Tranh của Hà Huỳnh Mỹ
Nguyễn Thị Liên Hưng
MỜI BẠN VỀ THĂM MIỀN DÂN CA MỘT THUỞ
Càng ngày con người càng lệ thuộc vào máy móc, sống bằng máy móc, làm
việc bằng máy móc và cả giải trí cũng bằng máy móc. Thời đại nầy khó mà kiếm
những cánh thư hồng vượt qua bao chặng đường dài để đến tay người thương, trong
nỗi mong ngóng đợi chờ. Khi cánh thư xa đến, nàng (hay chàng) ấp lá thư lên con
tim mà thương mà nhớ. Bây giờ lớp trẻ (và cả người già) muốn liên lạc với nhau
đều qua alô hay mail, chat, messenger…có thể lên mạng vừa nhìn mặt nhau vừa nói
chuyện và …cụng ly qua màn ảnh(!). Phải chăng vì thế mà tình cảm con người cũng
ngày một máy móc hoá. Có lần tôi gởi
một album ảnh cho người thân qua email, người ấy bảo thấy hình ảnh rất sống
động bèn đưa tay…sờ, nhưng giật mình tỉnh mộng vì đụng phải màn LCD lạnh ngắt.
Người ấy có thể in ra nếu muốn, nhưng việc làm đó sẽ mất đi lắm ý nghĩa… Sau
khi nghe lời than ấy tôi đã sửa sai bằng cách đem in rồi gởi vài tấm ảnh kèm
lời đề tặng phía sau qua đường bưu điện. Như thế thì người thân của tôi ngay
khi mở thư là có thể…sờ, có thể bỏ trong ví mang theo để dòm bất cứ lúc nào và
khi nỗi giận có thể đem…ngâm nước cho đỡ tức. Chứ chỉ nhìn trong màn hình thì
lỡ khi tức lên đấm vỡ…computer thì sao?
Vì lệ thuộc máy móc như thế nên
những sản phẩm vô hình do tâm hồn tạo ra một thời đang bị mai một, coi chừng sẽ
có ngày không hô mà biến khỏi tư duy của loài người. Để bảo tồn chút văn hoá
dân tộc đó, một số người có tâm huyết đang ra sức sưu tầm để lưu các bộ môn
nghệ thuật xa xưa, nhằm truyền lại cho con cháu đời sau biết cha ông ta đã
từng…giải trí như thế nào? Trong đó có thầy trò của Nguyễn Hoàng Quảng Trị quê
hương ta. Chiều thứ bảy vừa rồi, ngày nghĩ rảnh rỗi tôi ngồi mở mail và “lượm”
được hai bài viết về đề tài nầy của Trachle sư huynh ở tận bên kia bờ đại dương.
Bài viết nói về những câu hò của người dân quê Quảng Trị ngày xưa, càng đọc tôi
lại càng thấy thú vị. Sực nhớ mạ tôi đang nằm choèo queo một mình buồn bã, tôi
bèn hớn hở ôm laptop vào phòng đọc cho mạ nghe như một món quà. Ồ không! Không
phải là món quà bình thường, mà là tha
hương ngộ cố tri. Càng nghe đọc mặt mạ tôi càng tươi lên, khi tôi đậy nắp
máy lại mạ ngơ ngẫn hỏi hết rồi hả con? Rồi bỗng dưng bà cất tiếng hò, hò say
sưa hết bài này qua bài khác. Tôi thấy thương mạ vô cùng, tuổi già phải rời quê
theo con, vào đây kẻ lạ người dưng, nơi tôi ở lại không có người già. Con cháu
từ sáng sớm đã ra khỏi cửa, mạ ở nhà lủi thủi một mình cứ như là tù giam lõng,
chỉ biết làm bạn với cái tivi suốt ngày chiếu phim Hàn Quôc, từ yêu đến yêu làm
bà chả thèm coi. Hiếm khi mạ tôi vui như hôm nay. Thấy thế tôi hỏi mạ còn thuộc
nhiều bài hò thế sao? Bà hớn hở trả lời nhiều lắm, rồi kể cho tôi nghe bao
nhiêu là ký ức về các thể loại hò thuở ấy.
