Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 14, 2013

CHUYỆN VỀ MỘT OSIN THỜI HIỆN ĐẠI - Nguyễn Hồng Trân

               


Tôi có một nhà bà con ở phường Phương Mai Hà Nội có thuê một Osin về giúp việc nhà. Cô Ôisin này tên là Lê Thị Thảo, một cô gái có duyên, hoạt bát, khoảng 23 tuổi. Cô chủ là Hồ Thị Song - một nhà kinh doanh bất động sản có hạng ở thành phố. Cậu chủ là Thái Lê Chiến - một tiến sĩ về công nghệ thông tin.

Sau khi đến tiếp xúc với chủ nhà, xem nhà cửa và biết được các yêu cầu cần giúp việc, cô Thảo đã nhận lời làm việc. Hai bên đã ký hợp đồng làm thử việc 1 tháng, sau đó nếu  không có ý kiến gì thay đổi thì giữa hai bên sẽ tỏa thuận một hợp đồng làm trong một năm.

Sau khi cô Thảo làm việc được một tháng, cô chủ cảm thấy rất hài lòng và chuyển sang làm chính thức theo hợp đồng với tiền thuê 2 triệu đồng/ mỗi tháng, và cho cơm ăn hàng ngày. Ôsin vui vẻ làm việc nhiệt tình. Cô cậu chủ cảm thấy mình chọn đúng người giúp việc có hiệu quả. Nhất là cô chủ rất hài lòng về Ôsin của mình. Ngoài việc nội trợ, chợ búa, vệ sinh nhà cửa ra cô ta còn chuyện trò, xoa bóp cho cô chủ rất dễ chịu. Mặt khác, Ôsin này còn giúp giảng bài được cho con gái của chủ nhà (đang học lớp 9) những môn về tiếng Anh, về Văn học… Cô cậu chủ thấy con gái mình rất quý chị Thảo và khen chị ấy giảng giải dễ hiểu thì cũng quý chị Thảo và coi Ôsin Thảo như con gái cả của mình. Chỉ có điều cô chủ không ưa gì về hai cái tật của Ôsin Thảo này.

Thứ nhất là hay nghe lỏm chuyện cô chủ bàn việc làm ăn kinh tế với chồng hoặc với khách đến giao dịch tại nhà cũng như qua điện thoại.

Thứ hai là sau bữa ăn, tất cả thức ăn thừa, Ôsin đều đổ cho chó ăn dù còn nhiều hay ít. Cô chủ là người xứ Nghệ vốn có truyền thống tiết kiệm, nên khi thấy như thế rất xót ruột nói nặng lời với Ôsin: “Mày thật lãng phí, đã phận nghèo đi giúp việc nhà người ta mà còn làm sang! Con nhà lính mà tính nhà quan!”.

Nghe cô chủ mắng như vậy, Ôsin cũng chẳng sợ mà mặt cứ tỉnh bơ rồi vui cười và nói ngay: “Cháu xin lỗi cô, vì cháu quen cái tật đó rồi, từ giờ cháu sẽ không thế nữa, cô cứ yên tâm. Nếu cô chú muốn cất thức ăn thừa lại hôm sau dọn ra thì cô chú ăn, còn cháu sẽ không ăn đâu”. Cô chủ trố mắt ngỡ ngàng khi nghe Ôsin nói vậy và bực bội thốt lên:

“Trời ơi, mày là công chúa chứ không phải là một Ôsin nữa! Mày kiếm đâu ra cái học giả làm sang đó chứ? Thật buồn cười cho mày đấy!”.

Cô bé Ôsin vẫn tươi cười giải thích:

“Bởi vì nghe ông bà, bố mẹ cháu nói rằng, ăn lại của thừa thì xui xẻo lắm, không trước thì sau sẽ lụn bại cơ đồ. Thực tế có nhiều nhà như thế cô ạ. Vì vậy, khi dọn thức ăn ra bàn không nên dọn nhiều mà dọn vừa thôi, nếu Thiếu ta bổ sung tiếp thì khỏi bị thừa nhiều ”.

Cô chủ im lặng giây lát rồi nói:

“Ừ thôi được, sau này mỗi lần mày dọn thức ăn ra bàn thì nên dọn vừa phải thôi. Nếu Thiếu thì lấy thêm, có dư thừa đổ đi không tiếc. Phải biết tiết kiệm con ạ!”.

