Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 12, 2008

Lê Cung Bắc - HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT

Đoàn làm phim Sena tại Bồ Đề Đạo Tràng

Đạo diễn Lê Cung Bắc ở Nepal


NSƯT Lê Cung Bắc

Hành hương về đất Phật



Rằm tháng giêng Mậu Tý, bộ phim Duyên trần thoát tục sẽ công chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Đạo diễn Lê Cung Bắc đã đến đất Phật ở Nepal, để quay ngoại cảnh cho bộ phim


Buổi sáng mùng 2 Tết, tại Tĩnh Tâm cốc ở nhà Lê Cung Bắc, bên tách trà thoảng hương sen, anh trầm ngâm kể công việc thực hiện bộ phim đã ảnh hưởng đến đời anh.


Khởi đầu từ nhân duyên
Từ nhỏ, Lê Cung Bắc được quy y với pháp danh Tâm Thí. Lớn lên, anh nghiên cứu nhiều kinh Phật và thầm ước ao có dịp hành hương về đất Phật. Đầu năm 2007, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đưa anh kịch bản Duyên trần thoát tục. Nội dung nói về cô gái Lệ Quyên trong chuyến hành hương đến đất Phật, một nhà sư già đã tặng cô một cuốn kinh viết bằng chữ Phạn. Dù không biết chữ Phạn nhưng khi mở cuốn kinh ra, Lệ Quyên đã thấy được những tiền kiếp của cô... Từ cái “nhân” là kịch bản phim đó, tháng 3-2007, Lê Cung Bắc cùng diễn viên Việt Trinh (vai Lệ Quyên) và đoàn làm phim Sena lên đường sang Nepal.


Nửa tháng ở đất Phật, đoàn làm phim đã quay ngoại cảnh ở Lâm Tỳ Ni – nơi Phật sanh; Bồ đề đạo tràng – nơi Phật đắc đạo; vườn Lộc Uyển – nơi Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên; núi Linh Thứu – nơi Phật thuyết pháp; Câu Thi Na – nơi Phật nhập niết bàn. Ngoài những cảnh quay sử dụng cho phim Duyên trần thoát tục, đoàn đã quay thêm rất nhiều cảnh để làm bộ phim tài liệu Hành hương về đất Phật sẽ phát hành vào dịp lễ Phật đản năm nay.


Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, có một cảnh quay mà anh nghĩ do “duyên” mới có được. “Đó là buổi chiều sau khi quay xong cảnh ở Bồ đề đạo tràng, chúng tôi chuẩn bị trở về khách sạn để nghỉ thì thấy rất đông người kéo đến. Người hướng dẫn gốc Ấn Độ đi hỏi một vị sư rồi cho chúng tôi biết đêm nay có lễ lớn. Phật tử khắp nơi trên thế giới về đây làm lễ. Chúng tôi đã ở lại. Đêm đến, mấy chục ngàn người thắp nến sáng rực rỡ, tụng kinh thành kính, lễ ngũ thể đầu địa (lạy nằm dài, đầu chạm đất). Chúng tôi đã có dịp phỏng vấn một số nhà sư đến từ Thái Lan, Lào, Sri Lanka... Cảnh ấy dù có tiền cũng khó mà thực hiện được”.
*
Đến luật nhân quả
Cuối của bộ phim Duyên trần thoát tục là cảnh cô Lệ Quyên ngồi trên thuyền trôi trên sông Hằng và nghiệm ra rằng: Tất cả mọi việc trong đời đều do nhân quả, đúng như lời Phật dạy: “Muốn biết nhân kiếp trước hãy nhìn cái quả của kiếp này. Muốn biết cái quả của kiếp sau, hãy nhìn cái nhân của kiếp này”.


Tôi hỏi Lê Cung Bắc về vai diễn của Việt Trinh. Anh cho biết: “Việt Trinh đóng rất đạt vì đó là tâm nguyện của cô. Cô đã ngộ ra nhiều điều. Nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ để hướng tới cái tốt đẹp hơn. Như một câu kinh Phật: Biển khổ mênh mông, quay đầu lại thấy bờ.”


Còn đối với Lê Cung Bắc, sau chuyến hành hương về đất Phật, anh đã thay đổi cái nhìn về mình và về người. “Về mình, tôi sẽ sống bớt tham sân si (chấp ngã). Vì còn chấp ngã là còn tạo nghiệp, còn sinh tử luân hồi. Về người, tôi sẽ sống hỉ xả hơn. Trước giận mười phần giờ chỉ còn một, hai vì nghĩ nguyên nhân đó do mình tạo ra nên người ta mới làm việc đó”. Bộ phim Duyên trần thoát tục mang thông điệp: Nếu sống bằng tình thương (từ bi hỉ xả), con người sẽ có hạnh phúc. Và 2/3 tiền thu được của bộ phim sẽ dành để giúp đỡ trẻ mồ côi ở Việt Nam, Ấn Độ, Nepal.



