Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 26, 2023

TÌNH VIỄN PHƯƠNG - Thơ Mặc Phương Tử

 




TÌNH VIỄN PHƯƠNG

                                            

            Tạm biệt Chùa Kỳ Viên, South Dakota.



Từ lúc mây xa về phố núi

Chim trời cũng theo gió về xuôi.

Áo vai dù đã bao mưa nắng,

Lòng vẫn xanh theo những bước đời.


Đây mảnh vườn xuân rộn tiếng chim

Giữa trời phương thảo mấy chung riêng.

Ta nghe thanh thản đời hôm sớm,

Cả nhịp lòng theo khắp mọi miền.


Mấy độ đông tàn, mấy độ xuân

Mấy mùa hoa nở rụng bao lần.

Đó đây cũng lắm tuồng dâu bể,

Bao nỗi vui buồn chuyện thế nhân!


Một sớm ta rời nơi chốn cũ

Xa rồi miền gió núi mây ngàn.

Xa mùa tuyết trắng, sương mù đục,

Phố núi trời xưa, mấy điệu đàn.


Biết thế, lòng ta đâu phải thế!

Mai đây dù ở chốn quê hương.

Vẫn xanh cuộc lữ bao xuân trước,

Vẫn một tình xuân buổi viễn phương.


Florida, Tampa, 26/6/2023

MẶC PHƯƠNG TỬ












READ MORE - TÌNH VIỄN PHƯƠNG - Thơ Mặc Phương Tử

HẠ MUỘN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng



Hạ muộn


Lung linh nắng đong mùa thương nhớ

Cây phượng già nở muộn rưng rưng

Hoa từng cánh dịu dàng bung mở

Gói tiếng ve mùa cũ ngập ngừng


Liếng thoáng đôi chim sâu lích chích

Nhảy vô tư dưới tán lá xanh

Chợt cơn gió lạc mùa thổi nghịch

Bung biên bay chùm phượng đầu cành


Có cô bé ngượng ngùng lén ngắm

Cánh hoa rơi, một chút đắn đo

Trong bóng nắng buông chiều gạ gẫm

Âm thầm trôi, qua một hẹn hò


Vạt mây trắng giăng như dấu hỏi

Giữa trời xanh, lồng lộng tầm nhìn

Một tiếng vọng ngang đời níu gọi

Cánh phượng hồng, cháy đỏ hương trinh


Đôi mắt biếc buồn so vô cớ

Đưa cái nhìn rớt xuống thinh không

Quay ngoắt lại, xen chừng mắc cở

Khi anh nhìn, nắng chảy mênh mông…



Nhớ nắng


Anh đến Huế, mùa thu ẩm ướt

Mưa giăng giăng cả tháng lê thê

Đường thành nội, mờ trơn bước trợt

Khách đường xa, háo hức đi về

                     *

Mây loang tan đôi bờ phẳng lặng 

Tiếng chèo khua sương trên sông Hương

Cứ mê mãi miệt mài sâu lắng

Một tiếng hò xa nỗi nhớ thương

                    *

Dáng nhỏ qua Trường Tiền gợn gió

Áo mưa e ấp, nét hoa duyên

Chợ Đông Ba chắc còn để ngỏ

Dặm đời xa gồng gánh ưu phiền

                    *

Mưa dai dẳng, đoạn khoan đoạn nhặt

Bến sông xa, mờ tỏ nhọc nhằn

Mưa qua phố, màn trời xám ngắt

Sóng gọi bờ vọng đổ lăn tăn

                    *

Anh lặng lẽ ngồi đây bó gối

Chợt nhớ màu nắng ở phương nam

Nhớ quay quắt, vô chừng vô đổi

Nắng nồng nàn, nỗi nhớ miên man ...



Hà Nội - mùa hoa tháng sáu


Góc phố em, nhỏ là rất nhỏ

Lấm lem trong khuya sớm tảo tần

Sau khúc quanh, nhà em ở đó

Cây Lộc vừng, hoa rụng đầy sân

                    *

Tháng sáu Hà Nội còn bức bối

Nắng ong ong rót ngập lối đi

Lá chớm vàng, ngập ngừng cứu rỗi

Một mùa sen khoe sắc đương thì

                    *

Hoa trái chợt trở mình thức dậy

Bóng em lặng lẽ, gánh mùa đi

Trên khẩu trang, mắt tròn đen láy

Nghe tiếng rao mời gọi điều gì?

                    *

Chầm chậm bước, lắng trong phố cổ

Phượng cuối mùa trút cả sắc hoa

Tím biếc bằng lăng, màu cổ độ

Bong vỡ ngày, trưa nắng nhạt nhòa

                    *

Rưng rức cánh hoa muồng hoàng yến

Mong manh rơi, e ấp cong quăn

Hương cốm mới xanh hồn quê kiểng

Gánh hàng rong, nhẹ bẫng nhọc nhằn...



Giọt nước mắt em rơi


Nghệch bảng đèn quảng cáo

Hình như có một chút gì gượng gạo


Trong lời chia tay, sao ngắc ngứ rối bời

Biết không thể giữ em được nữa

Sao ngoảnh mặt lại nhìn, đôi mắt đen ngân ngấn nước - người ơi…



Em gấp vội trang đời, tuổi bốn mươi


Gói dĩ vãng trong cái nhìn trúc trắc

Miền ký ức, đan cài thưa nhặt


Đẫm một màu trăng năm cũ trêu ngươi

Lơ đãng gió lay tấm màn trống trải

Đổ xuống thềm sương từng giọt khóc cười


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận

thanhhungmtbb@yahoo.com.vn


READ MORE - HẠ MUỘN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (2) - Trương Ngọc Bỉnh

 


NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC 

VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (2)


Trương Ngọc Bỉnh, 

Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 – 1968.


(Tiếp theo kỳ 1 đã đăng)

Một con người mang bệnh hen phế quản, từ lúc lớp Nhì ... cho đến học Hải Lăng, ra Nguyễn Hoàng rồi vô Huế học Sư phạm …, cả đến lúc ra trường, bệnh hen vẫn đeo đuổi bên tôi như hình với bóng! Thế mà hồi gia đình sơ tán vào Đà Nẵng - Dân thành phố Huế cũng sơ tán, tất cả các Trường học đều đóng cửa! Đêm đêm chỉ có xe quân sự hú còi tuần tra các con phố chính: Trần Hưng Đạo , Chi Lăng, Lê Lợi lên Ga Huế, về Đập Đá ... Hỏa tiễn 122 ly vẫn dồn dập xoèn xoẹt vút trên bầu trời từ hướng Nam Hòa lao xuống Mang Cá, Tây Lộc - nơi có BTL Tiền phương Sư đoàn 1! Quân Giải phóng đã tới bờ Bắc Sông Mỹ Chánh! Căn cứ Baston và Chi khu Nam Hòa (Tây Huế), chưa cứu được mình, đang trong ngàn cân treo sợi tóc! Mấy Lữ đoàn: 147, 258 và 369 đang ém quân từ Cầu Vân Trình, có trục lộ 49 chạy ra Tháp Một (thuộc địa phận Thừa Thiên), rồi mới gặp các làng xã Xuân Viên, Diên Khánh, Hải Ba, - Dương … Một hướng rẻ phải về Nhà thờ Tháp Đôi, xã Điền Lộc, Hải Nhuận, phá Tam Giang... lên dọc thị trấn Ưu Điềm, Phong Hòa, Mỹ Chánh... có dịp về mà xem Thành phố Ma của con cháu vượt biển về báo hiếu! Tập làm P V chiến trường, hâm lại một tí!

Trở lại chứng bệnh và việc học hành của tôi. Có ai ngờ đâu? Khi dân Thành phố Huế lục tục từ Đà Nẵng trở về, các Trường học bắt đầu mở cửa cũng là lúc Khóa 2, Sư Phạm Huế thi Tốt nghiệp ra trường. Phạm vi tuyển sinh từ Tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam) ra tới Quảng Trị, còn từ Quảng Ngãi vào học ở Quy Nhơn! Tôi đã tốt nghiệp Thủ khoa, Khóa 2, ngày 27.6.1972 với hơn 150 giáo sinh và tôi ở lại Huế ngao du thắng cảnh các lăng tẩm, Đại Nội ... với chiếc Honda Dame đỏ SS 50 của Bác Họ, tôi vượt đèo Hải Vân ra Huế ở lại để thi Tốt nghiệp và Tú Tài Phần 2, ngày 05-7-1972 và đổ luôn. Trong vòng đúng 10 ngày. Hồi đó còn thi viết chứ không phải ABC khoanh, IBM! Một nổ lực của bản thân, bóp còi qua mặt các bạn cùng khóa là dân Quốc Học, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương … cũng phải nể mặt dân Hải Lăng, Nguyễn Hoàng! Nói trạng, nói khoác một tí các bạn nghe - nhưng có thực để mà nói là một điều bất thường! "Thắng mình là một chiến thắng vẻ vang nhất!" có phải như vậy không các bạn?

Một kỳ thi nghiệt ngã nhưng đầy tự hào của các sỹ tử tí hon!

-Khoảng 90°/° số học sinh tốt nghiệp bậc Tiểu học xuất thân là con em nông dân, đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Hằng năm, bão lụt thường xuyên ập tới đe dọa. Mùa màng thất bát, Có năm dân đồng bằng lên mua sắn củ của dân tộc Hướng Hóa, Khe Sanh, Cùa... hoặc vô rừng hái dây búng, trái trắc mao, dom, bứa, hột sót... về Chợ Diên Sanh hay Mỹ Chánh bán, đổi lấy gạo xô, gạo tạ! Trong số con em đó, có nhiều người hiếu học, học khá giỏi hoặc đã lớn tuổi, một số đã không có xe đạp đi lại, chủ yếu là cặp giò và đôi dép "Nhật" mỗi bên chỉ con lưu luyến vơi nữa bàn chân phía trước! Tôi còn nhớ Ba tôi đã gọi bạn chuyên làm "Xáo" đến để mở "chồ". Một đống lúa ngất ngưỡng như cái nón khổng lồ mà chỉ mua được một chiếc xe đạp sườn ngang với gía 800 đồng, năm 1963. Hồi đó mấy ai có được cơ hội ra học trường quận cách xa nhà > 15 < km. Thế nhưng được vào - bước qua cổng trường Trung học Công lập Hải Lăng ví như "Cá vượt vũ môn", là niềm tự hào và vinh dự cho bản thân và gia đình. Hằng năm cứ vào đầu tháng Bảy, có kỳ thi tuyển đầu vào lớp Đệ Thất. Thời đó, các bậc phụ huynh còn bị ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp thuộc còn sót lại. Nhiều cụ đã đi học và đỗ đạt bằng Yếu lược,Tiểu học hoặc họa hoằn lắm mới có cụ đỗ Diplôme (Trung học)! Họ sính dùng Tiếng Pháp trong đàm đạo hằng ngày và gọi kỳ thi này là thi "Càng cua", nguyên ngữ Tiếng Pháp là "Concours", từ đó, từ ngữ này được thông dụng, kể cả mấy chị em ngoài chợ cũng thông thạo và xài luôn! Học sinh trúng tuyển đầu vào lớp đệ thất gọi là "bẻ càng", ai trượt vỏ chuối coi như "gãy càng". Vậy, số con em "bẻ càng" là bao nhiêu? Và số còn lại "gãy càng" đi đâu? làm gì?

Trước khi đi tìm các ẩn số nêu trên, người viết xin ngược dòng thời gian, lùi sâu vào lịch sử, mạo mụôi trình làng những điều mình biết để nói lên mạng lưới trường lớp của quận Hải Lăng thời đó:

-Đơn vị hành chánh cấp quận và tên gọi "Quận" thay cho "Phủ" hoặc "Huyện" trong toàn vùng Pháp tạm chiếm vào cuối năm 1953. Thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa (Ngô Đình Diệm, 1956 - 1963 ), ở miền Nam Việt Nam, vào năm 1960, quận Hải Lăng có 22 xã. Mỗi xã có một trường Tiểu học, có xã có 2 trường (Hải Thọ). Trong số 22 xã, có 5 xã vùng ven, áp sát thị xã Quảng Trị: Hải Thựơng, Hải Lệ, Hải Phú, Hải Quy và thị xã Quảng Trị. Số học sinh 5 xã này, dự thi càng cua vào trường Nguyễn Hoàng ở thị xã Quảng Trị. Số gãy càng - nếu gia đình khấm khá và có nhu cầu cho con em học tiếp mới vào học các trường Bồ Đề và Thánh Tâm cũng ở thị xã Q.Trị. Như vậy còn lại 17/22 xã, mỗi xã có một lớp Nhất, bình quân 50 em /1 lớp. Tổng số 850 em mà chỉ có một kỳ thi tuyển một lớp Đệ thất! Tỉ lệ chọi là 1/15! Đối với những sỹ tử tí hon "lều chõng" ngày ấy, sáng sớm mở mắt chỉ thây ao làng, con trâu, giếng nước và cánh đồng ngút ngàn tầm mắt đến thế! Hôm nay ngày thi, lại từng tốp 5, 7 đứa từ các ngõ xóm, qua khỏi cổng làng, rảo bước tòng teng, lặn lội đổ về trường quân để "so găng" đấu trí. Sáng: Làm văn (loại giải thích, so sánh hoặc bình luận); chiều: Toán pháp (gồm các kiểu đề: động tử xe, vòi nước, số học kết hợp số học, hình học...). Một kỳ thi quyết định tuổi thanh xuân đang vẫy gọi phía trước!

Với một lực lượng vị thành niên dôi dư không mấy may mắn còn lại ở các làng xã khoảng > 700 < em (đã khấu trừ 200 em vào học các trường Tư thục; Minh Đức (Diên Sanh), Tân Dân (Hải Chánh), hoặc vào hệ Bán công Hải Lăng - có chung cơ sở với Công lập), đành đoạn ở nhà phụ việc đồng áng, công việc nhà; nữ thì học nghề may, chằm nón lá hoặc ra thành thị giúp việc … Đến lúc con trai thì vai u thịt bắp, trổ tiếng ồ ồ như vịt đực; con gái đến tuổi dây thì "ra mả" thiếu nữ! Bẳng đi một thời gian sau lũy tre làng, nghe nói bị "chuồm nhánh nè" với cặp cá tràu và bó chè Lương Điền, Mỹ Chánh, Tân Lâm... to chà bá rồi! Hoặc đã mang dép râu, nón cối … hay đầu quân trước tuổi với nón sắt, giày sô (botte de saut) ...

(Còn tiếp)

Trương Ngọc Bỉnh

READ MORE - NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (2) - Trương Ngọc Bỉnh

HỌP GIAO BAN NGÀY – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện



Trong nhà cưới, chú rể giáo chủ Trương Vô Kỵ nhìn nắm tóc mầu vàng của nghĩa phụ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn rồi chạy tức thì theo Triệu Mẫn quận chúa. Cô dâu chưởng môn Chu Chỉ Nhược bị bỏ lại không nói được lời nào, bèn chạy theo tân lang dùng Cửu Âm Bạch Cốt Trảo đâm mười ngón tay vào hai vai quận chúa nương nương máu nhỏ giọt thấm ướt áo rồi phóng đi mất, sư tỷ Đinh Mẫn Quân và Tĩnh Huyền sư thái vội vã chạy theo. Thế là đám cưới trở thành đám chạy đua. Cũng may là cỗ bàn chưa dọn ra, đúng là lễ hội tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa. Các lục đại phái tự động lui gót có trật tự. 

Nhân tiện bàn ghế cơm rượu có sẵn cũng chưa kịp dọn dẹp, để chiếm thời cơ tả sứ Dương Tiêu cùng hữu sứ Phạm Dao liền cho tổ chức cấp kỳ ngay một cuộc họp “Giao ban Ngày ngoài ban chấp hành thường nhật cuả bổn giáo, có thêm hai bộ phận quan trọng cuả Minh Giáo là Đại Minh Vương Hàn Sơn Đồng và Thái Minh Vương Từ Thọ Huy, là hai lực lượng nắm giữ binh quyền kiểm soát toàn vùng Hoa Hạ và vùng Hoa Nam. 

Những giáo đồ giáo chúng không cần thiết cho quy an, nghỉ ngơi dưỡng quân. Những chiếc bàn cho nối lại thành hình chữ nhật. Khi các vị chức sắc trong bản giáo ngồi đầy đủ. Dương tả sứ cùng Phạm hữu sứ cùng đứng lên một lượt kính chào giao tế các đạo hữu, các vị chức sắc cao cấp lãnh đạo trong bổn giáo. Tả sứ Dương Tiêu cung tay ôm quyền nói:
- Vì hoàn cảnh cấp bách lịch sử đã điểm, tuỳ nghi và tùng quyền  đã khải bẩm giáo chủ, nay nhân tiện công bố cùng toàn thể anh hùng hảo hán trong Minh Giáo toàn quốc:
- Vì nhu cầu quốc sự, bổn giáo cho tăng một lúc Quang Minh tả hữu nhị sứ lên làm phó giáo chủ, Dương Tiêu là phó giáo chủ đặc trách nội vụ, Phạm Dao làm phó giáo chủ đặc trách ngoại vụ.
- Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, Hân Dã Vương, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu thăng lên làm tam sứ: tả, hữu và trung sứ.
- Ngũ Tản Nhân là Lãnh Khiêm tiên sinh, Thiết Quan đạo nhân Trương Trung, Hoà Thượng Thuyết bất Đắc, Hoà Thượng Bành Oánh Ngọc, đại hiệp Chu Điên đồng một lượt thăng lên làm ngũ đại Pháp Vương.
- Ngũ Kỳ là Hồng Thuỷ Kỳ, Liệt Hoả Kỳ, Nhuệ Kim Kỳ, Cự Mộc Kỳ, Hậu Thổ Kỳ, thêm một chữ Doanh đằng sau nưã, gọi là Kỳ Doanh, lực lượng sẽ phát triển khoảng hai ngàn người cho mỗi Kỳ.
- Thiên, Điạ, Phong, Lôi, tứ môn lên một cấp là Tứ Đường Môn.
- Bộ phận Đại Minh Vương Hàn Sơn Đồng được phong là Đại nguyên soái, chủ động địa bàn vùng Hoa Nam với các danh tướng Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Thăng Hoà, Hàn Lâm Nhi.
- Bộ phận Thái Minh Vương Từ Thọ Huy [gốc từ Chu Tý Vương, Chu Tử Vượng] thăng lên thiên hạ binh mã Đại nguyên soái thống lĩnh toàn vùng Hoa Hạ, với các danh tướng Mộc Anh, Lam Ngọc...
 
*
Tiếp theo lời cuả Tả sứ Dương Tiêu, hưũ sứ Phạm Dao đứng lên tiếp:
- Manigiáo hay Minh Giáo bắt nguồn từ Ba Tư [tức là Perse] năm 694 sau công nguyên, tức vào thời kỳ nhà Đường thời Võ Hậu cai trị, nhằm vào ngày 22 tháng sáu Đường đại lịch tam niên, sứ giả Hốt Đa Đán được sự ủy thác cuả giáo chủ cầm cuốn Tôn Tam Kinh từ Ba Tư sang dâng cho Võ Hậu. Manigiáo được chấp thuận rao giảng lý thuyết và hành đạo từ đó Cũng xin được nói cho rộng ra là nhà đại Đường là một triều đại vang danh là đức độ và nhân bản nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời Đường Thái Tôn thì đã có Đường Tam Tạng tức Đường Huyền Trang đi Tây Vực Nêpal thỉnh kinh, nên tại kinh đô Đông Đô Lạc Dương [tức tỉnh Hà Nam bây giờ] cho xây cất ngôi chùa đầu tiên của Manigiáo là Đại Vân Quang Minh Tự. Cả thẩy vùng Hoa Hạ và Hoa Bắc là 3.600 ngôi chuà cuả Minh Giáo. Sau đó khoảng vài chục năm, vào năm thứ ba cuả vua Hậu Xương nhà Đường, vua nghe lời sàm tấu của một số quan lại người Hán, cho là Minh Giáo thuộc loại “Tà Ma ngoại đạo’ nên chuà chiền cuả giáo này bị huỷ hoại và nhân sự đạo giáo thì chìm vào trong bóng tối. Qua thời nhà Đường đến thời Ngũ Đại, qua nhà đại Tống, đến bây giờ thì bổn giáo qua nhiều giai đoạn thăng trầm theo lịch sử và cũng từ đó rút ra được một bài học sinh tử. Từ Tổng giáo Ba Tư cũng có những khuyết điểm, vì là con người thì ai ai cũng có khuyết điểm cả! Nếu không tìm ra nguyên do, để canh cải để sửa đổi thì suy vong, diệt vong là cái chuyện đương nhiên! Ngay Tổng giáo Ba Tư thì các giáo chủ đời đời là thánh nữ . Nhưng bản chất là Thánh Nữ nên các võ công chân truyền cuả bổn giáo, càng ngày càng mai một rồi bí kíp mất tích luôn lúc nào không biết. Khi truyền sang Trung Thổ, bí kíp trấn môn là pho “Càn Khôn đại na di tâm pháp” và bí quyết ghi trên sáu thanh Thánh hoả Lệnh lại là chữ Ba Tư, người Hán không đọc được. Nên hai môn võ công thượng thừa này không có ai học, ngoại trừ giáo chủ. Các nhân tuyển trong Minh Giáo thì võ nghệ hầm bà làng, chả ai giống ai, mỗi người một lộ võ công võ tư khác nhau, chả ai truyền thụ cho ai. Vì không đọc được chữ Ba Tư đến nỗi đến đời Thạch giáo chủ thứ ba mươi hai thì bị các cao thủ Cái Bang xâm nhập Tổng Đàn như vào chỗ không người, ăn cướp một lúc mất cả sáu thanh Thánh hoả Lệnh, thành ra một Giáo mà không có Lệnh thì cũng chỉ lờ mờ. Qua đời thứ ba mươi ba là giáo chủ Dương Đỉnh Thiên, lúc vị này “tẩu hoả nhập ma” chết đi thì lại ba bè bẩy mối phân hoá chia rẽ, chả ma chịu ma nào ? Nhờ tài thông minh và nhân ái giáo chủ đời thứ ba mươi tư là Trương Vô Kỵ mới hàn gắn đoàn kết lại được thành một khối.
 
*
Hai vị nội ngoại phó giáo chủ phát biểu xong thì Đại Minh Vương Hàn Sơn Đồng cũng nhân dịp đứng lên nói tiếp:
- Nước chở thuyền, nhưng nước cũng làm chìm thuyền, cái đạo lý này thì ai ai cũng rõ mồn một. Đạo với Đời có khi là một, nhưng cũng có khi lại là hai, phải tuỳ lúc, tuỳ thời điểm và tuỳ hoàn cảnh, không cứ phải bo bo cố chấp. Mà sự đời cứ cố chấp là hỏng, chả hạn như thời nhà đại Đường, Lý Thế Dân lúc còn Đông chinh Tây thảo, thì có đích thân mời những vị cao tăng cao thủ chuà Thiếu Lâm tham dự trận mạc với triều đình để sớm thống nhất sơn hà. Khi toàn cõi qui về một mối, thì nhà vua trả công cho nhà Chuà [phái Thiếu Lâm] ai ra làm quan thì làm, ai tu trì thì cứ tiếp tục tu trì. Triêù đình trả công cho chuà Thiếu Lâm tịnh tài [là tiền mặt ngân lượng] và vật tư vật công như gạch đỏ ngói xanh để xây chuà xây bảo tháp, và kể như xong. Đạo ra Đạo và Đời ra Đời? Ai là đại sư... thiền sư thì cứ như thế, ai là Nguyên Soái, Thượng tướng quân thì là quân tướng cuả triều đình. Dù Chuà mang danh là chuà Đại Tướng Quốc thì cái ông đại tướng này đại diện cho nhà vua thí phát đi tu, lúc đó là sư cụ chứ không phải là vừa làm Đại tướng vừa làm nhà Sư. Trong lúc toàn dân, toàn quân, toàn tôn giáo đứng chung với nhau góp toàn lực để chống ngoại tộc là nhà Nguyên Mông Cổ cai trị, thì chúng ta có thể lẫn lộn Đạo và Đời, nhưng nếu mai mốt đáo mã thành công, thì vị nào ở cõi Đạo nên trở về vơí cõi Đạo, vị nào ở cõi Đời thì nên ở lại vơí cõi Đời. Chứ Đạo trộn vào Đời, Đơì trộn vào Đạo thì hết sức nguy hiểm. Khi đó kẻ nắm quyền Đạo trở thành Vua quan để nắm quyền Đời, bá tánh tha hồ mà chết oan, tha hồ mà lầm than đói khổ, tha hồ mà chết không kịp ngáp, tha hồ mà tự do về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Và Thái Minh Vương Từ Thọ Huy cũng lên tiếng nhân hậu như sau:
- Ai đi tu thì cứ việc đi tu, ai làm quan thì cứ việc làm quan, ai làm dân cày thì cứ làm dân cày, cái hoàn cảnh một người mà kiêm nhiệm làm cả ba thứ một lúc thì chỉ có thời đại loạn xà bần như bây giờ mà thôi. Nếu đòi lại được chính quyền trong tay người Thát Đát, thì chúng ta ai việc gì thì làm việc đó, không nên bao cấp ôm đồm dẫm chân vào người khác để làm cái chi cho mất thì giờ, y như trong pho truyện “lục súc tranh công” vậy, con chó giữ nhà con mèo bắt chuột, con ngựa kéo xe, con trâu kéo cày, con gà gáy sáng, con heo con dê ăn cho mập ú để chờ ngày giết thịt?

Bạch Mi Ưng Vương cũng góp tiếng nói cho vui vẻ cả làng cả xóm:
- “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, quý hồ tinh bất quí hồ đa”,  nếu người Mông Cổ Mông Đít biết thân biết phận “an phận thủ thường”, chỉ ngày ngày chăn dê chăn cừu trong thảo nguyên, bắn chim điêu ngoài đại mạc, thì thiên hạ đâu có đại loạn như ngày hôm nay! Mà thôi hết loạn thì tới an, hết an thì tới loạn, chuyện cuả đất cuả trời, làm con người thì cũng chấp nhận cái luật này mà thôi!  
 
chuvươngmiện

READ MORE - HỌP GIAO BAN NGÀY – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện