗi khi hè về đó cũng là nơi nó
neo lại. Vì không có phòng riêng nên mỗi khi nó bày đồ chơi ra tung tóe thể nào
cũng sẽ bị cằn nhằn vì nắm trong tầm mắt của nội, những lúc ấy nó lại nghe mẹ
nó giàn giụa nước mắt “Xin lỗi ba” và kéo nó lên chiếc giường nhỏ nơi góc nhà để
chơi. Cạnh nhà nội khi ấy có phòng trọ của cô sinh viên, mỗi khi rảnh nó hay
lân la qua chơi. Cô sinh viên khoa Toán nên có cái máy tính dùng để tính cộng
trừ nhân chia, không hiểu sao ngày đó lại thu hút nó nên nó hay qua chơi để nghịch.
Lúc nội tình cờ đi ngang thấy được vội học nó về rồi mắng nó:
“Tại
sao cứ qua bên đó rồi phá nghịch đồ người ta? Rồi hư có phải người ta học lại
tôi rồi tôi đền hay không? Có nhà sao không ở mà cứ qua nhà người khác ở?”
Lúc
cô có ý bênh nó, ông còn không để cô nói và mặc nó khóc lóc, nói nó không bao
giờ làm hư đồ người khác thì lúc ấy ba nó chỉ nhẹ nhàng xoa đầu tôi:
“Xin
lỗi ông đi con.”
Sau
lần đó nó dần “ác cảm” với nội. Những ngày hè đến, thà bắt nó đi học hè nó còn
chấp nhận hơn là về ở với nội, từ ở cả tháng giảm xuống chỉ gặp nhau ít ỏi của
tuần. Và dù có ít ỏi cách mấy thì mỗi khi gặp lại nếu nó không bị “xét nét” về
cách ăn uống như khi ăn không được nói chuyện hay không được phát ra tiếng, hoặc
khi ăn cơm, đàn bà con gái ăn nhà dưới, nhà trên chỉ đàn ông ăn… Lớn dần lên,
nó hiểu được như thế được gọi là “gia trưởng” và còn vì một lí do khác nữa: vì
nó là con gái. Ba nó là con một trong gia đình, nhưng sau khi sinh ra nó, mẹ nó
lại sinh khó không thể sinh thêm nữa vì sức khỏe yếu… Và kể từ lúc đó, vì không
thể bảo được ba nó bỏ mẹ nó, nên mỗi khi thấy gia đình nó, nội luôn tìm cách
trút giận, và phận làm con, dù không phải lỗi sai của mình, ba mẹ nó vẫn âm thầm
chịu đựng tất cả.
Khi
nó lên cấp hai, ba mẹ đi làm xa, nhà ngoại ở quá xa, không thể chăm nom, buộc
phải gửi nó một tuần bên nội. Nghe lời ba mẹ dặn, nó cũng cố giữ ý và cũng giữ
khoảng cách xa nhất có thể giống như khuất khỏi tầm mắt nội thì nội sẽ không mắng.
Ngày đó, trường nó tổ chức cắm trại, mọi thứ đã lên khuôn chu tất, khi nó xin
phép nội cho nó ở lại trường một ngày chỉ nhận được ánh nhìn sắc lạnh từ nội:
“Không
được. Ở đâu ra cái chuyện con gái con đứa tí tuổi đầu mà ngủ lang.”
“Nhưng
thưa nội, con xin phép ba mẹ rồi. Hơn nữa còn ngủ tại trường, cùng lớp, cùng thầy
cô…”
“Ba
mẹ cô đi rồi, tôi là người chăm cô, nhỡ cô có chuyện gì chẳng phải lại trách
tôi sao? Chừ tôi nói không là không, cô muốn cãi tôi cứ đi, tôi không quản.”
Nó
không đi, vì sâu trong thâm tâm, nó không muốn cãi nội nhưng ngày đó cả một trời
uất ức rơi xuống đầu nó trong một đêm.
Lúc
nó đậu đại học, cả gia đình quây quần ăn mừng, cũng là lúc với vẻ dè chừng, ba
đưa ra quyết định với cả nhà đón nội về phụng dưỡng vì nội đã già rồi, ở một
mình thì không được. Tất nhiên nó không phản đối và tất nhiên ba nó cũng hỏi ý
nó trước vì với những gì đã qua, việc nó không thể chấp nhận nội là điều dễ hiểu.
Nhất là khi càng lớn nó càng biết được thậm chí ngày đó ba nó bị nội từ mặt và
buộc phải ra đi và gầy dựng tất cả từ hai bàn tay trắng, với một người vợ ốm và
một đứa con mới sanh chưa đầy tháng. Khi nội về ở cùng, nó luôn lảng tránh hết
sức có thể, chỉ khi ăn cơm nó mới có mặt còn không thì đi học, đi thư viện hoặc
tìm mọi cách ra khỏi nhà. Cứ thế bốn năm đại học trôi qua nhanh chóng.
Thế
nhưng mọi thứ dần cũng thay đổi, nhất là ruột thịt là mối rang buộc không lời.
Nó còn nhớ như in, ngay trước khi tốt nghiệp, nó lại chia tay mối tình đầu,
ngày tháng thi cử đến gần mà nỗi đau không buông, tình cảm là thứ rất khó dứt
ra dù lí trí biết cuộc thi quan trọng cuộc đời đang ở phía trước. Nó còn nhớ
như in đêm ấy nó khóc rồi ngủ quên trên ghế dài ở phòng khách, đã có một bàn
tay rất nhẹ nhàng xoa đầu nó và sờ lên trán nó xem nó có sốt không, trong mơ
màng nó chỉ thấy bóng dáng nhỏ thó của nội và mái tóc bạc phơ mà ngày nào nó
cũng lảng tránh.
Sau
lần đó, nó tìm cách nói chuyện với nội nhiều hơn, mà kì thực mối quan hệ ngày
càng xa cách cũng chỉ vì cả hai người vì những điều trong quá khứ đã không chịu
dành một chút thời gian để tìm hiểu nhau. Nó chợt nhận ra người ông khó tính
ngày xưa có vẻ vì tuổi tác nên đã trầm hơn hẳn, đôi khi cơn đau lưng mỗi khi trở
trời khiến ông đau nhức, những ngày đầu, mỗi khi nó cố gắng sờ vào đấm lưng,
ông còn tỏ vẻ khó chịu sau dần lại để yên với đôi mắt lim dim. Nó cảm thấy cứ
như một bước tiến.
Cứ
thế, nó tìm hiểu những món ông thích ăn, lại tốt cho sức khỏe, những lúc rảnh nấu
cho nội ăn, thi thoảng lại còn biết cả nói đùa:
“Món
này tốt cho lưng lắm nội, con còn ninh nhừ vì biết giờ răng nội “bỏ đi trốn” hết
rồi, không ăn được đồ dai nè.”
Lúc
ấy, nó để ý nội cười khà khà rồi cũng ăn, còn tấm tắc khen ngon. Xét cho cùng
khoảng cách giữa người và người là thứ được tạo ra chỉ vì không ai chịu mở lòng
mà thôi. Những ngày nghỉ, nó còn siêng năng cùng nội đi “tập dưỡng sinh”, bàn
tay nắm chặt bàn tay, nó mới nhận ra tình cảm ruột thịt ấm nồng hơn nó nghĩ. Nhờ
nó, những bữa cơm gia đình dần có nhiều cuộc vui hơn và nội cũng bắt đầu biết
đùa dù đôi khi nó hay trêu nội “Nội vẫn đùa nhạt nha, cần thêm muối”, và ông sẽ
cười khề khà: “Còn học cháu”. Những lúc ấy ba nó thường nhìn nó cười tự hào mà
đôi mắt cứ rung rung.
Dù
có nhiều hiểu lầm hay định kiến khó phai thì thứ ràng buộc vẫn là máu mủ ruột
thịt, một tình cảm không hạn mức, gắn kết những “người quen xa lạ” lại với
nhau, và sự tha thứ sẽ luôn tồn tại vì yêu thương luôn hiện hữu.
Tôi
nghe được rằng tình cảm hai ông cháu sau này còn tốt tới mức ngày nó lấy chồng,
khi ba nó còn đang cố gắng kìm nước mắt thì nội nó đã khóc như mưa sa, còn nó,
nó cũng nhờ ông là người nắm tay nó đưa vào lễ đường giao cho chú rể…
Tác
giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội
viên Hội VHNT tỉnh Bình Định.
No comments:
Post a Comment