Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 17, 2017

Thủy Điền đọc NỖI NIỀM NGƯỜI XA XỨ , thơ của Đặng Minh Mai

Thủy Điền đọc thơ:

NỖI NIỀM NGƯỜI XA XỨ 

Tác giả: Đặng Minh Mai
 
Mây lặng lẽ xứ người trôi khuất
Lòng con buồn nhớ đất quê ta
Quê hương có mẹ có cha
Cô dì chú bác có bà có ông
 
Bởi cuộc sống dứt lòng con bước
Xa mẹ cha thầm ước ngày về
Bây giờ xa cách sơn khê
Mỗi chiều con vẫn nhớ về quê hương!
 
Đêm thao thức canh trường khó ngủ
Thương mẹ cha chốn cũ nhớ mình
Một đời chiu chắt ân tình
Cho con có được dáng hình hôm nay
 
Ơn cha mẹ cao dày chưa trả
Đạo làm con thong thả sao đành?
Hẹn ngày nắng ấm trời xanh
Con về bên mẹ ngọt lành lời cha!
 
Mặc chiếc áo bà ba quê mẹ
Duyên dáng cười nhè nhẹ nón nghiêng
Tình quê ấm áp thiêng liêng
Cơm chiều sum họp mẹ hiền cha yêu!
 
Sáng nay chúa nhật, ngoài trời tuyết rơi như mưa đỗ, chỉ trong vòng 15 phút mà ngập trắng cả sân. Buốt, chẳng biết làm gì sau ly Cà-phê sáng, tôi bật máy tìm vài trang thơ, văn đọc chơi cho đỡ buồn. Tình cờ tôi đọc được bài thơ khá hay tựa đề “Nỗi niềm người xa xứ".  Chưa đi sâu vào bài thơ, chỉ thấy cái tựa thôi là cũng thấy khoái rồi. Vì nó giống hệt tâm trạng của mình, những người đang xa xứ và đang nhớ nhà, nhất là thời điểm quê nhà đang tưng bừng đón tết.
 
     Về phần tác giả, tôi tự đoán có lẽ người viết là một phụ nữ đứng tuổi hay nàng con gái nào đó, chớ không phải là đàn ông, hay thanh niên. Vì giọng điệu bài thơ nghe rất nhẹ nhàng, trìu mến, ấm cúng, không mạnh bạo. Tôi nghĩ có thể gì hoàn cảnh nghèo mà phải từ quê lên thành làm việc để kiếm sống hay sang một quốc gia nào làm việc theo chương trình hợp tác lao động. Qua hai phương án, tôi chọn phương án thứ hai thì đúng hơn. Bởi, nơi làm việc và quê nhà cách xa nhau không gần, hơn nữa,  kinh phí, phương tiện đi lại cũng là điều cần phải cân nhắc. Nên sau những giờ làm việc và những lúc nghỉ ngơi, cô thường hay trăn trở nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Cứ ra, vào than thở, nhớ quê, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ họ hàng, muốn về thăm một lần rồi đi, nhưng về không được. Càng lưu luyến bao nhiêu thì những hình ảnh ấy lại càng xa dần bấy nhiêu. Qua đoạn thơ dưới đây thấy lòng cô vọng lên mà nghe sao xao xuyến tâm hồn.
 
Mây lặng lẽ xứ người trôi khuất
Lòng con buồn nhớ đất quê ta
Quê hương có mẹ có cha
Cô dì chú bác có bà có ông
 
     Thường thường thì việc gì cũng qua đi và dần quen với cuộc sống mới. Nhưng riêng cô thì khác, lúc nào cũng miên man nghĩ về  quê cũ và hy vọng một ngày gần nhất sẽ trở lại chốn bài. Đó là niềm thiết tha duy nhất của người xa xứ nào cũng thế. Như tôi đây cũng vậy thôi, ngần mấy chục năm trời làm thân viễn xứ, sống xứ người nhiều hơn quê nhà mà lòng mãi luôn luôn vọng quốc. Dù biết rằng ngày ấy sẽ không bao giờ hiện thực, nhưng vẫn luôn mang hy vọng trong lòng. Đoạn thơ:
 
Bởi cuộc sống dứt lòng con bước
Xa mẹ cha thầm ước ngày về
Bây giờ xa cách sơn khê
Mỗi chiều con vẫn nhớ về quê hương!
 
