HỒN THƠ CẨM THỦY QUÊ TÔI
(Đọc tập “Hồn thơ Cẩm Thủy”của Câu lạc bộ thơ thị trấn Cẩm Thủy-2010)
MAI THANH
Đây là tập thơ của 16 tác giả thơ Cẩm Thủy quê tôi. Với lòng mến yêu, niềm tự hào và với thái độ trân
trọng, tôi xin phép được nhắc tên các
nhà thơ – các tác giả của tập “Hồn thơ Cẩm Thủy” sau đây: Lê Tiến Khoát, Tạ
Châu, Nguyễn Hữu Ưởng, Lê Huy Dậu, Đinh Hữu Tấn, Hoàng Nam Hương, Nguyễn Khang,
Nguyễn Quỳnh Tâm, Phạm Đắc Bẩu, Tạ Thu Nhuần, Nguyễn Đình Tiếu, Đỗ Văn Dạng,
Lưu Thanh Hóa, Hoàng Thị Thao, Hoàng Xuân và Nguyễn Quang Dinh. Tập thơ gồm
khoảng 100 bài với nội dung vô cùng phong phú và hình thức hết sức đa dạng. Có
thể nói khái quát: Đó là cảm xúc về quê hương yêu dấu, về gia đình thương yêu, về cuộc đời người lính,
về cuộc sống tuổi già, về kỷ niệm một thời xuân sắc, về đất nước quang vinh và
Bác Hồ vĩ đại…Khái quát như vậy hẳn là còn thiếu, song đó là khái quát cơ bản
mà chúng ta có thể dễ cảm nhận ở tập
thơ này.
Quê hương được thể hiện thật là màu, muôn muôn vẻ: Một cảnh
quan đẹp, với núi Cửa Hà soi dòng sông Mã, nhưng đói nghèo cứ níu bước chân
quê. Song cũng giống như các miền quê khác, từ đói nghèo, quê hương đã anh dũng
vùng lên, như Nguyễn Đình Thi, trong bài thơ “Đất nước” có câu “Rũ bùn đứng dậy
sáng lòa”, quê hương chiến đấu anh dũng, được phong tặng danh hiệu anh hùng lực
lượng vũ trang, rồi đổi mới đất nước, cuộc sống nhà nhà đổi thay, người người phát
triển. Chúng ta có thể cảm nhận được đều đó ở nhiều bài của tập thơ, chẳng hạn,
nhà thơ Lê Tiến Khoát viết:
Bức tranh quê đẹp tuyệt vời
Hai bờ sông Mã vườn đồi mênh mông
Sau ngày cách mạng thành công
Như chim được thoát khỏi lồng nhởn nhơ
(Quê tôi)
Cũng gặp nhau ở cảm xúc ấy, nhà thơ Tô Châu viết:
Thống nhất non sông rộn tiếng ca
Quê hương đổi mới đẹp muôn nhà
Hòa bình thống nhất vui Nam-Bắc
Cuộc sống đi lên thắm sắc hoa
(Tổ quốc tôi)
Tình cảm gia đình là một mảng đậm nét của tập thơ. Nhiều
điều đáng nói về mảng thơ này.Tuy nhiên, các nhà thơ thể hiện cảm xúc nổi bật
là sự chăm lo về đạo đức và về trí tuệ cho con cái. Với “Tiếng lòng của mẹ”,
nhà thơ Tạ Thu Nhuần nói với con mình:
Năm qua, tháng lại mỏi mòn
Gian nan vất vả nuôi con lớn dần
Ầu ơ, nước mắt trong ngần
Mẹ chan ngập cả mọi phần hẩm hiu
Giờ đây tuổi đã xế chiều
Những mong con nhớ những điều mẹ răn
Đó là lời mẹ răn con về mặt đạo đức; còn chăm lo cho con về
mặt trí tuệ, thì nhà thơ Đỗ Văn Dạng khuyên con phải “học, học nữa, học mãi” và
thực tế, những lời khuyên đó đã đạt mục đích là con bảo vệ thành công luận án
thạc sĩ toán học:
Ông: Tú tài chữ nho
Cha: Cử nhân toán học
Phận nhà nhờ có phúc
Con hơn cha, hơn ông
(Hương Mùa Thu )
Đó cũng là tâm tư của nhà thơ Nguyễn Quang Dinh:
Đời con tiến vượt đời cha
Đời con nối dõi ông bà tổ tiên
(Tâm tư tuổi già)
Cuộc đời người lính trong tập thơ thể hiện khá rõ ở hai nhà thơ Nguyễn Hữu Ưởng và Đinh Hữu
Tấn. Nguyễn Hữu Ưởng có cảm xúc “Hoa sữa cổng trường” về ngày tiếp quản thủ đô;
“Đêm đông” về tình cảm vợ chồng người lính; và “Từ trong ký ức” về sau ngày đại
thắng trở về:
Ngày về thống nhất non sông
Ngày về rực rỡ cờ hồng quê hương
Ngày về thăm lại chiến trường
Ngày về em vẫn yêu thương đợi chờ
(Từ trong ký ức)
Góp cho mảng thơ này, nhà thơ Đinh Hữu Tấn bộc lộ tình
thương đồng đội qua “Khóc Ánh”; sau chiến tranh, người lính nhìn Tổ quốc qua
bóng cơ đỏ sao vàng rực rỡ (Nhìn); đặc biệt, Đinh Hữu Tấn – một sĩ quan quân
đội chiến đấu trên đảo Hòn Mê (thuộc vùng biển Thanh Hóa) đã nhân cách hóa hòn
đảo này như một người con gái kiên cường và đa cảm:
Đêm trăng lên tha thiết bồi hồi
Chim “chóp bóp” hay em thầm gọi bạn
Trắng cánh Hải âu xanh trời Lạch Bạng
Chiếc buồm ai nhớ chuyến thư ra
Hòn Mê ơi! Anh viết bài ca
Trao lại cho em trái tim trọn vẹn
(Hòn Mê – anh yêu em)
Cuộc sống tuổi già
được tập thơ thể hiện trong niềm hào hứng sống vui, sống khỏe, sống có
ích. Ở mảng thơ này, chúng ta gặp lại hai hồn thơ Lê Tiến Khoát và Tô Châu. Nếu
như nhà thơ Lê Tiến Khoát thấy mình vẫn
còn xuân:
Râu dài, tóc bạc vẫn đương xuân
Điệu nhạc, vần thơ vẳng tiếng ngân
Năm tiếp thêm năm nâng tuổi thọ
Bệnh lui, bớt bệnh lãng quên dần
(Vẫn còn xuân)
Thì, nhà thơ Tô Châu lại tự vấn mình:
Dù còn mệt mỏi nên ra sức
Phấn đấu vươn lên sống đẹp đời
Luyện tập thường xuyên cho lại sức
Duy trì nếp sống vẫn vui tươi
Tròn trăm có lẽ, hay hơn nữa
Tuổi thọ nâng lên, tự quyết thôi!
(Tự vấn)
Cùng với mạch cảm xúc của hai nhà thơ trên, nhà thơ Lê Huy
Dậu có “Hoa đường đời” cũng hồ hởi, hào hứng tuổi già:
Dù cho tóc cứ bạc dần
Hăng say, năng động, tinh thần sáng trong
Hoài niệm tình yêu ở tuổi đã về chiều là một mảng thơ đáng
được kể đến. Nhà thơ Phạm Đắc Bẩu từ thuở còn trẻ, đến nay dẫu đã già, vẫn thầm
yêu một người con gái nào đó:
Thầm yêu chẳng dám nói ra
Chất dồn bao nỗi xót xa trong lòng
Chờ lâu em phải lấy chồng
Tim anh vẫn ngỏ ngăn hồng cho em
Bên nhau mà vẫn nhịn thèm
Bao nhiêu nụ thắm đã đem vào đời
Bây giờ trăng cận chân trời
Vẫn chưa nói nổi một lời thương nhau
(Thầm yêu)
Người đọc rất cảm động khi cùng nhà thơ Nguyễn Đình Tiếu
tiếp cận với một vợ liệt sĩ, đúng hơn là một hình tượng vọng phu, trong thơ
ông. Người vợ liệt sĩ ấy sống góa bụa suốt cả đời mình cùng với người con gái:
Mỗi khi nghe gió trở mùa
Trăng khuya một nửa lặng ùa vào tim
Áng mây vừa nổi, vừa chìm
Em thành bà ngoại dõi tìm bóng anh
(Dõi tìm bóng anh)
Về đất nước quang vinh , về Bác Hồ vĩ đại được các tác giả
tập thơ thể hiện khá rõ nét. Nhà thơ Nguyễn Khang có “Tự hào đất Cẩm” như là
một bản anh hùng ca về Cẩm Thủy quê ta. Đó cũng là hình ảnh chung của những đơn
vị hậu phương anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Nhà
thơ còn có “Chúng con nguyện theo lời Bác” với lời thơ thật sự xúc động:
Ra đi về với tổ tiên
Đất nước mất vị thánh hiền – Xót đau
Chúng con và lớp mai sau
Nguyện theo lời Bác khắc sâu tên Người
Cùng với nhà thơ Nguyễn Khang, nhà thơ Nguyễn Quỳnh Tâm có
“Mùa thu Tháng Tám” cũng bộc lộ rõ niềm hân hoan và đầy tự hào dân tộc:
Nhìn trời cao, nhìn lên chiến thắng
Trưa ba mươi tháng tư
Trưa đi vào lịch sử
Trưa ngàn năm nhớ mãi
Trưa hào hùng trong giây phút thiêng liêng
Hoàng Nam Hương trong “Tháng năm nhớ Bác” thể hiện tấm lòng
nhà thơ đối với Bác:
Tấm lòng bác ái sẵn sàng
Khoan dung độ lượng chẳng màng công danh
Suốt đời áo vải mong manh
Ấm no hạnh phúc Bác giành cho dân
Ngoài những mảng thơ nêu trên, bạn đọc còn bắt gặp những bài
thơ theo ý tưởng riêng lẻ đầy chất thi ca, với nội dung cũng như hình thức làm
bạn đọc xao xúc động, xao xuyến. Chẳng hạn: Hoàng Thị Thao có “Chị Xuân ơi! Tôi
đã sẵn sàng” ca ngợi một nữ giáo viên hy sinh vì bom đạn Mỹ trong giờ lên lớp
và lời hứa của người còn sống đối với người đã khuất; Hoàng Xuân với “Núi Cửa
Hà”; “Lên vùng Cẩm Thủy” cảm xúc về sự đổi thay của Cẩm Thủy quê mình; Lưu Thanh Hóa với “Ta đến với
rừng” nói về tình yêu rừng cũng tức là yêu thiên nhiên, yêu quê hương giàu đẹp…
Còn có thể viết dài hơn nữa về tập thơ này bởi tính phong
phú và đa dạng của nó. Song, một bài giới thiệu cũng không nên quá dài, mà chỉ
vừa đủ gợi ý để người đọc tự cảm nhận khi tiếp cận tác phẩm. Xin chân thành cảm
ơn quê hương, cảm ơn các nhà thơ quê hương đã cho tôi cơ hội được bày tỏ lòng
mình với quê hương, với các nhà thơ quê hương qua bài viết nhỏ này.
Tôi chân thành chào mừng tập thơ ra mắt bạn đọc và chúc mừng
thành công của các tác giả về sản phẩm tinh thần này. Vô cùng thân mến chúc các
nhà thơ quê ta sống vui, sống khỏe, sống
có ích và luôn sáng tạo thi ca với bút lực tràn đầy thi hứng để độc giả lại
được đọc những tập thơ tiếp theo với chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa.