Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 3, 2017

ĐỌC “HƯƠNG KỶ NIỆM” TẬP THƠ CỦA HOÀI THY LỆ NGUYỄN THANH BÁ - Châu Thạch





ĐỌC “HƯƠNG KỶ NIỆM”
TẬP THƠ CỦA HOÀI THY LỆ NGUYỄN THANH BÁ
                                                Châu Thạch

Đời người có biết bao nhiêu là kỷ niệm! Kỷ niệm vui hay kỷ niệm buồn đều làm ta nhớ. Mỗi kỷ niệm là một đóa hoa ép giữ trong hồn mà mỗi khi ta mở lại trang lòng thì hương sắc bay ra làm ta xúc cảm với vui, buồn trong quá khứ. Nếu những kỷ niệm đó biến thành thơ thì ta có nhừng đoá hoa thơ nở giữa đời để ta, người thân của ta và tha nhân nhận được hương kỷ niệm,  mùi hương thi vị của quá khứ toả ra trong hiện tại.
Nhà thơ Hoài Thy Lệ Nguyễn Thanh Bá đã tạo được một vườn thơ như thế. Đó là tập thơ “Hương Kỷ Niệm” mà ông đang xin giấy phép xuất bản.
Mở trang đầu của tập thơ ta đã gặp ngay một hình ảnh đẹp và thơ mộng biết bao:

Em ngồi xoả tóc làm thơ
Tóc xanh biển mộng xoả bờ vai xinh
                                    (Làm thơ)

 Trong bức tranh tuyệt đẹp ví lọn tóc xoả bờ vai của em mênh mông như biển đó, nhà thơ xuống một câu thơ bình dị mà tuyệt vời. Tuyệt vời vì em là sở hữu của thơ tôi:

Thơ tôi đã có em rồi
              (Làm thơ)

Chỉ cần bài thơ đầu tiên, nhà thơ Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá đủ sức lôi cuốn những tâm hồn nhạy bén yêu thơ, vội vả cởi đôi dày lấm bụi của mình, đi nhẹ nhàng chân không vào vườn thơ trăm hoa lạ của kỷ niệm một đời người  để ngắm, để trầm trồ khen tặng. Có lẽ cũng có người chê bai một vài đóa hoa không đẹp trong mắt họ nhưng biết đâu sẽ là tuyệt vời trong mắt kẻ khác, như là mắt tôi chẳng hạn.
Bài thơ “làm Thơ” như một làn hương thoáng bay ra để rồi, ta tiếp cận với kỷ niệm của nhiều thứ hương: Hương đồng nội, hương vườn quê, hương của mẹ, của em, của người con gái thân thương, của chiến tranh, của hoà bình, của vui mừng và của khổ đau. Tất cả nhưng làn hương đó quyện trong thơ đưa tâm hồn ta bay cao, lịm xuống, thăng trầm cùng tác giả, thăng trầm cùng thời cuộc.
Tình yêu quê hương đậm đà trong lòng tác giả, ông luôn nhớ đến quê hương và nhưng địa danh luôn đi đôi với một thời cắp sách:

Nhớ ơi! Áo trắng thời đang học
Thương quá! Xuân xanh tuổi chớm rằm
Em tới Cu Hoan qua xóm Rú
Ta về Đơn Quế ghé làng Xăm
                  (Nhớ Hải Lăng)

“Nhớ Hải Lăng” là một bài Đường thi tiêu biểu của Hoài Thi lệ Nguyễn Thanh Bá trong tập thơ nầy. Thơ Đường luật của tác giả có tiếng thơ nhẹ như sự bình dị của quê hương. Tiết tấu trong thơ không trầm bổng, từ vựng trong thơ không chữ Hán, không điển tích, tiếng thơ như dòng chảy êm đềm của những con sông Thạch Hản, Ô Lâu, Vĩnh Định nơi quê hương yêu dấu của ông: Quảng trị.
Còn thơ mới trong “Hương Kỷ Niệm” thì sao?  Hãy đọc:

Mai về ghé lại quảng đường xưa
Tìn chút hương thừa nắng giữa trưa
Tắm mát trên dòng sông kỷ niệm
Cây đa, bến cộ –chuyến đò đưa

