Chùa Trấn Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Trấn Quốc có lịch sử lâu đời
nhất của Hà Nội, cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng
từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là
chùa Khai Quốc (mở nước).
Vị Quốc sư của triều Lê là Ngô Chân
Lưu Khuông Việt đã tu hành ở đây một thời gian. Đến triều Lê Thái Tông (thế kỷ
15), chùa được đổi tên là chùa An Quốc.
Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở, chùa
được di dời về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý
và điện Hàm Nguyên thời Trần. Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch
ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.
Chùa được trùng tu quy mô lớn nhất
là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn
văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
Đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705)
đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc.
Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm
chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.
Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du
ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc,
nhưng nhân dân vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy
Tông cho đến ngày nay.
Chùa Trấn Quốc có kiến trúc thẩm mỹ
của kiến trúc phương Đông: Uy nghiêm ở bên trong nhưng giản dị, khiêm nhường
bên ngoài, cân bằng tuyệt đối giữa công trình kiến trúc với cảnh quan hồ nước,
cây xanh. Ngay con đường dẫn vào cổng chùa là khu Vườn tháp, với nhiều ngôi
tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Qua cổng chùa - có ba chữ
“Phương tiện môn”, là đến nhà Bái đường, sau đến Tam bảo, sau nữa là hành cung
thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đặc biệt là có tượng Phật
Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.
Chùa Trấn Quốc có ba nếp nhà chính
là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Hai bên
nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác
chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa còn lưu giữ 14 tấm
bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích về việc trùng tu
chùa sau một thời gian dài đổ nát. Đặc biệt, ở khuôn viên chùa có cây bồ đề, là
quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử -
Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn
viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông. Mỗi tầng
tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp
là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa).
Đặng
Xuân Xuyến
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU
CẦN BIẾT,
Đặng Xuân Xuyến; Văn Hóa Thông Tin
; 2006.)