NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC
VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (2)
Trương Ngọc Bỉnh,
Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng,
Khóa 5, 1964 – 1968.
Một con người mang bệnh hen phế quản, từ lúc lớp Nhì ... cho đến học Hải Lăng, ra Nguyễn Hoàng rồi vô Huế học Sư phạm …, cả đến lúc ra trường, bệnh hen vẫn đeo đuổi bên tôi như hình với bóng! Thế mà hồi gia đình sơ tán vào Đà Nẵng - Dân thành phố Huế cũng sơ tán, tất cả các Trường học đều đóng cửa! Đêm đêm chỉ có xe quân sự hú còi tuần tra các con phố chính: Trần Hưng Đạo , Chi Lăng, Lê Lợi lên Ga Huế, về Đập Đá ... Hỏa tiễn 122 ly vẫn dồn dập xoèn xoẹt vút trên bầu trời từ hướng Nam Hòa lao xuống Mang Cá, Tây Lộc - nơi có BTL Tiền phương Sư đoàn 1! Quân Giải phóng đã tới bờ Bắc Sông Mỹ Chánh! Căn cứ Baston và Chi khu Nam Hòa (Tây Huế), chưa cứu được mình, đang trong ngàn cân treo sợi tóc! Mấy Lữ đoàn: 147, 258 và 369 đang ém quân từ Cầu Vân Trình, có trục lộ 49 chạy ra Tháp Một (thuộc địa phận Thừa Thiên), rồi mới gặp các làng xã Xuân Viên, Diên Khánh, Hải Ba, - Dương … Một hướng rẻ phải về Nhà thờ Tháp Đôi, xã Điền Lộc, Hải Nhuận, phá Tam Giang... lên dọc thị trấn Ưu Điềm, Phong Hòa, Mỹ Chánh... có dịp về mà xem Thành phố Ma của con cháu vượt biển về báo hiếu! Tập làm P V chiến trường, hâm lại một tí!
Trở lại chứng bệnh và việc học hành của tôi. Có ai ngờ đâu? Khi dân Thành phố Huế lục tục từ Đà Nẵng trở về, các Trường học bắt đầu mở cửa cũng là lúc Khóa 2, Sư Phạm Huế thi Tốt nghiệp ra trường. Phạm vi tuyển sinh từ Tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam) ra tới Quảng Trị, còn từ Quảng Ngãi vào học ở Quy Nhơn! Tôi đã tốt nghiệp Thủ khoa, Khóa 2, ngày 27.6.1972 với hơn 150 giáo sinh và tôi ở lại Huế ngao du thắng cảnh các lăng tẩm, Đại Nội ... với chiếc Honda Dame đỏ SS 50 của Bác Họ, tôi vượt đèo Hải Vân ra Huế ở lại để thi Tốt nghiệp và Tú Tài Phần 2, ngày 05-7-1972 và đổ luôn. Trong vòng đúng 10 ngày. Hồi đó còn thi viết chứ không phải ABC khoanh, IBM! Một nổ lực của bản thân, bóp còi qua mặt các bạn cùng khóa là dân Quốc Học, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương … cũng phải nể mặt dân Hải Lăng, Nguyễn Hoàng! Nói trạng, nói khoác một tí các bạn nghe - nhưng có thực để mà nói là một điều bất thường! "Thắng mình là một chiến thắng vẻ vang nhất!" có phải như vậy không các bạn?
Một kỳ thi nghiệt ngã nhưng đầy tự hào của các sỹ tử tí hon!
-Khoảng 90°/° số học sinh tốt nghiệp bậc Tiểu học xuất thân là con em nông dân, đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Hằng năm, bão lụt thường xuyên ập tới đe dọa. Mùa màng thất bát, Có năm dân đồng bằng lên mua sắn củ của dân tộc Hướng Hóa, Khe Sanh, Cùa... hoặc vô rừng hái dây búng, trái trắc mao, dom, bứa, hột sót... về Chợ Diên Sanh hay Mỹ Chánh bán, đổi lấy gạo xô, gạo tạ! Trong số con em đó, có nhiều người hiếu học, học khá giỏi hoặc đã lớn tuổi, một số đã không có xe đạp đi lại, chủ yếu là cặp giò và đôi dép "Nhật" mỗi bên chỉ con lưu luyến vơi nữa bàn chân phía trước! Tôi còn nhớ Ba tôi đã gọi bạn chuyên làm "Xáo" đến để mở "chồ". Một đống lúa ngất ngưỡng như cái nón khổng lồ mà chỉ mua được một chiếc xe đạp sườn ngang với gía 800 đồng, năm 1963. Hồi đó mấy ai có được cơ hội ra học trường quận cách xa nhà > 15 < km. Thế nhưng được vào - bước qua cổng trường Trung học Công lập Hải Lăng ví như "Cá vượt vũ môn", là niềm tự hào và vinh dự cho bản thân và gia đình. Hằng năm cứ vào đầu tháng Bảy, có kỳ thi tuyển đầu vào lớp Đệ Thất. Thời đó, các bậc phụ huynh còn bị ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp thuộc còn sót lại. Nhiều cụ đã đi học và đỗ đạt bằng Yếu lược,Tiểu học hoặc họa hoằn lắm mới có cụ đỗ Diplôme (Trung học)! Họ sính dùng Tiếng Pháp trong đàm đạo hằng ngày và gọi kỳ thi này là thi "Càng cua", nguyên ngữ Tiếng Pháp là "Concours", từ đó, từ ngữ này được thông dụng, kể cả mấy chị em ngoài chợ cũng thông thạo và xài luôn! Học sinh trúng tuyển đầu vào lớp đệ thất gọi là "bẻ càng", ai trượt vỏ chuối coi như "gãy càng". Vậy, số con em "bẻ càng" là bao nhiêu? Và số còn lại "gãy càng" đi đâu? làm gì?
Trước khi đi tìm các ẩn số nêu trên, người viết xin ngược dòng thời gian, lùi sâu vào lịch sử, mạo mụôi trình làng những điều mình biết để nói lên mạng lưới trường lớp của quận Hải Lăng thời đó:
-Đơn vị hành chánh cấp quận và tên gọi "Quận" thay cho "Phủ" hoặc "Huyện" trong toàn vùng Pháp tạm chiếm vào cuối năm 1953. Thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa (Ngô Đình Diệm, 1956 - 1963 ), ở miền Nam Việt Nam, vào năm 1960, quận Hải Lăng có 22 xã. Mỗi xã có một trường Tiểu học, có xã có 2 trường (Hải Thọ). Trong số 22 xã, có 5 xã vùng ven, áp sát thị xã Quảng Trị: Hải Thựơng, Hải Lệ, Hải Phú, Hải Quy và thị xã Quảng Trị. Số học sinh 5 xã này, dự thi càng cua vào trường Nguyễn Hoàng ở thị xã Quảng Trị. Số gãy càng - nếu gia đình khấm khá và có nhu cầu cho con em học tiếp mới vào học các trường Bồ Đề và Thánh Tâm cũng ở thị xã Q.Trị. Như vậy còn lại 17/22 xã, mỗi xã có một lớp Nhất, bình quân 50 em /1 lớp. Tổng số 850 em mà chỉ có một kỳ thi tuyển một lớp Đệ thất! Tỉ lệ chọi là 1/15! Đối với những sỹ tử tí hon "lều chõng" ngày ấy, sáng sớm mở mắt chỉ thây ao làng, con trâu, giếng nước và cánh đồng ngút ngàn tầm mắt đến thế! Hôm nay ngày thi, lại từng tốp 5, 7 đứa từ các ngõ xóm, qua khỏi cổng làng, rảo bước tòng teng, lặn lội đổ về trường quân để "so găng" đấu trí. Sáng: Làm văn (loại giải thích, so sánh hoặc bình luận); chiều: Toán pháp (gồm các kiểu đề: động tử xe, vòi nước, số học kết hợp số học, hình học...). Một kỳ thi quyết định tuổi thanh xuân đang vẫy gọi phía trước!
Với một lực lượng vị thành niên dôi dư không mấy may mắn còn lại ở các làng xã khoảng > 700 < em (đã khấu trừ 200 em vào học các trường Tư thục; Minh Đức (Diên Sanh), Tân Dân (Hải Chánh), hoặc vào hệ Bán công Hải Lăng - có chung cơ sở với Công lập), đành đoạn ở nhà phụ việc đồng áng, công việc nhà; nữ thì học nghề may, chằm nón lá hoặc ra thành thị giúp việc … Đến lúc con trai thì vai u thịt bắp, trổ tiếng ồ ồ như vịt đực; con gái đến tuổi dây thì "ra mả" thiếu nữ! Bẳng đi một thời gian sau lũy tre làng, nghe nói bị "chuồm nhánh nè" với cặp cá tràu và bó chè Lương Điền, Mỹ Chánh, Tân Lâm... to chà bá rồi! Hoặc đã mang dép râu, nón cối … hay đầu quân trước tuổi với nón sắt, giày sô (botte de saut) ...
(Còn tiếp)
Trương Ngọc Bỉnh
No comments:
Post a Comment