Về thăm quê nội quá thân thương
Tấm biển An Thơ dựng trước đường
Dòng nước Ô lâu lờ lững chảy
Ngọt nào bầu sửa mẹ quê hương.
               ( Mai về Quảng Trị)

Ta tìm thấy ở những câu thơ bình dị như từ miệng nói ra, nhưng ngược lại trong những câu thơ đó, những tứ thơ vụt bay như nhũng cánh chim bồ câu chấp chới trên bầu trời quê hương yêu dấu. Đầu tiên ta hãy đến với tứ thơ “hương thừa”. Chữ “Hương thừa” cho ta liên nghĩ đến một thứ hương của một thời xa xưa còn sót lại. Nhà thơ quay lại quê hương, quê hương mới bày ra trước mắt nhưng tình cảm trong lòng đã khác với xưa. Ông hít thở làn hương bây giờ nhưng cảm nhận cái hương ngày xưa còn lại ở nơi đây. Rồi thì tấm biển đề An Thơ dựng bên đường, dòng sông Ô Lâu là bầu sửa mẹ. Tất cả những tứ thơ nầy gần gủi và thân thiện biết bao với người con tìm về sau nhiều năm xa cách quê hương. Đây là nhưng tứ được gởi vào thơ, như âm thanh luyến láy nhẹ nhàng từ một bàn tay khảy đàn điêu luyện.
 Bây giờ,hãy đến với một vài vần thơ Lục bát  của Hoài Thi Lệ Nguyến Thanh Bá:

Hình như thu cũng biết buồn
Hình như thu cũng biết tuôn lệ sầu
Sụt sùi từng giọt mưa ngâu
Không gian ảm đạm một bầu trời mây
                                        (Hình Như)

Thu thì buồn là đương nhiên chớ hình như chi nữa?. Thế nhưng chữ “Hình như” đã biến thu thành một thiếu bữ. Mùa thu của đất trời và em hoá hình vào nhau làm cho bài thơ thu trở nên êm ái dịu dàng, nên thơ và dễ thương không còn chổ tả nữa.
Tác giả còn làm nhiều bài thơ thu như “Chiều Thu”, “Chiều cuối thu”, “Chiều Thu Tiễn Bạn”, “Cứ mỗi độ thu về” và những bài thơ trăng thu...Nói chung thu trong thơ của Hoài Thi Lệ không chỉ là một bức tranh cảnh vật đẹp, mà bức tranh đó vừa cô đọng tâm trạng lòng người vừa toả ra hương vị thu bao la trong vạn vật .
Nói đến hương kỷ niệm mà không nói đến em mới là lạ. Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá không khác người nên cũng phải nói đến em, nhưng em của tác giả không già đi bao giờ, bởi vì nhà thơ không để ý đến thời gian:

Cứ mặc thời gian trôi lướt qua
Để em còn được tự nhiên mà
Lòng em trong sáng như xuân mới
Tươi nở dâng đời những đoá hoa
                                           (Em)

Đọc khổ thơ nầy tôi nhớ đến “Mùa Xuân Chín”của Hàn Mạc Tử: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. So ra ta thấy tâm hồn Nguyễn Thanh Bá có một mùa xuân chín mãi, tươi mãi giữa cuộc đời.
Rồi thì Mẹ. Mẹ là đề tài mà nhà thơ nào cũng viết trong kỷ niệm đời mình. Trong dòng sông ký ức của hương kỷ niệm, nếu Mẹ không là hình đậm nhất thì thơ trở thành rơm rác. Hoài Thi Lệ Nguyễn Thanh Bá cũng nhớ Mẹ nhưng khác với nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Thanh Bá già rồi, vẫn còn nghe tiếng ru của Mẹ trong giấc ngủ của mình:

Lời ru hời văng vẳng động giấc khuya
Con chợt tỉnh, gợi niềm thương nhớ Mẹ
Đêm sâu lắng, lòng buồn quanh quẻ
Xa mẹ rồi, ngày tháng bỗng rong đi
                       (Thương Nhớ Mẹ)

Ta hãy nghe hai câu thơ trong bài thơ “Sông Lấp” của Trần Tế Xương: “vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giậc mình cò tưởng tiếng ai gọi đò”. Chỉ nghe tiếng ếch mà nhầm tiếng gọi đò ngày xưa thôi, nhà thơ Trần Tế Xương đã làm cho văn học sử tốn không biết bao nhiêu giấy để nói về nỗi ưu tư, trăn trở, ray rức, bâng khuâng của tác giả nặng và sâu về một quá khứ. Vậy thì Nguyễn Thanh Bá nghe tiếng mẹ ru văng vẳng trong giấc ngủ giữa canh khuya sẽ ra sao?. Hãy so sánh hai tâm trạng để biết tiếng lòng và tiếng thơ của người hậu sinh sau cả trăm năm nầy. “Xa mẹ rồi, ngày tháng cũng rong đi”, chữ “rong đi” không có trong tự điển nhưng thiết tưởng chưa có nhà thơ nào dùng chữ hay như thế để chỉ về sự “gầy mòn thương nhớ” mẹ hiền trong cuộc đời đứa con xa mẹ.
Tập thơ còn nhiều đề tài nhưng người viết không thể viết nhiều hơn nữa, bởi vì viết bao nhiêu cũng không tả hết một vườn hoa đầy màu sắc . Xin chỉ hái để giới thiệu một vài bông hoa đẹp trong mắt tôi, chưa chắc là xinh trong mắt người khác, nhưng có lẽ tôi chỉ là một vị khách tình cờ đọc thơ Nguyễn Thanh Bá, nên cảm nhận của tôi vô tư và trung thực .
Xin mời ai đó hãy bước vào vườn thơ, hít thở mùi hương kỷ niệm, sẽ thấy mình ở trong đó, và biết đâu lòng mình cũng thổn thức theo con tim thi nhân./.

                                                                           Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “HƯƠNG KỶ NIỆM” TẬP THƠ CỦA HOÀI THY LỆ NGUYỄN THANH BÁ - Châu Thạch

CHÙM THƠ HUY UYÊN





Lại 42 năm thầm hỏi

Đem bỏ tim người về lối cúc xưa
Bổng bàng hoàng quay lại
Ngẩn ngơ làm đám tang
Một thời ma quỉ.

Hoang mê nhuộm đen bóng tối
Đành đoạn sao đày đọa phận người
Đứng trên dây đu vỗ tay
Trăm năm đợi bóng quay về.

Suốt ngày hối hả
Từ ngày hai ta gặp nhau.

Rồi đời cũng tàn phai
Màu đời,màu môi yêu người một thuở
Đêm lạnh lùng chột thui
Bên ngoài mưa mang nỗi nhớ.

Không gian thu lặng thinh
Đóng kín bến bờ hạnh-phúc
Xác người nằm chết bên đường
Lưỡi hái vội vàng móc kéo.

Hóa thân thạch-sùng tiếc nhớ 
Mênh mang cuộc tình buồn
Hạnh-phúc chết trôi
Chảy dòng khôn xiết.

Nước mắt chạy quanh
Khép chặt mộng đời
Đi qua thời hai mươi tuổi
Đã cầm súng như cầm giấc ngũ
Đã đạp đầu thù lòng nghẹn uất
Đêm quá dài ngày vội qua mau.

Bốn-mươi-hai-năm thầm hỏi
Dỗ dành mối tình trẻ dại
(Tình em say như mây ngủ lưng đèo)
Tôi dang tay nằm chết
Không hề nhắm mắt.

2-
Quảng-Trị giờ này đã vào mưa

Vàng theo mùa chiếc lá thu phong
Tôi tương tư màu hoa buổi trước
Bâng khuâng theo ngàn tiếc nhớ
Để hai ta chia biệt đến giờ.

Em có buồn theo mây Pennsyl.
Có chuyển về tôi cuộc tình ngày đó
Tôi ngẩn ngơ từng chân em bước
Nghẹn lòng đau dấu tận tim mình.

Hai ta bên trời đứng lặng im
Hoài niệm chôn sâu ký ức
Chiêm bao có bao giờ là thực
Vương vấn chi nhau ảo tưởng xa xưa.

Ngày đó hai ta buồn tiễn đưa
Sân ga vắng bóng ai từ biệt
Thời điệp-vàng rụng rơi vội vã
Chiều nghiêng đưa từng giọt lệ buồn.

Vết thương người ai vội đem chôn 
Tháng tư mỏi mòn chân bước
Chỉ còn lại tôi với trời buồn
Đem treo ngang mặt trời buổi trước.

Tương-tư đêm ngày xuôi ngược
Đau đớn dài xót cuộc tình-nhân 
Kể từ tháng tư tôi mất em luôn
Hơn nữa đời quắt quay tìm dĩ-vãng.

Hơn bốn mươi năm sông dài biển rộng
Khi quay về đám táng cuộc trăm năm
Giữa chợ chiều một hình một bóng
Quay lưng đi quên hết dặm bụi trần.

Đã chết lúc ra đi ơi Quảng-Trị
Đường xưa thôi chết mộng tuổi xuân thì


Quảng-Trị, em về cho kịp giêng hai

Em thả tóc bay bên sông 
Đứng bạc lòng theo từng cơn gió
Chuyến đò xưa giờ đã ngủ quên
Giêng hai về em còn cầm giữ.

Quảng-Trị và những chiều tháng chạp
Mắt ai chiều buốt lạnh đìu hiu
Gởi theo hàng cây đường tiếc nhớ
Bước chân xưa quạnh quẽ cuối ngày.

Gởi lại tim cho em, sân ga
Câu hẹn hò thôi vĩnh-biệt
Mùa xuân đi mãi không về
Mấy mươi năm xa hoài nỗi nhớ.

Em thơ ngây mang trái tim của Chúa
Bảng lảng hồn rụng đổ hồi chuông
Để tôi đớn đau quê nhà từ đó
Vết thương xưa chưa khép hết lời nguyền.

Tôi dấu tình tôi kiếp lưu-đày
Lênh đênh con thuyền bão tố
Thương em nơi xứ lạ buồn vui
Trời lạnh, phong vàng thay lá.

Gọi người về hạ xuân em cầm giữ
Trong mắt còn dấu lệ trăm năm
Tôi gởi người mối tình xưa cũ
Giữ trong tôi một ký-ức buồn .


Cuối năm về chợ Bến Đá 

Cuối năm chợ quê quạnh hiu
Bến sông trơ vơ đám cỏ
Lung linh giọt nắng phai chiều
Con đường mọc dài nỗi nhớ.

Những mái nhà xanh-rêu-phủ
Xám lạnh giăng mắc sương mây
Người đi,người đi ừ nhỉ
Để gió buồn ngang trên cây.

Hiên nhà nở chùm vạn thọ
Mùa xuân tết quay trở về
Vườn nhà tháng giêng xanh lá
Áo xưa ai chiều đem phơi.

Ngỡ ngày thoáng qua quá vội
Chén rượu trên bàn còn đầy
Sao người đi mà không nói
Cuối năm ở lại mình tôi.

Liêu xiêu dăm ba hàng quán
Chợ quê dài thêm tháng năm
Cuối làng bước chân gánh nặng
Bóng nhỏ cô-đơn chặng đường.

Muộn rồi ai đứng chờ xuân
Ai trông người ngoài lộ vắng
Xa xôi hơi thở ngập ngừng
Người rồi chắc giờ quên hẳn.

Chuông chùa canh khuya gióng đổ
Khuất mờ ruộng mía nương dâu
Chừng như xuân qua đầu ngõ
Khói loang câu hát mong chờ.

Em còn sợi chỉ mong manh
Người đi bỏ quên áo mới
Tôi treo tình tôi trên cành
Bến  Đá cả đời mong đợi.
(Chợ quê rớt bóng chiều sông)


Ngày qua Lao-Bảo

Mưa dầm đi qua cuối ngày
Bên đường đâu đây sót lại
Mộ người quạnh-hiu sớm mai.

Lao-Bảo mùa này gió Lào
Chuyến xe luồn qua cửa khẩu
Sáng chiều tiếng gọi lao xao
Một mình qua Viêng, Pakse'.

Em sang sông về bến cũ
Cuối năm đường 9 ngày xưa
Tình ở lại chiều Quảng-Trị
Gió quất lạnh căm mặt hồ.

Bao lần lên chợ chờ em
Xe qua sao không dừng lại
Tôi lặng bóng ở bên đường
Trái tim đêm chao nỗi nhớ.

Tháng ngày đi qua Lao-Bảo
Áo ai bỏ lại bên cầu
Khe-Sanh chín vàng đời nhớ
Nơi xa ơi em có nghe.

Ừ thôi tôi ở Làng Vây
Mộ cũ người xưa còn đó
Sương gió níu người ở lại
Mộ người xanh cỏ hôm nay.

Đường chín em về với tôi
Mùa xuân bây giờ hoa nở
Gởi hôn môi cùng với gió
E ấp trao tim một người ./.

                    Huy Uyên
                       (2017)
READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN

ĐỌC “VÔ QUÁI NGẠI” TẬP THƠ LÊ VĂN THANH - Châu Thạch





ĐỌC “VÔ QUÁI NGẠI” TẬP THƠ LÊ VĂN THANH
                                                           Châu Thạch
               
Cầm tập thơ của tác giả Lê Văn Thanh trên tay, cái tựa đề của tác phẩm thật khó hiểu đối với nhiều người: Vô Quái Ngại. Vậy vô quái ngại là gì? Đó là một cụm từ nằm trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, một kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo, được hiểu đại khái “Vô” là không, “quái ngại” là chướng ngại. Vậy “vô quái ngại” là không còn chướng ngại, là ở trạng thái tâm không bị ngăn trở bởi  bất cứ hiện tượng và tâm lý nào, nên không còn vướng bận, nghi ngại hay sợ hải bất cứ điều gì xảy ra ở ngoài đời hay chính trong lòng mình. Từ đó tâm hết vô minh, hết nghi ngờ, an nhiên tự tại, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh hạnh phúc là Niết Bàn.
Tất nhiên, đặt tựa đề tác phẩm của mình như thế, nhà thơ Lê văn Thanh không tự cho mình chứng được cảnh giới ấy mà ông chỉ muốn hướng tâm linh của mình về mục đích của đạo pháp, bày tỏ một chân lý sống thiện lành giữa cuộc đời đầy dẫy ta bà và nhiểu nhương nầy. 
Tập thơ có hầu hết là Đường thi và một số ít bài theo thể thơ khác, viết về nhiều đề tài trong cuộc sống. Tất nhiên một tập thơ như thế không dễ gì cuốn hút được nhiều người đọc. Nếu người đọc không có chút khiếu văn chương, không sâu nhiệm trong cuộc sống và hời hợt với triết lý đạo Phật thì tất nhiên không hứng thú với tập thơ nầy. Tuy nhiên, nếu ai đọc và cảm nhận được thì sự tâm đắc sẽ đưa ta vào khu rừng cây cao bóng cả của văn chương, dẫn dắt ta đến nhưng lâu đài lung linh của trí tuệ ẩn trong  không gian yên tỉnh cúa thiền, thụ hưởng thứ thời gian êm đềm trôi của tâm trắng trong và thanh tịnh.
Ta hãy đọc bài “Vô Cầu” để hiểu cái tâm Vô Quái Ngại của nhà thơ:

Phong trần tạm trú đến rồi đi
Vô niệm tuỳ duyên tiếc nuối gì
Cay đắng ngọt bùi tuỳ khẩu vị
Được còn thua mất để tâm chi
Ánh hồng chiễu rọi trời tươi sáng
Bóng tối bủa vây đất thẩm sì
Không có có không như thị hiện
Mê mờ chấp trước hoá tham si
                              (Vô Cầu)

