Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 17, 2024

Chùm ảnh HOA CHÙM NHO - Chu Vương Miện

 Bấm chuột vào hình để phóng to.





READ MORE - Chùm ảnh HOA CHÙM NHO - Chu Vương Miện

Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: - 10. TẤM THẢM MÀU XANH LAM - Ngọc Châu



 10-TẤM THẢM MÀU XANH LAM

 

Giá người mẹ trẻ về nhà ngay tối hôm đó, có lẽ điều xấu nhất chưa có thể xảy ra nhanh đến vậy.

Ba bốn hôm nay chị ta rối rít tít mù vì phải sản xuất bánh cho đợt rằm Trung thu. Buổi chiều, vừa thấy chị rửa sơ mặt mũi, cởi chiếc áo choàng mặc trong xưởng chuẩn bị về ăn tối với con, thì Mũi-cà-tím đã vội vàng vẫy anh lái xe.

- Này, đem cạp lồng này về cho thằng bé - Hắn nói với anh ta trong khi mở nắp cạp lồng cho chị xem:

- Một tỏi gà luộc, hai quả trứng tráng với bắp cải xào đủ no cho nó chưa? Thôi, đừng về nữa, tôi với cô ăn cơm ở đây rồi cùng đôn đốc công việc. Gấp lắm rồi.

Thấy hắn đã quan tâm như vậy, người mẹ không còn lí do gì để về nhà, dù rất nhớ con mình. Chiều hôm sau nữa cũng thế, hắn cứ bày ra việc kia việc nọ mãi khiến đã muộn càng muộn thêm. Người mẹ trẻ goá bụa này cũng nhận thấy rằng, mỗi khi màu cà tím trên mũi hắn ta ửng lên thành màu cà chua ương (hóa ra chủ quán Cà phê Vườn cũng có cùng nhận xét!), thì lão bầy hầy lắm, luôn tìm mọi cớ để giữ chị làm đêm rồi ngủ lại ở xưởng trong căn nhà nhỏ.

Mẹ không về nhưng thằng bé cũng không đến nỗi khổ sở cho lắm, bởi vì hễ bắt đầu thấy kém thoải mái là nó mở nắp ve thuỷ tinh ra hít một tẹo. Càng ngày khoảng cách hít càng gần nhau hơn nên về sau cu cậu không nhét chiếc ve kì diệu vào trong hai lần hộp sắt như ban đầu. Nó đẩy ve thuỷ tinh vào góc tủ, chỉ che đi bằng chiếc khăn mỏng để mỗi lần hít không phải làm nhiều động tác.

Tối hôm trước nhờ hít ve keo lần đầu tiên mà nó gặp được thằng Tí, cái Hon và lũ bạn ở lớp học cũ, khi chưa chuyển truờng. Bọn chúng cùng ăn "bánh sừng bò, nhảy lò cò" với nhau, cực kì khoái trí khi trận công kích bằng cà chua thối đã đuổi cổ lão Mũi-cà-tím chạy tung khăn xếp!

Sau thời khắc đó, tuy hết sức ngạc nhiên với những việc cực kì thích thú, xảy ra một cách kì lạ nhưng thằng bé không quên ve keo nha địa y bà Phù thuỷ vừa cho. Nó vẫn còn nguyên trong góc tủ, được bảo vệ bằng hai lần hộp sắt, không kể chiếc chăn chiên bọc ngoài cùng. Yên chí rồi cu cậu mới nhìn quanh và thấy ở bậu cửa có một cạp lồng cơm khá ngon lành, không hiểu ai đã đặt ở đấy từ lúc nào. Không phải mẹ, vì bao giờ về nhà mẹ con nó cũng ôm chầm lấy nhau. Chắc là anh tài-xế mang đến, còn nó cũng đã quen với chuyện khi mẹ bận không về nhà, thì luôn nhờ anh ta mang cơm về cho con.

Thằng bé ngồi vào học bài sau khi ăn xong. Truớc khi đi ngủ nó bỗng thấy nhớ mẹ ghê gớm, nhớ lại những lời chủ quán Cà phê Vườn nói lúc trưa nay. Cơn buồn và nỗi uất ức lại nổi lên. Có thể lúc này mẹ nó đang chuyện trò, không, mụ chủ quán nói cái gì ấy cơ, đang "hú hí", đúng rồi mụ ấy nói như thế mặc dù nó không hiểu hú hí là thế nào, với lão Mũi-cà-tím.

Không đứa trẻ nào chịu đựng nổi chuyện mẹ mình lại "hú hí" như thế, với một người đàn ông như cái lão Mũi-cà-dái-dê đáng ghét ấy. Thằng bé lại định chạy đến xưởng dù đã khá khuya rồi. Nó đi ra cổng, trở vào nhà, lại ra cổng rồi sực nhớ đến ve thuỷ tinh của bà phù thuỷ, thế là nó  quyết định ngửi tí nữa xem sao.

...Thằng bé thấy mẹ đang đi vào nhà. Nhìn thấy nó tươi tắn mẹ yên tâm lắm. Nó khoe:

- Mẹ ơi, bà Phù thuỷ lại cho mẹ con mình ve keo địa y nha mới mẹ ạ!

- Cái gì cơ? Con vừa nói cái gì? - Mẹ nó há mồm ra vì kinh ngạc, còn nó thì rất khoái chí với thái độ kinh ngạc của mẹ mình. Liền kể một thôi một hồi:

- Bà ấy cho con lúc chập tối. Bà ấy hiện ra ở trên tường, chỗ cái bóng bình hoa kia kìa. Có cả cái đuôi dê nữa, nhưng giống như đuôi rắn ấy cơ mẹ ạ. Nhưng con không nhìn thấy con dê. Bà ấy còn bảo nếu chưa làm bánh thì hít một tí, hoặc chấm đầu que tăm nhỏ quết vào lưỡi cũng hay lắm...

- Cái gì? Con nói lộn xộn cái gì thế? Nói từ từ để mẹ nghe xem nào! - Mẹ nó vội vàng ngăn lại, bảo nó nói chậm từng chuyện một thôi.

- Đúng là bà Phù thuỷ hiện ra đưa cho con một ve keo nha địa y mà. Nó đây này - Nó nói rất cả quyết rồi thục tay vào tủ lục lọi, lấy ra chiếc hộp lớn quấn trong lớp chăn chiên, hì hục cậy mở hộp ấy để nhấc ra chiếc hộp tròn nhỏ, lại hì hục tiếp để mở chiếc nắp  hộp cuối cùng.

- Đây này mẹ ơi - Nó đắc thắng giơ cho mẹ xem chiếc ve thuỷ tinh con con, hơi giống chiếc ve ngày xưa.

- Bây giờ mẹ không phải đi làm cho Mũi-cà-tím nữa phải không mẹ. Mình sẽ làm bánh "sừng bò nhảy lò cò" rồi bán như ngày xưa, bán ít thôi cũng được mẹ nhỉ. Con không muốn ở đây nữa đâu. Con chỉ muốn về lại nhà mình dưới thị trấn, đi học với bọn thằng Tí, cái Hon - Nó nói trong khi mẹ nó ngồi thừ ra, vẻ mặt rất là phân vân, nghĩ ngợi.

- Nhà ấy bán rồi con ạ - Cuối cùng mẹ nó nói thế.

- Thì mình về ở nhà cũ cạnh nghĩa địa lính, ở chung với bà nhặt rác, với con dê và con mèo cũng được mẹ ạ. Bao giờ đủ tiền lại mua căn nhà mới, mời tất cả về ở cùng, thế mới thích mẹ nhỉ!

Mẹ nó không nói gì, chỉ ôm lấy con mà hít ngửi mái đầu. Có lẽ đầu nó còn thơm nên mẹ không chê, hôi thì mẹ bắt đi gội đầu ngay mà thường là mẹ gội cho nó, còn nó thì ngọ ngoạy kêu ầm lên "ối mẹ ơi, xà phòng vào mắt con, cay quá!"

Đến đó tác dụng của lần ngửi đã hết. Thằng bé lại thấy nó ở nhà có một mình. Nhìn vào đồng hồ thì đã mười một giờ đêm nên cu cậu đành hậm hực leo lên giường, mãi rồi mới ngủ thiếp đi.

Cả ngày và đêm hôm sau mẹ thằng bé cũng không thể về nhà. Vẫn đang thiếu bánh ngọt "Hết Ý" cho tết Trung thu. Nó buồn và bực đến mức lần đầu tiên bỏ dở buổi học, thất thểu về nhà từ lúc mười giờ sáng. Thế là lại lấy ve keo ra ngửi, hưởng những chuyện vui thích theo như ý nguyện được một thời gian.

Đứa bé mười tuổi con chị "Bánh sừng bò" làm sao biết được rằng ngửi thứ keo đó thì thích thật đấy, nhưng mệt mỏi vô cùng. Ngay những con quỷ gớm ghiếc như Dạ xoa với Xa tăng khi được quỷ Đen cho ngửi "rêu tiên" rồi cũng chẳng thiết mó máy chân tay, bỏ bê công việc hành hạ tội nhân dưới Địa ngục nữa là, có điều chúng là quỷ nên chỉ thấy mệt ít ít thôi.

Ngày và đêm hôm thứ hai, do buồn bực thằng bé đã đem ve keo ra ngửi đến gần chục lần, sau đó nó quá mệt mỏi, không thiết ăn uống nữa và bị xuống sức ghê gớm. Nó suy sụp nhanh đến mức chiều hôm thứ ba, khi bà mẹ trở về đã vô cùng kinh hãi khi thấy con mình trong tình trạng ốm nặng, giống như hồi nó bị thương vì quả mìn mấy năm truớc đây.

Bọn trẻ cùng lớp "Sừng bò" kéo đến thăm bạn. Thấy nó nằm im lìm đứa nào cũng hãi, chúng bảo thằng Tươi cũng bị như vậy, bố mẹ thằng Tươi đang đưa nó đi bệnh viện Trung ương.

- Bác sỹ ở bệnh viện tỉnh bảo nó bị nghiện nặng, nhưng không hiểu do thứ ma tuý gì, không giống với những đứa nghiện khác - con bé ngồi cùng bàn với thằng Tươi nói thế.

- Lạ thật chúng mày nhỉ! Tao vẫn chơi với thằng Tươi và thằng Sừng bò, chẳng thấy hai đứa nó lén lút hít sâu hay tiêm cái gì bao giờ. Eo ơi, bị thế kia thì sợ lắm chúng mày ạ!

Chẳng người nào tìm ra nguyên nhân của trạng thái nghiện nặng đến mức suy sụp của hai đứa bé. Mỗi quỷ Đen là biết vì chính nó đã dụ bọn trẻ con ăn bánh "Hết Ý", có pha thêm loại keo ma quỷ mà nó bỏ công làm ra từ thứ  "rêu tiên". Ai ăn loại bánh đó lâu lâu cũng khó mà bỏ không ăn bánh nữa, ngoài ra chỉ cần chớm gặp một thứ chất gây nghiện nào đó sẽ bị mắc ngay, không nói tới chuyện hai thằng Tươi và Sừng bò đang là truờng hợp mà con quỷ đặc biệt quan tâm.  Quỷ Đen bao giờ chả có những mưu đồ đáng sợ!

