Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 26, 2021

VŨ THÀNH SƠN, KẺ KHÁC BÊN TRONG CHÚNG TA - Nguyễn Đức Tùng

 

               

                     Nhà thơ Vũ Thành Sơn


Thơ là sự tìm kiếm trở lại một thế giới chưa bao giờ mất. Để làm được điều ấy, tôi nghĩ, nhà thơ cần hai tính cách: tập trung chú ý vào các chi tiết của đời sống, và sống trọn vẹn đời mình như một con người với những cảm xúc, tư lự, không thoả hiệp, một cuộc đời sẵn sàng để xem xét lại.
 
Tôi tin nếu gọi tên mình một cách chậm rãi
Đủ lâu
Một kẻ khác bên trong chúng ta
Sẽ lên tiếng
 
Vậy kẻ khác ấy cũng chưa bao giờ mất. Sự đau khổ hầu hết vượt ra ngoài thể xác, tùy thuộc vào hoạt động tâm trí. Thế giới tác động lên con người không phải một cách máy móc, trực tiếp, mà hầu hết xuyên qua sự tiếp nhận chủ quan của chủ thể. Văn học nói về hiện thực khách quan, nhưng không có một hiện thực khách quan nào cả, tất cả vũ trụ của văn học đều được xác lập bởi một người, một tác giả. Sự tương tác với điều không biết, sự quan sát, tạo ra lo âu và hài hước, cần thiết cho sáng tạo.
 
tôi áp tai vào cánh cửa
tin tức về cơn bão đang nhỏ dần
chỉ còn tiếng rên bên vách của người hàng xóm
một người góa vợ như ông không cần thủ tiết lâu như vậy
 
Vũ Thành Sơn là nhà thơ đô thị. Một nhà thơ đô thị hôm nay chỉ có thể viết về “ba cái lẻ tẻ”, tên một tập thơ của anh. Khác với mấy thứ lẻ tẻ đó là những thứ to tát, nghiêm nghị hơn. To tát: yêu nước, biển đảo, truyền thống, nhân dân, đoàn kết; nghiêm nghị: tình yêu đôi lứa, sự chết, linh hồn, sự thơ mộng, làng quê thanh bình, môi trường. Đối với cái thứ nhất, thơ anh là giễu cợt. Đối với cái thứ hai, nghi ngờ. Sự tuyệt vọng, kết thúc, sự nhàm chán, dường như là nỗi ám ảnh của anh. Đời sống đi đến chỗ tận cùng, trước vực thẳm; chúng ta biết sẽ phải tới đó, đi xuống, đi qua. Ở tình trạng cực đoan, hoàn cảnh gay cấn như sự sinh ra, tuyệt vọng, con người cần một ngôn ngữ khác, lạ hơn, sang cả hơn, thô tục hơn, một ngôn ngữ không tìm thấy trong đời sống hàng ngày. Một ngôn ngữ siêu thực.
 
Căn nhà bằng gỗ
thơm mùi nhựa thông
con dế kêu thảm thiết
suốt mùa hè
 
bọn trẻ bỏ đi hết
quả bóng hai màu đỏ xanh
tuổi nhỏ tôi nằm yên trong góc
chực lăn
 
tàu điện không chuông
các linh hồn còn yên nghỉ
 
đây là lúc những cánh cửa chớp trong gian phòng trống
cần được một lần mở ra
cho những tiếng chuông bay đi
 
tôi đang nín thở
dưới bầu trời
tự hỏi
làm sao có thể giết một đám mây
mà không vấy máu
Warszawa 9.08
                                                 (Tất cả đều chạy)
 
 
Nhưng cái chết không phải là mất mát duy nhất: bệnh tật, chấn thương, thất bại. Sự thương tiếc mang lại ký ức từ tình yêu, nỗi buồn của sự thất bại, sự yếu đuối của tình yêu trước hiện thực, giấc mộng tan như bong bóng. Khi ký ức về một quãng đường tươi sáng mang tới đau buồn, bạn không thể diễn tả nó bằng ngôn ngữ lãng mạn hiền hòa hay khóc thương đẫm lệ, bạn phải tìm cách khác. Đây là cách mà Vũ Thành Sơn hướng đến.
 
Nghĩ đến một từ bất kỳ như
Thủ đô  xuất tinh
Trong khi chờ hồi kết
 
Chúng ta không sinh ra như người nô lệ. Thơ anh là của sự cô độc, bạn có thể thiếu người đồng điệu, nhưng bạn đứng vững trên những giá trị của mình, không thương lượng. Đối với những tâm hồn dũng cảm, tình bạn, tình yêu, đáng quý gấp nhiều lần. Vì vậy mà từ trong sự cô độc, tiếng nói của anh là tiếng nói dịu dàng tử tế. Ý thức về cái khác, về người khác, về thế giới khác, làm chúng ta kính trọng sự sống, yêu quý thiên nhiên, vừa hiền hoà vừa ác liệt. Sự dịu dàng không phải là cách bạn bỏ qua những ranh giới giữa ta và người khác, ngược lại là tôn trọng những ranh giới ấy, quan tâm đến sự khác biệt, đối đãi với chúng với sự thận trọng, để không làm tổn thương. Mỗi cá nhân sống trong một hiện thực riêng của mình, và tôn trọng hiện thực của người khác.
 
Hãy chạy trước khi quá muộn. Biển là một
Sinh vật mang trên mình nhiều thương tích
 
Sự phân vân giữa tính cô độc và sự liên kết. Đời sống trong một xã hội không tự do mang lại cho thơ và văn học những điều kiện nghiệt ngã cấp bách. Trong một bầu khí quyển như thế, Vũ Thành Sơn đưa ra lời khuyên, thực ra không phải là lời khuyên, một chân dung tự họa thì đúng hơn. Anh bảo vệ đến cùng sự riêng tư, toàn vẹn của tự do, sự lãnh đạm. Người trí thức trở thành kẻ vô danh.
 
