“Đây là dòng sông linh thiêng, ma quái …”, mỗi khi có người xứ khác đến, người dân sẽ giới thiệu như thế.
Dòng sông Rư, nước tràn qua những mõm đá, đổ ra sông Ba hướng về biển lớn. Mép sông, những tảng đá nằm bừa bãi, nhoi đầu lên nhọn hoắc. Những bụi cây lúp xúp mọc hai bên bờ, thả những chùm rễ, nổi lêu phêu trên mặt nước. Dòng sông kì bí, lúc dịu dàng âu yếm làng bản, lúc gồng lên đỏ ngầu giận dữ.
Dân làng e dè lắm mỗi khi qua sông, dù là đi trên cầu vẫn ngơp ngớp lo âu. Đã bao chiếc công nông, bao chiếc xe tải đổ nhào xuống sông. Cứ mỗi lần như vậy, người ta đổ xô kiếm tìm, ngụp lặn trong vô vọng…Ừ, làm sao tìm được vì là Sông Không Đáy mà.
Khi có việc phải qua sông, người ta sẽ đi trên cầu, sông hầu như không có người lội, trừ khi có một cuộc thi lặn.
Sáng hôm ấy, mây đen vần vũ, hơi lạnh quấn lấy thôn buôn, trùm lên mọi ngõ. Buôn Thồ tiêu sơ, nằm im lìm dưới bầu trời âm u, lạnh lẽo, mọi người đều đã ra khỏi nhà. Họ đứng chật bến sông, những tiếng thì thào thọt thẹt, tiếng bàn tán xôn xao làm bến sông ngày thường vắng lặng bỗng trở nên nháo nhào, chao chát. Những con mắt hau háu nhìn xuống. Nước sông hôm nay đùng đục, rờn rợn. Đây nào phải là lần đầu tiên người trong buôn được làm nhân chứng cho một cuộc thi lặn, thế nhưng lần thi nào mọi người cũng nóng lòng đến nghẹt thở. Người hồi hộp, người nôn nao, người sợ hãi, kẻ bênh, người chửi… trẻ con thì ríu rít vì tận mắt nhìn thấy người lớn từ từ chìm xuống nước.
Họ đứng chen chúc, phơi mình trong hơi lạnh, co tay lại trong ống áo, chỉ thở nhẹ thôi, hơi bay ra ngùn ngụt. Cái lạnh đầu đông ở vùng cao không làm người ta bận tâm, mắt vẫn đăm đăm không chớp nhìn xuống dòng nước. Mười phút sau, một cái đầu đen ngòm trồi lên. Chưa kịp nhìn rõ khuôn mặt của kẻ có tội, cái bụng mấy đứa trong buôn cồn cào, nhao nhao đoán già đoán non. Người vừa nổi lên yếu ớt đưa tay quắc, ra hiệu cần sự giúp đỡ. Đám thanh niên lao xuống, đưa người thua cuộc lên bờ. Người đang phờ ra vì mệt, mặt mày tím ngắt nhưng la hét bức xúc: “ Thằng Ma Xới đã lên rồi hả?”, một tiếng chát thé kèm theo cái cười mỉa mai vang ra từ đám đông : “ Mày có tội, sao Ma Xới lại nổi lên trước?” .
Ma Sáng quỵ xuống đất luôn khi hay, mình là người có tội. Có gì nhầm lẫn ư ? Thần thánh cũng nhầm à? Tại sao lại như thế này? Mình mắc tội gì? Ma Sáng quằn lên, hai mắt sòng sọc, uất ức, gào thét. Hỡi ôi! Thằng Ma Xới là đứa có tội, sao mình lại nổi lên trước? Quên cả mệt, hắn bỏ đi đùng đùng trong tức tối.
Người dân lũ lượt dắt nhau về, bàn tán xôn xao, cãi nhau inh ỏi. Té ra, kẻ có tội chính là Ma Sáng. Sự thật phơi ra rành rành, có gì phải thắc mắc, cãi cọ. Chỉ đơn giản, một cuộc thi lặn thì đen trắng rõ ràng. Cũng may là dân mình có thi lặn, nếu không thì đến khổ sở với bọn người có cái bụng gian xảo, mọi người thì thầm vào tai nhau như vậy. Sông Không Đáy là cán cân công lý của buôn Thồ.
Cuộc thi lặn ngày hôm ấy, nguồn cơn thế này.