     Là một động lực giúp người ta vượt qua những thế giới lạ và luôn mãi giữ những gì mình từng có. Nó như là tiềm thức ăn sâu vào lòng của mỗi con người Việt nam.
  
     Chuyện nhớ quê, nhớ cha, nhớ mẹ là đương nhiên, ai cũng thế. Riêng cô lại có phần đặc biệt hơn, cô nhớ từ li, từ tí những công lao sanh thành, dưỡng dục để cô có được ngày hôm nay. Chính vì thế, đêm nào cô cũng thức giấc trăn trở và hứa hẹn một ngày nào đó sẽ làm một cái gì dù ít hay nhiều để bù đấp lại tấm lòng cao cả ấy. Làm một con người như cô thì quả là hiếm và đáng được kính trọng, có lòng như cô dù thực hiện được hay không thực hiện được, nơi quê nhà phận làm cha mẹ mà nghe được lời con nói. Hỏi ai mà không mát dạ, mát lòng và không cần phải mang lụa, vàng, vật báu thì mới thương con. Trong những giây phút thao thức cô vẫn luôn tự tin rằng cha mẹ mình nơi quê nhà chắc cũng thế, rồi mắt cô tự dưng tuôn tràn trên đôi má.
 
Đêm thao thức canh trường khó ngủ
Thương mẹ cha chốn cũ nhớ mình
Một đời chiu chắt ân tình
Cho con có được dáng hình hôm nay
 
Ơn cha mẹ cao dày chưa trả
Đạo làm con thong thả sao đành?
Hẹn ngày nắng ấm trời xanh
Con về bên mẹ ngọt lành lời cha!
 
     Đọc qua hết bài thơ, tôi có cảm nhận rằng với một con người như cô dù hoàn cảnh nào hay khó khăn nào đi nữa ngày về sum hợp gia đình chắc chắn sẽ không xa và tôi cũng cầu chúc cho cô được toại nguyện những mơ ước của mình sớm thành hiện thực
 
 
Mặc chiếc áo bà ba quê mẹ
Duyên dáng cười nhè nhẹ nón nghiêng
Tình quê ấm áp thiêng liêng
Cơm chiều sum họp mẹ hiền cha yêu! 
 
Thủy Điền
15-01-2017


READ MORE - Thủy Điền đọc NỖI NIỀM NGƯỜI XA XỨ , thơ của Đặng Minh Mai

TẾT TA, TẾT TÂY - Tuỳ bút của Hoàng Đằng


            
                        Tác giả Hoàng Đằng



           TẾT TA, TẾT TÂY

Ngày 16/01/2017 (19/12/Bính Thân), trang BBC tiếng Việt có đăng bài: “Quan điểm về ý tưởng gộp Tết Tây và Tết Ta làm một”. Trong bài, có ý kiến “nên gộp”, có ý kiến không “nên gộp”.
Tôi “máy” tay muốn góp ý; nhưng trước khi đưa ra ý kiến riêng của mình, tôi xin trình bày sơ lược về Tết Tây và Tết Ta.
Từ “Tết” được mọi người cho là do từ “tiết” biến âm, học giả Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển giải nghĩa “tiết” là “lễ Tết gì”. Tôi thì nghĩ thêm: từ “Tết” có thể là biến âm của từ “tất”; “tất” là “xong”, là “hết”; ý nói “Tết” là dịp mọi việc được xem như xong, những âu lo vướng bận trút bỏ hết – chu kỳ cũ xong, hết để qua chu kỳ mới.
Hiện nay, đa số các nước đều “ăn” Tết Tây – Tết Dương Lịch. Dương Lịch là lịch mà mỗi ngày tháng ... chỉ ra vị trí chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời. Trên thế giới, Dương Lịch được dùng như lịch công vụ.
Dương Lịch đang phổ biến là lịch Gregorius vì nó được giáo hoàng Gregorius XIII (sinh 1502 – mất 1585) đưa vào dùng từ năm 1582. Trước đó, Dương Lịch thông dụng là lịch Julius; lịch Julius là lịch do Julius Caesar đưa vào dùng từ năm 45 trước TC. Julius Caesar là một lãnh tụ quân sự và chính trị tài năng của đế chế La mã. Lịch Julius và lịch Gregorius, do sáng kiến của tu sĩ Dionysius (khoảng 500 – 560 sau TC), đều lấy năm Thiên Chúa giáng sinh làm năm khởi đầu.