Thuở đó, có những người chuyên sống
bằng nghề hò. Hình như họ được trời phú cho môi
mép (nói theo ngôn ngữ mạ tôi và của thời đó), ngoài chất giọng thiên phú
ra họ chẳng hề được học hành gì, một chữ nhất bẻ đôi cũng không biết mà cứ mở
miệng là thơ lục bát cứ vanh vách...với những vần, những điệu lại kèm điển tích
này nọ thông thạo không thua gì các ông đồ. Họ thường ngồi ở chổ đông người qua
lại như chợ, bến đò…ai đến yêu cầu đề tài gì là họ sẵn sàng…chiều theo. Ví dụ
như thấy khách quấn khăn tang còn mới là họ hò cho khóc ròng luôn. Mạ tôi kể hồi
đó ở chợ tỉnh có một o tên Chỏn người thì bé tí mà hò rất nỗi tiếng. Có lần mạ
tôi được nghe o Chỏn hò diễn cảnh Châu Long tiễn Lưu Bình đi thi, với chất
giọng ai oán khiến ai nấy ngậm ngùi. Có người thút thít khóc… Mắt mạ xa xôi, như vẫn còn nghe mấy chữ Lưu Bình chàng ơi…đứt ruột ấy. Có lần một ông khách nọ tai quái,
đến thách o Chỏn rằng tui chỉ ra đề một
chữ, nếu o hò được thì muốn gì tui cũng chiều, còn nếu hò không được thì bỏ
nghề đi nhé. Không cần nghĩ ngợi, o Chỏn OK liền, văn tự không có chữ ký nhưng đã có bà con đi chợ vây kín lớp
trong lớp ngoài. Ông khách ba trợn
liền đưa tay chỉ vào của quý mình rồi bảo hò đi. Đám đông đang ồn ào chợt lặng
đi thầm nghĩ chuyến nầy o Chỏn chắc phải bỏ nghề rồi. Có người liếc xéo ông
khách chửi thầm cái đồ trơ tráo, dơ dáng
dị hình, cái đồ vô liêm sĩ… Không ngờ chỉ qua một thoáng đỏ mặt, o Chỏn trở
lại bình tĩnh rồi cất tiếng thánh thót: Hơ…ơ
hơ….chứ mưa dập gió cũng dập mà mưa dồn gió cũng dồn. Chứ bác có…của bác thì
tui cũng có…của tui đây. Hơ…hò… Đám đông cười muốn vỡ bụng còn ông khách ba
trợn tái mặt và …trở thành phỗng đá. Thế là văn tự không chữ ký được thi hành.
Người thắng cuộc không làm khó khách cũng chẳng đòi chi xa xôi, chỉ yêu cầu cái gì…không dính trên người bác thì để lại
cho tui rồi đi. Thật là đáo để! Bà con được một phen cười nôn ruột khi thấy
người thua cuộc phải thi hành ngay luật chơi, đưa hai tay bụm của quý lủi nhanh
ra cánh đồng vắng để tìm đường về nhà. Đúng
là bụng làm dạ chịu chớ phàn nàn trách ai, thấp cơ thua trí đàn bà đến là
nhục! Nghe đâu là từ đó ông ta không dám chường mặt ra chợ tỉnh nữa.
Mạ
tôi lại kể, ngày xưa nhà ông nội tôi thuộc loại điền chủ của một vùng lúa Quảng
Trị, khi mùa màng xong thường tổ chức giải trí cho thợ gặt. Bà con lối xóm tập
trung lại. Những đêm hò, những buổi hò có tổ chức như thế gọi là hò trường. Giữa sân gạch rộng thênh
thang, đèn huê kỳ được thắp sáng, có để hai cái cối và chày cho các cặp hò.
