NỖI NHỚ DỊU DÀNG THU -TẬP THƠ TRỮ TÌNH
CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN THỊ XUÂN MÃN
Ngoài bảy mươi chị mới bắt đầu cầm bút để làm thơ. Đó là những dòng tâm sự mang sắc điệu trữ tình chân chất và mộc mạc của một người phụ nữ đã chín chắn, trải đời, đầy chiêm nghiệm trong suy tư. Những chia sẽ của chị về nhân tình thế thái, tình đời, tình người. Đôi khi chỉ là những hồi ức về kỷ niệm về một thời đã xa hay thoáng thấy vẻ đẹp một sớm mai của mùa thu dịu nhẹ, hay buổi hoàng hôn với ánh chiều dần buông cũng tạo cho chị nhiều cảm xúc rất dễ thương của một tâm hồn đa cảm. Chị luôn là một người phụ nữ có tấm lòng ấm áp, nhân hậu, tâm hồn trong trẻo yêu đời, yêu cuộc sống. Dẫu thế hệ của chị phải đi qua không ít thăng trầm dâu bể của đời người: chiến tranh, loạn lạc, mưu sinh,… tất cả giờ đã trở thành chất liệu cuộc sống. Chị đã tích lũy, chưng cất để bây giờ ở tuổi cao niên, con cái đã trưởng thành chị có thể thong dong an hưởng tuổi già và làm những việc mình yêu thích. Chị vẽ tranh, làm thơ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của mình. Tất cả đều được chị lưu lại cảm xúc trong thơ bằng những vần thơ tự nhiên, trong trẻo, thật thà như chính con người chị vậỵ
“Nỗi Nhớ Dịu Dàng Thu” là tập thơ thứ hai gồm một trăm bài thơ với nhiều thể loại như lục bát, thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ và thơ tự do.
Đọc thơ chị tôi có cảm giác như một sự trải lòng, là những tâm tình có sao nói vậy. Chị không dùng điển tích, điển cố hay mỹ từ bóng bẩy gì, chỉ là những ngôn ngữ gần gũi bình dị với cuộc sống đời thường để diễn đạt câu chuyện của lòng mình.
Có những câu thơ hồn nhiên thể hiện sắc thái tình cảm một cách trìu mến, tha thiết với tình yêu, với cuộc đời, với cảnh vật thiên nhiên.
“Một ngày nắng ấm/ Hoa nở lung linh/ Chim hót chuyền cành/ Mây trôi bàng bạc
/Mình ngồi ngơ ngác/ Tìm vần thơ vui’
(Mơ màng…giấc mơ)
Qua thơ chị, chúng ta thấy vẻ đẹp cuộc đời. Cuộc sống vẫn yên bình. Bởi chị giữ được lòng mình thanh tịnh “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Dù vui buồn cuộc sống là điều không thể tránh khỏi trong mỗi cuộc đời người.
“Đêm dịu dàng gởi vào hương gió thoảng/ Mùi thơm nồng nhè nhẹ chốn bình an
Thoáng nụ cười ấm dịu nở môi hiền/ Lòng thấy vui khi đêm bình yên diệu vợi….
(Đêm bình yên)
Ở tuổi xế chiều khi ngoảnh đầu ngoái lại chặng đời đã đi qua với những rung động dành cho tình yêu, chị cũng có những bài thơ chất chứa hoài niệm nhiều man mác bâng khuâng:
“Bây giờ tay nắm bàn tay/Tình yêu ngày cũ gió bay mất rồi/ Bay luôn cả những tiếng cười/ Bây giờ còn lại bao lời nhớ mong”
(Giấc mơ mong chờ)
Đọc thơ chị Nguyễn Thị Xuân Mãn, chúng ta cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng thư thái. Từ góc nhìn cuộc sống tích cực của tác giả đã chạm vào trái tim bạn đọc, lan tỏa cho chúng ta một niềm lạc quan, yêu đời. Như vậy mọi muộn phiền nếu có và biết điều tiết thì cũng sẽ lấy lại được cân bằng để thân tâm an lạc!
“Gió ngàn đã cuốn ưu phiền/ Gởi vào mây trắng nắng hiền hôm qua/ Lòng vui như nở bông hoa/ Vườn khuya thơm ngát cùng hoà ánh trăng”
(Ngắm trăng bình yên)
Ở tuổi thất thập chị đến với nghệ thuật một cách tự nhiên, như vẽ tranh, làm thơ.
Riêng với thơ chị sáng tác được nhiều thể loại như đã nói ở trên: Thơ năm chữ, thơ bảy, tám chữ,…thể nào chị cũng có thể lưu lại cảm xúc trong câu từ chữ nghĩa. nhưng có lẽ thuyết phục tôi hơn cả ở thơ chị là thể loại lục bát! Hoài niệm về tình yêu ngọt ngào, lãng mạn. Tôi yêu những vần thơ lục bát gieo vần đạt, đảm bảo giai điệu, thanh âm cộng hưởng cho vần thơ biểu cảm hơn!
“Xa nhau nắng cũng ngỡ ngàng
Chiều về mây trắng giăng ngang nỗi buồn”
(Nỗi buồn Mỵ Nương)
Thơ Nguyễn Thị Xuân Mãn tặng cho đời, là tấm lòng của một con người luôn yêu đời, bình dị nhưng ấm áp chân tình và trọng điều nhân nghĩa. Hiện thực cuộc sống là đề tài, là nguồn cảm hứng phong phú cho Nguyễn Thị Xuân Mãn vẽ tranh và làm thơ. Hai tập thơ với hơn hai trăm bài và hơn mười bức tranh chị vẽ chị vẽ về người hay cảnh vật có in kèm để bạn đọc có dịp thưởng lãm.
Những bức tranh chị vẽ người, vẽ cảnh vật cũng nhận được sự yêu thích của bạn bè: đọc thơ và xem tranh để thêm yêu mến một tâm hồn đa cảm, tinh tế và luôn khai thác vẻ đẹp cuộc sống. Qua góc nhìn, chị thể hiện vào ngôn ngữ hội họa và ngôn ngữ thi ca. Như vậy đến với nghệ thuật không bao giờ là muộn, cũng đều là những thú vui tao nhã để giao cảm với đời, còn giá trị nghệ thuật tùy cảm nhận mỗi người. Nếu chúng ta xem tranh, đọc thơ thấy chút gì nhẹ nhõm đáng yêu là tác giả đã làm được điều có ích và như thế ít nhiều đã có một giá trị nhất định. Ở tác giả khi sáng tạo cũng không kỳ vọng gì nhiều mà chỉ là những tâm tình, cảm xúc cần gửi gắm và chia sẻ vậy thôi. Nếu được bạn đọc đồng cảm, yêu mến là hạnh phúc cho người sáng tạo có thêm động lực để cống hiến.
So với tập thơ trước: Lặng Lẽ Vườn Thơ, tôi nhận thấy trong tập thơ này chị viết ngày càng biểu càng hơn, những bài sau hay hơn bài trước. “Nỗi Nhớ Dịu Dàng Thu” là tập thơ mà ở đó cảm xúc dành cho mùa thu chiếm phần lớn. Mùa thu cũng là mùa gợi cảm hứng cho nhiều thi nhân và các loại hình nghệ thuật khác nhưng cũng muốn nói đến mùa thu của đời người. Chặng đời đã đủ chiêm nghiệm cho những ấp ủ yêu thích, chị cho ra đời tập thơ nồng ấm tình người, nhân ái ngọt ngào và không kém phầm lãng mạn! Tuy nhiên khi đón nhận những bài thơ mới độc giả vẫn mong chị nâng cao kỹ thuật, chọn ngôn từ có giá trị biểu cảm cao và vận dụng luật đổi thanh hài hòa, phù hợp hơn với các thể loại thơ mới (thơ năm, bảy tám chữ hay thơ tự do) để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả yêu thơ. Nhưng điều cần khẳng định là tập thơ Nỗi Nhớ Dịu Dàng Thu bắt nguồn từ những cảm xúc rất thật được diễn đạt bằng ngôn ngữ dung dị mộc mạc mà biểu đạt.
Mong bạn đọc đón nhận và khám phá vẻ đẹp của tập thơ với tấm lòng rộng mở và trái tim ấm áp với tâm sự của người thơ!
Saigon, ngày 12/8/2024
Hoàng Thị Bích Hà