Vì sao lịch Julius bị thay thế? Độ dài chính xác của năm mặt trời là 365,242216 ngày, trong khi lịch Julius quy ước là 365,25 ngày; như thế năm lịch Julius dài hơn năm mặt trời khoảng 0,0078 ngày (# 11 phút 14 giây). Do vậy, lịch Gregorius ra đời để điều chỉnh lại. Tính đến năm 1582 – năm dùng lịch Gregorius thay lịch Julius, sự sai biệt do cách tính năm lịch Julius và năm thực tế mặt trời đã lên đến 10 ngày; cho nên, giáo hoàng Gregorius XIII quyết định cho nhảy 10 ngày trong tháng 10 năm đó - thay vì Thứ Năm 04/10/1582 qua Thứ Sáu là 05/10/1582 thì Thứ Năm 04/10/1582 nhưng qua Thứ Sáu là 15/10/1582. Để tránh lặp lại sai biệt từ đó về sau, lịch Gregorius vẫn lấy năm nhuận (tháng 2 có 29 ngày) như lịch Julius là năm có số chia hết cho 4 (1884, 1896, 1904 ...), nhưng khác với lịch Julius ở chỗ là các năm có số tận cùng bằng 00 muốn được tính năm nhuận phải vừa chia hết cho 4, vừa chia hết cho 400 (1600, 2000), còn chỉ chia hết cho 4 mà không chia hết cho 400 thì không phải năm nhuận (1700, 1800, 1900). Năm 1917, bên Nga còn dùng lịch Julius, cách mạng Nga, dù theo lịch Gregorius, thành công vào ngày 07/11/1917, vẫn gọi là cách mạng tháng 10 vì theo lịch Julius, ngày đó là 25/10/1917.
Âm Lịch là lịch dựa theo chu kỳ mặt trăng mà tính năm tháng. Âm Lịch phổ biến hiện nay là “lịch kiến Dần” bắt đầu dùng lại từ đời Hán Vũ Đế (141 trước CN – 87 trước CN); lịch “kiến Dần” tính tháng đầu năm là tháng Dần – tháng Giêng. Trước đó, đã có lịch “kiến Dần” từ đời nhà Hạ, rồi đến lịch “kiến Sửu” đời nhà Thương – lịch tính tháng đầu năm là tháng Chạp và lịch “kiến Tý” đời nhà Chu – lịch tính tháng đầu năm là tháng 11. Lịch “kiến Tý” chắc đã có ảnh hưởng sâu rộng, thành thử, trong thời vua chúa, người lãnh đạo quốc gia ban lịch năm mới vào tiết Đông chí – tiết trong tháng 11 - và đến bây giờ, ai trong người Việt chúng ta muốn tỏ ra cao tuổi, hễ qua tiết Đông Chí, họ tính thêm một tuổi.
Âm Lịch hiện chỉ được dùng ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam  trong lễ nghi, hội hè ... theo phong tục tập quán chứ không phải là công lịch – lịch nhà nước dùng chính thức - như Dương Lịch.
Do hai cái Tết – Tết Tây và Tết Ta – quá gần nhau, chỉ cách nhau trên dưới một tháng, nhiều người đưa ra ý kiến nên gộp làm một. Theo GS. Võ Tòng Xuân, lý do là để, :
Tránh cho doanh nghiệp khỏi mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài vì dịp Tết Ta, người nước ngoài không nghỉ,
- Tránh cho nông dân khỏi mất thời gian chăm sóc lúa Đông Xuân – vụ lúa chính trong năm,
- Tránh cho sinh viên học sinh khỏi phải gượng ép thời khoá biểu học tập và thi học kỳ I đồng thời  tránh cho họ khỏi mất 2 tuần lễ học hành,
- Tránh cho dân chúng khỏi nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức rất tốn kém tiền của, thời gian và tổn hại sức khoẻ - tính mạng,
- Tránh lãng phí ngày làm việc.
Còn theo kinh tế gia Phạm Chi Lan, thì:
Tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các công ty vì thời gian phải nghỉ trong 2 dịp Tết,
