Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 28, 2017

NHỮNG CHUYỆN NGÔ TIẾN VINH KIỂM CHỨNG - Đặng Xuân Xuyến





NHỮNG CHUYỆN NGÔ TIẾN VINH KIỂM CHỨNG
                                Chuyện về niềm tin tín ngưỡng

Cuối năm 2010, Ngô Tiến Vinh về đầu quân cho Công ty Văn Hóa Bảo Thắng, đến cuối năm 2013 thì nghỉ việc. Tiếng là Công ty nhưng thực chất lúc đó chỉ còn lại Nhà sách Bảo Thắng được co cụm, rút về 7/61 Nguyễn Văn Trỗi (Hà Nội) để chờ ngày giải tán nên toàn công ty chỉ có mấy người, vì thế mà tôi và cháu (Ngô Tiến Vinh) có thời gian gần nhau nhiều.
Là thanh niên mới lớn, cháu không tin vào những chuyện như số mệnh, nhân quả, ... nên mỗi khi tôi nhắc đến những kiêng kỵ trong dân gian, cháu đều cười: - “Chú cứ mê tín rồi nói quá lên, chứ cháu không tin.”. Thế rồi, trong những bữa cơm, khi rượu đã ngà ngà, hứng lên, tôi bói tay cho mọi người, cháu ngạc nhiên vì những lời tôi “phán”. Bạn bè của cháu như: Sáng (Tâm Trong Sáng), Trình (Tien Trinh), Điệp (Phêrô Hoài Nam), Thương... lần đầu gặp vậy mà tôi tả chính xác khu đất nhà đang ở có hình dạng thế nào, địa thế làm sao, thậm chí còn “đọc” được ngôi mộ hợp với người đó là ngôi mộ của ai? Nằm ở địa thế nào (cách sông, đường, quang cảnh khu vực ra sao)? Điều lạ là những “bí ẩn” đó chỉ hiện lên ở gò Kim Tinh (bàn tay) khi tôi đang chuyếnh choáng men rượu, có tâm trạng muốn xem tay cho người đó. Khi đã “phán” xong, tôi không thể nhớ bất cứ điều gì. Nếu muốn hỏi điều chưa rõ, phải đợi lần sau, khi tôi đã ngà ngà men rượu, muốn xem tay cho người đó vì chính tôi cũng không hiểu được tại sao chỉ khi đã “liêng phiêng” men rượu tôi mới có thể “nhìn” được đất cát, mồ mả hiện lên gò Kim Tinh trên bàn tay người đó thế nào. Những “kiến thức” đó không thể có trong bất cứ cuốn sách nào về thuật xem tướng. (Thuật ngữ dân gian gọi đó là “lộc Thánh”.) Và tâm trạng “hứng” xem cũng không dễ xuất hiện, chẳng hạn như Ngô Tiến Vinh, phụ việc tôi từ cuối năm 2010, ngồi uống rượu cùng tôi nhiều lần, chứng kiến tôi xem cho nhiều người nhưng đến tận cuối năm 2015, tôi mới xem tay cho cháu.
Từ chuyện tôi xem bói tay, cháu bắt đầu để ý những liên quan đến lĩnh vực tâm linh, như cơ duyên của tôi với số 7, những năm chẵn, thế đất nơi ở và những linh cảm của tôi... lặng lẽ kiểm chứng.
Chẳng hạn, tháng 10 năm 2011, chị Ngô Thị Nguyện, con gái bác ruột bên ngoại của tôi, thống nhất bán cho tôi mảnh đất ở quê. Đặt cọc 100 triệu, tôi hẹn đầu năm 2012 sẽ về đo đất và sang tiền. Sau đó, tôi nói với cháu Ngô Tiến Vinh, anh Trần Tiến và chị gái rằng tôi linh cảm không mua được mảnh đất đó. Mọi người nghe nhưng không tin. Đúng ngày 17 tháng Chạp, ngày giỗ ông ngoại tôi, anh Ngô Khắc Thử (em ruột chị Nguyện) cùng chồng chị Nguyện lên nhà tôi ở Nguyễn Văn Trỗi (Hà Nội) nói không bán khu đất đó nữa. Tiếp lần 2, vào tháng 8 năm 2012, khi tôi bắt đầu triển khai xây nhà ở mảnh đất vừa mua (nhà hiện tại ở quê), chị Nguyện lần nữa đặt vấn đề nhượng mảnh đất lần trước. Tôi đặt cọc chị 300 triệu, hẹn 2 tháng sau về đo đất và sang tiền. Cũng như lần trước, tôi nói với mọi người, dù hợp đồng đã ký chặt chẽ đấy nhưng mảnh đất đó cũng không thuộc quyền sở hữu của tôi. Đúng ngày đo đất, chị Nguyện lại thay đổi, mảnh đất đó lần nữa không thuộc quyền sở hữu của tôi. Sau mấy lần mua đất không thành, cháu Vinh bắt đầu tin vào những linh cảm của thế giới tâm linh.
