Tiểu sử và sự nghiệp
Bà tên thật Trương Tân Nhân, sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị, trong một gia đình trí thức. Cha bà là ông đốc Hy, mẹ là con gái trong một gia tộc họ Hoàng. Lớn lên bà học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).
Cách mạng tháng 8 thành công, bà thoát ly gia đình theo cách mạng khi mới 13 tuổi. Bà tham gia đội phản gián, làm nhiệm vụ đưa tin, rải truyền đơn. Năm 1949, bà tham gia vào Đoàn Văn công Quân đội mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Năm 1954, bà là diễn viên đơn ca tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Năm 1963, bà theo học khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Về nước năm 1973, bà làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà còn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II. Bà còn tham gia công tác đào tạo diễn viên cho Lào, xây dựng dàn hợp xướng cho các đội hợp xướng thiếu nhi ở Thủ đô Hà Nội.
Tân Nhân có một giọng nữ cao trữ tình, đậm chất miền Trung. Bà thành công với nhiều ca khúc dân ca và trữ tình cách mạng như Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Tát nước đêm trăng, Nắng Ba Đình, Tình quê, Ru con (dân ca Nam Bộ), Tình quê hương (Trọng Bằng), Anh về miền Bắc, Chim Pongkle (Nhật Lai), Lăm tơi, Bên nôi con mẹ hát (Lê Lôi), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - thơ Đăng Giao), Nhớ... và một số ca khúc nước ngoài. Đặc biệt với Xa khơi, được thu âm vào thập niên 1960, bà được đánh giá là người thể hiện thành công nhất ca khúc này, và đây cũng là một ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi.
Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988). Bà mất vào ngày 14 tháng 2 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.
Đời sống riêng
Năm 1949, trong trận càn ở Phong Lai, bà đã mất liên lạc với cơ sở. Tưởng bà đã chết, trường Huỳnh Thúc Kháng (nơi bà đang theo học) đã tổ chức truy điệu bà. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - người bạn học cùng quê - đã viết ca khúc Xuân chết trong lòng tôi để tưởng nhớ tới bà :
... Xuân ơi xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi xuân
Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn...
Về sau bà đã yêu Hoàng Thi Thơ. Sau này ông Hoàng Thi Thơ sang bên kia chiến tuyến, riêng bà lúc đó đang mang thai. Về sau, Tân Nhân ở lại đất Bắc nuôi dạy con là ông Lê Khánh Hoài (lấy họ theo người cha dượng tức người chồng thứ hai của bà là nhà báo Lê Khánh Căn nguyên phụ trách Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ sở 2, tại TPHCM) và nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo Nhân Dân. Hiện nay ông Lê Khánh Hoài đang làm phóng viên, hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và kịch nghệ. Bà có 2 người con với người chồng thứ 2 là ông Lê Khánh Châu và bà Lê Khánh Như. Ông Lê Khánh Châu hiện là Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học của Đại học Bochum - Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo vi.wikipedia.org
---------------------------------
ĐẶNG ANH ĐÀO - TÂN NHÂN THỜI ẤY
Cho đến tận tháng bảy năm nay, tôi mới biết rằng chỉ cần đi một đọan đường ngắn là có thể gặp lại chị. Đối với nhiều người, nói đến Tân Nhân là nghĩ đến Xa khơi, một bài hát của Nguyễn Tài Tuệ, và cũng thể là hình ảnh của một thời Tân Nhân – soliste nổi tiếng, từ sau 1954 đến những năm 60. Nhưng với tôi, dẫu có thấp thỏang gặp lại chị trong thời gian ấy, những ấn tượng khó quên nhất về người_con_gái_hát lại gắn với thời chị còn là một nữ sinh, hai bím tóc kết dày nặng, tràn đầy sức sống của tuổi thiếu nữ.
