Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 13, 2024

Thơ: TRUNG THU VÙNG CAO - Thùy Vy

Lớp học vùng cao cho các em dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam.
Ảnh: VGP/Thế Phong - baochinhphu.vn



 

Trung Thu vùng cao

 

Không có lồng đèn chẳng thấy ông sao

đứa trẻ vùng cao tìm hơi ấm mẹ

lời ru lên nương sắc hương của nắng

hát cùng mặt Trời mặt Trăng

 

Chiếc bánh Trung Thu dòng nước cuốn phăng

cuốn tuổi thơ nước mắt

cuộn đớn đau trống vắng

mênh mông

hoang vu

 

Đứa trẻ vùng cao thiếu cả cơm rau

cả măng rừng cũng về với biển

mơ gì Trung Thu Lân Hội

chỉ mong nước lũ đừng về

 

Chiếc bánh Trung Thu còn ở xa tê.

 

Thùy Vy

READ MORE - Thơ: TRUNG THU VÙNG CAO - Thùy Vy

BỘ PHẢN NGÀY XƯA - Thơ Châu Thạch


  

 
BỘ PHẢN NGÀY XƯA
     
Tôi có hai người bạn
Quê làng Trường Sanh
Nhà gần cầu Bến đá
Họ anh em một nhà
 
Xứ Quảng Trị mùa hè oi ã
Tôi về quê sống với bạn, vui chơi
Ngày tắm sông hưởng nước mát của trời
Đêm ngồi ngắm vầng trăng bất hủ
 
Bộ phản gỗ ba đứa tôi nằm ngủ
Chiếc gối cao dễ nằm mộng thấy em
Những năm thi cứ vào khoảng hết đêm
Ông cụ rút gối kêu chung tôi dậy học.
 
 
Đời thanh thản những ngày xanh mái tóc
Bộ phản kia như người bạn thứ tư
Ba chúng tôi với phản cứ từ từ
Nằm tâm sự chuyện tình qua năm tháng
 
Rồi một buổi non sông thành ly loạn
Ba chúng tôi xếp sách vở lên đường
Khói lửa về đốt cháy cả quê hương
Tôi không nhớ không thương gì bộ phản
 
Sáu mươi năm đã qua thời khủng hoảng
Bạn tôi về thăm lại từ đường
Báo tin rằng bộ phản thuở thân thương
Còn nguyên vẹn chờ chúng tôi trở lại
 
Tôi cảm thấy lòng đã qua trường trại
Bỗng niềm vui trẻ lại buổi thơ ngây
Ở trong tôi nhớ lại hết những ngày
Phản như bạn, đắm say từ độ ấy.
 
Phản còn giữ hương xưa nhiều biết mấy
Hương tình yêu, tình bạn tình quê
Hương ba thằng ngổ ngáo với đam mê
Còn phảng phất ở trong mùi hương gỗ.
 
Tôi mơ ước được quay về cổ độ
Có một lần ba đứa ngủ cùng nhau
Trên phản xưa nằm kể chuyện vàng thau
Phản ghi nhớ vào trong lòng gỗ quý!
                         
                                       Châu Thạch
 
READ MORE - BỘ PHẢN NGÀY XƯA - Thơ Châu Thạch

THƠ 1-2-3 CỦA TRẦN MAI NGÂN




 
THƠ 1-2-3
 
Tờ lịch đắn đo buông ngày hôm qua rơi xuống
Cẩn trọng ngày hôm nay
Nhìn rõ trái tim người qua nụ cười thật ngọt
Chọn ngày mai tử tế
Ân cần và bao dung
Để khi thành ngày hôm qua - không ngại ngùng!
 
                                                    Trần Mai Ngân

READ MORE - THƠ 1-2-3 CỦA TRẦN MAI NGÂN

MẮC NỢ - Thơ Lê Kim Thượng


  


Mắc Nợ 1 – 2
 
1.
Người đi mắc nợ… “Ngày Xưa”
Người đi mắc nợ nắng mưa… “Quê Nghèo”
Sông buồn tím ngắt cánh bèo
Lời ru xa vắng, gió reo, sóng tràn
Ngân Hà – Chức Nữ - Ngưu Lang
Quạt mo đổi chác, nghênh ngang Thằng Bờm
Được mùa lúa chín vàng ươm
Được mùa, canh cá, bát cơm tràn đầy
Cánh cò bay lạc tầng mây
Đàn trâu nhai cỏ, nằm đầy gốc me
Lành yên những buổi trưa hè
Sông dài in bóng lũy tre gió lồng
Hai sương, một nắng trên đồng
Dù cho mưa nắng vẫn không quản gì
Đất phèn theo bước Cha đi
Chân bùn, tay lấm không gì thở than
Ruộng đồng đâu quản gian nan
Đông về giá rét, chang chang nắng Hè
Tình quê ấm mái tranh che
Nép mình dưới bóng lũy tre xanh ngần…
 
2.
Trăm năm Con Tạo xoay vần
Một đời hạnh phúc cũng ngần ấy thôi
Thơ rơi chén đắng rượu mời
Gió trăng còn đó, cuộc chơi vội tàn
Đọt tre đọng bóng trăng ngàn
Rạ rơm, sương khói quyện tràn âu lo…
Bến sông vọng tiếng gọi đò
Để cho câu hát câu hò mênh mông
Còn tôi đứng với dòng sông
Nhìn câu thơ cũ lạc dòng lênh đênh
Chảy qua bao thác, bao ghềnh
Chỉ là trôi nổi bồng bềnh buông xuôi
Bãi sông của tuổi lên mười
Cho tôi ngụp lặn, nụ cười thân yêu…
Bóng quê… Bóng Mẹ xế chiều
Nhớ quê… Nhớ Mẹ, nhớ nhiều Mẹ ơi!
Con còn nỗi nhớ mù khơi
Mái tranh nghiêng cả một thời trở trăn
Chỉ là hoài niệm băn khoăn
Mắt xưa ghim vết dấu hằn chân chim…
       
                 Nha Trang, tháng 10. 2024
                         Lê Kim Thượng

READ MORE - MẮC NỢ - Thơ Lê Kim Thượng

MÙI CƠM SÔI, Ô CỬA THÁNG MƯỜI – Thơ Tịnh Bình


   


MÙI CƠM SÔI
 
Bâng khuâng miền ký ức
Thương hình bóng quê nhà
Ao quê bông súng nở
Tím hoàng hôn phôi pha
 
Cánh cò bay dẫn lối
Man mác hình quê xa
Áng mây chiều cô lữ
Chợt dừng chân bôn ba
 
Lối cũ về xóm nhỏ
Vang tiếng trẻ nô đùa
Mẹ ngồi tựa hiên vắng
Đăm chiêu nét trầm tư
 
Lặng nghe chiều nắng tắt
Cánh đồng gió ngân nga
Đường đê mòn cỏ dại
Lúa vàng bông thật thà
 
Mùi cơm sôi chái bếp
Lửa hồng bén rạ rơm
Nghe lòng như ấm lại
Khói lam chiều nồng thơm...
 
 
Ô CỬA THÁNG MƯỜI
 
Mở ra khung cửa sớm
Gió ngàn lời trong veo
Ơ giọt sương giấc muộn
Có hay nắng về theo ?
 
Thầm thì lời cỏ rối
Tự tình chi tháng Mười
Thu cuối trời lơ đãng
Mùa đông say giấc vùi
 
Nhặt tờ thu lá mỏng
Trắng trời mây trắng bay
Bình yên trong tĩnh lặng
Ô cửa khép u hoài
 
Chạm tay vào nắng vỡ
Ban mai đã vùi chôn
Tháng Mười câu chuyện kể
Bắt đầu là hoàng hôn...
 
                 Tịnh Bình
                (Tây Ninh)

READ MORE - MÙI CƠM SÔI, Ô CỬA THÁNG MƯỜI – Thơ Tịnh Bình

SẮC MÀU – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
SẮC MÀU
 
Cho mùa Thu rụng lá
để Đông sang, trơ cành.
Những nhánh cây giá lạnh
giữa chuông lễ, giòn tan...
 
                 Lê Phước Sinh

READ MORE - SẮC MÀU – Thơ Lê Phước Sinh

Thơ: THỈNH THOẢNG VỚI GIẤC MƠ - Khaly Chàm

 




khaly chàm

thỉnh thoảng với giấc mơ


thỉnh thoảng vẫn thấy giấc mơ

tôi tắm rửa chỉn chu trái tim mình 

vuốt ve những hồng cầu đã từng huyên náo

tím tái vì đã tiêu hóa vẻ mê hoặc của tính dục


tim được nuôi dưỡng bởi dòng nước mắt chảy ngược vào trong

hơn hai ngàn năm trước

có thể, chúa chẳng cần chi đến trái tim


hồn thơ tôi ngủ mơ trên môi em

hoa bỉ ngạn rực lửa hồng lung linh tuyệt đẹp 

chấp chới những thiên thần gãy cánh

đeo bám thời gian chờ hoàn thiện chu kỳ dao động

cõi thiên đường chỉ là huyễn mộng thế thôi


khả thể giấc mơ trong tĩnh lặng hoàn nguyên 

xử nữ em hào quang lan tỏa dịu dàng 

hồn thơ tôi dịch chuyển chậm trong cung hoàng đạo

mặt trời nổ vỡ chìm xuống đáy mắt nhân gian


ttcuchi 10/2024

 khalycham1954@gmail.com


READ MORE - Thơ: THỈNH THOẢNG VỚI GIẤC MƠ - Khaly Chàm

Thơ: TÌNH ĐÃ KHÔNG NHƯ... – Le Nguyen Thu




Tình đã không như...


Bài thơ từ một câu thơ
yêu em từ một bất ngờ dễ thương
em cho mấy hạt mộng thường
ta về hoang phí... miên trường ươm thơ
ví dầu tình mỏng như mơ
xin cho thơ nở bên bờ hoàng hoa
dễ gì tình dễ phai nhòa
thôi thì thôi hết một tòa tương tư
thôi thì tình đã không như...
ta về buông bỏ thực hư vô cùng 

(2:00 pm)
Stanton Oct. 2016 - Oct. 11st, 2024 

Le Nguyen Thu

 lenguyenthu94@gmail.com


READ MORE - Thơ: TÌNH ĐÃ KHÔNG NHƯ... – Le Nguyen Thu

BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG - Thơ: Quách Như Nguyệt - Diễn ngâm: Kim Kiểm




Như Nguyệt



Bài học yêu đương

Chắc anh đau lòng lắm

Bắt gặp em có người yêu khác

Đời sống này bẽ bàng, quái ác

Phụ tình, tình phụ… lẽ thường thôi!

Bao nhiêu năm nổi trôi

Vẫn không thể quên anh

Dẫu giờ đây anh nằm yên nơi huyệt lạnh

 

Sáng nay trời lành lạnh

Bỗng nhớ lại mối tình ngày trước

Ôi nghiệt ngã, một mối tình sa đọa

Em yêu anh, yêu bất chấp, mù lòa

 

Mỗi lần nghĩ đến anh, làm thơ… em khóc

Vết thẹo đời bị cào xới nên đau

Trái tim em tại ai mà nhướm máu?

Hai mươi năm, vẫn rên rĩ kêu trời

Chẳng thể nào lành lặn lại anh ơi!

 

Một tình yêu thay đổi cả cuộc đời

Bài học yêu đương mà anh là thầy giáo

Em ngây thơ bước vào tình chao đảo

Yêu khạo khờ, yêu mê dại xiết bao!

 

Sáng hôm nay, chẳng biết tại vì sao?

Em nhớ lại, nhớ đến ngày hôm đó

Ngày mà anh đau khổ, …mất em!

Cố quên anh, em có người yêu khác

Anh hiểu cho, em không hề tàn ác

Người nhẫn tâm, đào hoa chính là anh

 

Bài học tình, học mãi chẳng nên thân

Vì thầy giáo kinh nghiệm và tàn nhẫn!


Như Nguyệt

 

READ MORE - BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG - Thơ: Quách Như Nguyệt - Diễn ngâm: Kim Kiểm

PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỌC VÀ VIẾT VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ - Trần Kiêm Đoàn

 



Trần Kiêm Đoàn

PHÊ BÌNH VĂN HỌC 

ĐỌC VÀ VIẾT VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ

 

 Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng… ở trời Đông đã lạnh lùng lên tiếng, đại khái rằng: Các đầu óc thông minh và đôi mắt sắc bén của các nhà thông thái, phê bình… hãy tránh xa tác phẩm của tôi. Xin đừng toan tính chuyện phê bình hay nhận xét phân tích gì những điều tôi thích là tôi viết cả. Cái thú muôn đời của văn chương nghệ thuật là ở chỗ đó. Các nghệ sĩ sáng tạo thường là những “con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi” (Xuân Diệu). Hát “vô ích” cho đến khi vỡ cổ, sa rụng giữa bình minh. Thế nhưng các nhà phê bình thường sử dụng cái đầu óc lạnh lùng cân đo đong đếm của mình mà soi rọi tác phẩm “máu lệ” của tác giả thì có ai mà thản nhiên, hài lòng cho được. 

Nhưng nói đi thì cũng có khi phải nói lại rằng, một nhà phê bình tài ba về một tác phẩm nghệ thuật có khi là “tái tạo” tác phẩm bởi nhìn ra được những nét diệu kỳ nằm trong góc khuất mà chính tác giả tuy đong đầy cảm xúc nhưng vẫn có khi chưa thấy được chính mình. Nhận được tác phẩm Phê Bình Văn Học tập 4 của Hoàng Thị Bích Hà; trong đó có phần nhận định và phân tích tập sách Về Huế của tôi được nhà phê bình đặt dưới tiêu đề: “Hồn Cốt Huế Trong ‘Chuyện Khảo Về Huế’ của Một Nhà Văn Rặt Huế” Tập sách được viết và xuất bản đã ngót 30 năm và cũng đã trải qua nhiều bài viết phê bình nhận định của nhiều tác giả nhưng năm nay lại xuất hiện một cách “dễ thương đầy tâm cảm” hơn qua cách nhìn của một người bạn văn, một độc giả đồng hương và một khuynh hướng phê bình văn học khá độc đáo của Hoàng Thị Bích Hà.

  Đọc tiếp các bài phê bình khác trong tác phẩm, thật khó để mời Bích Hà vào chiếc chiếu hoa cạp điều nào vừa vặn đã được soạn sẵn cho các nhà phê bình văn học tiền bối trên văn đàn tiếng Việt bởi sự đa dạng trong tầm nhìn, văn phong và khuynh hướng phân tích tâm lý của chị. Tôi lại tẩn mẩn muốn so sánh, nhận diện Bích Hà trên văn đàn phê bình văn học, trong làng văn bút đàn anh, đàn chị nhưng thật khó bởi “văn chương tự cổ vô bằng cớ” nên làm văn chương cũng như làm người, mỗi cá thể là một cánh rừng cô độc. Nếu có chăng sự trùng lặp giống nhau thì sáng tạo văn chương chỉ còn là phiên bản sản xuất hàng loạt như kỹ nghệ dây chuyền. Dạo qua thế giới phê bình văn học, dù chỉ là tài tử như cỡi ngựa xem hoa cũng có thể thấy rằng những khuynh hướng phê bình văn học xưa nay khó nắm bắt một nguyên tắc nhất quán khi nhà phê bình văn học khoác áo đội mũ đi vào chủ nghĩa trường văn trận bút là vô hình chung “bế môn luyện công” theo môn phái của mình. 

Trong Phê Bình Văn Học, Hoàng Bích Hà đã thể hiện rõ nét phong thái rất “hồn nhiên” của ba trong muôn một pháo đài phê bình vừa gay gắt vừa nhẹ nhàng thỏa hiệp với tác giả và tác phẩm của nhiều khuynh hướng phê bình trong thế giới văn chương nghệ thuật ngày nay; đó là: Chủ nghĩa hình thức (Formalism: tập trung vào cấu trúc và hình thức của chính tác phẩm). Bích Hà theo sát tác phẩm và tác giả. Phê bình theo cách phản hồi của người đọc (Reader-response criticism: nhấn mạnh trải nghiệm theo cảm thức chủ quan của người đọc). Bích Hà như muốn nói thẳng với tác giả được chọn phê bình rằng, tôi hiểu và đọc văn của quý tác giả như thế đó! Phân tâm học (Psychoanalytic criticism: diễn giải và phân tích tác phẩm qua lăng kính tâm lý học). Bích Hà khi viết phê bình dường như muốn đánh mạnh vào cảm xúc tâm lý tác giả rằng, tôi đã nhìn ra những giải bày và góc khuất tâm lý trong tác phẩm theo hướng nhìn riêng tiềm ẩn trong tôi. Và, phê bình theo nhãn quan nữ quyền (Feminist criticism: nghiên cứu động lực giới tính trong văn học theo nhãn quan của một nhà văn có cách nhìn, cách chọn lọc sự kiện và hình ảnh đậm tính nữ lưu). Bích Hà đi vào tác phẩm không làm dáng kiêu sa chữ nghĩa mà hồn nhiên và dè dặt dịu dàng… rất Huế! 

Phương pháp luận được sử dụng trong tác phẩm Phê Bình Văn Học, rõ ràng là tác giả Hoàng Thị Bích Hà đã chủ động chọn lựa một cách đọc và viết riêng, không theo một mô thức kinh điển hay cách tân nào đơn thuần và giáo khoa trong quá trình phê bình và nhận định của dòng văn bút đàn anh, đàn chị đi trước. Chị đọc, cảm nhận và suy luận về giá trị nội dung, hình thức cũng như tư tưởng xuất hiện trong tác phẩm vừa cảm tính, vừa lý tính nên chính tác giả của dòng văn được đưa ra làm đối tượng phê bình lắm lúc cảm thấy như dòng liên tưởng của mình trong tác phẩm một thời nào đó được tái hiện và thêm hoa lá cành cho tươi mát lại. Những cảm xúc chân quê của tôi trong Về Huế đã “bị” ngòi bút một thời áo tím của sông Hương núi Ngự làm sống lại những màu tím quan san, những cơn mưa Huế và những tâm hồn của vùng đất nhỏ như cái bể cạn mà vẫn thường mơ biển cả sông hồ! 

Tôi có niềm thâm tín là những tác giả có tác phẩm được Hoàng Thị Bích Hà chọn làm đối tượng phê bình khi đọc những dòng tâm bút nói về tác phẩm của mình đều cảm thấy như có những âm thanh, màu sắc và tiếng vọng rất mới từng đã ngủ quên trong tác phẩm của mình vừa thức giấc với một nụ cười rất chan hòa vô ngại. 

Cám ơn nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học… Hoàng Thị Bích Hà đã xuất hiện như một Triệu Tử Long phê bình văn học trong thế giới văn bút mới khi mỗi nhà văn là một tiểu thượng đế vì muốn cho nhân vật trong tác phẩm mình chết hay sống lúc nào cũng được. Và, mỗi nhà phê bình văn học là một Kinh Kha: Cứ qua bờ sông Dịch, cứ nghe tiếng trúc Cao Tiệm Ly… nhưng, có chết hay không thì cũng phải lý giải mà thực ra không cần phải lý giải gì cả bởi duyên nghiệp trùng trùng! 

Sacramento, CA 29/9/2024 

Trần Kiêm Đoàn



READ MORE - PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỌC VÀ VIẾT VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ - Trần Kiêm Đoàn