Nhà văn Lê Yên |
HOÀNG HÔN VƯƠNG VẤN
Truyện ngắn
Lê Yên
Ánh sáng còn lại trải dài theo bóng những ngôi nhà cao tầng khi chiều đang xuống, nhạt dần cho đến nhá nhem tối trời. Hoàng hôn thắp hết chút ánh sáng cuối cùng, theo thói quen chờ đợi người trở về nhà trước khi màn đêm buông xuống, như tâm tư người mẹ chờ con trở về cứ đăng đẳng… Từ khung cửa sổ, phóng tầm mắt ra bên ngoài con đường, trước đây nhộn nhịp biết mấy, bây giờ chỉ là một không gian trống hun hút, hai hàng cây lao xao chút gió khẽ khàng, hình ảnh nhỏ dần về cuối phố lặng yên. Tôi đứng bất động nhìn ra, hình ảnh người đàn bà luống tuổi lầm lũi trong bóng chiều nhạt màu lam khói, vương nỗi buồn thân phận.
Ngày nào cũng bắt đầu vào giờ này, như người công chức cần mẫn đúng giờ, một tay cầm túi nylon màu đen lớn, tay kia cầm dụng cụ gắp rác, bà đi nhặt ve chai, đó là hình ảnh trước đây. Dịch bịnh lan tràn, bóng dáng thấp đậm cũng không còn loanh quanh con phố. Nếu kéo dài tình cảnh này, cuộc sống người dân sẽ ra sao? Đằng sau những cánh cửa lặng yên đó, một sự chờ đợi, thay đổi, sống! Người đàn bà được đi nhặt một chút còn lại trong cái bỏ đi của người khác để tồn tại.
Sống trong căn phòng trọ chật chội với con gái, ba đứa cháu nhỏ. Con rể không còn. Một mẹ già, ba đứa con tuổi ăn học, tiền trọ, gánh nặng này con gái trang trải hết. Cô ấy buôn bán, làm đủ việc để nuôi gia đình. Sau một tai nạn, không còn làm việc nặng được nữa. Nhặt ve chai, sự chọn lựa phù hợp với sức khỏe. Trong căn phòng trọ, một chiếc gường tầng, phía trên có gác áp mái cho con học bài trong cái nóng ngột ngạt, những vật dụng sinh hoạt đơn sơ, còn lại chút không gian nào chất đầy ve chai, bình thường đã thiếu khí trời, dịch bịnh càng nồng hơn đủ mùi trong không gian hẹp với ve chai không bán được.
Tôi có thói quen thích chào hỏi. Sống trong cùng một khu phố, giàu nghèo không quan trọng, sự tương thân, tương ái điều nên có, nhất là trong thời buổi dịch dã, mới thấy hết cái tạm bợ của trần gian. Hôm chuẩn bị đợt giãn cách theo chỉ thị 16 vừa rồi, gặp cô ấy đầu hẻm tay xách bịch đồ ăn, tôi lên tiếng chào hỏi: “Thoa đi chợ về?” Cô ấy liền cười toe, đưa bịch đồ ăn ra trước khoe ngay. “Chị ơi, em mới mua được hai ký xương gà ngoài Bách Hóa Xanh, rẻ chị, có hai mươi ngàn một ký.” Nhìn cô ấy hí hửng, một ý nghĩ thoáng qua đầu, xương gà nấu nước súp ngọt, ý nghĩ trong tôi như một tia chớp nhưng cũng không nhanh bằng sự phấn khích của cô ấy. “Chị à, xương gà em kho sả ớt mặn mặn cho con ăn cũng được cơm đấy chị, có tiền đâu mua thịt.” Tôi lặng yên trong trạng thái rơi tự do của cảm xúc, ý nghĩ nồi nước súp là một thứ xa xỉ, hình như ai đang chặt tay bóp nghẹt bên trong, ở giữa trời sao không thở được. Tôi mĩm cười trả lời: “Dịch bịnh không biết còn bao lâu, tiết kiệm vậy, mặn mặn, cay cay ăn cũng ngon.” Trên đường vô nhà chỉ có vài trăm mét sao nghe nặng trĩu. Tôi ước…ước gì…!Thật chật hẹp trong cái hữu hạn của bản thân, nhưng nghĩ lại: Ai cũng có khả năng để cho đi, không chỉ tiền bạc, thời gian, sự quan tâm, lắng nghe hay một nụ cười, có thể chia sẻ năng lượng tích cực, một thứ hạnh phúc của người cho đi.
Phía trước căn phòng trọ chất đầy ve chai, cánh cửa khép hờ, thỉnh thoảng người đàn bà đi ra, đi vô, nhìn trời chừng sốt ruột. Nhớ ngày ở quê, nhìn trời coi mưa nắng để ra đồng, không bỏ được thói quen mỗi khi lo lắng, nỗi lo của người mẹ khi không còn khả năng bảo vệ, giúp đỡ con mình trước khó khăn. Bà vượt qua cái chết với cuộc phẫu thuật, bịch chất thải bên ngoài thật bất tiện, không có tiền làm cuộc phẫu thuật thứ hai đưa vào, sống chung với nó lâu dần đã quen, nó như một phần cơ thể của bà, không còn cảm thấy bất tiện nữa, mười lăm năm được che bởi chiếc áo choàng mỏng. Không còn khả năng làm đồng, đành phải theo con vào Sài Gòn kiếm sống. Đó là câu chuyện dài, người đàn bà một lúc trầm lòng kể cho tôi nghe, trong bóng chiều êm ả, dưới hiên nhà, khi tôi đem cho bà một ít chai lọ gom lại, khi bầu không khí còn thong dong, trẻ con trong xóm nô đùa. Dưới bóng cột đèn, một bàn cờ tướng với những người đàn ông luống tuổi ở trần, bật sớm cầu giao điện đường, tiếng vỗ đùi cùng với giọng cười ha hả sảng khoái, một bàn cờ thắng.
Chiều tối rác thải của mỗi nhà được đem ra ngoài, bà lặng lẽ với công việc của mình, dù phố có đông người, trong mắt bà chừng như không có ai. Ánh mắt đó chỉ tập trung vào bịch rác thải với những gì nhặt được, có thể biến thành tiền, dù ít ỏi cũng góp thêm vào mâm cơm chút đồ ăn cho con cháu.Trong một bầu không gian chừng như hai thế giới tách biệt song song, người hưởng thụ, kẻ đi tìm sự tồn tại.Thế giới nào mới thực sự hạnh phúc? Tôi nhìn thấy người đàn bà lấp lánh sáng trong mờ nhạt của ngày và đêm, sự kiên cường khi phải sống chung với bệnh tật, tình yêu thương, hình ảnh người thân trong tâm, một chọn lựa để bà gạt bỏ mọi tạp niệm, đau khổ. Trong bịch rác đó, bà nhìn thấy nụ cười ngây thơ của các cháu khi có thêm phần điểm tâm sáng trước khi đến trường. Bà hơi e dè, tách biệt với chòm xóm, nụ cười nhẹ nhàng, cái có để tặng mọi người khi bất ngờ chạm mặt. Dù ở thế giới nào, hạnh phúc thật sự đều do tâm. Sống có một mục đích, hy sinh, an nhiên, biết buông bỏ sẽ tìm thấy hạnh phúc của mình. Đối với bà, lượm được bịch ve chai là hạnh phúc rồi.Vì trong tâm bà biết đâu giá trị hiện tại.
