Lần đầu gởi cho VNQT:
Hồ Thị Thúy An
XÓM TRỌ
Truyện ngắn
Năm ngoái, vào khoảng thời gian giáp tết như thế này thì tôi và những
người bạn của mình đang miệt mài bên những trang sách để bám víu lấy từng con
chữ, chuẩn bị cho mùa thi.Vậy mà giờ đây mọi thứ đã thay đổi, bao kỉ niệm cũng
trôi dần vào dĩ vãng.
Rời xa Quy Thành, tôi đến với quê hương Quảng trị. Đó
là một mảnh đất mà tôi hay kể với bạn bè bằng cái tên trìu mến yêu thương. Trong
thâm tâm, tôi tự thấy mình là một người may mắn khi được làm việc và sinh sống
với những người dân nơi này. Họ hiền lành, chất phác và cũng không kém phần hóm
hỉnh. Nơi tôi được đặt chân đến theo sự chỉ dẫn của một người bạn đó là khu trọ
nhỏ cách ngoại ô Thành phố Đông Hà khoảng 20km.Tôi thực sự thích thú với khu trọ
này bởi không khí trong lành và những người bạn trọ thân thiết.
Tính nôm na, khu trọ tôi ở tầm mười phòng xếp sát
nhau như một quần thể trọ keo sơn gắn bó.,Hằng ngày, sau giờ đi làm về, tôi thường
trò chuyện với những người láng giềng trong dãy trọ. Họ là những con người vui
vẻ, hòa đồng , lại biết yêu thương và quan tâm tới những người xung quanh. Các
thành viên trong khu trọ có độ tuổi chênh lệch nhau và công việc cũng thế. Người
là sinh viên truờng Cao Đẳng sư phạm, người Trung cấp y, một số khác là sinh
viên ra trường đang đợi việc làm, nhưng đặc biệt hơn hết là hai cặp vợ chồng
anh chị làm nghề ép dẻo. Các anh chị quê ở tận Miền Bắc nhưng phải vào đây mưu sinh nuôi các con học Đại học. Mỗi
người một hoàn cảnh nhưng các thành viên khu trọ của tôi luôn yêu đời, tự tin
và sống với nhau rất chân thành. Hằng ngày, làm lụng vất vả chắt chiu từng đồng
gửi về cho con nhưng các anh chị đối với chúng tôi rất tốt, mỗi đứa tôi xem như
là người thân của mình. Cả hai anh chị đều làm nghề ép dẻo giấy tờ, chứng minh
nhân dân, bằng lái… công việc khá nặng, mỗi ngày anh chị phải đẩy xe ép đi làm
từ sáng sớm tới tối mờ và cứ độ hai ngày là phải nghĩ một. Anh là đàn ông con
trai đẩy xe đi miết còn đỡ, chị dù gì cũng là phụ nữ chân yếu tay mềm mà phải đẩy
xe nhiều như thế đến đau khớp tay cả mấy năm trời, bàn chân thì lỏm nhỏm, trơn
tróc hết da vì đi bộ nhiều.Tuy cuộc sống vất vả là thế nhưng anh chị luôn sẵn
sàng giúp đỡ chúng tôi lúc khó khăn. Khi cơm ăn, khi nước uống. Vì phận nghèo
nên thức ăn anh chị ăn hàng ngày không dư giả gì, cũng không phải là sơn hào hải
vị, đơn giản chỉ là vài cọng rau muống
luộc, ít canh miến hay đôi khi chỉ là chén cơm xào, nhưng mỗi đứa chúng tôi đều
thấy ngon và hạnh phúc.Tôi còn nhớ, có lần đi làm về vì chưa lĩnh được lương và
cũng ngặt nghèo đủ thứ nên trong phòng đến
thời điểm đó chẳng còn gói mì khô nào.Thấy vậy anh chị chạy vội qua phòng mang
cho tôi cả tô cơm to tướng, chị còn mắng: “Mày không chịu qua phòng anh chị ăn,
nhịn mãi, ở phòng mãi không may lăn ra bệnh thì khổ. Bữa sau có gì cứ qua ăn với
anh chị cho vui nghe!”
