Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 27, 2016

GỬI MẸ - Thơ Hồng Tâm

   
               Tác giả Hồng Tâm



GỬI MẸ

Con nhớ mãi đầu tháng tư mùa hạ
Mẹ khép đôi mi, giấc ngủ ngàn năm
Bàn tay con nắm lay mẹ dậy
Thân mẹ lạnh dần, cảm giác tối tăm
Nghe kinh cầu nao lòng con trẻ
Con hiểu rồi hai tiếng : biệt ly
Trần gian từ đây vắng bóng mẹ
Cúi đầu lạy, tiễn mẹ ra đi
Nơi xa xôi có bình an không ạ
Gió mưa về mẹ có lạnh không ?
Nghe sấm chớp ầm ầm con sợ
Sợ nơi xa mẹ chẳng ấm lòng
Nếu linh thiêng phù hộ cha khoẻ
Mười chín năm con thấy cha già
Con biết lòng cha còn nhớ mẹ
Thời gian trôi mái tóc phôi pha
Bao kỷ niệm ùa về một lúc
Nhớ mãi không quên dáng mẹ gầy
Những kỷ vật con thơ cất giữ
Nhìn thật lâu sóng mắt cay cay
Áo mồ côi bao mùa con mặc
Bao năm trôi có giấc mơ về
Mơ thấy mẹ nắm tay  ru ngủ
Nụ thơm trên đôi má, con mê


                        26/03/2016
                         Hồng Tâm

READ MORE - GỬI MẸ - Thơ Hồng Tâm

THỬ ĐẶT “MẮT BỒ CÂU” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC BÊN CẠNH “NHÀ TÔI” CỦA YÊN THAO - Phạm Đức Nhì


       
                   Tác giả Phạm Đức Nhì




Bài 4


THỬ ĐẶT “MẮT BỒ CÂU” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC 
                         BÊN CẠNH “NHÀ TÔI” CỦA YÊN THAO

              (Trích từ “Bình Thơ Và Thưởng Thức Thơ”)

NHÀ TÔI

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lồm lộp mấy khung tường

Nếp đình xưa người hỡi,đau gì không?

Tôi là anh lính chiến

Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm
Áo nào phai không sót chút màu xưa

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gày uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
ÔI, xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly:
- Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui.

Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng , lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi ! mẹ tôi già !
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương

Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.
Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.
(Yên Thao)
Năm câu đầu vẫn mang âm điệu của thơ mới, nhưng 2 câu đầu tiên chỉ có 5 chữ (thay vì 8 chữ như 3 câu sau). Câu thứ sáu 8 chữ nhưng lại phá luật về âm điệu, kết thúc ở vần bằng thay vì vần trắc, tạo cảm giác chơi vơi khi phải đặt câu hỏi mà mình đã đau nhói với câu trả lời. Nhìn toàn bài thì chữ thẳng là “gốc” thơ mới (câu 8 chữ, vần liên tiếp kiểu Nhớ Rừng), chữ nghiêng màu đỏ là những phá cách của tác giả. Nhờ những phá cách tài tình ấy Nhà Tôi tuy vẫn còn nặng mùi thơ mới nhưng đã giảm thiểu rất nhiều sự nhàm chán về vần điệu của loại thơ này.

MẮT BỒ CÂU

Trong giấc mơ về thuở thiếu thời
có ai đó nhìn tôi
bằng đôi mắt bồ câu ngây thơ
đánh thức tôi
chạy một trăm năm mươi cây số
chỉ để về đứng lặng
ngắm ngã ba sông

Trưa nắng trút bao la trời rộng
ngã ba sông buồn hắt
buồn hiu
sông bây giờ sao quá mênh mông
bến không bóng đò
không một bóng bồ câu
chân trời thăm thẳm

Gió giận ai
chẳng chút nồm nam
cây chờ ai
cây buồn đứng bóng
tôi chờ ai
mà tôi đứng ngóng
nước sông chẳng bao giờ chảy ngược
đành chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông
2007
(Nguyễn Khắc Phước, Văn Nghệ Quảng Trị)

Cái tài của Yên Thao là dựa vào cấu trúc, âm điệu của thơ mới, lấy đó làm nền tảng, nhưng linh động chuyển đổi theo cảm hứng của mình – tôi gọi là phá cách tài tình - khiến bài thơ vẫn nhẹ nhàng du dương nhưng không “ầu ơ ví dầu”, chữa được chứng bệnh “nhàm chán vần” của thơ mới.
Cái tài của Nguyễn Khắc Phước là đã vùng vẫy, giẫy giụa để, về mặt hình thức, thoát hẳn cái “vòng kim cô thơ mới” trên đầu mình. Hình thức của Mắt Bồ Câu rất mới lạ; cấu trúc, âm điệu của thơ mới đã mất hẳn. Số chữ trong câu tự nhiên, linh động, không theo một quy luật gò bó nào. Vần cũng có nhưng ít, vừa đủ trơn để con thuyền tứ thơ nhẹ nhàng trôi theo dòng sông cảm xúc nhưng không bắt người đọc phải gồng mình chịu đựng cái vị ngọt lợ đến gắt cổ của thơ mới.
Vùng vẫy hơn 60 năm mới gỡ (thoát) được cái “vòng kim cô” trên đầu mình. Chắc sẽ có người nói: “Có gì là sớm đâu!” Đúng là cũng hơi trễ thật. Nhưng như thế cũng còn hơn nhiều người (trong đó có tôi) – cho đến năm tháng này vẫn còn những bài thơ bó chặt cảm xúc, hồn thơ của mình trong cái vỏ truyền thống hoặc mang cái tên rất thời đại là “THƠ MỚI” nhưng thật ra đã từ rất lâu, không còn mới nữa.
So sánh với Nhà Tôi, Mắt Bồ Câu còn non trẻ, như một tuyển thủ U 18 trước một lão tướng đã rất nhiều năm khoác áo đội tuyển quốc gia. Không dạn dày kinh nghiệm nhưng cầu thủ MBC có cách đi bóng mới, lối đá mới, gần gũi và dễ hòa nhập với lối chơi của bóng đá hiện đại. Nếu Nguyễn Khắc Phước thấy được ưu điểm của mình, tiếp tục hoàn thiện phong cách của MBC, khung trời thơ ca rất tươi sáng đang rộng mở đón chờ anh.

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”
Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:
Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng - về mặt hình thức - sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

                                                                          03/2016
                                                                    Phạm Đức Nhì
                                                            nhidpham@gmail.com

READ MORE - THỬ ĐẶT “MẮT BỒ CÂU” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC BÊN CẠNH “NHÀ TÔI” CỦA YÊN THAO - Phạm Đức Nhì

VÌ EM LÀ EM CỦA CHỊ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Lê Hứa Huyền Trân



VÌ EM LÀ EM CỦA CHỊ

Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


(tặng Bảo Trân)


   
   Từ khi biết nhận thức nó đã ở bên cạnh tôi (chúng tôi sinh đôi mà). Thưở nhỏ chúng tôi kháu lắm, lại bụ bẫm, thêm sinh đôi nữa nên rất được người lớn yêu thương. Lúc nào mẹ cũng cho 2 đứa mặc đồ giống nhau và chúng tôi luôn xun xoe trong những chiếc váy xinh tinh tươm mẹ để dành tiền mua cho 2 đứa. Ba đi làm xa, thi thoảng về lại ôm chúng tôi nựng lấy nựng để. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ và sự hiện diện của nó bên cạnh tôi chưa bao giờ tôi định nghĩa, với tôi tất cả là hiển nhiên, là quy luật, là chân lí bắt buộc phải thể rồi.
     
   Ba mẹ vẫn hay kể với chúng tôi trong những buổi họp gia đình về chúng tôi ngày còn bé xíu, khi chúng tôi còn nằm nôi đã luôn nắm tay nhau không chịu rời ra cả khi ngủ ,rồi lúc nó đi lạc tôi khóc lấy khóc để mà vẫn không nói được tiếng nào chỉ biết ú ớ “em..em…”nghe đến mà thương, Mẹ nói với tôi em tôi rât hãnh diện khi được là em của tôi, ngay khi 2 đứa mới bước vào mẫu giáo, khi nó bị ăn hiếp bởi những thằng nhóc đô con thích ghẹo con gái, tôi đã lao vào đánh mấy thằng nhóc ấy như điên để rồi con gái con đứa mà mặt mũi đầy vết cào cấu,rồi tự nhiên khi thấy nó lẫm chẫm tới bên tôi, tự nhiên tôi lại òa khóc như đứa trẻ (trong khi hồi nãy anh hùng là thế). Tôi cũng biết điều đó,tôi biết từ bé tôi đã là “anh hùng” là thần tượng của nó, bởi thế tôi cũng luôn cố gắng xây dựng mình thật hoàn hảo để có thế được nó “hâm mộ” mãi thôi. Mỗi lần kể tới chuyện đó ba tôi lại cười rồi hỏi tôi :   
   - Con có biết ngày ấy em con đã nói gì khi ba hỏi tại sao con lại nhận lỗi thay chị không?   
   - Thưa, không!   
   - Nó nói “Vì con là em của chị, chị đã bảo vệ con”
    
   Lên cấp 2, tôi ngày càng ngỗ ngược, phải nói nó nữ tính hiền thục bao nhiêu tôi lại đanh đá bấy nhiêu, được cái tôi chăm học, Tôi chăm học cũng vì nó, vì tôi muốn noi gương cho nó, vì tôi không muốn nó ngừng yêu thương tôi, tôi muốn tôi là số 1 để nó noi theo .Dường như nó cũng biết thế, lúc nào khi gặp 1 đứa lớp khác nó cũng giới thiệu theo kiểu “tớ là em của chị ấy” chứ không bao giớ nói tên nó ra. Khi tôi hỏi thì nó luôn bảo “Vì em là em của chị, em hãnh diện về điều ấy”. Tôi vui và cũng như bao lần tôi cho điều đó là hiển nhiên. Mà thật tôi ngày ấy cũng nghĩ rằng nó phải lệ thuộc tất cả vào tôi, tôi cho phép mình đặt ra cái quyền ấy, và tôi bắt nó phải theo tôi. Chúng tôi cùng lớp từ lúc bé cho đến khi lên cấp 2, tất cả thay đổi từ khi chúng tôi bước vào cấp 3 và đó cũng là lúc giữa 2 đứa bắt đầu có những xích mích đầu tiên..


&&&
      
   Nó chưa bao giờ cãi lời tôi. Như tôi đã nói nó luôn xem tôi là thần tượng, nó để tôi quyết định tất cả cho cuộc sống nó, còn bản thân tôi, tôi luôn xem mình là đúng, tôi tập mình trở nên hoàn hảo đồng thời cũng biến mình thành một kẻ tự kiêu, nhưng nó lại cãi tôi, cãi trong việc sẽ chọn giữa ban tự nhiên hay ban xã hội để học khi mới bước vào lớp 10. Lúc đó tôi cũng không tin vào tai mình và lần đó hai đứa cãi nhau to.Dĩ nhiên sau đó nó được học ban tự nhiên vì đó là ban nó chọn, ba mẹ tôi trước giờ theo chủ trương luôn tôn trọng ý kiến và sở thích của con cái mình nếu điều đó có lợi cho nó. Đó là lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau cũng là lần đầu tiên chũng tôi học khác lớp. Sau ngày ấy, chúng tôi có đôi phần xa nhau chứ không còn thân thiết như trước nữa, bởi lẽ tôi là kẻ ích kỷ, còn nó, sau lần đầu tiên tự quyết định cho cuộc đời mình cũng trở lại bản tính nhút nhát như thường thấy. Những năm học cấp 3 rồi cứ thế cũng qua đi, nó ngày càng trở nên lặng im, ít nói. Thi cử và bài vở và cái tâm lý lúc nào cũng phải noi gương cho nó khiến tôi lao vào học hành như điên, tôi không để ý những đổi thay của nó, không nhận ra nó cũng đã lớn, băt đầu nhạy cảm, có những buồn vui tâm sự (hoặc tôi đang ngụy biện cho cái tính ích kỉ của mình), chúng tôi ít nói chuyện với nhau hơn, hoặc đôi lúc nhìn nhau nói vài câu qua loa cho xong chuyện, bởi lẽ tôi đi học suốt ngày.


&&&


   Lên 12, nó không còn nói yêu thương tôi nữa, tôi cũng bận lao vào ôn thi đại học nên một lần nữa tôi lại xa rời em tôi.Tôi không nhận ra những biến chuyển trong nó khi nó bắt đầu yêu và cả khi nó chia tay Nguyên nó đã vui sướng và hụt hẫng như thê nào.Vì cái lẽ gì đấy mà sang học kì 2 em tôi bắt đầu trượt dốc, nó ít cười ít nói hơn, giả sử tôi có hỏi nó cũng chỉ đáp:  
   - Em ổn mà, chị.    
   Bỏi thế tôi cũng im, mà tôi cũng đang vị kỉ lo cho chính mình với kì thi trước mắt. Nó không còn nói yêu thương tôi nữa, suốt ngày cứ như cái bóng vật vờ, vẻ hồn nhiên tinh nghịch từ tấm bé cũng không còn, đôi lần bực quá tôi cũng quát:  
   - Mày học hành gì chưa đấy, hả? Cứ thế là rớt đại học như chơi ấy nhé.  
   Nó cũng chỉ cười.  
   - Em sẽ đậu mà, chị, vì em là em của chị mà!  
   Tôi lại thôi.


&&&


   Nó thay đổi hẳn khi lên đại học, trấm tính, ít nói và lúc nào cũng cười buồn, Và kể từ lần đó lúc nào nó cũng nhìn tôi đây sợ sệt, sợ cái sợ ai đó sẽ làm mình tổn thương tinh thần chứ không phải cái nỗi đau thể xác. Tôi ban đầu cũng thấy mình có lỗi nhưng mãi sau thây nó mỗi khi nhìn tôi thì lại né tránh khiến tôi đâm bực. Có bận tôi đã ném nguyên cuốn vở vào người nó khi nó nhìn thấy tôi ở nhà trước đã lủi ngay ra nhà sau, tôi mang đến cho nó thêm nỗi sợ thể xác.
      
   Để tiện cho việc học, tôi dọn vào ở luôn kí túc xá, 2 đứa xa nhau thêm, càng ít gặp. Lúc này gia đình tôi gặp biến cố, mẹ ốm nặng ,ba cũng cố gắng gồng gánh nhưng cũng đã yếu rồi, mọi thứ đổ ập lên vai tôi, tôi phải đi làm thêm. Nhưng cái sự đời cũng nghiệt, biết mình cần được giúp thì cuộc sống càng cứ ép mình vào chốn đường cùng. Tôi đi xin mãi mới được chân chạy việc trong quán ăn, làm được it lâu cũng được tăng lương liên tục khiến tôi cũng vui. Nhiều lúc tôi hay ghé nhà mua đồ ăn cho ba mẹ rồi hàng tháng góp chút tiền tôi kiếm được cải thiện cho gia đình, lần nào tôi cũng ít gặp nó. Có bận tôi tới khuya lắm mới thấy nó ở đâu về, gặng hỏi không nói, tôi cũng bực
    
   Thời gian cũng qua đi,tôi cũng biết yêu . Chàng trai của tôi là người mà tôi nâng niu hết mực, anh thương tôi bằng tình yêu thầm kín và thủy chung, ngày tôi đưa anh ra mắt gia đình là năm cuối đại học, chúng tôi thậm chí dự định ra trường là sẽ cưới. Cả nhà mừng cho tôi. Và khi tôi nhìn hạnh phúc của mình với việc nó đi mỗi đêm tăng hơn tôi lại cảm thấy nó tồn tại trong cuộc sống tôi vô nghĩa vô cùng. Tôi lao vào học để mong có tấm bằng loại ưu, mẹ bảo tôi nghỉ làm thêm rồi còn đưa tôi khoản tiền kha khá để tôi cải thiện việc học,tôi nghĩ gia đinh lại ổn nên tôi chỉ chú tâm vào học. Khi tôi tốt nghiệp anh nói lời chia tay tôi, tôi cũng choáng váng bất ngờ, khi lí do anh đưa ra chỉ vì tôi quá chú tâm học không có thời gian dành cho anh, tôi nhớ mình đã khóc dữ lắm, bạn bè cũng an ủi khuyên lơn nhưng qua năm tháng chúng lại thôi. Tôi dọn về nhà, và tôi để ý mỗi đêm trên đầu giường tôi luôn có chiếc khăn tẩm nước, tôi biết nó để cho tôi lau nước mắt…
   
   Nó tốt nghiệp đại học loại khá. Tính tôi thì trở nên cáu bẳn hơn, lúc nào không vừa ý tôi lại lấy nó ra làm bình phong. Có lần tôi đã mắng nó khá nặng để nó phải bỏ chạy mà khóc ra khỏi nhà, Lúc ấy mẹ đã nói với tôi:   
   - Quỳnh này, con có biết khoản tiền mẹ đưa con những năm cuối cấp ở đâu ra không?  
   - Thưa, tiền má để dành?   
   - Là tiền của con Lài đấy, nó đi làm kiếm tiền cho con ăn học đấy   
   Nghe tôi cũng choáng váng nhưng cũng thoáng bất ngờ, không phải tôi không tin em tôi không thể làm ra tiền mà tôi không tin đứa em tôi lại hy sinh đến thế. Tai tôi như ù đi khi mẹ nói tiếp:    
   - Ngày ấy , má bệnh, chỉ mình nó ỏ nhà, nó cũng bất lực lắm, rồi con về, con bắt đầu đi làm, nó cũng đòi theo nhưng má không cho, con chưa bao giờ thắc mắc sao lương tháng con cứ tăng à? Đó là vì sau khi con về nó đã tới đó làm thêm nữa với danh nghĩa của con đấy…   
   - Nhưng sao má không nói…Sao ngày đó không ai nói…Con đã mắng nó…   
   - Nó không cho ai nói cả, ba má tôn trọng nó, rồi khi con buồn, nó cũng muốn hỏi con nhưng 2 đứa dạo này cứ xích mích miết, nó chỉ biết quan tâm con thông qua má thôi….
    
   Tai tôi ù đi nhưng tim tôi đập mạnh mẽ. Bao kí ức từ khi bé thơ với việc nó hiện diên bên đời tôi bỗng chốc hiện lên, nó là em tôi ,nó biết tôi đang đau những gì và cố gắng những gì, còn tôi cả những giây phút hạnh phúc lẫn khổ đau của cuộc đời nó tôi cũng dừng dưng vì tính ích kỉ của mình. Nó chưa bao giờ xa tôi chỉ có tôi là tự xa nó bởi những suy nghĩ của tôi ,còn nó ,nó vẫn yêu thương và dõi theo tôi. Tôi gục đầu xuống ghế khóc dữ dội:   
   - Chị, sao thế,,,?   
   Tiếng nó làm tôi ngẩng vội lên..  
   - Em…Đi đâu giờ mới về?    
   - Em sợ chị giận, đợi chị hết giận em lại về - Nó cười nhẹ.    
   Tôi gào lên như trẻ nít.   
   - Em, tha thứ cho chị nhé?    
   Nó nhìn mẹ rồi nhìn tôi mỉm cười.    
   - Em sẽ tha thứ, vì em là em của chị mà!


Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Email cá nhân : Phongtruongtu201@gmail.com




READ MORE - VÌ EM LÀ EM CỦA CHỊ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

ĐƯA EM QUA BẾN HỒNG PHONG - hai bài thơ của Lê Thanh Hùng




Đưa em qua bến Hồng Phong

“Gió đưa trăng, thì trăng đưa gió
Trăng lặn rồi, gió biết đưa ai ?”


Đưa ai qua, qua quảng vắng Dốc dài (*)
Chiều chập chọang, Truông Hòn rơm, Suối nước (*)
Trăng quạnh quẽ, trôi câu thề óng mượt
Sóng trở mình, ùa thức dậy sớm mai


*
Rừng thì Lớn (*), mà em sao bé nhỏ?
Trĩu nặng đường xa, quá khứ vội vàng!
Đời thiếu nữ đã qua vầng trăng tỏ
Vọng tiếng đời, tiếng cát gọi mùa sang


*
Năm tháng nào rơi dọc lối anh đi
Tàu thì Bể (*), mà em hiền như cát
Ai tuổi trẻ một thời, nghêu nghao hát
Đằng trước, đằng sau, dấu cát phẳng lì


*
Xẩm trắng, xẩm đen (*) mờ mịt một màu
Ai hay em? Biết sao mà không thấy?
“Hai mốt nước nằm, hai lăm nước dậy”
Biết con nước nào ta lại gặp nhau…


*
Đưa ai qua, đường xa ngái dặm dài
Tình yêu mới, như một ngày đã cũ …
Trong vắt, nguyên sơ, triều dâng, bão lũ
Son sắt trên đường, ta bước tới ngày mai…

LTH


(*) Tên địa danh ở xã Hồng Phong, Bắc Bình, Bình Thuận
- Chữ nghiêng: Ca dao


Bộc bạch

Rất có thể, bên sóng đời nghiệt ngã
Ta cố tình dẫm đạp bước lên nhau
Cứ chen lấn, bẻ chồi non, cây lá
Tìm lộc ở đâu? Rối rắm, rũ nhàu

*
Sao cứ mãi nhìn đời, đầy gai góc
Kìa trời xanh, bình thản ở trên đầu
Nắng chói lung sâu, mưa trôi đèo dốc
Gian khổ qua rồi, đâu cuộc bể dâu?

*
Gặp lại nhau, bên góc đời chật hẹp
Mãnh vườn xưa, lời xin lỗi muộn màng
Cánh cổng vắng, mở toang, sao khép nép?
Bóng mờ xa, niềm ray rứt miên man

*
Dẫu đã biết, phận đời xa từ đó
Như cơn giông nước cạn, chảy trôi chiều
Khao khát sống, bên trời êm lặng gió
Mơ mộng ngày xưa, xuôi ngược quạnh hiu ...

*
Vẫn con sóng ru ta thời thơ dại
Như thủy triều duềnh ngược bến sông xa
Trôi ký ức, sao trôi hoài, trôi mãi
Vỡ vụn, âm thầm dấu một mình ta

*
Điều ân hận đẩy đưa theo ngày tháng
Lắng tuổi đời, sao cứ cộng mang sang ?
Nghe sâu lắng, những lối mòn dĩ vãng
Sao ăn năn bao giờ cũng muộn màng?

Lê Thanh Hùng
UBMTTQ huyện Bắc Bình, Bình Thuận



READ MORE - ĐƯA EM QUA BẾN HỒNG PHONG - hai bài thơ của Lê Thanh Hùng