Tiếp đến chuyện xây cổng nhà ở quê.
Cuối năm 2012, nhà ở quê đã hoàn thiện nhưng chưa xây được cổng mới vì đã cận tết, đành để sang năm 2013 làm. Nhiều lần điện về, tôi giục anh Lê Xuân Hanh (anh em con dì con già) triển khai nhưng lần nào anh cũng nói thợ đang bận, để tháng 5 (âm lịch) sẽ triển khai. Tôi nói với anh Hanh (và nhiều người) không thể xây cổng trong tháng 5 âm lịch năm 2013 được vì nếu xây tháng đó, chắc chắn tôi sẽ bị hạn nặng. Mọi người cười tôi là mê tín. Tôi kệ mọi người, vẫn quyết không xây cổng trong tháng 5 âm lịch, nếu tháng 6 âm lịch, anh Hanh không tìm được thợ thì tôi sẽ nhờ anh Thắng (con bác ruột) tìm thợ. Chẳng hiểu sao, đầu tháng 5 âm lịch, khi nghe thằng cháu (dân xây dựng) nói: -“Cổng nhà ông, như thiết kế của ông Hanh, giỏi lắm hết mười, mười hai triệu, bố thằng nào dám nhận với ông Hanh để báo giá với ông là 35 triệu như ông Hanh kê giá. Ông Hanh chưa thuê được thợ là vì lý do đó, ông ạ.”, tôi liền quay sang động viên cháu nhận xây cổng. Y rằng, sáng triển khai xây cổng, thì chiều, lưng đau kinh khủng, tôi không thể đi lại được, đành phó thác mọi việc cho anh Thắng để lên Hà Nội. Cũng may thời gian đó, cháu Ngô Tiến Vinh còn phụ việc nên 3 tháng tôi nằm liệt giường, mọi việc của nhà sách được cháu giải quyết rất ổn. 
Thời gian làm ở Công ty Văn Hóa Bảo Thắng, cháu nhiều lần được “mục sở thị” sự bái phục của nhiều người khi nghe nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm (Thanh Lâm Nguyễn) luận giải lá số tử vi, nhưng cháu vẫn chưa tin vào sự “tương đối chính xác” của tử vi. Đầu năm 2015, cháu điện cho tôi, vòng vo tam quốc chán mới đặt vấn đề: - “Chú xem năm nay cháu cưới vợ được không? Bố mẹ cháu rất ưng bạn gái cháu nên bắt phải cưới năm nay. Cháu biết chú chỉ nghiên cứu tử vi chứ không có số làm thầy nên chú kiêng xem nhưng chẳng lẽ mỗi việc đó mà cháu lại đến nhà thầy Lâm.”. Tôi hẹn xong việc, về nhà sẽ xem cho cháu. Tối đó, tôi gửi tin nhắn, khoảng trên dưới 20 dòng, vắn tắt vài điều về lá số của cháu. Trong đó, có câu: “Năm nay, Ất Mùi (2015), cháu không có sự kiện của hỷ tín (cưới hỏi). Có nghĩa năm nay cháu không cưới vợ.”. 
Đầu năm nay (2017), đưa bạn gái đến chơi, Ngô Tiến Vinh nhờ tôi coi lá số xem năm 2017 hoặc 2018 cháu xuất ngoại được không? Ngó lá số nhưng tôi không nhắn tin trả lời vì tôi tin cháu đã tìm được câu trả lời khi đọc lại những lời tôi luận giải năm 2015.
Thưa quý vị!
Kể những câu chuyện rất thực với những con người rất thực như vậy, không phải để tuyên truyền, rủ rê quý vị tin vào thuyết định mệnh mà chỉ nhắc lại chuyện đã trải qua để thêm lần nữa xác thực niềm tin tín ngưỡng trong tôi: CON NGƯỜI CÓ SỐ MỆNH, LUẬT ĐỜI CÓ VAY CÓ TRẢ! 

