Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 18, 2013

CUỘC THI THƠ HAIKU NHẬT-VIỆT 2013: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT - *Ghi chép NGUYỄN AN BÌNH




     Trên trang trang mạng vừa giới thiệu cuộc thi thơ Haiku , để giúp các bạn thơ của trang Bông Tràm làm quen với thể thơ đặc biệt ngắn nầy của Nhật, tôi xin giới thiệu những nét cơ bản về xuất xứ, cách làm thơ cũng như thể lệ dự thi, các bạn nên tham khảo và tìm thêm những nguồn tư liệu khác có trong sách báo, trên mạng để vững tin khi tham gia cuộc thi thơ đầy hứng thú và bổ ích nầy.Chúc các bạn thơ thành công.

A-Giới thiệu thể thơ haiku:

        Thơ haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản (gồm 17 âm tiết 5 – 7 – 5, ngắt nhịp thành 3 câu) có lịch sử hơn 400 năm và phát triển mạnh vào nửa đầu thời kỳ Edo (1603 – 1868) khi nhà thơ nổi danh Matsuo Basho của Nhật sáng tác các bài thơ miêu tả thiên nhiên và thế giới xung quanh trong chuyến du hành khắp đất nước Nhật Bản. Thơ haiku cổ điển bắt buộc phải sử dụng “kigo – quý ngữ”  (dấu hiệu cho biết bài thơ đang miêu tả mùa nào), đọng lại cho người đọc cảm xúc hay suy tư sâu sắc. Người mới bắt đầu làm thơ haiku không nhất thiết phải tuân thủ cứng ngắc các nguyên tắc của haiku, mà diễn tả những gì tự cảm nhận và trải nghiệm từ thế giới xung quanh bằng lối diễn đạt đầy sáng tạo của ngôn từ. Thơ haiku ngày nay đã vượt qua biên giới, được nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Phi, Trung Quốc…sáng tác bằng chính ngôn ngữ bản địa cho thấy “Văn hoá haiku” đang được lưu truyền rộng rãi.
        Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, thơ Haiku là loại thơ cực ngắn, chỉ có ba câu, mười bảy âm tiết (5-7-5) dài không quá mười hai, mười ba từ, không chấm câu, không đề. Nội dung thường hướng về thiên nhiên bốn mùa và nội tâm cá nhân. Nhỏ nhoi là vậy, thơ Haiku vẫn có thể chứa đựng “ba nghìn thế giới”. Như một thiền ngôn xưa, trong hạt cải nhỏ xíu bao hàm cả nhật nguyệt, trên đầu sợi lông dồn tụ cả càn khôn.
       Nếu đọc thơ Haiku nhiều, người đọc dễ dàng nhận ra vạn vật bé nhỏ xung quanh mình khi thì chiếc lá, vỏ ốc… lúc thì con ếch, đom đóm… thậm chí cả con ruồi. (Ruồi trên nón ta ơi/hôm nay vào thành phố/thành dân Edo rồi – tác giả Issa. Edo tức Tokyo ngày nay).
       Tác giả  quyển sách“Ba ngàn thế giới thơm” cho biết thêm: Thơ Haiku có lâu đời rồi nhưng đến thế kỷ 17, 18 mới lên đến đỉnh điểm bằng sự xuất hiện hai thi sĩ lừng danh là Basho và Issa. Basho chu du khắp nước Nhật và ông đã ghi lại những khoảng khắc nắm bắt được suốt cuộc hành trình. Bây giờ, hầu như đất nước nào trên thế giới cũng học và sáng tác thơ Haiku, kể cả người Hồi Giáo.
        Giá trị của thơ Haiku có nhiều mặt khác nhau, như ở Mỹ, thơ Haiku được đưa vào nhà trường. Ở ta Haiku cũng bắt đầu được đưa vào chương trình THPT. Tất nhiên, người Mỹ muốn học sinh sáng tác thơ Haiku không phải vì Nhật mà có mục đích giúp học sinh diễn đạt nhiều ý nghĩa nhất với số lượng âm tiết ít nhất.
          Tại Việt Nam, người biết và yêu thích thơ haiku ngày càng gia tăng. Từ năm 2007, năm 2009 và năm 2011, thơ haiku được tổ chức tại Việt Nam theo thông lệ hai năm tổ chức một lần nhằm tạo sân chơi thể nghiệm sáng tác thơ haiku cho giới yêu thích văn hóa – văn học Nhật Bản. Số lượng người dự thi thơ haiku trên toàn quốc mỗi năm mỗi tăng cho thấy thơ haiku đang có sức hút mạnh mẽ tại Việt Nam. Đặc biệt năm nay, cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần thứ 4 được tổ chức cũng nhằm hưởng ứng sự kiện Năm hữu nghị Nhật – Việt kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.


  B-Thi sáng tác thơ haiku Nhật -Việt n ăm 2013:                                          
  1. Tổ chức: Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM
  2. Đồng tổ chức:
    • Báo Tuổi trẻ
    • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
    • Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM.

  1. Ban giám khảo:
    (1) Ban Giám khảo tiếng Việt
    • PGS.TS Đoàn Lê Giang – Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (Trưởng Ban Giám khảo)
    • PGS.TS Nguyễn Tiến Lực – Trưởng Bộ môn Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
    • ThS Đặng Kim Thanh - Giảng viên Đại học Sài Gòn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ haiku Việt.
    • Nhà thơ Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Báo Tuổi trẻ
(2) Ban Giám khảo tiếng Nhật 
    • Chuyên gia thơ haiku Touon NAKANO (中野東音) (Chủ tịch Câu lạc bộ thơ haiku Sagano, Hiệp hội Nhà thơ haiku Nhật Bản)
  1. Hình thức và đối tượng dự thi:
    • Hình thức: Sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt, tiếng Nhật, hoặc cả hai thứ tiếng.
    • Thể lệ: Trên nguyên tắc, thơ haiku bằng tiếng Nhật phải gồm 17 âm tiết (5 – 7 – 5 âm), không nhất thiết phải có kigo 季語 (quý ngữ). Thơ haiku bằng tiếng Việt theo hình thức ba dòng, số chữ mỗi dòng không quá 5 – 7 – 5 từ.
    • Đối tượng: Người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam.
    • Đề tài: Không quy định.
  2. Quy định nộp bài tham dự:
    • Mỗi người dự thi chỉ được nộp tối đa (3) ba tác phẩm cho mỗi thể loại ngôn ngữ.
    • Bài dự thi phải được đánh vi tính, không viết tay, sử dụng font Unicode và theo mẫu quy định tại đây (xem trang 1). Người dự thi phải gửi kèm thông tin theo mẫu quy định tại đây (xem trang 2) ghi rõ: Họ tên, địa chỉ nhà hoặc cơ quan, số điện thoại liên lạc, email, phải được in trên tờ giấy khác, không in chung trên bài dự thi.( để tiện cho các bạn tham gia tôi có nêu mẫu dự thi ở cuối bài viết nầy)
    • Bài dự thi không được chép, mô phỏng, dịch thơ của người khác, chưa được in, phát hành, đăng trên mạng kể cả trên blog cá nhân. Nếu vi phạm sẽ thu hồi giải.
    • Tất cả các bài dự thi phải theo đúng các quy định trên, nếu vi phạm sẽ không được chấm giải.
  3. Giải thưởng:
    • Giải thưởng cuộc thi dự kiến gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, một số giải khuyến khích cho mỗi thể loại ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Nhật).
  4. Thời gian gửi bài dự thi: Từ ngày 10/7/2013 đến hết ngày 10/10/2013
  5. Địa chỉ nhận bài dự thi:
    • Bằng thư: Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Ban Văn hoá (Thi thơ haiku)
      261 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM. Tel: 08-3933 3510 (số nội bộ: 211, Ms. Như)
    • Email: thithohaiku@hc.mofa.go.jp,
  6. Ngày công bố kết quả (dự kiến): Ngày 7/12/2013
C-Tham khảo những bài thơ đạt giải haiku Nhật Việt những năm trước:
  •         Giải nhất thơ haiku tiếng Việt 2011