Vào Sài Gòn lập nghiệp. Nghiệp này không phải cho bản thân hay cho con bà, ba đứa cháu còn đến trường, một kế hoạch ba đời được bà và con gái quyết tâm thực hiện. Có thể mĩm cười khi nhìn thấu tương lai trong tưởng tượng, những đứa cháu lần lượt lên ghế giảng đường, ngày ra trường trong lễ tốt nghiệp thật oai với tấm bằng trên tay. Một ngày nào đó trở về quê khoe bà con chòm xóm, thật nở mày nở mặt. Nghĩ tới đây thôi đã thấy vui sướng trong lòng, các cháu sẽ không còn khổ như con gái bà.Sẽ hòa nhập vào xã hội với sự tự tin của một người trẻ, món xương gà mặn mặn, cay cay, mẹ cháu nấu cho ăn sẽ lùi dần vào ký ức, không còn lo đói rét. Nén tiếng thở dài, bà lắc đầu xua đi tất cả. Có những hôm trở trời, vết thương ê ẩm, bà làm lơ cho qua, phải cố thôi, thời gian của bà như nắng nhạt cuối chiều, sẽ thắp cho hết chút ánh sáng cuối cùng. Mong nhìn thấy sự trưởng thành và bình yên của con cháu để bà xuôi tay nhắm mắt.
Tôi miên man bên song cửa, cứ nghĩ mãi về người đàn bà với những mảnh vỡ cuộc đời. Tuy vậy, ước mơ như một thứ ánh sáng kiên định khiến cho tôi kính phục.
Dịch bịnh khắp nơi, Sài Gòn vỡ trận, tâm dịch kéo dài mấy tháng qua. Khi nghe một cuộc gọi không biết tin buồn hay tin vui.Tin người quen mất đi cứ liên tục, thật đau lòng. Trước đây, ngày làm việc, tối ngủ một giấc tới sáng, cuộc sống cứ thế xoay vòng, con cứ thế lớn lên. Còn bây giờ khi phải chứng kiến cảnh sự sống và cái chết trong chớp mắt. Tôi không còn muốn ngủ, vì biết đâu mai này sẽ không còn thời gian bên cạnh người thân, nói những lời yêu thương trước đây chưa nói, quan tâm, chăm sóc, biết nhận lỗi để gần nhau hơn. Trong một khu phố bên này vùng xanh, bên kia vùng đỏ, mọi người muốn xóa bỏ ranh giới đó trong ý thức của sự sống chết. Sống chung với dịch bịnh là điều nay mai, khó khăn sẽ kích hoạt sức mạnh ý chí bên trong con người. Người đàn bà sống chung với bịch chất thải mười lăm năm vẫn tồn tại ước mơ ba đời, đó không phải là điều tuyệt vời sao!
Mấy hôm nay, sáng sớm trong khu vùng xanh tôi sống, có tiếng rao bán dạo với nghề mới: “Bún, giá, bún bò, bánh phở, đậu hủ đây!” Những món này trước đây được bán ở chợ hay lò chế biến. Khẽ cười, một chút lâng lâng trong cảm giác thích thú, niềm vui len nhẹ, thoảng hương sự sống, người dân dần thích nghi sống chung với dịch. Sài Gòn lại ôm ấp những ai muốn tìm đến, sẽ có đủ gam màu cho giới trẻ trải nghiệm và trưởng thành, vun đắp ước mơ cho bao người.
Người đàn bà như hoàng hôn vương vấn với ước mơ chưa tròn, nhưng thật đẹp, vầng sáng tối hòa quyện, mạnh mẽ, khát khao và bình tĩnh sống trong yêu thương của mình, ánh sáng đó rồi sẽ lùi dần vào bóng đêm nhưng để lại một thứ ánh sáng lấp lánh trong lòng con cháu. Người đàn bà mãn nguyện.
Tôi thích ngắm hoàng hôn trong những chiều đón con chầm chậm trên đường về, hoàng hôn vẫn còn cuối chân trời mỗi ngày, đợi tôi. Dịch bịnh sẽ qua, tôi lại thong dong với hoàng hôn âm trầm, tuyệt đẹp!
Sài Gòn 24/9/21
LÊ YÊN
leyen01203028253@gmail.com