Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 16, 2014

ĂN TẾT VỚI MA - Truyện ngắn truyền kỳ của Kha Tiệm Ly

Tác giả Kha Tiện Ly (phải)



Truyện ngắn truyền kỳ 

ĂN TẾT VỚI MA

Kha Tiệm Ly


1. Bỏ nghiệp kiếm cung

Thời Minh mạt, Hàm Phong, người Nhữ Nam, vốn dòng cung kiếm. Mười sáu tuổi đã làu thông thập bát ban. Một buổi đang luyện võ bỗng nghe từ biên cương phụ thân là Hàm tiên phuông cùng bào huynh đều tử trận, Hàm khóc rống lên rồi vứt mạnh bảo đao xuống đất mà rằng: 

- Cái thứ vô dụng nầy còn đụng đến làm gì?

Hàm phu nhân cả giận, bảo:

- Tổ tiên ngươi mấy đời nhờ binh nghiệp mà rạng rỡ tông môn. “Đoạt Hồn Đao” nhà ta đã làm quân thù khiếp sợ. Nay ngươi đã không luyện cho tới nơi tới chốn để trả thù nhà, đền ơn nước, mà còn tỏ ý khinh thường. Tội bất hiếu ngươi có gánh nổi hay không?

Hàm đáp:

- “Làm cho quân thù khiếp sợ”, cớ sao phải bỏ mạng sa trường? Cho dù chiếm được nghìn vuông đất thì cũng phải đổi bằng hàng vạn cốt khô, có chi mà đáng tự hào? Xưa Khoái Triệt là kẻ trói gà không chặt, chỉ dùng ba tấc lưỡi giúp Vũ Tín Quân chiếm được liên thành mà chiến mã vẫn thảnh thơi nhai cỏ; Lịch Sinh là kẻ thư sinh bạch diện, chỉ hao một chút nước bọt mà giúp vua Hán chiếm gọn bảy mươi hai thành, ba quân không đổ một giọt máu tươi! Còn Hán Tín vai đầy thao lược, bụng ắp kinh luân; trong tay giữ muôn vạn hùng binh mà lại bị chết bởi kế mọn của một mụ đàn bà!  Đàng nào đáng phục?

Thấy mẹ không vui, Hàm bèn quỳ xuống, đầu chạm đất, thưa rằng:

- Mẫu thân bớt giận, chẳng qua con cũng chỉ vì Hàm tộc mà thôi! Hàm tộc nhà ta từ cao tổ đến nay, bốn đời đều thân phơi chiến địa, da ngựa bọc thây, mà cuối cùng có được những gì? Có chăng là những sắc phong màu mè “Tận Trung Báo Quốc” “Thạch Trụ Giang sơn”! Những thứ đó không đổi được vàng ròng thiên dật của những thái giám kề cận mình rồng, cũng không sánh bằng ruộng đất nghìn vuông của những cẩu quan hút máu moi tim đám dân cùng khổ! Khi thanh bình thì chúng dùng miệng lưỡi cú diều hãm hại trung lương; thời binh lửa lại co cổ rút đầu trước tên thù, đạn giặc! Mới hay kim khôi không bằng mũ cánh chuồn, trường bào luôn hơn áo giáp!

Hàm phu nhân im lặng mà nước mắt rơi rơi.

Năm Sùng Trinh thứ 3 (1630), mấy tỉnh phương nam bị dịch; Hoàng Hà đê vỡ; nhà vua vì tham lam, u tối, không chịu xuất kho cứu giúp, nên nông dân, dịch tốt uất hận, nổi dậy chống lại triều đình, đời sống nhân dân vốn điêu đứng lại càng bi thảm! Người chết đầy đường, cọng cỏ không có mà ăn., có nơi phải giành nhau đào xác người mới chôn mà lấy tim gan lót dạ; tệ hơn nữa là đổi con làm thịt! Tình người còn thua dã thú! 

Trước nạn đó, Hàm bèn cõng mẹ về đất Lý, dựng chòi dưới chân Lý Sơn, ban ngày săn bắn, đổi gạo nuôi mẹ, ban đêm quyết tâm mài miệt sách đèn.

2. Khách không mời

Một tối đang sắc thuốc cho mẹ, Hàm bỗng nghe tiếng nói như oanh từ cửa:

- Vừa nghe bá mẫu quí thể bất an nên tiện thiếp sang vấn an đây.

Hàm quay lại, vô cùng kinh ngạc khi thấy một kiều nữ áo lụa thướt tha mà chàng chưa từng gặp bao giờ. Bất chấp vẻ sững sờ của Hàm, kiều nữ vội đến bên Hàm phu nhân đang nằm thiêm thiếp, đưa tay bắt mạch, đoạn mở thang thuốc của Hàm còn lại, bốc lên xem, nhăn mày bảo Hàm:

- Uống thuốc nầy chỉ tổ bệnh thêm! Thầy thuốc bây giờ một là thiếu tài, hai là lương tâm bị chó tha đi rồi!

Đoạn lấy trong tay áo một lọ thuốc màu xanh đưa cho Hàm:

- Hãy hòa vào nước cho bá mẫu uống sẽ khỏi ngay thôi!

Hàm cố giữ giọng ôn hòa:

- Làm sao ta tin được thuốc nàng đưa là thứ quỉ quái gì khi ta chưa biết nàng từ đâu đến?

-  Hàm gia là ân nhân cứu mạng cả nhà thiếp, chả lẽ thiếp lại hãm hại ân nhân của mình sao?

Hàm nhất định không nghe, kiều nữ chỉ vào thang thuốc, dỗi hờn:

- Chàng chỉ biết luyện gươm, không biết gì về nghề thuốc, nếu có giải thích thì cũng bằng thừa! Đại để nếu uống thuốc nầy chẳng khác nào người tháo dạ mà lại cho uống bả đậu vậy!

Hàm quay đi, kiều nữ cắn môi:

- Nếu sau khi uống một khắc mà bá mẫu bị run người thì phải tự lo đấy!

Lại lấy trong tay áo một lọ thuốc màu vàng định đưa cho Hàm, nhưng rồi giận dỗi bỏ vào:

- Với kẻ ương ngạnh nầy thì có nói cũng vô ích thôi!

Đoạn bước nhanh ra cửa. Hàm thoáng ân hận, nhưng bóng hồng đã mất dạng.

Quả như lời kiều nữ, sau khi uống thuốc một chốc thì Hàm phu nhân run lên bần bật như kẻ ngồi trên đống băng, mồm lại láp dáp như kẻ mê cuồng. Hàm ôm mẹ khóc rống, thì kiều nữ từ cửa bước vào, giọng bề trên:

- Ta đã bảo mà không nghe!

Hàm vừa mừng vừa ngạc nhiên. Lại bảo:

- Là thầy thuốc, ta há vì một chút giận hờn kẻ vô tâm mà nỡ để cho con bịnh đau đớn hay sao?

Với thao tác thuần thục, kiều nữ  nhanh tay châm vào các huyệt Nhân Trung, Trung Quản, Nhâm, Đốc, Phong Trì… Mệnh Môn, Chí Thất… Dũng Tuyền, đoạn lấy  một chút thuốc (trong lọ màu vàng lúc nãy), pha với nước cho phu nhân dùng. Thuốc vừa khỏi cổ, phu nhân thở “khì” một cái, thần sắc dần dần trở lại hồng hào.  Kiều nữ bảo Hàm:

- Ngươi chớ lo nữa! Phu nhân đã hồi phục tám phần.

Hàm thi lễ:

- Đã trót mạo phạm, xin nàng chớ chấp. Ân đức nầy…

- Thiếp đã nói, Hàm gia  mới là ân nhân của cả nhà thiếp, thì chút công mọn như hòn đất làm sao bù với ngọn Thái Sơn? (nhìn ra ngoài) Trời ba mươi tối đen như mực, mà giờ nầy chỉ mới đầu canh. Chàng lại tiếc cho thiếp một chỗ ngả lưng sao?

Hàm bồi rối ra mặt, ấm úng chẳng ra lời. Kiều nữ than:

- Cái thân bơ vơ nầy có chết cũng vừa, ngặt vì làm mồi cho miệng sói rừng thật không đáng chút nào!

Rồi dợm bước. Hàm vội nói:

- Ta chỉ sợ mái tranh chật chội và giường chiếu đơn sơ không đáng tiếp nàng!

Kiều nữ mỉm cười:

- Người ta nói: “Bàn ăn mà có thêm đôi đũa thì cơm canh không phải nấu thêm”. Cái giường nầy hai người nằm vẫn còn rộng chán!

Bèn kéo Hàm cùng nằm. Phất tay áo làm tắt ngọn lửa của chiếc đèn đến hồi tàn lụn.

Đêm tối đồng lõa với hành động của hai người, nhưng lại tố giác tiếng cựa mình của chiếc giường và những tiếng rên khe khẽ - Tưởng chừng như của người bệnh -  nhưng Hàm phu nhân đã an giấc tự lúc nào!

Đầu canh năm nàng choàng dậy, thư thả điểm trang. Bấy giờ Hàm mới có dịp và có tâm trí ngắm nàng tường tận: Đó là một nữ nhi tuổi chừng đôi chín, mắt phụng mày ngài, má môi như điểm phấn tô son, tóc mây tha thướt, diện mạo cực kì xinh đẹp, cốt cách phi phàm. Nữ nhân liếc Hàm, tủm tỉm cười:

- Tưởng đâu tránh được sói rừng, nào dè gặp con sói nhà nầy càng kinh khiếp hơn!

Đoạn đưa cho Hàm hoàn thuốc:

Khi bá mẫu thức giấc, hãy cho người dùng “Định Thần Hoàn” nầy thì mọi việc không còn lo nữa!