…Ngôi nhà nhỏ ở trong ngõ, hoặc là hẻm, sẹc, theo lối gọi của người dân Sài Gòn. Giọng nói vẫn ấm và trầm, chỉ không còn độ lan tỏa đến ngợp người của ngày xưa. Có năm, lên gác nhà tôi ở Hà Nội, chị bảo “Ở dưới sân nghe, cứ tưởng là cãi nhau, hóa ra các con trai em nói chuyện”. Chắc chúng đã làm khổ đôi tai của ca sĩ. Giọng Tân Nhân êm mượt như nhung, nhưng thời chúng tôi còn là học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng, đâu có micro, vậy mà giọng hát ấy khi cất lên rung động cả khỏang không và đêm tối bao la. Trong những đêm liên hoan ấy, sang lắm mới có đèn măng sông, mà lại còn phải tắt ngay nếu có tiếng rù rì của máy bay địch. Tôi đứng dưới đám đông học sinh và dân làng, tất cả lặng đi, ngước nhìn bóng chị in rõ trên nền trời, tiếng ca mở rộng hết cỡ, những bài hát phơi phới của ngày ấy như Nắng Ba Đình, và cả những bài hát đậm sắc giọng miền Trung, như bài Bà Mẹ Gio Linh… Khi gặp nhau ở “nhà riêng” (có nghĩa là nhà dân cho chúng tôi ở nhờ), bọn “tiểu tư sản” chúng tôi được nghe những bài hát khác. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên chị tới nhà, ngôi nhà tranh nhỏ bé rung lên như không chứa nổi giọng hát của chị. Đó là những bài như Thiên Thai, Trương Chi… Sérénade của Schubert, và cả Quand Le Soleil D’or Descend (Khi mặt trời vàng lặn xuống…) mà diễn viên Shirley Temple nổi tiếng đã hát trong bộ phim tôi được xem từ thời trước Cách mạng, Cô gái của khu rừng bị nguyền rủa. (Chị nói thời còn là một học sinh trường Đồng Khánh Huế, nhờ giọng hát mà con bé nhà quê như chị đã được Nam Phương hòang hậu mời tới cùng với mấy đứa bạn con nhà quyền quý, cho ăn bánh ga tô và hát…Để rồi mới 14 tuổi đã “thóat ly” đi kháng chiến). Hôm đó, chị ca bài Xuân chết trong lòng tôi, một bài hát được Nhạc sĩ-Người tình viết cho chị trước đó ít lâu, khi tưởng rằng Tân Nhân-Mùa xuân của anh đang ở chiến khi Bình Trị Thiên_Trung Lào đã bị địch giết chết trong một trận càn… Lúc này đã được ban chỉ huy chiến trường cho về đi học tiếp, chị hát, còn Nhạc sĩ-Người tình đệm đàn, dường như là một kết thúc có hậu. Hôm chị đến nhà chúng tôi, nắng rực rỡ trong vườn. Dù lúc này chị đã gặp lại trường xưa, người cũ, nhưng lúc chị cất tiếng hát “…Bướm rồi lìa hoa/ trùng phùng xa lắm…”, cảm kích vì mối tình của nhạc sĩ, nước mắt chị vẫn chảy dài trên gò má hồng như trái bồ quân, làm đôi mắt đen to rợp hàng mi dày của chị gần như xanh biếc lại. Chị mặc một tấm áo bằng vải thô trắng-ngày nay là mốt, là hàng xịn- nhưng thời ấy là thứ vải dệt tay của dân quê thuộc lọai rẻ nhất. Dù nổi tiếng về nhan sắc, nhưng với Tân Nhân không mấy ai lúc bấy giờ đánh giá hết vẻ hiện đại, bí quyết của sức hấp dẫn ở chị: tràn trề sức sống mãnh liệt, chân chất của một vùng đầy sỏi đá, cô bé từng lên “lòi” ăn móc ăn sim tím cả môi, chân trần lội “hói”, ra tắm sông Thạch Hãn, hát theo giọng hò khoan và những điệu đưa đò khỏe mạnh thừa hưởng từ người mẹ ấy lại rất tài tử với những điệu “hát Tây” của thời Tino Rossi, Shirley Temple,… Chúng tôi chỉ cần đòi “Tân Nhân hát đi”… là chị cất tiếng. Ở Tân Nhân, có gì đó vừa sâu thẳm, vừa phù phiếm, vô tư. Cho tới ngày chị rời trường. Bởi thật trái khoáy, dẫu lời ca của người nhạc sĩ ấy đã “truy điệu” nhầm cái chết của Tân Nhân, nhưng lại trở thành lời tiên báo của một cuộc chia tay: “Bướm rồi lìa hoa”… Thời ấy, đã có những người trở về vùng quê cũ địch chiếm để rồi bị kẹt lại họăc cũng có khi vì “phồn hoa quen vui em ra đi”. Chỉ có điều người ra đi ở đây không phải là cô gái mà là nhạc sĩ.
