Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 9, 2019

ĐỌC “NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẶT CHỮ NUÔI THƠ”, TÁC GIẢ ĐINH LAN - Châu Thạch






ĐỌC “NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẶT CHỮ NUÔI THƠ”, TÁC GIẢ ĐINH LAN 
            (Một bài thơ xứng đáng đoạt giải)
                                                                         Châu Thạch

“Người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ” là ai? Rõ ràng là một nữ thi nhân.
Tác giả đem hình ảnh người đàn bà làm ruộng để gởi hình ảnh người làm thơ vào đó. Người làm ruộng thì chất phát, chân lấm tay bùn. Người làm thơ thì nho nhã, thanh tao. Hai mẫu người đối nghịch nhau. Vậy mà nó hóa một, không phải chỉ trong một bức tranh, mà cả trong hoạt cảnh một đời người:

“Có người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ.
Nhặt đến mòn hơi, góc đời riêng một niềm mơ cháy bỏng.
Tháng bảy mưa giông đồng trần gian ướt sũng.
Vẫn oằn mình lận đận cấy rủi may.
Mỏng manh sợi rơm nhà ai rớt rơi chìm nổi.
Níu lấy mỉm cười ôm hy vọng lắt lay.”

Nhặt chữ mà say, say đến nỗi cánh cửa đời “rệu rã lung lay” mà vẫn cho là “có sao đâu? Nào có sao đâu?”. Vậy là người nầy yêu thơ đến độ quên hết thân mình:

“Có người đàn bà nhặt chữ… say say say.
Cần mẩn đêm ngày như cái kiến nhỏ côi chầm chậm lê chân trên những ngã đường xa ngái.
Giật mình nhìn lại.
Cánh cửa đời rệu rã lung lay.
Có sao đâu? Nào có sao đâu?”

Vì nhặt chữ nuôi thơ, người đàn bà phải tự mình sống ẩn nhẩn, chịu thiệt thòi, chống chọi biết bao nhiêu biến cố của cuộc đời. Vậy là người nữ thi sĩ có đầy đủ sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, niềm đam mê để giữ vững tình yêu thơ mà vượt qua nghịch cảnh, vượt qua mọi bất công mà đời đem đến:

“Mặc thế nhân giàu sang lịch lãm, người đàn bà phơi gương mặt trần không một lần điểm phấn tô son.
Lặng căm nhìn thiên hạ mỏi mòn thủ vai hung ác.
Khoảng sân đời bé tẹo mà mặt nạ - mặt người thật giả đan xen.
Khoảng trời thơ xanh êm mà ai nỡ phân ranh mây hồng mây trắng.
Có con mắt trần gian ngày đêm rình rập
Có con mắt như sao trời nhấp nháy cười vì định rõ vàng – thau.”

Người đàn bà đam mê nhặt chữ đến nỗi quên hết mọi sự kiện xảy ra trong nội tâm và ngoại cảnh. Thứ tình yêu thơ đó vô biên và đắm say hơn cả cứu cánh của đời trần và cứu cánh của tâm linh. Đó là thứ tình yêu thiêng liêng vượt trên đời và vượt cao hơn đạo:

“Tháng bảy, đêm lao xao, phố lao xao, những chiếc xe ầm ào thả ga gầm rú.
Người đàn bà vẫn nhẩn nha một đời…nhặt chữ.
Mặc nỗi buồn đang dâng đầy ứ.
Mặc chó tru, mặc lũ mèo hoang gọi nhau rền rĩ dưới mái tôn.
Mặc đôi thạch sùng hiên ngang dán bẹp tình yêu nhỏ nhoi lên vách.
Mặc nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn.”

Trong tháng bảy mưa tuôn, người đàn bà chợt nhìn lại đời mình, Nữ thi nhân không ân hận vì cuộc đời làm thơ dư thừa đa đoan, mà thỏa lòng vì thấy cuộc đời làm thơ dư thừa cái đẹp, vì biết yêu những điều trong sáng, thanh tao, quyến luyến, bình dị mà chỉ con người làm thơ mới có được:

“Tháng bảy mưa tuôn
Lâu lắm rồi người đàn bà móc túi bày ra dăm nụ cười héo hắt.
Thương cho đời mình dẫu nghệch ngờ tiền bạc bon chen nhưng dư thừa đa đoan, sến súa.
Dư thừa tình yêu cho cánh cò, gié lúa, ngọn rau.
À ơi…ráng chiều bóng đổ hanh hao.”

Người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ phải đãi chữ như người đãi vàng. Hình ảnh sống động đó dựng nên hình tượng cao qúy của thơ. Thơ là vàng, làm nên bởi vô vàn nỗi gian nan như người đãi cát tìm kim. Người đàn bà hay nhà thơ đã đãi ra vàng, vàng đó là thơ. Thế nhưng khác với người đãi vàng, người đãi chữ ra thơ phải sống thanh cao, bình thản giữa đời để nuôi tâm hồn thánh thiện. Có như thế thì thơ mới như hạt ngọc Trời cho, cũng như Trời cho người đàn bà làm ruộng đã “dãi dầu níu sợi rơm vàng” để có hạt lúa cho mình;

“Người đàn bà đãi chữ nuôi thơ như người ta tìm vàng đãi cát.
“Khổ công sàng sảy, ăn thẳng nói ngay chớ không mặt hoa mà lòng dạ như da tắc kè lúc xanh lúc xám.
Người đàn bà nhẩn nha nuôi hồn thiên cảm.
Dẫu mưa nắng dãi dầu níu sợi rơm vàng chờ con chữ sang trang.”

Tôi không muốn viết gì thêm bởi vì viết dài mấy cũng không nói hết được những gì cô đọng trong thơ. Bài thơ như một kho tàng mà người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ đã chất chứa chử vàng chữ ngọc mà mình đã dành dụm cả một đời vào đó.
Tôi nghĩ bài thơ rất xứng đáng được nhận giải nhất của “Trung Tâm Unesco Khoa Học Nhân Văn và Cộng Đồng tổ chức lần thứ 2 năm 2018”.

                                                                  Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẶT CHỮ NUÔI THƠ”, TÁC GIẢ ĐINH LAN - Châu Thạch

HỐI LỘ - Truyện ngắn của Lão Gàn



        Tác giả  Lão Gàn 



HỐI LỘ (1)
Tác giả: Lão Gàn

Đã hai tháng rồi, chị Hồng tắt kinh. Chị cảm thấy trong người không bình thường; chị thường nôn oẹ. Chị nghĩ là đã có thai.
Lấy chồng hơn mười năm, bây giờ, có con, đáng lẽ mừng, chị lại lo, lại sợ - lo sợ lắm.
*
Chị Hồng và anh Nghiên sống cùng xóm, cùng làng; anh chị yêu nhau – mối tình đầu đời. Gia đình hai bên đã qua lại, hứa hẹn kết tình thông gia.
Ngày 20/7/1954, hiệp định Genève ký kết. Hai gia đình quyết định lo lễ thành hôn gấp cho anh chị để anh an tâm tập kết ra Bắc rồi hai năm sau, tổng tuyển cử được tổ chức, đất nước thống nhất, anh chị sẽ gặp lại nhau, xây dựng tổ ấm.
Hai nhà sợ, nếu không lo cưới, thời gian dài và không gian xa sẽ làm cho mối tình của anh chị phai lạt, rồi biết đâu, anh đi đường anh, chị đi đường chị. Uổng!
Nào ngờ hiệp định Genève không thi hành. Đất nước chia cắt kéo theo vợ chồng chia cắt chưa biết đến bao giờ! Vậy mà chị vẫn thuỷ chung; chị vẫn phục vụ nhà chồng, trọn vai trò làm dâu, tháng ngày, trên nương dưới ruộng, trong nhà ngoài ngõ …
Khổ thật! Chị về làm vợ anh lúc 18 tuổi, nay trên 30 tuổi rồi, chị chưa được một lần nếm hương vị ân ái trọn vẹn, đàng hoàng. Chị nhớ lại đêm tân hôn, anh và chị do tuổi còn quá non nớt hấp tấp, vội vàng, hồi hộp, chẳng ra chi cả.

*
Đêm hôm ấy – một đêm đông vào năm 1967, mưa to, gió lớn; tàu lá của mấy bụi chuối sau vườn, cạnh buồng chị ngủ, va đập, tạo nên âm thanh sàn sạt liên hồi. Chị nằm đã lâu mà không sao ngủ được, chị không ngủ có phải do tiếng ồn bên ngoài, do trời trở lạnh hay do một linh cảm gì đây. Chị trằn trọc, mình lật qua về, hai tay quờ quạng. Bỗng nhiên, tay chị đụng phải thân người đang ngồi ở mép giường, áo quần ướt đẫm; chị khiếp hồn, khiếp vía, định hét lên, nhưng chưa hét kịp thì một bàn tay gân guốc bọp kín chặt miệng chị; chị vùng vẫy, thân người ấy liền nằm xuống giường, chuồi rồi cuốn hai chân kẹp cứng người chị, miệng áp sát vào tai chị, thì thầm: “Anh về đây! Anh về đây! …”.
Chị duỗi mình, duỗi chân, nằm im, tâm trạng hoang mang giữa thực và mộng. Thật anh đây chăng! Hay thằng cha hàng xóm nào xấu máu trong đêm mò vào! Nhưng không! Anh đã về thật.

Ra Bắc một thời gian, anh được đưa vào Nam hoạt động gầy dựng cơ sở. Thời gian gần đây, cấp trên đã bố trí anh về địa bàn quê nhà. Và đêm nay, lợi dụng mưa gió, anh về với chị, bụng nghĩ với thời tiết này, nghĩa quân cộng hoà không dại gì đi phục kích cho nhọc.

Chị đang cảm thấy “khó ở”; trong cơ thể, nội tiết rối loạn, chị biết mình có thai. Chị lặng lẽ đem chuyện đêm ấy thổ lộ với bố mẹ chồng. Chị nghĩ chia xẻ nỗi lo, nỗi sợ của mình để hoạ may vơi bớt; nào ngờ chị đã đem nỗi lo sợ từ mình truyền qua thêm cho bố mẹ chồng.
Phụ nữ đang sinh sống trong vùng kiểm soát của chính quyền cộng hoà có chồng hoạt động cho giải phóng mà có thai thì sẽ bị kêu lên, kêu xuống, bị buộc trình diện, giải thích nguồn gốc cái thai trong bụng và đứa con sẽ sinh ra. Mệt lắm, khổ lắm, phiền hà lắm, rắc rối lắm!
Một thời gian ngắn nữa thôi, bụng chị Hồng sẽ lớn lên đủ để người ta thấy được, nếu bị gọi lên thẩm vấn, gia đình chưa biết trả lời với chính quyền cộng hoà như thế nào.
Gia đình đang bối rối thì người em anh Nghiên, chú Hồ, đi lính Cộng Hoà, đồn trú tận tỉnh Khánh Hoà về phép. Biết chuyện, chú Hồ quả quyết chuyện ấy không khó gì, để chú lo.
Sáng hôm sau, chú cỡi chiếc Honda dame lên trụ sở xã. Mặt hớn hở, chú đi vô văn phòng, tới từng bàn làm việc, bắt tay chào tất cả các viên chức. Rồi chú đứng giữa văn phòng, cất tiếng thưa:
- Thưa các bác, các chú, các anh, các chị! Tôi có tin mừng xin báo với quý vị: Trong một cuộc hành quân dài ngày tảo thanh Việt cộng, tôi lập được nhiều thành tích. Trong lễ mừng chiến thắng, tôi được đặc cách thăng từ hạ sĩ lên trung sĩ và được thưởng phép về thăm nhà. Tôi muốn mời tất cả quý vị chiều mai lúc 15 giờ đến nhà tôi để dự tiệc mừng, rửa loon chung vui cùng gia đình chúng tôi.

Mọi người vỗ tay, vui vẻ nhận lời. Chú Hồ về nhà, cặm cụi viết lá đơn:

VIỆT NAM CỘNG HÒAi
Ngày … tháng … năm 1967
Kính gởi: Ông Xã Trưởng xã …
(Kính qua Ông Thôn Trưởng thôn …)

ĐƠN XIN GIÚP VIỆC NHÀ Ở XA.

Kính thưa Ông Xã Trưởng,
Tôi tên là Lê thị Hồng, chánh và trú quán thôn … xã … quận … tỉnh, thẻ căn cước số … do … cấp ngày …
Người trong gia đình tôi là ông Nguyễn Hồ, hạ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà có vợ sắp sinh ở tỉnh Khánh Hoà. Ô. Nguyễn Hồ muốn nhờ tôi vào coi sóc việc nhà cho ông ấy trong thời gian 3 tháng – từ ngày … đến ngày …
Kính mong Ô. Xã Trưởng thẩm xét, chấp thuận lời thỉnh cầu của tôi.
Trân trọng kính biết ơn Ô. Xã Trưởng.
Nay kính,
Lê thị Hồng

Tiệc mừng đến. Khách đông đủ; bàn tiệc vừa đặt trong nhà vừa đặt ngoài véranda. Mọi người vừa ăn uống, vừa chúc tụng chiến tích của trung sĩ Hồ. Bia con cọp cứ hết két này gọi chở tới két khác.
Mặt mọi người dần đỏ gay. Sau ba lượt đi từ bàn này qua bàn khác, nâng ly, cụng ly với khách, chú Hồ vô tủ thờ, rút cái kẹp bìa xanh trong đựng lá đơn đã viết sẵn, nhưng những ngày tháng liên quan còn để trống – âm mưu của chú là đấy mà! Chú đi đến mâm dọn trên bàn kê căn giữa nhà – nơi có ông xã trưởng ngồi; chú vòng tay, nhỏ nhẹ bên tai ông xã trưởng:
- Nhờ bác ký cái đơn này cho cháu với! Vợ cháu sắp sinh, cháu muốn nhờ chị Hồng – chị dâu cháu – đi cùng, vô giúp đỡ việc nhà vì cháu đi hành quân thường xuyên ít khi ở nhà.
Ông xã trưởng nhanh miệng:
- Đưa cho ta cây viết!
Rồi ông hí hoáy viết hai chữ "chấp thuận" và ký liền, không cần xem nội dung có đúng như chú Hồ trình bày không.
Chú Hồ mừng thầm trong bụng. Vậy là kế chú nghĩ ra đã thành công.

Tiệc xong. Chú hỏi chị Hồng ngày tháng lần tắt kinh đầu tiên, chú cùng chị tính thời điểm thụ thai rồi ghi vào đơn thời gian chị ở Khánh Hoà trùm lên thời điểm thụ thai.

Đủ ngày đủ tháng, chị Hồng sinh ra một bé trai. Làng xóm thắc mắc, chính quyền nghi ngờ. Chị bị nhiều người bên an ninh tới hạch hỏi: Họ nghi anh Nghiên bí mật lẻn về, anh và chị ân ái rồi có con; thằng con là con của Việt cộng. Chị mạnh miệng bác bỏ:
- Thời điểm thụ thai con tui đây là thời điểm mà tui đang ở trong Khánh Hoà, giấy tờ ông xã trưởng ký đây này! Đứa con này tôi có với ông lính đồng đội của chú Hồ ở trong tỉnh Khánh Hoà. Ông ấy xa vợ con, tôi ngỏ ý xin ông chút con. Chồng tôi đi theo Việt Cộng, sống chết tôi chẳng hay. Tôi phải lo thân tôi khi về già chơ!
Năm 1975, đất nước thống nhất, anh Nghiên không trở về; thời gian sau, chị mới được báo tin anh đã hy sinh trên mặt trận Tây Nguyên năm 1972.
*
Chị Hồng bây giờ ngoài 80 tuổi; con trai chị đã ngoài 50 tuổi. Chị sống hạnh phúc với con, dâu và các cháu.
Thời trẻ, với giọng hát mượt mà, chị từng hát những bài ca tụng chế độ cộng hoà để giúp vui trong những lần chị bị tập trung “chỉnh huấn” vì có chồng đi tập kết ra Bắc. Bây giờ, dù đã sóm sém, chị vẫn ngân nga mấy câu trong một bài hát gì đó có nội dung phần nào giống hoàn cảnh của chị mà chắc chị nỏ biết tên bài hát là gì, nỏ biết tác giả bài hát là ai:

“Em có nghe tiếng hát hành quân xa,
Mà không nhớ thương người vợ hiền,
Chồng đi lính biên cương,
Ngồi may áo cho con, còn nhớ!
Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn,
Một hôm lúc trâu bò về chuồng,
Rồi em nhớ em mong,
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.”

Nhiều lúc, đôi mắt chị nhấp nháy, nét buồn thoáng gợn trên khuôn mặt nhăn nheo. Chắc chị đang nghĩ đến lần chồng chị về đêm hôm ấy.

                                             LÃO GÀN
                                  07/9/2019 (09/8/Kỷ Hợi)

(1) Truyện cảm hứng từ vụ hối lộ lớn của các đại thần thời nay.

READ MORE - HỐI LỘ - Truyện ngắn của Lão Gàn