Cúi xuống
Thật thấp
Thấp hơn nữa,
Nếu có thể, trên đường phố trong công viên
Trong nhà ga
Sân bay hay
Trong phòng một mình
 
Đó là sự khiêm tốn kiêu hãnh. Để chống lại một thiết chế phi nhân bản, con người có hai cách phản ứng: liên kết lại, hoặc giữ nguyên vẹn sự cô lập. Chữ trong thơ có quyền năng tạo ra cái đẹp, nhưng cái đẹp chỉ đến trong tình huống bất ngờ. Đôi khi bạn tìm thấy nó ở khúc quanh của một tìm kiếm, sự mang ơn. Dù thơ được viết theo thể loại nào, với phong cách nào, thì chúng cũng chỉ đến với người đọc trong một hoàn cảnh nào đó, khi bạn vui, khi bạn buồn, khi lo lắng, khi sợ hãi, khi nhớ cố hương. Như vậy thơ là người dẫn đường. Nhà thơ có trách nhiệm với công chúng không? Một số người nói có, một số người nói không, nhưng đó là câu hỏi cốt tủy dành cho người viết, không phải dành cho người đọc. Thơ Vũ Thành Sơn đối với nhiều người là thứ thơ thể nghiệm; trước anh, gần như chưa ai viết vậy. Đôi khi những hình ảnh của anh đóng kín, người đọc không tìm thấy đường vào và vì vậy đối với họ, những câu thơ sau đây có thể trở nên khô khan, lạnh lẽo, thậm chí thừa thải:
 
Một mặt phẳng và bất khả tiên đoán
Như nước
Sự thay đổi thất thường trong không khí
Không cạnh bén
Chúng ta nhận ra sự không cần thiết
Của những khí cụ này, những hình thù sắc cạnh và nhiều màu.
 
Giọng nói nhỏ nhẹ, nỗi buồn trong trẻo, sự trống rỗng của anh cọ xát vào nhau làm vang lên sự trống rỗng lớn hơn, sự mất mát.
 
Tôi nhớ cây thông
Và những con chim sẻ
Trong vườn
 
Trong giấc mơ
Tôi gọi tên từng đứa
 
"Ta đã bỏ chạy thục mạng
Sao tụi mày còn nhởn nhơ?"
 
Đọc những câu như vậy, tôi có cảm giác đang chứng kiến sự thay đổi của hiện thực, một cố gắng đi ngược con đường của thời gian. Vũ Thành Sơn sử dụng nhiều hơn người khác những kinh nghiệm cá nhân, những lớp thông tin riêng tư, đóng kín đối với người đọc, một thứ tiểu sử không chia sẻ. Một số nhà thơ khác, đọc thì ta biết họ đã đi lính bao nhiêu năm, đã ở Nam Vang hay Paris mấy tháng, đã có mối tình đầu lúc mấy tuổi, nhưng Vũ Thành Sơn không kể lại điều ấy trong thơ anh. Anh giữ cho mình như một gánh nặng. Thơ cần bao nhiêu các chi tiết tiểu sử? Tôi không biết. Thơ Vũ Thành Sơn rõ ràng là thơ của kẻ bên lề, người tự chọn đứng ngoài các ràng buộc, các câu thúc tư tưởng. Trong thơ anh sự cân bằng không được thiết lập, sự cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa kẻ thống trị và kẻ bị đàn áp, giữa niềm vui và sự cùng khổ, những cân bằng ấy đều bị phá vỡ. Anh không có những tuyên ngôn ồn ào, anh làm thơ cũng ít, hình như viết văn xuôi nhiều hơn. Đó là sự đơn độc được chọn lựa cẩn thận. Tuy là một người hình như có khuynh hướng hậu hiện đại, tôi nghĩ anh tin vào sức mạnh của ngôn ngữ, mặc dù không phải không có lúc hoài nghi.
 
Tụi nó còn đó sao? Con sông này
Từ lâu không còn tiếng còi tàu
 
Ngôn ngữ thơ ngày một mở rộng, gần như mỗi nhà thơ độc đáo đều cần một nhà phê bình cho thế giới của họ: thơ hôm nay đặt ra nhiều câu hỏi chưa ai trả lời. Vũ Thành Sơn đọc nhiều nhưng anh không đem cái đọc ấy vào thơ, anh chọn phương cách giản dị, tối thiểu. Trong một không khí văn học nặng tính chỉ trích hay khen ngợi một chiều, nhẹ tính sáng tạo, cả trong nước lẫn hải ngoại, những tiếng nói như Vũ Thành Sơn là riêng biệt, tự mình tìm lấy lối đi mới, chứng minh những sức mạnh khác nhau của ngôn ngữ. Anh là người góp phần thúc đẩy khuynh hướng ngoại biên hóa, cùng với Bùi Chát, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Hưng, Lý Đợi, Inra Sara, Nguyễn Viện, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Đỗ Quyên, Lynh Bacardi, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Linh Khiếu và nhiều người khác, một khuynh hướng khi sôi nổi khi trầm lắng. Tiếng thơ của họ cần phải lắng nghe, chia sẻ, tranh cãi một cách học thuật. Thơ Vũ Thành Sơn chống lại thần tượng hoá và chính trị hóa, tháo gỡ các mỹ từ lịch sử, các ảo tưởng.
 
Thú thật với em
Vì lý do đạo đức
Tôi cần phải rời khỏi cột đèn này.
 
Không dễ hiểu nhưng cũng không quá khó hiểu. Chỉ cần người đọc tự giải thoát mình khỏi các định kiến. Xưa nay có một khuynh hướng chống lại sự hài hước, giễu nhại trong thơ cũng như trong chính trị. Thơ của Vũ Thành Sơn tồn tại trên mảnh đất của nó; bạn không thể giải thích, viết lại, văn xuôi hóa một câu hay một bài thơ mà không thay đổi ý nghĩa của chúng. Ngôn ngữ của anh không có những chữ huyền ảo, kỳ dị, nhưng hình ảnh bất ngờ, ra ngoài các quy ước, tạo ra khí hậu riêng của bài thơ.
 
Tôi mềm và xốp. Tôi là một cái bùng nhùng khó nuốt
 
Thực ra tôi không quan tâm mấy đến việc anh mềm hay cứng, khó hay dễ nuốt. Nhưng:
 
Chắc chắn chung quanh
Sẽ có một kẻ không sợ chết
Thò đầu ra ngoài
 
Làm tôi chú ý. Nó vừa đáng tin vừa không đáng tin. Nó vừa có thật vừa không có thật. Những câu thơ ấy làm tôi nhớ lại, ngẫm nghĩ. Đó là sức mạnh của một câu thơ siêu thực, được anh hạ xuống đúng lúc. Đóng góp của một nhà thơ có thể được ghi nhận bằng khả năng của nhà thơ ấy mở rộng một ngôn ngữ. Vũ Thành Sơn không phải là người kêu gọi đổi mới ồn ào, nhưng anh lặng lẽ làm việc, làm mới thật sự. Anh không chạy theo thời thượng, nhưng không bó buộc mình trong nguyên tắc cũ. Thơ là âm thanh, chữ được đọc lên, là nhạc, nhưng thơ cũng là chữ trên mặt giấy. Trên trang giấy, bài thơ trở thành thị giác, trở thành câu. Câu thơ bắt đầu ở bên trái và dừng lại ở bên phải, bất kể chiều dài của nó, một chữ cũng là một câu, một trăm chữ cũng là một câu. Những người đã quen với thơ có vần, như thơ bảy chữ, thơ lục bát, là quen với sự mặc định và như vậy đối với họ thơ chỉ còn một tác dụng, tác dụng của nghe, thính giác. Việc đọc trên trang giấy không còn quan trọng với họ nữa. Thơ tự do mang người đọc ra khỏi vùng an toàn một cách khó khăn, cho đến nay người đọc tiếng Việt không phải ai cũng quen với việc đọc thơ tự do, câu dài ngắn khác nhau. Trong thơ tự do, nhất là thơ trữ tình, giọng điệu của tác giả bộc lộ rõ ràng. Hình dạng của một bài thơ phụ thuộc vào sự dài ngắn của dòng thơ. Mỗi nhà thơ cần có ý thức khi viết câu thơ dài ngắn khác nhau và chúng chỉ nên xuất hiện theo những quy luật về âm điệu, không phải theo nội dung. Một nhà thơ có tài viết những câu thơ dài là vì không thể viết ngắn hơn. Trong trường hợp khác, những người viết dài mặc dù có thể rút ngắn, theo tôi, là những người muốn diễn tả ý tưởng của mình, nhét vào đó thật nhiều ý tưởng, hơn là tuân thủ các nguyên tắc về âm điệu.
 
mày tuy không dài
nhưng đã chui qua hết cuộc chiến
không bị trầy xước
mà chết nguyên con
 
mày trơn tuột
bóng lộn không trí nhớ
mày là một phần lịch sử của biển
 
mày luồn lách như lươn
đời tàn trong ngõ hẹp
ồ mày cười hộc máu
răng rụng lả tả như phím đàn
 
Tôi không biết Vũ Thành Sơn chịu ảnh hưởng của ai và gần gũi với những nhà thơ nào về mặt sáng tạo. Ngôn ngữ thơ anh dung hợp cả hai thứ, có khi thành công, có khi không: một ngôn ngữ có tính bác học, sách vở, và một ngôn ngữ đường phố, hàng ngày. Rõ ràng anh là người cởi mở, đón nhận đời sống ùa vào căn phòng thơ ca của mình:
 
Cuộc đời thật đáng sợ
Nó có thể một mình bơi qua đại dương
Hay trèo lên cột điện cao thế
Có thể ngủ chung một người mấy chục năm
 
Đó là ngôn ngữ đường phố, trực tiếp. Thơ anh tuy vậy không dân gian, cách nói hàng ngày mà vẫn không tục tĩu, tự nhiên nhưng không trâng tráo. Tôi sẽ thích hơn nếu thơ anh có nhiều tính nhạc. Nhưng kết hợp giữa một thể thơ tự do, mới, và sự du dương của một nhạc điệu thích hợp với lỗ tai người Việt thực khó, đôi khi không làm được. Việc sử dụng phương pháp siêu thực:
 
sau cuộc chiến nàng là hiện thân của trầm cảm
thở bằng mang
và yêu bằng vây
 
mỗi ngày nàng thả vào trong chiếc hộp giấy
một cuộc hành trình màu
nuôi cho chúng lớn lên
 
Đoạn thơ trên đây chưa thuyết phục tôi. Có lẽ các hình ảnh của nó được anh gieo xuống quá xa, ngoài tầm tay với của tôi. Người đọc một tác phẩm cũng không đơn giản tiếp nhận ý nghĩa và hình tượng nghệ thuật được tác giả gửi gắm, mà là người sáng tạo lại tác phẩm ấy theo cách của mình. Dù siêu thực hay hiện thực, lãng mạn hay huyền ảo, tính cách của bài thơ của Vũ Thành Sơn là sáng sủa, dễ hiểu, xoay quanh những tứ thơ chủ đạo. Nhiều nhà thơ chống lại khuynh hướng tương giao, không muốn bài thơ hướng tới độc giả. Nhà thơ Richard Hugo, cũng là một nhà phê bình, đã nói: there is no reader (không làm gì có độc giả). Như thế là nhấn mạnh rằng nhà thơ không hướng tới một người nào, chỉ viết cho bản thân anh ta. Đó là cố gắng chống lại một khuynh hướng dùng ngôn ngữ chỉ để giao tiếp, thông tin, vốn phổ biến hiện nay. Kể từ sau Roland Barthes với cái chết của tác giả, văn bản được coi trọng, vai trò của người đọc không đáng kể. Những năm sau này lý thuyết người đọc phát triển mạnh, nên sự tiếp nhận của họ giữ vai trò quan trọng trong phê bình. Tôi cho rằng trong tình hình thơ hiện nay, việc chú trọng văn bản và chú trọng cả vai trò của người đọc, sự tiếp nhận của họ, cần phải đồng đều, phù hợp với hiện thực. Một nền thơ phát triển không những cần các nhà thơ tài giỏi mà còn cần các tầng lớp đọc thơ ở trình độ cao, được hướng dẫn hoặc ít ra là được gợi ý bởi các nhà phê bình có uy tín. Cả ba thứ ấy, nhà thơ, người đọc của thơ, nhà phê bình, đều rất thiếu vắng trong thơ Việt đương đại. Phương pháp phê bình bị thiên lệch và méo mó vì yếu tố chính trị, các định kiến xã hội, các nguyên nhân thế tục tầm thường, chắc chắn không giúp được gì cho sự phát triển của một nền thơ lành mạnh. Thơ Việt hiện nay cần có những phát triển phong phú hơn nữa trong những khai phá về thẩm mỹ và chiều kích triết học của bài thơ.