Ôsin vui vẻ cười rồi nói ngay:

“Con xin chấp hành mệnh lệnh cấp trên!”.

Thấy người giúp việc ngoan ngoãn nghe lời, bà chủ cũng vui vẻ cười theo. Có lần cả hai ông bà chủ thấy cô bé Ôsin xinh tươi dễ thương, với lại được con gái mình quý mến, thân tình nên cũng tâm sự chuyện trò hỏi han:

“Này Thảo ơi! Trông mày thông minh, xinh xắn sao không học cho đến nơi đến chốn để sau có tương lai nghề nghiệp ổn định cuộc sống có phải hơn không? Sao mày lại đi làm Ôsin vất vả chẳng có tiền đồ sáng sủa chút nào, rồi lấy chồng làm sao được?”.

Nghe vậy Ôsin Thảo cười hồn nhiên và nhìn ông bà chủ nói:

“Cháu xin cám ơn cô chú đã quan tâm đến hoàn cảnh của cháu. Nhưng thời bây giờ học xong ra có xin được việc đâu! Cháu thấy hiện nay có nhiều người như thế. Họ trở thành những kỹ sư, cử nhân “nằm chờ” vô thời hạn. Nhưng cháu nghĩ rằng “Sông có khúc người có lúc”. Cháu hy vọng là cháu sẽ có thêm một nghề nữa ngoài nghề làm Ôsin cô chú ạ ”. Cô chủ liển nói:

“Mày nói thật đấy chứ? Nếu có ý thức, tinh thần quyết tâm như thế thì cô chú cũng rất mừng cho tinh thần lạc quan của mày”.

Thấy vui vui Ôsin Thảo nói thêm: “Biết đâu sau này cháu lại làm kinh doanh thương mại giỏi như cô, cũng hái ra tiền không bằng cô thì cũng em em cô đấy”. Nói xong Ôsin Thảo cười dòn vang như trẻ con. Cô chủ cũng cười theo và nói luôn:

“Mày đừng có mà nằm mơ! Đừng có mà khoác lác hão huyền nữa con ạ! Mày tưởng làm kinh tế mà dễ à ? Tao phải học cật lực 4-5 năm trong trường Đại học. Sau đó còn học thêm thực tế ngoài đời bao nhiêu nữa mà còn chưa thấm vào đâu, huống hồ như mày…” .

Sau một năm giúp việc cho ông bà  chủ, Ôsin cảm thấy thoải mái và biết được nhiều điều và quý mến ông bà chủ tính tình thẳng thắn, cởi mở thông cảm cho tuổi trẻ làm nghề Ôsin. Và thời gian làm việc theo hợp đồng của Lê Thị Thảo cũng đã hết. Tết cũng sắp đến. Đã đến hạn thanh toán hợp đồng cho Ôsin Thảo, ông bà chủ trả tiền đầy đủ cho Thảo và còn thưởng thêm một bộ áo quần đẹp và một món tiền một triệu đồng. Thảo cảm động nói:

“Cô chú đối với cháu tốt quá, cháu xin nhớ ơn cô chú. Khi nào cô chú cần giúp việc gì thì cứ gọi cháu đến nhé! Để thành tâm cám ơn cô chú trong thời gian qua giúp đỡ cháu nhiều mặt, cháu xin mời cô chú và em Diệu Linh vào ngày Chủ Nhật tuần này đến nhà cháu liên hoan thân mật để cho bố mẹ cháu biết mặt cô chú và cám ơn cô chú luôn”.

Nghe nói như vậy, ông bà chủ  đồng ý nhận lời.

Ngày Chủ nhật của tuần lại  đến, Lê Thị Thảo đã cùng với gia đình chuẩn bị xong bữa tiệc để đón ông bà chủ Song và Thái đến nhà mình liên hoan. Ôsin Thảo từ thị xã Bắc Ninh về Hà Nội bằng ôtô buýt để đón khách về nhà mình chơi. Qua điện thoại, cả nhà ông bà chủ cũng chuẩn bị sẵn sàng đễ lên chiếc xe con của gia đình đi chơi. Cô bé Thảo đến niềm nở chào mời cô chú rồi ôm chầm lấy em Diệu Linh thân thiết. Sau đó mọi người vào xe, ông chủ cầm lái và xe chuyển bánh lên đường.

