|
Nhà thơ Nguyễn Thanh Bá |
GIỚI THIỆU SẮC MÀU
THƠ NGUYỄN THANH
BÁ
Châu Thạch
Nhà thơ Nguyễn Thanh Bá nguyên quán
An THơ, Hải Hòa, Hải Lăng Quảng Trị, trú quán Xà Bang, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng
Tàu. Nhà thơ còn có bút hiệu là Hoài Thi Lệ, ông giao lưu với nhiều thi hữu
nhưng lại ít đăng thơ trên trên các tuyển tập và các trang web nên bạn đọc ít
biết ông. Nguyễn Thanh Bá đã xuất bản hai tập thơ có tựa đề là “Ngày tháng nhớ”
và “Hương Quê Nhà”.
Thật tình mà nói cả hai tập thơ của
ông đem đến cho tôi nhiều ngạc nhiên. Ít có tác giả nào mà khi nhận được tập
thơ họ tặng, tôi đọc một lần hết cả. Vậy mà cả hai tập thơ của Nguyễn Thanh Bá
tôi nhận được tập nào là đọc suốt hết tập ấy một lần.
Thơ Nguyễn Thạnh Bá có âm hưởng của
thơ mới thời Tự Lực Văn Đoàn nhưng lại mang sắc màu của đời mới ngày hôm nay.
Bạn đọc ngày nay vẫn còn yêu thơ thời Tự Lực Văn Đoàn nhưng lại không yêu thơ của
tác giả ngày nay sáng tác theo kiểu của cái thời trước 1945 thế kỷ 20. Bởi ngày
nay mà còn đọc thơ kiểu ấy thì mau nhàm chán vì lặp đi lặp lại tiếng thơ của
quá khứ. Thế nhưng, thơ của thời đại ngày nay thì có quá nhiều trường phái, mà
trường phái nào cũng bông lông, đương dò dẩm bước đi, nên thơ của họ như còn
khuyết tật, đọc nghe chẳng thấy thỏa lòng. Thơ Nguyễn Thanh Bá dung hòa được
cái xưa và cái nay. Tiếng thơ của ông nhuần nhuyễn, mang âm hưởng như thơ thời
trước, nhưng ý thơ của ông không phải là sự mơ mộng hảo huyền mà là diễn đạt những
thực tế xảy ra giữa cuộc sống cho mình và cho đời. Nhờ đó, đọc thơ Nguyễn Thanh
Bá tôi tạm ví như nhìn hình ảnh một người đẹp ngày nay mặc chiếc áo dài còn giữ
nguyên sự kín đáo của ngày xưa. Xin giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của Nguyễn
Thanh bá có đậm nét phong cách mà tôi đã nói ở trên. Đó là bài thơ “Về Quê” của
ông. “Về Quê” viết về một người lính rời đơn vị về thăm quê nhà. Người lính đó
chính là tác giả bài thơ. Bái thơ dài đến 10 khổ nhưng trôi chảy như một dòng
sông lặng lờ mà khi ta ghé mắt vào đọc thì giống như ta đã lên thuyền và không
thể không để thuyền trôi theo dòng nước cho ta nhìn xem phong cảnh. Khổ thơ nào
trong bài thơ nầy cũng thật đậm đà. Ví như một khổ thơ nói về niềm vui của quê
hương khi thấy người lính trở về, ông viết:
Chiếc cầu gỗ vắt ngang dòng sông lặng
Lũy tre xanh ngả bóng phủ đôi bờ
Mái nhà nhỏ giữ vườn chiều nghiêng
nắng
Bỗng xôn xao niềm vui đến bất ngờ
Ví như niềm vui của người bạn gái
năm xưa khi nghe tin tác giả về quê ông viết:
Cô bạn gái gánh lúa mùa trĩu hạt
Nghe tôi về vội vã bước trên đê
Niềm thầm kín dấu trong lòng ngại
nói
Ánh mắt ngời duyên dáng nét chân
quê
Đọc những khổ thơ như vậy lòng tôi
thật là khoan khoái. Tôi như sống thật lại cái không gian tinh khiết và cái thời
gian tuổi trẻ của một ngày nào. Tôi tưởng như đó là lời thơ đầy sắc màu của Thế
Lữ, của Bàng bá Lân nhưng không phải, đó là của bạn tôi Nguyễn Thanh Bá. Tất
nhiên tôi không trích dẫn nhiều “Về Quê” lên đây vì tôi muốn bạn đọc có cảm xúc
bất ngờ với bài thơ ấy. Nó sẽ được đăng trọn vẹn phía dưới bài viết nầy.
Nguyễn Thanh Bá còn rất nhiều bài
thơ phong cách như thế trong hai tập thơ của mình, điều đã làm tôi thức thâu
đêm để đọc. Những bài Đường Thi của Nguyễn Thanh Bá cũng cho tôi vô vàn cảm xúc
với những tứ thơ đậm đà, câu đối chuẩn mực và từ ngữ hoàn toàn là quốc ngữ bình
thường mà hay đáo để.
Cuối cùng kính mời bạn đọc xuống bến
và “Về Quê” trên con thuyền của Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá ./.
Châu Thạch
VỀ QUÊ
Thơ Nguyễn Thanh Bá
Rời đơn vị tôi về thăm quê cũ
Áo nhà binh vướng bết bụi đường xa
Chân dịu bước trên lối mòn xóm nhỏ
Nghe êm đềm niềm hạnh phúc hoan ca
Chiếc cầu gỗ vắt ngang dòng sông lặng
Lũy tre xanh ngả bóng phủ đôi bờ
Mái nhà nhỏ giữ vườn chiều nghiêng
nắng
Bỗng xôn xao niềm vui đến bất ngờ
Mẹ sung sướng nhìn con rưng nước mắt
Đàn em thơ hớn hở đón em về
Nghe giọng nói, xóm giềng qua thăm
mặt
Lòng rưng rưng cảm động tấm tình
quê
Cô bạn gái gánh lúa mùa trĩu hạt
Nghe tôi về vội vã bước trên đê
Niềm thầm kín dấu trong lòng ngại
nói
Ánh mắt ngời duyên dáng nét chân
quê
Dòng ký ức quay về xưa kỷ niệm…
Thời ấu thơ gắn bó đất quê hương
Chơi tập trận tôi công đồn phá lũy
Dọn đồ hàng em buôn bán đảm đương
Có một dạo hai đứa làm người lớn
Em thùng thình lá kết áo cô dâu
Tôi chú rể lưng cởi trần chân đất
Bước song đôi có hai họ dẫn đầu
Từ khôn lớn hết chơi trò tập trận
Em không còn kết lá áo cô dâu
Hai đứa vẫn bên nhau từng năm tháng
Từ sân vườn, nương bãi, đến đồng
sâu
Rồi làm lính dấn thân vào trận tuyến
Từ giã em, chưa nói được bao điều
Từng ấp ủ với tháng ngày xa nhớ
Tôi hiểu nỗi lòng tôi đã trót yêu
Nay về lại quê hương mừng vui quá
Gặp gỡ nhau chưa nói được nên lời
Tình chân quê có điều gì khó nói
Hai đứa cùng chỉ biết có nhau thôi
Tôi ra đi để nhớ thương ở lại
Với quê nhà vun kỷ niệm tươi xanh
Cô bạn gái, bà mẹ già em dại…
Mong thanh bình che chở mái lều
tranh ./.