Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 23, 2019

DƯ ÂM NHỮNG NGÀY VUI - Phan Quỳ




DƯ ÂM NHỮNG NGÀY VUI

Những ngày vui đã qua sao dư âm còn mãi thế nầy?
Xuân nầy khác hẳn mấy xuân xưa vì chúng mình đã có những phút giây thật đặc biệt, thật nao nức rộn ràng và ấm áp tình thân. Tình thầy nghĩa bạn và niềm vui hội ngộ sum vầy của tất cả chúng ta.
Ngày xuân với mai đào sắc thắm cùng áo trắng ngây thơ một thời về lại trong rộn rã mừng vui, trong ánh mắt reo cười và bắt tay nồng ấm. “Dạ Thầy, Thầy có khỏe không. Em vừa về tối hôm qua. Ô lâu lắm rồi mình mới gặp lại bạn. Ô mình ngóng tin bạn mãi từ ngày ấy. Mấy mươi năm rồi còn gì...” Có những bạn chỉ thấy quen quen, có những bạn chỉ thấy cười cười, mình quên mất tên ... rồi chuyện trò , rồi nhắc .. “à vậy hở”... rồi ôm chầm lấy nhau mà nghe tình thân lan tỏa.
Rồi chúng mình cùng hát, rồi chúng mình cùng ca: Ngồi lại bên nhau nầy bạn thân ơi, ngồi lại bên nhau cùng hát ca... áo trắng quây quần, ánh đèn nhấp nháy và tiếng nhạc vang lên ... chúng mình nhớ những ngày xa xưa ấy với bao lần hội diễn văn nghệ cuối năm. Ai biết rằng chúng mình đã đến độ tuổi nầy và khi chị Thu Học cất cao tiếng hát : “Khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào vương trên tóc Thầy...” chúng mình nghe lòng xúc động quá đi thôi. Dáng người mảnh dẽ, giọng hát êm êm. Mình thấy hạnh phúc và yêu lắm phút giây nầy.
Phút giây được trở về với miền ký ức mờ xa mà rực rỡ, nhẹ nhàng mà lắng sâu của những vấn vương tình mộng ấy: Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay. Ôi dễ thương lạ lùng khi tà áo trắng bay bay trong khung trời tiếc nhớ. Thương ơi một thuở, biết nói chi nguôi, em mĩm môi cười, anh mang nỗi nhớ. Tiếng hát Kim Phượng sâu thẳm và đầy quyến luyến nhớ nhung. Chiếc giỏ xe và màu hoa rực thắm ép vào trong tim, ánh mắt ngại ngần thương trao bên hàng cây gầy năm nao và dáng em nho nhỏ trong làn bụi đỏ, để mình còn thương nhau vạn thuở chưa nguôi. Chao ơi là nhớ, biết mấy là thương, mối tình thơ dại thuở học trò năm ấy còn vang vọng đến hôm nay...
Không gian như chìm lắng, ngưng trôi khi cô học trò nhỏ xa quê từ lâu lắm cất lên nỗi lòng: về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi, tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đây... bao nhớ thương cùng lan tỏa khi Thanh Hà vượt ngàn trùng về đây như về dưới mái nhà mình để tỏ bày tâm sự.
Và rồi những phát biểu chân tình ấm áp của Thầy Hồ Ngọc Thanh, thầy Huy Vỹ, bạn Trần Vượng, bạn Trường Chinh đã đưa ta về với những kỷ niệm êm đềm ngày xưa ấy và bao bồi hồi luyến nhớ của buổi hôm nay.
Ôi ngôi trường thân yêu, thầy cô kính mến, bạn bè quấn quýt của một thời và mãi mãi. Và thế là tất cả chúng mình đều lên sân khấu và hát vang: ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, nhấp chén đầy vơi chúc người người vui. Chưa bao giờ dàn đồng ca của thầy Lý văn Nghiên lại đông vui, hùng hậu như thế nầy. Niềm hân hoan ngày xuân đoàn tụ dâng lên trong ánh mắt, trong nụ cười, trên cánh tay trao nhau nhịp nối những bờ vui.
Rồi tiếng hát trầm ấm của bạn Khắc Thanh tiếp nối chương trình: tha thiết mong tìm về bạn cũ, nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Ừ thì chúng mình đã từng mịt mùng bạt gió, chúng mình đã từng xa khuất nghìn phương nhưng hôm nay được về đây để nâng chén men say như là một bù đắp vậy Thanh ơi.
Chúng mình hãy vui nhé và cùng tung tăng như thời con gái trong tà áo dài duyên dáng. Chúng mình đã quên đi những nhọc nhằn tuổi tác để cùng catwalk. Bao bạn mình vẫn xinh đẹp như xưa, vẫn nền nã thướt tha và điệu đàng như thuở nào tươi trẻ. Mình nghe lòng vui quá là vui và thầm ngưỡng mộ và ước ao. Các chị, các bạn thật tuyệt , ai đâu ngờ rằng chúng mình đã trải qua biết mấy thăng trầm dâu bể. Hãy giữ mãi nụ cười xinh tươi nầy nhé, hôm nay và mãi về sau, hỡi những người chị, người bạn thân thiết của mình ơi. Bao ống kính quay quay, mấy ánh đèn nháy nháy, và những tấm hình quý giá lưu lại cho đờì người.
Và đây là giọng ca của Thầy Hạnh vang lên tha thiết và đầy nhớ thương về một thời xa vắng: lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi nhắc lại câu chuyện buồn, trường còn kia ôi mái đổ tường rêu bao kỷ niệm êm ái, đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ... nỗi nhớ nhung bàng bạc lắng sâu da diết và ngọt ngào trong tâm khảm mỗi một chúng ta về một thời hoa niên tươi sáng và dòng lưu bút còn vương màu mực tím trong tim .....
Thật bất ngờ khi chị Quang Tuyết và bạn Trường Chinh đã thay đổi không khí bằng một tấu hài thật vui, thật duyên. Mình nhìn chị ấy mà lòng thật cảm mến. Chị luôn tràn đầy năng lượng để truyền thêm cho chúng mình. Q yêu chị nhiều, chị biết không?
Hôm nay một lần nữa chúng mình được thưởng thức giọng hát của thầy Lý Văn Nghiên. Thầy vẫn trầm hùng và ấm áp như xưa bất chấp thời gian và tuổi tác, đong đầy hoài niệm luyến lưu: Đường xưa lối cũ có bóng tre bóng tre che thôn nghèo, đường xưa lối cũ có ánh trăng ánh trăng soi đường đi.... Bao lần mình nghe ca khúc nầy là bấy lần mình nghe man mác chạnh buồn xa vắng mênh mông... Thầy kính yêu ơi, mong rằng Thầy hãy còn nhiều lần nữa vui vầy cùng chúng em.
Thế rồi chúng mình trở lại với không khí ngày xuân với tứ ca Xuân họp mặt của Bạch Hoa, Hải Táo, Kim Phượng và Hải Duyên.Trông các bạn ấy thật nhí nhảnh với nhạc Văn Phụng rộn rã tươi vui. Chúng mình như trẻ lại phút giây nầy.
Bây giờ là phần góp mặt của chị Phương Ánh, chị Thu Học và bạn Thanh Hà. Tam ca ba miền thật duyên, thật chuyên nghiệp với các giọng ca Bắc Trung Nam thật tuyệt vời. Chúng mình ngưỡng mộ quá đi thôi.
Bạn Trọng Tâm tiếp tục chương trình với nhạc phẩm Làng tôi, giọng bạn ấy vẫn hay như thưở nào: Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh có sông sâu lơ lững vờn quanh... hẳn trong chúng ta ai cũng có một ngôi làng để nhớ về, một nơi thật ấm áp thương yêu.
Và rồi Đoàn Lữ nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một sự kết hợp thật vui nhộn và tuyệt vời giữa chị Quang Tuyết, chị Phương Ánh, chị Thu Học và các bạn mình. Không gian bừng lên nhộn nhịp và sôi động : ra đi khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi, người đi khúc nhạc chơi vơi, rắc khắp nơi kìa rắc khắp trời vang vang khúc nhạc yêu đời.... nào đàn, nào kèn, nào trống, nào xập xình lúc lắc. Mối người mỗi vẻ, duyên quá là duyên, nhộn ơi là nhộn, cả hội trường rộn rã tươi vui và những tràng pháo tay không dứt. Chúng mình tuổi sáu bảy mươi mà ngỡ như còn mãi những ngây thơ...
Tiếp nối chương trình là phần dạ vũ. Ô anh chị Tường Sâm nhảy thật đẹp, thật điệu nghệ. Mình nhìn mà thích quá. Ai cũng làm được một điều gì đó, còn mình thì sao ???
Chúng mình hòa cùng nhịp điệu Paso với Thanh Hà, Ô mê ly của Ns Văn Phụng. Trông bạn ấy thật khỏe khoắn, vững vàng và điêu luyện. Mình lại nghĩ đến mình, nhưng thôi...
Chúng mình có cặp song ca Lê Uyên Phương của Đông Hà là Hoài Cảm và Thanh Trúc góp mặt với một điệu Bebop Một ngày vui mùa đông. Hai em hát bè thật hòa quyện và rất lí lắc dễ thương trên sân khấu chúng mình.
Anh Công Danh từ Huế về có giọng nam trung thật tuyệt với bản Tango Tình cho không biếu không. Ô mình thích điệu tango nầy ghê.
Hôm nay anh Quang Tạo và anh Thanh Châu xuất hiện cùng nhau với với một điệu Rock Have you ever seen the rain. Ô hai anh hát hay quá đi và phong cách biễu diễn thật trẻ trung bất ngờ. Mình nghĩ đến ngày xưa hai anh đã từng nhiều lần trên sân khấu thế nầy mà nghe lòng đầy thương mến.
Chương trình được tiếp nối với một điệu Tango thật dễ thương của chị Quang tuyết Bóng chiều xưa. Boston nhẹ nhàng mà da diết Ngày nào biết tương tư của em Diệu Oanh, Bossa Mùa xuân trong đôi mắt em êm dịu và ngọt ngào của em Ngọc Liên, Hạnh phúc lang thang Boston thật tuyệt của chị Bích Ngọc từ Huế về. Chị ấy có giọng hát thật truyền cảm thiết tha. Ôi ước gì...
Thanh Phương vẫn như thưở nào với Twist sôi động Nếu có yêu tôi, Cha cha cha Quin sera của Kim Phượng làm tất cả chúng mình đều đứng lên hòa nhịp. Liên khúc Twist 60 năm cuộc đời , Cớ sao buồn nè Kim vẫn vang lên đầy sôi nổi, hào hứng và phấn khích khi đêm đã về khuya mà chúng mình cứ muốn còn mãi những nhịp vui. Vòng tay nối lại những vòng tay, thân ái và thiết tha, luyến lưu và bịn rịn, chúng mình không muốn giã từ, chúng mình không muốn kết thúc, ơi đêm vui còn mãi trong ta, mong ước đêm vô vùng với niềm vui vô tận..... ơi đêm ơi.
Ngày mai quý Thầy và các bạn lại lên đường về lại nơi quê hương thứ hai mình đã chọn, để lại Đông Hà Quảng Trị chúng em nhiều nỗi luyến lưu cùng thương nhớ. Chúng em sẽ ghi mãi trong tâm những khuôn mặt, những dáng hình thân thương của ngày hôm nay như một phần ký ức tươi đẹp và thật hạnh phúc mỗi khi nghĩ về.
Chúng em luôn mong sao Thầy trò, anh chị em NH chúng mình an vui và còn nhiều hạnh ngộ.
Vô vàn thương mến, Nguyễn Hoàng ơi...

         DƯ ÂM NHỮNG NGÀY VUI
(Thân tặng Thanh Hà và các bạn cựu Hs NH khoá 70 -75)

Bao nhớ thương một lần gom góp lại
Dặm trời xa đâu cản bước chân về
Em rong ruổi nơi đất trời xa ngái
Rồi một ngày ấm áp bước đường quê.

Em rộn rã giữa sum vầy hội ngộ
Thầy cô đây bè bạn với tình thân
Em trở lại những ngày thơ mộng ấy
Áo trắng bay trong thơm ngát hương ngàn.

Em hát ca như bâỳ chim sẻ nhỏ
Tung cánh về nơi tổ ấm ngày xưa
Lòng reo vui như chưa tự bao giờ
Quên ngày tháng quên nếp hằn tuổi tác.

Ngồi bên nhau hát vang bài hạnh ngộ
Lý rượu mừng mà mắt ướt hoen mi
Dặn dò nhau hãy sống vui lần nữa
Rồi ngập ngừng em lại bước ra đi.

Ngày vui đến rồi thôi như gió thoảng
Nhưng ân tình còn mãi trong tim em
Bao ánh mắt mấy vòng tay êm đềm
Em mãi nhớ, Nguyễn Hoàng ơi em nhớ...

                                                       Phan Quỳ

READ MORE - DƯ ÂM NHỮNG NGÀY VUI - Phan Quỳ

GỞI CHỊ XA XÔI CẢ NỖI NIỀM - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt



                   Nhà thơ Hạ Thái


GỞI CHỊ XA XÔI CẢ NỖI NIỀM           
(Vần thơ gởi về Cổ Lũy)

Mai mốt chị về thăm vườn cũ
Chăm bón giùm em bụi mẫu đơn
Bụi hoa em trồng ngày xưa đó
Xa vắng lâu rồi mãi nhớ thương.

Ngồi đây hồi tưởng ngày thơ dại
Mái nhà xưa, giếng nước, gốc dừa,
Vầng trăng sáng lung linh giàn mướp,
Chăm chút nhau tháng nắng ngày mưa.

Thuở ấy, nhà mình cheo neo quá
Vầng khăn sớm phủ mái đầu xanh,
Mẹ mất năm em vừa lên tám
Chú út mới tròn bảy ngày sinh.

Tiếng cú canh khuya nghe não nuột
Giọng hò vang vọng nỗi xót xa
Giấc ngủ chiêm bao quầng khoé mắt
Tàn canh lạnh lẽo hạt sương sa.

Thôn xóm tiêu điều theo cuộc chiến
Mái dột tường rêu gió mong manh
Đồng không mông quạnh bấc đông lạnh
Khoai sắn chêm vào những bữa ăn.

Anh chị em mình lo tần tảo
Ruộng lúa nương khoai tự chải bương
Cảnh đời ngơ ngác gà mất mẹ
Đầu xanh côi cút lắm bi thương.

Nắng cháy trưa hè trên đồng cạn
Lạnh buốt chiều đông dưới ruộng sâu
Gò vai cao thấp đường trơn trợt
Đoạn đời gian khổ dễ quên đâu.

Ngày em vào Huế để theo học
Chị ở lại nhà buồn lắm không
Em vẫn về thăm mùa phượng thắm
Bẩy chim bắt cá nghịch gió đồng.

Mười năm đèn sách em cực khổ
Thiếu thốn đủ điều chị hiểu em
Nhà khó trăm bề đành phải khó
Kiếm chút tương lai rán sách đèn.

Em lớn lên, chị đi lấy chồng
Em mừng, em tủi chị biết không
Chị đi, lần nữa em mất mẹ
Còn đàn em nhỏ lấy ai trông.

Ngày em trở bước đời binh lửa
Sống chết cận kề giữa sớm hôm
Bốn lần thương tích em dấu biệt
Nói để mà chi, chị thêm buồn.

Rồi chị mất chồng, cháu mất cha
Em mất anh rể, thật xót xa
Em về không kịp ngày tang lễ
Ra mộ thăm anh mắt nhạt nhòa.

Đời vẫn phôi pha theo gió bụi
Em về tay trắng lại trắng tay
Mười năm gặp chị nơi vườn cũ
Chị khóc, em buồn những đổi thay.

Bây giờ xa chị ngàn vạn dặm
Lòng chạnh bồn chồn dấu vết xưa
Bấm đốt đoạn đời gian nan cũ
Chất ngất lòng em nói sao vừa.

Xin gởi chị bài thơ nho nhỏ
Vụng về chẳng biết nói gì hơn
Mai mốt chị về thăm vườn cũ
Chăm bón giùm em bụi mẫu đơn.

           Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
                         (1994)

READ MORE - GỞI CHỊ XA XÔI CẢ NỖI NIỀM - Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

TRẢ LỜI BÀI "THƯA CHUYỆN CÙNG BẠN ĐỌC..." CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyên Lạc


                                Tác giả Nguyên Lạc


TRẢ LỜI BÀI "THƯA CHUYỆN CÙNG BẠN ĐỌC...CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
                                                                Nguyên Lạc
DẪN NHẬP
Tôi xin dùng những lời của ông Đặng Xuân Xuyến (chữ nghiêng) sửa đổi vài chữ cho hợp (chữ đứng) để làm lời nói đầu và vài phần cuối bài:
"Tôi không có ý định "trả lời ông Đặng Xuân Xuyến vbài: "THƯA CHUYỆN CÙNG BẠN ĐỌC... VỀ BÀI VIẾT CỦA ... - Đặng Xuân Xuyến (https://vannghequangtri.blogspot.com/2019/02/thua-chuyen-cung-ban-oc-ve-bai-viet-cua.html” vì không muốn bị cuốn vào những tranh cãi làm phí phạm thời gian bởi mấy việc chẳng đâu vào đâu với ông, nhưng một số người bạn và các trang web thân hữu khuyên tôi nên trả lời nên tôi ngồi gõ đôi dòng.
Bài của ông Đặng Xuân Xuyến đã được đăng tải trên nhiều trang trong cũng như ngoài nước, nếu tôi không trả lời thì "bất kính", chứ thật ra tôi không có nhiều thời gian cho những chuyện như thế này, làm phiền độc giả. Nhưng chuyện chẳng đặng đừng.
Tôi lọc ra mấy điểm ông Đặng Xuân Xuyến nêu trong bài dài vài nghìn chữ: THƯA CHUYỆN CÙNG BẠN ĐỌC...”, rườm rà vì không chân thật, đầy âm mưu không hợp với hai chữ TRÍ THỨC, để thưa cùng bạn đọc.
 Tại sao không hợp với trí thức? Xin thưa: Ông Đặng Xuân Xuyến và ông Chậu Thạch, cũng là nhà binh thơ bạn ông, cùng một số fans đã hành xử vượt quá giới hạn cho phép của người TRÍ THỨC:  Không dùng "kính ngữ", mà   lại dùng "ngôn ngữ đường phố" tấn công cá nhân tôi trong tranh biện trên Facebook. Đây là những lời của các ông y mà tôi đã copy lưu tr:
-- "Với lại những người dốt nát mà háu danh thì tự kiêu tự đại, diễn đàn có góp ý đúng cũng cho sai". (Trạn Trương Văn - Châu Thạch)
-- "thằng đó đúng là ngu mà không chịu nhận ngu vì không biết nó ngu"(Đặng Xuân Xuyến)
Nên biết rằng: Ném một trái banh vào bức tường thì trái banh dội lại; ném sân si vào tường đời thì sân si cũng sẽ dội lại giống vậy, mạnh nhẹ tuy sức ném.
Quan niệm của tôi về cuộc sống riêng minh là: Không sợ người ta ghét, mà rất sợ người ta KHINH. Tại sao KHINH?: Không lương thiện với lòng.

TRẢ LỜI BÀI ÔNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Tôi sẽ lần lượt trả lời các điểm trong bài của ông Đặng Xuân Xuyến đã nêu ra để phê phán bài viết tôi :
  I.
Ông Đặng Xuân Xuyến nói:
[ ... Tôi nghĩ, hẳn khá nhiều người đều hiểu:
- Ơ là tiếng thốt ra biểu lộ sự ngạc nhiên trong những tình huống bất ngờ mà chủ thể chưa có thời gian cảm nhận để có phản ứng thích hợp.
Ví dụ: Ơ... sao ngu thế!
- ÔI là tiếng thốt ra biểu lộ xúc động mạnh mẽ trước nỗi đau đã thấm sâu hoặc trước điều không ngờ.
Ví dụ: Ôi! Hắn đểu thế!
Nếu thay chữ Ơi như bày vẽ của ông Nguyên Lạc:
“Lấy chồng! Em lấy chồng! Ơi! Lấy chồng...”
thì câu thơ thành vô duyên, ngớ ngẩn khi nhân vật trong thơ đang xót xa vì tình yêu tan vỡ.][Đặng Xuân Xuyến]
Nguyên Lạc trả lời:
-- Những lời nói này của ông Đặng Xuân Xuyến đúng, chỉ có cái là ông tự mâu thuẫn với chính mình và cũng nhập nhằng tránh né. Xin đọc lại đoạn ông khen chữ Ơ! trong bài bình thơ Phúc Toản : [“Ơ”, biểu hiện của tâm trạng bất lực, rồi buông thõng bằng câu xác tín: “Lấy chồng…” của tâm trạng thất vọng, chán chường.]
Xin nhấn mạnh lại cái chữ Ơ! ông vừa nói là biểu hiện "của tâm trạng bất lực, tâm trạng thất vọng, chán chường", sao ở đây ông lại nói "biểu lộ sự ngạc nhiên trong những tình huống bất ngờ". Thất vọng, chán chường ̣(có nghĩa là buồn đau) đâu rồi? Ch nói đến "sự ngạc nhiên"? Đây là lời ông nói : "Ơ là tiếng thốt ra biểu lộ sự ngạc nhiên..."
-- Tôi đã giải thích rõ về chữ Ơ và ƠI/ÔI trong bài viết của tôi, đây tôi đành phải giải thích lại.
Trước hết xin ghi lại 4 câu thơ:
Thật rồivẫn ngỡ là mơ
Lấy chồng! Em lấy chồng! Ơ! Lấy chồng
Gừng cay, muối mặn xát lòng
Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng
(Phúc Toản)
Thật rồi: Có nghĩa là hoàn toàn xác định người con gái đã lấy chồng. Do đó: Lấy chồng! Em lấy chồng! [ dấu chấm than (!), dấu xác nhận] có nghĩa là biết chắc chắn là người con gái đã ưng thuận lấy chồng, rồi Ơ! Lấy chồng... chỉ là sự ngạc nhiên, nó cũng giống như Ơ! Lấy chồng? - có dấu ? - (ngạc nhiên Em lấy chồng hả?) Tương tự như: Ơ! em bỏ tôi hả? Chữ Ơ! ở đây chỉ là ngạc nhiên, đâu có buồn, chưa buồn. Đúng như lời ông nói trên: "Ơ là tiếng thốt ra biểu lộ sự ngạc nhiên..." . Nếu ngay vị trí này, ta thay bằng chữ ÔI! hay ƠI! thì nó mới diễn tả đúng nỗi buồn thấm thía, nát lòng: Lấy chồng! (em đã lấy chồng!)  Em lấy chồng! (em đã lấy chồng!) Ôi/Ơi! Lấy chồng…(hỡi ôi/ơi! Em đã lấy chồng rồi) Rồi từ nỗi buồn thấm thía này mới dẫn đến các câu sau.
Ông Đặng Xuân Xuyến là nhà thơ, nhà binh thơ chắc chắn biết điều này . Nhưng ở đây có câu hỏi: Tại sao ông không nói ra? Vì lẽ gì? Nếu ông nói là không biết thì tôi không hỏi, còn nếu biết thì vì lẽ gì không nói ra? Tại sao phải "nhập nhằng"? Vậy mà ông còn chê ngược lại tôi làm "câu thơ thành vô duyên, ngớ ngẩn"
  II.
Ông Đặng Xuân Xuyến nói:
[Dân gian dùng vị mặn của muối, vị cay của gừng đưa vào ca dao, tục ngữ làm hình ảnh tượng trưng cho tình nghĩa sâu đậm, thắm thiết, khó quên của tình yêu đôi lứa, của tình nghĩa vợ chồng đã gắn bó cùng nhau trải qua những đắng cay, được mất... của cuộc đời - một tượng hình rất dân dã, chân thực mà sâu sắc. Việc nhà thơ Phúc Toản dùng vị mặn của muối, vị cay của gừng vào thơ, để xót xa mối tình khắng khít, sâu đậm bị tan vỡ đâu có sai?!]
Nguyên Lạc trả lời:
Ông Đặng Xuân Xuyến nói tương đối đúng:  "khó quên của tình yêu đôi lứa, của tình nghĩa vợ chồng đã gắn bó cùng nhau trải qua những đắng cay, được mất... của cuộc đời "
Nhưng hai người phải sống chung "thật sự" với nhau mới "trải qua những đắng cay, được mất... của cuộc đời". Nếu chỉ yêu nhau lén lút, không sống với nhau thì làm sao trải qua những đắng cay...? Ở đây cô gái vẫn sống với cha mẹ, rồi vu quy, đoạn nào nói hai người sống thật sự với nhau (ngoài vòng lễ giáo) đâu?, xin ông chỉ cho rồi hãy chê tôi:" Thật là buồn cười khi ông Nguyên Lạc ngô nghê cho rằng câu "gừng cay, muối mặn" chỉ được dùng khi trai gái đã thành vợ thành chồng"
Nói thêm vài hàng: Không biết ngoài bắc quê của ông thế nào, chứ dân quê trong nam tôi, nếu muốn sống nhau lén lút thì hai người trai gái phải dẫn nhau đi trốn khỏi làng quê họ ở. Giả dụ như sau đó cô gái tr về nhà với cha mẹ vì thấy chàng trai chẳng ra gì, hoặc cha mẹ tìm bắt lại, thì chàng trai cũng đâu có dám trở về quê mà đứng bên bờ sông nhìn theo "thuyền trôi về bến lạ". Do đó, trong ngữ cảnh của bài thơ, chàng trai và cô gái chưa từng sống gắn bó với nhau, chỉ yêu thương lén lút nên không thể có câu "gừng cay, muối mặn"

 III.
Hai chữ NỖI và NIỀM
1.
[...Hẳn ai cũng hiểu BÂNG KHUÂNG là cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, không rõ ràng khiến tâm trạng gần như ngẩn ngơ. Như thế, nếu thay chữ BÂNG KHUÂNG [...] thì câu thơ như sau
Bâng khuâng cứ nhói vào trong nỗi mừng...”
sẽ không diễn tả được tâm trạng giằng co nửa cười nửa khóc của chàng trai trong ngày đại hỷ của cô gái, chẳng khác gì việc cố tình tạo hình cho nhân vật: giữa mùa hè mặc quần đùi, khoác áo bông, chạy lông nhông ngoài đường phố...] [Đặng Xuân Xuyến]
Ông nói câu trên rất chính xác, tôi bái phục! Xin phép dựa vào ý này của ông rồi mở rộng ra so sánh chút xem sao.
BÂNG KHUÂNG là cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, không rõ ràng khiến tâm trạng gần như ngẩn ngơ:
Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ, vội dời chân đi. (Kiều) (Stratu-từ điển Việt )
Chữ "bâng khuâng" cũng hàm chứa "nỗi buồn", xem như "nỗi buồn". Vậy thì nếu ta thay thế "bâng khuâng" bằng "nỗi buồn" thì nghĩa câu thơ cũng xem như giống nhau, phải không các bạn?
Bâng khuâng cứ nhói vào trong nỗi mừng...” bây giờ thành: "Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng... "
Vì đã nói nghĩa hai câu giống nhau, nên câu mới to ra này :"Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng... " (do thay thế chữ)  đúng theo như ông Đặng Xuân Xuyến đ nói: "sẽ không diễn tả được tâm trạng giằng co nửa cười nửa khóc của chàng trai trong ngày đại hỷ của cô gái, chẳng khác gì việc cố tình tạo hình cho nhân vật: giữa mùa hè mặc quần đùi, khoác áo bông, chạy lông nhông ngoài đường phố...]
Đúng là "giữa mùa hè mặc quần đùi, khoác áo bông, chạy lông nhông ngoài đường phố..." Cám ơn ông đã nói giùm tôi.
Cái rắc rối là do hai chữ NỖI MỪNG: Phải không có nó, phải thay thế nó bằng chữ thích hợp thì mới không có vấn đề, còn có cụm từ “nỗi mừng” là bài thơ còn có vấn đề.
Cám ơn ông lần nữa đã đồng thuận với tôi và còn giải thích rõ thêm. Đây xin mời độc giả đọc đoạn trích từ bài viết của tôi:
[...Tóm lại, còn có cụm từ "nỗi mừng" là bài thơ còn có vấn đề, phải thay thế nó bằng cụm từ nào đó thích hợp với ý t bài thơ để dự phòng những rắc rối ngoài muốn xy ra như tôi đ nói trên...]
[... Theo tôi (xin nói chỉ là chủ quan) phải thay ch"nỗi mừng" bằng chữ nào khác phù hợp với tứ bài thơ để giải quyết các vấn đề nêu trên:
Thí dụ như dùng chữ bâng khuâng ta gii quyết được điệp từ và chuyện rắc rối lẫn lộn giữa buồn/mừng nêu trên. Lúc này câu thơ s như thế này:
Bâng khuâng cứ nhói vào trong nỗi buồn...
Đây chỉ là thí dgợi ý,  quyền là ở tác giả bài thơ, ông là người "sáng tạo"...][Nguyên Lạc]
2.
Có vài điều xin được hỏi ông Đặng Xuân Xuyến:
-- Trong câu thơ tôi đề nghị thay thế hai chữ "nỗi mừng" bằng chữ thí dụ như "bâng khuâng", câu thơ đề nghị khi được thay thế cuối câu là "nỗi buồn", sao khi ông trích dẫn lại "cố tình" ghi là NỖI MỪNG? Đây là câu thơ khi thay thế của tôi: "Bâng khuâng cứ nhói vào trong nỗi buồn...". Còn ông ghi : “Bâng khuâng cứ nhói vào trong nỗi mừng...”
Có ý gì không ông khi thay thế chữ "nỗi buồn" của tôi bằng chữ "nỗi mừng"?
-- Ông đã biết rõ s"bất cập" của chữ NỖI MỪNG và NỖI BUỒN ở trong câu giống như tôi nghĩ, vậy sao ông không nói ra? Vì lẽ gì? Giống như ở phần bàn về chữ Ơ! trên.
-- Ông có cần tôi nói thêm về việc ông chỉ ghi ra các câu comment của ông và cố tình không trích dẫn ra các câu của tôi không?
 IV.
Ông Đặng Xuân Xuyến nói:
 "Ông Nguyên Lạc sử dụng na ná kiểu "Sơn Đông mãi võ", “lên gân dạy đời” dành cho những nạn nhân không chỉ là nhà phê bình văn học Châu Thạch, nhà thơ Phạm Ngọc Thái hay Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, Phó giáo sư Phó tiến sĩ Bùi Hiền,... "
"quy chụp tôi là kẻ nịnh nọt, mắc bệnh cuồng vĩ như ông đã từng chụp mũ ông Châu Thạch, ông Phạm Ngọc Thái trong 2 bài viết mà nhà thơ La Thụy đã vô tình chuyển qua email tới tôi."
Nguyên Lạc trả lời:
-- Tôi xin xác nhận tôi có phê phán ông Phạm Ngọc Thái mắc chứng bệnh vĩ cuồng (chứ không phải cuồng vĩ ) Tôi phê phán vì ông ta tự cho mình là NHÀ THƠ LỚN THỜI ĐẠI, THI BÁ, MỘT NHÀ KIỆT TÁC THƠ TÌNH, vân vân... và ông ta bình một bài thơ của nữ thi sĩ rất trẻ, một bài thơ rất bình thường với ngôn từ có vấn đề như: Quật mồ, cướp, tranh thủây là "văn" nói - đọc tới những chữ nầy sao tôi thấy “rợn tóc gáy”) vậy mà ông Phạm Ngọc Thái lại khen là tuỵêt vời và so sánh với BẢN TÌNH CA XÔ-NÁT (Sonata).
-- Tôi đã phê phán hai ông Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, Phó giáo sư Phó tiến sĩ Bùi Hiền: Hai ông này thì chắc không cần giải thích. Đây là lời của tôi:
"Đừng như hai ngài Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại và Phó giáo sư Phó tiến sĩ Bùi Hiền, những người mắc bệnh VĨ CUỒNG (mégalomanie, megalomania) muốn làm mai một nó (Mai một tiếng Việt)" (CẢI CÁCH TIẾNG VIỆT - “KẢI KẮQ (CẢI CÁCH) TIẾQ VIỆT” CỦA CỤ FÓ GS/TS (GIẤY) "BUỒI" HIỀN
-- Đoạn nào tôi "quy chụp Đặng Xuân Xuyến là kẻ nịnh nọt, mắc bệnh cuồng vĩ như ông đã từng chụp mũ ông Châu Thạch". Ông Châu Thạch thì tôi có phê phán về việc ông chia ra 2 loi thơ Đường: "Thơ Đường hiện đại" và "thơ Đường hậu hiện đại", vì làm gì có "thơ Đường hậu hiện đại": Thơ Đường là thơ Đường. Chính điều này ông ta đã thù tôi và cố tìm lý lẽ để tấn công tôi, chứ tôi không bao giờ quy chụp ông ấy mắc chứng vĩ cuồng . Ông Đặng Xuân Xuyến nên nói rõ lại.
V.
Về câu trích của ông Đặng Xuân Xuyến:
"Trên trang nhà Đặng Xuân Xuyến, nhìn kỷ thấy trên ngực (cổ áo Veston cà - vạt) của nhà thơ Phúc Toản có logo "quốc huy sao vàng".
Tôi xác nhận là có nói, và đây là toàn câu trong bài viết của tôi: ( https://nguyenlac.blog/2019/02/14/vai-suy-nghi-khi-doc-bai-binh-tho-thuyen-theo-ben-la-nguyen-la%CC%A3c/ )
[...Lâu lắm rồi, tôi thường gặp câu nầy:  "Dưới ánh sáng..."    "Nhờ ơn..." gì gì đó...tác giả mới viết được bài này... Và những lời "hít hà" khen các bài văn thơ của của những người ve cổ áo veston trước ngực logo "quốc huy sao vàng"  (cấp lãnh đạo). Ai mà dám nói thật, ai mà dám chê trong thời này? Vì sợ, vì muốn lấy lòng để được hưởng chút "ơn mưa móc". (Về vụ "sợ" hình như nhà văn Tô Hoài đã có lần thừa nhận, nếu tôi nhớ không lầm) Nhưng bây giờ là thời khác, không thể làm giống thế được, phải "lương thiện" với lòng, phải "chính danh" là trí thức là nhà bình luận . Nhà bình luận nên nhớ lại “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán đã nhắc ở trên.
Trên trang nhà Đặng Xuân Xuyến, nhìn kỷ thấy trên ngực (cổ áo Veston cà - vạt) của nhà thơ Phúc Toản có logo "quốc huy sao vàng"...] [Nguyên Lạc]

Tôi xin giải thích rõ về đoạn trích nầy:
- Đó là chuyện có thật, thời trước 1975 ở miền bắc XHCN và kéo dài khoảng hơn 10 năm sau khi miền bắc chiến thắng miền nam, cả nước "tiến lên" XHCN. Bây giờ không phải là thời đó nữa, nên không cần phải như trước.
- Việc nhà thơ Phúc Toản có logo "quốc huy sao vàng" trên ngực (cổ áo Veston cà - vạt)  là việc có thật trên trang của Đặng Xuân Xuyến, tôi chỉ nói sự thật (xin xem hình trong bài viết: http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/01/vai-suy-nghi-khi-oc-thuyen-theo-ben-la.html )
còn chuyện suy diễn ra sao thì tùy, tôi không "cố tình quy chụp" ai c, cũng như không cố tính "mượn lời" người khác để tấn công cá nhân một cách vô c như bài viết “TƯNg TỬNG” 7 CHUYỆN ... CÙNG NGUYỄN ĐĂNG HÀNH của ông Đặng Xuân Xuyến nhằm vào tôi và bạn tôi, nhà binh thơ Phạm Đức Nhì. Mời các bạn xem tại đây:
LỜI KẾT
Xin được dùng lời của ông (có chỉnh sửa nhẹ) để kết thúc bài:
" Tối thiểu ông Đặng Xuân Xuyến phải làm được 2 điều:
- Hiểu mình nói gì, viết gì.
- Phải lương thiện với lòng
Nhưng tôi tin đó là 2 điều quá xa xỉ với ông Đặng Xuân Xuyến!
Đó là những gì tôi trả lời ông, hy vọng chuyện này dừng nơi đây. Tôi muốn dùng thời giờ cho việc văn chương thuần túy. Chào ông Đặng Xuân Xuyến.
Trân trọng
Nguyên Lạc

READ MORE - TRẢ LỜI BÀI "THƯA CHUYỆN CÙNG BẠN ĐỌC..." CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Nguyên Lạc