Châu Thạch
Đọc "Cánh Võng Trường Sơn", Thơ Hồ Văn Chi
Châu Thạch
CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN
Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương
Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương
Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh
Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường
Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc
Hai đầu đất nước, nặng tình thương
Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng
Nghĩ đến ngày xưa lại vấn xương./.
11/5/2015
Hồ Văn Chi
LỜI BÌNH: Châu Thạch
Tôi không phải là người đi Trường sơn trong cuộc chiến trước đây nhưng không vì thế mà bài thơ “Cánh Võng Trường Sơn” của Hồ Văn Chi không đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Với tôi thơ hay là thơ hay, nó chỉ phụ thuộc vào tâm hồn tác giả và chữ dùng trong đó mà thôi, mọi cái khác đều là trung tính. Bài thơ “Cánh Võng Trường Sơn” trích trong tập thơ cùng tên của Hồ Văn Chi chứng tỏ tác giả tâm đắc nhất bài thơ nầy. Đọc cái đầu đề bài thơ ta liền cảm giác có sự bay bổng khi “chiếc võng Trường sơn” được hoá thân có “cánh”, nghĩa là nó đã thành chim, hay đúng hơn nó là cánh đại bàng. Chỉ một chữ “cánh” thay chữ “chiếc” làm cho người đọc liên nghĩ đến sự tung bay, đến bầu trời cao rộng, đến sự hữu dụng của một chiếc võng bình thường. Chiếc võng bây giờ đã thành như tấm thảm bay đưa con người đến chân trời ước vọng xa xôi.
Vào đề bài thơ tác giả đã cho “cánh võng Trường sơn” biến hoá ngay thành một con thuyền bập bềnh trên sông nước:
Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương
Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương
Ai đã từng đi đò dọc mới cảm thụ được tất cả sự so sánh thuyền và võng trong hai câu thơ nầy vừa chính xác, vừa thi vị làm sao. Con thuyền bấp bênh như cánh võng đung đưa. Phong cảnh quê hương xuất hiện hai bên thuyền cũng màu xanh như phong cảnh núi rừng trường sơn hai bên cánh võng, gợi cho người nằm trên võng nhớ đến quê hương. Hai câu thơ lồng cái cảnh quê hương bát ngát trong khung cảnh âm u của núi rừng làm cho người đọc cảm nhận được hết cả tâm trạng của người đi trường sơn trên chiếc võng trường sơn. Mặt khác, nó có tác dụng làm cho tiếng thơ trở nên êm ái, không còn sự u trầm của không khí núi rừng bưng bít bốn bên.
Hai câu trạng của bài thơ nói lên công dụng hữu ích của cánh võng Trường sơn và cũng nói lên ít nhiều sự gian khổ của người đi Trường sơn:
Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh
Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường.
Nhiều bài thơ viết về trường sơn đã cố ý tả cho hết, cho tận sự gian khổ, vì vậy nó biến thành một bài thơ kể lể và khóc lóc. Cái hay trong hai câu thơ nầy là chỉ nói lướt sự khó nhọc qua công dụng của chiếc võng Trường sơn. Điều đó làm cho người đọc thấy sự thư thái trong tâm hồn người đi trường sơn, thấy cái đẹp, cái thi vị trong lý tưởng của con người nằm trên võng, thấy cái đêm trường êm ái và biến cánh võng trường sơn thành đôi tay ru giấc ngủ, bồi bổ sức lại cho đôi chân vượt dặm trường.
Bước qua vế luận tác giả mở ra một khoảng bao la để cho thấy cái đẹp của đất trời quanh võng và qua đó thấy cả quê hương;
Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc
Hai đầu đất nước, nặng tình thương
“ Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc” biến mảnh trăng thành có hồn của con người. Đọc câu thơ ta thấy người cảm xúc mà trăng cũng cảm xúc. Trăng cảm xúc thì biến động trong hồn người mà người cảm xúc thì lan rộng dưới trăng. Từ cái cảm xúc dưới trăng đó, nhà thơ đã đưa cái cao cả nhất của tâm hồn mình là tình thương đất nước đặt hai đầu cánh võng. Vế thơ chất chứa cái lý tưởng trọng đại của mình đầy ắp sự lãng mạn của trăng và của thơ: “Hai đầu đất nước, nặng tình thương”. Vế thơ cũng cho ta thấy sự trăn trở của con người nằm trên cánh võng. Đó là chiếc võng như trở thành cái đòn gánh, gánh nặng tình thương ở hai đầu đất nước. “Mảnh trăng lưởi liềm” cũng là một hình ảnh chủ ý của thơ, không bày tỏ sự trọn vẹn như một mảnh trăng tròn, mà ở đây tâm tư đương nhiên phải có nhiều thiếu hụt khi xa nhà, trong cảnh vắng lặng núi rừng. Một mảnh trăng lưỡi liềm, một cảm xúc tràn lan. Từ cảm xúc vì vẻ đẹp đêm trăng núi rừng đưa đến cảm xúc nặng tình thương ở hai đầu đất nước quê hương. Cái cảm xúc của người thi sĩ lãng mạn trong thơ không vu vơ theo phong cảnh mà đặt vào lý tưởng. Cảm xúc ấy làm tôn vinh nhân cách của thi sĩ, là người không than mây khóc gió, là người dùng sự lãng mạn kía để tô thắm cho đời .
Hai câu kết rất nhẹ nhàng bày tỏ sự vấn vương về một quá khứ đã xa:
Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng
Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương.
Hai câu kết thật là đơn sơ nhưng chắc nó không đơn sơ trong lòng mỗi người đã từng gùi chiếc võng trên lưng đi dọc Trường sơn, đã từng nằm trên chiếc võng để suy tư về gia đình, về đời trai, về đất nước phân ly. Người đọc sẽ thấy hai câu kết như một cơn gió thoảng đến, đem hương vị quá khứ làm mát rượi tâm hồn mình. Sẽ không có khắc khoải, sẽ không có dằn vặt bi thương, không có ta với địch, hận với thù chỉ làm cho đời mới bớt niềm vui, mà vẫn giữ trăng vàng trong ký ức của những ngày gian khổ đã qua.
Với tôi “Cánh Võng Trường Sơn” là một bài thơ dễ hiểu và dễ loang trong lòng người những cảm xúc, gợi nhớ một thời đã qua có bi, có hùng, có gian khổ, có niềm vui và còn lại một phần đậm đà trong ký ức là vẻ đẹp của chiếc võng đơn sơ, hành trang của một thời trai trẻ, của một lớp người đi dọc Trường sơn. Bài thơ Đường không dùng Hán tự, âm điệu trôi như con nước, bay như gió nhẹ. Đọc nó thấy một khu rừng trăng mà cũng thấy dòng sông quê hương, và cũng thấy tình thương bao la làm xao xuyến tâm hồn ./.
Châu Thạch