Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 13, 2010

RA QUẢNG TRỊ THƯỞNG THỨC XÔI NẾP LÀO



Cái ngon từ miếng xôi mềm, vị béo do nếp và đậu phộng hòa lẫn tạo nên vị ngon đặc trưng của xôi nếp Lào. Có cảm giác như chưa kịp nhai thì xôi đã rã trong miệng...

Đến Quảng Trị, món xôi nếp Lào là một trong những món ăn thường thấy trong các thực đơn ở các quán ăn hay trên các bàn tiệc, vừa như một món chủ lực, vừa như một món điểm xuyết trang trí thêm cho phong phú thực đơn. Giữa những món đặc sản độc chiêu chỉ có ở Quảng Trị như thịt rừng, dĩa xôi đậu phộng trông có vẻ lạc lõng và không đúng điệu lắm, hình thức trình bày cũng không bắt mắt, nhưng đã ăn một lần thì có lẽ khó ai quên!


Quảng Trị là một tỉnh duyên hải miền Trung, có đường biên giới phía Tây với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào dài khoảng 206 km. Tại cửa khẩu Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị, hàng hóa từ các nước láng giềng mang sang rất phong phú và nếp Lào là một trong các loại hàng nông sản được tiêu thụ mạnh ở đây.


Xôi nếp là món ăn truyền thống của người Lào, người ta cho rằng người Lào ăn xôi nhiều hơn ăn cơm và gạo nếp gần như lương thực hàng ngày của họ. Nhà nào cũng có những cái chõ hong xôi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Ở Lào, cơm nếp thường được dát lên những bức tượng Phật hoặc những bức tường nhà ở gia đình để cúng cho các vị thần cư ngụ tại đó. Phụ nữ thường được liên tưởng mạnh mẽ với lúa gạo.


Truyền thuyết kể rằng, nữ thần lúa đã hiến dâng mình cho ngọn lửa và tro của nữ thần đã giúp cho dân làng được một mùa bội thu. Ở một số làng bản, hài cốt của những người phụ nữ tổ tiên được lưu giữ trong ngôi tháp nhỏ xây giữa ruộng lúa của gia đình.

Hạt nếp Lào nhìn qua trông giống như một loại gạo hạt dài, màu trắng trong. Để xôi ngon, người ta không nấu như cách bình thường (đổ ít nước vào nếp) mà nấu bằng chõ.


Cách nấu xôi theo kiểu truyền thống của người Lào là đựng trong ống nứa và nấu bằng nước suối. Bỏ nếp và ít nước vào ống nứa rồi nướng nguyên cái ống nứa này trên lửa than. Khi ống nứa cháy sém cũng là lúc xôi cạn nước, sau đó ủ xôi cho chín. Khi ăn, gọt lớp vỏ nứa bên ngoài là lộ ra phần xôi nếp màu trắng được bọc bằng lớp vỏ lụa của ống nứa. Khối xôi nếp lúc này có hình dáng như một cái ống, thơm mùi nứa, chỉ việc dùng tay bốc ăn. Nếp Lào dẻo, ráo nên không dính vào tay.


Các tour du lịch đến Lào luôn có món xôi nếp giới thiệu với khách. Ăn kèm với xôi là thịt gà nướng hay cá kho riềng và thêm món rau như bông bí, đọt bầu, đọt bí luộc chấm với một loại mắm giống như mắm nêm của Việt Nam.


Tại chợ Lao Bảo có bán loại chõ nấu xôi cũng có xuất xứ từ Lào hay Thái. Chõ làm bằng nhôm có hình dáng bầu tròn, phía trên đặt cái rổ đan kín bằng tre, giá khoảng 45 ngàn đồng một bộ. Khi nấu, bỏ nếp vào rổ rồi đậy nắp. Nếp chín nhờ hơi nước từ bên trong nồi chõ bốc lên. Sau khi nấu xong, người ta lại xới xôi bỏ ra một cái rổ khác (cho có độ thoáng, xôi ráo, ngon, không bị ứ nước). Xôi nếp Lào thường ăn với các món mặn như: thịt nướng hay ram, chà bông hay cá kho…

Cái ngon đặc trưng của hạt nếp Lào là dẻo và thơm. Thoạt nhìn dĩa xôi thấy hạt gạo nếp còn nguyên hình dáng, dễ lầm tưởng là xôi bị khô, cứng. Tuy nhiên, ăn vào mới cảm nhận được độ dẻo, ngọt và hơi có chút vị béo giống như là xôi có nước dừa nhưng hoàn toàn không phải! Cái ngon từ miếng xôi mềm, vị béo do nếp và đậu phộng hòa lẫn tạo nên vị ngon đặc trưng của xôi nếp Lào. Có cảm giác như chưa kịp nhai thì xôi đã rã trong miệng!


Còn một cách thưởng thức hạt nếp Lào là ăn thử một miếng xôi không có đậu phộng và xôi đã đơm cùng đậu để vừa ăn, vừa so sánh và cảm nhận thấy rằng vị béo từ nếp đã làm thành vị ngon đặc trưng rất riêng của món ăn dân dã này. Nếp Lào có một ưu việt nữa là dùng để gói bánh chưng cũng rất ngon. Vào dịp tết, tại cửa khẩu Lao Bảo, nhộn nhịp khách các nơi đổ về mua nếp Lào. Một hàng bán lẻ có thể bán tới cả chục tấn nếp mỗi ngày.


Đặc biệt, nếp Lào nấu cơm rượu cũng ngon không kém. Hạt nếp tơi, rời và mềm còn nguyên dáng vẻ ban đầu cho dù đã qua quá trình lên men. Thêm nữa, lẫn trong vị ngọt của cơm rượu có lẫn vị béo của hạt nếp, khác hẳn với cơm rượu nấu bằng nếp thường.

Không cần phải làm chuyến du lịch sang Lào, chỉ cần đến Quảng Trị hay Lao Bảo là du khách có thể mua được ít nếp Lào và thêm một cái chõ về cho đúng điệu. Đơn giản là nấu xôi đậu phộng là ai cũng sẽ tận hưởng được hết vị ngon của gạo nếp nước bạn láng giềng. Phong phú hơn, nồi cơm rượu bằng nếp Lào cũng là một món ngon để khách phương xa nhớ về hương vị Lào trên đất Quảng Trị.


L.A (sưu tầm)

Báo Công an TP HCM

Thứ sáu, 19/03/2010

READ MORE - RA QUẢNG TRỊ THƯỞNG THỨC XÔI NẾP LÀO

NGUYỄN ĐĂNG DƯƠNG - CANH ÁM LÀNG LAM

Cây rau Sôông

Cùng với cháo bột Kẻ Diên, bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, thì Canh ám làng Lam luôn là một trong những đặc sản ẩm thực của quê hương Hải Lăng, một món ăn mà những người con quê hương chúng tôi luôn nghiền và tự hào.

Làng Lam Thuỷ quê tôi thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – nơi có dòng sông Vĩnh Định hiền hoà chảy qua chia làng làm hai nửa. Ở nơi đó dù là trai hay gái, già hay trẻ đều nấu được món Canh Ám mang nặng nghĩa tình quê hương này.

Canh Ám được nấu từ 2 loại thực phẩm chính đó là: cá lóc (quê tôi gọi là cá tràu) và rau Sôông.

Muốn nấu canh ngon thì cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng là càng tuyệt vời. Cá lóc được làm sạch khi đang sống, thái từng lát. Sau khi làm xong, bỏ cá vào Soong rồi đổ ít nước vào và đun sôi bằng lửa than. Khi cá vừa chín, đổ gia vị vào (gia vị đã được ướp sẳn, gồm: ném hạt đã được giả, dầu ăn, ớt bột, muối, bột ngọt, 1 ít tiêu và đường). Tiếp tục đun cho cá vừa thấm gia vị (vừa sôi) thì thôi đun lửa.

Rau Sôông là một loại cây rau dại rất dễ trồng, thân có nhiều gai nhọn như cây hoa hồng; lá có vị chua, hình như bàn tay; cây già có hoa màu vàng. Khi nấu canh, rau phải tươi, vừa hái trên cây xuống, rửa sạch. Rau ở đây tức là gồm cả lá, cọng và thân non của cây (Nhiều người nấu canh chỉ lấy phần lá, nhưng thực tế như vậy là không ngon lắm). Cọng và thân cây có thể cắt làm từng đoạn hoặc cuộn tròn rồi cho vào Sôông đổ nước vào rồi đun lửa. Khi nước sôi 1 hồi, vớt cọng và thân cây ra (vì nếu để thì khi ăn dễ mắc xương của cây và nhìn nồi canh không đẹp, không hấp dẫn) cho lá rau rồi cho cá lóc vào nồi (cá đã xào với gia vị). Tiếp tục đun cho nồi canh vừa sôi là được. Nếu nấu chuẩn thì trứng cá lóc được phi gia vị sẻ nỗi trên mặt nồi, lấp lánh vàng đỏ trong rất hấp dẫn. Trong khi đó thì nước canh sẻ trong vắt, có thể nhìn được những lát cá chìm dưới đáy nồi.

Khi thưởng thức nước canh rau sôông vừa béo, vừa có vị chua nhạt, vị chát. Chỉ cần chan nước canh vào bát cơm trắng cũng đã thấy ngon rồi. Thông thường, đi kèm theo món canh này là rau sống. Rau sống ở quê tôi được làm từ: cải tươi non (cắt nhỏ), cây chuối đá non bằng cổ tay được bóc rồi thái mỏng, bắp chuối non được thái mỏng, ngoài ra có thể có thêm cánh hoa Thọ và 1 ít giá.... Khi chan canh lên bát, rồi bỏ rau sống vào ăn cùng thì đúng là một món ăn ngon khó quên. Trường hợp những ai quá hơi men, thì canh Ám là giải pháp hửu ích để giả ruợu, lấy lại thăng bằng.

Món ăn này được người dân quê tôi dùng trong các bữa ăn hàng ngày, các ngày giỗ, tết (trước đây còn dùng trong các ngày cưới, nhưng với sự phát triển của xã hội, đời sống nhân dân ngày càng một đi lên nên trong các lễ cưới người ta dọn các món ăn lạ, cầu kỳ và đắt tiền hơn).

Nếu ai đã thưởng thức Canh Ám làng Lam thì đi xa luôn nhớ; nếu ai chưa được thưởng thức nếu có điều kiện về thăm quê tôi, tôi và mọi người đều sẵn sàng chiêu đãi món ngon này./.

Nguồn: my.opera.com/duongdangqt/blog
READ MORE - NGUYỄN ĐĂNG DƯƠNG - CANH ÁM LÀNG LAM