Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái (1940-2020) |
Ngày rằm xá tội vong nhân
đọc văn tế thập loại chúng sinh
Lê Quang Thái
Tháng bảy mưa ngâu, mùa thu lại về sau vụ mùa tất công. Được mùa hoặc thất bát là chuyện đã rồi, nhà nông đều dồn công cho vụ tới. Làng quê vẫn sống êm đềm, chung sức chung lòng nhất tâm tổ chức lễ kỳ an vào dịp trước hoặc sau Tết Trung Nguyên.
Vào thời điểm này, dân chúng còn tưởng nhớ đến những oan hồn uổng tử qua việc thành tâm tế chiến sĩ trận vong, tế âm hồn vào ngày rằm tháng bảy hàng năm như một thông lệ, không có lễ mọn lòng thành thì tâm trạng mỗi một gia đình ở làng quê làm sao mà an lòng cho được như lời mở đầu bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau khảm bạc, giếng khô rụng vàng (1)
Lệ xưa, dân làng dùng bó tranh tức bó sa - mao là phẩm vật không thể thiếu, tục lễ còn gọi là thúc sô như Tiến sĩ Phan Huy Ích đã từng làm quan lớn tại kinh đô Phú Xuân, viết trong bài “Văn tế tướng sĩ rằm tháng bảy”.
Nay nhân:
Thu tất tới tuần,
Thúc sô dâng lễ.
Chén rượu rót thoảng bay mùi chính khí, trước sân đều đủ mặt quan liêu;
Nén hương dâng nghi ngút khói bạch vân, dưới án tỏ đôi hàng cơ vệ. (2)
Tảo mộ người xấu số, tế chiến sĩ trận vong, tế âm hồn vào dịp rằm tháng bảy là những nghi lễ tưởng nghĩ, nhớ đến thập loại chúng sinh, nào là: 1. Vua chúa bị giết; 2. Quý nữ liều thân; 3. Tể thần thất thế; 4. Đại tướng bại trận; 5. Kẻ tham giàu chết đường; 6. Kẻ tham danh chết quán; 7. Người buôn bán chết xa; 8. Binh lính chết trận; 9. Kỷ nữ chết cô đơn; 10. Người chết bởi nghèo nàn và gặp tai họa.
Nghĩa tử, nghĩa tận tất cả những ai bất hạnh hay không may gặp nghịch cảnh mà chết, từ vua quan sĩ thứ cho đến lương dân đủ nghề, đủ nghiệp đều được chiêu hồn, triệu mời tham dự lai hâm lai hưởng.
Đại thi hào Nguyễn Du thâm nhập Kinh tạng, đã trực giác sáng tác bài “Chiêu hồn văn” hay còn gọi là "Văn tế thập loại chúng sinh" để tụng đọc trong tiết Trung nguyên tức ngày rằm tháng bảy âm lịch. Ngày ấy ở chốn địa ngục mở cửa ngục và trên dương gian vua chúa mở lượng ân xá cho tù nhân được giảm án đều có sự tích cũ lấy nguồn gốc từ lễ Vu Lan mà ra cả. Vào mùa thu, khí trời mát dịu nhà vua thẩm định các trọng án để châu phê định tội phạm nhân chịu án khổ sai hoặc tử hình đúng người đúng tội, giảm thiểu những oan khiên.
Nguyễn Du đã dâng hiến cho đời một áng văn chương bất thủ gồm 184 câu song thất lục bát bằng chữ Nôm theo thể loại ngâm khúc để cầu cho những oan hồn uổng tử được vãng sanh.