Khi chia tay, đạo diễn Lê Cung Bắc tặng tôi một chiếc lá bồ đề anh hái từ cội bồ đề nơi đức Phật ngồi đạt đạo. Anh mỉm cười không nói gì. Anh muốn chiếc lá sẽ giúp tôi hiểu về đời đức Phật, về tâm nguyện của anh hay về nhân duyên?


Thạch Biền

09-02-2008

http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/nguoi-cua-cong-chung/214792.asp
READ MORE - Lê Cung Bắc - HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT

NGỤY NGỮ

NGỤY NGỮ



Giữa bao la

Gõ súng ta ca lời Nịch Trích

Ba năm em trắng với cây rừng

Lòng vui buồn cũ cơ hồ bạc

Thêm chút men nồng cho hư không.



Cỏ biếc cũng như trời thuở đó

Lang thang đi giữa lá hoa rừng

Thiên thu là một mầm sương lạnh

Tụng giữa nghêu ngao tình Huệ Trung.



Em có thương xiêm về mặc lại

Đêm xưa ta rớt chén bên đời

Đêm xua áo lệch lời quên nói

Bởi suốt nghìn sau còn mây bay.



Ôi nhịp ca xang hồ mất trí

Ơi, hỡi tiếng hát tạ niềm xưa

Thổi chút men cay vào chuyện kể

Ba năm ta sống gởi ăn nhờ.


http://www.thanhtung.com/modules.php?name=Pages&go=page&pid=604
READ MORE - NGỤY NGỮ

HỒ SĨ VỊNH

Hồ Sĩ Vịnh, Nhà lý luận phê bình
(Bút danh khác: Hiếu Giang)

* Tên khai sinh: Hồ Sĩ Vịnh, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1933 tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Hiện ở tại xóm Ao Sen, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã học trên đại học. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990).
* Hồ Sĩ Vịnh tham gia cách mạng từ năm 1947, là nhân viên quân báo trong quân đội 1956 - 1963, học Đại học Tổng hợp Hà Nội và thực tập sinh tại Đại học Lômônôxốp, Maxcơva. Từ 1963 nghiên cứu văn học và làm báo tại Viện Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin.

*Tác phẩm đã xuất bản: A.X Puxkin (chân dung văn học, 1983); M. Gorki với văn nghệ dân gian (1985); Lênin và người nghệ sĩ mới (1985); Tìm về bản sắc dân tộc trong văn hóa (1983); Văn hóa vì con người (1983); Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (1993).


TRIẾT HỌC VĂN HÓA – MỘT TIỀM NĂNG

NGHIÊN CỨU VĂN HÓA CON NGƯỜI

Hồ Sĩ Vịnh



Vào những năm 80 (thế kỷ XX) những vấn đề triết học văn hóa được các nhà khoa học Xô Viết ứng dụng và phát biểu theo quan điểm macxít. Người ta thường thảo luận, lật trở hai vấn đề cơ bản: Cái gì kiến tạo nên văn hóa với tư cách là một chỉnh thể, cấu trúc của nó là gì? Mục đích, sứ mệnh, ý nghĩa của văn hóa, của từng hình thái và hiện tượng văn hóa nằm ở đâu?


1. Bản chất của văn hóa là hòa giải

Hòa giải là triết lý của phát triển được hiện diện qua nhiều thời đại, ở nhiều nền văn hóa. Trong thời đại chúng ta, khi mà thế giới chịu sự tác động của tính toàn cầu tạo nên một bức tranh nhiều mảng màu đối nghịch: Một cực là các công ty độc quyền xuyên quốc gia và nhóm nhỏ nước giàu áp đặt, cưỡng đoạt các nước nghèo trong nhiều thập kỷ qua không đem lại thịnh vượng như đã hứa; còn cực kia là một nửa dân số sống trong nghèo khổ. Một tỷ người thất nghiệp hay thiếu việc làm tại hầu hết các nước. Từ đó những ý niệm và phát triển trái ngược nhau: sự tập trung kinh tế, thương mại, mậu dịch, bảo vệ môi trường, chống khủng bố... nhưng lại phân ly về chính trị, văn hóa, tôn giáo. Có ba nhân tố để bênh vực cho sự hiện diện và sự can thiệp của tác nhân hòa giải đối với phát triển: Khoảng cách về các giá trị cơ bản giữa văn hóa phương Đông văn hóa phương Tây; sự khác biệt về văn hóa, về tôn giáo sinh ra sự khác biệt về chính sách thương mại, kinh doanh, bảo vệ môi trường; sự tiến bộ của xã hội không thể chỉ đo bằng trình độ công nghệ, mức sống mà còn bằng những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, sự ổn định chính trị, sự tự do tôn giáo.

Lịch sử Việt Nam chỉ ra rằng, văn hóa hòa giải là một giá trị, có truyền thống lâu đời của cộng đồng đa dân tộc. ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc không chỉ là động lực của con người mà còn là vũ khí tự vệ, một nét dáng của văn hiến giữ nước. Dẫu vậy thì “Gươm núi Sóc, cọc Bạch Đằng” là chuyện bất đắc dĩ. ở thế kỷ XV, Lê Lợi, Nguyễn Trãi trước, sau vẫn dùng chính sách “tâm công” để đối xử với các nước lớn:

Sửa hòa hiếu cho hai nước,

Tắt muôn đời chiến tranh...

Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh

(Phú Núi Chí Linh)

Âm hưởng đó ta đọc được trong Bình Ngô đại cáo: Rút cục, lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo hoặc: Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng (1).

Truyền thống đó còn tìm thấy ở thời đại Quang Trung, nơi hội tụ nhiều hiện tượng văn hóa rực rỡ. Chính sách hòa hiếu không chỉ là sách lược, mà còn là bản chất của chế độ chính trị. Chiếu dụ các quan văn và cựu triều, Chiếu cầu hiền là những thông điệp ngoại giao, mềm dẻo, thu phục lòng người. Chính sách hòa hiếu cùng với đường lối dân vi bản, tư tưởng nhân nghĩa là hợp với ý trời, thuận lòng người làm cho nhân dân đời đời thái bình, là phương lược nhìn xa trông rộng, để ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta, mà trước tiên là các nhà hoạch định chiến lược vĩ mô, đã có ý thức tiếp thu có sáng tạo truyền thống hòa giải của cha ông. Nhiều nhà tư tưởng phương Tây cho rằng, Việt Nam thắng được hai đế quốc to là nhờ biết dựa vào chiều dày truyền thống văn hóa, điều mà kẻ thù xâm lược không hình dung nổi. Điều đó đúng. Chúng ta biết phát động chiến tranh tự vệ, biết đánh thắng và biết kết thúc chiến tranh. Chúng ta còn biết tạo ra những điều kiện để hòa giải, nếu cần. ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc hòa giải là hết sức minh bạch: Chấp nhận đối thoại giữa các chính kiến; Khoan hồng đại độ đối với kẻ thù đã thua trận; Rộng lượng, khoan hòa đối với mọi tầng lớp nhân dân; Chính sách đại đoàn kết với các dân tộc anh em; Tôn trọng sự tự do tôn giáo và tín ngưỡng; Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bản chất hòa giải còn hiện diện ở nhiều hiện tượng văn hóa. Sau đây là hai ví dụ:

Ví dụ 1: Đạo đức Hồ Chí Minh và việc tiếp nhận Nho, Phật, Đạo. Có lần Hồ Chủ tịch viết: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học”(2). Đối với Phật và Đạo giáo, Người cũng có những kiến giải tương tự. Theo tôi, đạo lý dân tộc chính là cơ sở để Hồ Chí Minh tiếp nhận những mặt tích cực của tam giáo. Nho giáo là triết học nhập thế, chủ trương mọi người ai cũng phải lấy tu nhân làm gốc, đề cao học vấn, lễ giáo, truyền thống trọng học, trọng tài. Phật giáo tuyên ngôn: từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, coi trọng nếp sống đạo đức, trong sạch, làm điều thiện, tránh điều ác, đề cao lao động. Đạo giáo khuyên con người sống cao thượng, không màng lợi ích vật chất, vì một chủ nghĩa nhân văn tiến bộ. Sống giữa thiên nhiên, hòa quyện vào thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm cảm hứng sáng tạo.v.v..., đó là đạo đức Hồ Chí Minh nhờ ảnh hưởng đạo giáo.