Tạo dễ dàng cho gia đình đoàn tụ vì có khá nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài khó có thể về dịp Tết Ta.
Trái lại, nhiều ý kiến đưa ra để phản biện là không “nên gộp” 2 Tết làm một.
Hoàng Khải, chủ tịch Tập Đoàn Khải Silk: “Giàu thì đã giàu rồi. Thôi đừng bỏ Tết nữa ...”
- GS. Hoàng Chương, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Huy Văn Hoá Dân Tộc: “Tết cổ truyền là văn hoá truyền thống. Chúng ta có Tết của chúng ta; người phương Tây có Tết của họ; sao lại bỏ văn hoá của ta để theo văn hoá của họ?”
- Facebooker Thinh Babel: “ ... Lý do tiết kiệm thời gian, mình thấy vô lý ... Nghỉ nhiều nhưng ... vẫn ổn thì tiến bộ chứ sao! ... Kẹt xe, mất nhiều thời gian lắm. Cà phê, mất nhiều thời gian lắm. Bia bọt, mất nhiều thời gian lắm. Thủ tục hành chánh, mất nhiều thời gian lắm ... Họp hành tốn nhiều thời gian lắm.”
- Nghệ sĩ hài Trung Dân: “Có được văn minh lúa nước, có được bộ Âm Lịch, người Việt ăn Tết theo mùa và được tính theo tiết mà ngày nay đã được gọi là Tết.”
Tôi thì có ý kiến riêng thế này – những ý kiến chỉ dựa vào thực tế quê tôi thôi.
- Nếu Tết Ta gộp vào Tết Tây, dịp ăn Tết sẽ nằm trong tháng 11 Âm Lịch. Mưa còn nhiều, rét lạnh còn cay nghiệt, “rét tháng 11 con gái tốt cũng hư”, đường sá vấy bùn, không khí ẩm ướt, chơi Tết mất hứng thú, cái vui của Tết bị hạn chế nhiều.
- Tháng 11 Âm Lịch, nông dân – đa số trong dân số nước ta - đang vào vụ gieo trồng – đặc biệt là gieo sạ lúa; họ không có thời gian rảnh rỗi; không lẽ họ bỏ công ăn việc làm trong năm, mười ngày để ăn Tết? Trễ mùa vụ thì còn gì!
- Qua bão lũ trong các tháng 8, 9, 10 Âm Lịch, rau màu không ươm trồng được, số trồng được thì hư hỏng, Tết cần nhiều thực phẩm mà Tết tổ chức trong tháng 11 Âm lịch thì thực phẩm không có dồi dào; ăn Tết sẽ gặp khó khăn, thiếu hương vị.
- Tết phải có hoa để chưng bày – chưng bày trên bàn thờ, trong phòng khách, thậm chí ngoài sân, ngoài đường; Tết tổ chức trong tháng 11 Âm lịch thì hoa tìm cho ra, khó lắm! Qua mấy tháng mưa gió, rét mướt, cây hoa đâu đã trưởng thành đủ để ra bông.
- Tết, theo tín ngưỡng truyền thống, là dịp Tổ Tiên về sum họp với con cháu; Tổ Tiên thuộc cõi âm, cúng Tết Âm Lịch thì hợp, còn cúng Tết Dương Lịch thì tréo ngoe! Lại thêm, xưa nay, cứ đến Tết Âm lịch, như có hẹn, Tổ Tiên sẽ về với con cháu; bây giờ, tổ chức Tết Dương Lịch, có lỗi hẹn với Tổ Tiên không?
Thành thử, Tết Âm Lịch cứ nên duy trì như Tết chính, còn Tết Dương Lịch chỉ là Tết phụ. Không phải tại ăn Tết Âm Lịch mà dân ta không tiến bộ, nước ta chậm phát triển. Tình trạng thua kém của chúng ta tại những lý do khác cơ!
Nói vậy chứ mọi việc, mọi vật biến đổi theo thời gian không ngừng; không chừng sau này Nhà Nước quy định gộp 2 Tết làm một thì cũng chịu thôi./
                                                              Hoàng Đằng
                                                        18/01/2017 (21/12/Bính Thân)

READ MORE - TẾT TA, TẾT TÂY - Tuỳ bút của Hoàng Đằng

TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “UỐNG RƯỢU VỚI LÊ MAI LĨNH” CỦA KHA TIỆM LY - Châu Thạch



Nhà thơ Kha Tiệm Ly


Châu Thạch

TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “UỐNG RƯỢU VỚI LÊ MAI LĨNH” CỦA KHA TIỆM LY
                                                
Tôi biết Kha Tiệm Ly cở trên 5 năm rồi và có dịp được gặp anh vài ba lần. Tôi biết Lê Mai Lĩnh cở 50 năm rồi khi hai tôi còn cắp sách đến trường. Hồi đó tôi có đến nhà anh một hai lần khi anh muốn thành lập một hội thơ học trò nhưng hình như không thành. Rồi thôi anh không nhớ tôi nhưng tôi thì nhớ anh từ đó, bởi vì tôi đã gối đầu giường quyển thơ đầu tay của anh tên là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” mà anh đã bán xe đạp, bán áo quần để kiếm tiền cho nó ra đời. Quyển thơ đó bị cháy trong Mùa Hè Đỏ Lứa Quảng Trị khi tôi bỏ Cổ Thành với quê hương của một thời tuổi trẻ vàng son và tài sản đồ sộ của gia đình tôi.

Có thể nói Kha Tiệm Ly, Lê Mai Lĩnh là thần tượng của tôi. Tôi yêu giọng văn chương của hai người, nhưng thú thật, tôi không thuộc bài thơ nào của họ vì chính thơ tôi, tôi cũng chẳng thuộc một dòng.Thời tuổi trẻ, cái đầu tôi chứa đầy thơ Mới. Chứa đến nỗi không còn chỗ nhét vào nữa kể cả thơ của chính tôi. Bây giờ về già cái đầu thêm suy thoái nên làm gì còn nhớ được thơ ai.Tuy thế, trời lấy cái nầy trời cho cái khác.Bây giờ đọc thơ, tôi thưởng thức được cái hay của bài thơ gần như rốt ráo. Thế mà lạ chưa kìà, bây giờ tôi lại thấy thơ Kha Tiệm Ly, thơ lê Mai Lĩnh nó hay hơn nhiều lần cái thứ thơ mà tôi chứa đầy trong đầu thuở ấy. Nói như thế có ai ném đá tôi không? Chắc không đâu vì phát biểu là quyền của tôi mà. Tuy thế, tôi cũng xin giải thích thêm một chút để bạn đọc thông cảm mà tha thứ cho tôi, nếu có điều sai trật.Tất cả các thơ tôi đọc thời trẻ giống như một dòng nước mát chảy vào hồn tôi, mà hồn tôi đã là một dòng suối trong veo. Bây giờ đọc thơ Kha Tiệm Ly, Thơ Lê Mai Lĩnh giống như một dòng nước sôi bỏng chảy vào hồn tôi, mà hồn tôi là  ống cống nhiều tháng năm tích tụ chất ô dơ. Ôi thích làm sao, chuột bọ, côn trùng bỏ chạy hết, chất ô dơ tan ra và trôi đi tuồn tuột, linh hồn tôi tuy không được trong veo như trước nhưng khoái lạc ngất ngây. Nhiều năm tôi muốn khóc, nhiều năm tôi muốn chửi, muốn dạy đạo đời, muốn khuyên nhân thế, muốn đạp sập bao bức tường rêu mốc, muốn tẩy sạch chất cặn bả bám vào tôi  nhưng tôi làm không được. Đọc Kha Tiệm Ly, đọc Lê Mai Lĩnh tôi thấy hầu như họ đã làm cái mà tôi đã ao ước làm nhưng đã làm không được.Tôi thờ Chúa nên không dám khen họ là Chúa. Thì thôi tôi tôn họ là Vua đi, vua anh minh đã ban cho linh hồn tôi nhiều ân huệ được khóc, được cười, được than van, được chưởi rủa bằng tất cả cái thật của lòng mình, của tình cảm, cúa suy tư của con Người mình thực thụ.Tôi đọc thơ họ sang sảng để cái hùng khí trong tôi thỏa sức vẩy vùng.

