Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 10, 2022

NỖI NHỚ MỘT DÒNG SÔNG - Chùm thơ của nhóm Sông Quê: Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Nguyễn Thị Liên Hưng




TÌM VỀ BẾN SÔNG QUÊ

 

Vượt đường dài tôi ghé lại sông quê

Chảy đi sông ơi! Bao đời vẫn thế

Uốn khúc quanh co mấy thời dâu bể

Chuyện để đời cho lịch sử ghi danh

Tiết tháng hai quê nhà còn rất lạnh

Lạnh buốt ngoài da lạnh cả tâm hồn

Tuổi thơ tôi nơi bến nước chiều hôm

Cùng lũ trẻ vui đùa năm bảy đứa

Rồi xa quê lòng tôi chia hai nửa

Nửa ở phương Nam nửa gởi quê nhà

Nhớ lắm sông ơi! Một chút mặn mà

Chất giọng quê mình theo cùng con nước

Tôi ngao du giữa dòng đời xuôi ngược

Qua bao sông dài nước đục phù sa

Kẻ tha hương dọc đường mê trăm ngả

Ngả ngược, ngả xuôi, muôn nẻo cuộc đời

Bao năm rồi...Dừng chân nơi bến đợi

Thương nhớ nhiều lòng ray rứt miên man

Dòng sông quê tôi chẳng bao giờ cạn

Chảy đi sông ơi! Chảy mãi không dừng.


28/02/2022

Phan Thạch Nhân

 

 

Sông Vĩnh Định.
Ảnh: Phạm Đình Quát.

BẾN SÔNG XƯA

 

Có ai về bến sông ngày cũ

Vớt dùm ta vạt nắng ngày xuân

Gió lao xao hàng tre buông rủ

Có con đò rẽ nước trong xanh

Nắng đôi bờ lung linh sóng nước

Có chị ngồi giặt áo mê say

Bóng chiều rơi, chiều rơi tha thướt

Tóc chị dài vờn lượn bờ vai

Nắng nghiêng soi hây hây má đỏ

Nước dập dềnh theo giọng hát trong

Tiếng chị hát len vào trong gió

Để bờ bên lắm kẻ xao lòng

Rồi một ngày thuyền hoa ghé bến

Xác pháo hồng rơi rụng đầy hiên

Những chàng trai thôi không còn đến

Để sông chiều vạt nắng chao nghiêng

Bến sông xưa giờ đây xa lắc

Chị cũng về theo gió mây trôi

Chiều mù sương giăng mờ khóe mắt

Sóng sông chiều? Hay sóng lòng tôi?


Chiều 28/02/2022

Nguyễn Thị Vĩnh Phước

 

 

Sông Vĩnh Định,
Ảnh: Phạm Đình Quát

SÔNG QUÊ

 

Dòng sông xuân xưa nước trong văn vắt

Vẳng tiếng hò khoan theo nhịp chèo khua

Gió mát đôi bờ trời xanh ngăn ngắt

Nhịp gõ dân chài theo tiếng gió đưa

Rồi khi hạ về nắng vàng tỏa bóng

Trên triền sông hoa dẻ chín vàng ươm

Sông thu lao xao, sông đông gió lộng

Nước tràn lên, phù sa mướt ruộng vườn

Và cứ thế bốn mùa sông luân chuyển

Êm đềm trôi cùng xuân hạ thu đông

Nên lòng người mãi nhớ nhung, lưu luyến

Dẫu thuyền xưa đã qua biết bao dòng

Sông bao đời chở tràn đầy ký ức

Của đời thuyền, đời nước lẫn đời sông

Thuyền nát rồi, sóng xao bờ rưng rức

Để nước xuôi, xuôi, xuôi mãi theo dòng

Tôi đã về trên bến sông ngày cũ

Tìm chút hương xưa trong bóng chiều hôm

Rồi quay đi mang gió mây vần vũ

Vần vũ tim ta, chao đảo tâm hồn

Sông vẫn thế nhưng người không còn thế

Mắt biếc ngày nao giờ đã hoen mờ

Rồi một ngày kia thôi nhìn dâu bể

Sông quê quay về, xin đợi trong mơ.

 

Chiều cuối tháng 2/2022

Nguyễn Thị Liên Hưng


READ MORE - NỖI NHỚ MỘT DÒNG SÔNG - Chùm thơ của nhóm Sông Quê: Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Nguyễn Thị Liên Hưng

MỘT QUẢNG TRỊ ĐẰM SÂU TRONG THƠ VÕ VĂN HOA - Hoàng Thị Thu Thuỷ

 

Nhà thơ Võ Văn Hoa



   MỘT QUẢNG TRỊ ĐẰM SÂU 

TRONG THƠ VÕ VĂN HOA


TS. Hoàng Thị Thu Thuỷ


Không hiểu sao khi nhớ về Quảng Trị trong tôi luôn xuất hiện hình ảnh hai nhà thơ trong một gia đình – Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến – dường như cả hai anh đã tạo nên gạch nối giữa con người, vùng đất nơi đây với bạn đọc khắp mọi miền đất nước. Những tên đất, tên người thân thương gần gũi ngấm vào tâm thức độc giả từ khi nào không biết qua tập thơ “Đất lửa xanh”: Thành Cổ, núi Mai, chợ Cầu, chợ Đình, chợ Hôm, chợ Kẻ Diên, chợ Diên Sanh, thác Chờng, sông Hiếu, sông Ô Lâu, Hướng Hóa, Cam Lộ, Cồn Cỏ… Gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, mỗi bài thơ như là một bản nhật kí nội tâm về cảm xúc, tâm hồn trước thời gian và không gian hiện hữu.

     Có những tứ thơ ngỡ như là bất chợt, nhưng để viết ra nó chắc cũng phải thấm từ gan ruột, đau đáu nỗi niềm cùng tháng năm: “Nửa đêm thức với Hiếu Giang/ Nghe thơ cuộn chảy sóng tràn giao bôi/ Nhìn sông bên lở bên bồi/ Thương nhau tiếc ngọc một thời vàng son” (Đêm sông Hiếu), da diết, đằm sâu cùng bao đổi thay của dòng sông bên lở bên bồi, để rồi thương tiếc – không nói xót xa mà xót xa, bởi không gian lắng sâu “nửa đêm” đã đánh thức trong anh cả một trời kí ức.

     Bên này sông Ô Lâu” như là kí sự bằng thơ về một vùng đất với “Trầm tích một “tình sử Ô Lâu” – có lẽ vì thế mà thơ anh lắng đọng nhiều hơn trong tâm thức độc giả những chi tiết, hình ảnh về con người, lịch sử của mảnh đất đã từng trải qua bom đạn chiến tranh. Nơi đây có những chiến công, có những hi sinh, mất mát, thương đau… Bởi vậy, khi viết về Cồn Cỏ, về Trường Sơn, về Hướng Hóa với anh như là trách nhiệm thiêng liêng của người cầm bút, thi nhân như  thao thức” cùng với quê hương của mình: “Có người hong tóc mỗi sớm mai thức dậy/ Có người ngủ quên chuyện tình mười mấy năm/ Có một nơi xa nào/ Tôi đi tìm em…” (Có một nơi xa nào), những câu thơ mở đầu như thể hứng trong ca dao, rồi tứ thơ kể về những tháng năm đi tìm đồng đội, xúc động tình người -  Có người hong tóc/ Mắt vẫn hướng về xa ấy/ Trường Sơn”.

     Bài thơ “Cồn Cỏ” sáng tác theo thể thơ 5 chữ - thể thơ quen thuộc trong sáng tác của anh đã đi vào chiều sâu suy tư: “Giao bôi nào có say/ Chiều lên Trạm đèn biển/ Cơn mưa nào chợt đến/ Ướt áo, ướt vần thơ”… Thể thơ 5 chữ với anh khá quen thuộc, trong tập thơ “Đất lửa xanh” có đến 12 bài được sáng tác theo thể thơ 5 chữ, ở những bài thơ theo thể loại này, tứ thơ đến tự nhiên, dòng cảm xúc trôi chảy, nhẹ nhàng.

     Dường như mỗi địa danh khi anh trở lại đều khơi gợi cảm xúc, tâm tư, tình cảm trong anh, bởi vậy có những câu thơ thật hay, tứ thơ thật đẹp: “Anh về thăm lại Đakrông!/ Cô gái năm xưa đã lấy chồng/ Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ/ Anh mãi đi về - một nhánh sông” (Đakrông) – câu thơ kết “Anh mãi đi về - một nhánh sông” tạo cảm giác như bài thơ hết mà ý tình chưa hết.

     Thế giới nội tâm trong thơ anh thẳm sâu cùng không gian thân thuộc. Thời gian càng trôi chảy, cảm xúc trong thơ Võ Văn Hoa càng như tiếc nuối, và dường như đó là nguyên cớ khiến cho giọng thơ của anh da diết, quyến luyến: “Dòng sông Ô Lâu – em đi về đâu?/ Dòng sông Ô Lâu – không còn em – tôi đi về đâu?/ Trăng lẻ bóng, trăng trôi về đâu?” (Tình ca Ô Lâu) – những câu hỏi tu từ liên tiếp nhau như sóng lòng thi nhân đang cuộn trào cảm xúc. Có những thi ảnh xuất hiện liên tiếp nhau cùng cái nhìn thấm đẫm chất thi ca khiến độc giả xao xuyến: “Gánh cá chiều chạy từ biển lên/ Đòn gánh cong đời mẹ/ Người phu già khuân miền dâu bể/ Điếu thuốc Lào phả khói hoàng hôn” (Chợ Hôm) – chợ cá, vội vàng là thế, nhộn nhạo là thế mà cái nhìn so sánh bất chợt, khiến lòng mình như chùng lại – đòn gánh cong đời mẹ; khói thuốc – khói hoàng hôn

     Từ Hải Lăng đến Huế không xa, bởi vậy khoảng cách không gian địa lý không gần, không xa này cũng là nguyên cớ khiến thi nhân khắc khoải, đó cũng là duyên cho những tứ thơ trữ tình luyến láy trong ai một trời nhớ nhung: “Anh về trầm hương lá cỏ/ Màu chiều như thể ca dao/ Cùng em nhìn vô trong Huế/ Ấm tình xuân biếc xanh cao” (Ngày chưa xa). Cái cảm giác phóng túng, khoáng đạt khi đến Làng Rào trong thơ anh cô đọng, chắt lọc qua vài ba hình ảnh, như khơi, như gợi, như mời, như gọi: “Người dân làng Rào/ Chân chất, thật thà, bến quê neo đậu/ Lươn, ốc, chuột đồng… thơm mùi xào nấu/ Thết khách miền xa/ Người dân làng Rào/ Khách khí mần chi cho mệt!/ Sống tung tẩy cho đời vui/ Như giăng lưới bắt chim trời/ Tôi cảm nhận lần đầu tiên đến/ Gọi tên làng như gọi mối tình xa” (Làng Rào). “Qua chợ Kẻ Diên Xưa” không chỉ là cảm xúc thơ mà là câu chuyện dài được gợi lên từ câu ca dao thuở nào “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Âu đây cũng là tài thơ của thi nhân ở vùng đất có quá nhiều dấu tích văn hóa. Thơ là gợi, là cảm, là rung động từ những thi ảnh quen mà lạ… Đọc bài thơ “Phiên chợ chuột”, trong tôi mang mang một chút kí ức về khoảng thời gian gia đình tôi sống ở nơi tập kết – huyện Lệ Thủy, vừa háo hức mong có dịp được dự phiên chợ có một không hai này. Âu đó cũng là công lao của nhà thơ khi tái hiện thật sinh động một loại hình văn hóa hiếm có ở một vùng đất nắng gió: “Phiên chợ chuột một năm vài lượt/ kể cũng vui trên bước đường đời/ Bạn hãy về cùng mình đi phượt/ Tranh Đông Hồ đâu phác một lần thôi”.

     Đi để viết, đó là cảm hứng trong thơ Võ Văn Hoa, mỗi nơi anh đi qua chỉ vài ba nét phác thảo, mà đã tái hiện đặc điểm về vùng đất, con người, quả là tài hoa: “Giao mùa cơn nắng ong ong/ Tôi về Cam Lộ lòng vòng đường quê/ Gặp em răng rứa mô tê/ Tiêu Cùa cay xé, kim kê gọi mời...” (Tháng tư về Cam Lộ). Miệt mài sáng tác, hăm hở cảm nhận, xúc cảm chín trong tâm hồn vương vấn với tình quê, tình người; bề dày tri thức, văn hóa đã dệt nên những tứ thơ quen mà lạ, nhẹ nhàng mà lưu luyến, gần gũi mà thẳm sâu. Chất thơ gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực tiếp nên đọc kĩ thơ anh sẽ nhận ra nét riêng của thơ anh được chắt lọc bởi tri thức văn hóa về miền đất, con người Quảng Trị, thi tứ trong thơ anh giản dị, không lên gân, không vặn vẹo con chữ, mà có nhiều bài như đang tự sự, lại dạt dào cảm xúc bởi những vần thơ nhẹ nhàng, luyến lưu.

     Từ tác phẩm đầu tay “Còn ta với mình” (2004), đến “Đất lửa xanh” (2021) anh đã đi qua chặng đường sáng tác với 5 tập thơ đã làm nên dấu ấn riêng về tên tuổi của anh trên thi đàn. Tôi vẫn đọc thơ anh xuất hiện đây đó trên các trang báo, nhưng có lẽ đây là lần đọc kĩ về tập thơ “Đất lửa xanh”, chợt giật mình tự nghĩ, kẻ hậu sinh vẫn còn nhiều non nớt, nhưng cảm nhận và rung động trước thơ ca dẫu có vụng về thì vẫn cứ gõ lên trang giấy, âu đó cũng là nhờ duyên mùa xuân với quà tặng từ tác giả “Đất lửa xanh” trong những ngày chộn rộn đón năm mới.  

     Câu thơ cũ từ bao giờ/ Đời nay có kẻ ngẩn ngơ đi tìm!/ Bay qua những nẻo đường chim/ Băng qua muôn lối đồi sim quê nhà/ “Phương thảo địa” không đâu xa/ Xuân nay ta gặp rừng hoa … cỏ bồng” (Qua miền cỏ thơm – Võ Văn Hoa).

                                               Huế 10/3/2022

                                     TS. Hoàng Thị Thu Thủy

      

 

READ MORE - MỘT QUẢNG TRỊ ĐẰM SÂU TRONG THƠ VÕ VĂN HOA - Hoàng Thị Thu Thuỷ