Hàm ngồi phắt dậy:

- Nàng đi thật sao?

Lại cười, miệng đẹp như hoa:

- Giờ nầy sói rừng đã vào hang. Ở lại cho sói nhà nhai xương à?

Hàm nắm tay nàng:

- Ta không cam tâm khi chưa biết danh gia, quý tánh của nàng!

Lai tủm tỉm cười:

- Có duyên thì ngàn dặm cũng gặp nhau thôi!

Rồi biến nhanh ra cửa, mất hút trong màn sương

Đêm sau, Hàm ngồi đọc sách mà cứ bồn chồn, lòng bứt rứt không yên, mặt xào như lá úa, thì kiều nữ đến! Hàm vui ra mặt. Nàng lấy trong túi gấm nào rượu, nào thịt, bày biện đầy mâm:

- Hôm nay thiếp muốn cùng chàng say một bữa đây.

Rồi rượu rót tràn. Hai người trò chuyện nói cười ròn rã nghe chiều tương đắc lắm. Rượu châm vào, má đào càng chín:

- Thiếp họ Hồ, mẹ gọi thiếp là Thục Hà. Thục là tinh khiết, hiền lành; hà là sen đó. Nhà bên đông Ly Sơn. 

Hàm vốn biết phụ thân dù là hạng võ biền nhưng lại rất nhân từ, trong đời đã cưu mang, cứu mạng không biết bao người. Dù vậy, vẫn hỏi nàng:

- Chuyện thế nao, nàng có thể kể cho ta nghe chăng?

- Bây giờ thì chẳng giấu chàng chi nữa. Thiếp là chồn đây! Trước kia, khi mẹ dẫn chị em thiếp du chơi, bỗng đại bàng từ lưng trời lao xuống, nếu không nhờ Hàm tiên phuông cho nó một mũi tên, thì mẹ con thiếp đã phí đi ngàn năm tu luyện!

Thấy Hàm vẫn điềm nhiên, bèn hỏi:

- Chẳng sợ à?

- Thuở nhỏ ta thường đọc truyện của Bồ tiên sinh, lòng hằng mong được duyên kì ngộ. Con người dù chẳng có móng dài nanh nhọn, nhưng tâm địa độc ác khó lường! Ta chỉ thấy người giết chồn chứ chưa thấy chồn xé thịt người bao giờ, cớ chi phải sợ? Hơn nữa (cười) gặp con chồn xinh đẹp tài giỏi như thế nấy ; là phước duyên nghìn năm khó gặp, thì chỉ sợ nó biến mất đi thôi!

Rồi ôm ghì lấy nàng. Thục Hà điểm vào trán Hàm:

- Rõ là khéo ăn khéo nói !

Đoạn hỏi sang việc khác:

- Cớ sao chàng bỏ gươm theo bút?

Hàm nói rõ ý mình. Thục Hà nhìn chàng đăm đăm:

- Chớ cho rằng thanh gươm luôn gây điều ác nghiệt mà ngọn bút không hề tạo nỗi oan khiên! Lỡ một đường gươm chỉ giết chết môt người, nhưng lỡ ngọn bút sẽ làm khổ đau trăm họ. Ngọn bút vẽ vời tư tưởng; nghiên son truyền đạt ý tình. Ý tình chân chính sẽ đem cho lê dân nghìn năm no ấm, nhưng tư tưởng ngông cuồng sẽ di hại muôn đời cuộc sống quần sinh! Rửa sạch máu trên lưỡi gươm là chuyện dễ dàng, nhưng xóa đớn đau trong lòng nhân loại phải chẳng là chuyện một ngày một buổi! Chàng nên cân nhắc!

Lại hỏi:

- Từ khi quăng gươm, việc múa bút thế nào?

Hàm còn ấm ớ, thì Thục Hà bèn đến bên án thư, giở giở xem xem, rồi nhăn mặt mà rằng:

- Văn chương thi phú như vầy mà muốn vượt Vũ Môn sao?

Rồi nghiêm mặt bảo Hàm:

- Từ nay, thiếp sẽ ở lại để chàng có thời gian sớm chiều đọc sách, và chàng cũng nên từ bỏ việc săn bắt để khỏi phạm nghiệp sát sanh. Chuyện cơm áo gạo tiền và chăm sóc bá mẫu chàng cũng chớ bận tâm. Đã có thiếp!

3. Đền đáp ân sâu

Thục Hà vốn giỏi thi thư, làu thông dịch số, lại có tài bốc thuốc. Mới nửa năm mà cứu sống không biết bao con bịnh thập tử nhứt sanh. Lại thường giúp đỡ cho những người nghèo khó, neo đơn. Y đức rền vang khắp huyện, người đến xem mạch chật cả nhà.  Với Hàm phu nhân, Thục Hà một mực tôn kính, sáng nước chiều cơm vô cùng chu đáo. Với Hàm, ngoài tình phu phụ, Thục Hà còn là người thầy nghiêm khắc. Nhờ vậy mà việc học của Hàm ngày càng tấn tới, kinh điển làu thông, sách mua không kịp. Cuối đông năm Ất Mẹo, Hàm ôm vợ, nghẹn ngào:

- Mẹ ta nhờ nàng mà thân thể kiện khang, ngày ngày an lạc. Ân đức nầy bao giờ mới trả được đây?

