Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 6, 2013

HOA HỌC TRÒ - Truyện ngắn Trần Hữu Thuần - Tiếp theo kỳ 4 và hết

ĐÃ ĐĂNG:
KỲ 1
KỲ 2
KỲ 3
KỲ 4


Lẹ  làng như một con sóc, Nguyệt rời khỏi hai đùi tôi, tuột xuống đất bò quanh sạp chụp lại các con dế đang chạy tứ tán tìm đường tẩu thoát. Lũ dế nhảy lung tung khắp mọi chỗ, con trong kẹt, con trên vách, con nằm dưới mái chòi lộn ngược. Nguyệt cười khanh khách, vừa chộp vừa la hét:

“Lũ tù trốn trại, bà bắt lại cho bằng hết.”

Chẳng mấy chốc, Nguyệt đã khéo léo bắt lại gần hết lũ dế trốn chạy, ngoại trừ những con đã thoát được ra bên ngoài. Sau đó, hai chúng tôi mê mẫn “luyện dế” quên cả thời gian đang trôi qua cho đến khi có tiến chị tôi réo về ăn cơm trưa.

Những lần khác, chúng tôi không ra nhà mình mà đi sâu về phía suối, rong chơi trong vùng thám hiểm của chúng tôi. Vùng thám hiểm nói cho đúng không chỉ dành riêng cho Nguyệt và tôi, nhưng chúng tôi có một chỗ riêng biệt không bạn bè cùng trang lứa nào biết đến, và chưa từng đưa ai đến đó. Đó là một khu nằm hơi sâu trong rừng cạnh một hang động có đoạn suối chạy vòng vèo bao quanh, nước trong veo nhìn thấy nhiều con cá lội trên đáy sỏi cát. Trước mặt, mở ra rừng sim tím, móc, muồng đen, và sót trắng bao la. Sim trái to như đầu ngón tay, ngọt lịm, cắn vào tứa nước mát rượi và làm tím rịm đôi môi. Sót luộc lên ăn bùi, người lớn đùa bảo chúng tôi đó là “cứt cọp.” Toàn cảnh như một bức tranh vẽ nằm lọt thỏm giữa ba phía cây rừng cao vút xanh ngắt, chừa một phía mở dần ra nhìn thấy chân trời. Từ trong một hang hóc nào gần bờ suối, một chú cóc lỏm tỏm nhảy đến mỗi khi Nguyệt và tôi bắt đầu nổi lửa nướng cá câu được chuẩn bị cho bữa “tiệc” gồm cá nướng với trái cây rừng. Chẳng biết do cách nào, Nguyệt đã “thuần hóa” được chú, và đó là trò vui của chúng tôi. Thấy chú đến, Nguyệt bẻ que dí vào đuôi, cóc ngóc đầu lên, dí vào đầu, cóc ngóc đuôi lên. Nhìn thấy có giương thô lố đôi mắt ngóc đầu rồi ngóc đuôi như con lật đật, hai chúng tôi cười rũ rượi. Nhớ lại chuyện Hoàng tử Cóc, tôi đùa bảo Nguyệt:

“Hoàng tử Cóc đó. Em hôn nó một cái, nó trở lại thành hoàng tử cưới em rồi đem về hoàng cung cho coi.”
Nguyệt thẹn đỏ bừng mặt, đấm tôi huỳnh huỵch, làm bộ  giận:

“Anh đó nghe. Bộ em xấu lắm răng phải đợi cóc đến cưới?”

Tôi cười:

“Mô phải cóc, hoàng tử đó chơ.”

Tuổi trẻ hồn nhiên không cho chúng tôi kịp nhận biết một ngày trôi qua là tuổi đời chúng tôi chồng chất thêm một ngày, và gia đình chúng tôi chồng chất thêm nhiều thay đổi. Anh thứ hai của tôi và một người con gái cùng làng yêu thương nhau nhưng không đến được với nhau vì gia đình cô ấy chê gia đình tôi quá nghèo, chê anh tôi lỡ thầy lỡ thợ. Thất tình thất chí, anh tôi bỏ An Đôn xuống Trí Bưu gặp ông Ba Thiên đang mộ phu vào làm việc cho đồn điền cao su ở Xuân Lộc, đồn điền có tên gọi là Sở Cao su SIPH, tức Société Indochinoise de la Plantation d’Hévéa. Anh tôi nhập vào đoàn và vì có chút chữ nghĩa và chút tiếng Pháp nên được phong làm surveillant. Không lâu sau đó, chị đầu của tôi lập gia đình theo chồng dọn lên Phước Môn. Anh tôi sau khi ổn định tại Xuân Lộc, quay về An Đôn đưa mạ và người chị thứ năm của tôi vào theo anh, để tôi lại cho người chị thứ tư, dặn dò chị tôi lo cho tôi tiếp tục học để vào chủng viện tu học làm linh mục. Anh bảo chị tôi và tôi khỏi lo lắng gì về tiền bạc vì khi gia đình chúng tôi rời quê nội Phúc Lộc lên An Đôn, cha tôi đã để ruộng rẫy hương hỏa mà cha tôi được hưởng lại cho thím tôi canh tác, không chia hoa lợi gì ngoài chuyện lo cho tôi ăn học sau này, nhất là khi tôi vào chủng viện.