Theo Phật pháp tâm “vô niệm” không phải là tâm không có suy nghĩ, không có tư tưởng. Tâm vô niệm là cái tâm mà tư tưởng, suy nghiệm không dính vào ô dơ của trần gian. Bài thơ  “Vô Cầu” cho ta thấy chân lý là sự tự nhiên được diễn biến tuỳ theo duyên mà có. Vị cay đắng hay  sự được thua, ánh hồng hay bóng tối là vô niệm, nghĩa là nó trong sạch mà xuất hiện khi có, khi không tuỳ duyên của nó. Nếu con người “tiếc nuối”, tức là khởi động cái tâm phàm,  tức là bị “quái ngại”, tức là “niệm”. “Niệm” như là gởi sự ô dơ của thế gian vào môi trường tinh khiết, thì tức khắc “Mê mờ chấp trước hoá tham si”. 
Không chỉ dùng Đường thi để bày tỏ ý nguyện tu tập của mình, nhà thơ Lê Văn Thanh cũng gởi tâm tình của mình vào câu lục bát:

Lòng trần đón gió hư không
Đường trần vô ngại suối dòng như như
Cõi trần sạch bóng phù hư
Tây phương: Suối đó – Thuyền từ tiêu diêu
Đất trời đâu chốn hoang liêu
Tâm bình ý tịnh: Sớm chiều chùa đây
Gió yên biển lặng quang mây
“bát phong bất động” phương tây: Tâm thường
                                       (Lời vọng hư không)

“Hư” nghĩa là không có thật, “không” nghĩa là trống. Theo thuyết nhà Phật nếu bạn hiểu về sự hư không thì tâm hồn bạn sẽ thanh thản, lúc đó đường trần của bạn sẽ ‘”vô ngại suối dòng như như”. Chữ “như như” có thể hiểu là chân như, là sự giác ngộ. Bài thơ cho ta biết chùa không ở đâu xa, nó ở ngay trong tâm bình tịnh của ta. Khi ta có tâm bình tịnh thì “bát phong bất động” tức là tám ngọn gió thăng trầm của cuộc đời ngưng thổi. Tám ngọn gió đó chia làm bốn cặp: Hưng thịnh, lợi lộc, suy sụp và điêu tàn. Khi tám ngọn gió bất động thì ta có “tâm thường” tức là tâm an lạc.
Tập thơ còn nhiều bài thơ tải đạo, giúp cho người đọc sâu nhiệm thêm về pháp môn tu tập. Nhờ lời thơ cô đọng giáo lý, người đọc có tiền duyên dễ dàng hiểu qua trực giác như “kiến tánh”, nhưng không phải “kiến tánh thành Phật” mà thành con Phật. Ngoài những bài thơ như thế, tập thơ còn có những bài thơ khác tưởng nhớ đến quê hương, đến kỷ niệm trong đời, đến nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tất cả đều tiềm ẩn, mang mang cái phong cách sống “vô quái ngai” buông bỏ được cái tâm bất tịnh, tạo nét đẹp cuộc sống bàng bạc trong thơ một khung đời an tịnh.
Hãy đọc bài thơ “Nhàn Ca” để thấy niềm vui thanh khiết trong tâm hồn:  

Trăng non chớp mắt hoá trắng già
Thấp thoáng song ngoài bóng ngựa qua
Mượn chén lưu linh mời Đế Thich
Ngâm thơ Lý bạch ngắm hằng Nga
Thanh minh ý đạt tình non nước
Hạ chí thi thành thứ gấm hoa
Thu liễm hàm tàng muôn sự sống
Mầm xuân đông tận dậy hoan ca
                              (Nhàn Ca)

Đọc bài thơ ta thấy trong vế mở, hình ảnh vô thường diễn ra chớp nhoáng. Vậy thì các vế thơ sau phải buồn lắm. Nhưng không, nhà thơ đã vẽ vào bức tranh những cảnh sắc bốn mùa thanh trong và tươi đẹp, gíán tiếp bày tỏ sự hoá giải trong tâm hồn mình, biến sự buồn thành niềm vui thanh khiết.
Bài thơ “Tiêu Dao” của tác giả là bản hoà điệu linh hồn phật tánh trong cõi vô vi của Lão giáo:

Tâm hư hành giả xả căn trần
Ý thức vô môn hết thở than
Nhất hấp đất trời thôi chuyển hoá
Nhất hô vạn pháp chẳng hư hàn
Đường về bản thể hoà non nước
Tự tánh Bồ Đề nhập gió trăng
Dòng sống vô thường như thị hiện
Tiêu dao tự tại với mây ngàn.
                     (Tiêu Dao)

“Tự tánh là Bồ Đề” nhưng không về cõi Tinh Độ, không bay đến cõi Niết Bàn” mà lại “hoà non nước”, “nhập gió trăng’’ “Tiêu dao tự tại mây ngàn” nghĩa là tan vào trong vô vi trời đất. Bài thơ cho ta một quan niệm sống hay một triết thuyết “nhị giáo” vừa sống đạo của triết gia vừa đầy chất lãng mạn của tâm hồn người thi sĩ. Ở lối sống nào thì phong cách cũng thoái mái, buông bỏ trần gian, êm ái bay cao bay xa đến một chân trời im lặng siêu việt. 
Ẩn hiện trong thơ của Lê Văn Thanh, một tâm hồn chưa đầy thi phong, tồn tại trong trời đất mông lung hương sắc và mộng mơ. Sự hưởng thụ của thi nhân trong cuộc sống nầy nó cũng thanh khiết như con bướm hút mật, mật chứa trong lẽ đạo tuyệt vời, và lẽ đạo tuyệt vời tạo nên một tình bác ái yêu thương tha nhân:

Trước thềm thi lão ngắm quỳnh hoa
Trăng toả vườn khuya ngan ngát và
Tứ lộng từ chương khai cú đẹp
Tâm tình ý mãn nhạc hoan ca
Không gian bất niệm thời gian định
Pháp giới vô ngôn thế giới hoà
Xuân hạ thu đông đồng nhất quán
Trẻ gà tật bệnh bạn bè ta 
                      (Lạc Thọ)

Qua thơ ta thấy người thi lão ngắm hoa trong vườn trăng. Hoa và trăng làm nên thơ. Thơ ấy có tứ và ý nằm trong bất niệm và vô ngôn của một thế giới an hoà bốn mùa đồng nhất. Rồi từ cái tất cả đó nẩy sinh tình yêu vĩ đại trong câu thơ kết : “Trẻ già tật bệnh bạn bè ta”. Bài thơ từ một đoá Quỳnh Hoa, cho ta hưởng cái lạc thú lồng lộng giữa trời, trong sự thanh tịnh lắng đọng tâm hồn và trong thứ tình yêu vô đối phát sinh trong lòng. 

Nói chung thơ lê Văn Thanh không phải là thứ thơ dễ hiểu. Không dễ hiểu vì nó là sự tích tụ, sự cô đọng lời dạy con đường tìm chân lý của Phật. Thế nhưng thơ ấy cần thiết cho cuộc đời, để thanh lọc tâm hồn, để hướng dẫn nguyên tắc sống, để nâng cao nhân cách làm Người viết hoa, chưa nói đến sự ngộ đạo, đạt đạo là cái cao xa. Nói thế không có nghĩa là tiếng thơ “Vô Quái Ngại” khô khan. Nếu bạn đọc không chịu đọc thì thôi, nhưng nếu chịu đọc thì ta hành hương đến một miền cổ tích, với biết bao vẽ đẹp thâm thuý, kích tích trí tò mò, mở rộng kiến thức và cho ta như hít thơ thoả lòng những cơn gió mát đầy hương
Tập thơ có cả trăm bài thơ, người viết chỉ lướt sơ qua năm bài thơ chưa phải là hay nhất. Mong rằng người đọc sẽ tìm được cho hồn mình nhiều phút giây an vui hơn cả sự thư giản khi đi vào vườn thơ của tâm hồn Lê Văn Thanh ./.