- Chàng chớ nói những lời khó nghe như vậy! Thiếp chỉ làm bổn phận của người vợ, người dâu thôi. Hơn nữa, thiếp thọ ơn Hàm gia như núi, thì những lời của chàng, thiếp nói mới phải lẽ hơn.

Mùa xuân năm sau (Bính Thìn), Hàm có ý muốn lai kinh ứng thí. Thục Hà không vui:

- Với bản lĩnh của chàng bây giờ thì bảng hổ danh đề chẳng khó khăn chi, nhưng thời buổi nầy, nếu chỉ cậy vào thực tài thì khó lòng toại chí. Chi bằng…

Hàm nhăn mày:

- Dù thế nào ta cũng phải gồng thân cá chép để vượt Vũ Môn, tung cánh chim hồng để bay cao chín tầng mây thẳm. Trước là đền ơn mưa móc, sau là giúp cho bá tánh hoan lạc âu ca. Không những Hàm môn rạng rỡ, mà nàng cũng được đường đường mệnh phụ phu nhân.

Thục Hà thở dài:

- Hiền tài thời Nghiêu Thuấn khác chi bảo ngọc, dù trong bóng tối cũng ngời ánh hào quang; ngược lại vào thời Kiệt Trụ khác chi bò heo trước lưỡi dao đồ tể! Lời vàng ngọc không làm vui lòng minh thánh, lại làm điếc tai nhức óc  hôn quân! Hôm nay, hoàng đế thì tham dâm vô độ, trong triều thì củi mục làm quan! Thái Giám Trịnh Hòa chuyên quyền, lập đội sát thủ Đông Xưởng để tiêu diệt trung thần. Khắp nơi sơn dã, Lý Tự Thành thừa cơ cướp bóc. Phía bắc thì Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã vượt biên cương. Lê dân khốn khổ trăm bề. Chức quan phải đổi bằng vàng. Bảng hổ phải cậy vào quyền thế. Quan tham tranh nhau vơ vét của công tư. Bậc trí giả nhìn quốc gia đại loạn nhưng cũng phải đành bó gối khoanh tay: Dù Thái Sơn cũng không vá được gầm trời; thì viên sỏi nhỏ làm sao lấp bằng biển cả? Làm người dân thời loạn, sinh mạng như gởi trước vực sâu, huống chi là chốn quan trường, nanh hùm nọc rắn giờ phút chực chờ? Chàng nên cân nhắc!

Những lời chí tình đó không thay đổi được ý định của Hàm. Thục Hà đành chuẩn bị hành trang cho chồng. Ngày Hàm lên đường nhằm tiết Thu Phân, cây rừng buông từng chiếc lá thê lương đưa tiễn.

Đến mùa thu sau, Đạo quân của “Sấm Tặc” Lý Tự Thành thế mạnh, uy hiếp Bắc Kinh mà Hàm vẫn bặt vô âm tín. Thục Hà ngồi đứng không yên, lòng thương chồng làm  mai gầy liễu rũ. Bỗng một buổi gia nhân hơ hải báo:

- Công tử đã về!

Thục Hà bỏ cả hài thêu, vội chạy ra, thấy Hàm còn oằn oại trên vai một đại sư đang bước vào đại sảnh. Mọi người còn ngơ ngác, đại sư quẹt mồ hôi trên trán, bảo:

- A Di Đà Phật! Bần tăng đi ngang qua U Lâm, chợt thấy công tử đang thiêm thiếp bên đường bèn mang về cho đại thí chủ.

- Từ đó đến đây hàng mấy trăm dặm đường. Thật vất vả cho đại sư!

- Công tử bị suy kiệt nặng, may mà gặp bần tăng kịp thời cho uống linh phù. Bây giờ mọi việc tạm yên, việc còn lại là phần của đại thí chủ.

4. Ăn Tết với ma

Hàm kể:

Khi dến U Lâm thì  đã xế chiều, Hàm cố vượt thêm năm dặm để đến U thôn. Mặt trời vùng núi xuống nhanh, mây đen từ đâu kéo về làm không gian càng thêm u tối. Chướng khí lạnh buốt tận xương. Ngựa người vừa đói vừa  sợ, bỗng nhác thấy ven rừng thấp thoáng mấy gian lều cỏ, lòng khấp khởi mừng…

Đến nơi thì ra đó là những túp lều hoang. Đang nhóm lửa, bỗng thấy ngoài xa có ánh đèn đi tới, Lòng vừa mừng, vừa lo sợ. Vội dập lửa, nấp vào một chỗ. Ánh đèn càng gần, mờ ảo một bóng hồng. Càng gần hơn, Hàm cả mừng, dù dưới ánh sáng chấp chá chàng cũng nhận được rõ ràng kiều nữ chính là Thục Hà. Hàm ôm chầm lấy vợ:

- Sao hiền thê lại gian khổ thế nầy?

Thục Hà làm mặt giận:

- Chàng đi xa ngàn dặm lại bảo thiếp an lòng được sao?

Nói rồi lấy rượu thịt từ trong tay nải , bày lên bàn, cùng ăn uống no say

- Sao giọng nàng là lạ như thế?

- Gió lạnh đường xa, không cảm mạo mới là việc lạ!

Đêm đó ân ái càng nồng. Hàm đột ngột hỏi:

- Sao da thịt nàng lại lạnh thế nầy?

- Tắm mình trong sương, gội mình trong tuyết, dù than hồng cũng phải lạnh ngắt mà thôi!

Có vợ bên mình, vừa an tâm, vừa mệt mỏi, Hàm ngủ mê man. Tiếng cú kêu sương và khí lạnh núi rừng làm chàng tỉnh giấc  Ngồi dậy choàng chăn cho vợ, chợt kinh hoàng thét lên:

- Nàng là ai? Hiền thê ta đâu?

Nằm bên chàng là một thiếu nữ xa lạ, Mớ tóc tuyền che hớ hênh gò bồng đảo trắng ngần nhấp nhô theo hơi thở. Kiều nữ cười hiền hòa:

- Chàng nằm mơ đó chăng? Thiếp không phải là vợ chàng thì ai vào đây chứ? Nhìn kỹ xem nào?

Hàm dụi mắt, định thần nhìn lại, thì rõ ràng là Thục Hà! Lòng vẫn nghi ngờ, Hàm bèn kéo mạnh kiều nữ qua thế nằm xấp, đảo mắt nhanh trên lưng nàng, rồi nắm chặt tay nàng giận dữ:

- Nàng không phải vợ ta!

Bây giờ trước mặt Hàm “Thục Hà” lại là một xuân nữ cực kì xinh đẹp. Mặt hoa ủ dột, hai hàng mi chơm chớp cố giữ lại giọt buồn. Hàm gay gắt: 

- Nếu chẳng là loại gái lẳng lơ, thì cũng là yêu ma để hãm hại người! Ta  vốn dòng vũ tướng, chớ mà dại dột giở trò!

Hai dòng lệ lăn tròn lên má, kiều nữ giọng buồn  buồn:

- Chàng có bị ma hại bao giờ chưa mà lại hung hăng như vây? Chàng hãy nhìn lại xem trong thế giới “người” của chàng, có mấy ai bị chết vì ma? Chinh chiến liên miên, xương khô như núi bên bờ Vô Định; thiên tai chồng chất, Hoàng Hà đê vỡ mà cửa kho vẫn khóa kín như bưng, không cho hạt thóc lọt ra ngoài, khiến triệu sinh linh chẳng một cọng cỏ mà ăn, để cho xác chết ngập đường . Đó là do ma hại đó sao?

Hàm nhìn nàng trân trối, như hiểu được phần nào ý nghĩ của Hàm, kiều nữ lau mắt, tủm tỉm cười:

- Nhìn xem con ma có răng nanh hút máu không à? Hãy về mà nhìn lũ tham quan, xem bọn cường hào ác bá! Miệng mồm chúng thế nào mà dân tình phải lấy lá rừng làm áo, lấy cỏ làm cơm? Trước kia thiếp cũng bị người hại nên giờ mới thành ma! Khi thành ma, thiếp đã phải ân hận vì đã phải làm người!

Nghe cũng có lý, mà âm thanh lại ngọt ngào êm ái, lòng Hàm cũng dịu đôi phần. Kiều nữ tiếp:

- Khi còn tại thế, dù nhan sắc nầy chẳng dám sánh với mẫu đơn, nhưng với phù dung, hải đường thì chúng phải nhường một bước! Hoa xinh trong thời loạn lạc, khác nào hiền tài trước bạo chúa, hôn quân! Khác chi đàn khảy tai trâu, hay ngọc quăng mặt chó? Muốn sinh tồn thì phải chịu mưa dập gió vùi, hay hùa theo chúng mà phải đạp chà khí tiết sĩ phu. Thiếp muốn bảo vệ băng trinh nên tự kết liễu đời mình; còn chàng thì chọn hướng nào?

Một chút cảm mến trong lòng, Hàm ngần ngừ một hồi rồi buông một câu ngớ ngẩn:

- Vậy sao nàng lại đến cùng ta?

- Tháng năm nằm trong vùng âm u tối nên thịt da không được ấm áp như bao người được hưởng ánh dương quang. (liếc Hàm). Âm đã suy, tàn thu càng càng suy kiệt, nên muốn “mượn” chút lão dương mà bù đắp đó thôi! Nhưng đã thề với lòng, thà thân nầy tan thành tro bụi chứ không thể gởi thân cho kẻ thất phu!

- Nhưng ta không thể phản bội vợ mình.

Hàm kín đáo nhìn vợ, Thục Hà che tay áo giấu nụ cười sung sướng, nhưng giả bộ lớn tiếng:

-Láo phét! Rồi sao nữa?

Hàm tiếp:

- Rồi nàng ấy cười ngất: “Thế đầu hôm ai làm gì mà như ăn tươi nuốt sống thiếp vậy? Lần đầu nếm mùi chăn gối, chàng làm thiếp sợ điếng hồn….”

Thục Hà cắn chặt răng, nhìn Hàm. Hàm tiếp:

- Ta sợ nàng nói thêm những lời khó nghe, vội cướp lời: “Xem nàng cũng là bậc thư hương, sao dạn mồm dạn miệng như vậy?”

Kiều nữ mai mỉa:

- Giống ma bọn thiếp, trong bụng ra sao thì lời nói như vậy; chứ không phải giống người của chàng mồm một đàng, bụng một nẻo. Bên nào đáng khinh, bên nào đáng trọng? Tỉ tỉ ở nhà chẳng phải cũng mượn cớ “sói rừng” mà kéo chàng lên giường đó sao?

Đại sư quay mặt sang bên. Thục Hà cả thẹn chín người, quát chồng:

- Thôi đủ rồi! Chuyện như vậy mà không biết giấu vào bụng à?

Máu hoạn thư nổi dậy:

- Rồi cũng vì mê mẫn tâm thần mà chẳng chịu lai kinh, lại chẳng biết đường về?

- Không phải vậy! Ta muốn lai kinh để kịp kì thi, nhưng nàng lại bảo kinh kì có biến, quân “Sấm Tặc” làm chủ mọi nơi. Nếu đi, khác nào nộp mình cho… sói!

Thục Hà lấy tay áo che mặt, cố nén cười, lầm bầm : “ Sói, sói! Tức chết được mà!”. Rồi dọn bộ mặt nghiêm trang, quát:

- Sao không trở lại nhà, mà cứ ở lì nơi ây suốt năm trời. Không biết mọi người nóng lòng trông đợi hay sao?

- Muốn có được đâu! Thì ra những túp lều hoang ấy không như ta tưởng, mà nó nằm giữa đại ngàn. Biết phương hướng nào mà trở lại?

Mọi người lặng yên, Hàm tiếp:

- Nhưng một hôm nàng ấy ủ dột mà rằng: “ Ý trời đã định thì lòng người chớ khá cưỡng cầu! Thiếp chẳng qua là cơn gió núi mượn lá rừng để dạo khúc tình si. Rồi sẽ như hạt sương lạnh lùng lại phải vỡ tan khi vừng dương ló dạng. Thiếp chỉ là nơi phủi áo bụi đường; mà tỉ tỉ mới chính là nơi gởi đời vĩnh cửu. Hãy uống với thiếp một lần, mong ngàn sau chàng vẫn nhớ”

Hàm e dè nhìn vợ:

- Rồi rượu thịt bày đầy, ta uống đến mê man, chỉ loáng thoáng nghe bên tai: “Có duyên, sẽ gặp…”. Và ta không nhớ gì nữa!

Thục Hà và đại sư nhìn nhau. Hồi lâu đại sư bảo:

- A Di Đà Phật! Mỗi người đều có một nghiệp duyên, dù trốn lên núi cao, hay nấp dưới vực sâu cũng không tránh khỏi. Gieo nghiệp thiện tất hưởng quả lành; gieo nghiệp dữ phải thọ tai ương. Công tử đây và con ma đó tất phải có nợ duyên từ kiếp trước. Dù sao, công tử cũng đã về rồi, đại thí chủ cũng nên độ lượng!

KHA TIỆM LY









READ MORE - ĂN TẾT VỚI MA - Truyện ngắn truyền kỳ của Kha Tiệm Ly

MAI EM VỀ - thơ Lê Cảnh Biểu




Lê Cảnh Biểu
MAI EM VỀ

Mai em về nắng vàng rơi trên lá
Còn lại đây mùi hương của mùa thu
Anh cô đơn , nhìn em trong chăm chú
Mái tóc bay trong gió vởn sương mù


Hãy đứng lại nở môi cười em nhé
Vội vàng chi thêm một phút suy tư
Em đi rồi lòng anh thành phiến đá
Trái tim côi khoanh trọn chốn ngục tù


Tạm biệt nhé ghế đá với hàng cây
Lối nhỏ vào trường, nơi từng hò hẹn
Nụ hôn đầu trao gửi thành ký ức
Về đi, đừng nhớ lối củ đường quen