Nguyệt và tôi tiếp tục quây quần bên nhau, cùng đi học, cùng về nhà, cùng nghịch ngợm ở “nhà mình,” cùng chơi đùa ở khu thám hiểm của chúng tôi. Tuần vài ba lần mua nắng nóng, chúng tôi cùng bạn bè ra sông tắm. Mạ Nguyệt không bao giờ cho Nguyệt ra sông mà không có tôi. Bà dặn đò tôi:

“Em nó nhỏ, đi một chắc không được. Có con coi chứng, mạ mới yên tâm cho nó đi”

Thực tình, tôi chẳng lớn tuổi hơn Nguyệt bao lăm nên cũng chưa hiểu thấu coi chừng là phải coi chừng như thế  nào. Thêm vào đó, chẳng hiểu do ai đặt ra thành lệ, con trai con gái dù đang ở tuổi cởi truồng tắm mưa như tôi và Nguyệt lại không được tắm chung với nhau cùng bến. Có lẽ lệ này đặt ra cho người lớn theo quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, chúng tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều nên nghe vậy liền áp dụng vào tuổi chúng tôi. Vì thế, đến bờ sông, trai gái tự động tách ra hai bến cách nhau một khoảng xa không nghe rõ tiếng cười đùa của nhau và không nhìn thấy nhau. Do tách biệt nhau như thế, tôi chẳng cách nào theo sát để coi chừng Nguyệt được như lời mạ Nguyệt dặn dò. Có muốn chăng nữa, hai chúng tôi cũng không chịu đựng được bạn bè trêu chọc, cặp đôi cặp lứa. Vì thế, tôi chỉ trông chừng Nguyệt được bằng cách lâu lâu lặn một hơi qua bến con gái, chẳng dám ló người lên vì chúng tôi con trai đều tắm truồng. Tôi ngóc đầu lên gọi lớn:
“Nguyệt ơi, Nguyệt ơi.”

Từ  đâu đó, Nguyệt đáp lại:

“Em đây, em đây.”

Nghe tiếng Nguyệt tra lời, tôi yên tâm lặn một hơi quay về bến con trai. Hơn nữa, tôi còn yên tâm vì hai bến tắm đều quen thuộc, đứa nào cũng tường tận mực nước nông sâu chừng nào, tường tận chỗ nào có hố có xoáy dưới nền cát. Ngoài ra, bọn chúng tôi lúc nào cũng chừng đó đứa rủ nhau đi tắm, biết nhau rõ ràng gầy béo cao thấp, đứa nào lội giỏi đứa nào lội dỡ để canh chừng lẫn nhau. Dù chỉ “trôngchừng” mau lẹ như vậy, đám bạn Nguyệt vẫn lao nhao la lối cho rằng tôi ăn gian không giữ đúng lệ “phân chia giới tuyến.”

Một hôm, sau khi đã làm xong thủ tục “lặn” qua thăm chừng Nguyệt lần chót rồi yên chí mọi sự bình an như mọi lần, tôi quay lại bến con trai giỡn nước với bạn bè. Tắm xong, chúng tôi ùa nhau lên bờ mặc lại quần áo. Xỏ vội chiếc quần xà lỏn vào đôi chân đang ướt, tôi cầm áo chạy vụt qua bến con gái gọi Nguyệt đi về như vẫn làm mỗi lần tắm xong. Bỗng, tôi đứng khựng lại. Bọn con gái đã thay quần áo khô nhưng không tíu ta tíu tít cười đùa như mọi lần mà một số ôm nhau kêu khóc vây quanh một đống quần áo nằm trên mặt cát, số khác hướng ra sông kêu gào gọi tên Nguyệt. Hoảng hốt, tôi lao đến cuống quít hỏi:

“Chi rứa? Cái chi rứa?”

“Nguyệt.”

Một  đứa trong bọn chỉ tay xuống sông trả lời gọn lỏn. Hiểu ngay chuyện gì đang xẩy ra, không kịp nghĩ tại sao lũ con gái không báo động khi thấy Nguyệt gặp nguy hiểm, hoặc ít nữa khi lên bờ không thấy Nguyệt mà lại ôm nhau gào khóc, tôi phóng ào xuống nước ngụp lặn tìm Nguyệt. Hụp lặn dưới mắt nước, mắt mở to chăm chú tìm kiếm, tôi thỉnh thoảng ngoi đầu lên vừa thở vừa réo tên Nguyệt. Không tăm dạng. Tôi lại hụp xuống quờ quàng, hi vọng vớ được Nguyệt nằm đâu đó. Chẳng vớ được gì. Tôi lặn lên đầu trên ngược suống đầu dưới, lặn qua trái lặn sang phải, lặn ngang lặn dọc, lặn khắp vùng nước mà tôi biết rõ đám con gái thường tắm. Chẳng tìm thấy gì. Vùng vẫy trong nước lâu giờ, tôi kiệt sức hồi nào không biết. Đầu óc tôi đặc lại mê muội. Mắt tôi mờ dần. Tôi lã người chìm dần xuống nước, trí óc thầm bảo Nguyệt:

“Nguyệt ơi, lỗi tại anh đã không trông em như mạ dặn.”

Tôi ngất đi, chìm lỉm, cho đến khi trong cơn mê hoảng vớ được một bàn tay ai đó đang chìa ra kéo tôi lên. Vừa ngoi lên khỏi mặt nước hít ngụm khí đầu tiên, tôi không nghĩ gì đến thân tôi mà, nước mắt ràn rụa, vùng vẫy muốn lao lại xuống nước, miệng hét lên với người lớn đang xôn xao ở đó:

“Cứu Nguyệt! Cứu Nguyệt giùm con.”

Không ai trả lời tôi. Tôi ngất đi. Khi tỉnh lại, mở mắt thấy chị tôi đang lo lắng nhìn tôi, tôi mới biết đang nằm trên giường tại nhà tôi. Ai đó đã bế tôi về khi tôi rơi vào hôn mê. Tôi thều thào hỏi chị:

“Cứu được Nguyệt chưa chị?”

Chị  tôi không trả lời, chỉ lắc đầu nhìn tôi. Thì ra, người lớn đã cứu được tôi nhưng vẫn chưa tìm thấy xác Nguyệt. Tôi lại rơi vào cơn mê loạn, miệng không ngớt rên rỉ xin người ta cứu Nguyệt. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi lại òa lên khóc. Biết tôi đã tỉnh lại, mẹ Nguyệt bước đến cạnh giường tôi, giúi vào tay tôi bộ quần áo Nguyệt chưa kịp thay bỏ lại trên bờ sông, rồi gục xuống cạnh giường, gào không thành tiếng:

“Con ơi là con, Nguyệt ơi là Nguyệt.”

Mẹ  Nguyệt ngất lịm đi. Tôi hét lên một tiếng thất thanh rồi lại chìm vào cơn mê sảng. Không biết tôi ngất đi lần này trong bao lâu, chỉ tỉnh lại khi nghe tiếng xôn xao từ bên nhà mẹ Nguyệt vọng sang:

“Tìm được xác rồi.”

Liền  theo đó, tôi nghe tiếng mẹ Nguyệt khóc lớn và tiếng chân chạy rầm rập. Tôi nhỏm dậy định chạy theo ra bờ sông chỗ đang đặt xác Nguyệt nhưng chị tôi chạy vội đến giữ tôi lại. Chẳng giải thích lí do, chị đưa quần áo giục tôi thay đổi:

“Thay mau lên, mình đi liền.”

Tôi vừa xỏ chân tay vào quần áo vừa hỏi lại chị:

“Đi mô, ra chỗ Nguyệt?”

Chị  tôi lắc đầu quầy quậy:

“Không, đừng hỏi lôi thôi, về Phúc Lộc.

Tôi vừa mặc xong quần áo, chị tôi nắm tay tôi kéo vụt ra cửa chạy nhanh theo con hẽm đi ra đường cái. Hoảng hốt vớ bộ quần áo của Nguyệt mà mẹ Nguyệt giúi vào tay tôi ban nãy, tôi chạy vùn vụt theo chị. Hai chị em cắm đầu chạy như đang bị ma đuổi. Đến đường cái, nhìn thấy nhiều người lố nhố ở bến sông mà tôi đoán đang đứng quanh xác nguyệt, tôi chậm lại hỏi chị:

“Cho em ra nhìn Nguyệt một chút?”

Chị  tôi giúi tôi về phía trước, quắc mắt nhìn tôi, gắt giọng:

“Chạy mau lên. Gặp rắc rối liền chừ.”

Tôi ba chân bốn cẳng chạy theo chị, chẳng hiểu gặp rắc rối là gặp điều gì. Chẳng lẽ người ta bắt tôi liên lụy về cái chết của Nguyệt? Tôi thương Nguyệt bao nhiêu cũng chưa đủ, có đâu lại làm hại Nguyệt? Ai cũng biết tôi chẳng cách nào sát cánh canh chừng Nguyệt được vì con trai con gái phải tắm riêng nhau. Ngồi thụp xuống không chịu đi tiếp, tôi gào lên năn nỉ chị:

“Chị  ơi, cho em thăm Nguyệt một chút, nhìn mặt một chút rồi mình đi, nghe chị?”

  Chị tôi vừa thở hồng hộc vừa cương quyết lôi tôi đi như lôi theo một bị gạo. Hai người đàn ông đi ngang qua, nghe chị tôi nhờ liền xốc nách nhấc bỗng tôi lên chạy một đoạn đường dài, mặc tôi giẫy giụa kêu gào thảm thiết.

* * *

Tôi không được  nhìn mặt Nguyệt lần chót, không được dự đám tang Nguyệt, cũng chẳng biết mồ mả Nguyệt ở nơi đâu. Không một người thân nào trong gia đình tôi cho tôi biết. Chẳng ai cho tôi về lại An Đôn tìm thăm mồ mả Nguyệt. Dẫu vậy, tâm hồn tôi là mồ chôn Nguyệt, mồ chôn mối tình bé nhỏ thơ ngây của Nguyệt và tôi. Ngày tháng ở Phúc Lộc, tôi sống âm thầm với bộ quần áo của Nguyệt, kỉ vật duy nhất nhắc tôi nhớ đến Nguyệt. Ngày đêm bộ quần áo đó kè kè bên tôi, khi thức cũng như khi ngủ, nằm trong cặp tôi khi tôi đi đến trường. Nhưng rồi chẳng hiểu đã có một lúc nào đó tôi sơ hở, thím tôi ở Phúc Lộc đã thừa dịp lấy mất và hủy hoại kỉ vật duy nhất đó. Phải chăng gia đình tôi không muốn tôi mõi mòn với kỉ niệm của thời măng dại đầy hương thơm của Hoa Học trò? Mọi người, nhất là anh tôi, chẳng những muốn tôi quên Nguyệt mà quên cả cuộc sống thế tục để vào chủng viện học tập hi vọng trở thành linh mục. Nhưng, trần thế đã vấn vương tôi, hình bóng Nguyệt không lúc nào rời khỏi tâm trí tôi. Tuổi non dại qua đi, tôi lớn lên đi vào đời mang theo hình bóng Nguyệt không lúc nào rời, mang theo trong ngày tháng chinh chiến bôn ba xuôi ngược, mang theo cả trong cuộc sống gia đình. Kỉ niệm về Nguyệt đầy ắp trong tôi đến nỗi tôi không còn che đậy mãi được nữa, phải thú thật tâm tình thơ dại giữa tôi và Nguyệt với người vợ mà tôi nhất mực yêu thương. Nghe xong, vợ tôi chẳng những đã không cho là chuyện trẻ con vớ vẩn mà còn chia sớt nỗi đau đớn của lòng tôi. Tôi đã có một người tri kỉ ở tuổi thơ dại và một người tri âm trong phần còn lại của cuộc đời. Người tri kỉ đã bỏ tôi đi khi tuổi tôi chưa lớn, người tri âm rồi cũng bỏ tôi đi khi tuổi tôi đã xế chiều.

Giờ  đây tóc trên đầu đã bạc nhiều hơn đen, tôi vẫn không biết mồ mả Nguyệt ở nơi nào, còn hay mất sau bao nhiêu tháng ngày chinh chiến. Nhưng, bao lâu trên cõi đời này còn tồn tại loài hoa mà Nguyệt với tôi gọi là Hoa Học trò bất chấp người khác gọi tên là gì, hình bóng Nguyệt vẫn sống động trong tâm hồn tôi. Nhờ lòng thương xót của vị Thiên Chúa mà tôi đặt hết niềm tin, tôi chắc chắn sẽ gặp lại người tri kỉ và người tri âm của tôi. Đâu đó trên cõi cao xanh, chắc chắn cả hai đang mỉm cười chờ đón tôi trong ngày tái ngộ sum họp không bao giờ sự chết còn chia cách được nữa.

Người tri kỉ ơi, người tri âm ơi, anh đang chờ đợi mỏi mòn.

Trần Hữu Thuần




READ MORE - HOA HỌC TRÒ - Truyện ngắn Trần Hữu Thuần - Tiếp theo kỳ 4 và hết