                                           Hà Nội, 27 tháng 07 năm 2017
                                                ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - NHỮNG CHUYỆN NGÔ TIẾN VINH KIỂM CHỨNG - Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 23; 24



         Nhà thơ Chu Vương Miện



CHÙM THƠ CVM 23

chỗ núi cao
chỗ đất trũng
nơi đồng lúa 
chốn xe ngựa
chốn xe lửa
người đi bộ
người đi ô tô
trường giang
sóng sau xô sóng trước
trường đời 
sóng trước dìm sóng sau
làm sông 
thì lặng lẽ qua cầu

Nguyễn Du đã buồn
Nguyễn Bính càng buồn hơn
huống gì ? Nguyễn Bắc Sơn
buồn trước 
buồn sau?
chiến tranh Trịnh - Nguyễn
chiến tranh Gia Long - Tây Sơn
và bây giờ chiến tranh
còn khốc liệt hơn ?
miền Bắc khó khăn
theo miền Bắc
miền Nam đau buồn 
theo miền Nam
đông tây toàn tro than ?


CHÙM THƠ CVM 24

ta dzìa lại Cần Thơ tìm lại bậu
bậu cần tiền bậu ngó lơ ta ?
30 năm đáng giá một canh gà
thôn Thọ Xương ngày nào cũng gáy
bậu thề thốt với ta ta tin vậy vậy
ba mươi năm ta sống sót đẻ chờ
không đêm nào mà ta chả nằm mơ
để mơ lúc tái hồi Kim Trọng
nhớ bậu quá ta đổ bia vào cuống họng
say vật vờ để ngủ nhớ bậu chơi
ba mươi năm chỉ đáng một cơn cười
cổ nhân phán "bóng câu qua cái xẹt"
ta dzọoc qua đây vẫn còn nguyên kiếp
kiếp mần thơ nghèo rớt mồng tơi 
nhìn ta bà tứ xứ có cặp đôi
ta cà lơ phất phơ độc thân cái một
có lắm lúc nghĩ mình lên rừng theo Lương sơn bạc
làm tặc dzăng chúa núi rừng xanh
dòng sông nào mà chẳng uốn quanh
chẩy ưỡn ẹo vẫn xuôi về biển ?

con ngựa cái chạy trước
con ngựa đực chạy sau
qua một cánh đồng dâu
qua một cánh rừng
chỉ thấy hai cái đầu ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 23; 24

ĂN KỴ - Ugno.Vn



        
                              Tác giả Ugno.Vn



    ĂN KỴ

Lệ thường, mỗi sáng thức dậy là hắn cố lục lọi trong trí óc hôm nay đến lượt nhà nào. Trí nhớ của hắn còn khá tốt. Họ gần, họ xa, láng giềng, làng nước, xóm trên, xóm dưới… hắn nhớ vanh vách. Thế mà cái bữa kỵ chết tiệt nhà mụ Đẹt xóm trên, cho uống thứ rượu chi thơm thơm, cay cay, uống vào dễ đưa cơm như bỡn, mà tối ấy về hắn say đáo để, say sật sừ, đầu nhức như búa bổ. Cái tính rượu vào lời ra, khua chân múa tay thâm căn cố đế của hắn  không phát huy tác dụng. Hắn lủi thủi bước hụt mấy lần mới lên được  bậc  đá ngoài ngõ. Cái bậc đá thấp thôi, chỉ đủ ngăn dòng nước mưa từ sân chảy xuống xói mòn, cuốn trôi đất cát của con dốc từ nhà ra xóm. Thường ngày hắn chẳng để ý, thế mà lần này, hắn bước mãi mới lên được. Vợ hắn cũng ngạc nhiên khi hắn lù lù xông vào cửa lớn rồi đổ ập sóng soài trên nền nhà đất. Sững sờ, trân trân trước cái xác thằng chồng già dịch, mụ  lặng đi không biết xử lý thế nào. Sau một chốc định tâm, miệng mụ bai bải:“ Bớ thằng Cu, con Gái,… bớ làng nước… cứu chồng tui!!!...”. La mãi chẳng thấy ai vào, mụ và hai đứa con xốc hắn lên chõng, đặt hắn nằm ngay ngắn, rồi nguýt, rồi lườm, rồi lấy dầu xứt gió, lấy vôi ky(1a) vào bàn chân. Đêm ấy hắn cựa quậy mãi. Mỗi lần cựa quậy là mỗi lần hắn nôn ọe. Lúc đầu còn ít, mụ bỏ liều cho hắn  xoay xở, đến khi hắn nôn thốc, nôn tháo, mụ đâm lo. Mụ lại ky vôi, mụ xoa dầu, mụ bắt gió, mụ quát nạt con Gái, thằng Cu là “đồ vô tích sự”. Mụ cứ ngồi mãi bên hắn. Khi hắn đã nôn hết thứ của quí trong bụng, ngủ yên yên vài giấc, mụ đi dọn “bãi chiến trường” của hắn tung ra, rồi lẳng lặng vào bếp nấu bát cháo hành ngồi chờ hắn thức dậy.
 Hắn nằm rịch mấy buổi, ăn hết mấy tô cháo hành. Miệng hắn đắng nghét không buồn nói. Mụ vợ hết đay nghiến đến mỉa mai: “Răng không tộng thêm chút nữa cho xong đi luôn”, “Rượu mụ Đẹt ngon răng không kêu con nớ xuống coi ông uống ngon ra răng?”, “Uých…Tra đời không trót thế!”. Hắn chỉ việc nằm quay mặt vào tấm phên tre. Khi không có mụ, hắn vói tay tướt vài cọng phên xỉa xỉa mấy cái răng cho có việc.

