Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 17, 2016

MÙA NOEL NĂM ẤY - thơ Hoài Huyền Thanh





MÙA NOEL NĂM ẤY

Anh nhớ
Trên đỉnh chuông nhà thờ cao vòi vọi
Một đôi chim câu âu yếm đút mồi
Thánh lễ vỗ về con chiên ngoan đạo
Em nguyện cầu gì trước chúa ba ngôi!


Chuông thánh thót vang từng hồi khoan nhặt
Biết làm sao…không thể biết làm sao!
Ngước lên trời cao tìm sao sáng nhất
Mong Chúa hồng ân ban phép nhiệm mầu

Em nhớ
Em không giận anh sao lòng buốt giá
Mưa lâm thâm nuốt nước mắt chợt trào
Bao nhiêu năm nỗi buồn trôi thăm thẳm
Noel  thẩn thờ thèm nụ nhớ anh trao!


Lãng đãng gió mang mùa đông ngày ấy
Dập dìu hoa bên cái rét mênh mang
Ủ ấm tay nhau một trời hạnh phúc
Giờ tìm đâu gió ngọt cải hoa vàng!
         HOÀI HUYỀN THANH

READ MORE - MÙA NOEL NĂM ẤY - thơ Hoài Huyền Thanh

ĐÂU RỒI ÁO TÍM BÀ BA - Thơ Trương Thị Thanh Tâm





ĐÂU RỒI ÁO TÍM BÀ BA 

Em đi ngày ấy chưa về 
Bao lần hoa rụng thầm thì nỗi đau 
Chiều đi chiều đến nao nao 
Nhìn bên ngõ vắng, em sao chưa về 


Người đâu còn nhớ chốn quê 
Nhớ đêm trăng sáng chân đê cuối làng 
Gàu sòng múc ánh trăng tan 
Nghe tiếng cuốc gọi ngỡ ngàng đêm thâu 


Nhớ mùa gặt lúa lao xao 
Em hò anh hát mấy câu giao tình 
Chốn quên còn nụ cười xinh 
Nét duyên thôn nữ nắng lên má hồng 


Bây giờ tâm sự não lòng 
Má quen son phấn, phố phường trói chân 
Em đi bỏ lại sau lưng 
Lũy tre gốc khế sân đình quê ta 


Sợ em khi bước xa nhà 
Quên con đò nhỏ, luống cà trỗ bông 
Quê nghèo nỗi nhớ mênh mông 
Đợi mùa phượng nở đỏ hồng thêm yêu 


Hãy về dưới ánh nắng chiều 
Xõa bờ tóc mượt anh yêu ngày nào 
Chiều chiều nắng dọi hàng cau 
Áo bà ba tím em đâu để chờ?
          Trương Thị Thanh Tâm 

                    Mỹ Tho
READ MORE - ĐÂU RỒI ÁO TÍM BÀ BA - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NHỮNG VẦNG TRĂNG ĐI LẠC - thơ Phan Minh Châu




NHỮNG VẦNG TRĂNG ĐI LẠC
(Viết tặng cho người bạn thơ 
có một thời sinh sống tại Tuy Hoà, Phú Yên, 
hiện định cư tại CALI)

Mười sáu tuổi bạn xa nhà rất sớm
Tìm cho mình đâu đó một vầng trăng
Sáng lung linh nơi ấy ngỡ đêm rằm
Nhưng đâu biết trăng khi mờ khi tỏ
Dứt mối tơ duyên khi tuổi xuân vừa nở
Khi tuổi đời đang ngào ngạt hương yêu
Khi mùa thu chiếc lá rụng bên chiều
Lại mộng tưởng những ngày xưa hò hẹn
Tình đã vỡ tình đầu như chén đắng
Chia tay người chốt lại những ngày vui
Bao nhiêu năm không lệch một đường ngôi
Vẫn còn đó niềm vui thời non dại
Bởi chênh lệch tuổi xuân thời con gái
Chia tay người man mác một niềm vui
Ta hững hờ giây phút buổi chia phôi
Và cũng hiểu âu cũng là định mệnh
Ta khép kín đời ta từ dạo ấy
Sống hững hờ bên những cuộc rong chơi
Trái tim ta còn đó khách không mời
Vẫn nhẹ đập theo nỗi buồn cố quận
Xa đất mẹ tưởng đâu chừng lúng túng
Trên đất người ráng ủ một mùa xuân
Sống cho cùng bao giấc mộng phù vân
Trên miếng đất không chung lòng chung óc
Trời se lạnh Ca Li buồn muốn khóc
Buổi ta về tìm lại chút tình thân
Đâu anh em đâu bè bạn xa gần
Và đâu nữa một thời ta sách vở
Tìm chi nữa một vầng trăng đã lỡ
Trăng phôi pha trong suốt những thu hồng
Ta gạn lọc trong những vầng trăng cũ
Sao vẫn buồn đâu đó những vầng trăng....


