Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 2, 2015

NHỚ MẸ



               Hồng Tâm 



NHỚ MẸ

Mẹ ơi ! Mùa đông gõ cửa
Se se lạnh gió heo may
Nhìn ai quàng khăn áo ấm
Con thơ thèm khát vòng tay

Nhìn đàn chim xây tổ ấm
Chim mẹ mớm mồi chim non
Chắc giờ mẹ ở xa lắm
Hay còn bên cạnh chúng con ?

Kỷ vật mẹ hiền để lại
Tấm hình , áo len mẹ đan
Ví đựng tiền da cá sấu
Con sờ _ lòng dạ ngổn ngang

Mỗi lần nhìn vào di ảnh
Nước mắt con thơ chực rơi
Viết dòng tâm thư xưng tội
Muộn rồi ! Muộn rồi mẹ ơi


                   HỒNG TÂM 
(Lý Thị Minh Tâm - Tây Ninh)
                    01/11/2015
READ MORE - NHỚ MẸ

VỀ NGƯỜI BẠN ĐÃ MẤT: NGUYỄN TẤT NHIÊN - Thy Lệ Trang


Nguyễn Tất Nhiên


VỀ NGƯỜI BẠN ĐÃ MẤT: NGUYỄN TẤT NHIÊN
Thy Lệ Trang


Lòng tôi luôn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nghĩ về những kỷ niệm học trò đã qua hoặc khi nghe ai đó nhắc đến tên những người bạn thân quen đã ra người thiên cổ.
     Tôi biết tin anh Nguyễn Tất Nhiên qua đời đã lâu. Dự định viết về anh nhiều lần nhưng tôi cứ chần chừ... chần chừ... rồi không thực hiện được. Một phần vì bận rộn công việc làm, một phần vì ngại cầm lại bút. Tôi vẫn than phiền với nhỏ Hồng rằng vì lâu quá không viết nên văn chương có thể khô cằn như tuổi gìà của đời mình.
     Tuy anh Hải (Nguyễn Hoàng Hải tên thật của NTN) và tôi học chung trường TH Ngô Quyền nhưng chúng tôi laị quen nhau ở một địa điểm khác: nhà sách Huỳnh Hiệp. Lúc đó cả hai đang học lớp Đệ Lục.Thời con nít thích làm thơ, viết văn, tập tành làm văn thi sĩ. Tôi cặm cụi viết cho nhiều tờ báo như Tuổi Xanh, Tuổi Trẻ, Tuổi Hoa, Lá Xanh... với nhiều bút hiệu khác nhau. Do đó, mỗi chiều tôi hay ra nhà sách HH đón báo từ Sài Gòn mới về ̣để mua. Anh Hải cũng vậy. Chúng tôi háo hức vừa trả tiền xong là vội vàng mở ra xem ngay, muốn biết bài của mình đã được đăng chưa hay còn nằm trong mục chờ đợi. Dĩ nhiên có bài được đăng, có bài không được trả lời, nhưng chúng tôi rất vui vì tuổi học trò có nhiều ước mơ và hy vọng.
     Vừa học, vừa làm thơ, vừa quậy phá. Đó là thời Trung Học của tôi. Rất nhiều người ngạc nhiên đã hỏi làm sao tôi có thể giữ tâm hồn thi văn lãng mạn trong khi chơi với đám bạn bè thực tế ồn ào nổi danh Ngũ Quỷ. Anh Hải cũng hay đặt câu hỏi đó. Nhiều lần gặp tôi tại trường anh định khoe về một bài thơ hay một bài văn mới sáng tác thì nhỏ Ba đã kéo tôi đi và trừng mắt nhìn anh hăm dọa. Anh cười khì khì, hai tay chấp lại xá xá vài cái rồi dông mất.
     Năm học Đệ Tứ - đó là năm học đáng nhớ nhất của tôi. Dù bận rộn hoàn thành tập san Xuân cho lớp Tứ Ba, tôi cũng tham gia gửi bài cho báo Xuân Ngô Quyền. Rất vui mừng và hãnh diện khi bài của tôi được Thầy Cô trao giải văn chương đồng hạng với một bài văn của anh học Đệ Nhất. Tôi không nhớ anh tên gì chỉ nhớ bài viết của anh rất dễ thương "con diều của tôi bắt đầu mọc gai trong hồn và chở sầu bay sướt mướt trong mơ". Bởi vì năm đó hoa soan đã nở mà bố anh vẫn đi biền biệt không về. Giải thưởng cho tôi: quyển tập thơ của Phạm Công Thiện và một cây bút máy Trung Quốc.
     Những ngày cuối năm kh̀ông khí trường Ngô Quyền rất náo nhiệt. Để chuậ̉n bị văn nghệ cho trường, anh Hải đi đến từng lớp để t̀ìm một vai nữ đóng cặp với anh trong ṃ̀ột hài kịch do chính anh sáng tác và đạo diễn. Anh đến lớp tôi bị các bạn bàn trên quay quá cỡ. Lớp Tứ Ba của tôi nổi tiếng có nhiều bạn học rất giỏi nhưng ngoài giờ học cũng lém lỉnh không kém ai.Thoát khỏi những câu hỏi hóc búa, anh đi xuống bàn cuối nơi tôi ngồi, nhăn mặt than phiền: Khổ quá, khổ quá, tìm hoài không ra.Tôi hỏi: Vai gì mà khó tìm người dữ vậy?
     -Vai một người đàn bà hung dữ chuyên môn ăn hiếp chồng
Nhỏ Ba ngồi cạnh tôi mở miệng hỏi. Dữ cỡ tao đóng được không?
     -Được được lắm. Anh mừng quá, miệng cười hớn hở.
     Thế là nhỏ Ba và nhỏ Lưu bắt phải chấp nhận một điều kiện: sau mỗi lần tập kịch anh phải bao bọn tôi một chầu nước đá đậu xanh bánh lọt và một chầu phim ở rạp Biên Hùng. Để vở kịch của mình được hoàn thành, anh gật đầu chịu hết. Đó là một loại hài kịch kiểu Phi Thoàn, nói về chuyện anh chàng ở thành phố có một bà vợ dữ như sư tử Hà đông. Sợ vợ nhưng không muốn mất mặt trước anh ruột của mình. Nhân ngày ông anh ở nhà quê lên thăm, anh ta năn nỉ vợ gỉả bộ đóng vai trò người vợ hiền thục biết vâng lời chồng. Người vợ đồng ý. Nhưng những yêu sách kỳ cục, tức cười của ông chồng làm chị vợ không dằn được. Cuối cùng chị vợ đã nện cho anh chồng một trận đòn nên thân. Dĩ nhiên anh Hải đóng vai người chồng, nhỏ Ba đóng vai người vợ và một người bạn học cùng lớp với anh Hải đóng vai người anh.Tôi được giao nhiệm vụ làm người nhắc tuồng.Tuần lễ đầu êm xuôi, tất cả đều diễn biến tốt đẹp. Anh hí hửng bao bọn tôi một chầu đậu xanh bánh lọt và một chầu phim. Nhằm lúc đó rạp hát Biên Hùng xuất sáng chiếu phim, xuất trưa trình diễn cải lương. Nhỏ Lưu rất rành về sân khấu kịch nghệ, đời tư nghệ sĩ, tài tử nào nó cũng thuộc nằm lòng.Với bản tánh tò mò hay phá phách, nhỏ Lưu rủ cả bọn leo vào hậu trường xem mặt các nghệ sĩ. Lúc đầu anh Hải từ chối, nhưng sau đó ham vui cũng tham gia. Chúng tôi đến trò chuyện với các nghệ sĩ Mỹ Châu, Minh Phụng và còn bày ̣đặt xin hình và chữ ký của họ nữa. Một điều tôi nhận thấy anh Hải có óc nghệ sĩ và khiếu khôi hài.Trong thời gian tập kịch, anh hay kể chuyện tiếu lâm chọc cười bọn tôi. Cho đến bây giờ, bốn mươi năm qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ hình ảnh anh và nhỏ Ba rượt đuổi nhau chạy vòng vòng trong phòng tập, hay cảnh anh ôm bụng vừa cười vừa lắc đầu khi chọc cho nhỏ Lưu chửi thề.
     Gần tới ngày trình diễn, ông bạn của anh bỏ cuộc, báo hại anh mặt mày méo xẹo, than vắn thở dài, còn nhỏ Ba cũng mất hứng tức mình vì sợ không có cơ hội diễn xuất cho thầy và các bạn xem. Túng quá tôi phải gồng mình hy sinh:
-Để tôi đóng cho.
    Giọng nói khan khan của tôi đóng vai đàn ông được rồi nhưng tóc tôi dài thì sao?
    Chuyện đó giải quyết được ngay.Vì thủ vai đàn ông ở nhà quê lên tỉnh tôi phải mặc áo dài khăn đóng, do đó tóc tôi cuộn tròn dấu phía trong. Nhận vai này không khó khăn vì tôi là người nhắc tuồng nên đã thuộc làu vở kịch. Không biết tâm trạng anh Hải và nhỏ Ba ra sao chứ riêng tôi rất hồi hộp và rất run.Vừa bước ra sân khấu tôi đã nghe tiếng cười vang trời, có lẽ vì bộ râu anh vẽ cho tôi. Cũng may nhờ cặp mắt kiếng già của ông Ngoại anh nên tôi không thấy gì ở phía dưới sân khấu cả. Nhờ đó mà tôi lấy lại tinh thần và diễn xuất rất tự nhiên.Vở kịch thành công. Bạn bè đứa nào cũng khen ngợi. Miệng nhỏ Lưu oang oang:
     -Trời ơi! tụi mày diễn vui qúa, khó tánh như cô Hà Bích Loan mà còn cười chảy nước mắt. Anh Hải đưa ngón tay cái lên, chân mày nhương nhướng như có vẻ tự hào. Nhỏ Ba vỗ vai anh:
     -Kỳ sau nhớ rủ tao đóng kịch nữa nghe mậy.
     Anh chấp hai tay để ngay ngực,cúi đầu:
     -Mô Phật, tui sợ mấy bà quá.
     -Sợ gì, đi chơi vui thấy mồ.
     -Vui thì vui nhưng hao quá, thôi bye... bye...
     Năm Đệ Tam, anh cùng các anh Mây Trắng, Đinh Thiên Phương, Hoàng Thy Linh, Đa Tạ lên nhà tôi. Đọc tập san Mạch Thở nhiều lần nhưng bây giờ tôi mới biết mặt các anh trong ban biên tập. Đó là một tập san viết bằng tay và chuyền cho các bạn yêu văn nghệ xem. Tôi thích mục "Mảnh vỡ và ngày tháng trầm lặng". Cá́i tựa nghe cũng dễ  thương. Mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày ai laị không có những mảnh vụn suy tư để chia sẻ.Tôi rất vui khi được gia nhập vào nhóm Mạch Thở. Anh Hải thường lên nhà tôi một mình để khoe về những bài thơ mới hay nói về những dự tính trong tương lai. Nhiều người nói anh có tật xấu như nóng tánh, dễ nổi giận. Tôi chưa chứng kiến cảnh đó nên không biết; chỉ biết một điều là đôi lúc anh ngu ngơ như trẻ con.
     Dạo ấy TV miền Nam hay chiếu phim câm Charlot vào trưa cuối tuần. Anh đến nhà tôi lúc mọi người xem phim, tất cả các cửa đều khép kín. Anh không gọi chỉ lặng lẽ mở một cánh cửa sổ, đứng ôm song cửa sổ xem phim say sưa, đến những đoạn hấp dẫn, anh vung tay cười thật dòn - cười nhiều đến nỗi tưởng chừng như ngộp thở.  Khi phim chấm dứt, anh mới chiụ vào trong nhà. Cũng từ đó thằng em trai tôi đặt biệt hiệu cho anh là 'Tắt thở'. Mỗi lần nhìn thấy dáng anh từ xa là nó đã kêu réo om sòm:
     -Chị Cúc, có anh "tắt thở" đến.
     Hình như năm Đệ Nhất, anh Hải là trưởng ban báo chí trường TH Ngô Quyền. Một đêm anh chạy lên nhà tôi:
     -Cứu nguy, cứu nguy... Cúc mau giúp anh.
     Số là báo trường sắp lên khuôn mà số trang bài viết chưa đủ. Anh nhờ tôi viết cho ṃột truyện ngắn. Cũng may đang lúc rảnh rang nên tôi sẵn sàng. Năm đó theo anh, báo chí phê bình báo Xuân Ngô Quyền: văn và thơ ủy mị, không được bình thường.Tuy nhiên anh rất vui, tay vỗ vào đùi và miệng cười ha hả bảo rằng nếu so với báo xuân trường khác thì trường mình vẫn vượt xa.
     Sau khi rời trường, tôi ít gặp anh. Họa hoằn lắm anh ghé lại một chút báo tin về những bài thơ anh được phổ nhạc hay cho xem bản thảo truyện ngắn anh viết. Lần cuối cùng anh đến tặng tôi bản nhạc Em hiền như Masoeur có chữ ký của anh. Đọc bản nhạc này tôi liên tưởng đến cô bạn xinh xắn của tôi Phạm thị Thanh Thu. Phải chăng anh cũng đã từng xao xuyến trước ánh mắt và dáng dấp nhu mì của nhỏ?
     Sau năm một chín bảy năm, tôi hoàn toàn không biết gì về anh Hải và nhóm Mạch Thở. Chế độ thay đổi, cuộc sống thay đổi. Mọi người ai cũng lo kiếm sống, khốn khó và suy tư nhiều hơn...Vài năm sau tôi nghe tin anh và gia đình vượt biên và đã được định cư an toàn tại Pháp. Tháng ba năm1992, tôi sang Mỹ.  Vài th́áng sau nhỏ Hồng từ Georgia gọi tôi vào lúc nửa ̣đêm:
     -Ê! hay gì chưa? Nguyễn Hoàng Hải chết rồi...
     Tôi mới tới Mỹ, nơi tôi ở không có người VN nhiều, báo chí không có nên tôi không biết gì cả. Hồng ở thành phố lớn, người Việt đông nên có tin gì nhỏ cũng cho tôi hay. Cả hai chúng tôi bủi ngùi cho anh - một người có nhiều đam mê - cuối cùng lại tự kết liểu đời mình bằng những viên thuốc an thần.
     Năm 2005, trong lần nói chuyện với nhỏ Ba, nó đã hỏi tôi:
     -Có phải 'Hải ròm' là NTN không?
     Thì ra từ ngày lấy chồng, nhỏ Ba ít liên lạc với bạn bè nên không biết.
     -Trời ơi tao mê thơ NTN mà không ngờ nó là NH Hải.
     Cuối cùng nó cũng buông thòng một câu:
     -Không ngờ thằng đóng vai chồng tao lại vắn số như vậy.
     Tháng 11-2007, tôi quyết định về thăm VN sau gần mười sáu năm xa cách. Chuyến về này có cả Hồng và Sáng. Dự định của chúng tôi là gặp lại Thầy, Cô, bạn bè. Nhân tiện, Hồng có quen với vợ chồng anh Đinh Thiên Phương và Mây Trắng, tôi cũng muốn gặp lại các anh trong nhóm MT ngày xưa nên nhờ Hồng liên lạc mời các anh đến chung vui trong cuộc họp mặt thân tình.Trong thâm tâm tôi muốn gặp lại các anh trong nhóm MT,  nhắc nhở về những người bạn văn nghệ đã mất: Đa Tạ, Hoàng Thy Linh, và Nguyễn Tất Nhiên. Một người bạn của tôi ở San Jose đã cho tôi tin anh Hoàng Thy Linh đã qua đời - không ngờ đó là tin thất thiệt - vì vậy buổi họp mặt không có anh Linh. Càng ân hận hơn là tôi không có cơ hội để trò chuyện với các anh về chuyện ngày xưa như dự định.
     Để giữ lời hứa với anh hội trưởng hội Ái hữu BH, tôi đã viết về anh Nguyễn Tất Nhiên, về những kỷ niệm một thời làm văn nghệ dưới mái trường thân thương TH Công Lập Ngô Quyền. Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở một nơi bình an nào đó, tôi tin rầng anh đang mỉm cười. Không phải nụ cười khinh bạc,ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...

THY LỆ TRANG
Massachusetts


READ MORE - VỀ NGƯỜI BẠN ĐÃ MẤT: NGUYỄN TẤT NHIÊN - Thy Lệ Trang

SÀI GÒN CHIỀU BÊN EM - thơ Nhật Quang


Tác giả Nhật Quang


SÀI GÒN CHIỀU BÊN EM

Sài Gòn phố thênh thang
Bên em chiều thu vàng
Dưới hàng me bóng mát
Nhẹ gót bước mênh mang

Loanh quanh từng góc phố
Thị thành chốn phồn hoa
Dòng người đang hối hả
Dặt dìu khúc tình ca

Chuông chiều vọng ngân nga
Mơn man áo trắng ngà
Vương hương thơm chiều nắng
Em dịu dàng thướt tha

Chiều Bạch Đằng gió hát
Thầm thì khúc yêu thương
Vuốt ve bờ vai nhỏ
Thêm kỉ niệm vấn vương

Dừng chân quán bên đường
Cà phê phố ngát hương
Từng giọt rơi tí tách
Rơi thầm bao nhớ thương

Sài Gòn thu mơ mộng
Hoàng hôn bóng chiều rơi
Lung linh màu ngọc bích
Tình nồng thắm đầy vơi.

                          Nhật Quang
                           (Sài Gòn)   
READ MORE - SÀI GÒN CHIỀU BÊN EM - thơ Nhật Quang

Hoàng Thị Thảo - PHẠM NGỌC THÁI VÀ BẢN TÌNH MƯA TUYỆT VỜI


Tác giả Hoàng Thị Thảo. Ảnh: Nga Hoàng


Hoàng Thị Thảo

PHẠM NGỌC THÁI VÀ BẢN TÌNH MƯA TUYỆT VỜI
                                                     

MƯA BAY TRONG TIẾNG CHUÔNG

Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện
Nam-mô-a-di-đà!
Trong khúc mưa bay âm vang trời đất
Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là...

Vi vút tầng cao con lá rụng
Nghe lao xao sóng vỗ bên hồ
Chân ta bước dưới khuông trời thành phố
Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ.

Thoắt tình đã vào xa vắng
Mình anh với bóng nhớ hoài em
Hồn như cánh chim vô định
Mái tóc em bay làn mưa mênh mang.

Ôi, tiếng chuông gảy lên bao ký ức?
Kia không gian thao thiết gót chân mềm
Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt
Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm.

                              Thơ PHẠM NGỌC THÁI
                   Trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai" 2012




LỜI BÌNH:   

      Trong cái làn mưa bay dưới khuông trời thành phố, có một người thi sĩ đang lang thang nhớ bóng người yêu:
                        Vi vút tầng cao con lá rụng
                        Nghe lao xao sóng vỗ bên hồ
                        Chân ta bước dưới khuông trời thành phố
                        Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ
     Đọc đến những từ "con lá rụng": Tức là hình ảnh hiu hắt của vài chiếc lá đang bay vi vút giữa tầng không, mà tác giả gọi là "con lá..." - Tôi bỗng liên tưởng đến câu thơ trong KIỀU của Nguyễn Du:
                       Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
     Đây là hình ảnh của vầng trăng khuyết cô quắt... khi nhớ đến bóng người đi xa. Mảnh trăng cô độc ấy nửa thì lọt qua song cửa soi lên chiếc giường chăn đơn gối chiếc của Kiều, nửa thì dõi theo cái bóng đã khuất dặm trường của chàng Thúc Sinh ở tận phương trời. Trở lại với bài "Mưa bay trong tiếng chuông" - Tuy hình ảnh ở bài thơ này của Phạm Ngọc Thái không đến mức sầu muộn, thê lương như hình tượng câu thơ trong Kiều? Song, những "con lá rụng..." đang bơ vơ bay giữa khuông trời của đêm cô đơn kia, cũng làm cho lòng ta xốn xang cùng với nhà thơ.
     Những tiếng sóng bên hồ lao xao vỗ theo bước chân anh. Cảnh mưa đó lại được hoà tấu bằng sự đồng vọng của tiếng chuông chùa buồn. Đó cũng chính là tiếng lòng thương nhớ của anh thi sĩ với người con gái đã xa xăm.
     Ba cái cảnh: Trời mưa, tiếng chuông và sự cô đơn... để tạo nên một bản tình xô-nát âm vang trong trời đất. Giọng điệu thi ca trầm... ngân nga... như câu thơ đã viết:
                       Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ
     Tôi trở lại với đoạn thơ đầu:
                       Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện
                       Nam-mô-A-di-đà!
                       Trong khúc mưa bay âm vang trời đất
                       Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là...
     Suốt bài thơ... làn mưa và tiếng chuông chùa cứ thao thiết trong nhau, hoà vào tâm tình của người thi sĩ. Cái tiếng chuông thỉnh lên lời cầu nguyện "Nam-mô-A-di-đà" ấy, phải chăng cũng là tiếng khắc khoải nguyện cầu thao thiết trong anh? Anh đi trong khúc mưa bay với một tâm hồn trống trếnh, chơi vơi: Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là... /-  Sự mơ màng như thể đang dẫn người đến bên cửa phật. Một bài thơ tình ở chốn thánh thần, làm cho tình thi vừa thân thương lại thêm màu huyền hoặc.
     Đến đoạn thứ ba thì người mới thực sự tả về em:
                       Thoắt tình đã vào xa vắng
                       Mình anh với bóng nhớ hoài em
                       Hồn như cánh chim vô định
                       Mái tóc em bay làn mưa mênh mang.
     Bóng của người con gái được hiện ra cũng rất hư hao, chỉ nhìn thấy trong làn mưa mái tóc em đang vương bay. Tâm hồn nhà thơ thì "như cánh chim vô định" - Nghĩa là mông lung, không có bến bờ, ở cõi vô tận vô cùng. Một tâm hồn lạnh lẽo, cô liêu. Hình ảnh thơ như ẩn, như hiện đưa ta hút sâu vào cùng tâm trạng của anh. Cũng chẳng khác là bao với tâm trạng của kẻ nhớ người ở phương trời trong Chinh Phụ Ngâm:
                       Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
                       Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
            


     Hình tượng thơ của bài "Mưa bay trong tiếng chuông" được sử dụng đầy chất triết luận hoặc hội hoạ: Hồn vô định, mưa mênh mang, khúc mưa bay, vọng giữa mưa đêm, khuông trời, gió... trăng... dìu dặt, người và bóng, bản nhạc thơ v.v.... Không gian thực mà ảo. Hiện tại và quá khứ đan xen trong nhau để nói về nỗi tình da diết của nhà thơ với người thiếu nữ đã xa. Tôi xin bình sang đoạn thơ cuối cùng:
                       Ôi, tiếng chuông gảy lên bao ký ức?
                       Kia không gian thao thiết gót chân mềm
                       Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt
                       Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm.
      Những kỉ niệm trong ký ức tràn về theo tiếng chuông. Hình ảnh người con gái từ câu thơ: Mái tóc em bay làn mưa mênh mang /- Đến đây, nhà thơ nhớ lại những ngày cùng dạo bước bên người yêu: Kia không gian thao thiết gót chân mềm /- Cả bóng trăng khuya, con gió dặt dìu, tiếng chuông và làn mưa... cùng hoà trong bản tình xô-nát bên hồ ấy:
                       Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt
                       Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm...
     Hai câu cuối thật hay! Không chỉ với giọng thơ khoan nhặt, mà cả bản tình như được tắm vào trong vũ trụ cuộc sống và tình yêu con người. "Mưa bay trong tiếng chuông" như có tiếng ru thần diệu thấm vào hồn ta, để lòng ta say. Một cái say thâm trầm, da diết. Ngôn ngữ và làn điệu tha thiết. Hình ảnh lại hư hao như ở chốn bồng lai, cõi phật... cuốn hút cảm nhận của ta đắm chìm vào trong đó.
     Trong đoạn thơ cuối này, ta thấy cả khoảng không gian của bài thơ đều qui tụ vào đây. Từ gió, ánh trăng cùng làn mưa đêm và tiếng chuông chùa ngân nga... ẩn hiện bóng hình với bước chân thiếu nữ. Đó là một bản tình ca đằm đìa, xao xiết dưới gió trăng - Như câu thơ đã kết:
                      Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm
     Nói "Mưa bay trong tiếng chuông" là một bài thơ tình hay hoặc "rất hay!..." cũng đều thoả đáng. Nhưng cảm yêu cái tiếng mưa, những hạt mưa bay đã được thi sĩ Phạm Ngọc Thái gieo suốt bài thơ mà tôi bảo rằng: Đó là một bản tình mưa tuyệt vời !


         
Tháng 10/2015
Hoàng Thị Thảo
READ MORE - Hoàng Thị Thảo - PHẠM NGỌC THÁI VÀ BẢN TÌNH MƯA TUYỆT VỜI

Trường Hải Lê Văn Đông - Chùm thơ về CÁC DANH NHÂN ĐẤT VIỆT THỜI TRUNG ĐẠI

Tác giả Trường Hải Lê Văn Đông

              


Thơ Trường Hải Lê Văn Đông
                         

                         TRẦN NHÂN TÔNG

            Đấng quân vương tuổi xuân đánh giặc,
            Đem bình yên cho Đất nước, Nhân dân.
            Gột bụi trần, cởi áo bào, quy Phật,
            Hóa Phật hoàng Yên Tử của nhân tâm.

                                    Đỉnh Sơn, 20/10/2015
                

                        NGUYỄN TRÃI

            Thân nam nhi mang nợ nước thù nhà,
            Mài kinh sử đợi chờ ngày báo đáp.
            Lặn lội Lam Sơn đi tìm minh chủ,
            Thỏa chí tang bồng văn võ tung bay.
            Vung  bút lông hơn cả ngàn kiếm sắc,
            “Đại cáo bình Ngô” vang dậy non sông.
            Nhất công thần gặp án oan hà khắc,
            Chốn cửu tuyền ôm hận đến mai sau..
            Ức Trai hỡi, lòng long lanh ánh ngọc
            Nhát chém Người dân tộc hãy còn đau!
                                     
                  Đỉnh Sơn, 21/10/2015
                 

                                                                        
                          NGUYỄN DU

           Núi còn đây và sông hãy còn đây
           Dòng Lam giang suốt đêm ngày vẫn chảy
           Đỉnh Hồng sơn thông xanh tận lưng trời
           Hơn hai trăm năm lưu dấu chân Người.
           Người sinh ra để chia sẻ với đời
           Chắt huyết lệ thành vần thơ  tha thiết
           Sóng gió cuộc đời chia ly phiêu bạt
                          Người trải lòng bao kiếp sống lầm than
                          Biển nhớ Người về câu cá biển Nam
                          Rừng lưu dấu Người đi săn, hái thuốc
                          Sống thanh bần với quê nhà thân thuộc
                          Gặp bão Tây Sơn, “ gió bụi mười năm”
                          Người chạnh thương người ca nữ Long Thành
                          Thương Thúy Kiều kiếp tài hoa bạc mệnh
                          Trên đường trường Người sứ bộ Bắc Kinh
                          Hỏi trời cao thấu cảnh kẻ ăn xin?
                          Thơ của Người nhịp đập của trái tim
                         Giọt nhớ giọt thương hòa thành giọt lệ
                         Nước chảy từ nguồn- thi ca là thế
                         Đại thi hào Nguyễn Du - nhân loại tôn vinh.

                       Đỉnh Sơn , 20/12/2014
                        

                         HỒ XUÂN HƯƠNG

            Cha mẹ sinh ra phận má hồng,
            Lễ nghĩa, văn chương học tinh thông.
            Phóng túng nữ quyền đòi đổi phận,
            Coi khinh tướng giặc, diễu phường ngông.
            Giai nhân tài tử -  mong hạnh phúc,
            Mấy bận sang đò -  có thành không.
            Vĩnh Tường, Tổng Cóc… đều đi tuốt,
            Mượn nước Sông Hồng rửa long đong.

            Đỉnh Sơn, 26/10/2015
           

                       BÀ HUYỆN THANH QUAN

            Đèo còn đây, sông nước vẫn còn đây
            Bóng Huyện Bà lảng bảng trời mây.
            Giã biệt Thăng Long vời Kinh Huế
            Phận gái theo chồng, hoa cỏ cây.
            Hoàng hôn đất lạ buồn man mác,
            Đoái nhìn tiều mục dạ lắt lay.
            Hoành Sơn một dải ngăn Nam Bắc
            Thiên lý ngàn trùng áng thơ bay.
                                                         Đỉnh Sơn, 25/10/2015
                                                          

                       NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822 – 1888)
                                       (Cụ Đồ Chiểu)

            Nam nhi nấu sử sôi kinh,
            Xa quê ra Huế hành trình gian nan.
            Học hành khoa cử dở dang,
            Mẫu thân tử biệt muôn vàn xót thương !
            Đường về ngàn dặm chịu tang,
            Tuổi xuân mù mắt, giang san mịt mờ !
            Mở trường đào tạo tuổi thơ
            Bốc thuốc chữa bệnh, văn thơ nức miền !
            Nước non giặc giã triền miên
            Mắt mù, tâm sáng, đầy thuyền Nghĩa Nhân.
            Gửi lòng trống trận nghĩa quân
            Trăng treo vằng vặc, muôn dân nhớ Người.

                         Đỉnh Sơn, 27/10/2015
                     
                         NGUYỄN KHUYẾN

            Tam Nguyên Yên Đỗ ngời khoa bảng
            Con đường hoạn lộ rộng thênh thang..
            Chốn quan trường nhiễu, lui về ẩn,
            Sống với quê hương cảnh bần hàn.
            Ví thử áo cơm cam luồn cúi
            Còn đâu Nguyễn Khuyến mãi ngàn năm ?

                          Đỉnh Sơn, 22/10/2015
                                                          



                             TRẦN TẾ XƯƠNG
                                ( Tú Xương )

            Lận đận vào đời chốn trường thi,
            Chỉ đậu Tú tài những lần đi !
            Học tài thi phận do ngay thẳng,
            Chẳng nên cơm cháo, chẳng quan chi.
            “Thương vợ”, giận mình “vô tích sự”,
            Xót quê “Sông Lấp” bãi xanh rì !
            Đoản mệnh, thơ văn còn dang dở,
            Hậu thế thấu tình “Tuyển văn thi”.

                               Đỉnh Sơn, 23/10/2015
                             

                        TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU
                                   (1888 – 1939)

            Địa linh núi Tản sông Đà
            Bút danh thi sĩ ngân nga với đời.
            Mơ màng giấc mộng “Hầu Trời”
            Văn chương đàm đạo hơn người trần gian.
            Tiếng cười khoái chí giòn tan
            Hạ giới “văn ế” bán văn thiên đình.
            Nước non nặng gánh tâm tình
            Lời thề vàng đá đến nghìn năm sau.
            Đời thi sĩ dài chi đâu
            Xin làm “gạch nối” bắc cầu thi ca.
            Mai sau mãi nhớ Tản Đà
            Núi cao sông rộng chảy qua hồn người.

                                            Đỉnh Sơn, 29/10/2015
                                            Trường Hải Lê Văn Đông




READ MORE - Trường Hải Lê Văn Đông - Chùm thơ về CÁC DANH NHÂN ĐẤT VIỆT THỜI TRUNG ĐẠI

Hoàng Anh 79 - HOÀI VỌNG CỐ NHÂN - MÙA THU TRÊN BẠCH MÃ SƠN

Tác giả Hoàng Anh 79


Hoàng Anh 79

HOÀI VỌNG CỐ NHÂN

Nếu một mai ta không về chốn cũ
Em có sầu như lá rũ mùa thu
Ta lang bạt như mây ngàn viễn xứ
Quẩn quanh đây  những mắt đỏ căm thù

Trời vào đông  chút heo may se lạnh
Cho loài dơi thêm say giâc ngủ vùi
Ta độc hành trên đường xa vạn dặm
Sương gió đời gặp lại có gì vui

Nên em đừng hoài vọng tình huyễn hoặc
Một lần yêu đủ gọi cố nhân rồi
Chiều từng chiều chim bay về phương bắc
Ta ngậm ngùi cạn chén rượu mồ côi

Mưa phố thị mưa buồn nhiều hơn trước
Nơi phương xa  thương nhớ nắng Sài Gòn
Chuyến xe lam không còn qua Thủ Đức
Kỷ vật nào em lặng lẽ đem chôn

Đời rộng lớn núi sông chia muôn lối
Một chút mưa tình ướt đến thiên thu
Ta trắng tay giữa vòng quay danh lợi
Trăng ơi trăng, sao rụng giữa sương mù ?

Ngày 28/10/2015


MÙA THU TRÊN BẠCH MÃ SƠN

Thì ta là tay vô địch kiếm
Kẻ thù nghe tiếng sợ hoảng kinh
Thế sự nhân tình nhiều ác hiểm
Vung gươm ta chém, trúng tim mình

Kiếp nầy đã lỡ đời lãng tử
Sang hèn cũng chỉ áng mây bay
Cầm áo em trao,  ta đổi rượu
Thì đã quen rồi tay trắng tay

Mùa thu sông núi buồn muôn thuở
Tấm thân cô lữ bước độc hành
Nên tình em mãi ta còn nợ
Gởi lại bên cầu theo gió trăng

Xin em giữ chút tình trong trắng
Mai theo chồng về Bạch Mã Sơn
Ta sẽ ngậm ngùi theo xác pháo
Kỷ niệm chôn sâu tận đáy hồn

Ta là bách kiếm Vương Hồ Vũ
Sừng sững hiên ngang giữa đất trời
Ơn em ban mối tình vừa đủ
Ta ngậm cười dưới mộ mồ côi !

Ngày 3/10/2015

Hoàng Anh 79
READ MORE - Hoàng Anh 79 - HOÀI VỌNG CỐ NHÂN - MÙA THU TRÊN BẠCH MÃ SƠN