Sáng nay, thấy người đã phấn chấn, hắn vươn vai bước dậy khỏi chõng. Ăn vội chén cơm gạo đỏ bùi bùi, hắn vào bếp lấy cái gàu mo cau uống nước móc bên ống tre, rót đầy,  tu một hơi hết gàu nước chè xanh mới nấu, còn ấm trên bếp tro. Vợ hắn và hai đứa con đã ra đồng. “Kệ! Đó là việc của họ, can chi đến mình”. Hắn chưa khi mô thấy chén cơm gạo đỏ hẻo rằn và gàu nước chè xanh vợ hắn nấu ngon như sáng hôm nay. Hắn nghĩ đến vợ… “Mà thôi!...Kệ nó!...”. Hắn lại lục lọi vào trí nhớ: “Chết tiệt!...Nằm ba ngày!...Rứa là qua cái kỵ nhà thằng Đáp hôm qua rồi!”…. “Cái thằng xấc láo! Cha mi với tau là anh em cùng một ông cố ngoại, rứa mà kỵ cha mi, mi thấy tau nằm đống, mi không tới mời. Đồ coi trọng miệng ăn, không nghĩ tới bà con! Thứ nớ thì suốt đời cất trốốc(2) không nổi!”. Hắn tức nói thế nhưng nghĩ lại thằng Đáp cũng giàu đấy chứ. Chỉ tội là suốt ngày lam lũ với con trâu, đồng ruộng chẳng mấy khi thanh nhàn được như hắn. Hắn bĩu môi: “Đồ con ma chự(3) của!”. Hắn lại nhớ hôm nay nhà thằng Mẻ kỵ ông nội nó. Tính trong bổn tộc nội thân, ông nội thằng Mẻ và cha hắn tuy khác phái nhưng đồng hàng. Hắn thuộc phái nhì. Thằng Mẻ thuộc phái sáu. Rứa là thằng Mẻ phải gọi hắn bằng bác. Thằng đó cũng là quân không biết điều. Lần chạp họ năm ngoái, cả họ đã mắng cho nó một trận nên thân vì nó dám ngồi vào bàn trên. Cái thằng Mẻ tuy hơn hắn mấy tuổi, râu dài và đã có vài sợi bạc nhưng vẫn là vai cháu của hắn. Nó có tiền, có của thì huênh hoang ở đâu, chứ về họ thì răng ngồi trên hắn được. Mà thôi! Chuyện qua rồi, chấp làm chi cho nhọc xác. Sau một hồi ngẫm nghĩ, hắn vói tay rút cái quần trắng vắt trên sào tre rồi cầm vội cái quạt mo cau che đầu bước ra xóm, xăm xăm đi xuống bến sông. Dọc hai bên đường là mấy vuông nương  và cánh đồng quân điền(4) trải dài với nhiều đám cà, ớt, bắp, đậu, kê, mè…xanh mơn mởn. Buổi sáng, bến sông chưa bị lũ trẻ quậy phá, nước trong vắt thấy cả lớp cát vàng và đàn cá bống cát kiếm ăn dưới đáy nước. Bến vắng người, hắn cởi tồng ngồng xuống tắm. Nước mát lạnh làm hắn tỉnh ra. Búng mấy hớp nước sông súc miệng sòng sọc, hụp chìm cái đầu bù xù mấy ngày không tắm gội xuống làn nước trong xanh, hắn cào cấu da đầu, xoa xát mái tóc rồi khạc khạc nhổ nhổ, khuấy động cả một khúc sông. Hắn bấu mấy đầu ngón tay kỳ cọ  cáu ghét da thịt thấy khoan khoái hẳn ra. Ngâm mình trong nước hắn thấy người nhẹ tênh, mát lạnh cả lục phủ ngũ tạng đến chán chê. “Lâu rồi, Thôi! Lên thôi!”. Bình thường, trước khi lên, hắn bơi  một đoạn ra giữa dòng, lấy tay bóp sóng mũi, hụp ngữa  cái đầu cho tóc chảy xuôi như lược chải. Nhưng hôm nay hắn thấy sợ. Sao hắn sợ nhỉ? Hắn ngại ngần, vươn tay mấy lần định bơi ra rồi lại thôi. “Hụp đây cũng được, còn sạch chán, ra ngoài dòng mà chi, lở…rách việc!”. Hắn lên bờ mặc vội cái quần, trở về nhà ngồi chờ người nhà thằng Mẻ đến mời ăn kỵ chiều nay.
                                       *