Lê Quý Đôn đã dẫn lại từ sách Mộng hoa lục để viết thành quyển thứ tư có nhan đề Vựng Điển Loại của bộ sách Vân Đài Loại Ngữ, nói lên sự tích và nguồn gốc của lễ Vu Lan: Tết Trung nguyên, người ta để đồ mã và áo giấy ngũ sắc vào cái giường ba chân, như cái đèn nổi, gọi là Vu Lan bồn treo áo giấy, tiền giấy lên trên rồi đốt. Lục Du nói: "Tục bấy giờ (đời Tống) đến ngày rằm tháng bảy làm cổ chay cúng gia tiên, đan tre làm chậu, đựng tiền giấy, rồi lấy đóm đốt". Sách Thích Thị Yêu Lãm: "Tiếng Phạn nói Vu Lan bồn như tiếng Hán nói: "Cứu đảo huyền" (cứu người bị treo ngược). (3)
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết Phạn ngữ ULLAMBANA có nghĩa là cực khổ tột bực. Nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ. Phiên âm Hán ngữ đã có nhiều cách: một cách là Vu Lan Bồn, nói tắt: VU LAN. Nguyên gốc lễ Vu Lan là Mục Liên cứu mẹ:
Chư Phật chư Bồ Tát
Đồng Tăng chúng nguyện cầu
Thành tâm người phát nguyện
Nhiệm mầu phép Phật thay
Mẹ rời ngay ngục thất
Thoát khỏi cảnh đọa đày (4)
(Vu Lan, Tú Hồng)
Thiết nghĩ, đó là lời giải thích khá rốt ráo đáp ứng yêu cầu của câu hỏi mà nhà nghiên cứu Phật học lấy bút hiệu P.V.H (học giả Phan Văn Hùm), một cây bút nghiên cứu Phật học và Thế học cùng với các danh Tăng và cư sĩ nổi tiếng của giai đoạn Chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tác giả P.V.H hỏi mà như không hỏi để tự nhận một cách chân thành đến mức dễ thương về mối tương quan giữa Phật học và Đạo học, ông đã viết: "Đến như hội Vu Lan bồn sao lại người Tàu đặt vào ngày rằm tháng bảy, đó là một vấn đề khác, mà tôi đây chưa từng khảo qua" (5).
P.V.H đã viết bài lấy tựa đề: "KHOA HỌC CÓ ẢNH HƯỞNG SÂU XA" để nhẹ nhàng trao đổi lại cách nhìn nhận và phân tích của Trần Thanh Mại ở độ tuổi tam thập, chịu ảnh hưởng của tân học đã sùng thượng khoa học như thần tượng trong cách thức phê bình về một tác phẩm văn học cổ điển của một thiền sư vừa là thi hào nổi tiếng. Nguyễn Du đã từng đọc kinh Kim Cang hàng vạn biến, tinh thông Tam giáo, có nguồn cảm xúc dạt dào để trào vọt thành thơ, thành văn, thành nhạc, thành nghi lễ ở độ tuổi tri thiên mệnh. Thời gian này, từ tháng tư năm Kỷ Tỵ, 1809 đến tháng hai năm Quý Dậu, 1813 Nguyễn Du đang giữ chức Cai bạ, vị quan đứng đầu dinh Quảng Bình dưới thời vua Gia Long (6).
Cảm hứng của Nguyễn Du bắt nguồn từ vốn sống, tư duy theo dòng chảy của suối nguồn từ bi - nhân ái vào thời Ngài A-nan, thị giả của Đức Thế Tôn, trong một đêm khuya thanh vắng ngồi trầm tư ở cõi thanh tịnh. Thị giả A-nan liền thấy một quỷ đói rất xấu, cổ gầy, miệng phun lửa, có tên gọi là Diệm Khẩu tới bảo rằng: "Ba ngày nữa mày sẽ chết, rồi sẽ thành quỷ đói". Thị giả A-nan lấy làm sợ hãi bèn trình hỏi lại con quỷ đói có cách thức gì để tránh khỏi tai họa sẽ ập đến cho mình không? Diệm Khẩu trả lời như đinh đóng cột rằng: "Ngày mai, nếu mày chịu cấp cho chúng tao, trăm nghìn quỷ đói, mỗi người một hộc lương, thì mày sẽ được sống lâu hơn và còn tau, tau sẽ lên trời". Thị giả A-nan kể lại chuyện chẳng lành ấy với Đức Thế Tôn. Ngài bèn cho câu chú Đà La Ni khiến thị giả thân tín cấp đủ lương thực cho chúng quỷ đói đang khao khát. Diệm Khẩu cũng gọi là Diện Nhiên. Hình ảnh Diện Nhiên dễ tìm thấy trong mỗi lần lên chùa, ngước mắt nhìn lên cổng Tam quan mà người ta thường quen gọi ông Tiêu Diện đóng vai trò một vị hộ pháp. Ông Tiêu được xem như là một hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm như Hòa thượng Nhất Hạnh đã nói trong các thời pháp thâm hậu và truyền cảm ở khắp thế giới.
Từ thời cổ đại, dân gian đã khéo lồng ghép chuyện thí thực ngạ quỷ thuận theo lời đòi hỏi của Diệm Khẩu với chuyện Mục Kiền Liên mở hội Vu Lan để cứu mẹ đang thành quỷ đói, cho nên đã đặt lễ cúng cô hồn vào ngày lễ Vu Lan (7a).