Ma Xới, Ma Sáng là hai người dân của buôn Thồ. Buôn này quạnh quẽ, đìu hiu vài nóc nhà nhỏ thó. Những cây hoa màu đứng xác xơ quéo quắt trong mùa nắng nóng. Cây nào cũng lên được vài lóng rồi teo tóp. Trên cao nhìn xuống, buôn Thồ như một lòng chảo lớn, trên chảo là những đám mì, mía còi cọc, xanh nhợt nhạt vì mọc trên đá sỏi. Người dân nơi đây thích chuyện rừng rẫy hơn là làm bạn với con chữ. Trẻ em trong độ tuổi đến trường, phải có người tới nhà vận động mới ra lớp, còn có chuyện cô giáo làm cho giấy khai sinh nữa đấy. Ưng thì học, không ưng thì nghỉ, ban đêm học phổ cập sướng hơn, không phải đóng một thứ tiền gì, sách vở cũng chẳng phải mua. Ban ngày lên rẫy kiếm tiền, tối về đi học.
Ma Xới làm việc hùng hục sức trâu nhưng vẫn bị cái nghèo đeo bám. Chân đi rừng cứ xăm xăm như ngoài vườn, không bao giờ người ta thấy Ma Xới đội mũ. Ban ngày nai lưng trên nương, tối về loay hoay ủ rượu. Ma Xới có được một đám mì, chỉ ba sào đất. Sống làm sao nếu cứ trông chờ vào ba sào mì, rẻo đất nằm nghiêng bên triền suối, mì lên, bỏ phân xuống, một trận mưa là tất cả nằm dưới suối, đất đá trơ lên.
Suốt ngày, Ma Xới đi làm mướn, làm ngày nào, ăn ngày nấy. Vùng này, coi vậy mà việc nhiều, dân làm thuê cuốc mướn ít khi bị ế việc, ngày nắng ngày mưa đều có chuyện để làm. Đám mì coi như là chỗ để dành lúc bệnh đau, đúng như người ta nói: “ Áo rách thì đỡ nóng tay” chứ không nhiều nhõi gì mấy cây mì xương xương, củ rẻo như những củ nhân sâm bên Hàn.
Gần tới mùa thu hoạch, Ma Xới nôn nao lên rừng thăm nương mì, ước xem năm nay thu chừng bao nhiêu. Mùa đông, lá mì trải ra xanh thẫm, cây mì có lên đôi chút song vẫn tong teo, ốm nhách. Hái được bịch nấm, Ma Xới đi thẳng tới nhà người anh em, chỗ thân tình, đó là Ma Sáng.
Ma Sáng có nhiều rừng rẫy, dư ăn dư để. Hai hoàn cảnh đối nghịch lại thân nhau vì sự thế này. Dạo ấy, một ngày mùa đông, nước lũ chảy mạnh từ trên núi xuống, ngập xiết, cắt ngang con đường nhỏ dẫn về buôn Thồ. Ma Xới đi làm rẫy về, thấy một cháu gái bị “giã gạo” ngay đoạn bờ tràn, Ma Xới không ngại, lao xuống vớt bé lên, bắt chước cán bộ, hà hơi thổi ngạt, bé được cứu sống. Bé gái đó về kể lại câu chuyện có đầu có đũa cho bố là Ma Sáng nghe, từ đó Ma Sáng mến Ma Xới lắm, qua lại kết tình anh em.
Chai rượu, đĩa mồi, hai người vừa uống vừa tỉ tê. Ma Xới thở than chuyện mì tốt xấu, chuyện gò lưng trên rẫy, chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ma Sáng và Ma Xới tuy giàu nghèo chênh lệch nhưng từ khi qua lại luôn coi nhau như chỗ quen thân, chưa từng lời qua tiếng lại, sứt xỉa nghĩa tình. Ma Xới thở dài:
- Thằng lớn đi học, tiền trường tiền lớp, có con vợ thì nay bệnh mai đau. Định nhổ mì non, con buôn đỏng đảnh, khen chê đủ điều, ép giá, tao xót cả bụng! Nhưng cần tiền, biết làm thế nào?!...
Ma Sáng nốc xong ly rượu, nhăn mặt:
- Đừng nhổ mì non mày ạ! Cực chẳng đã, đất thấp mưa dầm, sợ ngập úng thì phải nhổ mì non bán đổ bán tháo, đứt từng khúc ruột. Mì trên rẫy, tội gì lại nhổ mì non! Mày kẹt tiền thì qua tao lấy ít về xài, đến mùa mì, gửi lại tao.
Trong mâm rượu, đây là lí do quá đẹp để cạn ly. Hết một chai rượu trắng, hết một đĩa mồi, cũng vừa hết ngày. Chân nam đá chân chiêu, Ma Xới bước loạng choạng, nghiêng ngả ra về. Ma Sáng gục đầu bên mâm rượu, ngáy đều.
Sáng hôm sau, vui vẻ mở chiếc tủ nhỏ lấy tiền cho Ma Xới mượn, Ma Sáng khựng lại, tưng hửng. Xấp bạc gói cẩn thận trong một lớp giấy, hai lớp vải đã không cánh mà bay. Còn ai vào đây nữa? Rõ ràng, trước khi uống rượu, tao có đem cất số tiền vừa bán con bò to nhất trong chuồng vào đó. Nhà có con nhỏ nhưng nó đi học, không một đứa nít ranh nào lảng vảng, chỉ có thằng Ma Xới tới uống rượu. Ôi ! Ma Xới ơi là Ma Xới! Cái bụng mày tham, đằng nào rồi cũng bị trừng trị mày ạ! Ma Sáng khăng khăng, thằng Ma Xới cần tiền, quên nghĩa tình, lợi dụng lúc bạn bè lù khù, lẻn vào tủ lấy tiền. Cái thằng trời đánh thánh đâm!...
Ma Xới khóc lóc, vò đầu bứt tóc, hết lời kêu oan với già làng, nếu mổ bụng để mọi người biết cái dạ trong sạch của mình thì Ma Xới cũng làm. Già làng đã lụ khụ lắm rồi mà nào được yên, những chuyện rối bời thế này, ông làm sao biết, chỉ có thánh thần mới mong làm sáng tỏ sự tình. “ Thôi thì thi lặn vậy!”. Già làng phán xuống, giọng rền rền như sấm.
Thi lặn có ở vùng này từ thời xa lắc. Một trận cãi vả, dù cam go kịch liệt đến mức nào, để phân thắng thua, chỉ cần thi lặn. Sông Không Đáy linh thiêng, thánh thần ẩn mình dưới nước, ai cũng tin như vậy. Kẻ sai trái, không thánh thần nào che tội cả, vì thế, nhất định sẽ nổi trước trong cuộc thi lặn đó.
Bến sông lạnh lẽo, Ma Xới và Ma Sáng từ từ chìm vào dòng nước. Người trong buôn đều có chung một suy nghĩ, Ma Xới vì nghèo mà hóa liều, cả gan chống lại sự linh thiêng của sông Không Đáy. Ai cũng lầm bầm, rủa Ma Xới hết lời. Cái thằng nhìn thiệt thà, hiền lành quá lại khờ, đúng là khổ quá thì làm liều, chứ bao đời nay, có thằng phạm tội nào mà không bị đưa ra xét xử, nước sông Không Đáy có bao giờ che kẻ có tội.
Những cặp mắt hả hê trông chờ thằng Ma Xới xấu bụng trồi lên. Rồi một cái đầu đen ngòm cũng nhố lên trước, cái mặt tím ngắt kìa chính là Ma Sáng. Kết quả cuộc thi làm mọi người bàng hoàng sửng sốt. Người có tội, người đáng bị trừng phạt, người được thánh thần nắm đầu kéo lên trước lại là Ma Sáng. Tiếng gọi Ma Xới vang động, âm thanh dộng xuống nước. Sông Không Đáy rùng mình giận dữ, nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy. Già làng cố gọi thật to:
- Lên đi Ma Xới ơi? Mày đâu? Chúng tao tin mày không ăn cắp!
Mọi người sót ruột, có tiếng thở dài nghe não lòng. Mọi người cố gọi tên Ma Xới thật to nhưng nó vẫn không hề nghe thấy, nó vẫn lặn. Chắc nó sợ thua, không có trâu bò để nộp vạ nên cố sức lặn đây mà!...Mọi người lắc đầu, thương lắm thằng Ma Xới hiền như cục đất.
Ba ngày sau, xác Ma Xới trương to, tím đen, nổi lềnh bềnh trên sông Không Đáy. Không một ai biết chuyện gì. Vợ Ma Xới nhìn xác chồng, đầu tóc rũ rượi, khóc gào ở bến sông. Qua lời khóc than kể lể của chị, mọi người mới hay, Ma Xới đã báo trước với vợ cách để thắng. “ Tao sẽ xuống sông lấy đá tấn lên người, đừng hòng nổi lên được” . Mọi người nhìn nhau, đưa tay quẹt nước mắt. Ma Xới đã “lặn” về thế giới bên kia, chắc nó mỉm cười vì mình đã thắng.
Chính quyền can thiệp, tục thi lặn đã không còn…
Một ngày, thấy con Ma Xới về ngang ngõ, vợ Ma Sáng sợ hãi nói nhỏ vào tai chồng:
- Tao thấy mày sai nhưng vì đã vội vàng thưa già làng, đòi thi lặn nên tao đành im miệng. Thực ra, hôm về mẹ, tao có mang theo bọc tiền, vì tao sợ mày cứ lo nhậu, nhà cửa trống huơ trống hoắc nên tao không yên cái bụng!
Ma Sáng nghe xong, không nói gì, cặp mắt đờ đẫn…
Người buôn Thồ lao động quanh năm, tục thi lặn chìm theo Ma Xới, nằm vĩnh viễn dưới dòng Không Đáy.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Trường THCS và THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên
ĐT: 0903144741
ntbnbkch@yahoo.com.vn