Ngồi một mình trong căn nhà rỗng toác, hắn có dịp nhìn lại mình. Dù sao hắn cũng là con nhà gia thế.Vai vế trong họ thì là thuộc bậc trên. Trong xóm làng thì hắn cũng là con ông bát phẩm(5). Thân phụ hắn lúc sinh tiền là tiên chỉ(6) trong làng chứ chẳng phải vừa. Khi còn bé, hắn bị cha hắn gởi cho ông đồ nửa mùa ngồi dạy cho trẻ làng học chữ thánh hiền trong sách Tam Thiên Tự. Chữ nghĩa thì bây giờ hắn đã trả lại hết cho thầy, chỉ còn lại trong hắn là nỗi nhớ về những lần bị đét đít, gõ đầu, quì xơ mít đau điếng, lột da đầu gối. Khi có lớp dạy chữ quốc ngữ ở trường huyện, cha hắn lại nhét hắn vào lớp vỡ lòng. Hắn lớn tồng ngồng còn chung lớp với mấy đứa đồng ấu. Thế mà mấy năm sau, hắn cũng không qua được cái bằng yếu lược(7). Nhớ ngày trước khi thi, cha hắn cúng trời đất con gà trống và mấy chén chè, mấy dĩa xôi nếp đậu đỏ để cho hắn ăn lấy lộc. Cha hắn hẹn khi hắn đậu bằng yếu lược mang về sẽ có lễ tạ trời đất, tổ tiên với con heo ủn ỉn đang nuôi trong chuồng. Thế mà hắn hỏng. Cả trường hơn ba chục đứa chỉ có bốn thằng hỏng, ở lại lớp ba, trong đó hắn là một. “Cái việc đi học tưởng dễ, rứa mà cũng khó ra phết!” Hắn cay đắng nhớ lại rồi chặc lưỡi mấy lần. Mà cũng may, nhờ có mấy năm học chữ quốc ngữ, nay hắn mới viết được ngày kỵ của mấy nhà bà con trong cuốn vở học trò, hắn cẩn thận cất kỹ trên bàn thờ như là một thứ lịch gia phả.

Một lần nữa, cha hắn cho hắn theo một ông thầy cúng trong làng học lấy nghề cúng bái kiếm cơm sau này. Nghề này cũng lắm nhiêu khê. Một lần đi cúng phải hai ba thầy, kèm theo mấy ông thổi kèn, đánh trống. Cả nhóm thầy cúng gồm thầy chính, thầy phụ, phường bát âm cũng hơn bảy, tám người. Chán nhất là mỗi lần đi cúng, nhiệm vụ của hắn chỉ lẽo đẽo theo thầy với cái tay nải nặng trịch vắt vai gồm chuông mõ, trống, chiêng lỉnh kỉnh. Khi về còn thêm  oản xôi, nải chuối, cái đầu heo hoặc con gà luộc. Mà mang về hắn được ăn cho cam! Mụ vợ keo kiệt của lão thầy cất hết vào chạn gỗ, chẳng hé ra chút nào cho lũ học việc như hắn. Theo thầy mấy năm chẳng thăng được chức thầy phụ cúng, nghĩa là cũng chỉ mang tay nải đi về theo thầy, rửa dọn bàn thờ cho thầy. Câu kinh, bài sớ lắp bắp mãi chẳng thuộc. “Thôi về nhà làm ruộng còn hơn!”. Thế là hắn từ giã nghề thầy cúng, theo nghề làm ruộng từ đó.

Mấy năm sau, cha hắn chọn cho hắn một cô thôn nữ nết na con một ông cửu phẩm trong làng. Rứa cũng là môn đăng hộ đối! Con ông cửu lấy được con ông bát thì còn gì bằng. Vợ hắn về nhà chồng trong niềm kiêu hãnh của họ hàng đôi bên. Hắn cũng cảm thấy hả dạ. “Người chi mà đẹp rứa!... Lại còn giỏi giang  nữa!”. Quần quật trên ruộng cạn, ruộng sâu hết mùa này đến vụ khác mà nét trẻ trung, duyên dáng chẳng vơi chút nào. Đúng là “gái có hơi trai như khoai có hơi cuốc”. Hai đứa con  ra đời, lớn lên cũng đẹp và giỏi như mẹ nó. Thằng Cu tuổi mới  đủ giáp đã tập cày trâu. Con Gái tuổi mười lăm đã theo mẹ đi cấy. Bây giờ hai đứa đã lớn, việc đồng áng quần quật như trâu. Còn hắn thì mỗi ngày càng tệ hơn: Nay kỵ nhà bà con, mai chạp họ, mốt cúng nhà xóm trên, xóm dưới… say sưa túy lúy ba mươi ngày một tháng. Hắn tự nhận là người vai vế, được xóm làng nể trọng mới được mời mọc khao vọng, không như mụ vợ hắn chỉ biết cắm mặt cho đất, phơi lưng cho trời. Khi cao hứng, hắn lên nước mắng chửi vợ con không biết quí trọng hắn, chì chiết vợ hắn là hết biết đẻ vì “chỉ hai đứa con thì làm sao rạng rỡ tông đường được”. Chỉ cái cớ này, hắn làm tình làm tội mụ vợ khi ma men nhập hồn vào hắn.

Năm ngoái, hắn đủ bốn mươi tuổi mụ. Hắn thét vợ con làm cho hắn một cái kỵ cha thật to, dọn hơn mười mâm, để hắn luôn dịp này tuyên bố với làng nước, họ hàng là hắn đã lên lão. Từ đó hắn để râu, xênh xang áo dài, khăn đóng, guốc mứt mỗi khi thù tạc lễ nghi, cúng kỵ. Vai vế của hắn với đám trẻ trong làng cũng khác trước. Hắn tự xưng “ôn” với hết thảy lũ trẻ. Trong nhà, hắn thoát ly hẳn công việc đồng áng, buổi sáng còn bắt vợ con cung phụng một bình trà để hắn nhâm nhi. Hắn thường quát nạt vợ con: “Mụ mi được sang mà không biết mừng. Chi đi nữa cũng là ôn lớn,  mụ lớn trong họ, thê tử của gia thế bát phẩm tiên chỉ  chứ chơi!”.

Trưa nay hắn ngồi chờ mãi chưa thấy người nhà thằng Mẻ đến mời. Hắn ra bếp mở nắp om cơm, cạo ra chén mấy cục cơm nguội. Hắn ăn qua quít bữa trưa rồi lại vào nằm trên chõng tre nhìn ra ngõ. Nắng đã nghiêng bóng xuống hàng gạch trọọc(8) nước giọt trước hè nhà. “Rứa là quá ngọ lâu rồi!”. Gió nồm dưới sông thổi lên đã xô đẩy mấy đọt tre cao nhất trước xóm cong rạp, chờn vờn như múa may. Bầy chim bồ chao kêu inh tai nhức óc ngoài hàng tre phía sau nhà. “Rứa là chiều rồi!”… “Cái nhà thằng Mẻ ni chắc cũng quên mình rồi?”. Hắn lẩm bẩm mấy lần rồi đứng lên. “Đồ không biết điều! Đồ chẳng ra chi! Tau là bác của mi  mà mi dám quên hả?”…,“Rõ là cái thứ keo kiệt!”. Hắn nhìn ra ngõ rồi lại nhìn vào nhà. “Nó không mời mà tới tay không răng được!... Cái thằng thiệt tệ!... Nó mời mình một tiếng thì có hay hơn không.”  Hắn nhìn quanh, trong nhà không có gì. Hắn ra vườn. Cam quít thì chưa đến mùa, có buồng chuối già thì sao được, còn xanh phải giú mấy ngày mới chín. Thôi mấy quả khế chua này là  thứ cứu tinh! Hắn lấy cây sào dài, khệ nệ dựng cái thang tre vào gốc khế, khoèo chọc một hồi, khế rụng đầy gốc. Hắn chọn những trái chín mẩy, đều tắp làm một xâu dây lạt, hí hửng đi dự đám kỵ nhà thằng Mẻ.
Vào đến sân, cái miệng hắn đã toe toe :
- Cái thằng Mẻ ni mi định quên bác mi hả? Chi đi nữa, ngày kỵ chú, mi phải báo tau đến thắp hương cho ông mi chứ. Tau còn gọi ông mi bằng chú mà mi quên thật hay cố tình quên?
Hắn xăm xăm vào nhà, ông Mẻ vội vàng đỡ lấy xâu khế của hắn đưa xuống bếp. Hắn cự ngay:
- Tau đem xâu khế đến thắp hương cho chú tau thì mi phải để trên bàn cúng cho phải lễ. Răng mi đưa xuống bếp?
Hắn giành lại xâu khế, đặt trịnh trọng trên quả bồng có sẵn nải chuối cau chín vàng, đốt nhang khấn vái, trông thật chững chạc.

Lễ lạt mọi thứ đã xong, khách mời đông đủ, ông Mẻ rót đủ ba tuần rượu cúng, chuyển qua cúng nước đã hai lần chiết trà. Hắn thập thò chỉ chờ một lần chiết trà nữa là xong lễ cúng cơm chiều. Hắn chễm chệ trên chiếc phản gỗ gian giữa, đàm đạo gia sự với những bậc cao niên cùng vai vế, một phần là để xác nhận với mọi người về thứ bậc trong gia tộc, phần nữa là chọn giữ chỗ trong bữa ăn kỵ sắp dọn ra. Sáu người trong mâm thì hắn là người trẻ nhất nhưng lại ngồi ở chỗ thứ hai bên tả. Như thế, nếu theo thứ bậc thì  hắn là vai vế thứ ba trong mâm cỗ. Râu hắn chỉ mới một chòm dài chừng lóng tay, quặp ngược vào cổ, hắn đưa tay lên vuốt mãi nhưng vẫn không thẳng ra được. Tóc thì chưa có sợi bạc.
  Hắn nhìn một lượt mâm cỗ mới được đặt xuống phản. “Cũng vậy cả thôi!”. Hắn liếc qua mấy dĩa hàng mộc, mấy chén thịt kho, tô hầm, tô canh bún… Hấp dẫn hắn nhất là dĩa chả lụa, dĩa cuốn ram, mỗi dĩa chỉ dọn 6 miếng đủ cho số thực khách trong mâm. Hai đầu mâm cỗ là hai dĩa cơm, mấy dĩa bánh, chén xôi đường… Thứ chén dĩa nào cũng nho nhỏ, đặt sát nhau, màu sắc sắp xếp hài hòa trông vào đã thấy thích mắt. Hắn chặn nước bọt ứa ra trong miệng, chặc lưỡi nghĩ thầm: “Cái nhà thằng Mẻ ni, cha nó mới vào làm tay sai vặt trong đội Lý Thiện(9) mà mâm cơm cúng cũng na ná mâm cúng  trong họ nhà vua. Nhiều món, món nào cũng tí tí một ít, dọn chật chiếc chiếu, chiếm cả chỗ ngồi thực khách.” Sáu cái chén đất mắt trâu và chai rượu được ông Mẻ trịnh trọng mang ra, đặt xuống  chiếu, mời thực khách khai tiệc. Một màn ăn uống im ắng bắt đầu, bù lại cho không khí rôm rả trò chuyện trước đây.

                           *

Chiều nay thằng Cu, con Gái và  vợ hắn từ đồng về nhà. Trời tối đen. Mụ lọ mọ vơ quanh cái kệ bếp tìm cây đèn chai, kẹt bích kê(10) mấy lần mới có ngọn lửa châm đèn. Nghe tiếng người, con heo trong chuồng kêu eng éc, nhảy chồm lên cửa chuồng đòi ăn. Mụ vào nhà, không thấy hắn, quýnh lên: “Cha tụi bây mô rồi?”. Mụ ngó lên cây sào tre bên tấm phên liếp, không thấy cái dù  đen, khăn đóng và áo dài. “Rứa là đi ăn kỵ nhà mô rồi!”. Mụ sai thằng Cu lật cuốn vở của hắn để trên bàn thờ, xem hôm nay kỵ nhà ai? “My tới dắt cha mi về, để ông tộng rượu vô thì cũng như bữa trước”. Con Gái đang loay hoay vo gạo nấu cơm, cũng góp vào: “Kệ cha! Kéo ông về ông lại chửi cho!”. Thằng Cu chần chừ mãi không chịu đi, mụ lại thét: “Bây muốn giết cha bây hả?”. Ngay lúc ấy thì từ đầu xóm, tiếng hắn đã oang oang vọng vào. Mụ lại tru lên: “Ơi!... Đồ già dịch!”. Nhưng mụ lại hối thúc thằng Cu: “Mi còn chưa chịu ra đỡ cha mi vô hả!”.

Vào đến nhà, hắn khua chân múa tay:

- Cái quân không biết chi! Kỵ ông nội nó là chú của tau mà nó không tới mời một tiếng… Mà tưởng rứa là xong hà? Xong răng được! Thằng cha nó không có cha tau đem vô sai vặt trong đội Lý Thiện thì có cơm dư, cá thừa đem về nuôi mấy anh em nó  lớn như ri chắc?... Đồ quên ơn! Đồ không biết chi!... Rứa mà nó cũng còn là quân biết điều!... Nó mời tau ngồi phản giữa thì cũng còn biết tau là bác nó… Mà nó chẳng biết cái cóc khô chi cả!… Tau đưa xâu khế vô, nó lại sai con nó mang xuống bếp!... Xuống bếp răng được? Của tau đem tới cúng cho chú tau  mà!… Một xâu khế cũng là lễ!... Mà lại là khế chua! Ha…Ha…Ha!… Hắn có giàu, có của thì cũng là thằng Mẻ! Nó có hơn  tau mấy tuổi thì cũng là cháu tau. “Bò ngã gặp khi khế rụng” quí giá chi mô!..Ha…Ha…Ha….

Vợ hắn đã chán nghe những lời đại loại như vậy mỗi lần hắn đi ăn kỵ về, cũng chẳng bận tâm làm gì. Cứ để hắn nói, nói cho đến khi không còn nói được nữa thì thôi. Mụ nhặt cái dù có quấn cái áo dài đen và cái khăn đóng treo lên sào tre. Nhìn xuống chân hắn chỉ có  một chiếc guốc, mụ gào lên:
- Mô một chiếc guốc rồi? Cu! Mi ra  tìm guốc cha mi rớt chỗ mô? Đồ ăn hại! Đi guốc rớt ra chân cũng không biết.
Mụ xốc hắn ngồi xuống chiếc chõng tre, miệng không ngớt tru tréo:
- Tộng vô cho lắm! Tộng hết nhà hết ruộng cũng chưa bưa cái miệng. Tộng mãi của người ta rồi lấy chi mà trả nợ miệng. Khổ cái thân tui!...
- Nợ miệng!... Cả làng, cả họ phải trả nợ miệng cho tau… Tau thì trả cho ai?... Cái thằng Khá… cậu của thằng Mẻ, mà nó sắp ngồi trước tau… Ngồi đầu phía hữu!... Thằng Khá thợ cày… ăn cơm nhà cha tau mòn răng… rứa mà dám gọi tau là chú… Chú là chú em…Đồ xấc!...Quân láo!... Tau nhỏ tuổi hơn nó nhưng nó làm thuê cho nhà tau… Mụ có biết thằng Khá… nó xỏ tau ra răng không?... Nó dám kêu tau là chú râu quặp… Nó râu quặp thì có!... Râu tau chưa mọc hết,… vài năm nữa thì cả làng này thấy râu tau đẹp phải biết!... Thằng Mẻ đưa chai rượu cho nó,… nó giữ riết, không chuyển cho ai… “Ừa!…Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”… Khi nó chuyền xuống dưới thì đã hết hơn nửa… Nó cũng là thằng tham ăn… Thằng Mẻ giết heo làm chả thiệt ngon!… Kể ra nó cũng biết điều!...Ờ!... Dĩa chả nó đặt ngay trước mặt tau… Tau mới ăn hết miếng thứ hai,… động đũa định gắp thêm thì thằng Khá châm đũa vào cùng mấy thằng kia gắp hết dĩa chả… Đồ quân tham ăn!…Quân không biết nhường nhịn!...

Giọng hắn mỗi lúc càng lè nhè. Vợ hắn xô hắn nằm xuống mấy lần, hắn lại mấy lần ngồi lên. Hắn nói, nói mãi. Thằng Cu sau khi tìm thấy chiếc guốc mứt của cha, đem vào kê làm đòn ngồi chẻ lạt, chuẩn bị sáng mai, nhổ mạ cấy ruộng. Con Gái thì loay hoay với nồi cám heo trên bếp. Bữa ăn vợ hắn đã dọn ra trên cái chõng kê ở nhà sau, chưa có ai ngồi vào. Trong nhà hắn cứ lè nhè hết chuyện nọ xọ chuyện kia, chê thằng này tệ, khen ông kia biết điều, chốc chốc hắn ngáp dài.

Khi không còn nghe tiếng hắn lải nhải, mấy mẹ con mụ ngồi vào chiếu cơm quây quá cho xong bữa tối. Trong chuồng, con heo sau khi ăn no đã hết kêu. Đang ăn, thằng Cu nghe tiếng huýt huýt ngoài xóm, đã bỏ đũa, đi theo bạn bè. Con Gái xong việc bếp núc, đã lên giường. Mụ sắp dọn hết đồ đạc chuẩn bị cho buổi nhổ mạ và cấy ruộng ngày mai vào chiếc ky (1b), bưng ra để ngoài sân. Mụ vào nhà, đá nhẹ hai chiếc guốc gỗ của hắn vào chân chõng tre, đẩy hắn nằm lại ngay ngắn trên chõng. Mụ trân trân nhìn hắn một lát rồi quay ra bậc cửa ngồi nhìn đêm đen. Có thể đây là phút nghỉ ngơi đầu tiên của mụ trong ngày. Không gian về đêm thật yên lặng. Tiếng ngáy của hắn đều đều, có khi đàm chận luồng hơi sùng sục, rè rè. Không biết mụ ngồi đến bao giờ. Thỉnh thoảng mụ có một tiếng thở ra nhè nhẹ.

                                                                 Ugno.Vn

Chú thích:

(1)Ky :- Bôi vào, trét vào (1a)
           - Đồ dùng đan bằng tre như rổ (1b)
(2)Trôốc: Cái đầu
(3)Chự:  Giữ
(4)Quân điền: Ruộng công của làng chia cho dân canh tác
(5)Ông Bát, Ông Cửu: Hệ thống quan lại, lính tráng  triều Nguyễn có
9 bậc. Tuần tự từ Cửu phẩm, Bát phẩm, Thất phẩm... Người Huế gọi tên người có chức luôn kèm theo chức vụ (Cửu Lạp, Bát Hồi, Thất Thau…)
(6)Tiên chỉ: Người về hưu có chức vụ cao nhất hoặc lớn tuổi nhất trong
Hội đồng kỳ mục của làng.
(7)Yếu lược: Cấp sơ học(Élémentaire, từ lớp 1-3)
(8)Trọọc: Đường nước mưa từ mái nhà giọt xuống trước hiên nhà
(9)Lý Thiện: Đội nấu cỗ bàn tế lễ, phục vụ ăn uống trong Hoàng cung
(10)Bích kê: Cái bật lửa (Briquet)


READ MORE - ĂN KỴ - Ugno.Vn

THI PHẨM HƯƠNG KỶ NIỆM CỦA THI HỮU HOÀI THY LỆ VỪA XUẤT BẢN


XIN GIỚI THIỆU THI PHẨM "HƯƠNG KỶ NIỆM" CỦA THI HỮU HOÀI THY LỆ  (Nguyễn Thanh Bá)

       

 
                                                 BÌA TRƯỚC


                                                  BÌA SAU

READ MORE - THI PHẨM HƯƠNG KỶ NIỆM CỦA THI HỮU HOÀI THY LỆ VỪA XUẤT BẢN

HỘI NGỘ NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ LẦN THỨ V (15/07/2017)




READ MORE - HỘI NGỘ NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ LẦN THỨ V (15/07/2017)