Rồi cứ thế, anh em, chị em xóm trọ chúng tôi lại dìu
nhau qua cơn đói từng ngày. Có lúc, mấy đứa em sinh viên đi học về chưa kịp cắm
cơm hay chưa có gì tống vào bụng là lại xách tô chạy quanh trọ xin ăn. Cứ phòng
nào có gì là lại đem ra chia nhauăn, ăn xối ăn xả ăn vội vàng ấy thế mà lại
ngon hơn ăn các món sơn hào hải vị nữa, thế nên chúng tôi cứ đùa nhau ăn nhà
khác vẫn ngon hơn nhà mình…
Xóm trọ tôi vui tới mức chị gái bán bánh kẹo, tạp phẩm,
trái cây cứ mỗi lần vào bán hàng trong trọ là khen tới tấp: “Trọ ni ai cũng vui
chi mà vui hè, o mô chú mô cũng vui rứa tê.” Nghĩ tới đó thôi mà tôi không thể
mở được mắt chỉ vì cười, mà thực tâm lúc nào tôi cũng thấy vui khi nhắc tới khu
trọ của mình. Cứ mỗi độ cuối tuần, chị em xóm trọ tôi được nghỉ là lại rủ nhau
ra bờ hồ bắt ốc. Bởi cuộc sống quá phát triển nên chắc người thành phố ít ăn ốc
hoặc cũng không có ai như xóm trọ tôi lại mò mẫm bắt ốc làm gì trong khi người
ta ra chợ là có thể mua về cả mấy kí ốc ngon lành. Chính vì thế mà chúng tôi bắt
được rất nhiều ốc, khi hai xô, khi những ba xô đầy.Cùng bắt, cùng làm, cùng nấu
những nồi ốc nghi ngút hơi cay và mùi thơm xông lên mũi lên mặt, chúng tôi ai nấy
nhìn nhau cười như thể tìm được niềm vui và hạnh phúc. Đối với những người xa
nhà lại có phần đặc biệt hơn vì nó xoa dịu
đi bao nỗi nhớ.
Rồi một lần, có cậu bạn sinh viên trong dãy trọ bị ốm
và ngất lịm đi. Khi mọi người chạy qua phòng rủ chơi cờ tướng thì phát hiện. Cả xóm trọ nhốn
nháo giúp nhau một tay đưa cậu đến bệnh viện. Cùng lúc đó, mấy cô con gái đang
chơi dở bài quẹt nhọ nồi cũng lao ra giúp đưa tới đi. Nhọ trên mặt tèm nhem còn
chưa kịp rửa hay rửa mà chưa sạch nhưng các cô cũng cứ thế đến viện mà không để
ý gì tới bộ dạng của mình. Khi tới nơi, anh chàng sinh viên đang được bác sĩ
chăm sóc thì chúng tôi mới kịp nhìn nhau và được một trận cười té ghế. Đứa mặt
nhọ nồi đen thui, đứa mang nhầm cả dép nhưng không sao! Chúng tôi không thấy ngại ngùng gì mà ngược lại
hạnh phúc vì trong hoàn cảnh nào xóm trọ vẫn luôn bên nhau. Khi tỉnh dậy, anh
chàng sinh viên đã ngỡ ngàng trước cảnh cả xóm trọ mình đang lỏm nhỏm phía
ngoài đợi mình.Có cậu nhóc còn sốt ruột trèo lên hàng ghế nhìn vào trong xem
láng giềng nhà mình tình hình thế nào. Đến cả bác sĩ trực hôm đó cũng không khỏi
sững sờ khi có quá nhiều người nhà bệnh nhân như vậy, tới những mười ba người!
Quả thật, nghĩ lại với bao yêu thương thì tôi không
cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi được ở với xóm trọ êm đềm và ấm áp tình
thương như ở nơi đây. Có thể là vì chúng tôi xa nhà cần hơi ấm của người thân,
nhưng quan trọng hơn nữa là những con người ở đây sống với nhau rất chân thật.
Dù Miền Bắc hay Miền Nam, dù ở lứa tuổi khác nhau nhưng chị em xóm trọ tôi luôn
hòa vào nhau, quan tâm chăm sóc những người bên cạnh. Có lẽ sau này, xóm trọ rồi
cũng phải chia lìa bởi bữa tiệc nào cũng phải tàn và niềm vui nào cũng phải
chia ly. Các em sinh viên cũng phải ra trường, các anh chị tới thời điểm nào đó
cũng phải về lại quê hương hay cả tôi cũng thế! Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng trọ nhỏ sẽ mãi luôn nhớ về
nhau, và xem tất cả như một kỉ niệm đẹp… Xóm trọ ấy mãi là: “Tình nghèo có nhau.”
HTTA
HTTA
Hồ Thị Thúy An,
Sinh viên khoa Ngữ Văn Trường ĐH Quy Nhơn.
huongngoclan761993@gmail.com