Người mẹ lại thắt tim thắt gan ngồi bên đứa con, lo lắng như ngày nào. Sự cố với đứa con đứt ruột đẻ ra đã biến chị thành con người khác hẳn, thành gà mẹ xù lông giương cánh, mổ cho con diều Mũi-cà-tím phải bỏ chạy mất dép khi hắn đến quấy rầy. Một hai lần thằng bé mở mắt ra, đòi mẹ đưa ve thuỷ tinh gì đấy  cho nó, nhưng chị nào biết việc nó có chiếc ve ấy. Khi về với con thì  người mẹ trẻ thấy nó đã nằm liệt trên giường, lả đi như hồi nào vừa đưa nó về từ bệnh viện, sau lần con chị bị thương bởi quả mìn trong Nghĩa địa lính.

Lần cuối nó mở mắt ra, thì thào gì đó mà chị chỉ lắng nghe được mấy tiếng ngắt quãng "đưa...đưa con về... về... Nghĩa... địa lính..."

Các thầy thuốc đã đến nhà nhưng không ai nghĩ ra phương thuốc gì đặc trị, chỉ khuyên cố truyền thứ nọ thứ kia để duy trì sự sống cho thằng bé, hy vọng sau một thời gian có thể nó sẽ hồi tỉnh.

Ngồi bên con, người mẹ ôn lại bao nhiêu sự kiện kì lạ từ ngày nó bị tai nạn. Chuyện bà Phù thuỷ ngái ngủ cho ve keo nha, chuyện con quỷ Đen bị xích đã biến mầu đi, chắc là nó đã trốn thoát, khi mẹ con chị vô ý để nó chạm vào nước có pha keo địa y nha.

- Không biết bà Phù thuỷ có còn thức dậy nữa không? Bao giờ thì bà ấy thức dậy? Sao thằng bé cố nói với mẹ rằng "đưa nó về Nghĩa địa lính"? - Chị lẩm bẩm một mình bao nhiêu câu hỏi rồi quyết định bằng mọi cách phải đưa nó về căn nhà ọp ẹp ngày xưa. May ra ở đó mọi chuyện sẽ lặp lại từ đầu, biết đâu hai mẹ con lại được gặp bà Phù thuỷ, và bà ấy sẽ cứu giúp cho đứa con của chị một lần nữa.

Ngôi nhà, thật là kì lạ, vẫn còn nguyên vẹn như xưa dù nó khá ọp ẹp. Từ ngày rời đi người mẹ chưa về thăm nó lần nào như cậu con trai, nên không ngạc nhiên khi chẳng gặp ai ở đấy. Không có bà già nhặt rác ở trong nhà, ngoài sân không có cô dê nâu sừng vẹo với con mèo mắt xanh lè cụt một mẩu đuôi, cũng không thấy chú gà sống sứt mào hay gây gổ đậu trên cọc hàng rào.

Nhưng khá là sạch sẽ.

Dù bị bỏ không có đến ba bốn năm nay.

Sau khi đặt thằng bé nằm xuống đúng chỗ ngày xưa, người mẹ ngồi yên lặng, dồn tất cả tình thương đứa con tội nghiệp vào những lời kêu cầu, mong sự cứu giúp của bà Phù thuỷ ngái ngủ, đó là điểm bấu víu cuối cùng của người mẹ đau khổ lúc này.

Hầu như cả ngày hôm ấy chị ta không ăn uống gì, cũng không cảm thấy đói khát. Chỉ càng lúc càng mệt mỏi, rồi cuối cùng gục xuống bên cạnh thằng bé mà  thiếp đi.

...Người mẹ chờ mãi, chờ mãi rồi bỗng dưng một chiếc thảm màu xanh lam từ ngoài bay qua cửa vào nhà. Trên tấm thảm đúng là bà Phù thuỷ đã cho chị ve thuỷ tinh chứa keo địa y nha mấy năm về truớc. Nhưng bà ấy đang ngủ, chiếc bị vẫn kẹp bên nách.

Người mẹ chạy xô đến bên tấm thảm. Chị cuống cuồng lay gọi bà Phù thuỷ già:

- Bà ơi, bà quý hoá ơi! Bà giúp cho thằng bé của con đi bà ơi, đã ba hôm nay nó chẳng ăn uống gì rồi...

Bỗng chị hoảng hốt lùi lại. Mình lay gọi bà ấy thế này liệu có làm bà phật ý không nhỉ? -  Người mẹ khốn khổ chợt nghĩ - Nhỡ bà ấy bực bội vì bị đánh thức thì sao? Hoặc bà ấy vẫn đang cần ngủ thêm một thời gian nào nữa thì mới có thể thức dậy...

Tuy nhiên bà lão đã hé một mắt rồi ngáp:

- Hừm, con mẹ Baba-Yaga này cứ cố tình đánh thức mình. Sao mi không đi mà giúp người ta. Ủa, nó thổi chiếc thảm của mình bay về tận đâu thế này?!

Bà ta dụi tay ngang mặt, ngáp một cái nữa rồi mở cả hai mắt, vẻ như đã tỉnh ngủ hẳn và nhìn thấy người mẹ đang khốn khổ vặn vẹo đôi bàn tay, rồi thấy cả thằng bé mà bà nhờ giữ hộ con quỷ Đen bị xích vào chiếc móng Rồng. Nó nằm còng queo, chẳng còn tí sinh khí nào, bà thấy ngay điều đó vì bà là Phù thuỷ mà.

- Bà ơi, bà thức dậy rồi ư? Con đang mong bà lắm bà ơi! Thằng bé nhà con nó lại bị như lần truớc rồi bà ạ...- Mẹ thằng bé đang còn nhiều điều muốn cầu khẩn nhưng bà già mũi khoằm giơ tay ra hiệu cho chị ta không nói nữa.

- Không phải như lần truớc. Truớc là nó bị chấn thương, lần này thì... hình như thằng bé bị ma quỷ bắt đi. Khó lắm, khó cứu được nó lắm. Này, thế con quỷ Đen xổng xích rồi à?

- Nó bị xổng, con nghĩ là nó bị xổng mất rồi bà ơi. Chỉ vì thằng trộm đêm! Nó làm hai mẹ con con hoảng hốt, nên thằng bé làm rơi chiếc găng tay bọc con quỷ vào bột đã pha nước keo của bà, bà ạ. Bây giờ nó còn đó nhưng...

- Hiểu rồi, không phải nói nữa - Bà Phù thuỷ giơ tay lên ngăn những lời kể lể dài dòng còn đang định tuôn ra - Thôi đi với ta, xem thằng bé đang ở đâu - Bà già mũi khoằm vẫy người mẹ trẻ, ra hiệu cho chị ta ngồi lên tấm thảm, ngay bên cạnh bà.

Người mẹ rụt rè định bước lên tấm thảm xanh lam nhưng lại quay đầu nhìn con trai. Nó vẫn nằm im. Chẳng lẽ để thằng bé nằm như thế này mà đi đâu cùng bà Phù thuỷ ư?

Bà Phù thuỷ mũi khoằm cũng đã nhận thấy việc ấy. Bà ta giở chiếc bị ở nách ra giũ một cái, từ trong bị văng ra hai hạt gai mèo trông như quả trứng chim đẻ non dèn dẹt, có mũi nhọn ở đầu. Lại chấm ngón tay vào mồm rồi bôi nước bọt vào má thằng bé đang nằm còng queo.

Mẹ thằng bé thấy đứa con mình cứ bé dần, bé dần rồi thành một hạt gai mèo, bị hút vào trong chiếc túi nhỏ khâu ở bên trong cạp váy của bà Phù thuỷ, khi bà lật miệng túi ra hướng về phía nó. Cùng lúc đó, hai hạt văng từ trong bị ra nền nhà lại lớn dần, lớn dần rồi thành một cô dê đen sừng vẹo với một con mèo to đùng, mắt xanh lè nhưng đuôi bị cụt một mẩu. Hai con này đã định chạy đi nhưng bà Phù thuỷ cất tiếng nói rất nghiêm khắc:

- Hai con kia, ở đây đã. Coi cái bị này thật cẩn thận cho ta, nghe chưa?!- Bà ta mắc quai chiếc bị đan bằng sợi gai mèo toả ánh cầu vồng bảy sắc, nhưng đã bị thu bé lại như một chiếc vòng đeo ở cổ tay trẻ con, vào bên sừng vẹo của con dê.

Con dê bồn chồn dậm chân trong khi bà già mũi khoằm lồng và thít chặt chiếc bị vào chỗ có mấu ở sừng nó, để khi con vật bướng bỉnh này có sửng cồ đánh nhau thì chiếc bị cũng không bị văng đi mất.

- Kéo nhau vào cái hang sâu có cửa thông vào sông ngầm, ở chân vách đá phía sau Nghĩa địa lính kia kìa. Đừng đi chơi xa. Mỗi tháng sẽ có hai viên kẹo từ trong bị ấy lăn ra, thưởng cho bọn bay nhưng cấm ăn tranh của nhau đấy nhá! - Bà già nói chưa dứt câu mèo đã nhảy vèo qua đầu dê, con dê nghiêng sừng vẹo lên muốn xóc cho kẻ láo xược một cú nhưng kẻ đó đã chạy ra ngoài. Chỉ nghe thấy vài tiếng be với ngoeo ở bên ngoài ngôi nhà ọp ẹp là cả hai con đã biến mất tăm.

Mọi việc xong xuôi bà Phù thuỷ mới kéo tay mẹ thằng bé lên tấm thảm. Chị ta vừa ngồi thụp xuống thì chiếc thảm bay lên, nhẹ nhàng lách qua cửa ra ngoài, cất lên cao dần rồi hoà lẫn vào mây trời, chẳng còn ai thấy có dấu vết gì.

Chẳng hiểu sao mẹ thằng bé không thấy sợ lắm khi tấm thảm đưa chị bay bổng lên trời cao cùng với bà Phù thuỷ già. Chỉ thắt lòng khi thấy bà Phủ thuỷ ngái ngủ biến con mình thành một hạt gai mèo, tuy vậy người mẹ khốn khổ tự an ủi rằng, như thế còn hơn để nó nằm còng queo, một mình ở lại ngôi nhà ọp ẹp...

Một cái lắc khiến chiếc thảm hơi nghiêng đi, mẹ thằng bé hoảng hồn chộp túm vào áo bà Phù thuỷ. Bà già mũi khoằm vẫn ngồi yên vị và chắc chắn, chỉ bỏ cuốn sổ nhỏ bằng da dê đang đọc ra khỏi mắt. Bà lão chúm môi phụt từ trong mồm ra một hạt gì nho nhỏ, trúng vào con ó to đùng vừa ở đâu hiện ra bay song song với chiếc thảm. Chẳng hiểu con chim thấy lạ với chiếc thảm bay, hay muốn bắt nạt những người ngồi trên đó mà nó bay tới đón đầu, nhưng "viên đạn" từ mồm bà lão thổi ra khiến nó kêu lên "quéc quéc" một cách đau đớn và kinh hoảng, rồi xã một bên cánh loạng choạng bay gần như chúi đầu xuống đất. Thế mới biết gừng càng già càng cay, chẳng nên trêu chòng các bà lão ghê gớm làm gì, kể cả khi các bà ấy đang ngái ngủ!

...bà ấy đã biến hai hột gai mèo thành con dê với con mèo được thì chắc rồi sẽ biến được con mình thành thằng bé như cũ... - Bình yên đã trở lại, người mẹ  lại nghĩ tiếp như thế trong khi chiếc thảm bỗng như đứng tại chỗ, còn mọi vật xung quanh thì mờ đi, loang loáng như bị tụt lại phía sau với một tốc độ ghê gớm không ai đoán được.

Người mẹ thấy bà Phù thuỷ lại ngáp, nhét cuốn sổ da dê vào cạp váy. Chị lo quá, sợ bà ta ngủ gục xuống tấm thảm thì một mình chị biết làm thế nào. May thay, ngay đó những thứ loang loáng ở phía dưới đã hiện rõ hình trở lại rồi chiếc thảm hạ dần độ cao. Dưới kia là mây, không, đã là mặt biển - chị nhìn được rõ ràng - gồm những mảng đen với các dải xanh đậm xen lẫn nhau, bao quanh những đảo băng trắng xoá. Tất cả trông như một tấm vải tuồn rộng nhưng nhăn nhó với những vết gấp nổi lên, lại bị loang lổ vì mấy thằng bé nghịch ngợm, thi nhau té tát nước ở các chậu vừa rửa những lọ mực tím mực xanh vào nó.

Tấm thảm màu da trời hạ hẳn xuống, đợi Bà Phù thuỷ và người mẹ bước ra đứng trên một bãi băng bên bờ biển rồi nó tự động cuộn lại. Bà Phù thuỷ ngái ngủ cúi xuống, gảy đầu cây gậy chống vào nó và nói:

- Bảo con mẹ Baba-Yaga đưa chiếc gương thần đến ngay đây nhá, kẻo ta lại sắp buồn ngủ đến nơi rồi đấy.

Chiếc thảm cuộn tròn như  khúc gỗ nhỏ bỗng dưng vút lên trời, bay đi như một quả tên lửa-pháo hoa vừa được người ta đốt trong đêm lễ hội. Người mẹ nghĩ rằng chỗ mình đến này chắc cũng không quá xa Nghĩa địa lính, vì thời gian chị ta được ngồi trên thảm chẳng lấy gì làm lâu cho lắm. Nhưng ai biết được chiếc thảm của các bà lão cổ xưa lại ghê gớm đến thế: chỉ lúc mới cất lên và sắp hạ xuống thì nó bay có vẻ chậm hơn máy bay, nhưng sau đó thì nó thực hiện phép rút gọn không gian, một điều mà ngay các vị bác học sói đầu ngày nay cũng đang phải nghiên cứu đến toét mắt ra. Thế nên chỗ chị ta bước xuống đã gần Bắc Cực lắm rồi và rét ơi là rét.

 

READ MORE - Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: - 10. TẤM THẢM MÀU XANH LAM - Ngọc Châu

LẠC GIỮA THIÊN TAI - Thơ Lê Văn Trung


  

 
LẠC GIỮA THIÊN TAI
 
Phân Vân giữa ngã ba đường
Ta phương trời cũ - Người phương trời nào
Hỏi đất thấp - hỏi trời cao
Tìm đâu bãi biển nương dâu - bạc đầu
Tìm đâu? Mộng dữ? Chiêm bao?
Trăm năm trắng xóa niềm đau cõi người
Sống là một cuộc rong chơi
Vòng vây sinh tử nửa vơi nữa đầy
Để rồi lạc giữa thiên tai
Tìm đâu? Biển rộng? Sông dài? Tìm đâu?
Mình ta sóng vỗ chân cầu
Ngàn năm nước chảy một màu lãng quên.
 
                                           Lê Văn Trung
                                              15. 04. 24
 
READ MORE - LẠC GIỮA THIÊN TAI - Thơ Lê Văn Trung

THIÊN LÝ MÃ, THẾ ĐÓ, THIÊN TÀI... – Thơ Chu Vương Miện


  

 
THIÊN LÝ MÃ
 
Thuộc loài ngưạ Tứ nước Điền
Cực quí loại ngựa quân tử
Ngày rong ruổi ngàn dậm không mỏi
Nhưng lúc sa cơ biến thành ngựa cỏ
Ngựa hèn
Ngày kéo xe tối kéo mía
đêm ngủ cạnh chuồng trâu chuồng bò
không than cùng thở
nhục nhằn roi vọt
với kẻ ăn đứa ở
chuyện ngàn năm một thủa
Bá Nhạc vua coi tướng ngựa đi qua
Thương tiếc ngựa tài hoa
Bèn mang ngân lượng ra chuộc
Thiên lý mã như ngạc ngư trở về với biển cả
Người với ngựa chạy thong dong
Ngày đêm thoải chí
Ôi tri âm bắt gặp tri âm
-
Pollo local
quán con gà điên
con gà lôi
con gà rừng
ăn liền
-
Ăn hiền ở lành
Cơm cá và canh
Ăn ác ở ác
Tối ngày nơi sòng bài
Thua hết
-
Rượu trà gái
Ba thứ đều khoái
Bỗng dưng thành cụ Tú Xương
Uống & chơi mãi
 
 
THẾ ĐÓ
 
Cứ sáo là phải qua sông
Và phải xổ lồng
Cứ con ghế là phải lên xe hoa
Về nhà chồng
“chả có ai ở giá & ế chồng”
Cứ mặc áo thường thì thôi
Mà mặc áo lụa
Đương nhiên
Là phải qua cầu để gió bay
Cứ đàn ông thì phải đi lính tráng
Phải tù phải chết trận
Thời xưa đã vậy?
Huống chi nay
Cứ làm cái thân con chó
Là bị hạ cờ tây
7 món chả chìa rựa mận
Cứ là ghệ thì sáng ở tối dìa
Kẹt quá ngủ qua đêm
 
 
ĐỊA
 
Phương quân là số 1
Đối phương bơm địa vào
Quân đội càng nhiều địa càng có sức
Thiếu địa “phương quân”
Chi khu tiểu khu thua trước
Chạy trước
Kế khu chiến thuật quân khu không thua
Chỉ di tản chiến thuật mà thôi
Chủ trương chiếc lược “đầu teo đít to”
Theo lệnh của tổng thống cũ
Và tổng thống mới ra lò
Tuyên bố tuyên mẹ:
“buông súng đầu hàng không điều kiện”
Vì không có tiếp viện
Hết địa
mạnh ai nấy cút
 
 
THIÊN TÀI
 
Cố cân đo đong đếm đổi chác
Để tìm trong con ngừời bạc nhược đó
Thiên tài ở chỗ nào?
Không thấy
Chỉ thấy rựơu bia
Tàn thuốc lá đầy nhà
Cũng học mỹ thuật
cũng đi thủ đức
sang đây hỏi làm gì?
làm thinh
tối ngày thuốc men bia rượu
chả viết lách gì
chả vẽ vời gì
chỉ ăn chùa
hút chùa
-
Con khỉ chuyền cây bằng hai tay
Con chó bốn chân
Con gà hai chân
Con ốc bươu bò bằng mồm
Con người
Có ác có hiền
Có tỉnh có điên
 
 
HNT
 
Ngồi lại bên cầu
Để xử lý những bức xúc
Khó khăn chung trong ruột già
Xong
Thoải mái
Nhìn lại chân cầu sóng vỗ
Trôi đi những khó khăn
Những ẩn ức ràng buộc trong lòng
Bao nặng nề giải thoát
-
Có sông dài sông ngắn
Sông cạn sông sâu
Có dàn bí dàn bầu
Có vải có nhãn
Và thầu đâu
-
Tre già măng mọc
Có rừng giang rừng trúc
Có đốt có khúc
Cuộc sống thăng trầm
Có vui có nhục
 
Chu Vương Miện

READ MORE - THIÊN LÝ MÃ, THẾ ĐÓ, THIÊN TÀI... – Thơ Chu Vương Miện

ĐỌC “ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” TRƯỜNG THI CỦA TRẦN MẠNH HẢO - Châu Thạch



1- Vì sao nhà thơ Trần Mạnh Hảo dùng tia chớp đề làm hình ảnh đại diện cho đất nước? Theo tôi có lẽ bởi vì tia chớp có vẻ đẹp hùng vĩ nhất, bởi vì tia chớp có năng lượng rất lớn, và bởi vì tia chớp có đường đi sáng rực và ngoằn ngoèo. Dùng hình ảnh tia chớp làm đại diện cho đất nước, Trần Manh Hảo muốn tôn vinh đất nước, muốn hóa hình đất nước vào hiện tượng thiên nhiên kỳ vỹ, để người đọc thấy đất nước qua 5 giác quan và qua tâm linh của mình.
 
2- Tập trường thi của Trần Mạnh Hảo có chủ đề chung là “Đất Nước Hình Tia Chớp”, trong đó có 9 tiêu đề riêng, mỗi tiêu đề dùng một cụm từ khác nhau. Trong 9 cụm từ đó thì 5 cụm từ có chữ mẹ và 4 cụm từ không có chữ mẹ. Thế nhưng mở đầu các đoạn thơ có tiêu đề không có chữ mẹ đó, nhà thơ đều có nhắc đến mẹ. Như thế ta có thể hiểu được, với trường thi “Đất Nước Hình Tia Chớp”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết về mẹ mình hay mẹ mối người trong chúng ta là việc nhỏ, việc lớn trong trường thi nầy là nhà thơ viết về người mẹ lớn hơn, đó là Mẹ của quê hương, hay nói chính xác hơn là Mẹ Việt Nam.
 
3- Bây giờ mời đi vào chương một có tiêu đề: “Trong Nhà Có Mẹ”
 
Đoạn thơ nầy Trần Mạnh Hảo viết về sự gian nan của mẹ khi sinh ra và nuôi mình lớn khôn. Tất nhiên để nuôi con lớn khôn, mẹ phải chịu nhọc nhằn, mẹ phải mò cua bắt ốc thì mẹ mới được đưa vào thơ là lẽ tự nhiên. Không mấy thi sĩ nào đưa người mẹ giàu sang phú quý vào thơ cả. Thế nhưng khác với nhiều tác giả, nhà thơ Trần Mạnh Hảo hóa hình đất nước như tia chớp vào dáng dấp tiều tụy. gầy còm của mẹ mình một cách quá ư là tự nhiên:
 
Khi mẹ nuôi con đất nước cong hình cái cày
Đất nước mãi là hình chữ S
Đất nước kẽo kà kẽo kẹt
Đất nước là mẹ đây
 
Vậy theo thơ thì mẹ, nhỏ là cái cày, là sợi dây coi nôi, nhưng mẹ lớn lao, chính là đất nước Việt Nạm. Từ đó ta suy ra mẹ đối với Trần Mạnh Hảo cũng mang hình tia chớp trên bầu trời quê hương yêu dấu.
 
4- Bây giờ mời đi vào chương hai có tiêu đề “Khúc Đàn Bầu”:
 
Biển sinh ra đã bạc đầu
Mẹ ru một khúc đàn bầu cho con
Một dây một trái đất tròn
Mỗi hồn núi ngỡ một hòn vọng phu
 
Bây giờ nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại biến hóa tiếng hát ru con của mẹ thành tiếng đàn bầu, lồng chiếc đàn bầu trong sự vĩ đại của sông núi và trong hình tượng hòn vọng phu chơ vơ trên vách đá. Bằng 4 câu thơ, Trần Mạnh Hảo đã đưa mẹ trong nhạc, mẹ trong ca dao, mẹ trong văn hóa dân gian và mẹ trong huyền thoại vào thơ, khiến cho không mấy ai đọc thơ mà không nhớ đến tình mẹ bao la, không se lòng với “Biển sinh ra đã bạc đầu” như tóc mẹ.
 
5- Bây giờ xin đi vào chương ba với tiêu đề “Mẹ Cho Con Trái Thị”:
 
“Trái thị rớt bị bà già” trong chuyện dân gian Tấm Cám ngày xưa. Nay nhà thơ Trần Mạnh Hảo đưa vào trường thi của mình dể làm hình ảnh của mẹ “Từ trong giọt lệ đi ra/Gánh đau thương tưởng chẳng là đau thương”. Trái thị ngày xưa rơi vào tay bà già, bà cất chớ bà không ăn. Trái thị ngày nay rơi vào tay Trần Mạnh Hảo, và nhà thơ đã ăn trái thị, ăn để nhả ra những câu thơ tuyệt vời cho mẹ mình và cho mẹ Việt Nam:
 
Trái thị vàng mặt trăng con ăn
Cô Tấm đó hay là mẹ đó
Trái đất này hay trái đất ngày xưa?
… Lịch sử trong trái thị
Lịch sử chín mỗi ngày
Trái thị con cầm trên tay
Có giống trái đất nầy dài rộng?
Mẹ ơi qua nghìn biến động
Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu
Đất nước cúa con mang hồn dây bí dây bầu.
 
6- Xin mời đi vào chương bốn có tiêu đề “Ngọn Lửa”:
 
Không phải lên trời ăn cắp lửa
Không phải xin hàng xóm xa gần
Bếp tro trấu như tấm lòng lịch sử
Mẹ truyền lịch sử mấy ngàn năm
 
Tiêu đề là “Ngọn Lửa” không có chữ mẹ, nhưng đoạn trường thi nầy tác giả viết về mẹ đẹp không khác gì tia chớp ngoằn ngoèo rực sáng chứa đầy năng lượng. Nhà thơ viết “Mẹ mặc áo xanh mẹ mặc áo chàm/Đất nước bỗng mang dáng hình tia chớp”, hay nhà thơ viết: “Mẹ ơi, mẹ hãy ngắm nhìn đất nước/ Sao giống vô cùng ngọn lửa con soi?”. Ngọn lửa con soi là ai? Đó chính là mẹ. Với hai câu thơ nầy nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã đồng hóa đất nước và mẹ mình là một.
 
7- Xin mời đi vào chương 5 có tiêu đề “Thương Nhau Cởi Áo Cho Nhau”.
 
Đọc cái tiêu đề, tất nhiên ta biết ngay đoạn trường thi nầy nhà thơ viết cho tình yêu. Em trong “Thương Nhau Cởi áo cho Nhau” thật đẹp, vừa nhu mì vừa dịu hiền, mang hình ảnh của những mỹ nhân trong cổ tích Việt Nam: “Là khi chàng Tú Uyên mơ/Dáng Kiều người đẹp bao giờ hiện ra”“Là khi Từ Thức đi qua/Suốt hang động biết có là yêu thượng”“Là em con gái Hùng Vương/Sơn tình lường trước đoạn đường phải qua”. Nhà thơ tả  em đẹp với dáng hình của người trong cổ tích, và rồi cái nết đánh chết không chừa, Trần Mạnh Hảo lồng em trong khung kính của mẹ, nghĩa là cũng hóa thân em trong tia chớp hình đất nước quê hương:
 
Biết em từ thuở Hùng Vương
Lưng ong thắt đáy như lưng nước mình
Dẫu từng đi suốt chiến chinh
Mà sao đất nước vẫn hình dáng em
…Chiếc khăn hoa lý bay lên
Theo hình đất nước nằm bên biển đầy
…Đất nước mang hình vành khuyên
Khi em mười tám cái duyên đậm đà
…Thương nhau thì nhớ đừng quên
Về xin phép mẹ mà lên qua cầu
Nước mình cởi áo cho nhau
Thương nhau thì đến bạc đầu còn thương.
 
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã ví tình anh và em, tình em và anh không khác chi tình chúng ta với đất nước, cởi áo cho nhau và bạc đầu còn thương.
 
8- Bây giờ xin mời đi vào chương 6 có tiêu đề “Những Lời Ru Mẹ”
 
Tất nhiên trong đoạn trưởng thi nầy nhà thơ Trần Mạnh Hảo ẩn dụ lời ru của đất nước trong lời ru của mẹ. Mẹ chỉ sống trăm năm nhưng trong thơ lời ru của mẹ sống đến ngàn năm:
 
Mẹ ru một tiếng ầu ơ
Mà nghìn năm đến bây giờ còn ngân
Trở mình trên võng con lăn
Nghe như trái đất nghiêng dần một bên
…Người hy sinh tự ngàn xưa
Khi nằm xuống đất vẫn mơ chuyện đời
Mẹ ru người đã khuất rồi
Ngủ say trong đất những lời tái sinh
 
9- Mời xem chương 7 có tiêu đề “Ngọn Gió Của Mẹ”:
 
Trong đoạn trường thi nầy, mẹ chính là nguồn cội của gió. Con “là gió tìm về vòm cây mẹ/ Mẹ chính là nguồn cội gió khai sinh”“Trong chiêm bao con biến thành ngọn gió”“Hơi thở cúa đôi ta nối nhau thành ngọn gió/ Trái tim ta gõ mãi của mong chờ”. Như vậy ta thấy qua thơ, tác giả là ngọn gió đi phiêu lưu, ngọn gió của cơn mơ, của ước vọng, ngọn gió của tình yêu, tất cả phát xuất từ mẹ và sẽ tìm quay về với mẹ. Như vậy mẹ khác chi là quê hương, là đất nước, là tổ quốc, là giống nòi tiềm tàng, di truyền trong dòng máu của ta, mà dầu ta đi bốn phương trời, cũng không quên được một lời Mẹ Việt Nam.
 
10- Mời xem chương 8 có tiêu đề là “Thời Chúng Con Yêu Nhau”
 
Thời chúng con yêu nhau trong trường thi nầy là thời chiến tranh ly loạn, khói lửa và đạn bon tàn khốc. Thế nhưng tình yêu của họ là thứ tình yêu “cao hơn sự chết/Hơn cả sự sông hai ta là sự sống giống nòi”. Nhà thơ ước vọng ngàn sau không có lại cái thời yêu nhau trong gian khổ nữa:
 
Thời anh yêu em ngàn sau rồi chẳng có
Hơn chuyện cô Tấm kia, hơn cách trở Kim Kiều
Hàng vạn người đi không trở về thành phố
Dãy Trường Sơn sừng sững tạc phù điêu
 
Đoạn trường thi nầy không thấy nói về mẹ nhưng đọc thơ, trong chúng ta ai cũng biết lòng mẹ lúc nầy đau đớn biết bao.
 
11- Mời xem chương thứ 9 có tiêu đề “Mẹ Sinh Nhiều Con Trai”;
 
Đây là chương cuối của trường thi, như là kết luận làm sáng tỏ chủ ý của người cầm bút, nhà thơ viết về mẹ Âu Cơ, viết về con cháu Lạc Hồng và khẳng định, và hứa hẹn trung thành, hãnh diện về VIệt Nam, tổ quốc mà “Mẹ đã tìm ra dãi đất mang hình  tia chớp/Chọn vùng tâm bão để sinh con”:
 
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước VIệt Nam dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai
 

12- Kết Luận: 
 
Trường thi “Đất Nước Hình Tin Chớp” in trên gần 100 trang giấy, có đến ngàn câu thơ, người viết bài nầy chỉ trích ra vài chục câu và viêt trên vài trang giấy thì chỉ như phi ngựa xem hoa cũng chưa thật là đúng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là bóng núi trong nền văn học hiện nay, Châu Thạch viết về ông chỉ như là tên hầu trà đứng vòng tay nói leo vào bàn nghị luận. Vậy sự sai trật chắc chắn là có, mong được mọi người thứ lỗi.
 
Với tôi, trường thi “Đất Nước Hình Tia Chớp” của Trần Mạnh Hảo là một anh hùng ca. Anh hùng ca bởi vì đó là một bản trường thi có đủ tính chất là một tác phẩm tự sự có dung lượng lớn, bộc lô tính tịch cực, có chủ đề mang tính chất toàn dân tộc Việt Nam.
Đọc trường thi của Trần Mạnh Hảo, từng câu thơ hùng hồn, lời thơ gói trọn hình ảnh bình dị của con người, của cuộc sống, nhưng lại chứa trong đó ý nghĩa cao vời của non sông, của đất nước, của niềm kiêu hảnh  dân tộc. Tiếng thơ như tiếng gió bay qua trùng dương, bay qua đại ngàn, bay trên sa mạc, trên sự thăng trầm của lịch sử, sáng như tia chớp trên bầu trời. Mỗi câu thơ trong “Đất Nước Hình Tia Chớp” như một xúc tu của hình tia chớp ấy tỏa sắc màu trên không gian.
 
Thật tình tôi viết về thơ Trần Mạnh Hảo, cố lắm thì cũng chỉ như thằng mù tả voi mà thôi. Thế nhưng tôi vẫn viết, vì đọc thơ Trần Mạnh Hảo, tôi thấy mình trẻ lại như thời xa xưa còn cầm sung./.
                                           
Châu Thạch   
                                                   
READ MORE - ĐỌC “ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” TRƯỜNG THI CỦA TRẦN MẠNH HẢO - Châu Thạch