    Quả mướp dài
    Con ong vụt đến
    Đâu người tình xưa?
    (Tôn Thất Thọ, TP.HCM)
  • Giải nhất thơ haiku tiếng Nhật 2011

    種を巻く       tane wo maku
    子供の夢に   kodomo no yume ni
    幸あれと       sachi are to
    (Mạnh Thị Lệ Chinh, Hà Nội)
   
  • Giải nhất thơ haiku tiếng Việt 2009

    Xó chợ
    Chiếc lon trống
    Hạt mưa mồ côi
    (Nguyễn Thánh Ngã - Lâm Đồng)
  • Giải nhất thơ haiku tiếng Nhật 2009

    梅の花        ume no hana
    微笑み始め  hohoemi hajime
    春の風         haru no kaze
    (Đào Thị Hồ Phương,TP.HCM)
   
  • Giải nhì thơ haiku tiếng Việt năm 2007
    (Không có giải nhất)
    Con cá thở
    Bọt bong bóng vỡ
    Mưa phùn
    (Nguyễn Thế Thọ - Đà Nẵng)
  • Giải nhất thơ haiku tiếng Nhật 2007

    春巡り           haru meguri
    過ぎし日想う  sugishi hi omou
    窓の外           mado no soto
    (Trần Hồng Thục Trang,TP.HCM)
* Ngoài ra các bạn thơ có thể tham khảo thêm các bài thơ haiku ở trang web câu lạc bộ thơ haiku để làm quen thêm
D- Mẫu đăng ký dự thi như sau:
 ĐĂNG KÝ DỰ THI
CUỘC THI SÁNG TÁC THƠ HAIKU NHẬT - VIỆT LẦN 4 (NĂM 2013)
第4回日越俳句コンテスト  投句用紙

·      Thời gian gửi bài dự thi: Từ ngày 10/7/2013 đến ngày 10/10/2013
·      Bài dự thi phải được đánh máy, không viết tay.
                                                                                                                              Ngày  nộp:

Dự thi haiku tiếng Việt
Dự thi haiku tiếng Nhật (日本語作品)
Bài dịch tiếng Việt (nếu có) của bài dự thi bằng tiếng Nhật
Bài 1



Bài 2



Bài 3



·      Địa chỉ gửi bài dự thi:
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM – Ban Văn hoá
261 Điện Biên Phủ, Q.3, TPHCM hoặc  Email: thithohaiku@hc.mofa.go.jp
Điện thoại liên hệ: 84-8-3933 3510  (Ext.211, Ms. Như)
·      Mỗi người dự thi chỉ được gửi duy nhất 1 lần, tối đa 3 bài cho mỗi thể loại ngôn ngữ.
·      Dự kiến ngày công bố kết quả: Ngày 7 tháng 12 năm 2013
·      Thông tin người sáng tác:  phải được in riêng (không in trên trang này).
·      Đối với bài dự thi bằng tiếng Nhật, trong quá trình chấm điểm và in kỷ yếu, Ban tổ chức sẽ không dịch sang tiếng Việt, người dự thi phải tự dịch tiếng Việt.

THÔNG TIN NGƯỜI DỰ THI
CUỘC THI SÁNG TÁC THƠ HAIKU NHẬT - VIỆT LẦN 4 (NĂM 2013)
第4回日越俳句コンテスト  応募者連絡先


Họ và tên người dự thi
氏名

Địa chỉ liên lạc
住所





Số điện thoại
電話番号

Điện thoại nhà/ Hoặc cơ quan:


Điện thoại di động:

Email
メール



Ban tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm trong trường hợp thư thông báo, thư mời gửi cho người dự thi bị thất lạc do địa chỉ không rõ ràng. 

Ghi chép NGUYỄN AN BÌNH
READ MORE - CUỘC THI THƠ HAIKU NHẬT-VIỆT 2013: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT - *Ghi chép NGUYỄN AN BÌNH

THƠ NGẮN LẠ ĐỜI LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch

                                  
Lê Thiên Minh Khoa
                   
Người ta nói Bùi Giáng là nhà thơ điên, tôi không biết ông có điên hay không, hay tại vì ông quá trổi hơn đời nên đời nói ông điên.  Mỗi khi đọc thơ Bùi Giáng tôi lại nhớ đến những bài thơ ngắn của một nhà thơ hiện nay, mà tôi chỉ biết qua thơ và qua vài lần điện thoại: Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa.

Với tôi, Lê thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài thơ.

Những cảm nghĩ của tôi về Khoa có lẽ chủ quan nhiều vì do tôi yêu thơ Khoa cũng như một thời tôi yêu thơ điên Bùi Giáng. Lê Thiên Minh Khoa có nhiều bài thơ hay, có bài đã được đưa vào làm giảng văn trong nhà trường, nhưng những cái đó thì cũng như những nhà thơ thành danh khác. Cái lạ đời khác của Lê Thiên Minh Khoa đối với tôi là những bài thơ ngắn. Những bài thơ ngắn của Khoa không rắc rối ngữ từ như thơ Bùi Giáng, không “tối nghĩa” như thơ Bùi Giáng, nó như vọt miệng nói ra mà sao đọc rồi cứ nghe nhưng nhức trong người như có một vết thương chẳng chịu lành, cứ nghe khang khác trong lòng giống như có điều chi mắc mứu mà không thể nào giải được. 

   Để khóc cho người bạn cũ đã qua đời, Lê Thiên Minh Khoa viết như sau:                     

                      Ba mươi năm trở lại
                      Bạn cũ mất lâu rồi
                      Hạt muối từng cắn đôi
                      Hạt đường chia không được!...
                                              ( Thăm bạn cũ)

Đọc bài thơ nầy tôi nhớ đến ông bà tôi, cha mẹ tôi và tất cả những người già thân yêu của tôi đã từng nói câu nầy (Hạt muối cắn đôi) trên cửa miệng. Từ đó, một cách mơ hồ tôi liên tưởng đến quê tôi với làng với thôn với rơm với rạ, với những cánh đồng bát ngát lúa xanh... Lê Thiên Minh Khoa đã dùng lại lời nói chơn chất mộc mạc của biết bao thế hệ người già để đưa vào thơ mình, trở thành những câu thơ đầy ẩn dụ, đọng lại nỗi cay đắng, phi lý, dang dở, thương tâm lay động đến chiều sâu tâm thức của con người. Ai không tin tôi, xin hãy đọc lại bài thơ nhiều lần sẽ thấy lòng mình rưng rưng là có thật.

Rồi  để nói về việc làm thơ, Lê Thiên Minh Khoa không dùng đến con tằm nhả tơ mà dùng đến con lắc đong đưa dao động:

                   Nỗi trăn trở
                   niềm si mê
                   treo vào câu chữ

                   Như dao động con lắc
                   cứ đong đưa
                   rồi dừng lại
                   thành thơ
                              ( Dao động thơ) 

Sự  trăn trở khi sáng tác của nhà thơ giống như  con lắc, khi con lắc dừng lại thì thơ xuất hiện. Con tằm nhả tơ xong con tằm chết, con lắc dừng lại cũng là con lắc chết, thi sĩ trăn trở, si mê, treo vào câu chữ để thành thơ thì chắc chắn không khác chi con tằm, không khác chi con lắc kia. Con lắc chết là không còn dao động, thi nhân chết là cảm hứng không còn . Minh Khoa cho thơ thành hình khi con lắc đứng yên. Như thế thơ là sự vắt kiệt những dao động tâm hồn, là khi biên độ của suy tư bằng không để cho câu chữ thoát xác thành ra tác phẩm với đời. Như thế khi thơ hình thành thì sinh lực triệt tiêu, sự chết đến khi tâm hồn cật lực suy tư. Minh Khoa không cho thơ thăng hoa trong vinh quang mà đặt thơ vào quá trình sáng tác vừa trăn trở vừa dằn vặt, vừa quanh quẩn miệt mài và buồn vô hạn khi con lắc ngưng đong đưa. Như thế, Minh Khoa lột tả hết nội tâm của người làm thơ, của phút giây im lặng khi con lắc dừng đong đưa chết cho thơ sinh nở, và nhà thơ như người mẹ vừa lâm bồn xong đã bán con mình vào đời cho mưa gió phũ phàng.

 Và  để tả Tháp Chàm, Minh Khoa đã viết:

                   Chuyện cũ rì rầm đất
                   Chiều xưa mây nổi trôi
                   Tháp Chàm nghiêng nắng đỏ
                   Nhói lặng một góc trời
                                        (Tháp Chàm)

Toàn bộ phong cảnh ở  đây đều trầm mặt. Bà Huyện thanh Quan viết về  hoàng thành hoang phế như sau:
                   Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
                   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
                                ( Thăng Long thành hoài cổ)

Cảnh của bà Huyện thanh Quan cũng buồn nhưng màu sắc đẹp nên thơ. Cảnh Tháp Chàm của Minh Khoa cũ kỷ đến rợn người. “Chuyện cũ rì rầm trong đất” như tiếng của ma, “ Chiều xưa mây nổi trôi” như tấm lụa của người thiên cổ, “ Tháp Chàm nghiêng nắng đỏ” như con mắt khóc nhớ thương, và “ Nhói lặng một góc trời” mơ hồ như lịch sử xa xăm. Ôi! Đọc bài thơ như đi trong vùng đầy âm khí, tuy thế không mấy ai không thích ngắm và nghe âm cảnh, âm vọng kia để trầm tư hoài cổ. Chỉ bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa không nói đến “tháng ngày mòn mong đợi”, không nói đến “ tượng Chàm lở lói rỉ rên than” mà vẫn nghe thấy tiếng lòng ma Hời trong di tích cổ xưa.  

  Và  Lê Thiên Minh Khoa cũng có lúc lên cơn vì tình, không như Bùi Giáng nhưng cũng có thể gọi là điên, cái điên của những kẻ lạ  đời:

                         Từ trong góc núi lên cơn
                         Về góc phố hỏi em còn đó chăng
                         Ngó lên ngó xuống ngó quanh
                         Uống ly đen nóng lại băng về rừng.

                         Hôm sau thèm được lên cơn
                         Về góc phố hỏi còn không cô nàng …
                                                             (Lên Cơn)

Lên cơn là triệu chứng của sự co giật. Minh Khoa không lên cơn ở cơ thể nhưng lên cơn ở  tâm hồn. Anh biết phương thức làm hạ không cho co giật. Đó là về góc phố thăm em. Cái lạ của bài thơ là chỉ nơi nàng ở đã chửa được bệnh lên cơn của chàng. Câu thơ “Ngó lên ngó xuống ngó quanh” chứng tỏ là không có nàng ở đó nên đành phải uống một ly đen nóng lại băng về rừng. Thế mà hôm sau lại thèm lên cơn nữa. Bài thơ không cần giải thích thì ai cũng biết đây là anh chàng yêu dại yêu khờ, yêu như ma đuổi. Phải hiểu rằng tác giả đã biết không có nàng ở đó nhưng cơn động kinh thôi thúc phải đi. Còn nếu đến đó rồi mới biết vắng nàng thì bài thơ thường tình và sự lên cơn cũng bình thường như bao người yêu khác. Nhà thơ lặp đi lặp lại các chữ “em còn đó chăng”, “ còn không có nàng” thể hiện về sự ảo tưởng nàng vẫn chưa đi, nàng còn quanh quất đâu đây nơi góc phố. Câu thơ “Hôm sau lại thèm được lên cơn” thể hiện bệnh đã thành mãn tính đến cử lại lên. Đọc bài thơ ta thấy hiện lên một anh chàng cuồng si chạy đi rồi chạy về giữa rừng và phố, giữa phố và rừng, theo đuổi một tình yêu không tưởng, nhưng trong đó cũng hiện nguyên hình chính ta, có điều cường độ yêu trong ta chỉ bằng góc nhỏ của Minh Khoa . Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta biết bao xao xuyến trong lòng  khi liên tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu.

Thơ  ngắn Lê Thiên Minh Khoa còn nhiều, nếu tôi viết hết thì sẽ rất dài trang giấy. Hy vọng giới thiệu một vài bài thơ ngắn của Khoa để mở cửa cho ai đó đi vào vườn thơ, ngắm hoa đơn sơ mà hương thơm` đậm đà thi vị và lạ lẫm biết bao .

                                                                    Châu Thạch

Mời xem thêm:

Chùm thơ ngắn Lê Thiên Minh Khoa

TRĂNG,  EM  VÀ TÔI…

1. 
Còn lại cùng tôi đêm đêm 
Là trăng xa xôi, thinh lặng 
Kề bên 

2. 
Và em 
Kề bên, thinh lặng 
Xa xăm...


ĐÊM VÀ GIÓ

1. 
Đêm đen như hòn than 
Lòng đêm âm ỉ cháy 
Là tôi 

2. 
Chỉ chút gió hé môi 
Cũng bừng lên ngọn lửa 
Là Em.


NỬA ĐỜI

Nửa đời
mình gặp được nhau
Nửa đời
má nhợt
tóc nhầu
môi phai  

Nửa đời
nắng xế
mưa mai
Nửa đời còn lại
cho ai.

Nửa đời…


TỰ HỌA (IV)  

sáng mai thấy ta vẫn còn
buồn năm phút tại Diêm Vương nuốt lời
ta không là kẻ chán đời
là ta chán ngán làm người
như ta.


ĐI – VỀ       
Tặng Mặc Phương Tử

Người đi am bặt kệ kinh
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ
Người về bồ tát làm thơ
Khói tòa sen nhập nhòa bờ sắc –  không


CHO CÔ GÁI BỤI ĐỜI Ở CÔNG VIÊN CHỢ ĐÀ LẠT

Bỏ nhà lăn lóc công viên
Nát nhàu thân xác giữa triền miên mưa
Trong em còn nét ngọc xưa
Trong tôi còn chút thẫn thờ
mà đau!…


VỀ  HUẾ

Sáng nắng thiêu núi Ngự
Chiều mưa tràn sông Hương
Tối trăng lên Vĩ Dạ 
Khuya tìm em mù sương


 GẶP HAI LOÀI HOA Ở ĐÀ LẠT  

Tím bìm bìm hoang dại
Lặng lẽ chốn phồn hoa
Tím ti-gôn quý phái
Lạc bên suối hoang sơ...


CÒN LẠI…
            Tặng Nguyễn Trọng Tạo

Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè một Quỷ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời chơi hoang


CHẲNG LẼ…  

Em lỡ gọi chanh đường
Nên anh uống cà phê đen mà không hút thuốc
Và, không lẽ tình yêu chúng mình như  hai ly nước?...


DẤU LẶNG

Lén nhặt hòn đá Núi Dinh
Mai về quà em để nhớ  
Hiếm hoạ núi đồi xuống phố  
Dấu lặng chút tình cho nhau ...

Núi Dinh Bà Rịa,
viết khi đợi nhà thơ Vũ Xuân Hương ký hoạ


VÀ ANH…

Và anh rượu uống bây giờ
là trăm năm rớt bên bờ tử  sinh  

Và anh rượu uống một mình
là anh uống với bóng hình em thôi  

Và anh chén rượu mồ côi
là tôi cộng lại với tôi hai người  

Và anh chén rượu em mời
là em cộng với tôi rồi bằng không  

Và anh ngó em tắm rằm
xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm


BÃI CÁT PHƯỚC SA (*)

Trắng xoá cát trước mắt
Chi lạ lòng xót xa 
Cỏ mộ sao lướt thướt 
Chim rặc rặc(**) tìm chi ?

(*) một làng ở Đông Gio Linh , Quảng Trị .
(**) tiếng địa phương: một loại chim sẻ .





READ MORE - THƠ NGẮN LẠ ĐỜI LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch

Tôi học làm thơ: VẦN LIỀN TRONG THƠ VIỆT - Nguyễn Khắc Phước



Thơ Việt Nam có nhiều loại vần: vần liền, vần ôm, vần cách, vần lưng… Ở đây chỉ bàn đến vần liền.

Vần liền (còn gọi là vần chân) là 2 từ cuối câu liền nhau vần với nhau, từng cặp trắc, cặp bằng.

Chẳng cần dông dài, xin dẫn một bài thơ dùng vần liền mà ai cũng thuộc, đó là bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư mặc dù 2 từ liền nhau không hoàn toàn là trắc hay bằng.

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô ?


Một bài thơ của Phạm Thiên Thư dùng vần liền đã trở thành nổi tiếng nhờ được Phạm Duy phổ nhạc. Đó là bài “Ngày xưa Hoàng thị”.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng.

Khi dạy vần liền thì thầy cô giáo thường lấy bài thơ “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh dịch bài La Cigale et la Fourmi, thơ của La Fontaine, để làm ví dụ. Trong bài thơ dịch này, cụ Nguyễn không những dịch sát nghĩa từng câu và dùng từ vựng tự nhiên như một bài thơ Việt, mà cụ còn giữ nguyên thể thơ và vần y như bài thơ gốc. Bài thơ này có 2 loại vần: liền và ôm. Tôi chỉ trích đoạn vần liền của 2 bài thơ:

Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thực bối rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm,
Sang chị kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời

La Cigale et la Fourmi
La Cigale, ayant chanté
Tout l'été,
Se trouva fort dépourvue
Quand la bise fut venue :
Pas un seul petit morceau
De mouche ou de vermisseau.
Elle alla crier famine
Chez la Fourmi sa voisine,
La priant de lui prêter
Quelque grain pour subsister
Jusqu'à la saison nouvelle.
"Je vous paierai, lui dit-elle,
Avant l'Oût, foi d'animal,
Intérêt et principal. " 

Những người dịch thơ hiện đại có thể tôn cụ Nguyễn Văn Vĩnh làm ông tổ của mình bởi dịch như thế thì quá hay và không ai qua mặt được. Còn nếu nói cụ Vĩnh là người tiên phong đưa cách gieo vần của thơ Pháp vào thơ mới thì tôi e rằng không đúng bởi vì vần liền đã có trong những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ trước đó một thế kỷ.

Hát nói là ca từ của làn điệu ca trù nên có những đặc trưng riêng của nó về kết cấu, về độ dài, thường dùng hai loại vần: một ít câu có  vần lưng, đa phần các câu còn lại đều vần liền. Có bài vần liền là chính, không có vần lưng nào cả (không đề cập đến câu mưỡu lục bát).

Ta hãy đọc bài hát nói “Chơi cho phỉ chí” của Nguyễn Công Trứ sau đây:

Cầm kỳ thi tửu khách,
Đường ăn chơi, mỗi cách, mỗi hay,
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước dập dình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
Thú xuất trần tiên vẫn là ta,
Sách Hoàng Thạch, Xích Tùng à cũng đáng.
Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng.
Một chữ nhàn, giá đáng muôn chung,
Người cõi thế, trăm năm là mấy nhỉ
Sách có chữ “Nhân sinh thích chí”,
Đem nghìn vàng đổi lấy tiếng cười,
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các cho người biết tay.
Tài tình dễ mấy xưa nay.

Một bài hát nói đúng khổ chỉ 11 câu. Bài này là một bài hát nói dôi khổ, có đến 17 câu. Vần lưng chỉ 2 lần, còn lại là vần liền ở cuối câu (vần chân).

Như vậy vần liền trong thơ mới không phải có từ thời Nguyễn Văn Vĩnh mà có trước đó nhiều thế kỷ, bởi ca trù thịnh hành ở đồng bằng Bắc Bộ từ thế kỷ 15. Đây là thể thơ phục vụ lọai hình ca nhạc đặc biệt, và vần liền là loại vần có sẵn trong thơ Việt Nam, không phải ảnh hưởng của thơ Pháp.

Cũng có tác giả cho rằng vần liền trong thơ 8 chữ của thơ mới bắt nguồn từ hát nói.

Tuy nhiên, như đã nói, hát nói và ca trù chỉ thịnh hành ở Bắc Bộ và giới hạn trong giới nho sĩ và đào nương nên không phải là loại hình giải trí dành cho giới bình dân và không được cả nứơc biết đến. Thế nhưng vần liền trong thơ mới là vần rất phổ biến và được người làm thơ cả nứơc sử dụng. Vậy vần liền bắt nguồn từ đâu?

Rất có thể vần liền (và kể cả vần lưng) bắt nguồn từ đồng dao.

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam những thế kỷ trước. Các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em và phổ biến ở mọi vùng miền, từ Bắc chí Nam, phần nhiều là ở nông thôn bởi đa phần những trò chơi đó là của trẻ em miền quê.

Có thể nói làm thơ có vần là khả năng bẩm sinh của người Việt. Trẻ con chưa đi học (và cả người lớn ít học) mở miệng ra là nói “thơ” có vần.

Đồng dao thừơng sử dụng vần lưng và vần liền . Nhiều bài dùng cả 2 loại vần. Tôi chỉ chép lại một vài đoạn đồng dao dùng vần liền nhiều hơn vần lưng.

1. Đi cầu ăn quán
Đi bán lợn con
Đi mua cái xoong
Đem về đun nấu
Mua quả dưa hấu
Về biếu ông bà
Mua một đàn gà
Về cho ăn thóc
Mua lược chải tóc
Mua cặp gài đầu
Đi mau về mau
Kẻo trời sắp tối.

2. Lặc cò cò
Mò cuốc cuốc
Cò chân bước
Cuốc chân vàng
Sang đây chơi
Ngồi đây hát
Mỏ dính cát
Thì xuống sông
Bùn dính lông
Thì đi rửa
Chân giẫm lúa
Thì phải treo
Cù kheo à ập.

3. Tập tầm vông
Con công hay múa
Nó múa làm sao
Nó rụt cổ vào
Nó xòe cánh ra
Nó đậu cành đa
Nó kêu ríu rít
Nó đậu cành mít
Nó kêu vịt chè
Nó đậu cành tre
Kêu bè rau muống
Nó đậu dưới ruộng
Nó kêu tầm vông
Tập tầm vông …

4 . Nghe vẻ nghè ve
Nghe vè đánh bạc
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên
Đêm khuya không tiền
Bạc như chim cú
Cái đầu xù xụ
Com mắt trõm lơ
Chân đi cà ngơ
Như con chó đói
Dạo xóm dạo làng
Quần rách lang thang
Lấy tay mà túm …

Văn hóa của người Việt chắc chắn có chịu ảnh hưởng của người phương Bắc và người phương Tây vì bị họ đô hộ lâu dài. Việc làm thơ cũng vậy. Tuy nhiên, làm thơ có vần nói chung và thơ vần liền nói riêng là khả năng bẩm sinh của người Việt chứ không phải chỉ học được của người Pháp hay Tàu.   

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch baì thơ “Con ve và con kiến”, theo tôi, không phải để truyền bá loại thơ vần liền hay vần ôm, mà cụ đã tìm thấy hai nền văn hóa khác nhau có thể thơ giống nhau và đã vận dụng vần và ngôn ngữ đồng dao của người Việt để dịch bài thơ của người Pháp ấy.

NKP



READ MORE - Tôi học làm thơ: VẦN LIỀN TRONG THƠ VIỆT - Nguyễn Khắc Phước