(Cối và chày chỉ là tượng trưng chứ không phải để giã gao). Mỗi cối có hai cặp
nam nữ hò đối đáp nhau, cứ cối nào nghĩ ra trước thì gõ chày xuống cối một cái
rồi cất tiếng hò – như cái kiểu bấm chuông dành quyền ưu tiên trong các gameshow thời nay. Quanh sân già trẻ
trai gái vây kín. Bắt đầu vào cuộc chơi cũng có khai mạc giới thiệu vv… đặc
biệt là giới thiệu tám người cầm chày để hò. Họ cũng chỉ là những chú thím, eng
ả trong xóm quanh năm cày sâu cuốc bẩm, đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm. Những lúc
lao động trên ruộng đồng, họ là các hạt nhân của các nhóm thợ, cùng nhau hò để
quên đi cái vất vả trong công việc. Giờ đây họ được mời ngồi cầm chày là một
vinh dự. Đám đông tha hồ mà ra đề tài. Họ sẵn sàng hò theo yêu cầu vì nếu hò
hay họ còn được thưởng. Trong các đêm hò ấy người ta thường yêu cầu hò hai thể
loại, hò ân tình và hò đâm bắt. Lúc mới vào cuộc phần lớn là hò
ân tình, những điệu hò trao tình, ly
tình, thất tình…và vô số tình ấy dùng các điển tích để ví von, nghe đến não
lòng. Khi trời về khuya thì chủ trường
lại chuyển hướng đưa ra đề tài hò đâm bắt,
thế là không khí vắng lặng của đêm khuya xôn xao hẳn lên. Những câu hò thông minh, dí dõm, có khi còn
hỗn láo - theo cái kiểu đố thanh giảng tục, nói một chữ phải hiểu ngầm hai ba ý
- tha hồ tỉ thí. Vì đang ở trường hò nên sẽ chẳng có cảnh gây gỗ mất trật tự.
Nếu thấy tình hình căng thẳng thì chủ trường sẽ đưa ra yêu cầu hò điển tích,
thế là các cảnh Kim Kiều gặp gỡ hay Phạm Công Cúc Hoa… gì gì đó sẽ theo lời hò,
cứ như một màn “nhạc kịch”, qua những vần thơ biến tấu theo điệu hò da diết. Khi
trăng đã xế, đêm hò khép lại, eng ả ra về mang theo câu hò ngọt ngào vào cả
giấc mơ.
Với hai thể loại hò đối đáp được kể,
tôi xin ghi lại đây theo lối ngẫu hứng. Mời bà con theo câu hò mà xuôi về miền
quê hương Quảng Trị, cái ngày xa xưa ấy nhé.
Trước hết xin nói đến điệu hò ân tình. Để vào
cuộc, đôi khi chủ trường cao hứng cất
tiếng chào bà con rất lịch sự:
- Chào bên
nam mất lòng bên nữ
Chào người
quân tử bỏ dạ thuyền quyên
Thôi thôi cho tôi chào chung một tiếng kẻo chào riêng
khó chào.
Một tràng pháo tay vang lên cứ như là phát pháo lệnh. Cứ
như đôi trai gái lần đầu gặp gỡ, bên nam mở lời làm quen trước với lời lẽ hoa
mỹ chẳng kém gì truyện cổ phong:
- Gặp nhau
đây thiên tri lý ngộ, rày chộ mai không.
Đồng điền
nước chảy mênh mông.
Biển hồ ngàn
dặm khốn trông ghe thuyền.
Nữ dịu dàng tiếp lời:
- Ngộ tình cờ lại gặp nhau đây
Thiên tri lý ngộ ai xây ông trời tròn?
Chàng vừa mở lời liền được nàng…gật gù, được nước chàng liền lấn tới ướm lời:
- Thiên sinh
nhơn, hà nhơn vô lộc?
Địa sinh thảo, hà thảo vô căn?
Nguyện cùng dưới nước trên trăng
Ai mà trao duyên gởi nợ anh sẽ đắc bằng như
sên
Ồ! Vội quá chàng, hãy nghe bên nữ hò tiếp nì:
- Đi mô mà vội mà vàng
Mà vương phải gióng mà quàng phải chân.
Đúng là đừng tưởng bở, chàng chưa kịp mở miệng đã nghe
tiếp lời dạy:
- Ra đi mẹ có
dặn rằng
Cam chua chớ phụ, ngọt bòng đừng tham.
Bòng: nghĩa là trái bưởi (Dân Quảng Trị chỉ chuộng cam
mà coi rẽ bưởi bòng). Thế thì mình là bòng hay cam đây nhỉ? Bên nam lúng túng
chưa biết trả lời sao thì bên nữ lên lớp
tiếp:
- Sông sâu
còn có kẻ dò.