Em về rồi, đêm đông sẽ tìm đến,
Rét đầu mùa nhức nhối suốt canh dài
Nếu có em đời anh thôi bạc mệnh
Gió xuân về sưởi ấm buổi sớm mai


Thôi, ở lại cùng anh vui nắng mới,
Múa cùng nhau nhịp điệu của rồng mây,
Cõi thiên đường đâu phải là số phận,
Hạnh phúc này, Vun đắp để dựng xây


                                           Triệu Thành, tháng 2/2014
                                                         LCB
READ MORE - MAI EM VỀ - thơ Lê Cảnh Biểu

BÂNG KHUÂNG - thơ Đan Thụy



Thơ ĐAN THỤY

BÂNG KHUÂNG  


Heo may ngập ngừng qua ngõ
Bông gạo rụng đỏ ven sông
Hoa cải hoe vàng với gió
Mong manh gầy sợi nắng đông


Thương anh giữa trời sương lạnh
Tuyết vương điểm trắng mái đầu
Ánh mắt vời xa trống vắng
Trĩu vai nặng gánh dãi dầu


Thương em lưng chiều tóc rối
Nét ngà thoáng chút phôi pha
Nửa chừng xuân trôi lặng lẽ
Ước mơ ... quá đỗi thật thà


Trăng nghiêng nên đêm vàng nhạt
Giọt sương vờ ngủ vai gầy
Bâng khuâng nhìn vì sao lạc
Nhớ người xa ngút tầm tay ...

Đ.Th

Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại : 0918266282

Email : damhaitn@gmail.com
READ MORE - BÂNG KHUÂNG - thơ Đan Thụy

GÓP VỚI ĐỜI ÁNH SÁNG LƯƠNG TÂM - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)



Góp Với Đời Ánh Sáng Lương Tâm
(Cảm tác sau khi đọc một số nhà hiền triết)

Khi lên bục giảng: anh nhà giáo
Khi về cuốc xới: bác nông dân
Nghề gì cũng miếng cơm manh áo
Góp với đời ánh sáng lương tâm

Vứt bỏ tự hào và mặc cảm
Không theo đuôi mồm mép tuyên truyền
Ngẩng cao đầu tư duy độc lập
Bất sá thói đời lắm đảo điên

Truyền trao học trò bao kiến thức
Học các em đạo lí làm người (*)
Những ánh mắt nhân văn ngời sáng
Dạy cho mình soi lại cái “tôi” (**)

Khi làm nhà giáo khi nông dân
Trải lòng cùng năm tháng phù vân
Hướng-thượng-tâm-linh là ngọn đuốc
Góp với đời ánh sáng lương tâm.


(*): Phẩm chất trí-lương-tri ở tuổi trẻ, đặc biệt ở độ tuổi thiếu nhi, thường chưa bị suy giảm 
nhiều như ở người lớn, nhất là ở các em được sống trong môi trường tôn giáo thánh thiện hoặc 
sống trong gia đình lương thiện.
(**): Ý thức muốn người khác tôn trọng điều gì đó ở tính cách của mình-tức là muốn người khác tiếp 
thu được giá trị ở tính cách của mình, ý thức đó mang tính chất giáo dục (tốt hoặc xấu); còn gọi là 
thân giáo. (Theo cách nói của Phật giáo, có ba hình thức giáo dục: thân giáo, khẩu giáo, ý giáo).

12/2013
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)


READ MORE - GÓP VỚI ĐỜI ÁNH SÁNG LƯƠNG TÂM - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

HƯƠNG HOÀNG LAN - thơ Nguyễn An Bình





Thơ NGUYỄN AN BÌNH

HƯƠNG HOÀNG LAN


Nhà em ngày xưa góc phố
Thơm nồng từng cánh hoàng lan
Một thời anh hay trốn học
Đợi chờ hương tóc bay sang.

Lòng anh gởi theo cánh gió
Nồng nàn từng chiếc môi hôn
Em như hoa quỳnh muộn nở
Say tình thơm ngát hương đêm.

Hương hoàng lan!
Hương hoàng lan!
Thương em một thuở đá vàng
Thềm xưa hoa cau lại rụng
Anh còn chưa hết bâng khuâng.

Hạ đỏ bao lần phượng nở
Sen hồng lại nhớ thu vàng
Tàn đông sao còn tuyết trắng
Xuân xanh yêu mãi tóc nàng.

Bốn mùa qua đi rất vội
Hình như gió đã sang mùa.
Ngày xuân anh về qua đó
Tình còn ngơ ngẩn hương xưa.

  Tháng 2/2014
  Nguyễn An Bình


READ MORE - HƯƠNG HOÀNG LAN - thơ Nguyễn An Bình

Chùm lục bát VU VƠ - Ngưng Thu

Tác giả Ngưng Thu


Chùm lục bát VU VƠ

VU VƠ 1

Một mình
tôi với một mình
một mình
tôi với linh đình cõi tôi
anh ...
còn đâu đó xa xôi
mộng vừa ....
nay đã dạt trôi bến nào
bên chiều vạt nắng hanh hao.