Chủ đề của Vũ Thành Sơn trải rộng trong các bài thơ của anh là cuộc đấu tranh của con người chống lại hoàn cảnh, cuộc đấu tranh của tâm hồn trước một thời đại đen tối, của sự suy tàn văn hóa, trò chơi của các ý thức hệ. Anh ít đặt ra những câu hỏi quyết liệt về ngôn ngữ. Thơ mô tả những hoàn cảnh không trọn vẹn: những mảnh vỡ bao giờ cũng đòi hỏi lịch sử của chúng giữa một nền thơ ca không có lịch sử. Vũ Thành Sơn không mất công đi tìm, anh kể lại câu chuyện của các sự vật trong một không gian được phơi bày cùng lúc, tất cả đều hiện diện trong thực tại. Các ý tưởng trừu tượng không bộc lộ rõ trong thơ anh, hầu hết những điều anh viết xuống đều là những câu chuyện cụ thể, hình ảnh cụ thể. Giọng thân mật, trong khi hình ảnh buông thả, trực tiếp, thách thức. Anh ý thức về sự cô đơn, sự bất công của lịch sử và của cá nhân. Các cảnh vật trong thơ đều xuất hiện trong đời sống hiện tại, và trong thơ anh không có nhiều dấu vết của hoài niệm. Lòng thương xót được giấu rất kỹ.
 
Bóp cổ một con bé bán vé số dạo
Và suýt đã sờ mó một cô gái đi qua đường
Nếu hai tay tôi không phải là hai chiếc cánh
 
Đây là một trong những bài thơ rất đỗi hài hước của Vũ Thành Sơn, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Người ta bây giờ có thể chịu được câu thơ sau đây của Thanh Tâm Tuyền:
 
Có thể em chết trước khi anh kịp về
Không ai khép cửa sổ
Cúi xuống viền mi những bóng tối bên ngoài
Có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai
                                    (Thanh Tâm Tuyền)
 
Nhưng nhiều người bây giờ vẫn chưa thể chấp nhận những câu thơ sau đây của Vũ Thành Sơn:
 
Mang cái lỗ tai
Lên xuống cầu thang mỗi ngày
 
Một loại thơ như thế sẽ bị những người có quan điểm thẩm mỹ truyền thống căm ghét vì nó phá đổ cách nói thông dụng và sự thỏa hiệp văn hóa ngày một lan rộng. Thơ Vũ Thành Sơn không thỏa hiệp. Là sự chống lại thói dung tục của đời sống hôm nay. Các nhà lý luận đây đó thường nói về giá trị cao đẹp, đôi khi hứng lên thì là những giá trị cao đẹp nhất, ví dụ trong câu những giá trị cao đẹp nhất tạo nên ý nghĩa của cuộc đấu tranh hiện nay. Những người đã chán ngấy cách nói như thế, đã chán ngấy các tuyên bố như thế, đâm ra khinh bỉ chúng, những người ấy sẽ nhìn thấy sức nặng của "ba cái lẻ tẻ" của Vũ Thành Sơn. Đó thực sự là tiếng nói ngoại biên, nhưng là một thứ ngoại biên tự tin, xác lập vị trí của mình, với cái nhìn vừa hững hờ vừa phê phán đối với hiện thực. Có thể Vũ Thành Sơn đã từng lên tiếng nơi này nơi khác về các khuynh hướng văn học, nhưng tôi không được biết. Những bài thơ hay của anh, một mặt giản dị về hình ảnh, tinh tế về ý tưởng, một mặt khó nhận ra chúng mang tính hậu hiện đại đến đâu.
 
Chủ nhật ấy
Em một cái giẻ lau
Anh một cái giẻ lau
Hai đứa mình cùng nhau đuổi ruồi
trong bếp
 
Em còn nhớ không em
Con ruồi đó khôn hết biết
 
Trong bài thơ Những ruồi, có lẽ nhại theo tên cuốn sách của Phùng Thăng dịch Les mouches của Sartre. Một điều gì đó trong chúng ta thức dậy mỗi ngày, nhìn thế giới bằng cặp mắt mới, như một đứa trẻ với cảm xúc tinh khôi. Hầu hết những bài thơ hay đều giữ ý tưởng đẹp của chúng trong một thứ ngôn ngữ không lời. Chính những cảm nhận mơ hồ, trừu tượng, sẽ tác động đến người đọc mạnh mẽ hơn những chữ được viết rõ ràng, vì ý thức của chúng ta không vươn được đến chúng. Thơ trữ tình đi giữa cái được nói và cái không được nói, giữa sự đơn giản của ngôn ngữ và chiều sâu của chúng, giữa hai hình ảnh, một bên là cái mà bạn từng nhìn thấy, và một bên là ký ức của bạn, hình ảnh mà bạn nghĩ rằng bạn đã thấy.
Nhưng thơ anh đôi khi cũng nhẹ quá, không gieo xuống được; tôi không nghe tiếng bước chân của nó.
 
xỏ giầy, đội nón
đi vòng quanh  vòng quanh
một mình
cho đến lúc đầy ắp căn phòng
 
Riêng biệt, từ tốn, sử dụng ngôn ngữ như một giấc mơ của ngôn ngữ, Vũ Thành Sơn viết một thứ thơ ít gặp, tách rời khỏi các truyền thống. Truyền thống nào? Tiền chiến, lãng mạn, hiện đại, hiện thực. Tôi thấy anh gần với chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng không phải bao giờ cảm giác ấy cũng rõ ràng. Đôi khi người ta tin rằng sự sáng tạo không được nhận biết là sự lãng phí. Mặt khác chỉ với một tinh thần sáng tạo dũng cảm, tự tin, không đặt nặng lòng tin vào người khác, người ta mới có thể sống đơn độc và viết đơn độc. Toát lên toàn bộ thơ Vũ Thành Sơn là sự phiếm định, hồ nghi. Đây là sự hồ nghi của một kẻ thành thật, mặc dù có thể mang trong mình những bí mật. Mối quan hệ giữa thơ ca và cái không biết là mối quan hệ phức tạp, mong manh.
 
