Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 22, 2012

CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG - Phạm Xuân Dũng



                                                                         
              Chớp mắt Trịnh Công đã thành người thiên cổ!

              Tin ấy như chớp giật ngang trời, như sóng, như gió lan ra khiến hàng triệu người trong và ngoài dải đất hình chữ S này bàng hoàng, sửng sốt.Vẫn biết không ai nằm ngoài vòng sinh tử, nhưng khi con người khổng lồ trong âm nhạc ấy bỏ chúng ta mà đi, đi mã, thì khoảng trống mênh mông ấy để lại  biết lấy gì bù đắp. Trên bao la thảo nguyên ký ức, gió sẽ còn ào ạt thổi từ đây cho đến mai sau dọc miền thương nhớ. Gió sẽ làm khô đi bảy nắm cơm gọi hồn như bảy nốt nhạc trong đời người nhạc sĩ thiên tài. Những nắm- cơm - lòng - hóa - đá ấy sẽ được các thế hệ chuyền tay nhau như các bộ lạc thời cổ  giữ lửa truyền từ đời này sang đời khác. Ngọn lửa âm nhạc ấm áp tình người mà Trịnh Công Sơn đã từng nhen nhóm và để lại chắc sẽ làm cho thế giới này bớt mông muội, u mê, thù hận.Khi hay tin dữ, những người yêu quý Trịnh không ai bảo ai đều tự nguyện tìm đến với nhau như một lẽ thường tình không thể khác. Họ lại với nhau, ngồi gần bên nhau, ngồi xích lại gần hơn chút nữa để cuộc đời bớt cô đơn, giá lạnh. Họ tưởng niệm nhà nghệ sĩ kỳ tài, kỳ lạ như được nứt ra từ khí thiêng trời đất, đã vỗ về và cứu rỗi triệu triệu con ngươì bằng âm nhạc suối nguồn tinh lọc. Trong bập bùng tiếng đà , tiếng hát, có gì nghèn nghẹn nơi ngực trái, bất giác lòng người tự hỏi :"Khi sống, nhạc sĩ đã nối vòng tay lớn, và khi chết thì ngay cả sự mất mát lớn lao ấy cũng đã nối kết, dìu dắt con người gần lại với nhau hơn." Nghịch lý chăng khi Trịnh Công Sơn đã băng bó và cứu sống bao người bằng tiếng ca của người hát rong đạt đạo; vậy mà khi ngã bệnh, hình hài ấy đã vội sớm ra đi, dù y học và các thầy thuốc đã làm hết sức mình. Chỉ còn biết tự an ủi rằng, hình hài mảnh khảnh ấy đã cưu mang một trái tim quá lớn lao chất chứa cả thế gian với ức triệu phận người du ca qua sáu mươi năm có lẻ đã là một kỳ công vượt quá sức người. Để rồi "những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây..." không còn là "thí dụ bây giờ tôi phải đi..." như Trịnh Công Sơn thường "lỡ lời" dại miệng. Ngôi nhà trọ trần gian từ chớp mắt ấy đã vắng đi Một - Người - Ở - Trọ.

             Tầm vóc âm nhạc Trịnh Công Sơn không thể đo bằng thước tấc thông thường trong không gian ba chiều quen thuộc mà phải bằng tốc độ ánh sáng, thứ ánh sáng đạo ca, nhiệm màu và nhân bản.Thưở nước nhà rạch đôi sông núi, chính chiến triền miên, nhạc sĩ đã ra đi từ lều cỏ, chứ không phải từ tháp ngà, để dấn thân và hóa thân vào nỗi niềm chung tang tóc, đổ nát, chia lìa. Ngày ấy, nửa nước Việt từ sông Bến hải trở vào xót xa trước bạo lực, hận thù phi nhân, phi lý. Trong tiếng gầm rú điên cuồng của đại bác ăn thịt người và ánh hỏa châu ma quái, Trịnh Công Sơn đã tất tả, vắt kiệt hồn mình, dựng nên những bức tường âm thanh tràn ngập tình thương đồng bào, đồng loại, chống đỡ bom rơi, đạn lạc. Người yêu nước - nhà nghệ sĩ Trịnh Công Sơn đã hành đạo bằng âm nhạc của mình, bốc thuốc cho những trái tim thương tật, mù lòa bị chiến tranh làm phận người méo mó. Họ xích lại gần nhau trong hầm trú ẩn, và nắm chặt tay nhau trong cuộc xuống đường. Cứ thế, âm nhạc của Trịnh là bà đỡ tinh thần thần quý báu, là người bạn tâm giao chung thủy. Nó lại như một thứ Kinh Nhật Tụng cầu hồn cho người đã chết và cả người đang sống, trong đôi cánh thiên thần bay ra khỏi cõi người để gần lại người hơn. "Đại bác ru đêm", "Hát trên những xác người", "Huế - Sài gòn -Hà nội", "Nối vòng tay lớn" và nhiều nữa ca khúc Da Vàng sẽ là nhật ký âm thanh của dân tộc này ngay cả khi chiến tranh không còn nữa. Đó là tiếng cuốc nhỏ máu đêm hè của hồn nghệ sĩ.

           Hát về tình yêu, âm nhạc Trịnh Công Sơn xứng danh là thiên sứ. Đối với chúng ta có vẻ như bài "Phôi pha" là" tục lụy" nhất, vậy mà cũng không hề lụy tục. Tình ca của Trịnh, sau khi dốc lòng nghiêng xuống cuộc đời, thì vẫn lãng đãng khói sương cõi khác, thanh tân và hướng thượng. Dẫu tình yêu còn vô vàn đổ vỡ, chia xa và cả những nỗi niềm gần như tuyệt vọng. Nhạc sĩ ru tình bằng lời ru tang bồng hồ thỉ, rằng cứ đi trong "Hạ trắng" "Mưa hồng" rồi "chợt hồn xanh buốt" khi soi lại mình nhìn thấy một "Diễm xưa". Tình ca của Trịnh đưa hồn người đi rất xa chỗ mình đang đứng, sống với nhiều tâm trạng, cuộc đời trong âm thanh huyền nhiệm, như người xưa ngả lưng trên chiếc gối đạo sĩ chờ nồi kê sắp chín. Tình ca như thế gần gũi với thánh ca, hay nói cách khác đó chính là thánh ca của tình yêu. Một điều lạ nữa là cỏ cây, hoa lá, sỏi đá, mùa màng trong tình ca hầu như đều nhuốm linh hồn. Phép màu nghệ thuật ấy hình như hàng trăm năm Tạo hóa mới ban tặng cho một đôi người.

             Tình ca Trịnh Công Sơn đã thăng hoa nhiều tinh hoa triết học và tôn giáo như "Cát bụi", "Dấu chân Địa đàng", "Phúc âm buồn", "Ở trọ", " Đóa hoa vô thường"... và sẽ là tặng vật âm thanh gối đầu giường nhiều thế hệ Việt nam.Thứ âm nhạc mang nặng chất thiền chỉ có thể rung động hết lòng bằng tâm cảm đã đắp bồi thần tượng Trịnh Công Sơn trong lòng đông đảo tín đồ nghệ thuật. Hiện tượng hiếm hoi này sánh ngang ảnh hưởng của Truyện Kiều thưở trước. Ngày xưa người ta đọc Kiều , lẩy Kiều , bói Kiều.Ngày nay người ta hát và nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

           Đành nói lời chia tay với người "Ở Trọ " đã đi vào cõi vô sinh vô tử, đã về trên cao ấy. Người nhạc sĩ đã dâng hiến hết mình, sống trọn vẹn cho Đời và Đạo. Đời người thì hữu hạn mà nghệ thuật thì vô cùng, nhất là khi nghệ thuật biết hít thở như con người, vì con người mà sinh sôi, nảy nở  Này, người du ca anh em, dù rong ruổi, phiêu bồng cùng trời cuối đất, vẫn phải nhớ ghé lại trần gian dù chỉ một lần, dù chỉ một lần thôi.Và hát ...

                                                                         Đông Hà , 3/4/2001 
PHẠM XUÂN DŨNG
Đài PT TH Quảng Trị
ĐT: 0985 972 975
dpthachthao@gmail.com
READ MORE - CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG - Phạm Xuân Dũng

Kha Tiệm Ly - HOÀNG SA TIẾU NGẠO PHÚ

Tác giả KHA TIỆM LY



Tưởng rằng,

Tổ tiên có lắm bậc đại hiền,
Tử tôn ắt nhiều người cao đức.

Ngờ đâu,

Cây cha thẳng, mà tủa cành, nhánh cong queo,
Giống mẹ lành, lại trỗ trái, hoa đắng nghét!
Thương cho các ông thầy Lão Đam, Mặc Địch, Khổng Khâu,
Lại có mấy thằng trò Bàng Quyên, Hòa Thân, Hòa…Thiết (!)
Lời cũng như sách, đều dạy phong ngôn hòa ái, khiêm cung,
Mặt dẫu giống người, nhưng quen dã tính hung hăng, tàn ác.
Với kẻ thù, mi quen tuồng làm tớ làm tôi,
Với đồng bào, mi giở thói sát nhơn sát đức!

Đạo đức thì,

Làm thức ăn bằng giấy cac-tông,
Chế thuốc uống bằng đồ bá nạp!
Xem con người như chó như heo,
Coi mạng sống như rơm như rác!

Chí khí thì,

Dân hàng trăm triệu (1), mà chịu bại dưới vó ngựa Mãn, Mông,
Quân mấy mươi muôn (1), mà đầu hàng trước gót giày Anh, Nhật!
Để chúng lấy Giang Bắc nhanh như trở mặt bàn tay,
Để chúng chiếm Giang Nam dễ như lấy đồ trong bọc!
Mất muôn dặm đất (1) mà  còn chẳng chịu hèn?
Đọa trăm triệu dân (1) mà lại chưa biết nhục?

Ôi!

Thẹn cho đất rộng nghìn vuông,
Tủi cho núi cao ngàn thước!
Trên đầu lột mũ cánh chuồn, bỏ hết cổ trang,
Nửa sọ thắt tóc đuôi sam, tuân theo tân pháp!
Mỏi gối vì câu “vạn tuế” mà bỏ nước bỏ dân,
Trẹo lưng bởi kiếp “nô tài” nên quên vinh quên nhục!

Chẳng trách,

Tình đồng chí vừa mới quen tai,
Câu hảo bằng còn chưa ráo mực!
Cắt cáp tàu, không chừa thói cuồng ngông,
Cướp hải phận , lại ló mòi láo xấc!
Vạch đường Chữ U (2), đúng là lưỡi mối miệng lằn,
Nói câu hữu nghị, khác chi tâm xà khẩu Phật!

Nầy bọn mi!

Chớ huênh hoang mà lấy thịt đè người.
Đừng khờ dại mà lấy gươm chém sắt!
Hoàng Sa ta còn trăm triệu anh em, chỉ cách có mấy giờ bay,
Hoàng Sa ta còn hàng vạn kiều bào, chỉ cách nửa vòng trái đất.
Nếu mi liều lĩnh cho hỏa tiễn rời giàn,
Thì ta lập tức quay thần công nhả đạn!
Hàng vạn tấm lòng đang náo nức hồi hương,
Hàng trăm con tàu đang sẵn sàng rẽ nước!
Lãnh thổ, lãnh hải, xưa nay đâu phải một bận tranh cường,
Bọn ta, bọn mi, đến giờ cũng đã bao phen so đọ sức?

Nhớ chăng?

Chèo Ngô Vương sụt sôi sóng nước, dìm xâm lăng dưới đáy Bạch Đằng,
Gươm Thường Kiệt sang sảng lời thơ, truyền tuyên ngôn bên bờ Như Nguyệt.
Đánh đường núi, thây chất kín đèo,
Đánh đường sông, dòng trôi nghẽn xác!
Tiếng quân hò rung chuyển Ải Nam Quan,
Khí thế dậy lung lay thành Kinh Bắc.
Mới nghe tên, đã sợ mất thần hồn,
Nhác thấy bóng, vội chạy bung đầu tóc!

Vì thế,

Thấy cây nhọn, ngỡ cọc Bạch Đằng, rồi bịt mắt ôm tim,
Thấy sắc đỏ, tưởng nước Hồng Hà, vội lấy tay bưng mặt!
Thấy yếm đào, nhớ hồn ma Lục Dận chợt kiêng hùng khí Triệu Nương;
Vào hiểm địa, nhớ mồ tổ Liễu Thăng bỗng sợ thần oai Lê Sát!
Nếu ta lại đem Mã Yên ra dọa, ắt  mặt lắm kẻ xanh lè,
Nếu ta còn đem Tốt Động ra  đe, chắc môi bọn mi tím ngắt!

Mới đây thôi,

Ngụy Văn Thà theo tàu tuẩn tiết, chữ DŨNG còn ghi,(4)
Trần Đình Phương vì đảo hi sinh, chữ TRUNG mãi nhắc.(5)
Xem tử sinh là hạt bụi, sợi lông,
Đặt chí khí như tấm gang, lá thép!
Khè lửa mạnh mới biết vàng thau,
Đọ sóng dữ mới hay hào kiệt!

Xưa nay,

Kế hành binh ngoài chỗ dựa quân cơ,
Giành thắng lợi cốt nhằm vào nhân đức.

Huống chi ta,

Bên sau, lớp lớp nhân dân đang ngụt chí diệt thù;
Phía trước, hàng hàng chiến sĩ quyết đồng lòng giữ nước.
Gươm tôi đúng lửa, hào quang lòe ba cõi quỉ thần,
Binh dụng phải thời, hùng khí át hai vầng nhật nguyệt!

Còn mi,

Tay bốc tay hốt, sao không tu tánh sửa mình,
Trước bại sau thua, sao chẳng kiêng oai nể mặt?
Nếu mi ngoan cố còn vẽ “lưỡi bò”, (3)
Thì ta quyết tâm luôn tung kiếm thép! (3)
Với chúng ta mà dám dựa pháo, cậy tàu,
Thì bọn mi sẽ tự lấy phân bôi mặt!

Một mai,

Dù cho gió đổi màu mây,
Dù cho máu pha màu cát.
Hoàng Sa ta cũng không cho mi lượm viên sỏi của Duy Mộng, Quang Hòa,
Hoàng Sa ta cũng không cho mi lấy… phân chim của Cam Tuyền, Vĩnh Lạc.(6)

Đó là công lao cha mẹ ta, dựng nên một dải sơn hà,
Đó là xương máu anh em ta, giữ yên ba miền tổ quốc.
Ta giữ nước bằng mưu trí thần sầu,
Ta giữ nước bằng chiến công oanh liệt!
Ta giữ nước bẳng một dân tộc anh hùng,
Ngươi “giữ nước” bằng dãy trường thành khiếp nhược!!

Cảm khái câu:

“Thà làm quỷ nước Nam”;
Hơn làm vua đất Bắc”.

Hoàng Sa ta,

Thân dựa mũi gươm,
Ngựa treo đầu giặc.
Đem xương gởi ở chiến trường.
Lấy máu giữ từng tấc đất.
Hẹn với lòng một nhục một vinh,
Thề với giặc một còn một mất!
  
Nhớ cho,

Coi mặt mà bắt hình dong,
Hối hận bây giờ còn kịp!
Bút thép lời gang,
Hoàng Sa hạ bút!

KHA TIỆM LY
khatiemly@gmail.com


CHÚ THÍCH:

(1) Những con số minh họa. Tượng trưng cho nhiều, lớn.
(2) Đường Chữ U hay Đường Lưỡi Bò, là vùng biển mà Trung quốc tự khoanh vùng, rồi đòi làm hải phận cho mình
(3) “lưỡi bò”, “kiếm thép”. (Tác giả không viết hoa “Lưỡi Bò”) dụng ý… “chơi chữ”!
(4) Sự kiện, năm 1974: Khi tàu HQ-10 bị địch bắn cháy, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà  tuẩn tiết theo tàu.
(5) Sự kiện năn 1988, Trung úy Trần Đình Phương trước lúc hi sinh, nói: “Thà hi sinh, chứ không để mất đảo!”
(6)Tên những đảo trong QĐ Hoàng Sa./.
READ MORE - Kha Tiệm Ly - HOÀNG SA TIẾU NGẠO PHÚ

ĐI QUA ĐƯỜNG CHÍN NAM LÀO - Nguyễn Viễn Sự


Nói đến Đường 9 Nam Lào thì người Quảng Trị từ 50 tuổi trở lên đều còn nhớ rõ không khí của cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, khi đi thì hùng hổ thế nào, khi về thì tơi tả ra sao, và sau trận đánh đó, hầu như ai cũng cảm nhận một chương mới của lịch sử đã bắt đầu.
Chúng ta đã từng xem bộ phim “Mê Kông ký sự” ghi lại chuyến đi của đoàn làm phim từ Camphuchia đến tận Tây Tạng, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những dân tộc dọc theo dòng sông hũng vĩ, thì  “Đi qua đường Chín Nam Lào” - ký sự của Nguyễn Viễn Sự, một phóng viên trẻ của báo Tuổi Trẻ -  dẫn chúng ta về một vùng đất mặc dù bị chiến tranh tàn phá nhưng thiên nhiên phần nào vẫn còn giữa được vẻ nguyên sơ, đặc biệt là tình cảm chơn chất đôn hậu của người dân Lào vẫn không gì làm thay đổi. Tác giả không chỉ mô tả những cảnh vật trên đường mà còn tham khảo nhiều tài liệu lich sử và khoa học làm cho bài viết có sức thuyết phục cao và giọng văn lưu loát của tác giả giúp người đọc có cảm tưởng như mình đang xem một đoạn phim ký sự ngắn hấp dẫn không khác gì “Mê Kông ký sự”.
Bài viết sách đây đã năm năm nên những cảnh vật trên đường nay đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nếu các bạn sắp đi du lịch trên con đường này thì bài viết cũng chuẩn bị cho bạn một chút hiểu biêt về vùng đất và con người nơi mình sắp đi qua để bạn có thể tìm hiểu sâu hơn, quan sát kỷ hơn và vì thế chuyến đi của bạn trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn. (VNQT)




ĐI QUA ĐƯỜNG CHÍN NAM LÀO
Bút ký của Nguyễn Viễn Sự

Tôi sang Hạ Lào qua ngả đường Chín vào một ngày hè mờ mịt nắng gió. Phiá bên kia Lao Bảo là Savannakhet với Sepôn, Mường Phin, Bản Đông… Những cái tên quen thuộc, từng hoà cùng đất Quảng Trị trong những trang sử ghi lại một thời máu lửa.

1. Hơn ba mươi năm trước, cửa khẩu Lao Bảo là một hàng rào điện tử mang tên ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara. Lúc ấy, một con kiến cũng khó chui lọt. Nhưng hôm nay thì Lao Bảo đang rộng cánh cửa cho những đoàn xe tải nặng, nườm nượp hàng hoá từ hai phiá. Chỉ riêng năm 2006 đã có 350.000 tấn hàng qua lại cưả khẩu này. Thị thực cũng đã được bỏ, nên dân hai nước qua lại đây mỗi ngày như đi chợ.

Trong ngôn ngữ Paly, từ Savannakhet vùng đất mà đường Chín đi qua trên đất Lào có nghiã là “đất vàng” (Suvana: vàng và Khetha: xứ sở). Cụm từ ấy, có từ năm 1642 do một hoàng tử nước Lào đặt, nhưng có lẽ cho đến bây giờ điều mong muốn cho vùng đất này mới linh nghiệm. Bởi từ lúc đặt tên đến gần hết thế kỷ 20, Savannakhet luôn phải đối chọi với giặc giã. Nay thì đây đã trở thành vùng đất có dân số đông nhất và thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất nước Lào.

Đường Chín xưa gập ghềnh thế nào, không thể hình dung được nhưng đường Chín nay là con đường thẳng tắp, với bốn làn xe cắt ngang nước Lào. Kéo Lao Bảo cuả Việt Nam gần Mukdahan trên đất Thái xia1ch gần nhau, chỉ còn bốn giờ xe chạy.

Hơn hai trăm cây số từ chợ Caron đến đặc khu kinh tế Senô, ngoại vi thị xã Savan, thứ để có thể so sánh với đường Chín trên đất Việt chỉ là những tấm bảng chỉ đường bằng tiếng Lào và những cánh rừng nguyên sơ hai bên đường. Còn lại từ nhà cưả, xe cộ và con người hình như không có nhiều sự khác biệt. Nếu như ngược từ Đông Hà lên Lao Bảo, tôi gặp những chiếc xe biển số ngoằn nghèo cuả Lào chen giữa những chiếc xe Việt Nam thì ở đất Savnanakhet này cũng lại có những đoàn xe tải biển số Việt Nam nườm nượp nối đuôi cùng xe Lào, chở hàng từ Udon Thani bên Thái Lan về.

Đi giữa đất bạn nhưng những người Việt chúng tôi cũng chẳng gặp khó khăn nào về ngôn ngữ bởi nói không ngoa bất cứ ai gặp trên đường cũng có thể nói được tiếng Việt. Đó có thể là những người Lào, qua lại làm ăn lâu ngày với Việt Nam hoặc những người Việt sang đây định cư. Dừng lại ăn trưa tại Mường Phin, tôi ghé vào một quán ăn với tấm biển ngoằn nghèo chữ Lào. Nhưng người đón chúng tôi là má Năm, dân Cần Thơ chính hiệu. Má Năm đon đả chào đồng hương bằng tiếng miền Tây không chút trọ trẹ, dù đã qua đất Savan này từ năm 18 tuổi. Bên cạnh quán cuả má Năm là quán cuả bà Lò Thị Sả, quê tận Lai Châu chuyên bán phở. Má Năm nói dọc trục lộ từ Caron lên Savan, rất nhiều hàng quán do người Việt làm chủ. Bà già miền Tây cười rất thiệt thà: “Người Lào hiền lành và không khoái buôn bán như Việt Nam mình, nên bao nhiêu quán sá họ nhường hết”. Lời má Năm nói, càng đi sâu vào đất Lào tôi càng có dịp kiểm chứng khi quá nưả hàng quán tôi gặp đều do người Việt đứng bán.

2. Ðường Chín trên đất Nam Lào vẫn còn rất nhiều rừng. Có những đoạn đường và rừng thi nhau nối đuôi đến hàng vài chục cây số. Những thân cây vài người ôm vẫn còn khá nhiều, thi thoảng vài nương luá hiện ra nhưng cũng nằm lọt thỏm giưã rừng. Đó là những nương lúa nếp, được người Lào tiả ngay trên những khoảnh rừng mới vưà đốn, còn ngổn ngang những thân cây nằm vắt ngang. Thứ luá nếp này nấu thành cơm, ăn kèm với thịt trâu rừng phơi khô hoặc cá sông Mêkông, là món đặc sản mà bất cứ ai đi qua đường Chín đều muốn lót dạ.

Những cánh rừng tươi tốt ấy, được tưới tắm bằng những cơn gió Fall thổi từ vịnh Bengan ngoài Ấn Độ Dương vào. Những cơn gió ấy, sau khi xuyên qua đồng bằng trên đất Thái Lan, bị dải bờ Tây Trường Sơn chặn lại, đã trút hết những đám mây mang hơi nước lên vùng đất này. Còn bao nhiêu hơi nóng tiếp tục trườn qua núi và đổ vào đất Việt Nam, suốt cả ngàn cây số từ Nghệ - Tĩnh đến tận Phú - Khánh. Có đi trên đường Chín, đắm mình trong những cánh rừng ở Nam Lào mới giải nỗi oan cho những cơn gió đã làm quắt queo dải đất miền Trung. Người Việt mình gọi tên gió Lào là quá oan cho vùng đất này, khi đất Lào chỉ là nơi những cơn gió ấy thổi qua và giữ lại những cơn mưa xối xả, theo một chu trình tuần hoàn cuả tự nhiên, chứ không phải là nơi sinh ra chúng.

3. Miền đất Nam Lào và Bình Trị Thiên tưạ lưng vào nhau từ ngàn đời. Nhưng suốt từ lúc vương quốc Lanxang được hình thành và Bình Trị Thiên lúc còn được được gọi là Châu Ô và Châu Hoá về với Đại Việt, vẫn cách trở bởi điệp trùng núi non và rừng rú. Đường giao thương giữa hai vùng chỉ bắt đầu mở ra gần trăm năm trước khi người Pháp đưa phu phen lên bạt rừng, mở đường nối vùng lưu vực sông Sepôn cuả Quảng Trị đến tận sông Mêkông, tiền thân cuả đường Chín hôm nay.

Những chuyến hàng đầu tiên được tải qua con đường giao thương ấy là cuả Manpoeuch, ngài công sứ Savannakhet xứ Ai Lao. Bằng con mắt cuả một nhà mại bản châu Âu, Manpoeuch đã nhìn ra thế độc tôn cuả đường Chín trong việc chuyển hàng hoá, sản vật từ đất Lào và Thái Lan ra cảng biển một cách ngắn nhất. Những đoàn xe đầu tiên do ông làm chủ không chỉ đưa đường Chín thành con đường giao thương chính yếu từ Ai Lao sang Trung Kỳ mà còn làm đổi thay Đông Hà, từ một xóm nhỏ buồn hắt hiu nên một thị tứ đông đúc không lâu sau đó.

Nhưng chỉ mấy mươi năm sau, con đường giao thương ấy bị bóp nghẹt khi sông Bến Hải nằm song song với đường Chín không xa trở thành giới tuyến quân sự cắt đôi nước Việt. Đông Hà, điểm cuối cùng cuả đường Chín trở thành tiền đồn cuả quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Gần hai mươi năm, suốt từ năm 1954 đến năm 1973, đường Chín trở thành nơi hứng đạn bom nhiều hơn bất cứ nơi nào trong cuộc chiến tranh mà người Mỹ gieo rắc tại Đông Dương. Trở thành con đường chết chóc khi những cái tên Tà Cơn, Làng Vây, Đakrông hay Bản Đông, Sepôn, Mường Phin… hiền hoà ngày hôm nay đều là sân bay, căn cứ quân sự, làm tấm bia hút hoả lực của cả hai phía.

“Đường Chín Nam Lào”, cụm từ ấy cho đến ngày hôm nay vẫn không chỉ để gọi tên một con đường mà nhắc đến nó là nhắc đến cả một vùng đất, một thời kỳ khốc liệt nhất cuả chiến tranh. Bời chính trên đoạn đường này, sau những cuộc giằng co suốt hàng chục năm, muà hè năm 1971 đã diễn ra những cuộc đọ súng làm thay đổi cục diện cuả cuộc chiến. Đó là khi những đoàn quân chính quy của miền Bắc bất ngờ dồn sức đánh những trận quy mô, đẩy lùi chiến dịch Lam Sơn 719, làm tan tác sinh lực cuả quận đội Sài Gòn. Chiến dịch ấy đã làm phá sản kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” – dùng người Việt đánh người Việt cuả đế quốc Mỹ, đẩy chính quyền miền Nam vào thế phải bỏ đường Chín, bỏ đất Quảng Trị, mở ra bước ngoặt mới của cuộc chiến.

4. Hơn hai trăm cây số trên đường Chín Nam Lào, nếu không nhờ những tên đất gợi lại, có lẽ không ai có thể nhận ra dấu tích cuả một thời khốc liệt.

Hơn ba mươi năm trước, điểm nối cuả đường Chín Nam Lào Thái Lan trên dòng Mêkông thậm chí không có lấy một bến đò qua lại. Phiá bên kia, đất Thái với căn cứ Utapao có hàng ngàn lượt tiêm kích xuất phát mỗi ngày. Trút lưả không chỉ trên đường Chín mà khắp miền Bắc Việt Nam và đất Nam Lào. Vậy nhưng hôm nay, tại điểm nối ấy người Thái đã hợp tác với người Lào xây cây cầu Hữu Nghị thứ ba trên sông Mekông, nối Savan và Mukdahan. Cũng có nghĩa là nối cả với Đông Hà và Đà Nẵng, những cảng biển quan trọng thành một tuyến đường giao thương thông suốt. Cái câu “một ngày ăn cơm ba nước”, giờ đã không còn phải để nói chơi.

Sự xích lại rất gần nhau cuả những ngưòi láng giềng đã biến đường Chín Nam Lào không chỉ là tuyến đường giao thương cuả riêng Việt Nam và Lào mà đã thành trục quan trọng nhất trên tuyến đường quốc tế với cái tên “Đường xuyên Á A3” trên hành lang kinh tế Đông Tây.Đó là tuyến đường, nối từ cảng Đà Nẵng, qua hầm Hải Vân, nối đường Chín, sang đất Thái đến tận Mawlamyine cuả Myanmar, dài đến 1600 cây số.

Trên tuyến đường ấy, ngày hôm nay không chỉ là hàng hoá, xe cộ và con người lại qua để tìm cơ hội làm ăn. Thi thoảng trên đường Chín, tôi bắt gặp những đoàn Caravan, những đoàn xe 4 WD trong hành trình tham quan đến những vùng thuộc điạ cũ cuả người Pháp hay những tour tham quan DMZ, căn quân sự cũ một thời cuả Mỹ…. Những đoàn xe ấy lao nhanh trong yên ả, thanh bình. Dường như chưa bao giờ có cái quá khứ chưa xa mà những người ngồi trong đoàn xe đang hồi tưởng.

Đi qua đường Chín Nam Lào, không chỉ để đặt chân đến một vùng đất mới để thỏa chí của một kẻ thích lang thang, không chỉ để thấy một con đường giao thương tấp nập xuyên ngang vùng Đông Á... Đi qua đường Chín Nam Lào còn là để một lần chứng ngộ với quá khứ. Với những ước vọng về mảnh “đất vàng” từ trăm năm xưa, nay đã thành hiện thực dưới những vòng xe của hậu thế.

Lao Bảo –Sài Gòn, tháng 9/2007
NGUYỄN VIỄN SỰ
Sinh năm: 1982
Nguyên quán: Cửa Sót - Hà Tĩnh
Sinh ra và lớn lên tại làng Chăm Bàu Trúc (Paley Danau Parang) - Ninh Thuận
Hiện là phóng viên báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM
Điện thoại: 0983.103.830
Email: viensupv@gmail.com
READ MORE - ĐI QUA ĐƯỜNG CHÍN NAM LÀO - Nguyễn Viễn Sự