Tôi cứ nghĩ Lê Mai Lĩnh và Kha Tiệm Ly không quen nhau vì họ ở hai chân trời xa nhau lăng lắc từ khi còn trẻ cho đến nay về già. Mà thật vậy, họ chưa gặp nhau lần nào nhưng lại ngồi uống với nhau mới lạ. Ôi! Tôi vừa nhớ ra không lạ mấy đâu. Cái anh Kha Hảo Hán nầy có linh hồn ngàn năm. Thơ anh uống rượu với tiền bối Phàn Khoái, Tống Giang sống ngàn năm trước còn được huống chi là với Lê Mai Lĩnh thời nay, chỉ cách một đại dương. Đọc bài thơ “Uống Rượu Với  Lê Mai Lĩnh” của Kha Tiệm Ly sáng tác tôi sướng nân. Sướng là vì hai thần tượng của mình là tri kỷ của nhau, họ chén tạc chén thù để ta ngồi ngoài nghe được lời qua tiếng lại của họ, rửa được lổ tai trần tục, tiếp nhận hương hoa của tâm hồn họ, thứ mà mình ghiền nhưng dễ đâu thưởng thức trọn vẹn nếu họ không có cơ hội ngồi lại tâm tình. Bài thơ nầy chỉ có Kha Tiệm Ly nói, không thấy Lê Mai Lĩnh trả lời nên tôi cứ tưởng tượng vì mới uống rượu với nhau làn đầu nên nhà thơ đất Quảng Trị tịnh khẩu cái đã, sợ mở miệng ra chửi vung vít thì đàn em coi thương. Tiếc quá, nếu mà Kha nhà ta để cho Lê chửi vài câu thì ta được biết thêm cái văn hóa chửi của Lê  đến hả dạ hả lòng. Bài thơ  nhờ đó sẽ hay thêm lăm lắm.
Bây giờ ta hãy đi vào thơ. Mở đầu Kha Tiệm Ly viết:


Tôi chưa gặp anh dù - Chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp trời khí phách.


Vậy là Kha  mới “kiến kỳ thanh” Lê Mai Lĩnh chớ chưa hề “kiến kỳ hình” nhà thơ nầy. Mới “kiến kỳ thanh” mà khen người ta tới tấp:


Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông càng thác lũ,
Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một nhúm biển khơi?


Kha Tiệm Ly có biệt danh là Kha Hảo Hán, coi trời bằng vung, cao ngạo giữa đời, tự cho mình  uống rượu với Lỗ Trí Thâm, với Phàn Khoái, với hảo Hán, với La hán, với Tống Giang, với Bụi Đời, với Giang Hồ, với Đĩ, nhưng uống với ai thì đều là người có khí phách “Rượu hảo hán rót bung trời hảo hán/Gương anh hung mài bén dạ anh hùng”, vậy mà ca tụng Lê Mai Lĩnh là “Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh” chứng tỏ cái họ Lê nầy “danh bất hư truyền” rồi.Tôi đã gặp Kha, uống rượu với Kha một vài lần, lòng yêu mến và cảm phục khôn lường. Nay hình ảnh Lê Mai Lĩnh đã đẹp trong những bài thơ văn của anh lại càng đẹp thêm qua thơ Kha, hiện lên trong đầu tôi cái hình tượng của một con người “Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý/Thì sá chi một nhúm biển khơi”.
Hai anh chàng nầy đều có danh, nhưng danh bất phùng thời. Đều là bất đắc chí với nhau cả:

Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn "Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người, ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không!


Cái sĩ khí tràn ra ly rượu vì nó dồn ứ lâu trong buồng tim. Tiếng gươm khua vang bóng một thời không có nữa nên sĩ khí mới bung ra tràn ly rượu. Ly rượu bây giờ là “chí làm trai dặm ngàn da ngựa. Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, là “kinh luân khởi tâm thượng (việc chính trị đã định sẵn trong lòng). binh giáp tàng hung trung (việc giáp binh đã có sẵn trong bụng)” đã bao năm kìm tỏa, nay nó tràn ra trong ly rượu. Cái sĩ khí ấy đáng lẽ nó bung ra ngoài đời để kinh bang tế thế (trông coi việc nước, cứu giúp người đời) thì nay  nằm hết trong ly rượu. Ly rượu hai người phải uống vào. Uống vào là uống cái thất bại của đời mình, là nuốt cái chí lớn của mình, là đau xót khi “dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không”

Vế thơ có giọng điệu hào hùng nhưng ôm cả mối hận trong lòng đến nỗi ta tưởng tượng cái nụ cười ngạo nghễ kia nó cay đắng làm sao, ta tưởng tượng cái “vỗ bụng nhìn người ít trọng, nhiều khinh” kia nó xót xa nhường nào.

Cuối cùng là những tiếng thở dài. Tiếng thở dài của anh hùng, của hảo hán, của kẻ biết mình có tài mà đành thúc thủ, nó như riếng gầm của sư tử, tiếng hú của sói bị thương, tiếng sóng biển âm thầm ngàn năm vỗ vào ghềnh đá, tiếng gió thổi lạnh lùng qua sa mạc hoang liêu:


Huynh ngao ngán nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút luận anh hùng!
Còn gì để trọng, còn gì để khinh?
Còn chăng là hai chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai say khúc Hậu Đình!


“ Còn chăng là hai chữ nhục, vinh!”. Vâng, nhục vinh cũng chưa chắc tồn tại ở đời. Khúc hậu Đình Hoa vang vọng ngàn năm nhưng kẻ vinh thành nhục, kẻ nhục thành vinh trăm năm sau ai biết được là ai. Với tôi, cái còn lại là “Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí”. Cái sĩ khí đó là nhân cách con người, là khí hạo nhiên của trời đất có trong hồn người. Người có khí hạo nhiên, chết đi thì tinh hoa đó đi vào vô vi cùng trời đất, sống muôn đời với gió với trăng. Người không có khi hạo nhiên, dẫu được thiên hạ mà đã mất linh hồn, chết đi chưa chắc thành cây cỏ.


Bài thơ “Uống Rượu với Lê Mai Lĩnh” là một bài thơ sầu. Sầu của những con người khí phách. Vì là nỗi sầu của những con người khí phách cho nên chất lãng mạn của nó vượt trên sự mơ mộng bình thường của thi nhân. Đọc thơ tôi liên tưởng đến đời tôi và thế hệ của tôi, phí đi năm tháng như những vườn hoa tốt tươi bị dập vùi trong cát, nhưng hoa vạn vật không gặp thời thì không nở còn hoa trong hồn người thì có khi gian nan lại nở đẹp thêm lên.Thơ Kha Tiệm Ly và Lê Mai Lĩnh phải chăng là thứ hoa đó, nở đẹp thêm nhờ biến động của cuộc đời ./.  
                                         Châu Thạch  


Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh
 

Tôi chưa gặp anh dù - Chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp trời khí phách.
Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông càng thác lũ,
Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một nhúm biển khơi?
Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn "Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người, ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không!
Huynh ngao ngán nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút luận anh hùng!
Còn gì để trọng, còn gì để khinh?
Còn chăng là hai chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai say khúc Hậu Đình!
Kha Tiệm Ly


READ MORE - TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “UỐNG RƯỢU VỚI LÊ MAI LĨNH” CỦA KHA TIỆM LY - Châu Thạch