Ví dụ 2: Lễ hội là một hiện tượng văn hóa hòa giải. Lễ và hội vốn là hai phạm trù khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Lễ là tôn giáo, là tín ngưỡng. Hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tôn giáo là niềm tin, nhưng thường nhuốm màu huyền bí. Còn vui chơi, ca hát là chuyện thế tục. Vậy mà ở hai hình thái văn hóa này: thiêng và tục; đạo và đời; duy lý và duy cảm; trí tuệ và tâm linh lại hòa quyện vào nhau dễ dàng để hướng tới Cái cao cả, Cái thiện, Cái mỹ. Chính nhân tố hòa giải đã làm cho hai dòng nghịch lưu hòa nhập làm một, làm cho dòng chảy văn hóa lễ hội mang ý nghĩa triết lý, ý nghĩa xã hội đối với đời sống đương đại.


2. Cấu trúc động của nền văn hóa tiên tiến

Nói đến bản chất của nền văn hóa, các nhà văn hóa sử thường tìm đến đặc trưng, đặc biệt là những đặc trưng bền vững. Còn cấu trúc, thì phải đi tìm những nhân tố mở, động, uyển chuyển. Chúng khác nào những lớp phù sa bồi đắp dòng chảy văn hóa dân tộc, từ đời này sang đời khác tạo nên bản sắc, bản lĩnh, cốt cách của nền văn hóa đó. Phải mất nhiều năm, qua kiểm nghiệm thực tiễn trong nước và trên thế giới, chúng ta mới chọn được mô hình động của nền văn hóa tiên tiến, mà cấu trúc có thể gồm bốn đặc trưng sau:

2.1. Nền tảng tư tưởng triết học phù hợp với xu thế thời đại. Nền văn hóa Việt Nam từ sau Đề cương văn hóa 1943 được xây dựng trên cơ sở triết học - mỹ học Mác - Lênin với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng; về sau là ba nội dung: dân tộc, hiện đại, nhân văn đã tạo nên một cấu trúc động hướng về phía trước. Có người nói: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc về nền văn hóa đương đại. ở đây có sự gặp gỡ kỳ diệu giữa chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc mà biểu tượng số một là Hồ Chí Minh.

2.2. Nền văn hóa bao chứa những giá trị bền vững của truyền thống dân tộc được phát huy theo hướng Chân, Thiện, Mỹ. Một trong nhiều giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống tôn trọng con người, tôn vinh những người có đức độ, tài năng. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa gọi các văn nhân, kẻ sĩ, danh nho là hiền tài, hiền triết, hiền nhân, quân tử. Phẩm chất nổi bật của người hiền tài là ở chữ Nhân, “nhân tâm thế đạo”. Nếu như văn chương là sự nghiệp của nghìn đời (Văn chương thiên cổ sử như câu thơ của Đỗ Phủ) thì mỗi kẻ sĩ phải tôn trọng bốn cái gốc để lập thân: đức hạnh, chính sự, ngôn ngữ, văn chương. Văn hóa chính là sự chưng cất những phẩm chất, đạo đức, trí tuệ của con người. Triết lý “phi trí bất hưng” chính là ở đó.

2.3. Nền văn hóa có số đông dân đạt trình độ học vấn khá; trình độ dân trí cao; kỹ năng công nghệ đủ sức phát triển kinh tế - xã hội. ở hai bình diện sau, hiện nay có nhiều hiện tượng đáng lo ngại: Tâm lý vọng ngoại vô cớ của một bộ phận thanh thiếu niên; kiến thức về luật pháp nói chung và về luật lệ giao thông nói riêng còn kém; văn hóa ứng xử nơi công cộng, thị hiếu nghệ thuật lành mạnh, các giá trị truyền thống.v.v... chưa được nhiều người dân coi trọng. Nhiều con em các dân tộc thiểu số không biết tiếng dân tộc mình, thờ ơ hát múa làn điệu dân tộc, ngại ngùng mặc y phục dân tộc trong dịp lễ hội. Thực trạng này đang đòi hỏi hàng loạt biện pháp nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực.

2.4. Nền văn hóa được hiện đại hóa. Có thể có ba nội dung. - Mục tiêu của văn hóa là xây dựng con người Việt Nam có tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh. Đó là con người văn hóa, là động lực và mục tiêu của phát triển. Mọi hoạt động sáng tạo văn hóa phải làm dày lên lớp văn hóa nhân bản, làm mỏng dần lớp văn hóa hưởng thụ, phi nhân tính. - Coi trọng đúng mức những giá trị tinh thần, giá trị văn hiến dân tộc. Hiện đại hóa văn hóa chỉ có thể đi vào cuộc sống suôn sẻ, khi triệu triệu con người lao động biết tìm hiểu, khám phá, đi sâu vào biển kiến thức của nhân loại. Nhiều dự báo cho biết, ở thế kỷ XXI, trí thông minh, sức tưởng tượng và trực giác của con người vẫn tiếp tục quan trọng hơn máy móc. - Trong văn hóa, để hiện đại hóa được thực hiện cần đổi mới công nghệ in, công nghiệp giấy, thiết bị điện ảnh, thông tin đại chúng, xây dựng các thiết chế tầm quốc gia, quốc tế. Hàng đầu của quá trình hiện đại hóa còn là môi sinh văn hóa.