Tiếc thay, Trần Thanh Mại có lỗi giải thích không đúng về một số tình tiết trong lễ nghi Phật giáo: “Trong đám mù khói trầm hương nghi ngút xông lên, giữa những luồng phất phơ cuồn cuộn của mấy chiếc cờ, chiếc phan, chiếc phướn, lay động theo ngọn gió heo may, ở đầu mút chiếc khăn ấn của viên phong thủy, ta mơ màng thấy kéo qua, kéo qua những tấm cô hồn” (7b).
Thiết nghĩ cái hay, đó là việc dày công nghiên cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn suốt những tới 44 năm, từ năm 1950 đến 1994 tại hai thủ đô ánh sáng Hà Nội và Paris, như đã trả lời một cách rốt ráo mà chính P.V.H đã thành thực tự nhận là ông chưa có cơ duyên tìm hiểu vì sao lễ Vu Lan lại rơi đúng ngày rằm tháng bảy âm lịch.
Vào thời điểm trước năm 1938, Trần Thanh Mại cũng như tầng lớp các thanh niên đương thời nặng lòng sùng thượng thần tượng khoa học đã cho rằng Nguyễn Du vì tin vào ma quỷ mà làm văn "chiêu hồn" (8). Ma quỷ theo quan niệm dân gian khác với nhận thức của Phật giáo mà biểu hiện rõ nét thông thường qua vài câu nói tiêu biểu như "No nên Phật, đói ra ma" hoặc "Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Theo giáo lý Phật Đà, ngạ quỷ và súc sanh ở cõi địa ngục. Quỷ đói có cuống họng quá nhỏ bé, khó lòng mà nuốt thức ăn đưa vào miệng. Do nghiệp chướng quá nặng nề mà Mẹ của Mục Kiền Liên đọa địa ngục trở thành ngạ quỷ:
Tay trái che bát,
Tay phải bốc ăn,
Nhưng chưa vào miệng
Cơm đã hóa ra
Than lửa đỏ hồng
(Kinh Vu Lan)
Hình ảnh mẹ Mục Kiền Liên lấy tay trái che bát, tay phải bốc ăn, nhưng vẫn không ăn cơm được đã gây nhiều cảm xúc động lòng xót thương.
Thế mà, Trần Thanh Mại đã viết ở tr. 463, tập I cuốn sách Trần Thanh Mại Toàn Tập, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2004:
"Chúng ta đương bước vào tiết đầu thu. Trải qua một mùa hạ nóng bức như đốt như thiêu, ta rơi tỏm vào một mùa thu, ẩm thấp. Không khí nặng nề u uất, làm cho cả người chúng ta rã rời, buồn bã, mất cả nghị lực siêng năng. Ngày hôm kia, cả làng bên sông đều phát bệnh thiên thời. Ban đầu năm bảy người chết, sau đến hàng chục, hàng trăm …
"Một sự khủng khiếp rùng rợn dựng đứng tóc gáy, trũi lỗ lông da. Hình như một mảnh huyền bí lẩn lút đâu đây. Hình như một bầy hung ma ác quái mò đâu đây. Cái gì thế? Đó là những vong hồn vô thừa tự, đi giết hại nhân dân để người ta sợ, người ta cúng giỗ cho…" (9).
Sở dĩ P.V.H dẫn lại lời trích hơi dài vì ông những e sợ làm phản nghịch tư tưởng của Trần Thanh Mại, người mà ông đang cần trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề.
Ngày 8 tháng 11 năm 1938 tại thính đường viện Dân biểu Trung Kỳ (nay là giảng đường Đại học Huế, số 3 Lê Lợi), nhà văn Trần Thanh Mại đăng đàn diễn thuyết đề tài hấp dẫn.
"THI SĨ VỚI CÔ HỒN". Nội dung bài diễn thuyết ấy được chọn đăng vào Tập II sách Đời Văn của diễn giả do nhà xuất bản Tân Việt, Huế ấn hành năm 1942. Tác phẩm ấy gồm có những bài phê bình những giai thoại - những cuộc tranh luận về văn chương gom góp trong 10 năm viết văn của Trần Thanh Mại thành 2 tập. Còn bài “KHOA HỌC CÓ ẢNH HƯỞNG SÂU XA”, bài phản biện nhẹ nhàng và thâm thúy của P.V.H cũng được đăng vào phần phụ lục, Tập 2 của sách Đời Văn cho độc giả rộng đường suy xét và bình phẩm.
