Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 15, 2021

TIẾP BƯỚC THẦY - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

Nhà thơ Nguyễn Đại Duẫn


 Tiếp bước thầy

                                      


“Khi tóc thầy bạc, tóc em hãy còn xanh

Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rôì.”

Câu hát ngày xưa đang còn  vang vọng

Thủa chúng em thời con trẻ líu lo


Cây phượng già rêu phong còn đó

Xòa mái tóc rủ bóng hoàng hôn

Ngôi Trường xưa mái lá chẳng còn

Giờ khang trang tầng cao ngói mới


Thầy đã đi xa! 

Nhưng hình bóng thầy đang còn in đậm

Trong trái tim em từng tháng từng ngày

Trên bục giảng lời thầy còn ấm

Những câu thơ sâu lắng mãi tâm hồn

                                  

Thầy dạy chúng em học văn, học toán

Truyền thống cha ông thắng giặc, thắng trời

Dạy chúng em biết yêu thương, căm giận

Thầy dạy chúng em lẽ sống làm người


Thầy là tia nắng ấm mặt trời

Soi sáng đời em sưởi mầm sự sống

Em lớn lên giữa triều cường biển động

Bài giảng của thầy theo buồm trắng xa khơi

 

Học trò của thầy nay tóc bạc da mồi

Vẫn miệt mài bên trang giáo án

Tiếp bước thầy dạy đàn em nhỏ

Cho tiếng ca vui đến lớp mỗi ngày

 

 Chúng em rồi tiếp bao thế hệ

 Sẽ vững vàng cầm lái con thuyền

 Đưa đến bến bờ vinh quang thời đại

 Ươm mầm non cho thế hệ ngày mai 

Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn


                                     






READ MORE - TIẾP BƯỚC THẦY - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

BÀI THƠ ‘LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC’ CỦA PHẠM THÀNH - Đặng Xuấn Xuyến

 

 

BÀI THƠ ‘LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC’

CỦA PHẠM THÀNH

*

Tôi đọc bài thơ Lửng Đèo Tình Khúc của nhà thơ Phạm Thành cách đây chừng tháng, hơn tháng. Cũng định viết vài dòng cảm nhận khi đọc Lửng Đèo Tình Khúc nhưng lúc đó lưng tôi đau quá nên tạm lưu bài thơ vào mục xem sau để khi nào lưng bớt đau sẽ viết vài dòng cảm nhận.

LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC

.

Vẻ đại ngàn dường như pha loãng

Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang

.

Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng

E ấp khăn thêu gợi những nét rằm

Nhí nhảnh kèn lá giọng chòe lửa

Vui mùa vàng rưng rức những bậc thang

.

Bỗng đàn môi vọng từ nơi bờ suối

Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ

.

Chao ôi! Tình rừng quyện độc đáo đến không ngờ.

*

PHẠM THÀNH

Đọc 3 chữ "ngập ngừng hoang" trong câu: "Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang", tôi nhớ tới câu thơ cũng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm trong bài thơ Hương Dương Cầm:

"Tiếng Dương Cầm loang loáng ướt

Ngập ngừng rơi."

Hai chữ "ngập ngừng" được 2 nhà thơ sử dụng đều làm cho câu thơ sống động đến mê hoặc người đọc. Với "ngập ngừng rơi" của "Tiếng Dương Cầm loang loáng ướt", Nguyễn Thanh Lâm đã biến Hương Dương Cầm thành vẻ đẹp của tình yêu và nỗi nhớ rất đặc trưng riêng của người Hà Nội. Còn với "ngập ngừng hoang" của "nắng" "trưa đèo Cà", Phạm Thành không chỉ thổi vào Lửng Đèo Tình Khúc vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ với những phóng khoáng rất đặc trưng của nắng gió đại ngàn mà còn “pha loãng” làm mềm mại, sống động hơn chất hoang sơ của núi rừng bằng hiện diện của con người qua cách nói gián tiếp ở 2 câu đầu bài thơ bằng những cặp từ “pha loãng”, “ngập ngừng hoang”. Từ "hoang" ở câu thơ "Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang" khiến người đọc lâng lâng tâm trạng cũng muốn phiêu cùng "nắng đèo Cà" để được "ngập ngừng hoang".

Bốn câu thơ:

"Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng

E ấp khăn thêu gợi những nét rằm

Nhí nhảnh kèn lá giọng chòe lửa

Vui mùa vàng rưng rức những bậc thang"

Có thể tách ra đứng riêng thành một bài thơ.

Với cách dùng chữ độc đáo, lạ mà hay ở 4 câu thơ này: "bồn chồn tròn bóng", "giọng chòe lửa", "rưng rức những bậc thang"... Nhà thơ Phạm Thành đã khắc họa chân dung thiếu nữ Tày hồn nhiên những nét tươi xinh tuổi mới lớn, đượm cùng vẻ đẹp hoang sơ “rưng rức” của núi rừng. Bốn câu thơ đã vẽ một bức tranh sống động với ăm ắp những nhạc, những họa, đã gieo vào hồn bạn đọc những rung cảm tươi tắn khó quên.

Câu: "Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng" viết thật tự nhiên, tỏ sự ngạc nhiên và thích thú của thi nhân trước hình ảnh thiếu nữ Tày đang "bồn chồn" ngóng đợi người yêu. Bốn chữ "bồn chồn tròn bóng" nói được thật nhiều điều về không gian, thời gian và tâm trạng nhớ nhung, chờ đợi... của thiếu nữ. Cách ngắt câu bằng dấu phẩy (,) giữa "Kìa" với "gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng" không chỉ làm tăng sự ngạc nhiên của thi nhân với “trưa đèo Cà” mà còn khe khẽ bật lên thanh âm như một tiếng reo thi vị.

Bài thơ sử dụng những cặp từ láy, những động từ: "ngập ngừng", "rưng rức", "bồn chồn", "lúng liếng", "e ấp", "nhí nhảnh" rất đắc dụng, làm sáng lên vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo của thiếu nữ miền sơn cước!

Hai câu:

Bỗng đàn môi vọng từ nơi bờ suối

Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ

Đã chuyển nhịp bài thơ, thay cảnh bài thơ bằng một cái kết viên mãn, thật đẹp cho thiếu nữ “bồn chồn tròn bóng” ngóng đợi người yêu. Câu “Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ” níu hồn người đọc.

Theo tôi, bài thơ kết thúc ở đây thì thật hay, thật đẹp.

Tiếc là, nhà thơ Phạm Thành lại cho thi nhân chen vào lời cảm thán: "Chao ôi! Tình rừng quyện độc đáo đến không ngờ." để kết thúc Lửng Đèo Tình Khúc đã phá vỡ mất kết cấu toàn bích của bài thơ.

*.

Hà Nội, sáng 12 tháng 11-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - BÀI THƠ ‘LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC’ CỦA PHẠM THÀNH - Đặng Xuấn Xuyến

ĐẮNG CHÉN HỒ TRƯỜNG – Thơ Nguyên Lạc



ĐẮNG CHÉN HỒ TRƯỜ̀NG

Lũng chiều mắt đỏ tà dương
Muôn trùng đồng vọng vô thường gió lay
Lưu vong rót nỗi sầu dài
Rót về xa đó phương đoài mù sương
Rót tràn dâu bể đoạn trường
Rót than li cách sâm thương nghìn trùng
Rót đơn côi, rót mông lung
Rót đau thất chí não nùng thu nay
Ai người tri kỷ cùng tôi?
Ngâm câu thơ cổ đắng môi Hồ trường
 
"Hồ trường! Hồ trường! Hồ trường!
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương"
 
"Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Hồ trường! Hồ trường! Hồ trường!
Trời đất mang mang, ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường" [*]
 
Lưu vong cay đắng hồ trường
Rót về xa đó quê hương vời vời
Cố nhân còn nhớ tình tôi?
Người trăm năm cũ một đời buồn tênh
 
Cách gì quên được mà quên?
Tang thương ngày đó Hồ trường cùng ngâm
Chiều nay lữ khách đắng lòng
Nhớ câu thơ cổ rượu căm căm sầu!
 
Nguyên Lạc

..........
 
[*] Lời thơ Hồ trường - Nguyễn Bá Trác
 
READ MORE - ĐẮNG CHÉN HỒ TRƯỜNG – Thơ Nguyên Lạc

TRI ÂN THẦY CÔ – Thơ Nhật Quang


 

 
TRI ÂN THẦY CÔ
 
Gió Thu nhè nhẹ rung rinh
Bên khung cửa sổ lung linh nắng hồng
Lật trang vở mới thơm nồng 
Con ngồi nắn nót đôi dòng vần thơ
 
Tấm lòng gửi đến Thầy, Cô
Người nâng đôi cánh ước mơ…vào đời
Tri ân công sức cao vời
Cho con kiến thức rạng ngời tương lai
 
Bên trang giáo án miệt mài
Thầy, Cô tâm huyết đêm ngày tháng qua
Tận tình lời dạy thiết tha
Cho thế hệ trẻ tiến xa…thành người
 
Con đò thầm lặng êm trôi
Chở bao khát vọng ...rạng ngời hôm nay
Vào đời cuộc sống vui say
Hành trang kiến thức Cô, Thầy nào quên
 
Đoá hoa hương ngát dịu êm
Vần thơ trìu mến đây niềm biết ơn
Tình Cô, Thầy mãi sắt son
Ngàn đời ghi khắc lòng con nhớ hoài.
 
                                        Nhật Quang
 
READ MORE - TRI ÂN THẦY CÔ – Thơ Nhật Quang

KHÓI – Thơ Trần Mai Ngân


 


KHÓI
 
Đông về đốt lá trên sân
Có vài sợi khói tần ngần chẳng bay
Vương vào đôi mắt mi cay
Khói thương tro hiểu những ngày là đây...
 
Trần Mai Ngân

READ MORE - KHÓI – Thơ Trần Mai Ngân

ĐỌC “TÒ HE” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch

 
 

 
TÒ HE 
(Tặng 1 người em)
 
Phút trải lòng đăng ngắt
Điếng lòng người lặng nghe
Thương nửa đời nén chặt
Nhốt hồn trong xác ve.
 
Chiều cuối ngày nắng quắt
Dụ hồn nhập Tò He.
 
Hà Nội, chiều 14 tháng 9.2021
Đặng Xuân Xuyến
 
 *

ĐỌC “TÒ HE” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN
                                                         Châu Thạch
    
Tò He (còn từng được gọi là con giống bột) là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn Tò He là một nét văn hóa dân gian chẳng biết có còn hay không, vì các nơi đô thị không thấy nữa Nặn Tò He xuất hiện không rõ từ lúc nào nhưng có lẽ là do các nghệ nhân miền nông thôn sáng tạo.
   
Ban đầu, Tò He là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. 
   
Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thật và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".
   
Trước khi bàn đến bài thơ “Tò He” của Đặng Xuân Xuyến, một bài thơ nói đến thứ âm nhạc bình dân đã làm “Điếng lòng người lặng nghe”, Châu Thạch tôi xin đề cập qua về một số trường hợp thơ có đề cập đến thứ âm nhạc thượng lưu:
   
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần nhắc đến việc Kiều đánh đàn. Bốn lần Kiều đánh đàn có bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, cũng làm “Điếng lòng người lặng nghe” bởi tâm trạng yêu đương và đau khổ của nàng.
   
Nhà thơ Lý Bạch thời Đường cũng có bài thơ “Thính Thục Tăng Tuấn Đàn Cầm” dịch là “Nghe Sư Thục Gảy Đàn Cầm” đã biểu lộ những tình cảm biến thiên làm cảm hóa lòng người, đem sự thánh thoát khai sáng triết lý sâu xa cho trí tuệ. Bài thơ được Hải Đà phỏng dịch như sau:
 
Thục Tăng ôm chiếc đàn cầm
Từ phương Tây xuống đến gần Nga My
Vì ta gảy khúc trúc ty
Nghe như tùng bách thầm thì dưới khe
Nước trôi rũ sạch lòng mê
Sương rơi huyền ảo vọng về tiếng chuông
Núi xanh phủ bóng chiều buông
Mây thu lớp lớp chập chùng mênh mang 
    
“Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị, một trong những thi nhân nổi tiềng của Trung Quốc cũng sống thời nhà Đường, với trường thi dài 616 chữ đã miêu tả nghệ thuật tấu đàn cao siêu cùng cuộc đời truân chuyên của người ca kỷ. Xin trich một đoạn dịch về tiếng đàn Tỳ Bà trong thơ:
 
Ngón buông, bắt khoan khoan dìu dặt
Trước Nghê Thường, sau thoắt Lục Yêu
Dây to nhường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng
 
Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy
Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh
   
Đầu thế kỷ 20, bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, một nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn cũng làm rung động con tim cả thế hệ. Thế Lữ đã tả âm thanh của tiếng sáo như sau:
 
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...
Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
   
Bây giờ xin nói về bài thơ “Tò He” của Đặng Xuân Xuyến: 
  
Tất nhiên nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không mong muốn đem sánh người thổi Tò He có nghệ thuật cao như riếng sáo tiếng đàn trong thơ thưở xưa, hay âm thanh của nó du dương, réo rắt như lời thơ miêu tả trong cảo thơm. Tuy vậy Đặng Xuân Xuyến đã miêu tả đến tận cùng nội tâm của người thổi Tò He và người nghe thổi Tò He không khác gì những nhân vật đàn và nghe trong sự tích người xưa mà cảo thơm để lại.
  
Câu đầu của bài thơ “Phút trải lòng đắng ngắt” cho ta hiểu người thổi Tò Hè không phải để bán, đó phải là một người có tài âm nhạc, có tâm hồn nghê sĩ và điều quan trọng là có một tâm sự sầu thương. 
 
Âm thanh thổi ra từ tiếng kèn Tò He không bao giờ luyến láy như kèn lá, âm điệu ngắn hơn và khô hơn rất nhiều. Vậy nhưng người thổi đã đưa được nỗi đau của mình vào tâm hồn tác giả, khiến cho âm thanh đã làm “Điếng lòng người lặng nghe”
   
Hai câu thơ mở đầu “Phút trải lòng đắng ngắt/ Điếng lòng người lặng nghe” không chỉ để tả tài nghệ thổi Tò He của người thổi, mà còn gián tiếp cho ta hình ảnh đôi tri kỷ đàn và nghe âm nhạc, hiểu nhau không khác gì Bá Nha -Tử Kỳ thuở trước. 
   
Hai câu thơ tiếp theo “Thương nửa đời nén chặt/Nhốt hồn trong xác ve” cũng cố thêm lập luận họ là đôi tri kỷ thanh âm. Con Tò He được nén thành hình con Ve, và tiếng kèn thổi qua xác ve đã làm “Điếng lòng người lặng nghe” bởi qua âm thanh, người lặng nghe đã hiểu những gì xảy ra trong tâm hồn người đang thổi. 
   
Dầu người thổi và người nghe có quen nhau từ trước hay chỉ tình cờ gặp nhau, thì qua âm thanh mà hiểu lòng nhau đều là một sự kiện thẩm âm hiếm có trên đời. Chỉ những ai tâm hồn chung tầng số, đồng điệu thì việc ấy mới xảy ra.
  
Hai câu thơ cuối “Chiều cuối ngày nắng quắt/ Dụ hồn nhập Tò He” như một tiếng than. Nhà thơ đem cảm xúc trong lòng trùm lên vạn vật, và ngược lại, cô đọng vạn vật quanh mình nhập vào tiếng kèn Tò He. Có thể nói lúc nầy cảnh và hồn như một, trong trạng thái khó tả, bâng khuâng, trống trải, bơ vơ và lạc lỏng!     
 
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả. Trong đó âm thanh mang những tính chất tạo nên giai điệu, được biểu diễn bởi nhạc cụ, tạo ra những âm thanh hài hòa thể hiện cảm xúc con người. Bài thơ Tò He của Đặng Xuân Xuyến diễn đạt âm thanh phát ra từ con Tò He có xác ve, qua tài nghệ điêu luyện của người thổi, làm cho nỗi đau của mình thấm vào  lòng người thưởng thức âm thanh. Bài thơ “Tò He” của Đặng Xuân Xuyến cũng chính là một thứ âm thanh, nhưng một thứ âm thanh ở tầng số khác. Thứ âm thanh trong thơ đó không nhập vào tai người, nhưng âm thanh đó nhập vào tâm hồn người, tạo nên những cảm xúc mà lời văn không bao giờ diễn đạt nổi.
  
Tôi nghĩ ai đọc bài thơ Tò He, ai biết bài thơ Tò He hay, thì người đó cũng điếng lòng trước những câu thơ ngắn gọn mà đầy âm sắc bật ra từ một tâm hồn nhốt trong xác ve! Đặng Xuân Xuyến đã thực hiện được lần hai, cho chúng ta cảm xúc cái mà người thổi Tò He đã làm cho tác giả cảm xúc.
                                      
Châu Thạch 
 
READ MORE - ĐỌC “TÒ HE” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch

ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA THI SĨ VŨ QUẦN PHƯƠNG – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
                                                                                                         
Đọc bài thơ Đợi của thi sĩ Vũ Quần Phương với lời bình của Trần Đăng Khoa trong tập Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX (tập hai) tôi thấy một điểm rất lạ: Người bình chỉ bình tán ý tứ chứ không bàn đến thi pháp, kỹ thuật thơ. Tôi cũng đọc lời bình của vài người khác (Phạm Văn Chữ, Hoàng Dân, Nguyễn Thị Lan… mời xem link ở cuối bài) và cũng thấy hiện tượng giống y như vậy.
 
Điều này đã khiến tôi xắn tay áo chiếu “lăng kính kỹ thuật” vào bài thơ Đợi mặc dù tôi không có hứng để viết lời bình.
 
Đây là link dẫn đến bài viết: http://t-van.net/?p=51970
 
Trong bài viết Nét Đẹp Của Bài Thơ “ĐỢI” Qua Lăng Kính Kỹ Thuật tôi đã sử dụng 22 “phương tiện thẩm mỹ” của thi pháp để tìm hiểu kỹ thuật thơ của tác giả. Tôi không dám chê tài thi sĩ Thần Đồng Thơ Trần Đăng Khoa nhưng khi đặt bài nhận xét của mình cạnh bài bình thơ của ông tôi thấy ông chỉ bàn đến Tứ Thơ, ngôn ngữ thơ và lờ tít các “phương tiện thẩm mỹ” khác.
 
Sau đó tôi đọc thêm bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ với lời bình của Vũ Quần Phương (cùng sách đã dẫn) tôi cũng thấy như vậy: Chỉ bình tán ý tứ, ngôn ngữ thơ chứ không bàn đến những “phương tiện thẩm mỹ” quan trọng khác.
 
Hai người, một (Trần Đăng Khoa) là nhà thơ nổi tiếng, người kia (Vũ Quần Phương) vừa là nhà thơ nổi tiếng vừa từng là Chủ Tịch Hội Đồng Thơ Của cả nước, khi bình thơ chỉ tiếp cận bài thơ rất phiến diện.
 
Tệ hại hơn nữa, do chỉ bình tán Tứ Thơ mà phớt lờ phần thi pháp, kỹ thuật thơ nên bài thơ được bình - dưới mắt họ - chỉ là một bài văn xuôi, không hơn không kém. Người bình thơ đã cầm dao đâm chết “Cái Phần Tính Thơ” của bài thơ trước khi viết lời bình – nghĩa là giết chết bài thơ.
 
Những bài bình như thế lại được đặt ở những vị trí trang trọng nhất, danh giá nhất trong vuờn thơ đất nước (100 Bài Thơ Hay Của Thế Kỷ XX), làm gương xấu cho nhiều thế hệ người Việt yêu thơ.
Đáng buồn thay.
 
Với tôi, trong lãnh vực bình thơ, Trần Đăng Khoa chỉ là người “đi theo”. Nhà thơ Vũ Quần Phương mới là nhân vật trụ cột, dẫn đường. Cái tội “giết chết thơ trước khi bình thơ” ông phải lãnh phần lớn trách nhiệm.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lần khen ông:
 
“May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Bình thơ, đặc biệt là thơ đương đại, không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương”.
 
Với lời khen ấy tội và trách nhiệm của ông càng rõ ràng và nặng nề hơn.
 
Nếu những nhận xét của tôi về cách bình thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Thơ Việt Nam có gì không đúng xin ông cứ lên tiếng phê phán. Nếu sai sót, bất cập thuộc về phần mình tôi sẽ nhận lỗi và cúi đầu xin ông và những người yêu thơ tha thứ.
 
Còn ngược lại thì “trễ cũng còn hơn không”, hy vọng ông sẽ mau chóng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rồi tìm cách sửa chữa những sai lầm, gây tổn hại to lớn cho nền thi ca của Dân Tộc Việt.
 
Mong lắm thay.
 
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
 

 
CHÚ THÍCH:
 
1/ Tôi cũng đọc lời bình khác của ông Vũ Quần Phương cho các bài thơ Gửi Bác Trần Nhuận Minh (Trần Đăng Khoa), Dặn Con (Trần Nhuận Minh), Cuộc Chia Ly Màu Đỏ (Nguyễn Mĩ), Nghe Tiếng Cuốc Kêu (Hữu Thỉnh) và nhận thấy rằng ông cũng chỉ bình tán ý tứ, còn các “phương tiện thẩm mỹ” khác tạo nên “tính thơ” thì không được đề cập tới.
 
2/ Vài tác giả viết lời bình cho bài thơ Đợi
 
     a/ Phạm Văn Chữ: Đợi – Huy Thục – Vũ Quần Phương trên trang Bài Ca Đi Cùng Năm Tháng (23/04/2012)
 
https://bcdcnt.net/tu-lieu/doi-huy-thuc-vu-quan-phuong-253.html
 
     b/ Hoàng Dân: Đợi của Vũ Quần Phương Với Lời Bình Của Hoàng Dân (Hà Nội 16/10/ 1994 trên trang Vũ Nho Ninh Bình)
 
http://vunhonb.blogspot.com/2014/10/oi-cua-vu-quan-phuong-voi-loi-binh.html
 
     c/ Nguyễn Thị Lan: Phía Sau Hai Câu Thơ “Đợi” Của Nhà Thơ Vũ Quần Phương trên trang Cựu Chiến Binh TPHCM  23 tháng 6/2021
 
http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=7689:phia-sau-hai-cau-th-i-ca-nha-th-v-qun-phng&catid=100:vn-hoa-ngh-thut&Itemid=229
 
READ MORE - ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA THI SĨ VŨ QUẦN PHƯƠNG – Phạm Đức Nhì