Mần răng lấy
thước mà đo dạ chàng?
À ra thế! Thì ra nàng ta chỉ cân nhắc thôi, không sao
đâu. Bên nam lấy lại lòng tự tin và thầm nhủ mình cứ thả giọng trầm, nói ngọt
lọt đến xương mà:
- Con chim
đại bàng bay qua hòn núi bạc.
Con cá ngư ông về móng nước ngoài khơi
Gặp
nhau đây phân giải một đôi lời
Kẻo một mai con cá về sông vịnh con chim lại
đổi dời non cao.
Phụ nữ đúng là giống ưa ngọt, bị nghe mấy câu êm ru đó
nàng ta liền đổi giọng:
- Con cá ngư ông nằm ngang sông vịnh
Con chim bay ba ngàn dặm hãy còn ngó dọi chơi
vơi
Căn duyên chi rứa hở trời
Chàng nam thiếp bắc biết mấy đời gặp lại nhau?
Để rồi cái ngộ
tình cờ ấy đã làm đau lòng kẻ ở người đi:
- Ra về bỏ áo
lại đây
Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng
Ngọn gió Tây ấy sao mà xa xót, đến nỗi:
- Thiếp xa chàng bơ ngơ báo ngáo
Chàng xa thiếp may áo quên bâu
Cho hay cái giống hữu tình. Ai bảo người dân quê không
biết tương tư. Hãy nghe người ta đem cái tương tư ấy vào những công việc bình
thường hàng ngày:
- Thiếp xa
chàng hái dâu quên giỏ
Chàng xa
thiếp bứt cỏ quên liềm
Xuống sông gánh nước đôộc trìm gióng trôi
Bạn thấy không? Đâu cần lầu vắng, đâu cần nguyệt tận, đâu cần đàn kia
treo những hững hờ…mới chuyển tải được
cái tương tư. Bởi thế mới biết đã là con người thì chữ tình tất phải vương
mang.
Và đây là những cuộc tình lỡ, hãy nghe họ khóc:
- Biết rằng
thiếp đã có chồng
Cớ sao chàng
tặng đôi vòng minh châu?
Ngắm vòng lệ
ngọc tuôn sầu
Trách sao
chẳng gặp lúc đầu còn son?
Thế đó! Câu trách Cớ
sao …ban đầu chỉ là nói để mà nói, bởi vì thiếp ngắm vòng đã khóc như mưa để rồi tiếc nuối trách sao chẳng gặp…nữa cơ.
Ai bảo người phụ nữ trong thời đại phong kiến chỉ một phép thưa vâng mà không hề biết nỗi
loạn?
Nói thế cũng không có nghĩa là thời đó không có những
mối tình đằm thắm, những đôi vợ chồng nghèo thuỷ chung son sắt. Mời bạn nghe
những câu hò sau đây sẽ thấy:
- Thương nhau
mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
- Thương
chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen
Hay: - Thiếp nhờ chàng khi mưa khi nắng
Chàng nhờ thiếp khi miệng đắng cơm hôi.
Tay bưng chén
thuốc tay đỡ dậy ngồi
Nên câu ân nghĩa nói răng rồi với nhau.
Thỉnh thoảng trong những mái tranh quê ấy ít nhiều nổi
sóng, khi đó người phụ nữ sẽ buồn rầu hát ru thân phận:
- Chàng ơi
phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm
nguội để khi đói lòng
Ôi nghe mà não ruột. Và khi mối duyên lâm vào thế cùng
nào đó mà người đàn ông phủi tay thì
người phụ nữ lại cay đắng thốt:
- Gió đưa cây
cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
Đắng
cay nên phải nhả ra
Cơ chi ngon ngọt anh đà nuốt đi.
Cá biệt vẫn có những con người cứng
rắn, dứt khoát, họ ghét sự lững lơ con cá vàng trong tình cảm:
- Đã thương
thì thương cho chắc
Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
Chớ đừng như con thỏ nọ đứng đầu truông
Khi
vui nó đùa bóng, khi buồn nó lại giỡn trăng.
Và khi ôi thôi
rồi thì họ lại hát câu may mà…
- Hoạ hổ hoạ
bì nan chi hoạ cốt
Tri
nhơn tri diện bất tri tâm
May thôi chút nữa em lầm
Củ khoai lang
khô xắt lát mà em tưởng cao ly sâm bên tàu.