Văn diễn thuyết có cách diễn tả khác với tản văn vì đây là dạng văn nói nhiều hơn là văn viết nên cách dàn dựng, bố cục có nét đặc trưng chuyên biệt. Phần kết luận được diễn giả quan tâm vì các ý tưởng chính vừa được chốt lại tạo thành nhiều ấn tượng trong tâm tư thính giả, người đọc những ấn tượng đáng ghi nhớ và mở ra một cách nhìn, một định hướng mới. Phần kết bao giờ cũng lý thú và kích thích thính giả mạnh dạn trao đổi, phản biện tại chỗ hoặc viết thành văn trao đổi trên báo chí. Có động não, có đổ mồ hôi thấm đẫm thì mới trăn trở để có ý tưởng viết bài bút chiến tranh biện hấp dẫn.
Những ai có máu thích đánh cờ quân như nông dân trong buổi thư nhàn mới thấy được thích thú trong việc chơi cờ ra tay đón nước đi từng quân cờ. Kẻ cao cờ là người biết quan sát "chiến trường" rồi chọn cách vất tướng điều, tướng lác vào oi cờ một cách không thương tiếc để ăn kết bằng đôi tốt đỏ hoặc đôi tốt trắng.
Diễn giả Trần Thanh Mại đã viết lời kết luận khá táo bạo: "Xin các ngài hãy lắng nghe nốt cái đoạn văn cầu nguyện của Nguyễn Du mà tôi cố ý đưa ra sau, để dùng nó mà kết luận cuộc hầu chuyện với các Ngài hôm nay. Thi sĩ van xin:
"Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang độ khổ cứu u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch, oán thù rửa không!
Nhờ phép Phật thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương
Linh kỳ một lá, dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh!
Trong giấc mê chưa tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào,
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh
Kiếp phù sinh như hình với ảnh,
Có chữ rằng: vãn cảnh giai không
Ai ơi lấy Phật làm lòng!" (10a)
Có lẽ xin dừng lại ở đây một chút. Trần Thanh Mại trích "Văn tế thập loại chúng sinh" từ câu 157 đến 171 (gồm 15 câu) tiếc thay bỏ câu 172: Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi. Thành thử ý tưởng bị ngắt, chưa trọn lời đủ ý. Trong lễ nghi thiêng liêng của niềm giao hưởng giữa Phật - Người - Cô hồn liên chiều gắn kết. Lời đọc là lời kinh mà ý nghĩa chưa đọc trọn vẹn khiến cho mạch văn hụt hửng, nhạc điệu bị gãy đứt. Tiếc, thật tiếc!
Xin tiếp tục lời trích dẫn và bình phẩm của diễn giả Trần Thanh Mại: "Nhờ phép Phật! Nhờ phép Phật! Các Ngài không nghe ở lời cầu nguyện đó, tất cả tấm thân chân thành mãnh liệt, tất cả sự tín ngưỡng thiết tha của thi sĩ đó ư? Cả một sự nóng nảy, cần kíp, hoảng hốt đã nằm trong lời kêu xin ấy. Thi sĩ lúc bấy giờ như một người mẹ có đứa con sắp chết niệm Phật cầu sự sống cho con. Thật là một mối tình thương đầy dẫy, man mác, bao la, chứa chan, lai láng.
Mà đối với ai? Đối với những vong hồn, những người đã chết từ ngày xưa muôn kiếp” (10b)
Ở đây người viết bài này, lại xin ngưng lại một khoảnh khắc để bình tâm suy xét. Theo ông Trần Thanh Mại thì thiền sư thi sĩ Nguyễn Du nóng nảy, cần kíp hoảng hốt. Chắc chắn cứ theo mạch văn, nhịp điệu của lời trích 16 câu (chớ không phải 15 câu) thì người đọc, người nghe chẳng ai thấy Nguyễn Du có tâm trạng nóng nảy, cần kíp hoảng hốt cả. Người diễn thuyết trước đại chúng có o ép oan uổng cho Thiền sư Thi sĩ - đã từng đọc kinh Kim Cang đến vạn biến. Người hốt hoảng là ai kia!
Xin đọc tiếp lời kết cho hết rồi sẽ nói tiếp cho thỏa đáng:
"Cái chết đối với chúng ta vẫn u u minh minh, không biết lấy gì mà nhận thức. Nhưng còn cõi sống? Còn người sống như chúng ta, chúng ta đối với nhau, lại không được như Nguyễn Du đối với cô hồn?
Nhà đại thi hào Đức Schiller nói: "Ở trên đời, duy chỉ có ái tình là trọng"
Chúng ta nên nói: "Ở trên đời duy chỉ có một thứ tình là trọng: - Tình thương người"
"Ở trong văn chương, duy chỉ có một tiếng là xinh: - Bác ái" (10c)
Có nhiều điểm để trao đổi với diễn giả Trần Thanh Mại vì khi ông can đảm đăng đàn, diễn thuyết là muốn đối thoại với các bậc thức giả đương thời ở thời điểm lịch sử - văn hóa nước nhà vào những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ 20. Và diễn giả mong ước trong tương lai thiên hạ còn tiếp tục luận đàm về con người Nguyễn Du, thiên tài nhiều lãnh vực đời - đạo, đạo - đời. Có cái án Truyện Kiều cho thế giới hôm nay luận bàn. Có cái án “Văn tế thập loại chúng sinh” cho những bậc thiện tri thức suy xét trao đổi, cho trọn lời và vỡ lẽ.
Giữa lòng cố kinh "Tràng An" cổ kính, một thời cách đây hơn 70 năm, không khí học thuật rất sinh động, đầy vơi đã đọng lại trong tâm tư của những bậc cao niên còn sống với tuổi đời từ 80 đến trên 90 tuổi giàu tấm lòng yêu chuộng văn học, văn hóa nước nhà. Vượt không gian và thời gian, người Sông Hương hôm nay đã trải nghiệm: đi có nơi, về có chốn. Tiêu biểu nhất là Tổ sư Liễu Quán trước giờ thị tịch đã để lại bài kệ mà hai câu kết sau cùng thật thâm uyên:
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn ba vấn Tổ tông.
(Hôm nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải ân cần hỏi Tổ tông)
Không phải chỉ khổ công tìm ngọc ở trong đá mà ngọc đã có sẵn trong chéo áo, trong thân tâm giòng chảy của huyết thống hình thành nên tấm thân tứ đại, mà thần thức là tinh anh bất tử của con người, của kiếp người còn lắm bốn ba ở chốn trần ai mà đến nỗi quên lối về cố quận.
Huế, mùa Vu Lan PL.2553
L.Q.T
Chú thích:
1. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Hoàng Xuân Hãn, Nxb. Hội Vong Linh Trúc Lâm, Paris, 1994, tr.25.
2. Văn đàn Bảo Giám, Tập 2, Trần Trung Viên sưu tập, Nxb. Mạc Lâm, Sài Gòn, 1968, tr.163
3. Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn; Phạm Vũ và Lê Hiền dịch, Nxb Miền Nam, Sài Gòn, 1973, tr.95
4. Giọt Nước Tình Quê, Tú Hồng, Huế, 2009, tr.168
5. Trần Thanh Mại Toàn Tập, Tập I, Hồng Diệu sưu tầm, Nxb. Văn Học Hà Nội, 2004. tr.465.
6. Đại Nam Thực Lục, Tập I, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2004 tr.754, 758.
7a. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr7.
7b. Trần Thanh Mại Toàn Tập, Tập 1, Sđd, tr.401. Bài “Thi sĩ với cô hồn” có nhiều điều cần trao đổi, xin chọn một tình tiết tiêu biểu để dẫn chứng minh họa.
8. Trần Thanh Mại Toàn Tập, Tập I, Sđd, tr.400, 401, 465.
Xin tìm đọc bài diễn thuyết (thời 1938 quen gọi diễn văn) có tựa đề “THI SĨ VỚI CÔ HỒN)” từ tr.399 đến 417.
9. Sau khi đọc bài Diễn văn của ông Trần Thanh Mại về bản "CHIÊU HỒN” của Nguyễn Du, Phan Văn Hùm có bài viết phản biện bằng giọng văn đằm thắm với đầu đề “KHOA HỌC CÓ ẢNH HƯỞNG SÂU XA”. Xem Trần Thanh Mại Toàn Tập, Tập I, Sđd trang 462 đến 470.
10a, 10b, 10c: Trần Thanh Mại Toàn Tập, Tập I, Sđd, tr.416,417. Đây là lời kết luận của bài Diễn thuyết do Trần Thanh Mại đăng đàn ngày 8-11-1938 tại Thính đường Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Nguồn: lieuquanhue.vn, 01/09/2009.