Nhiều năm gần đây người ta nói nhiều đến xung đột giữa các nền văn hóa. Có hai dạng xung đột dưới góc nhìn văn hóa: Sự tràn ngập hận thù giữa các sắc tộc, sự mất ổn định ở một số khu vực, sự lên ngôi của một vài tôn giáo lớn làm biến dạng nền văn hóa. Xung đột thứ hai diễn ra giữa con người và thiên nhiên do quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, chính sách văn hóa và sự quản lý văn hóa cũng cần được coi trọng. Bởi vì trung tâm của chính sách văn hóa và quản lý văn hóa là con người, là đội ngũ trí thức; bởi vì văn hóa nói cho cùng là quang phổ hoạt động của con người, mà người đại diện cho văn hóa dân tộc là giới trí thức.


3. Triết học văn hóa trong mối quan hệ giữa văn học và lịch sử

Lịch sử văn học là phân hệ của lịch sử văn hóa. Văn học của một chế độ nhất định được quy định về mặt lịch sử các hiện tượng văn học, các tác phẩm, các giai đoạn và mọi giá trị văn học diễn ra trong thời kỳ đó. Trên thế giới chưa ai lấy một niên biểu văn học làm cột mốc để phân kỳ lịch sử văn hóa. Văn hóa trong trường kỳ lịch sử là dòng thác sáng tạo và thích nghi chảy suốt, có bên lở, bên bồi. Người ta nói văn học triết luận hơn lịch sử được thể hiện ở những tuyên ngôn của tác giả, ở phát ngôn tổng kết của nhân vật, ở hình tượng cảm nghĩ trong thơ trữ tình... Nhà viết sử ghi lại trung thực những hiện tượng xảy ra trong quá khứ dưới dạng từng phần, có lúc, có nơi đầy ắp sự kiện, nhân vật, số liệu, không có gì toàn vẹn và gắn bó với nhau cả; phải tinh lắm mới thấy được mối liên hệ giữa chúng. Còn nhà văn viện dẫn lịch sử qua sự chọn lọc, khái quát hóa, sắp xếp những cái vốn rời rạc, thúc đẩy mối quan hệ xuất hiện giữa các nhân vật với mục tiêu sau cùng là tìm được triết học văn hóa của các hiện tượng xã hội - lịch sử. Trong Truyện Kiều, sư Tam Hợp thuyết minh số phận của nàng Kiều thực chất là triết luận của Nguyễn Du về đạo trời và lòng người:

Sư rằng, phúc họa đạo trời

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cõi phúc, tình là dây oan



Những triết luận trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc đều bắt nguồn từ nhu cầu xã hội. Lịch sử văn hóa giữ nước và dựng nước của dân tộc ta cho hay rằng, nếu như từ thế kỷ XVIII trở về trước, vấn đề tồn tại hay không tồn tại đặt ra gay gắt, thì từ đó và về sau vấn đề tồn tại như thế nào mới được đặt ra trong nhiều tác phẩm lớn. Trong Chinh phụ ngâm chủ nghĩa nhân văn mới của nhà văn được thể hiện ở nhu cầu tự do cá nhân, khát khao hạnh phúc, sánh nhau cùng dan díu chữ duyên. Tiếng nói phản kháng chiến tranh phi nghĩa đối lập với lý tưởng công danh của người chinh phu (Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong). Quan niệm quả - phúc của Phật giáo cũng được lý giải thiết thực hơn: Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.v.v...

Nói văn học dựa vào lịch sử, nhưng văn học trường tồn bất chấp sự thay đổi chế độ chính trị là nhờ hình tượng tính cách và những vấn đề triết học văn hóa hiện diện trong tác phẩm. Nói văn học triết luận hơn lịch sử không có nghĩa là đề cao cái này, hạ thấp cái kia, mà trái lại, muốn nêu được đặc trưng nổi trội của mỗi loại hình khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc, làm nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc, tính cách con người Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

_______________

1. Nguyễn Trãi, Thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.242, 248, 249.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.46
READ MORE - HỒ SĨ VỊNH