Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
CHUYỆN CỦA BÀ
Lê Hứa Huyền Trân
Phải nói chưa có một gia đình nào phức tạp như gia đình tôi, phức
tạp từ những mối quan hệ trong gia đình, phức tạp từ bản tính của từng con
người với mỗi tính cách khác nhau nhưng đều khó hiểu, cho đến phức tạp hoàn
cảnh gia đình. Nhưng có lẽ phức tạp nhất đó là mối quan hệ giữa ông bà tôi, một
mối quan hệ mà từ lúc bé tôi chẳng hiểu rõ đó là yêu thương hay tất cả đều đã
phai nhạt qua thời gian và năm tháng. Tôi chưa bao giờ thấy mặt bà tôi, từ lúc
còn bé cho tới khi tôi trưởng thành. Trong nhà ai cũng tránh nhắc đến bà như
một từ húy kị, kể cả mẹ, giọt máu đào của bà cũng chưa bao giờ nhắc tới, nhất
là trước mặt ông. Ban đầu tôi không hiểu, tôi nghĩ hẳn bà đã làm điều gì có lỗi
với cả gia đình, mà nhất là với ông, thậm chí có lúc tôi nghĩ rằng có lẽ bà đã mất
nên người ta không muốn gợi nhớ lại nỗi đau đó. Nhưng không một ảnh thờ, không
một lời nhắc, bà cứ như không khí trong nhà vậy.
Cho tới khi tôi nhận ra ông nhớ bà trong từng khoảnh khắc rất nhỏ
của thời gian. Có bận tôi thấy ông ngồi ngắm cây sáo mà ông đẽo y như hình cái
tẩu, tôi mon men lại gần:
-Cây sáo, cây sáo này ngộ ghê ông ơi, ông thổi con nghe.
-Hệt như bà mày, cũng thích ngộ, cũng vòi ông.
Rồi ông im lặng. Lại có khi tôi thấy ông ngồi hút thuốc, ánh mắt
xa xăm nhìn về một nơi nào đó mà tôi không rõ, rồi ông ho sù sụ, vỗ ngực bộp
bộp, tôi chẳng rõ đó là vì tuổi già hay vì trái tim ông chợt nhói cơn đau? Lại
có khi mẹ nấu món cá kho tộ trong cái nồi sứ mới mua, ông gắp mấy đũa rồi lại
buông, mẹ buột miệng:
-Con quên cho cá vào nồi đất như mẹ.
Một giây thinh không rồi tất cả bị thời gian nhấn chìm như chưa
từng xảy ra. Tôi lớn dần lên theo thời gian, mặc nhiên cũng cho rằng bà không
hề tồn tại, cho đến một ngày ông tôi bị ốm. Trận ốm ấy nặng đến nỗi tất cả con
cháu trong nhà đều tề tựu cả bên giường ông, đó cũng là lúc ông kể tôi nghe
chuyện của bà.
Bà là con địa chủ trong làng, ông là con bà hàng nước. Thực ra
chênh lệch địa vị vốn không ảnh hưởng tới tình yêu của ông bà vì cụ của tôi vốn
cũng là người dễ chịu và hiểu biết. Tình yêu của hai người được hun đúc từ
những ngày ông còn là tiểu mục đồng cho nhà cụ, còn bà là tiểu thư đài các
nhưng phải lòng tiếng sáo của chàng chăn trâu. Khoảng thời gian đó, tình yêu
của hai người cũng giống như tình yêu của bao cặp đôi khác. Nhưng trái ngược
với tính cách hiền lành, chân chất của ông, bà là một người rất nguyên tắc,
nguyên tắc trong cả việc hi sinh cho người khác. Ví như thể, bà đã cấm ông làm
điều gì thì tuyệt nhiên ông không được làm, nếu không điều kiện mà bà đã đặt ra
nhất định bà sẽ tuân thủ dù điều kiện đó là không gặp ông và dù nỗi nhớ ông da
diết nhường nào bà cũng sẽ không hé ra nửa lời.
Nhiều người trong làng nghĩ bà khó tính. Một cô trẻ ngấp nghé mười
tám đôi mươi mà lúc nào cũng tuẩn thủ mọi thứ một cách khô cứng. Nhưng ông
biết, bà con nguyên tắc như vậy vì bà có một trái tim yếu mềm.
Bà là con gái thứ hai trong gia đình, sau còn đến ba người em, với
điều kiện vật chất thì cơm áo gạo tiền không phải là mối lo nhưng vì là con gái
trưởng nên bà mang nặng trách nhiệm trong mình. Gia đình bà phong kiến, tất cả
các người con đều được giáo dục một cách nghiêm khắc, người chịu ảnh hưởng
nhiều nhất là bà, bởi bà luôn mang mặc cảm là con của bà thứ trong nhà. Thậm
chí nếu lỡ bà làm gì sai, sẽ không bao giờ bà để việc đó xảy ra nữa hay nói câu
“ xin lỗi” một ai đó quá ba lần.
Nhà cụ có một phong tục rất kì lạ, hầu như những người con trưởng
trong nhà đều không được quyền lấy vợ lấy chồng, phải giữ thân mình “sạch” đề
thờ tự tổ tiên. Họ sẽ sống một cuộc đời đơn thân nhưng bù lại họ được tất cả
gia sản, và cứ thế cho đến đời sau, đứa cháu đầu tiên được sinh ra trong dòng
họ sẽ tiếp tục nghĩa cử thiêng liêng đó. Phần lớn mọi người trong nhà đều cho
rằng đó là vinh dự đối với gia đình nhánh có con thờ tự và với gia đình bà cũng
thế. Trước bà có một người anh và dường như anh ấy đã được định đoạt cho kiếp
sống đó, nếu, ừ, nếu anh ấy không yêu. Ngay lúc bắt gặp anh ấy lén lút với một
cô gái ông đã thấy lo, lo không chỉ cho anh mà còn lo cho chính mình. Bởi lẽ,
nếu anh ấy có mệnh gì, người phải chịu trách nhiệm thờ tự chính là bà. Gần như
đi với sự ích kỉ, ông đã ngăn cản anh của bà với một mối quan hệ không đâu tới
đâu, thậm chí ông còn đe dọa:
-Anh hãy nghĩ lại đi, nếu anh yêu cô ấy, thậm chí anh không thể
đến được với cô ấy, thậm chí hai người có thể bị đuổi ra khỏi làng đấy.
Nào ngờ những lời ông nói chẳng phải là đòn đau mà lại đến với anh
của bà là cả sự thức tỉnh. Hôm sau, anh của bà dắt người tình của mình bỏ làng
đi thật. Trái ngược với sự lo lắng của ông, ngay khi bà nghe ông kể về mối quan
hệ đó bà chỉ im lặng. Sự im lặng của bà làm ông sợ, vì ánh mắt bà nhìn ông lúc
đó ngập tràn sự hối lỗi. Ông lo cho bà, lo cho cả đứa con đang chưa thành hình
trong bụng của bà. Nhưng lúc đó bà chỉ khuyên ông:
-Em sẽ gắng khuyên anh cả. Anh đừng lo.
Nhưng lời nói của bà yếu ớt đến độ ông hiểu rằng ông đang sắp mất
bà. Thế rồi người anh cả đi, thế rồi gia đình bà gần như có một sự chuyển giao
quyền lực từ người anh cả sang bà. Bà có tất cả, giàu có, địa vị và sự kính
trọng, chỉ có điều, bà phải đánh mất ông. Lúc ông chạy đến bên bà, bà chỉ khóc
và nói :” Em xin lỗi”. Đó là lời xin lỗi đầu tiên bà gửi đến ông, vì trước giờ
trong suốt cả một quãng thời gian rất dài yêu nhau chưa bao giờ bà phụ ông.
Lúc đó, ông còn trẻ. Ông hận bà lắm, ông cũng cho rằng bà ham giàu
sang, bà phụ nghĩa, quên tình. Ông mắng bà không tiếc lời.
Ông tôi thở hắt ra yếu ớt khi nhớ về chuyện cũ. Được một thời
gian, bà ra khỏi làng đi đâu gần cả năm trời, nghe trong họ nói bà đi giao
thương, công việc của bà khi trở thành một người chủ gia đình trở nên bận rộn.
Cho tới một đêm, khi ông còn đang ngủ trong căn nhà, bỗng nghe tiếng động, ông
ra cửa thì thấy bà, trên tay đang bế một đứa trẻ, khỏi cần nói ông cũng hiểu đó
là máu thịt của mình, lúc này bà lại khóc và nói:
-Em xin lỗi. Con nhờ cả ở anh.
Ông chưa kịp nói dứt lời thì bà đã quay đi. Lúc đó cho tới cả
những tháng năm sau này ông nuôi con bằng cả tình thương và sự oán hận giành
cho bà. Đứa bé gái ấy là mẹ tôi. Cho tới một ngày, ông tình cờ gặp lại người
anh cả. Lúc đó, người anh đã khóc rất dữ dội với ông. Anh nói anh đã có con với
người con gái ấy, gia đình nhà người ấy lại không còn một ai, anh có trách
nhiệm chăm lo, anh biết anh ích kỉ và… anh đã nói với em gái của mình,là bà.
Anh đã đứng ra van xin bà, thậm chí quỳ trước mặt bà, lúc đó bà chỉ biết khóc
trong im lặng.
-Em tôi không phải không thương cậu, nó rất thương cậu. Nhưng tại
vì tôi, tôi vô dụng. Tại cô ấy và đứa bé. Tôi đã xin em tôi. Tôi đã năn nỉ nó.
Ông im lặng không nói được lời nào, phải chăng giờ ông đã hiểu nỗi
đau trong mắt bà khi an ủi ông?
Sau hôm ấy tôi có về nhưng không dám vào nhà. Tôi đã thấy ba mẹ
tôi lần nữa quỳ xuống xin em tôi thay tôi, vì nếu không gia đình sẽ có lỗi với
cả dòng họ…
Lúc này thì ông bật khóc, ông khóc thay cho cả bà, ông khóc cho
đứa con chưa bao giờ biết mặt mẹ. Ông khóc cho nguyên tắc tình thương và hi
sinh cho người khác của bà. Vậy mà ông vẫn luôn oán trách bà, cho rằng bà phụ
ông vì gia sản, vì địa vị. Hôm sau, ông lại lén sang nhìn bà, trong ngôi nhà
lạnh lẽo đó, bà vẫn luôn tay điều hành mọi việc, ba mẹ bà cười, họ hàng bà
cười, anh trai bà với vợ con ở một nơi nào đó cũng đang cười, chỉ có bà là lạnh
lùng. Nỗi đau của bà, nỗi đau của người làm mẹ không thể nhận con; Nỗi đau của
người em gái gánh vác trọng trách để gia đình người anh vẹn toàn; Nỗi đau đứa
con quên đi hạnh phúc mình để ba mẹ không bị dòng họ chê cười; Và nỗi đau của
một người đánh mất đi người mình thương.
-Nên con đừng bao giờ hận bà. Nếu có thể con hãy đến tìm bà một
lần, chỉ để nói chuyện với bà thôi.
Thế rồi dặn dò con cháu xong ông mất. Ông ra đi với tình yêu giành
cho bà vẫn còn mãnh liệt trong tim. Lúc đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi
bỗng thấy một người đàn bà luống tuổi tới trước phần mộ ông quỳ sụp xuống khóc
nức nở:
-Em xin lỗi. Em tới muộn rồi.
Đó là lời xin lỗi thứ ba của bà.
Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định