Thành phố bị tráo tên   chơi trò ú tim
Với cờ đỏ
Năm mười mười lăm hai mươi
 
Văn hóa bị tàn phá, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, truyền thống làng xóm, nhà trường, bị phá hủy tận gốc rễ cũng như núi rừng sông biển. Trước những thay đổi như thế, văn chương chỉ có hai con đường, lên tiếng hoặc im lặng. Vũ Thành Sơn lặng lẽ giữ vững các nguyên tắc, trong một bút pháp cũng lặng lẽ; anh là một tấm gương về cố gắng làm chủ cách đi của mình. Nghệ thuật thơ nào cũng sử dụng các hình ảnh so sánh, nhưng trong thơ anh, ẩn dụ được dùng mạnh mẽ, như một cố gắng chống lại bào mòn ngôn ngữ. Ẩn dụ chuyển một hình ảnh từ tĩnh sang động:
 
Nếu trời mưa bất chợt
Những cái chuông
Sẽ chết cóng
 
Hình ảnh độc đáo, mới.
 
Mày vo viên mọi thứ mày có trên đời
Mày có thể làm gì khác
Khi mày là một sự méo mó toàn hảo
 
Đối với ngôn ngữ thơ, đời sống thực tế và khả năng là quan trọng như nhau. Thơ giúp con người đi tìm những khả năng ấy, những khả năng chưa xuất hiện nhưng sẽ xuất hiện, và những khả năng chưa xuất hiện và sẽ không xuất hiện. Các yếu tố bi kịch trong thơ Vũ Thành Sơn được cân bằng bởi tình yêu, sự cứu rỗi, mặc dù yếu tố tâm linh xuất hiện không đều trong thơ anh.
 
Tôi vẫn thường nhầm lẫn
khi một cái tên được kêu lên
trong bóng tối, hay ngay cả
dưới cơn mưa
một ngã tư
đợi chuyến xe đi đến cuộc hẹn ở công viên
 
Các nhà thơ đương đại nghi ngờ các hệ thống giá trị, các niềm tin được xác lập, không những không thể sửa đổi, mà chỉ có thể vứt bỏ. Thế giới thì không công bằng: luân lý và sự thật không phải là kẻ chiến thắng sau cùng của các cuộc chiến tranh. Bi kịch của người nghệ sĩ là trong khi không thể bác bỏ các luật lệ khắc bạc của lịch sử, lại không thể chấp nhận chúng. Sự khác nhau là ở chỗ chúng ta chọn sự đau khổ ấy một cách tự nguyện hay không.
 
Bạn chưa bao giờ
Tin vào thứ gì có mùi máu
 
Giữa một thời kỳ mà những hoang tưởng trở thành tiếng nói chính của dân tộc, giữa các lý thuyết bạo động, thơ ngày càng trở nên một nghệ thuật khó khăn. Âm thanh, tiếng nói, trước hết là sự vui thú. Vũ Thành Sơn có một chất giọng dịu dàng nhưng anh không cố thuyết phục. Anh cũng không viết nhiều thơ tình, nhưng đôi khi dành cho người phụ nữ những lời âu yếm.
 
Tự dưng anh lo sợ
Nếu sau này
Chỉ có mình anh
Hay mình em
Làm sao một đứa có thể đuổi được hết ruồi
Bay đi khỏi
Những ngày chủ nhật dài lê thê
Còn lại?
 
Đó là một tình yêu thật, được nói giản dị, nhưng được nói vào lúc bất ngờ.
 
Trong lúc đợi em dưới cột đèn đường
Thú thật với em
Tôi đã giẫm chết hai con gián
 
Bạn đọc lại lần nữa, cảm thấy tò mò. Bạn bỏ đi, quay lại. Và bạn nhìn thấy sự chán nản, sự bực bội, cảm giác hiếu kỳ của tác giả, bắt đầu chia sẻ với người viết. Thơ anh đầy tính chủ quan, dựa vào những kinh nghiệm riêng rẽ, như thể anh làm thơ cho chính mình. Mặt khác sự quan tâm của anh đối với xã hội không bao giờ ngừng ở bề mặt. Sự quan sát của anh sắc sảo, trong sự mô tả bình thản đôi khi lãnh đạm, là tiếng nói của một người quan tâm đến nhiều thứ. Đi tìm sự phối hợp giữa hai khuynh hướng chủ quan và quan sát không phải là dễ dàng, và Vũ Thành Sơn cũng gặp khó khăn không ít, khi bài thơ của anh mất đi sự trôi chảy tự nhiên, không ra giễu nhại cũng không ra tình tứ. Vừa thẳng thắn vừa khả ái: không phải khi nào bạn cũng làm được. Thơ anh mang chúng ta đi xa hơn, đi sâu hơn tới vùng đất lạ trong chính chúng ta, ở đó nỗi buồn, sự bi quan, lòng tin vào con người làm nên ý nghĩa đời sống. Hoàn cảnh của bài thơ có thể có thật nhưng anh trình bày chúng như giấc mơ, như ảo giác, như tưởng tượng. Thực ra so với những nhà thơ cùng thời, Vũ Thành Sơn dễ đọc hơn, người đọc ít gặp ở anh những liên tưởng rối bời, những ngôn ngữ gây mệt mỏi. Các sự kiện xã hội không bộc lộ rõ trong thơ anh như ở các nhà thơ khác, đó tất nhiên vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu. Do khả năng dịch chuyển ngày càng cao, con người ngày càng đối diện với những vấn đề mới, những cảnh sắc mới, những người từ văn hóa khác, tôn giáo khác. Sự tương tác tăng lên giữa các cá nhân dẫn đến hai trạng thái: hiểu biết lẫn nhau hoặc nghi ngờ lẫn nhau. Sự kỳ thị không giảm đi cùng với tình trạng văn minh hóa, nhưng khả năng đồng cảm giúp chúng ta bớt thành kiến, tin cậy hơn. Những bài thơ ngắn của anh đối với tôi còn có một điều gì rất giống William Carlos Williams.

Căn nhà này thì trống
Có phải thế không? Nếu thế thì đó là căn nhà của tôi
Bởi vì tôi cần đến nó
 
This house is empty
Isn't it?
Then it is mine
Because I need it.
 
Lòng dũng cảm trong văn chương là chấp nhận hiện thực mới, là lòng tin bạn có thể mang tặng cho thế giới một món quà, và tin rằng đó là món quà độc đáo.
 
Nếu em muốn nhìn thấy cầu vồng
Chỉ cần ba mươi lăm phút
Năm trăm bảy ba bước chân
Sẽ leo lên đến đỉnh đồi
 
Cho đến khi người đọc đến đó, đếm đúng năm trăm bảy mươi ba bước, thì họ sẽ tin. Cũng khó: ngôn ngữ nghệ thuật vừa có tính quy ước vừa cần tính chính xác. Anh viết sắc sảo hơn trong:
cuộc phiêu lưu ngắn ngủi kết thúc nhanh chóng hơn chúng tôi tưởng. Chúng tôi mỗi đứa nằm một góc. Chúng tôi mỗi đứa mang một tên. Chúng tôi mỗi đứa một tên vì muốn tình dục an toàn. Đứng chỗ nào cũng cần hơn một người.
                                             (Tình dục an toàn)
 
Chủ nghĩa hậu hiện đại là cuộc vận động văn hóa trong khi chủ nghĩa hiện đại là một khuynh hướng văn học. Văn chương hiện nay không nhìn thấy sự tiến triển như trong quan điểm của chủ nghĩa hiện đại, mà nhìn thấy những thay đổi. Trong khi chủ nghĩa hiện đại nặng về tính lương tri, chân lý, tính dự báo, thì chủ nghĩa hậu hiện đại xem mọi thứ là tương đối. Trong khi chủ nghĩa hiện đại có cái nhìn lạc quan về sự vật, phân biệt trung tâm và ngoại vi, khuyến khích các hành động xã hội thì chủ nghĩa hậu hiện đại mang tính nghi ngờ, đứng ngoài lề, không tham gia vào cái diễn trình tích cực. Trong khi chủ nghĩa hiện đại quan tâm đến các thành tựu, các kết quả, các tác phẩm, coi chúng là mục đích cuối cùng của sáng tạo thì chủ nghĩa hậu hiện đại quan tâm hơn đến các quá trình, sự dở dang, những bắt đầu không kết thúc.
 
Em ngủ dáng một con thuyền
lật úp mọi huyên náo tất bật của một ngày
trên bãi cát.
 
Chiều giơ những cành gai nhọn
bầu trời
san hô màu đỏ.
 
Trong dãy nhà tiều tụy
chật chội tiếng cười trẻ con
những người đàn bà mắt cá ướt
đợi chồng quăng mẻ lưới cuối cùng.
Trên mặt biển tím than
họ kéo lên một chiếc cầu vồng
và những mảnh vụn của biển.
 
Chúng ta đi dọc theo bãi cát
vô tình dẫm lên những con dã tràng.
Em mấy lần vấp sóng ngã
la thất thanh.
 
Chúng ta đi cho tới khi
mặt biển lấp lánh sao.
 
Sáng mai
những người đánh cá giăng lưới trước biển
tiếng gọi nhau
đuổi theo con sóng.
 
                         (Sẽ còn lại những điều này)
 
Tập lắng nghe người khác không chỉ là lắng nghe những lời nói mà còn lắng nghe những lời không thể nói. Thơ Vũ Thành Sơn hướng về một ngôn ngữ không lời như vậy, của một người từng trải mà ngây thơ, nghiêm khắc mà đầy tình đồng loại, buồn nhưng sôi nổi.
 
Ok. Bạn đứng về phe nào?
Đó là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất
 
Thơ anh mô tả tâm trạng của một thời đại vừa phản tỉnh vừa ngơ ngác, sự trăn trở của số phận đất nước, sự suy tàn của lý tưởng, ảo tưởng. Thơ anh giữ một khoảng cách im lặng trước mọi đổ vỡ, giữ một thời gian đủ chín để nghiền ngẫm về một đề tài. Vũ Thành Sơn đi tìm thế giới tâm linh riêng biệt; thơ anh từ chối sự thấu hiểu thuần lý. Trong khi hầu hết văn chương đương đại hướng về tính khách quan, sự mô tả có tính báo chí, loại trừ xúc cảm, thì nhiều nhà thơ cất lên tiếng nói từ kinh nghiệm trực tiếp. Điều bổ sung cho sự thật khách quan là tính trong sáng, trong ngôn ngữ thơ có thể hiểu là sự lược giảm. Có những giây phút trong đời, những sự vật tầm thường trở nên sống động; khi con người phơi mở nhận thức và giác quan, một ngọn đèn đường có thể chiếu rọi tâm thức bạn. Những giây phút như thế đánh thức chúng ta trước cái đẹp, đau buồn, mang ta đến với sự nhìn lại, đánh giá lại, thách thức. Những giây phút như thế chưa hẳn là bước ngoặt lớn lao, nhưng chúng là những gợi ý liên tiếp chờ bạn trước ngã đường.
 
Chiến tranh đã kết thúc
giữa chúng tôi chỉ còn những xác chết
cần được an táng
 
Bất cứ một nhà thơ nào cũng phải đóng góp cho sự phát triển của một ngôn ngữ, làm cho từ vựng của nó nới rộng ra, phong phú hơn, linh động hơn. Bài thơ của Vũ Thành Sơn nhẹ nhõm, làm cho độc giả ngẩn ngơ, mang lại cách nhìn mới. Anh không tạo ra những đột biến về cú pháp, không có những câu xuất thần, vì vậy người đọc thơ chưa quen dễ cảm thấy xa lạ. Cũng có những cái kết bất ngờ nhưng hầu hết bài thơ của anh không phải là câu chuyện kể có đầu có đuôi, không phải là một trích đoạn của các câu chuyện ấy. Cái độc đáo của Vũ Thành Sơn là một giọng điệu riêng, không tâm tình không sầu thương cảm khái, mô tả những kinh nghiệm lạ từ cuộc sống bụi bặm phố phường. Thơ Việt Nam chưa quen với điều ấy.
 
Đã đến lúc nó cần phải quen. Đã đến lúc thơ Việt cần có nhiều hơn một Vũ Thành Sơn để phá vỡ thói quen thẩm mỹ: câu chữ cân đối, lời thơ lãng mạn, hình ảnh đẹp, tinh thần xây dựng. Giữa những người có các khuynh hướng khác nhau, Vũ Thành Sơn thản nhiên lẳng lặng đi qua cuộc đời, không chú ý đến việc người khác có nhìn thấy anh hay không.
 
Từ tất cả những điều tôi nói và những điều tôi làm
Đừng để cho bất kỳ ai biết được tôi là ai
CP Cavafy (theo bản của Edmunb Keeley)
 
Trong thơ anh câu hỏi nhiều hơn câu trả lời, mỗi bài thơ là một khoảnh khắc chiếu sáng những khả thể. Sự thật bao giờ cũng nằm đâu đó giữa những góc khuất. Sự thật tránh cái biểu đạt trực tiếp.
 
Các cô gái đều mơ có được một tấm thẻ xanh để lên mặt trăng
Đúng là các cô gái của chúng ta, trong thời đại hôm nay
 
Thiên nhiên cũng xuất hiện trong các bài thơ của anh, nhưng chúng không có tính trang trí mà tham dự vào các hoạt động, trở thành một nhân vật trong các bài thơ ấy. Tham vọng của thơ trữ tình hôm nay không hề thua kém thơ tự sự hoặc trường ca trước đây. Sự đơn độc của nó, chất giọng trầm mà khốc liệt của nó, tái xây dựng diện mạo của một xã hội thay đổi, không những chỉ vẽ lại mà góp phần làm thay đổi chính diện mạo ấy, ký ức ấy. Thơ hôm nay nén chặt ngôn ngữ, tháo tung chúng ra, vặn xoắn các ý tưởng, trộn lẫn sự riêng tư và tính xã hội, phối hợp một cách kỳ lạ sự thỏa hiệp và sự đề kháng, kể lại những câu chuyện ở khúc quanh, trong những khoảnh khắc mà khuôn mặt thật của con người bị bộc lộ, phía sau của mặt trăng, phía sau của các thành tựu, mô tả bi kịch và tình yêu của con người hôm nay, khốn khổ và căm giận, tan rã và đáng yêu, mang lại cho người đọc không phải những giải pháp mà lời chia sẻ, như khi bạn gặp một người bạn cũ sau nhiều năm, hắn ngồi im lặng lắng nghe. Sự hiện diện của một người bạn như vậy, của một giọng thơ như vậy, như của Vũ Thành Sơn, đã là quá nhiều đối với chúng ta, tất bật hôm nay, phải không.
 
                                                 Nguyễn Đức Tùng
                                                 (Đọc Thơ, Bài 26)
 
...........
 
Nguồn tham khảo, trích dẫn:
 
- Ba cái lẻ tẻ, Vũ Thành Sơn, NXB Giấy vụn, Sài gòn, 2016
 - Inrasara, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 13. Vũ Thành Sơn (https://inrasara.com/2009/09/08/cac-khuon-m%E1%BA%B7t-     m%E1%BB%9Bi-04-vu-thanh-s%C6%A1n/)
- Lê Hồ Quang, Một trò chơi nhiều rủi ro. (http://vanviet.info/tag/le-ho-quang/)
- Talawas, Văn Việt, Tiền Vệ, và một số trang mạng khác.
 
READ MORE - VŨ THÀNH SƠN, KẺ KHÁC BÊN TRONG CHÚNG TA - Nguyễn Đức Tùng

HẠNH PHÚC VỀ VỚI TẾT - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

  

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân

HẠNH PHÚC VỀ VỚI TẾT 

Truyện ngắn 

 LÊ HỨA HUYỀN TRÂN  

 

                Cô khuấy nhẹ cốc café đang đặt trên bàn một cách hờ hững để đá không làm loãng chút café còn sót lại trong ly. Nâng nhẹ nó nhấm nháp một chút cô chợt nhận ra cái hương vị café thơm lừng ban đầu để lâu cũng chẳng còn chút dư vị nào nữa. Thứ gì cũng vậy, ngay từ phút ban đầu không chịu tận hưởng thì sẽ mau chóng mất đi hương vị, kể cả tình yêu. Chiếc điện thoại khẽ rung những tin nhắn liên hồi của cùng một người, đã định không mở ra xem nhưng rồi không trốn tránh được. “Thế rồi cậu có về không?” “… Có”. Cô buông thõng chiếc điện thoại một cách thô bạo tưởng chừng như muốn vứt nó sang một bên. Ngoài kia, hoa bắt đầu giương những nụ báo hiệu những ngày tết đã gần kề, xuân đã về trên con phố nhỏ. 

                Vừa bước vào nhà cô đã nghe tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng, tiếng người đàn ông hớt hải bước vào nhà, một tay thu dọn mớ đồ cô quăng tung tóe trên giường nhét vội vào vali vừa không ngớt miệng: 

              -Chứ đã bảo qua liền để chở đi mà, coi chứ không kịp xe về quê.- rồi anh lấy ra một chậu mai nhỏ khoe với cô- Nãy đi ngang khu chợ cảnh, thấy này, đem về quê luôn, bác gái vui phải biết. 