                                                                            Châu Thạch 

READ MORE - ĐỌC “VÔ QUÁI NGẠI” TẬP THƠ LÊ VĂN THANH - Châu Thạch

QUA ĐAN PHƯỢNG NHỚ QUANG DŨNG - Nguyễn Khôi




Lời thưa: Ngày 5/4/Đinh Dậu (1/4/2017) Nguyễn Khôi cùng "mẹ đĩ" & mấy người bạn thơ Hà Thành lên lễ hội đền Hát Môn tưởng niệm ngày tuẫn tiết của Hai bà Trưng... chiều ghé thăm Đan Phượng, lúc ngồi ở đình Đại Phùng may mắn được bà Thủ từ tiếp chuyện, cho biết: Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) là con trai cụ Tổng Phùng (cụ ông là Bùi Đình Khuê, mất năm 1942, cụ bà họ Trần/ quê Hải Phòng), nhà cạnh chợ ở bên con đê Hiệp (Đan Phượng/ Phùng- Hà Đông) là Đại lý (buôn bán) gạo, muối... Nhà có 3 anh em trai : anh cả Bùi Đình Đan/ sau 1955 làm nghề Lò gạch. Trai thứ hai là Nhà thơ Quang Dũng (tên khai sinh là Bùi Đình Dậu, nhưng khi đi học vì thiếu tuổi phải lấy giấy khai sinh anh con nhà bác là Bùi Đình Diệm (còn cụ Diệm thật thì lại mang tên Dậu, sống ở Đan Phượng). Trai thứ ba là Thiếu tướng (2 sao) Bùi Đình Đạm (1926-2009) của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nguyên cựu Đại tá Giám đốc Nha động viên, cựu Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 7 QLVNCH trước 30/4/1975, sau 1975 sang sống ở San Jose - Hoa kỳ. Hồi Kháng chiến 9 năm, cụ Tổng bà ở quê Đan Phượng/ vùng Quân Pháp/ Bảo Đại chiếm đóng, cụ thường than thở "anh em đứa bên này, đứa bên kia , giữa trận mạc nếu gặp nhau sao mà nhận mặt ?"... Năm 1954 cụ Tổng bà và gia đình di cư vào Sài Gòn... Hồi 11/12/1947 vợ Nhà thơ sinh con trai đầu lòng (ở hậu địch) cụ Tổng bà đi làm giấy khai sinh cho cháu nội, lấy luôn họ bà là Trần Quang Dũng... khi Nhà thơ đi Tây Tiến nhớ con, trong bài "Đôi mắt người Sơn Tây" có câu : Mẹ tôi, em có gặp đâu không ?/ Bao xác già nua ngập cánh đồng, Tôi có đứa con còn bé dại/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !
  Đó cũng là lý do của Nhà thơ lấy tên con trai là Trần Quang Dũng làm "bút danh"... sau này Ông phải đi làm lại giấy khai sinh cho con trai là Bùi Quang Vĩnh (Nhạc sĩ / giảng viên Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), cũng có người lý giải : Quang Dũng là lấy cảm hứng từ nhân vật "Dũng" của Nhà văn Nhất Linh/ bạn của nhà thơ...
 Ôi,"Nam - Bắc phân tranh" đến nay đã 42 năm, Nguyễn Khôi cũng đã sang tuổi 80, nhân lên thăm Đan Phượng/ Phùng... hoài niệm dĩ vãng có đôi dòng cảm tác:


               Nhà thơ Quang Dũng


QUA ĐAN PHƯỢNG NHỚ QUANG DŨNG
      "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói"
                       
Ao làng... Phượng tắm ngời Đan Phượng
Phượng Hoàng tung cánh cõi Ca thi
"Tây Tiến" hồn trai lên hùng tráng
Pha Luông chiều ngợp nắng Ba Vì...       
                      
Người đi như thể không về nữa
Sông Đáy nguồn quê cạn trơ dòng
Sáo diều đã "bặt" trời thương nhớ
Xứ Đoài mây trắng mãi bâng khuâng...
                      
Ai đã quên  chăng mùa chinh chiến ?
Đôi mắt Sơn Tây ráo hoảnh rồi
"Nam - Bắc phân tranh" đường hai ngả
Anh em tình nghĩa cũng chia phôi !
                      
Bảy chục năm rồi, ôi xương máu
Còn mãi Non Sông một Tình Thơ
"Tây Tiến" -(Quang Dũng) sao chưa "tên đường " nhỉ ?
Để chiều Đan Phượng cứ ngẩn ngơ.
              
        Đan Phượng, chiều 1/4/2017
                NGUYỄN KHÔI

READ MORE - QUA ĐAN PHƯỢNG NHỚ QUANG DŨNG - Nguyễn Khôi