PHAN MINH CHÂU
Nha Trang






READ MORE - NHỮNG VẦNG TRĂNG ĐI LẠC - thơ Phan Minh Châu

MẸ ƠI, ĐÔNG ĐÃ ĐẾN RỒI! Nhac: Mai Hoài Thu - Thơ: Dạ Lan Hoàng - Ca sĩ: Đông Nguyễn

READ MORE - MẸ ƠI, ĐÔNG ĐÃ ĐẾN RỒI! Nhac: Mai Hoài Thu - Thơ: Dạ Lan Hoàng - Ca sĩ: Đông Nguyễn

HỌC CÁCH SỐNG DỬNG DƯNG - Truyện ngắn của Võ Quốc Tuấn


Description: 15156879_290554408007223_3808374617904449465_o
   Ảnh tác giả

Truyện ngắn
HỌC CÁCH SỐNG DỬNG DƯNG
***
Trong đời, tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh trái ngang, éo le, dở khóc dở cười. Và sau mỗi câu chuyện tôi đã tự hứa: “phải sống dửng dưng”, mà sao tôi vẫn không làm được. Để hôm nay, đủ nhận thức rồi, tôi mới hiểu trong cuộc sống sao có lắm người dửng dưng như vậy!
I

Trời tháng chín, nước  lũ về, sông nước mênh mông. Một chiếc ghe không người chèo chống đang trôi quay ngang, quay dọc theo dòng. Biết là ai đó đã bất cẩn để tuột dây. Chúng tôi, những đứa trẻ độ mười hai, mười ba gì đấy, đang chơi bắn bi trên đê bỗng dừng cuộc chơi. Chúng nhao nhao:
-Anh Tuấn bơi giỏi, anh ra kéo nó vô cột lại cho người ta đi, thế nào cũng có người kiếm cho coi!
Thú thật, tôi bơi không tệ. Nhưng có lẽ vì mấy câu chuyện “ma da rút giò” mà người lớn kể (chắc để đe, không cho chúng tôi tắm sông vì sợ đuối nước!) làm tôi thấy lạnh người. Nhưng bị thúc mãi, tôi cũng ra. Đang hì hục vừa bơi vừa kéo ghe, mệt chết đi được, thì có một chiếc vỏ lãi (tắc ráng) chạy máy bon bon theo dòng, vừa qua chỗ tôi, nó vòng lại và người ngồi trên nó cất tiếng quát:
-Thằng kia! Ăn cắp ghe hả mậy?
Vừa mệt và tức, cổ họng tôi như có cái gì chặn lại, tôi không nói được một lời, nước mắt rơi lả chả vào sông nước. Họ kéo ghe đi không một lời cảm ơn.

II
Thời sinh viên. Tôi và đám bạn ở khu nhà trọ, chiều hay ra công viên chơi cho đỡ nhớ nhà. Thời đó, chúng tôi đi xe đạp ( có xe đạp là quý rồi, bản thân tôi còn đi nhờ bạn). Đến nơi, khóa xe cẩn thận, chúng tôi tản bộ theo bờ sông để hóng mát. Vừa đi ngang qua chỗ chiếc xe gắn máy đậu ( Hồi ấy chưa cấm xe vào công viên), không hiểu sao nó ngã cái “gầm”. Ai nấy đều đổ dồn mắt về phía chúng tôi, như chính chúng tôi là hung thủ vậy. Tôi đứng gần nhất, thấy vậy đỡ xe lên dùm. Dựng xe vừa xong thì có người chạy đến quát: 
-Sao mầy làm ngã xe tao? Có hư hao gì mầy phải đền!- Vừa nói hắn vừa xăm xoi chiếc xe hắn.
-Nó tự ngã. Bạn tao đỡ lên cho đó.- Bạn tôi lên tiếng  phân bua.
-Xe gì tự ngã? Bọn nhà quê chúng mày đi đứng cẩn thận chứ?
Bị xúc phạm, bạn tôi vung nắm tay lên định đánh hắn nhưng tôi ngăn kịp. Hắn thấy xe không hư hại gì, vả lại bên tôi đông hơn nên lên xe nổ máy bỏ đi. Hắn đi nhưng còn kịp để lại tiếng văng tục xen vào tiếng máy nổ nghe khá rõ.
Xung quanh chắc chắn có người làm chứng được là chúng tôi bị oan nhưng chẳng ai lên tiếng. Có lẽ vì họ sợ liên lụy?!
Chúng tôi nhìn nhau không biết nên khóc hay cười.

    III
Giờ tôi là giáo viên, có gần 15 năm trong nghề dạy học. Một lần nữa lại dở khóc dở cười…
Đang giờ ra chơi, giáo viên nam chúng tôi, ngồi uống trà, trò chuyện; giáo viên nữ cũng tán gẫu với nhau những đề tài quan thuộc thì thấy học sinh kéo nhau rần rần trên sân trường. Hỏi ra thì biết học sinh đánh nhau, (chuyện này vẫn thường xảy ra). Nhưng khổ nỗi là người có trách nhiệm xử lí công việc lại nghỉ phép. Chẳng ai thèm ra mặt. Thấy vậy tôi nhận trách nhiệm xử lí…
Thằng nhỏ, lớp 6 vừa khóc vừa kể:
-  Tự dưng ảnh, chỉ vào thằng lớp 8, nắm cổ áo con, tát con ba cái.
Thằng lớn thì thề sống, thề chết cũng không chịu nhận. Biết thằng này gian, “không có lửa thì sao có khói”, tôi cho hỏi và kiếm người làm chứng thì ba bốn đứa nói có thấy thằng lớn đánh thằng nhỏ. Hỏi nó có nhận tội không để viết vào biên bản thì nó lại trả lời:
-Em không có đánh, chỉ có…xô đầu.- Vừa cã, em vừa nhịp chân.
Tức giận vì sự ngỗ ngược, thiếu ý thức nhận trách nhiệm, nhận khuyết điểm, sửa sai, sẵn cây thước kẽ tập của học sinh trên bàn( cây thước nhựa, rộng 3cm, dài 30cm, dày 0.3cm) tôi đánh vào chân em một cái và thế là có chuyện…
Gia đình em kéo vào gặp Ban Giám hiệu, nhất định bắt tôi phải bồi thường vì đánh vào chân đau, bị viêm xương của em( có trời mới biết chân em bị đau); rồi dọa thưa tôi “ Vi phạm luật giáo dục” vì đánh con họ; rồi con họ nếu có mệnh hệ gì thì tôi phải chịu; rồi nọ… rồi kia… phiền chết đi được!
Đồng nghiệp thì người ý này, người ý khác…
Nhưng phiền nhất vẫn là vợ nhằng. Đàn bà mà, dễ ngại va chạm, sợ mất chén cơm. Nhưng thiết nghĩ họ - gia đình em học sinh kia, và cả giáo viên nữa - có hiểu rõ thế nào là “dạy học và giáo dục” không? Có hiểu thế nào là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thẩn thể học sinh” không? Đánh một roi chỉ để giáo dục cũng là xúc phạm thân thể học sinh ư?
Với cái đà này không khéo chúng ta sẽ trở thành những người thiếu trách nhiệm, vô cảm, dửng dưng mất thôi.
Trà Vinh: 14/12/2016

Võ Quốc Tuấn

READ MORE - HỌC CÁCH SỐNG DỬNG DƯNG - Truyện ngắn của Võ Quốc Tuấn

LƯỠI CÂU - Truyện ngắn của Thủy Điền


     
          Tác giả Thủy Điền


    LƯỠI CÂU

Lão trên đường về nhà vừa đi, vừa khóc, tay che lỗ mũi đầy máu. Bước và nhà lão ngồi qụy trước hàng ba, mặt hầm hầm như muốn trở lại để trả thù. Bà hỏi?
-Ông hôm nay sao thế.
-Tôi vừa bị ngã.
-Để tôi nấu nước sôi lau vết thương, ông chờ tôi một lát nhé.
-Thôi ! Khỏi cần, để tôi nghỉ một chút là hết ngay.
-Tùy ông, mà tôi cũng chẳng hiểu ông đi đứng thế nào để ra nông nỗi.
-Thì tôi say, tôi ngã là chuyện bình thường, mà bà có êm được không. Đàn bà lu bu thật.

    Xưa nay, bình thường khi chưa nhậu, lão rất đàng hoàng và hiền từ, trong làng cả đứa con nít cũng đều mến lão. Lão có bản tính hay giúp người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Mặc dù bản thân và gia đình lão chẳng giàu có hơn ai. Chính từ chỗ lòng tốt ấy sau khi giúp được việc gì cho người khác, người ta hay thường đãi đùng lão nhậu gọi là trả ơn, trả nghĩa. Bước đầu mới vào nhậu lão nói năng thật chỉnh tề , lịch sự, đứng đắn lắm, nhưng khi vào chừng một xị là lão chuyển sang đề tài là móc họng người khác và lần nào cũng thế. Nhưng vì nể trọng lão là người có tuổi trong làng nên thiên hạ cười rồi bỏ qua. Riêng lão thì không nghĩ thế và là một thói quen, luôn cho những câu nói của mình là đúng. Trong số nhiều người nghe , có kẻ nhịn lão, có kẻ ba phải, có kẻ tự ái. Thế mà lão chẳng rút kinh nghiệm qua những lần bị cảnh cáo trước bàn nhậu,

   Một hôm trong làng có cái đám cưới thật to và lão cũng được danh dự mời đến. Thường thì người lớn tuổi chỉ đến khi nhập tiệc, đàng nầy vì có bản tính giúp người nên lão đến sớm vài hôm nào dựng rạp, hạ bò, hạ heo và có những ý kiến trong ngày lễ trọng đại nầy. Bởi thế, tiệc tùng nào dù nhỏ, lớn lão cũng mất độ vài ngày là giá chót, trong những lúc chuẩn bị cho cái đám cưới rất nhiều việc vừa làm, vừa nhậu vừa ăn khi  nhậu vào ba hột xỉn xỉn lão tự nhiên phát biểu mấy câu động trời , như bêu xấu cô dâu. Mặc dầu đây là chuyện có thật trong làng mà nhiều người biết đến, lẽ ra dù biết vậy, lịch sự lão phải êm hơi, để con cháu còn làm lại cuộc đời mà tiếp tục sống. Nhưng ngược lại lão không làm thế, lão huych tẹt tất cả đời tư cô dâu ra trước mặt mọi người rằng: “ ConLắm nầy lang bang thấy mẹ, trước đây cặp cả chục thằng, ai mà không biết. Thế mà thăng Nhân còn đâm đầu vào xe lửa“ Anh em đứng gần bên bụm miệng lão không kịp, nháy mắt lia lịa sợ thằng Nhân nghe được là hỏng chuyện, nhưng lão không chịu êm cứ lằng nhằng nói mãi. Xui cho lão, thằng Nhân từ nhà dưới bước lên, nghe được, tức quá nhẩy vào đập cho lão một trận tơi bời và đuổi lão ra khỏi nhà. Lão vừa xỉn vừa ôm mặt khóc, máu me chảy đầy mặt ra về và với theo mấy câu: “Tao sẽ không để cho mầy yên đâu Nhân “

   Sau trận ấy, lão vừa bị thương, vừa mất cử nhậu đám cưới lớn và còn bị bà nhà mắng thêm cho một trận tơi bời. Bởi, trong bụng lão lúc nào cũng có chứa một lưỡi câu thòng lọng, chuyên môn đi móc chuyện người khác.

                                                                                Thủy Điền
                                                                               12-12-2016

READ MORE - LƯỠI CÂU - Truyện ngắn của Thủy Điền

VỀ VỚI TÀN PHAI - Thơ Phạm Ngọc, Nhạc Phạm Anh Dũng - Quỳnh Lan hát

READ MORE - VỀ VỚI TÀN PHAI - Thơ Phạm Ngọc, Nhạc Phạm Anh Dũng - Quỳnh Lan hát