Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 5, 2017

TƯỞNG RẰNG SẼ QUÊN...! - Thơ Hoàng Mạnh Tiến



        Tác giả Hoàng Mạnh Tiến

TƯỞNG RẰNG SẼ QUÊN...!

Trên chuyến xe cuộc đời,
Dệt thêu tình... ''Tầm gởi''.
Góp nữa mảnh đời nhau,
Gập gềnh về bến đợi.

Em thiên thần mù lối,
Mắt môi mềm réo gợi
Ta ru tình trần tục...
Ngớ ngẩn mộng chiều rơi.

Mãi xây lầu cát mơ
Sóng xô bờ cát vỡ.
Tan tác, khúc tơ hồng
Cuốn tình vào hư vô.

Lẽ duyên ta không nợ !??
Nên gẫy nhịp cung đàn,
Mắt sâu, dòng lệ cạn,
Chẳng chia đời bể dâu.

Anh về đong nỗi sầu,
Góp nhặt mảnh tình đau...
Em về nghiêng tóc rối.
Hoài niệm cố nhân đâu...

Đêm mưa giông gợi nhớ,
Khói thuốc tàn, men say.
Đâu rồi, cầu Ô Thước ?
Cuồng si ta đợi mãi...!

Nếu còn chút hương xưa ,
Xin quay về chốn cũ
Lại ghép nửa đời nhau
Hát tình ca ngọt ngào...

    Hoàng Mạnh Tiến

READ MORE - TƯỞNG RẰNG SẼ QUÊN...! - Thơ Hoàng Mạnh Tiến

CẢI TÁNG - Thơ Trần Mai Ngân



            Tác giả Trần Mai Ngân


CẢI TÁNG

Tôi cải táng vầng trăng
Xa xôi về huyệt lạnh
Người ở lại an lành
Quên đi ngày xa xưa...

Tôi cải táng gió mưa
Qua đời nhau lận đận
Chít khăn sô ngập ngừng
Có rơi dòng nước mắt

Tôi phải đi hay dừng
Sông đời trôi mê mải
Bên lở bồi đời nhau
Xin để dành mai sau

Tôi cải táng nỗi sầu
Gần tuổi đời trăm năm
Nghe xa vắng thì thầm
Lời kinh tôi sám hối !

       Trần Mai Ngân

READ MORE - CẢI TÁNG - Thơ Trần Mai Ngân

ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI”, THƠ LÊ MAI - Châu Thạch


          
                   Nhà bình thơ Châu Thạch




                 ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI”, THƠ  MAI
                                                                 Châu Thạch

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam. Trước 1975 tôi còn trẻ lắm, tôi ước muốn được đến ngay Hà Nội khi nước nhà vừa ngưng tiếng súng. Thế nhưng mộng ước đó không thành vi ngày đó tôi phải lên núi để làm cái việc nhà nước gọi là “Học tập”. Sau đó tôi đọc về Hà Nội, tôi nghe về Hà Nội và tôi cũng có đến Hà Nội vài ba lần. Thật tình sao bây giờ tôi cảm thấy không có chút gì yêu Hà Nội như xưa cả. Có lẽ tôi giống như một đứa con bị cha đánh đau nên trong lòng xơ cứng cảm giác yêu thương quê nội. Rồi bổng nhiên mấy ngày gần đây, khi tình cờ đọc được bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của nhà thơ Lê Mai, cái cảm giác yêu Hà Nội của tôi thời xưa ấy hình như có trở lại
Tôi thích bài thơ ngay từ ba câu thơ đầu tiên, và chính ba câu thơ đầu tiên đã lôi kéo tôi đọc toàn bài:

Tôi là người lao động, thế thôi
Nhưng quê tôi
Hà Nội!

Hà nội có quá nhiều thơ, quá nhiều nhạc ca tụng, những thứ thơ nhạc đó theo một trào lưu có sẳn,  hay thì hay nhưng nghe vẫn thấy có gì không thật.  Hà Nôi thành thơ trong tay một người lao động có lẽ là một món ăn tinh thần mới lạ, gợi trí tò mò cho những ai từng ăn những món ăn có quá nhiều vị đậm, sinh ra nhàm chán. Đọc sách, đọc tin ta thấy người Hà Nội mỗi ngày thêm hư, nhưng chắc chắn, người lao động vẫn thế, vẫn là Hà Nội thanh lịch, cái thanh lịch ngàn năm tiềm ẩn trong con người Hà Nội  mà vì nghèo không có điều kiện để hư. Người lao động có ai hư chăng, thì chỉ là cái bề ngoài phải thích ứng trong cuộc sống, nhưng trong tâm hồn họ, muôn đời là sự thật thà chơn chất, vẫn trắng trong như chữ thanh và hài hoà như chữ lịch. Vì thế, tôi có cảm tình ngay với bài thơ của “Người lao Động Hà Nội”.
Rồi bài thơ được tiếp nối bởi những câu kể lể về quê hương, về thời tuổi trẻ:
 Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:

Kỷ niệm của quá khứ có đầy ở đoạn thơ nầy. Đó là cái quá khứ vui nghèo mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng nhớ. Đoạn thơ nầy có tác dụng khơi gợi  ký ức, như một đoạn phim chiếu cảnh miền quê với tiếng nhạc êm đềm, làm thư giản tâm hồn, chuẩn bị cho những màn đầy kịch tính được tiếp diễn. Thật vậy, ta giật thót mình khi đọc: “Giếng Ngọc là của tôi”. Lần đầu tiên tôi nghe một người nhận như thế và ngạc nhiên vì biết Giếng Ngọc là di tích của lịch sử. Và đây là lý do nhà thơ nhận Giếng Ngọc là của mình:

Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.

Tác giả đưa Giếng Ngọc trong huyền thoại Trọng Thuỷ Mỵ Châu vào thơ, làm đại diện cho thứ tình yêu trong lòng người Hà Nội. Nhà thơ nhận là của mình để khẳng định bất kỳ người Hà Nội nào cũng giống ông, đều có thứ tình yêu thương rời rợi, diễm lệ và thâm thuý tình sử, giống như giọt nước trong veo của Giếng Ngọc. Hay của thơ ở chổ ghép ta vào người và ghép ngừoi vào ta, từ đó người đọc đồng cảm với Lê Mai là người Hà Nội và Người Hà Nội là Lê Mai.
Tiếp theo Giếng Ngọc, nhà thơ lại nhận thêm một thứ của thiên hạ thành của mình nữa:

Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.

Tác giả xem Văn Miếu như một pho sách của tiền nhân mà con cháu đời nay thừa tự trong đó có ông. Cái câu “người Hà Nội đốt trầm lúc đọc thơ” biến câu thơ ông trở thành con Long  con Phụng, chứa chấp ngàn năm văn hoá trong cử chỉ đọc thơ nầy, tôn vinh vẽ đẹp tinh thần của người Hà Nội, tạo một khung cảnh tôn nghiêm cho vùng đất Hà Nội và đưa tâm hồn người đọc tự nhiên lắng sâu vào thanh tịnh. Một câu thơ ngắn với tứ thơ cao như câu thơ nầy có khả năng làm người đọc thấy quá khứ sống trong hiện tại.
Thế rồi tiếp theo, chùa cũng của nhà thơ luôn:

Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.

Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là  một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa, lấy kỳ quan đất nước sừng sửng ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và  văn hoá phi vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Tiếp theo là Tháp Bút – Đài Nghiêng cũng của tôi luôn:  

Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.

Với hai câu thơ trên, tác giả đem cái Tháp Bút “Tả thanh thiên xao xuyến cả cõi trời” gói vào trong những lá sen tươi của cốm Vòng Hà Nội. Tháp Bút- Đài Nghiêng là biểu tượng của văn chương Hà Nội. Cốm Vòng là món ăn thơm ngon của mùa thu Hà Nội. Hãy tưởng tượng khi ta nhìn Tháp Bút mà nghĩ đến hương thơm cốm Vòng toả ra trong bầu trời Hà Nội hay ta ăn cốm Vòng mà nghĩ đến thứ hương nầy sẽ toả trên Tháp Bút thì hồn ta chìm trong sảng khoái.
Thế rồi, hãy tiép tục tìm xem còn cái gì của Hà Nội mà nhà thơ nhận là của mình:

Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
  
Tóm lại, tất cả cái gì tốt đẹp của Hà Nội là của nhà thơ. Nhà thơ nhận như thế không phải là nhận bừa vì Hà Nội ở trong lòng ông và cả trong lòng mọi người. Ai cũng có một Hà Nội của mình. Mỗi điểm của Hà Nội đều mang đặc trưng về một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Điều đặc biệt: nhà thơ nhận từng điểm của Hà Nội là của riêng ông, không phải của nhân dân, của tổ quốc là cái to lớn mà con người chỉ tán tụng ở đầu môi. “Của Tôi”là thực tế nhất và quan trọng nhất vì tôi yêu thương , bảo vệ cái của tôi hơn ai hết.
Cuối cùng là EM:

Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nôi!

Em thì đương nhiên của tôi rồi nhưng em của Lê Mai thì phải hiểu là Em Hà Nội. Nhà thơ yêu từng ngóc ngách Hà Nội nên em là biểu tượng, là sắc thái  Hà Nội. Chữ “em” ở đây hàm chứa hết mọi cái “của tôi” mà nhà thơ đã nhận về cho mình. Đặt “em” vào khổ chót của bài thơ tác giả muốn mượn em để bày tỏ hết thứ tình yêu Hà Nội, đưa tình yêu với em vào thứ tình yêu thiêng liêng với Hà Nội và đưa tình yêu Hà Nội vào thứ tình yêu thắn thiết với em.

 Tôi nghĩ, bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của Lê Mai nếu được đưa vào học đường thì nó sẽ khai tâm các em tìm hiểu về thủ đô ngàn năm, bởi bài thơ phát hoạ những di tích lịch sử có ý nghĩa thiêng liêng. Bằng tiếng thơ, nhà thơ đã giới thiệu cái giá trị văn hoá vật chất lâu đời của Hà Nội để từ nền văn vật đó, làm toả sáng giá trị văn hoá tinh thần gọi là văn hiến. Bài thơ không yêu Hà Nội bằng thứ tình cảm vu vơ mà bày tỏ một tình yêu bằng lý trí, tôn vinh một Hà Nội đẹp cảnh và đẹp người trong chiều dài lịch sử. Cuối cùng, bài thơ cho ta dồn dập sự rung cảm, rung cảm với tâm hồn yêu “Hà Nội Quê Tôi” của một người dân lao động, Thế thôi! ./.
                                                                                  Châu Thạch


                         Nhà thơ Lê Mai


HÀ NỘI QUÊ TÔI

Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nội!
                                              Lê Mai

READ MORE - ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI”, THƠ LÊ MAI - Châu Thạch

MƯỜI NĂM TÁI NGỘ - Truyện ngắn của Thủy Điền


        


   MƯỜI NĂM TÁI NGỘ

   Khi lão Tạch vừa lái xe ra khỏi cổng nhà, Dartmann đứng nhìn theo chăm chú. Tự hỏi? Tại sao Tạch lại làm thế mà chẳng nói với mình lời nào, câu chuyện mười năm nay hắn vẫn giữ yên phăng phắc. Có lẽ…! Nhưng không sao. Té ra Tạch là một con người nhân đức, vô lượng.
     Dartmann là một nông dân, anh ta có một trang trại nuôi gà khá lớn cả ba đời nay từ lúc ông bà nuôi bằng chuồng rơm và bây giờ toàn là nuôi bằng máy Công nghệ. Năm 1979 khi vừa đến Đức công việc đầu tiên của Tạch là ở trang trại nầy với nhiệm vụ là mỗi ngày theo giỏi tình trạng sức khỏe của mấy con gà, sáng sớm phải đi một vòng xem anh nào ngấc ngư, cú rũ thì bắt bỏ sang chuồng riêng có người chữa trị và chiều cũng thế phải đi qua một vòng nữa. Chỉ trong hai vòng đi theo giỏi là Tạch mất hết một ngày làm việc.
     Trang trại cũng chẳng có đông người làm việc, nên Dartmann thường hay cận kề những công nhân và xem những người nầy như anh em ruột. Có nghĩa ai muốn làm gì thì làm, tùy ý. Dartmann chưa hề ngó ngàng hay để ý đến. Miển công việc của mọi người hoàn thành thì thôi.
     Vì tiếp cận với thú vật hàng ngày, nên Tạch cũng có lòng thương yêu chúng và anh nghĩ ra là nuôi một con chó Yarsi để khi làm việc về có mà hủ hỉ cho vui. Thường thì tuổi thọ con chó cũng khoảng 13-15 năm. Nhưng không may con Yarsi của Tạch mới tám năm là đã qua đời sau một cơn bệnh nặng.
     Tiếc thương con Yarsi, mến tay, mến chân tám năm bên cạnh, Tạch không đành bỏ nó và mướn người ta hỏa táng, lấy cốt đem về nhà. Hắn suy nghĩ nhiều đêm, nếu mang đến Nghĩa địa chôn cất thì phải mất rất nhiều tiền hơn nữa không được gần gủi con Yarsi thường xuyên. Và, chỉ có cách là mang đến trang trại của Dartmann chôn lén dưới gốc cây cổ thụ nơi hắn thường hay đậu chiếc xe để được hàng ngày nhìn thấy nó và cúng cho nó một ít thức ăn cho lòng nó khỏi đói và lạnh.
     Nghĩ xong, Tạch xem lịch, chọn ngày tốt và mang cốt Yarsi đến gốc cây cổ thụ trong trang trại Dartmann chôn, trong lặng lẽ và không ai hề biết . Ròng rã gần mười năm trời ngày nào hắn cũng cúng đều đặn và khi cúng xong, hắn tẩu tán thức ăn ăn cũ của ngày hôm trước ngay, tránh Dartmann thấy là hỏng hết.
     Sau mười hai năm làm việc, cơ sở của Dartmann đóng cửa và Tạch cũng mất việc, nên phải tìm việc khác và con Yarsi từ đó phải đành nằm lại một mình nơi gốc cây cổ thụ cô đơn và cũng chẳng có gì ăn hàng ngày. Thật là tội nghiệp vô cùng. Không phải Tạch bỏ phế, nhưng vì sợ bị lộ, sợ Dartmann biết được bảo mang đi nơi khác.
Theo dòng đời vì công ăn, việc làm, Tạch lưu lạc nơi nầy, nơi khác gần mười năm trời. Sự giao tiếp giữa hắn và Dartmann dường như bị cắt đứt.
     Một hôm Tạch trở về chốn cũ và ghé thăm Dartmann, người bạn- ông chủ ngày xưa giờ đã gìa theo thời gian. Đang ngồi ăn trưa cùng mọi người. Tạch không còn gì phải giấu giếm nữa, phải đành nói thật cho mọi người biết, dù có ra sao thì ra. Rằng hắn về đây trước là để thăm gia đình Dartmann sau là thăm con Yarsi và xin phép Dartmann cho hắn cúng con Yarki một ít thức ăn. Giữa bàn, Dartmann và mọi người ai cũng chưng hửng. Tại sao lại có chuyện nầy?  Rồi tất cả đành lặng im như đang ngưỡng về con Yarsi và cũng chẳng biết nói thế nào về câu chuyện vừa qua.
     Khi chia tay, Tạch về, Dartmann đứng nhìn theo tiễn bạn mà cảm phục tấm lòng nhân đức của một con người và tự hứa trong lòng là ông sẽ tiếp tục những gì mà ngày xưa Tạch đã dành cho con Yarsi.
                                                                                Thủy Điền
                                                                               03-05-2017

READ MORE - MƯỜI NĂM TÁI NGỘ - Truyện ngắn của Thủy Điền

MEN ĐẮNG -Thơ Đặng Xuân Xuyến





MEN ĐẮNG

Đây men rượu hơn 15 năm trước
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Ngoái đầu nhìn vẫn hồn lạc chân run
Thon thót sợ vô tình gặp lại.

Ừ ly nữa. Cớ chi phải ngại
Ta cứ say. Mặc thiên hạ phỉnh lừa
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?

Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.

Đau. Đau lắm. Lặn ngược dòng lệ rỏ
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.

Ừ ly nữa. Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.

        Hà Nội, đêm 10 tháng 12.2016
              ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - MEN ĐẮNG -Thơ Đặng Xuân Xuyến

VÔ CỰC - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên



                       Nguyễn Ngọc Kiên



VÔ CỰC

Mỗi năm anh đi hai vạn cây số 
(tính theo công tơ mét xe máy)
Chỉ hai năm anh đi khắp địa cầu
Trái tim  em rộng lớn đến đâu
Mà anh phóng cả đời không hết
Và anh phóng đến khi anh biết
Mọi ngả đường trần đều dẫn đến âm ti
Mọi nẻo đường yêu đều đau đớn mê li
Chỉ tình yêu vô bờ mới đi trọn được
Nếu thế gian cho anh  ba điều ước
Cả ba điều anh ước: được Em yêu
Em yêu ơi! Sớm sớm chiều
Mỗi lần gần em anh tốt lên một tí…
Cứ nhích dần…
           Nhích dần…
                          Tới vô cực tình em 

                         Nguyễn Ngọc Kiên
     (1/5/ 2017- Kỉ niệm ngày xa em)

READ MORE - VÔ CỰC - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

ANH VẪN ĐỢI EM VỀ - Thơ Hoàng Yên Lynh





ANH VẪN ĐỢI EM VỀ
                        
" Anh vẫn đợi em về..."
Bài ca ai hát vội
Góc phố buồn trưa nay
Một mình anh ngóng đợi.

Từng chuyến xe đến muộn
Thêm một chuyến xe qua
Em vẫn hoài không đến
Anh bồn chồn xót xa.

Ai hát lại bài ca
Lời thì thầm nhắn nhũ
Tình yêu là nỗi nhớ
Ô hay mình tương tư...

Anh không là Hồ Dzếnh
Để viết tiếp bài thơ
" Em cứ hẹn không đến..."
Khói thuốc mù phố trưa.

Chỉ còn anh phố vắng
Bồng bềnh theo gió bay
Trời sao hoài mưa nắng
Lòng anh hoài băn khoăn.

Ai hát mãi tình ca
Để anh buồn vời vợi
Giữ nhau một nhành hoa
Này em anh vẫn đợi...

      Hoàng Yên Lynh

READ MORE - ANH VẪN ĐỢI EM VỀ - Thơ Hoàng Yên Lynh

CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN - Trần Thanh Phương

     CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN
                                 Trần Thanh Phương

 Bài thơ Ca bình minh của Lý Phương Liên ra đời vào tháng 8 năm 1970 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Lúc đó, Lý Phương Liên là một tác giả nữ còn rất trẻ, mới xuất hiện lần đầu mà đã có ngay một chùm thơ đăng trên báo Nhân Dân là một hiện tượng hy hữu. Cả miền Bắc xôn xao. Nhà phê bình Hoài Thanh cũng có bài bình biểu dương kịp thời. Nhưng liền sau đó, Lý Phương Liên mắc phải “tai nạn nghề nghiệp” và đành phải “im hơi lặng tiếng” cho tới tận 41 năm sau bài thơ được lấy tên chung cho tập thơ Ca bình minh mới chính thức được xuất bản. Đó cũng là một kết thúc “có hậu” như những dự báo mang tính “tiên tri” của bài thơ này.

Để đi vào tìm hiểu bài thơ thấy được cái hay, cái mới lạ độc đáo của nó thiết nghĩ cũng cần nói rõ về sự phân ca làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Trong một ngày (24 tiếng đồng hồ) được chia làm ba ca, mỗi ca 8 tiếng (đều nhau), ca ba là ca đêm tính từ 22 giờ đêm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là ca làm việc mệt mỏi nhất trong một ngày nên cần phân chia cho những người trẻ (khỏe) còn độc thân. Người lao động đi làm theo ca được nghỉ ít nhất12 giờ trước khi chuyển sang ca mới. Đấy là quy định bắt buộc. Lý Phương Liên lúc đó còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình nên hay phải đi làm ca ba là lẽ đương nhiên. Bài thơ có 3 phần rõ rệt. Ở phần đầu tác giả chủ yếu nghiêng về tả thực: 
                                           
Em đi làm ca ba                                           
Đêm buông đầy đường phố                                           
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ                                          
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ…
(Con gái thường vẫn thế!)
 Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ
 
Một cô gái còn rất trẻ, tâm hồn luôn ắp đầy cảm xúc cho nên những câu thơ như tự nó cứ tuôn ra một cách tự nhiên. “Em đi làm ca ba” mới chỉ là một thông báo bình thường, sử dụng ngôn ngữ nói. Nhưng “Đêm buông đầy đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” thì những chất liệu hiện thực đã trở thành cảm xúc máu thịt, tạo “hồn, vía” cho câu, chữ. “Đêm buông đầy đường phố” – chữ “buông” làm cho đêm cử động, lung linh. “Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” gợi cảm giác bình yên và tràn đầy thương yêu, mặc dù lúc đó đang còn chiến tranh nhưng không phải không có những khoảng thời gian yên bình như thế. Mà có ai không xúc động cho được khi nhìn ngắm trẻ thơ đang say ngủ? Hà Nội thời bao cấp thường người dân đi ngủ sớm, khoảng 9, 10 giờ đêm ngoài đường phố đã rất vắng lặng, trừ những người có công việc mới phải đi ra ngoài. Vì thế mà “em” cứ đi giữa lòng đường, vừa đi vừa khe khẽ hát không sợ bị va quệt xe cộ như bây giờ. Một tâm hồn vô tư trong sáng, phơi phới tin yêu, tràn trề nhựa sống nên đi làm ca đêm (ai cũng ngại vì nó vất vả) mới có thể vừa đi vừa hát lên như thế. Nhưng dù có yêu đời đến mấy thì cũng không ai thoát ra khỏi thực tế là do áp lực của thời gian tâm lý: “Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài” đúng như các cụ xưa đã đúc kết: “Thức lâu mới biết đêm dài”, mà “Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ” – Nói không thèm ngủ thì đúng là cường điệu đến mức khó tin.
 
Trong phần thứ hai: Đầu tiên tác giả giải thích lý do bài thơ có tên như thế:
                                     
Bạn bè em có nhiều ý lạ                                     
Khi nói tới ca ba                                     
Của những đêm hè trời đầy sao hoa                              
Của những đêm đông bập bùng ánh lửa                       
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh

Mỗi người có những cảm nhận và cách định nghĩa về ca ba khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự bay bổng lãng mạn, đầy mơ mộng và hết sức lạc quan của tuổi trẻ. Người thì ví đó là ca “của những đêm hè trời đầy sao hoa”; Người lại thấy đó là ca “của những đêm đông bập bùng ánh lửa”. Riêng tác giả với sự phát hiện tinh tế như một niềm vui bé nhỏ của mình mỗi sớm mai tan ca về đã thấy mặt trời mọc lên rực rỡ như đón chào, như ước hẹn, đã kết lại thành một hình tượng thơ tuyệt đẹp độc đáo có một không hai: “Em gọi ca ba là ca bình minh”.  Đến đây, cái tứ của bài thơ đã được định hình, nhưng tác giả còn muốn phát triển lên nữa với những liên tưởng thấm đượm tình quân dân, tình yêu nước:
                                     
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước

 Từ nghĩa thực ban đầu hình tượng “bình minh” đã chuyển thành nghĩa bóng, và “ca ba” đã trở thành ẩn dụ cho quãng thời gian đầy gian khổ khó khăn các anh bộ đội đã trải qua để “đón bình minh đất nước” - tức là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông về một mối, cả dân tộc bước vào một ngày mới tươi đẹp, yên bình - Một liên tưởng thấm đượm tính thời sự mà không phải lên gân, hô hào sáo rỗng. Đấy là ý tưởng “em” phát hiện ra một cách “vô tình” trong những đêm đi làm ca ba vậy thôi chứ có cố ý gì đâu! Rồi lại thêm một phát hiện nữa cũng rất tình cờ, tự nhiên như cuộc sống:
                                   
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những điều sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc

Đến đây “bình minh” lại có thêm nét nghĩa nữa, đó là bình minh hạnh phúc của bà mẹ trẻ vừa đón một sinh linh ra đời. Tuy tác giả không nói ra nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thể chị hàng xóm phải vượt cạn một mình với sự cưu mang của láng giềng cũng có chồng đang chiến đấu ở ngoài mặt trận? Tiếng “oa oa con khóc” ấy như thức tỉnh những bản năng làm mẹ ở tác giả, thức dậy những cảm xúc nhân văn cao cả ở mỗi con người. Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc lúc bấy giờ, cái âm thanh tiếng khóc của đứa trẻ mới chào đời cất lên trong “gió cao trời xanh” cực kỳ mới lạ và độc đáo, lay động tâm can mỗi người đọc.

  Ở phần thứ ba: Khổ thơ cuối cùng kết lại bài thơ với những chiêm nghiệm mang tính phổ quát:
                                     
Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt

 Đọc bài thơ này rồi, ai đi làm ca ba cũng đều thấy bình minh trước mặt như tác giả. Vì nhà thơ nói đúng quá. Và từ đây tất cả những người đi làm ca ba (dù hiện nay đi làm ca đêm chủ yếu là làm tăng ca để kiếm thêm tiền) thì cũng đều có bình minh của riêng mình.

Trong suốt bài thơ tác giả luôn xưng “em”. Cả bài thơ có 11 từ “em”. Lý Phương Liên cứ hồn nhiên vô tư giãi bày, bộc bạch những cảm xúc, suy ngẫm của mình mà không cần để ý tới xung quanh xem họ làm thơ như thế nào. Lúc bấy giờ các nhà thơ thường giấu “cái tôi” của mình đi để hướng đến người khác, kể về người khác, hoặc nhân danh thế hệ mình, nhân danh cộng đồng để nói chứ không ai chỉ nói cái của mình.

 Cuối cùng, đúng như những gì bài thơ đã dự báo, sự chuyển hóa của âm dương đất trời là tuần hoàn, vĩnh cửu: qua đêm tất sẽ đến ngày; qua chiến tranh gian khổ hòa bình đã đến với đất nước vô vàn yêu quý của chúng ta được ẩn dụ hóa bằng “Bình minh đất nước”. Với con người thì “khổ tận cam lai”, như ca ba “em” mới đi vào mà “Đã thấy bình minh trước mặt”.

                                     Quy Nhơn, 25/ 04/ 2017                                                                                                                                                      T.T.P

Chú thích:
*Trong Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật  bài thơ này có tên là “Số không”.
* Lời “Mở lòng” của tác giả ở đầu tập thơ Ca bình minh (2011).
Địa chỉ: Trần Thanh Phương
171/ 18 Ngô Mây – Quy Nhơn – Bình Định
Số điện thoại: 0905519977
          

READ MORE - CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN - Trần Thanh Phương