VU VƠ 2

Chiều nay
lối nhỏ em về
không anh
biết gởi lời thề cho ai
buồn giăng
giăng kín phố dài
mơ anh phố ngủ
mây cài tóc yên
hình như sợi nắng rơi nghiêng.

VU VƠ 3

Tình buồn
gởi gió mây
bay
gởi vào lòng phố tháng ngày tương tư
phố nặng lòng phố
hình như
nỗi niềm đau
đã đau
từ đáy tim
hoàng hôn chiếc bóng
đi tìm ...

VU VƠ 4

Ngồi buồn
nhặt nhạnh vu vơ
gom thành kí ức
đề thơ yêu người
bên vườn
một đóa hồng tươi
gió đưa hương khỏa say đời
mơ ngoan
bên trời
thu cũng miên man.


VU VƠ 5

Sương giăng
giăng kín đường trần
nỗi buồn vương
đỉnh phù vân mịt mờ
rừng cây nhớ nắng
ngẩn ngơ
nhìn mây trắng rụng
trăng hờ hững ngoan
lòng đêm sâu tựa lũng ngàn...


NGƯNG THU
READ MORE - Chùm lục bát VU VƠ - Ngưng Thu

Họp mặt CHS. Trường Trung Học Gio Linh - Tin và ảnh của Hoàng Kim Liên



    
Thầy Hiệu trưởng
Võ Viết Di
Hôm qua, ngày 09.02.2014 (mồng 10 .1 năm Giáp Ngọ), BLL Ái Hữu Cựu Học Sinh, trường Trung Học Gio Linh, Quảng Tri tổ chức buổi họp mặt hàng năm vào đầu xuân để chúc tết Quý Thầy Cô, bạn bè, gặp gở  thăm hỏi, dộng viên nhau. Về thăm dư có Thầy cựu Hiệu Trưởng Võ Viết Di, Thầy Nguyễn Bảo, Thầy Dương Đình Trọng, Thầy Trương Chí Mân và Thầy Hồ Ngọc Thanh (từ Đà Nẵng vào hơi trể) cùng gần 100 anh chị em đồng môn trường Trung học Gio Linh từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Long An, Sài Gòn, Biên Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, -  đặc biệt có cặp vợ chồng từ Đà Nẵng - về tham dự. Không khí buổi họp mặt rất vui tươi và hớn hở, lại có thêm những bạn mới lần đầu về dự, tinh thần rất phấn khởi.


    Đặc biết Thầy Cựu Hiệu Trưởng Võ Viết Di, tuổi cao, sức yếu - thầy đã 84 tuổi - nhưng Thầy lúc nào cũng gắn bó, thương yêu cựu học sinh của mình, bốn năm liên tiếp thầy không vắng buổi họp mặt nào. Những câu tâm tình của Thầy luôn mang đầy ý nghĩa, luôn thể hiện sự quan tâm thương yêu đối với tất cả CHS. Hôm nay có thêm hai khách quan trọng đó là thầy Thái Tăng Đính, cựu Giáo sư Nguyễn Hoàng và Trương Tuyến, Trưởng ban liên lạc CHS Nguyễn Hoàng tại Bình Thuận đến tham dư.



   
   Trong buổi họp mặt , bầu lại Ban Liên lạc mới gồm bảy thành viên và một người giữ việc biên tập ấn phẩm GIO LINH - Quê Hương & Kỷ Niệm. Mạc dù lúc đầu ai cũng từ chối nhưng rồi cũng vui vẻ nhận lời, không khí bầu cử căng thẳng nhưng rổi cũng qua. Có một mố bạn đã dẫn vợ đi theo để cùng chứng kiến buổi họp mặt, chia vui với anh em, bạn bè.


   Không khí văn nghê cũng rất hào hứng, Thầy Mân, Thầy Trọng, mặc dù hát không hay, cũng hát, Thuỳ Loan - vợ tân Trưỡng ban Lê Văn Giá - hát rất hay đã đem lại không khí buổi họp mặt thêm phầm vui nhộn, ấn tượng và nhớ mãi. Kết thúc buổi họp mặt trong tình cảm thân thương gắn bó, quyến luyến vô cùng.

  Hẹn gặp nhau tại Bình Châu năm sau.

                                                                                                               Hoàng Kim Liên
                   




Cô HồThị  Mộng Loan





Thầy Tống Phước Ái


Thầy Nguyễn Bảo


Thầy Trương Chí Mân


Thầy Hồ Ngọc Thanh


Thầy Dương Đình Trọng


Thầy Nguyễn Hữu Thám


Thầy Phạm Đăng Thiêm

READ MORE - Họp mặt CHS. Trường Trung Học Gio Linh - Tin và ảnh của Hoàng Kim Liên