Sâm xứ Cao Ly (Triều Tiên) mà lại ở
bên Tàu (Trung Quốc). Những hiểu biết địa lý rất ngây thơ, cho chúng ta thấy họ
chẳng học hành chi mấy. Những nhầm lẫn vô tư ấy đến là dễ thương.
Về cái khoản hò đâm bắt thì đúng là chuyện dài nhiều
tập không thể nói hết được. Ví dụ câu hò trêu các cô gái lấy chồng già mà ai
cũng thuộc:
- Có duyên
lấy được chồng già
Ăn xôi để
cháy ăn gà để xương
Rồi có chuyện một chàng trai trẻ ghẹo cô gái như thế
nầy:
- Tiếng đồn em lấy chồng già
Đêm
nằm em thấy ớt, cà ra răng?
Cô gái cũng không vừa, trả treo
liền:
- Tre già thì
dẽo hơn măng
Ớt, cà tra hột
hơn thằng ớt non.
Đúng là bốn chín gặp năm mươi. Thế
mới thú vị. Bây giờ tôi xin dẫn chứng một ít câu để giúp bà con thư giãn nhé.
Nhớ cười có chừng mục thôi chứ đừng như hai ông lão trong ngũ tuyệt của Kim
Dung cười đến die luôn thì tôi mang tội
chết.
Cũng như hò ân tình, bên nam thường
là phe gây chiến, mở lời trước. Tuy nhiên cái lối gây chiến của họ dí dõm rất
dễ chịu, chỉ để đưa phe nữ vào chuyện thôi, họ chào như thế nầy:
- Tới đây không hát thì hò
Mô phải con cò ngóng cổ mà nghe
Vậy mà bên nữ liền xổ cái đanh đá
vốn có của mình ra liền:
- Chị đây mô
phải kiếp ve
Kêu mấy tháng
hè rồi bị chết khô?
Chà, gay dữ ha. Các nàng đã xưng chị, rồi nói xỏ ta.
Bên nam liền gỡ:
-
Cảnh bên em chơi mần răng thì anh không biết.
Chứ cảnh bên anh chơi thì thượng cầm
hạ thú, xướng hát đờn ca.
Đêm
nằm nệm gấm thêu hoa.
Thấy
hồ vàng bên bạn muốn qua thả chình.
Đã khoe khoang rồi còn thả giọng cà rỡn. Các nàng đâu
chịu thua:
-
Cảnh bên mấy em chơi rứa không mấy thú.
Chớ
cảnh bên mấy chị mai, lan, cúc, trúc, tùng, mộc, chậu sành.
Trên
thì lưỡng long chầu nguyệt, dưới gốc dành dành cá lia thia.
Các chị nầy
ghê thiệt. Thường khi bị thua, các chàng liền thả cái lợi thế đàn ông của mình
ra :
-
Cá lia thia núp bụi cỏ lia thia
Con
cá tràu của anh ăn đã quá khuya
Thiếp
ơi hởi thiếp mở cửa đìa cho cá vô.
Những tưởng các nàng đỏ mặt rút êm với cái lối nói ởm
ờ khủng khiếp ấy. Ai dè:
-
Cửa đìa đây đầy những phân trâu.
Cá kia có muốn thì cúi đầu mà vô ăn.
Đến nước nầy thì chủ trường phải ra tay dàn xếp chớ không
chừng chày hò không gõ xuống cối mà gõ vào đầu nhau cũng nên.
Còn một số câu hò đối đáp khác, có
khi trên ruộng đồng, có khi trên sân lúa hay bên cối gạo những đêm trăng, có
khi lại vương vất trải dài theo những
con thuyền ngang dọc trên sông nước. Xin kể ra đây một ít hầu cùng bà con:
Ghẹo cô góa:
- Hởi o khăn trắng đằng tê
Mau
cởi khăn áo, theo về cùng anh.
Nữ trả lời:
- Anh mau về làm một con heo quay, một mâm xôi cho ráo.
Rồi
theo em đem ra phần mộ cáo với chồng xưa.
Chồng
xưa thác sớm để lại cái duyên thừa cho anh.
Nam:
- Em ơi! Đó
duyên thừa đây cũng duyên ôi.
Có
ưng chắc thì lấy chứ heo xôi mô mà đòi.
Nữ:
- Tội anh
đáng phạt mười voi.
Mà
voi thì anh không có nỏ đòi mần chi.
Nam :
- Một voi anh cũng chịu một voi
Mà voi anh nỏ có, có cái
vòi được không?
Đúng thật là...Cô nàng nói năng dễ
thương, dù có đòi phạt nhưng cái phạt rất nhẹ nhàng như thể bắc cầu, vậy mà anh
chàng nầy lại cắc cớ. Thế là nàng ta nổi giận, phải cho cái anh chàng lộn xộn
nầy biết tay mới được:
- Ai về nhắn ông Xạ mau mau
Trai
anh hùng đang tử vận giữa bàu thuyền quyên.
Nam không thua:
- Em nhắn ông Xạ làng ni hay ông Xạ làng mô?
Rõ ràng thầy mẹ thiếp thác đó, răng
đổ hô là chàng?
Bây
chừ thằng con anh lỡ chết ngay đơ
Quê
nhà xa ngái muốn cậy chôn nhờ đất em?
Đúng là vừa hỗn vừa trơ tráo, đến
nước nầy thì nàng nổi điên:
- Đất em vừa đỏ vừa đen
Chôn cha anh mới tốt chứ ai thèm
chôn con?
Và kết thúc cuộc hò giao duyên ba trợn này là đường ai nấy đi, kèm theo
những câu chửi thầm.
Những cuộc hò có kết thúc không đẹp
như trên nhiều vô số, tôi xin kể thêm một cuộc tỉ thí mang đậm tính cách chửi
cha nữa nhé:
Lại bên nam ra đòn trước:
- Ơi o mặc áo
nối tay
Lại đây anh
hỏi ăn mày chợ mô?
Nữ:
- Ăn mày ở
chợ Đông Ba
Xin
đầu tôm đuôi cá về nuôi phụ mẫu già thay anh.
Nam:
- Có chưa đầy miệng mo, nỏ có mô mà
cho mo đài.
Chưa
đủ nuôi phụ mẫu bên thiếp tưởng chi tới đường dài bên anh.
Lần nầy thì bên nữ đành thua. Chuyện hiếm, vì phụ nữ
vốn là dòng đáo để nên trị được họ không
phải chuyện dễ, họ thua chăng chỉ tại lỡ lời mà thôi.
Về các câu hò ân tình đôi khi còn dị
bản. Ví dụ như nghe tôi đọc câu hò Tai em
nghe anh đau đầu chưa khá. Em băng đồng chỉ sá hái lá qua xông…trong Băng
đồng chỉ sá của TL sư huynh. Mạ tôi liền
bật cười hò luôn dị bản như vầy:
- Tai em nghe
anh đau đầu chưa khá
Em băng đồng
chỉ sá vác đá qua quăng
Bởi vì anh ăn
ở lỗi đạo ngãi thiếp chàng
Đổ mồ hôi em múc nước xối, ngọn gió quàng em quạt
thêm.
Tôi nghe hò mà cười nôn cả ruột, có
lẽ đó là cái uất ức của người vợ bị chồng phụ bạc, giận quá nên mới trút như thế. Đúng là khi đàn bà nổi
giận thì đến thiên lôi cũng phải chào thua.
Và đây là các câu hò dị bản khác
trong điệu giã bạn lâm ly:
- Chàng về
chàng đục vô oi.
Ơi
làng ơi xóm tới coi chàng về!
- Chàng về
thì đục cũng về
Đùi cui ở lại
mần nghề chi ăn
- Chàng về
thiếp một theo mây
Con thơ có
khóc lấy cây mà qoào.
- Chàng về
nắm áo lôi lui
Chàng về răng
đứt với tui mà về
vv……..
Tôi còn nhớ cái thuở còn đi học lớp
một trường làng, cứ giờ sinh hoạt lớp là thầy trò thi nhau hò, hò giọng đò, hò
ru em, hò khoan hò hụi vv... Chúng tôi thích nhất là bài hò tếu:
- Gió đưa ôn
Đội vô dinh
Mụ Đội thương
tình xéc nón chạy theo
Ôn Đội đòi
cưới ba heo
Mụ Đội mụ nói
cưới một con mèo cụt đuôi.
Hồi
đó còn nhỏ, chúng tôi chưa hiểu hết cái thâm thuý của câu hò, chúng tôi chỉ mắc
cười vì cái chuyện đi cưới một con mèo cụt đuôi mà thôi.
Rồi các câu hò cảnh cáo các ông
chồng tham lam như:
- Nhà nghèo
lợp lá bồ quân
Anh tham lắm
vợ không có quần mà mang.
- Một vợ nằm
giường lèo
Hai vợ nằm
chèo queo
Ba vợ ra
chuồng heo mà nằm.
Rồi đến buổi tổng kết năm học đó, có phụ huynh
học sinh dự đầy hội trường, xen vào lễ phát thưởng là phần phụ diễn văn nghệ cây
nhà lá vườn, có cậu học trò cùng lớp với tôi dơ tay tình nguyện lên hò giúp
vui. Không biết cậu ta vô tình hay bị ai xúi mà cất giọng hò rằng:
- Hò hơ…Nhà
rường mà lợp tranh mây
Thân anh hai vợ …như dây buộc mình.
Cả hội trường lắng đi một chốc rồi
bỗng oà ra cười, cười lăn cười lóc trong khi một người ngồi tái mặt, đó chính
là cha của cậu bé. Trời ạ! Cậu là con bà
hai.
Vào
khoảng những năm cuối của thập niên 70, phần lớn trai gái của tỉnh Quảng Trị đều
được gọi đi làm thuỷ lợi ở đầu nguồn sông Thạch Hãn, gọi là đập Trấm. Đó là cái
thời mà câu ca Con kênh ta đào chưa có
nước chảy qua, chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng. Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng… nằm ở đầu môi đám thanh
niên nam nữ, như nói lên cái cơ cực thời ấy và em gái Vĩnh Phước của tôi là
một. Nó kể rằng những ngày đầu xa nhà, cái lán
nữ toàn con gái mười tám, đôi mươi chưa chồng, sống trong thiếu thốn và sợ ma.
Ngày thì công việc nặng nhọc giữa công trường mưa nắng đầy bụi bặm, bùn đất. Ăn
uống thì theo tiêu chí của Nguyễn Công Trứ Người
quân tử ăn chẳng cầu no mà ăn khoai sắn cõng cơm chứ không phải ăn cơm độn
khoai sắn nên nuốt không trôi, nhất là mấy đứa con gái vừa rời áo học trò như
VP. Đêm thì những phương tiện tối thiểu cho giấc ngủ cũng hiếm oi, giữa vùng
đất hoang sơ có lắm ma trơi và đom đóm lập loè quanh lán, có đứa đêm ngủ bị
bóng đè mê sảng làm cả bọn ngồi dậy ôm nhau run rẩy chờ trời sáng. Lại còn cái
nạn bị muỗi và côn trùng thi nhau cắn đốt đấn thành ghẻ. Thế là vừa cực khổ,
vừa đói vừa sợ càng tăng nỗi nhớ nhà. Chỉ cần một đứa tấm tức là lôi theo những
đứa khác, đôi khi cả lán cùng nhau khóc hu hu. Bên lán con trai thì đỡ hơn vì
nam nhi vốn có sức chịu đựng, những lúc đói bụng họ lại xách đàn ra gảy từng
tưng cho quên đói, nhưng đừng có quen tay mà từng tưng vài nốt nhạc Trịnh đó
nhé! Coi chừng bị mời ngay!Có những
đêm bên lán nam thấy lán nữ im lìm tội quá nên kéo nhau qua trước lán bày
chuyện hò đối đáp để giúp nhau xua đi cái đói, cái khổ và cả cái sợ. Những cuộc
hò chống đói đó cũng đã kết được mấy đôi trai làng nọ gái làng tê
thành chồng thành vợ, nhưng đáng nhớ nhất là những trận hò đâm bắt làm người
trong cuộc nhớ mãi. VP kể nhiều lắm nhưng tôi chỉ đơn cử mấy câu hò vui vui, để
thấy rằng đến cái thời cận đại mà câu hò đối với người lao động quê ta cũng vẫn
đóng một vai trò quan trọng.