Chẳng mấy chốc xe đã đến tận cổng nhà Thảo ở sát mặt đường chính. Xe dừng lại, mọi người ra khỏi xe nhìn phố xá nhà cửa. Cô chủ hỏi Ôsin Thảo:

“Đâu nhà mày đâu?”. Thảo nói ngay:

“Nhà em đây, mời cô chú và em vào”. Một ngôi nhà ngói 3 tầng khang trang đủ mọi tiện nghi và phía sau lại có vườn cây cảnh xanh tươi rất đẹp. Có thể nói là còn đẹp hơn cả ngôi nhà của ông bà chủ. Ông bà chủ quá ngạc nhiên và khó hiểu…

Sau khi vào cuộc liên hoan vui vẻ  với gia đình cháu Lê Thị Thảo mới biết bố  Thảo là một thương binh đã nghỉ hưu, mẹ  Thảo là một ca sĩ cũ của đoàn văn công quân đội về hưu. Bố mẹ Thảo có mở một cửa hàng ăn trong vườn nhà. Cửa hàng luôn đông khách và thu nhập hàng tháng cũng khá nên lo được cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Thảo là con thứ hai trong nhà. Thảo tốt nghiệp Đại học âm nhạc- bộ môn đàn tranh. Sau khi tốt nghiệp xong chẳng biết xin việc làm ở đâu cả nên cô bé không chịu ăn không ngồi rồi tốn kém cho bố mẹ. Cô tự đi xin làm người giúp việc ở Hà Nội mà cô bé cứ giấu giếm gia đình và nói là đi dạy kèm học trò để tạm thời sinh sống và tìm hiểu nơi xin việc làm ổn định lâu dài. Bố mẹ Thảo một năm qua cứ tưởng như vậy nên cũng yên tâm. Không ngờ bây giờ mới biết con đi làm Ôsin thật thương con và nể con vô cùng. Vì nó biết bố mẹ vất vả làm ăn nên nó phải chịu khó đi vào lao động thực tế để hiểu được cuộc sống cần phải làm thế nào mới đứng vững.

Sau khi liên hoan thân mật chuyện trò vui vẻ với cả gia đình cháu Thảo, cô chú Thái vui vẻ nói:

“Chúng tôi thật tâm phục, khẩu phục cháu Thảo đấy. Cháu đã tốt nghiệp Đại học rồi mà cứ tỉnh bơ chịu khó đi làm Ôsin cho người ta để đỡ khó khăn cho gia đình khi chưa có việc. Thế là giỏi, là một cô gái có bản lĩnh đấy”.

Chú Thái vừa nói xong rồi chỉ  sang bảo với con gái của mình:

“Này Diệu Linh, con thấy chị Thảo tuyệt vời không? Con lo mà học tập gương chị Thảo đó nhé”. Bé Diệu Linh tủm tỉm cười tươi nhìn bố mẹ và chị Thảo rồi nói: “Dạ vâng ạ, con xin noi theo gương chị ấy”. Bố mẹ Thảo cười vui, Thảo cũng cười theo rồi nói:

“Cháu đi thâm nhập thực tế tại gia đình cô để sau này chuyển chuyển ngành sang làm ăn kinh tế đấy cô chú ạ. Do vậy mà cháu cứ hay nghe lỏm chuyện bàn bạc làm ăn của cô chú để học hỏi …”.

Cô Song nghe vậy cười nói ngay: “Chà chà, cô bé cũng đáo để khôn ngoan đấy chứ! Chúc Thảo trong tương lai gần sẽ có nhiều niềm vui mới nhé!”.

Mọi người lúc đó đều cười vui và Thảo xin cám ơn lời động viên thân tình của cô Song. Thảo và cả nhà ra sân tiễn cô chú và em Diệu Linh lên xe về Hà Nội.

Nguyễn Hồng Trân 
(Cựu GV Đại học KH Huế)


READ MORE - CHUYỆN VỀ MỘT OSIN THỜI HIỆN ĐẠI - Nguyễn Hồng Trân

Châu Thạch - Đọc “CỌNG RƠM VÀNG”, thơ Võ Văn Hoa



CỌNG RƠM VÀNG

Anh về thăm nhà
Quê mình đang vào mùa lúa chín
Thơm cọng rơm vàng !

Anh qua xóm Làng
Đất ngấu bùn cuống rạ
Gánh thóc về muôn ngã
Em nói gì em ơi !


Anh đến Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc
Biển lúa vàng mênh mông
Chiền chiện, dế  mèn ngân lên khúc hát
Vỡ oà trong anh tuổi ấu thơ  hồng.


Anh thương từng cọng rơm
Ủ anh mùa động biển
Anh thương từng bát cơm
Mẹ độn nhiều khoai sắn


Con chúng ta hiểu mơ  hồ về xe đạp nước
Chưa hiểu thế  nào về đất gan gà
Chưa biết móng chân của mẹ, của bà
Chua phèn đóng váng. 


Anh về thăm nhà
Muốn em và con ôn từng kỷ niệm
Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận
Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.. 
                                            
22/04/2003
Võ Văn Hoa



Lời bàn:  Châu Thạch 

Người nghiện rượu khi thèm thì phải uống. Tôi không nghiện rượu nhưng lại nghiện đọc thơ có khác chi nghiện rượu. Khi thèm thơ tôi lên mạng và lướt web, tìm những bài thơ hay để nhâm nhi thưởng thức. Hôm nay, bài thơ “Cọng rơm Vàng” đập vào mắt tôi. Tôi dừng lại với bài thơ hơi lâu, rồi tôi bỏ qua, rồi tôi quay lại, Có cái gì bình dị trong bài thơ tưởng như bình thường lại níu kéo tôi, khiến tôi dần dần ngửi được hương thơm của cọng rơm vàng, nghe được tiếng kêu của chiền chiện, dế mèn và thấy được cả móng chân đóng phèn của mẹ của bà. Bài thơ nói về cọng rơm vàng, thì chính nó đã là một cọng rơm vàng . Đọc bài thơ tưởng thơ tầm thường như một cọng rơm, nhưng vàng ở trong thơ chẳng khác chi màu vàng của cọng rơm đồng nội: nhẹ nhàng, thơm tho, tinh khiết của gió của trăng, của làng quê yêu dấu.

 Có những thi sĩ làm thơ, dùng từ như dùng chiếc búa tạ, nhưng cũng có những thi sĩ như Võ văn Hoa, làm thơ dùng từ như dùng những cọng rơm, mà thơ vẫn đi vào lòng người.

Đọc ba dòng đầu, ta có thể tưởng như không phải là thơ, vì lời của nó dung dị mà ai cũng nói được:
                             
                Anh về thăm nhà
                Quê mình đang vào mùa lúa chín
                Thơm cọng rơm vàng!

Cái khác với người thường là thi sĩ đã dùng câu “Thơm cọng rơm vàng!” để sau câu “Quê mình đang vào mùa lúa chín”. Người ta thường đề cập đến mùa lúa chin với những câu văn như lúa vàng trĩu hạt, thơm ngát cánh đồng… chứ không ai chỉ thấy cọng rơm nhỏ nhoi. Thế nhưng ở đây tác giả đã nhấn mạnh cái tiểu tiết để nói lên cái toàn bộ. Tác giả dùng phương pháp mô tả ước lệ đến tối đa để người đọc hình dung được trong trí mình cả vụ mùa thu hoạch và cả niềm vui tràn ngập lòng người ở đó cũng như lòng người đang trở lại thăm quê. Nếu xem câu thơ “Cọng rơm vàng” như một bức tranh, thì đây là một bức tranh tỉnh vật chỉ vẽ có cọng rơm vàng, nhưng tác động của nó sống động, khiến ai nhìn cọng rơm cũng nghĩ đến vụ mùa, đến quê hương yêu dấu của mình.
 
Bây giờ mời đọc tiếp:
       
                Anh qua xóm làng
                Đất ngấu bùn cuống rạ
                Gánh thóc về muôn ngã
                Em nói gì em ơi!

Thật là hơi lạ khi đang tả cảnh nhộn nhịp vui mắt diễn ra giữa cánh đồng lại đột nhiên hỏi: “Em nói gì em ơi!”

Thế nhưng câu thơ “Em nói gì em ơi!” có dấu chấm than lại tỏ bày hết niềm vui nôn nao trong lòng tác giả. Niềm vui nôn nao sẽ được nhân lên nếu có người thân thương bên cạnh để thổ lộ ra gay,  Võ văn Hoa đã gọi em và tiếng gọi yêu dấu ấy đã làm cho vế thơ đầy ý nghĩa, bức tranh  cánh đồng mùa gặt linh hoạt mang cả hồn cảnh, hồn người quyện lẫn trong nhau.
 
Đoạn tiếp của bài thơ chỉ  tả những cánh đồng quê:

               Anh đến Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc
               Biển lúa vàng mênh mông
               Chiền chiện, dế mèn ngân lên khúc hát
               Vỡ oà trong anh tuổi ấu thơ hồng.

Vế thơ nầy cho biết tác giả đã ở lại lâu ngày  để thăm viếng quê hương. Anh đến những cánh đồng, nghe lại thanh âm quen thuộc của miền quê và tìm lại niềm vui của tuổi ấu thơ. Những cái tên Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc tuy ta không biết ở đâu nhưng vẫn thấy có gì thân thuộc, và chiền chiện, dế mèn thì mới nghe đã thấy ấm lòng. Ở vế thơ nầy tác giả đi sâu vào lòng nông thôn và đưa vào lòng người một khung trời êm ả bằng màu sắc, bằng âm thanh và bằng cả tiếng lòng mình, để rồi tiếp tục thổ lộ những yêu thương giữ mãi trong lòng:  

              Anh thương từng cọng rơm
              Ủ anh mùa động biển
              Anh thương từng bát cơm
              Mẹ độn nhiều khoai sắn


Nhớ và yêu thời gian khó, đó là tâm trạng chung của những ai người gốc nông thôn phải định cư nơi thành thị.

Dầu họ được hưởng tiện nghi nơi đô hội nhưng tìm đâu ra hoa đồng cỏ nội, trăng thanh gió mát cho tâm hồn yên tịnh và những dấu yêu cùng cha mẹ, anh em, dòng tộc. Võ văn Hoa cũng thế, anh không quên cọng rơm mùa động biển . Rơm có thể dùng để đốt lửa nấu cơm, sưởi ấm. Rơm cũng cõ thể dùng lót nằm trong những đêm đông giá rét. Rơm đã sưởi ấm thân thể người khi khó khăn và sưởi ấm lòng người khi kinh tế đã đầy đủ, dư thừa. Cọng rơm trong thơ Võ văn Hoa đã sưởi ấm anh suốt một đời, cho thân thể anh khi còn trẻ và cho tâm hồn khi lớn khôn và hiển nhiên cho đến khi già. Nhà thơ cũng nhớ đến bát cơm độn nhiều khoai sắn của mẹ. Ngày nay có lẽ những bát cơm đó đã trở thành bát vàng trong tâm tưởng, và cũng có lẽ không cao lương mỹ vị nào vượt qua được nó đâu, vì nó mang màu sắc của đất gan gà, hình ảnh của chiếc xe đạp nước và tình yêu thương của mẹ, của bà có móng chân đóng vàng chua phèn mà đời con anh không biết được:


                Con chúng ta hiểu mơ hồ về xe đạp nước
                Chưa hiểu thế nào về đất gan gà
                Chưa biết móng chân của mẹ, của bà
                Chua phèn đóng váng. 

Ở vế cuối, nhà thơ đồng hóa vợ và con vào chính bản thân mình khi viết: 

                 Anh về thăm nhà
                 Muốn em và con ôn từng kỷ niệm
                 Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận
                 Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.. 

Ở đây nhà thơ muốn nói anh sẽ ôn từng kỷ niệm của mình cho vợ con nghe, và vợ con cũng sẽ hoàn toàn đồng cảm với anh. Chữ “Ta” chỉ cả gia đình và “Ta lớn lên từ cọng rơm vàng” chỉ sự liên đới vật chất, tình thần của vợ và con với anh như một, mặc dầu họ “hiểu mơ hồ” quá khứ mà thôi.

Nếu ai đã từng một lần hưởng cơn gió mát thổi qua cánh đồng, từng một lần sưởi ấm bên bếp lửa rơm thì chắc không chê bài thơ nầy. Bài thơ nầy như hương vị cơn gió bay qua cánh đồng, ấm áp như ngọn lửa rơm bên bếp. Nó làm đẹp lòng ai thích miền quê và thích ngồi dưới mái tranh ngắm nhìn nồi cơm gạo lúa mới đang sôi ./.
                                                               
Châu Thạch

                      
READ MORE - Châu Thạch - Đọc “CỌNG RƠM VÀNG”, thơ Võ Văn Hoa

KHÚC NHẠC BUỒN - thơ Ngọc Tình



Anh nhé chia tay khúc nhạc này
Phòng trà êm dịu thoáng mê say
Người đi xa mãi hồn nghiêng ngả
Kẻ ở vắng rồi nến lắt lay
Nỗi nhớ chất chồng vương ánh mắt
Niềm thương đứt đoạn đọng chân mày
Duyên tình tan vỡ bờ môi héo
Buốt giá con tim bóng liễu gầy.

TN 6-2013
Ngọc Tình
READ MORE - KHÚC NHẠC BUỒN - thơ Ngọc Tình

TÌM ANH - thơ Ngọc Mai - vọng cổ Phan Kỷ Sửu



THƠ

Tìm anh tìm giữa ban ngày
Anh như  mây khói nhẹ bay ngang trời
Em về với bóng mình thôi
Soi gương đễ hiểu thành đôi thế nào ?

LÝ QUA CẦU

Tìm anh đêm vắng sao giăng trời
Anh là sương trắng hững hờ rơi vào hư ảo lặng câm
Tìm người yêu thương
Khi lòng em giá băng dâng đầy
Mà anh như thác cuốn trôi đi thì làm sau ngăn
Hun hút bóng chim bặt tăm
Mắt rưng rưng buồn tím chân trờì.

 VỌNG CỔ

1-Em mải miết đi tìm chỉ một hình bóng cũ, giữa đêm vắng trăng sao, đêm mịt mùng giăng lối sao anh cứ tan theo màn sương bạc như ảo ảnh mù khơi, như mây khói xa mờ… Em cố đuổi theo một chiếc bóng mơ hồ. Đêm vọng khúc tình buồn mênh mang quá, ai hiểu lòng mình đầy bóng tối cô đơn (-) Em cố tìm tận nguồn thác trào tuôn, rồi nhìn thác  cuốn theo bao kỷ niệm tình đầu. Đã xa rồi bao mơ ước thành đôi, ôm mặt khóc lên thôi trách trời không thương xót.

THƠ

Tìm anh muôn lớp sóng thưa
Anh như biển bạc cợt đùa thuyền yêu
Hắt hiu tia nắng ban chiều
Thuyền không bến đổ chịu nhiều bể dâu

2-Mình đã có một thời để yêu để ngàn đời nhung nhơ, tha thiết làm sao bao kỷ niệm ban đầu…Cái chữ ngờ kia  duyên phận khéo cơ cầu. Khi em tỉnh giấc đam mê tình ái, mới hiểu thế nào là vị đắng men cay (-) Mới bàng hoàng giận biển bạc như ai, cợt đùa chi bóng thuyền yêu bạt gió. Lòng thuyền cũng muốn neo bờ quên lãng, nhưng cố quên càng thêm tiếc nuối, thương đau…..

THƠ

Tìm anh giữa những thương đau
Anh như vết cắt không bao giờ lành
Tìm anh tìm mãi bóng anh
Tìm trong vô vọng mong manh vẫn tìm

VỌNG CỔ

5-Em vẫn  mãi tìm anh dù mong manh vô vọng, dù hình bóng năm xưa như vết cắt mãi không lành…Dù biết người ta đã quay mặt với ân tình. Vô vọng, hoang mang nhưng rồi muôn tia nắng, bừng cháy trong hồn bao hi vọng ngày mai (-) Có phép lạ nào không trên cõi sống hôm nay, hóa một cõi tình say ghép đôi vầng  trăng mộng. Em cứ mơ một thiên đường cao rộng, rồi héo hon bao ngày tháng âm thầm.

LÝ CON SÁO

Duyên trăm năm
Hóa cánh mây ngàn chơi vơi
Thì thôi đành anh ơi
Nhưng tim em in bóng muôn đời
Bóng anh như máu tim ngời
Lòng người dù xưa nay khó đo
Em  mãi vương vấn bao đường tơ
Đường trần nhiều chông gai, gió mưa
Em vẫn băng núi cao, rừng thưa

( về vọng cổ )

6-Em cố tìm anh dẩu cùng trời cuối biển, anh ở nơi đâu, em nào biết đâu tìm.
Tìm anh như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc em tìm biển Đông
Dù ai thay dạ đổi lòng
Tình em vẫn khát khao vòng tay yêu.

                          NGỌC MAI và PHAN KỶ SỬU



READ MORE - TÌM ANH - thơ Ngọc Mai - vọng cổ Phan Kỷ Sửu