Cô nữ sinh nhí nhảnh và nhẹ dạ ấy đã làm đủ nghề, kể cả lao động chân tay cực nhọc để nuôi con. Chị dệt vải, chằm nón, gánh gồng, dạy trẻ… Chị không hoàn toàn giống những nữ sinh yếu đuối tản cư từ thành thị về. Lúc này, trong chị càng trỗi dậy sức sống, bắt nguồn từ người mẹ gắn bó với ruộng đồng, người cha từng phiêu bạt kiếm sống tận Viengchian, đất Lào. Vả chăng, Tân Nhân ở đâu cũng rất dễ gần gũi dân làng, được họ cưu mang. Cho đến ngày nhạc sị Nguyễn Văn Thương từ ngòai Bắc “lội bộ” tới - như lời chị kể - đón chị từ ngôi làng heo hút ấy, về nhập đòan Văn công Trung ương. Chị cùng “lội bộ” ra Bắc, cắp theo chiếc nón cời, hai bộ quần áo.
Hòa bình lập lại, năm 1954, màu áo dài đang mốt của Hà Nội là màu xanh cổ vịt, màu đỏ tím của hoa mười giờ… Tấm ảnh đen-trắng thời ấy không giữ lại màu áo, nhưng đã xuất hiện một Tân Nhân mới, áo dài cổ điển, gương mặt điển hình cho một cô gái Huế. Tôi không mấy khi đến Nhà Hát Lớn và các rạp lộng lẫy ánh điện thời bình để nghe biểu diễn ca nhạc, tôi cũng chưa có rađio. Nhưng các loa phát thanh, rất hào phóng, tỏa ra mọi góc phố. Tôi rất thích Bài Ca Hy Vọng do Khánh Vân hát. Và những đợt sóng của Ra Khơi, với sức lan tỏa của giọng ca Tân Nhân, người trước đây đã làm rung động cả không trung lấp lánh sao trời, những đêm thôn dã, chẳng cần đến micro. Rồi chị trở thành người mẹ của ba đứa con, nhưng những người bạn của tôi nói rằng từ khung cửa sổ căn phòng ở khu tập thể Cầu Giấy 9 mét vuông (ở chung) của chị, họ vẫn nghe thấy Tân Nhân luyện giọng vút lên, hạ xuống mãnh liệt mỗi sớm mai.
Dẫu sao, chính Tân Nhân sớm hiểu hơn ai hết rằng trong nghệ thuật biểu diễn, nghề xướng ca thuộc vào lọai đoản mệnh nhất. Chị cảm thấy đã đến thời mà thành công không thể kéo dài nhờ giọng ca trời phú. Cũng may, vào những năm 70-72, chị đã được cử đi đào tạo bài bản ở nước ngòai, không bị rơi vào tình cảnh mà câu vè hồi ấy tếu táo: “Khi người ta cần trẻ thì tôi đã già/ Khi người ta cần đàn bà thì tôi là đàn ông/ Khi người ta cần công nông thì tôi là trí thức/ Khi người ta cần đức thì tôi lại có tài/…”. Và Tân Nhân vẫn là một soliste số một của những bài đậm chất dân ca. Với phần đệm của dàn nhạc dân tộc, trong đó có cây đàn bầu của Mạnh Thắng, chị đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam bằng tiếng hát, ở những Đại hội Thanh niên, liên hoan sinh viên quốc tế. Trong khi đó, các ca sĩ khác bắt đầu biểu diễn những lọai hình nghệ thuật nước ngòai. Tôi đến nhà hát lớn, xem Quý Dương đóng Evgueni Oneguine, thanh mảnh bên cạnh một Tachiana Ngọc Dậu có dáng đẫy đà của người ca sĩ opera người Nga.Thật hay nhưng cũng buồn cười khi nghe Quý Dương hát trên đủ mọi cung bậc: Yếu ém/ Yều èm/ Yếu ém/ Yều èm (Yêu em…). Anh nổi tiếng đến nỗi một nam sinh ở trường tôi dạy, khi phát bệnh điên, đã làm cho cả trường cười rũ rượi. Mỗi lúc tan trường, với cái tên tự xưng là Trùng Dương, cậu ta đứng hát (khá hay) ở ngòai cổng trường và gào lên: “Cây cao đâu có sợ gió cả/ Trùng Dương đâu có sợ Quý Dương”. Đấy là thời mà Trần Hiếu với giọng nam trầm, hát những bài hát Nga bi tráng thật hợp, đặc biệt là bài Hò kéo gỗ trên sông Volga. Nhưng Tân Nhân với tôi bao giờ cũng mới.
Đến nỗi hôm nay đây, gặp mặt chị, câu đầu tiên tôi hỏi là: Chị ơi, ai đặt tên cho chị mà hay thế? Một cái tên tôi không hề thấy ai có, cho đến nay.
Thời gian ăn thịt những đứa con của mình_ huyền thọai cổ đại đã nói vậy. Song tôi vẫn nhận ra giọng nói, ánh mắt Tân Nhân, biểu tượng của thanh sắc một thời. Chị cười buồn, nói rằng nhìn lại, chị thấy vì nghệ thuật, chị đã sống hết mình. “Nhưng đôi khi cũng thấy cực quá em ơi, nhất là tội nghiệp cho ba đứa con…” Làm sao được, tính cách trời sinh. Cả chị và chồng chị_ thanh tao, trong sáng và thông minh, đúng với chất của dòng họ Lê Khánh_ cả hai đều xa thực tế. Nerhu từng nói: tư tưởng một người có thể thay đổi, nhưng tính cách thì không. Có một câu danh ngôn Trung Quốc cũng có hàm ý tương tự: Giang sơn dĩ biến, bản chất nan di. Chị hỏi tôi xem có biết nơi chung cư nào tốt, chị muốn bán cái nhà này đi. Chị nhớ Hà Nội, nhớ miền Bắc. Tôi bảo chị nhà Hà Nội đắt một cách vô lý, và giờ đây chắc sức khỏe chị không thể chịu nổi cái nóng Hà Nội. Chị bảo: “Ừ, trái đất nóng lên rồi. Chị mong bán cái nhà cũ đi để thừa được một ít tiền tiêu”. Nhưng chị có mua nổi khí hậu ở đây mang ra ngòai ấy không?
Khi tôi ra về giữa trưa, ngẩng nhìn thấy trên hẻm, bầu trời xanh lồng lộng, mây bồng bềnh. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu hát của Nguyễn Vĩnh Tiến nói về “Nắng to, gió to...”. Rồi nhớ đến chuyện chị gặp Bác Hồ, tình cờ móc túi mình làm rơi tiền, người ca sĩ ấy, do một liên tưởng hồn nhiên đã hỏi: “Bác ơi, Bác có tiền không ạ?” Giờ đây, con người ấy vẫn ngơ ngác giữa đời thường, giữa thực tế mới. Nhưng với tôi, chị không cũ chút nào.
Đ.A.Đ
(Đã đăng trên báo An ninh thế giới)