Khi đã dàn quân trước lán nữ, vừa
đập muỗi vừa gãi sột soạt, bên nam tằng hắng lên giọng:
-
Hơ hơ…
Đêm ni trời
túi thùi thui
Mời o nho nhỏ
ra nghe tui hò
Thò tay ngứt
một ngọn ngò
Ơi o nho nhỏ
ra mà hò với tui
Hơ..
hơ…hơ …
Chứ ai về Lam
Thuỷ mà coi
Con
gái Lam Thuỷ,
Con gái Lam Thuỷ…vác roi dọi chồng hơ hơ
ơ ơ….
Tai vừa lắng nghe, mấy o vừa xúm lại hội ý nên chi bên nam vừa dứt câu là họ đáp từ ngay:
- Túi thui
răng chộ nhỏ to?
Chắc anh đui
mắt nên giọng hò…cũng đen thui.
Lửa chiến tranh đã được châm ngòi, bên nam tức khí:
- Túi thui nỏ
cần biết nhỏ to.
Dù anh có đui
mắt thiệt thì cái khoản thập thò cũng khỏi chê.
Thế đó, cứ tức khí xung thiên là hò
lung tung, nhưng bên nữ cũng đáo để không kém:
- Anh là
người chánh nhân quân tử
Chứ mô phải
đám tiểu nhân trộm đạo rình mò
Cứ cửa trước
mà bước chứ răng lại thập thò ở chuồng heo
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, hò qua đáp lại sao đó mà bên
nữ lại giở giọng hỗn láo (mà hình như đó là cái bệnh?):
- Ơi người
quân tử thập thò.
Anh về bắt mạ
bỏ chuồng gà, bắt cha bỏ chuồng vịt rồi đi hò với em.
Mà đã là bệnh thì hay lây, thế là
bên nam lôi cả dòng họ nhà nàng vào chuồng luôn:
- Chuồng nhà
anh rộng thênh thang
Vẫn còn đủ
chổ nhốt cả dòng họ bên nàng cho vui.
Trận chiến đến hồi quyết liệt, nếu
còn kéo dài chắc…đổ máu. Mà im lặng rút lui thì nhục. Thế là sau phút hội ý
chớp nhoáng, bên nữ đưa ra một chiêu độc:
- Mai chừ hò
qua đối lại, tiếng dại lời khôn.
Cho đêm dài
khắc khoải, nghe trong dạ bồn chồn chàng ơi!
Sáng trăng
quân tử tới chơi…
Câu hò cao vút, duyên dáng. Bên nam
đang vểnh râu lên vì tưởng các nàng đã chịu
phép, ai ngờ câu kết thật là quá quắt:
- Hơ hơ…sáng trăng mà quân tử tới chơi.
Em
đấy một trộ anh bơi anh về.
Câu hò chưa dứt thì đèn trong lán đã
tắt phụt, rồi cả lán nữ im re như đang đi vào giấc mộng. Những cọng râu (nếu có)
mới giương lên chưa kịp vểnh đã vội cụp xuống. Cha chả, tức ơi là tức, đúng là
bọn nữ quái. Bên nam tức tối lồng lộn, hò móc họng tùm lum nhưng dù hò có khản
cả cổ thì vẫn cứ là độc…hò. Cả lán nữ ngủ rồi, giấc ngủ thật đẹp của những
người thắng cuộc. Cuối cùng đám chiến binh tả tơi áo giáp kéo nhau về, trắng đêm tức ứ hơi khỏi ngủ luôn.
Thế đó, những câu hò đối đáp dù ân tình hay đâm bắt, thì vẫn là món ăn tinh thần quý giá của người lao động quê
mình một thuở. Tôi đã ghi lại một tí rồi. Bà con ơi! Ai còn nhớ câu nào nữa
không? Góp vào một chút nữa đi. Biết đâu những sưu tầm nho nhỏ của chúng ta bây
chừ lại có giá trị cho các nhà biên soạn văn
học dân gian trong tương lai nhỉ?
Biên
Hoà, 20/10/2007
Liên
Hưng
thienan2507@yahoo.com.vn
***
888