Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 13, 2020

PHẬN NGƯỜI MONG MANH - Thơ Hiệp Kim Áo Tím



                 Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


PHẬN NGƯỜI MONG MANH

Khi cuộc sống không còn an lành
Ta… thấy phận người quá mong manh
Chớp mắt thôi xa rời cõi tạm
Sang hèn nào phân biệt tôi - anh

Một con vật nhỏ bé vô hình
Cướp đi mạng sống bao sinh linh
Không người thân không lời tiễn biệt
Xót xa ngăn giọt lệ vô tình

Vì cớ làm sao mà nên nỗi
Ngồi một mình đếm thời gian trôi
Chắp tay cầu nguyện người cứu rỗi
Đức Phật trên trời ngự trong tôi

Một ngày qua... lại một ngày qua
Ngập tràn người chết thật xót xa
Thiên thần áo trắng đành bất lực
Buông tay đưa tiễn người quanh ta

Cơn mưa chiều bắt đầu vào hạ
Rửa sạch loài quỷ cồ - rô - na
Hay thiêu đốt trong con nắng lạ
Đem thanh bình cho thế giới ta...

                   Hiệp Kim Áo Tím
                   Đà Lạt, 12/4/2020

READ MORE - PHẬN NGƯỜI MONG MANH - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

VÀNG XƯA ĐẦY DẤU CHÂN - Nguyễn Đức Tùng

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng

VÀNG XƯA ĐẦY DẤU CHÂN
Nguyễn Đức Tùng

Chiếc xe buýt dài chở chúng tôi từ bờ biển cực nam Thái Lan ngược lên phía bắc để vào trại tị nạn, thỉnh thoảng dừng lại dọc đường. Đoàn xe có ba chiếc. Mỗi khi xe dừng ở trạm đổ xăng hoặc quán giải khát, chúng tôi ngồi im trong xe, không đưa đầu ra ngoài, chờ, cho đến khi được lệnh xuống xe, nhưng không đi quá xa. Một lần xế chiều, xe dừng lại ở quán nước dọc bờ biển. Trong xe có những người kiếm đâu ra được ít tiền dollars Mỹ hoặc tiền bath Thái, mua nước uống hoặc cà phê, loại pha sẵn trong ly nhựa, có đá vụn, hồi đó rất lạ, nhưng hầu hết bọn thanh niên chúng tôi không có tiền, đứng thẫn thờ tụm năm tụm ba ngoài sân, ngơ ngác như gà mất mẹ. 
Trong quán giải khát, nhạc mở ầm ĩ từ mấy cái loa phóng thanh rất lớn. Bỗng giữa chừng chúng im bặt một lúc lâu, rồi một bài hát tiếng Việt bất ngờ phát ra. Đó là bản nhạc khá xưa, nhưng nhiều người trẻ hơn tôi vẫn chưa kịp nghe thì xảy ra biến cố ba mươi tháng tư, sau đó tất nhiên bị cấm. Tôi nhận ra giai điệu quen thuộc. Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên. Ríu rít, say sưa, chợt cười chợt khóc, dào dạt lòng người, trong buổi chiều nắng xế, chim bay về rừng, mây bay về núi. Mắt tôi nhòa đi, đất trời lay đổ. Giọng hát của ai? Một người trả lời, Thái Thanh. Đúng rồi. Chỉ có Thái Thanh mới hát như vậy. Phạm Đình Chương phổ nhạc bài thơ Người Đi Qua Đời Tôi của Trần Dạ Từ. Lời thơ cực tả kinh nghiệm và cảm xúc trong tình yêu, nhạc và ngôn ngữ hòa quyện mật thiết uyển chuyển, réo rắt, hợp với giọng người hát. Hình ảnh trong thơ đẹp, sang trọng, giàu chất tượng trưng, vần điệu trong thơ đã làm nền cho ca khúc. Giọng hát ngây ngất, phát âm tròn chữ, khi xuống thì xuống hết bực khi lên thì thênh thanh như mây trời. Giọng hát ấy đến từ những ngày xa xưa Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp đến Sài Gòn tự do, nâng đỡ bởi âm nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, chất melancholy của Phạm Đình Chương, và êm như tơ trời Ngô Thụy Miên. Bài hát tiếp theo cũng tiếng Việt, hình như do một ca sĩ khác, nhưng không nghe rõ, có thể vì tôi không nghe gì được nữa sau Thái Thanh, vỏn vẹn hơn mười phút cả hai bài rồi trở lại nhạc Thái rock hò hét ầm ĩ như cũ. Trong khoảng vài phút ấy chúng tôi nghe tiếng động của một thời mới đây vài năm mà nay đã xa nghìn trùng. Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người. Mưa nào lên mấy vai gió nào lên mấy trời. Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên. Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em. Thái Thanh thuộc lớp những ca sĩ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, hát từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng đến khi vào miền Nam mới thực sự tỏa sáng với ban Thăng Long và những Hoài Bắc, Hoài Trung. Điều đặc biệt là bà không dừng lại ở đó mà tiếng hát dường như ngày một tinh luyện hơn. Cách phát âm, đẩy hết cung bậc của tiếng Việt, khai thác sâu các khía cạnh của giọng nói, ở Thái Thanh được nâng lên thành nghệ thuật có một không ai. Những người trẻ sau này có thể không quen và mê tiếng hát này như các thế hệ trước đó, thậm chí có người còn cho là khó nghe. Tuy vậy đó là một tượng đài của nghệ thuật phát âm của tiếng Việt, kẻ tiên phong, có lẽ nhờ Thái Thanh kết hợp giữa lối hát dân gian như ca trù và nghệ thuật opera. Tuy nhiên đó là những ý tưởng bàng bạc qua thời gian, chứ vào giây phút ấy, tôi chẳng suy nghĩ gì cả: tôi chỉ sống, cảm xúc.
Sau này mỗi khi nhớ lại quán nước chiều vàng, sóng biển nhấp nhô gềnh đá, con đường hun hút, tôi nhận ra không phải chỉ có âm nhạc Phạm Đình Chương và nghệ thuật Thái Thanh đã làm chúng tôi xúc động. Có một thứ gì khác nữa, hình như ngấm ngầm hơn, sâu xa, lặng lẽ khác với âm nhạc, đã làm chúng tôi sống lại những ngày tháng đẹp đẽ, không khí tự do hít căng lồng ngực, ban mai thanh bình lướt qua như sương trắng muốt. Tôi nhận ra đó là ngôn ngữ, chính là tiếng Việt. Thơ. Vì thơ là tinh hoa của ngôn ngữ. Thơ Trần Dạ Từ như tuổi trẻ, như chiến tranh, như bếp lửa, ở đó bạn từng ngồi xuống giữa những người khác, trước mặt một người. Tình yêu như công việc: sống là việc khó khăn, sống trong tình yêu lại càng khó khăn. Những tình nhân phải kết hợp lại để vượt qua nghịch cảnh, nhưng họ cũng phải vượt qua sự yếu đuối của chính họ, tan rã của chính họ. Chúng tôi già hơn tuổi của mình, đầy vết xước ly tan, bèo bọt. Đó là một tuổi trẻ bị đánh cắp. Lịch sử không thuộc về chúng tôi. Chỉ có ngôn ngữ giữ chúng tôi lại, như sợi dây thừng buộc chặt chiếc thuyền vào bờ, nhấp nhô trên sóng. Gần ba tháng ròng trên biển, lưu lạc ở một đất nước khác, giữa một văn hóa khác, những thức ăn khác, trong hình dung rằng suốt cuộc đời có lẽ chẳng bao giờ còn cơ hội dùng lại tiếng mẹ đẻ. Không bao giờ. Ra đi là bỏ tiếng Việt lại đằng sau. Mother tongue. Tiếng mẹ đẻ. Ca khúc của Phạm Đình Chương chạm tới cốt tủy người nghe. H. ôm lấy tôi. Cả bọn bảy tám đứa không biết lúc nào đứng xích lại bên nhau, co ro, lắng nghe, hồi tưởng. Tôi liếc mắt nhìn người bạn mới quen trên thuyền, anh P, sĩ quan, khi đi cải tạo về thì vợ và hai đứa con nhỏ của anh, một trai một gái, đã mất tin tức, thấy trên má anh một giọt lệ, lăn đi. Ca sĩ không bao giờ biết rằng cô đã hát bài hát ấy trong một quán nước bên đường, đầu những năm tám mươi, khi người Việt tan tác khắp nơi, khi tiếng Việt là niềm hy vọng cuối cùng của họ. Tiếng hát nào hơ nóng. Hôm đó trong khi đi tới nhà vệ sinh của trạm đổ xăng, băng qua một cửa sổ nhỏ, tôi tình cờ nhìn vào, thấy một cái máy hát, chạy bằng băng cát sét, thấy một người phụ nữ đang rướn mình điều khiển chiếc máy, kê cao trên kệ. Có lẽ là chủ quán hay vợ con của chủ quán, tôi không biết, một phụ nữ còn trẻ khoảng gần ba mươi tuổi, tóc xõa ngang vai, quấn khố dài kẻ sọc xanh đỏ, y phục hoàn toàn theo kiểu Thái. Tôi tò mò đứng nhìn hơi lâu.
Khi chị quay lại, ánh mắt của chúng tôi tình cờ gặp nhau. Chị khẽ mỉm cười. Hay là tôi tưởng tượng thế? Tôi không biết. Tôi sửng sốt chỉ kịp gật đầu, không cất thành lời. Vào lúc ấy tôi nhận ra rằng, tôi chắc chắn rằng, không nghi ngờ gì nữa, khuôn mặt ấy là của một người phụ nữ Việt Nam. Tôi đứng im một lúc, rồi sự nhút nhát của cả hai đã chiến thắng lòng can đảm, chị quay mặt đi, tôi bỏ về phía đoàn xe buýt, nơi mọi người đã lên gần hết và người cảnh sát tốt bụng nhưng khó tính đang đứng gần cửa để điểm danh. Tôi đã không còn cơ hội nào để hỏi chuyện với người phụ nữ tha hương kia. Nhưng tôi tin bài hát tiếng Việt, giọng hát huyền thoại, một người làm thơ, một người phổ nhạc, một người hát, trong một lúc đã làm hai chúng tôi gần lại, hai kẻ lưu lạc kia, vốn không hề quen biết, nhờ một băng nhạc cũ bám bụi vàng thời gian mà vẫn có thể nhận ra nhau giữa giông bão cuộc đời. 
Nguyễn Đức Tùng

Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Ảnh Cao Lĩnh.
READ MORE - VÀNG XƯA ĐẦY DẤU CHÂN - Nguyễn Đức Tùng

HỘI CHỨNG | BÓNG MA - Thơ Hoàng Xuân

  

         
HỘI CHỨNG

Những con cá nhảy đành đạch
vớt lên từ biển cả lòng tin
người câu cá lặng thinh chỉ nhìn bằng ánh mắt 
có con đã ăn sơn hào hải vị 
cũng có con đói lả rung người 
trước mênh mông sóng nước 
anh có thể vớt cá bằng cả hai tay 
bằng cả trái tim và lòng nhân hậu 
với một thực đơn đã được định vị sẵn 
trên chiếc cần câu 

nhưng hãy đừng nhầm tưởng 
cứ vạt câu ra là thu về cá 
biển cả vô bờ niềm tin hữu hạn 
trên thương trường loài cá không thể bơi nghiêng 
cần câu oằn mình 
hội chứng! 
                                     BĐ 16/2/2020
                                      Hoàng Xuân


         
BÓNG MA

chập chờn trong giấc ngủ 
Tôi nằm mơ thấy bóng ma 
đêm cựa mình thảng thốt 
những con đường u ám phía sau 
thế giới như một bàn cờ thế trận 
cuộc chiến không cân sức 
cuộc chiến tang thương 

tôi nằm mơ thấy bóng ma 
trong giấc say sau một ngày đầy ám ảnh 
bàn tay sấp ngửa run run 
cuộc chiến không tiếng súng 
không tomahoc, tàng hình 
những bóng ma bay lượn vô hình 
giễu cợt

tôi nằm mơ thấy bóng ma 
sờ lạnh lùng vào từng thân xác 
phía bên kia 
cầu vồng dị biến 
phía bên này 
màn đêm Hảo Vọng 
nhìn người bằng ánh mắt lăm le. 
                           Hoàng Xuân

READ MORE - HỘI CHỨNG | BÓNG MA - Thơ Hoàng Xuân

TĨNH LẶNG - Trường Hải Lê Văn Đông


TĨNH LẶNG

Không gian tĩnh lặng khác thường,
Tiếng chim chích hót trong vườn lượn chao.
Ngọn cây gió hát rì rào,
Tự bao đời thế đã nào lắng nghe.
Trên đường vắng hẳn tiếng xe,
Ít người qua lại, tiếng ve dập dồn.
Cách ly là để sinh tồn,
Bởi dịch Covid chẳng còn kiềng ai.
Chưa bao giờ như nay đây,
Cuộc sống trôi chậm từng giây thế này !?!

Trường Hải Lê Văn Đông

READ MORE - TĨNH LẶNG - Trường Hải Lê Văn Đông

KIỀU CHƠI CÂY ĐÀN GÌ? - phiếm luận của Chu Vương Miện



Viết về Kiều thi cũng nhiều, và viết về Nguyễn Du thì cũng lắm lắm. Quẩn quanh thì cũng khá tốn nhiều giấy mực. Nhưng riêng cái chuyện nàng Thúy Kiều cũng là lắm chuyện. Cái chuyện bút chiến về Kiều  cũng có. Thời tiền chiến người ta mang Kiều ra làm một cái cớ để choảng nhau [chớ chẳng ai tha thiết đến nàng Kiều cả]. Kẻ theo Tây [làm tay sai] phản bội lại dân tộc thì lại mầu mè là văn chương chuyện Kiều hay số dzách. Kẻ chống Kiều cho Kiều là con đĩ bán trôn nuôi miệng, chẳng qua cũng nhờ qua nhân vật Kiều mà chửi xéo cái bọn tay sai bồi Tây, chớ cũng chả ai chửi bới cái nàng Kiều làm cái gì?

Văn chương một đàng, thực tế  một nẻo, tuy có bàn về nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh chẳng qua cũng chỉ là một cách nói, chứ cứ thẳng mực tàu ra thời như sau:
1/Phía theo Tây là vì chữ hiếu, vì gia đình, vì cái dạ dầy.
2/ Phía chống Tây cho Kiều là thứ lưu manh, nuớc mất nhà tan, làm đầy tớ cho kẻ thù mà không biết nhục.
Gần một thế kỷ hai mươi, Kiều và Nguyễn Du, Nguyễn Du và Kiều đã được khá đông đảo học gỉa và học thật bàn quanh năm suốt tháng, địa vị thi hào Nguyễn Du là số một, có tên đường, có tên đặt cho trường Trung học. Những bài bút chiến một thời dần dần đã chìm vào quên lãng.

Tuy nhiên viết về Kiều và Nguyễn Du có một bài của một vị tiến sĩ âm nhạc bên Tây [Người Việt tốt nghiệp tiến sĩ ở bên tây] mà đến năm nay 1988 kẻ viết bài này không thể nào quên cho được [23 năm]. Chẳng là năm 1965 , tạp chí Bách Khoa có ra một số báo đặc biệt [kỷ niệm 200 năm NguyễnDu 1768-1965] Cuốn tạp chí có rất là nhiều bài viết về Tiên Điền tiên sinh. Quanh co thì ông Nguyễn Du là ông Nguyễn Du, nàng Kiều thì vẫn là nàng Kiều, chỉ có thế mà thôi, nhưng cái bài đặc sắc nhất là bài Kiều chơi cây đàn gì? Vị tiến sĩ âm nhạc căn cứ vào hai câu 29 và 30 trong Đoạn Trường Tân Thanh như sau:
Cung thương lầu bạc ngũ âm [câu 29]
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương [câu 30]
Vị tiến sĩ âm nhạc này luận đại để là Hồ Cầm là đàn của người Hồ, đàn này có khi là nhị hồ là thứ đàn hai [2] dây bà con anh em nội ngoại  na ná như đàn cò, đàn kìm, đàn gáo, đàn sến ..., sau đó vị tiến sĩ lại chụp phóng ảnh một lộ nhạc cụ hình hai dây để độc giả nhìn cho mãn nhãn [nhìn cho rõ] và kết thúc bài viết là:
Nguyễn Du chỉ là một thiên tài của thi ca mà thôi, chớ ông không rành về âm luật mà Hồ Cầm là loại đàn hai dây [ mà tiểu thư khuê các như nàng Kiều thời bấy giờ mà đàn một loại đàn hai dây cò cưa kỳ cưa thì kỳ cục lắm lắm. Đoạn dưới vị tiến sĩ lại ghi chú thêm là khi diễn tả đàn Hồ thì Nguyễn Du lại:
So dần dây vũ dây văn [404]
Bốn [4] dây to nhỏ theo vần cung thương [405]
Đàn bốn [4] dây là đàn tỳ bà chớ không phải Hồ Cầm hai [2] dây.

Ôi đàn bốn dây và đàn hai dây miễn cứ đàn là được chớ có ăn thua gi? Cái thao thức đến 23 năm, bây giờ mới có thì giờ viết lại chuyện xưa. Cũng không dám tranh luận với vị tiến sĩ âm nhạc Tây về đàn cò, đàn Hồ. Và cũng không dám khen và chê Nguyễn Du  là đúng hay sai mà chỉ mang một suy nghĩ của một tấm lòng cố dàn trải vần đề ra làm sao cho nó đúng [cho người xưa khỏi bị oan và người nay khỏi thắc mắc.]
Theo thiển ý của chúng tôi thì câu 30 có nghĩa là
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương [câu 30]
Hồ cầm một trương, một trương đây là một bản nhạc, trương hay chương hay xoang là một phiên khúc, chớ Nguyễn Du có cho Hồ cầm là một Cây đâu? mà nơi đây Hồ cầm là một bản đàn bạc mệnh, diễn tả lúc nàng Chiêu Quân cống Hồ lúc qua biên giới Nhạn Môn Quan thì nhớ nhà quá bèn mang ra đàn. Hồ cầm là bản nhạc bạc mệnh buồn [mà nàng Kiều đàn bản Hồ cầm này thì ăn đứt người khác].

Đàn cầm tên thường gọi là Huyển cầm, hay cổ cầm vì nó được tạo ra từ thời thượng cổ nhạc khí tục truyền do Phục Hy chế ra bằng ba thứ gỗ độc đáo là cây ngô đồng , cây tử và cây tử đàn [Niệm Thư trang 141- MDHT]

Đàn cầm dài ba xích 6 thốn 6 phân để tượng trưng cho 366 ngày một năm trên tròn xem như bầu trời dưới vuông như mặt đất lòng rộng dưới có bốn chân nhỏ, trên mặt đàn có hai lỗ gọi là Long Trì Phượng chiếu từ là Hồ của rồng, ao của Phựơng.  

Cầm được chia ra năm [5] thứ, nhất huyền, tam huyền, ngũ huyền, thất huyền và cửu huyền. Cả năm cây đàn đều mang dương số là số lẻ. Đàn của Bá Nha phải là thứ ngũ huyền [cương cầm] 13 phím đàn tượng trưng cho ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ và cho ngũ cung [cung thương giốc chủy vũ].
[Niệm Thư trang 142-MDHT]

Ngoài đàn dương ra lại còn đàn âm như nhị huyền [đàn Hồ hay nhịhồ] tứ huyền [tức đàn Tỳbà] , luchuyền . thậplục và thạchcầm [32 miếng]
Bây giờ trở lại vấn đề là [Kiều chơi cây đàn gì?] lần thứ nhất ở nhà Kim Trọng :
-Rằng nghe nổi tiếng cầm đài [câu 396]
Nước non luống những lắng tai Chung kỳ[câu 397]
Thưa rằng tiện kỹ sá chi [ cau 398]
Đã lòng dậy đến dậy thì phải vâng [câu 399]
Hiên sau treo sẵn cầm trăng [câu 400]
Vậy thì lần này nàng Kiều chơi cầm trăng, tức nguyệt cầmđàn nguyệt.
[Theo từ điển của LM Anthony TRẦN VĂN KIỆM là đàn bốn dây có bầu tròn dẹp]. Đàn này có hai dây vũ và hai dây văn [có nghĩa là có hai dây to và hai dây nhỏ]
So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Nàng đàn nhiều bản [nhiều khúc] đại khái như: khúc Hán Sở, Khúc Tư Mã Tương Như, Khúc Kê Khang, Khúc Quảng Lăng....

Lần thứ hai nàng Kiều chơi đàn trong hoàn cảnh Hoạn Thư ghen, bắt cóc nàng về làm con hầu và bắt nàng phải đàn cho Thúc Sinh nghe.
Phải đêm êm ả chiều trời [ câu 1496]
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mỗi ngày [câu 1497]
Trúc tơ hay trúc ty cũng vậy, ý nói cái ống sáo làm bằng ống trúc, lần này thì nàng Kiều thổi ồng trúc:
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người [câu 1498]
Lần thứ ba thì Hồ Tôn Hiến bắt nàng đàn sau khi đã bắn chết Từ Hải :
Giở say lại ép cung đàn nhặt tâu [2056]
Một cung gió thảm mưa sầu [câu 257]
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay [câu 2058]
Kỳ này thì nàng Kiều chơi loại đằn bốn dây, là loại tứ huyền không rõ nguyệt cầm hay tỳ bà.
Lần thứ tư là Kiều và Kim Trọng tái hợp, Kim Trọng đề nghị Kiều đàn cho chàng nghe:
Tình xưa lai láng khôn hàn
Thong dong hỏi lại ngón đàn ngày xưa.
Ngón đàn ngày xưa là ngón đàn Nguyệt cầm rồi.

Trước sau nàng Kiều chới đàn bốn lần, ba lần là đàn bốn dây (hai lần là đàn nguyệt [trăng], một lần là thổi sáo và một lần nữa không biết là đàn gì, chỉ biết là bốn dây).
Bây giờ trở lại từ Hồ Cầm. Hồ cầm là đàn của rợ Hồ phương bắc, Hồ cầm là danh từ chỉ chung chung các nhạc cụ của người Hồ [Hung Nô] như nhị hồ 2 dây, tỳ bà bốn dây, đàn đá 32 miếng.
Chữ Hồ cầm này na ná như rượu Bồ Đào [của người Bồ đào Nha],Tây Ban cầm [đàn của người Tây ban Nha]. Hồ cầm không xác định rõ ràng một loại nhạc cụ nào, mà chỉ là một danh từ chung chung mà thôi, cũng như Hồ mã [là ngựa Hồ] nhưng ngựa Hồ có rất nhiều loại chân cao, chân thấp có loại thiên lý mã có loại kéo xe, có loại chuyên leo núi.
Nếu ta gán cho Hồ cầm là một cây đàn hai dây thì chả khác gi cho Hồ Trường là một bãi chiến trường của ngươì Hồ [thực ra Hồ truờng chỉ là một hồ rượu lớn.] và theo thiển ý của người viết bài phiếm luận này thì Hồ cầm trong thơ Nguyễn Du chỉ là tên của một bản nhạc mà thôi .

Chu Vương Miện



READ MORE - KIỀU CHƠI CÂY ĐÀN GÌ? - phiếm luận của Chu Vương Miện

SAU MÙA GIÓ LOẠN - Thơ Mặc Phương Tử



SAU MÙA GIÓ LOẠN 
Mặc Phương Tử

Tiếng thở dài thiên cổ
Cháy bỏng ngàn sau xa.
Mây về từ cổ độ,
Xao xác hồn cỏ hoa.
Sầu lên mấy độ trăng tà
Đường nghiêng ngả bước, bóng nhoà nhạt đêm.
Cành sương trĩu mộng bên thềm
Bóng ma trơi hiện càng thêm não nùng.


Sóng dựng đài mây lạnh
Thoi thóp nhịp sầu khuya
Con sông từ trăm nhánh,
Lao xao bờ nọ kia.
Ai đâu tìm nẻo đi về ?
Trả sương khói lạnh bộn bề tháng năm.
Luân hồi từ thuở xa xăm
Mang bao cát bụi về thăm thẳm đời.


Lanh quanh trăm bến lạ
Lanh quanh hồn bể dâu.
Sầu ca lời sỏi đá,
Ngàn xưa rồi ngàn sau.
Man man giấc mộng hôm nào
Tả tơi cuộc hẹn, ra vào cuộc chơi.
Phù du bóng ngả chiều rơi,
Chim ngàn bạt gió ngậm ngùi nước mây.!


Hừng hực cơn lửa đỏ
Cháy trăm nẻo điêu tàn
Còn chăng tình hoa cỏ
Dâng lời ca trên ngàn.
Cho đời sớm được bình an,
Cho người dạo một cung đàn Nghĩa-Nhân.
Trước sau tụng một tinh thần
Chân-Thiện-Mỹ mới vẹn phần sanh linh.


Rồi đây trên bước đăng trình
Sau mùa sương khói, tự tình cỏ hoa
Sau mùa gió loạn quanh ta,
Tiếng muôn chim hót tình ca muôn trùng.


                       South Dakota, 12.4.2020.
                  MẶC PHƯƠNG TỬ.







READ MORE - SAU MÙA GIÓ LOẠN - Thơ Mặc Phương Tử

TÌNH LẬN ĐẬN - Thơ Quang Tuyết



                                   Nhà thơ Quang Tuyết


TÌNH LẬN ĐẬN

Em không biết nói gì
Khi nhìn lên bầu trời xanh đang trong mùa đại dịch
Mây trắng lang thang bàng bạc phút bình minh
Người xa người lòng vẫn nhớ đinh ninh
Chờ chiếc xe mây
đưa nhau về bến mộng

Anh cũng không thể hứa gì
Khi lệnh cách ly ban hành trên diện rộng.
Thôi tự nhủ cho an lòng
Hoa vẫn nở bên song
Chim từ đâu bay đến nhảy nhót thong dong
Mà mùa xuân thì dường như đã khuất
Có điều gì xôn xao mà lòng nghe quay quắt
Có điều gì trong nhau để nỗi buồn vương mắt
Ghế đá lạnh lùng dây giăng trói buộc

Anh trầm tư cùng gió
Em lặng buồn nhìn mây
Nhặt chùm Bằng Lăng cánh tím trên tay
Thầm thì những lời tín nguỡng
Hoa rụng ven đường
Đời như gió thoảng
Trót lỡ hẹn về lại úa một màu hoa

                                                  Quang Tuyết

READ MORE - TÌNH LẬN ĐẬN - Thơ Quang Tuyết