             Hai người mau chóng lên xe về quê để kịp chuyến cuối, xe đông hơn mọi khi, những ngày cuối  năm ai cũng kéo lũ lượt về quê. Anh khẽ nhích tấm thân to kềnh càng ngồi nghiêng hẳn qua một bên để cô được ngồi thoải mái hơn. Những hành động tưởng chừng nhỏ nhoi nếu thuộc về một đôi lứa yêu nhau hẳn sẽ cảm động lắm, có ai nghĩ được chỉ dăm bữa nữa người ngồi bên cạnh cô sẽ là một chú rể, một đám cưới ngay trước tết sẽ diễn ra mau chóng. Vậy là sẽ không còn ai gọi cô dậy, chở cô đi làm, và cái tính hơi ỷ lại của cô, tất cả sẽ không còn anh. Từ nhỏ đã là bạn nối khố, lớn lên khi cô quyết tâm lên Sài Gòn lập nghiệp anh cũng đòi đi theo để lo chu toàn. Cha cô mất sớm, nhà anh và cô sát bên nhau nên anh gần như thay người đàn ông trong gia đình chăm sóc cho cô từng tí. Đôi khi cô không hiểu hai người có yêu nhau không chỉ là một người không thể nào thay thế được trong cuộc đời cô. 

                Xuống xe, anh xách hết đồ của cả hai về nhà cô, mẹ cô đang quét khoảnh sân nhỏ vừa thấy hai người bước vào lục tục chạy ra: 

             -Chứ sao mày còn ở đây, thằng nhỏ. Má mày sáng giờ lục tục cho cái đám cưới mà cái thằng bình chân như vại. 

             Anh cười xòa một cách ngốc nghếch rồi chạy vội về. Cô lại xếp mớ bánh trái lên bàn thờ cúng ba và xoay vội chậu tắc nhỏ anh mua để góc bàn tiếp khách. Mẹ cô gói nốt mớ bánh chưng còn lại, mắt không nhìn cô tặc lưỡi: 

            -Năm nay không có thằng Đới canh chung nồi bánh chưng. Mày coi mà lấy chồng đi chớ cũng tuổi băm rồi đấy. 

           Mọi năm về quê lần nào mẹ cô cũng nhắc cái vụ lấy chồng, đến độ cô nghĩ dường như cứ nhà nào mà có con gái lớn trong nhà thì tết tươi về thể nào cũng có câu hỏi “ khi nào lấy chồng” vậy. Khi ấy lúc nào cũng có anh, và thể nào anh cũng nhanh nhảu: "Bác đừng lo, có con mà bác.” Và lúc nào anh cũng bị cô đánh đét, có điều cô không chối từ, cô nghiêm túc với công việc hơn là kiếm cho mình một nửa, cũng có thể cô ỷ lại là còn có anh bên cạnh. 

             -Chào bác, chào chị, nhà mình đang gói bánh chưng ạ? 

            Tiếng người con gái lảnh lót nom lễ phép bước vào khoảng sân nhỏ, thấy anh đi phía sau, cô đã biết đó là ai. Rất mau chóng người con gái ấy làm thân với mẹ cô và phụ gói bánh, anh khẽ nháy mắt: 

           -Người tớ chọn, cậu chấm nhá, cho lời khuyên. 

           Cô xua tay dạng không thèm để tâm, cô biết anh tôn trọng cô nên xem cô như một người để dẫn về ra mắt và cũng biết anh đủ chin chắn để lựa chọn và yêu thương lấy một người sẽ gắn bó cả đời với mình. Vài giọt mưa xuân đột nhiên rơi nhẹ bẫng, không đủ làm con người ta ướt áo mà lại khiến họ thích thú thêm. 

           -Ngày còn nhỏ mưa xuân thế này thì thú phải biết. Nắng lên ngay. 

           Anh vừa kịp nói suy nghĩ vụt hiện trong đầu cô. Quá hiểu nhau rồi. Nắng vàng vọt vươn lên ngay tức khắc, nắng sau mưa bao giờ cũng đẹp huy hoàng. Ngoài ngõ, tiếng trẻ nô đùa khoe áo mới nhộn nhịp, các cô trong xóm chộn rộn hỏi han nhau đã mua những gì và sắm hoa này chậu kia ở đâu đẹp. Các bà đi chợ về tay đầy nhóc đồ ăn cứ như ăn cho cả tuần và bao miệng người vốn ngày thường đột nhiên trở nên ăn rất nhiều. 

            -Anh chị đang nói gì đấy ạ?- Cô gái thỏ thẻ tiến lại sau khi dọn dẹp cẩn thận mớ đồ nãy giờ phụ- Anh kể nhiều về chị nên em muốn gặp chị mãi, nhưng chị bận quá. 

           Một cô gái rất lịch sự và nhỏ nhẹ, không khiến người ta ghét được, cảm thấy có thể là một người bạn tốt. Khi hai người ra về, cô đã suy nghĩ rát lung, có cảm giác như một thứ vừa mất đi nhưng một thứ khác lại vừa đến. Thực sự nếu bây giờ anh hỏi cưới cô, chỉ là nếu thôi, có lẽ cô vẫn chối từ vì sự thật cô chưa sẵn sang cho việc đó, cô vẫn muốn tập trung cho sự nghiệp hơn hẳn. Nhưng con người ta vốn rất tham lam, có những người không muốn mất những thứ ở cạnh mình, vì người ta sợ mất đi những điều thân quen vốn đang hiện hữu bên cạnh, nhất là khi những thứ ấy quá hoàn hảo đi. Cô đã muốn chối bỏ việc về quê vì cô muốn trốn cái đám cưới của anh nhưng khi nhìn nụ cười hạnh phúc và những gì anh lo lắng cho cô, cô hiểu đã đến lúc cô nên giải thoát cho anh và cả cô. Sẽ chưa quen được ngay nhưng cô phải tập, vì đó là sự lựa chọn của cả anh và cô. Chậu tắc nhỏ trên bàn nổ bông trắng xóa, vài quả hãy còn xanh, vài quả đã sang cam, chắc độ tết sẽ vừa chin rộ. Tết đã về rồi, những ngày hạnh phúc cũng tràn về cùng với Tết.

  

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân 

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

READ MORE - HẠNH PHÚC VỀ VỚI TẾT - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân