ĐỌC “NHŨNG CHIỀU...”, THƠ VĂN THANH - Châu Thạch
NHỮNG CHIỀU...
Em trao anh vạn lời yêu
Cho anh tất cả những chiều nên thơ
Những chiều trên bến mộng mơ
Đò ngang trông ngóng, ngẫn ngơ đợi nàng
Những chiều nắng rãi hoa vàng
Đầu xanh hai mái vội vàng trao yêu
Những chiều êm ả đìu hiu
Biệt ly xa cách liu xiu cõi lòng
Những chiều mong mỏi chờ mong
Anh nơi chiến tuyến đợi mong ngày về
Những chiều sơn cước ủ ê
Buồn lên khóe mắt, dầm dề mưa tuôn
A Shau, A Lưới, Ba Lòng
Hoả mai rực sáng, bóng nàng đâu đây
Giựt mình, đại bác réo dày
Tỉnh cơn mộng ảo bóng ai cuối trời
Nay đà tuổi hạc tám mươi
Vẫn in tâm trí một thời khó quên...
Văn Thanh
Lời Bình: Châu Thạch
Tôi không biết lớp thanh niên ngày nay có cảm xúc gì khi đọc
bài thơ nầy hay không, nhưng tôi nghĩ những người ở tuổi thất thập như tôi sẽ
thấy lòng mình rung động, vì tình yêu trong thơ phải trải qua nhiều lận
đận bởi thời cuộc đảo điên mà lớp người chúng tôi từng hứng chịu.
Thời đó cũng như bây giờ, tình yêu ngọt ngào đến với tuổi
thành niên chẳng ai không có:
Em trao anh vạn lời yêu
Cho anh tất cả những chiều nên thơ
Nhiều thập niên của thế kỷ trước, đất nước còn nghèo, cái
đẹp tự nhiên của thiên nhiên chưa bị nền văn minh phá hoại, đường không bê-tông, sông không có cầu làm cho bức tranh yêu càng nên thơ, tình tứ:
Những chiều trên bến mộng mơ
Đò ngang trông ngóng, ngẫn ngơ đợi nàng
Ngày nay thanh niên thiếu nữ yêu nhau, hầu như không còn ai
đợi chờ ở bến đò ngang nữa, cho nên hình
ảnh đó được xem như bức tranh quý hiếm trong kỷ niệm một đời người mà thế hệ
chúng tôi thụ hưởng. Chúng tôi trân trọng hai câu thơ vì nó gợi nhớ phong cảnh
hữu tình ngày ấy, làm nền cho những khối tình si mà ngày nay khó tìm đâu thấy
được.
Những chiều nắng rãi hoa vàng
Đầu xanh hai đứa vội vàng trao yêu
Những chiều êm ả dìu hiu
Biệt ly xa cách liu xiu cõi lòng
“Biệt ly” của thời chúng tôi không phải như bây giờ là chia
tay tình yêu mà là khoác chiến bào ra trận mang theo mối tình canh cánh bên
lòng.Tình yêu của thanh niên thời đại chúng tôi hầu như ai cũng là nhân vật
trong một thiên tình sử bi hùng, vì ai đến tuổi thành niên thì cũng phải đầu
quân, chịu cảnh “Biệt ly xa cách liu xiu cõi lòng” suốt những tháng ngày đất
nước còn binh đao.
Đoạn cuối của bài thơ dồn dập những âm thanh trận địa như
nỗi khắc khỏi, u uẩn trong tình yêu
người chiến binh thuở ấy, luôn luôn đối diện bóng tử thần, nghĩa là sẵn sàng
hứng chịu một cuộc chia lìa tình yêu vĩnh viễn:
Những chiều mong mỏi chờ mong
Anh nơi chiến tuyến đợi mong ngày về
Những chiều sơn cước ủ ê
Buồn lên khóe mắt, dầm dề mưa tuôn
A Shau, A Lưới, Ba Lòng
Hoả mai rực sáng, bóng nàng đâu đây
Giựt mình, đại bác réo dày
Tỉnh cơn mộng ảo bóng ai cuối trời
Thời ấy tuy thanh niên chúng tôi đứng trên hai chiến tuyến
khác nhau. Nhưng anh bộ đội Cụ Hồ hay người lính chế độ miền nam đều mang dòng
máu da vàng nên tâm tư tình cảm đâu có gì khác biệt. Hình ảnh trên chiến trường
ngày ấy vừa đẹp vừa buồn khôn tả, nay qua thơ như thấy lại năm tháng của
mình. Chiến tranh làm cho chúng tôi phải chịu xa cách người yêu nhưng chiến
tranh cũng làm cho tình yêu trở nên lý tưởng, đẹp hơn và tha thiết hơn biết
bao.
Tuổi già, viết lên những điều khó quên ngày xưa với lòng
thanh thản, là niềm vui cho mình, cho người đồng thế hệ và cho tuổi trẻ ngày
nay biết về quá khứ cha ông là điều ta nên trân trọng:
Nay đà tuổi hạc tám mươi
Vẫn in tâm trí một thời khó quên…
Bài thơ ôn lại những chiều cúa một thời từng yêu trong quá
khứ nhiểu nhương. Đề tài tuy lạc lõng với hiện tại nhưng không phải ngày nay
không có những thanh niên mang tâm trạng của chúng tôi ngày đó. Đọc bài thơ tôi
nhớ đến những chiến binh đang canh gác ngoài hải đảo xa xôi. Họ cũng đang có
những chiều của chúng tôi nhiều năm về trước và cũng đang đối mặt với quân thù
ngông nghênh phía trước. Hãy nhớ đến họ luôn luôn như chúng ta “Vẫn in tâm trí
một thời khó quên”./.
Châu Thạch